Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Truyện ngắn của Trần Huyền Trang: Lấp lánh

Truyện ngắn của
Trần Huyền Trang: Lấp lánh

Q nói, nếu em được một lần chiêm ngưỡng bức tranh ấy, thì suốt phần đời còn lại sẽ không uổng phí. “Ông ấy cũng ghê thật, nghe đâu nhờ bức tranh giấu kín ấy mà ngày càng trở nên kì bí”. Q phà khói thuốc, chốt hạ vấn đề khiến Ngà không khỏi tò mò.
Ngà quyết định rồi,  Ngà sẽ khăn gói lên chỗ đó. Cô muốn tự mình khui ra những bí mật đằng sau bức tranh có vẻ như đang được thổi phồng kia. Cô không tin rằng một bức tranh của ông họa sĩ già nơi hẻm núi xa xôi nào đó, lại có thể đánh bật cả những bức họa danh tiếng khác, khiến giới sưu tập tranh luôn khao khát, giới cầm cọ thì lại được phen ganh tỵ ra mặt – như lời Q nói.
Từ ngày mới chập chững cầm cọ, Ngà đã nghe danh tiếng ông ấy, đã thấy khuôn mặt giấu sau cặp kính đen, và bộ râu quai nón kéo vòng hai cằm bạnh, cùng chiếc mũ bê rê màu huyết dụ. Có lần Ngà bắt gặp hình ảnh ấy trên một mẩu giấy báo gói ổ bánh mì. Một bản tin giới thiệu cuộc triển lãm tranh của ông. Cô vội vàng gỡ ra, lau sạch, cất vào cuốn sổ tay. Ngà lẩn thẩn nghĩ về sự nổi tiếng và cái đắng chát phía sau. Ừ, biết đâu sau này Ngà thành họa sĩ nổi tiếng, cũng sẽ có lúc hình ảnh và tin tức về Ngà nằm im lìm đâu đó cùng mẩu giấy gói bánh mì, gói xôi? Sự nổi tiếng của một ai đó, có khi lại được người khác tiện tay dùng vào việc gói ghém, hơn là để tôn thờ, ngưỡng mộ. Như tia nắng ngoài con phố kia, lấp lánh dưới vòm lá, rồi phụt tắt nhanh như chớp mắt bởi những quầng mây xám nặng trĩu che ngang.
Ngà không có nhiều tiền. Gia tài của cô chỉ là một phòng tranh nhỏ với vài bức tranh quý giá của các bậc tiền bối mà cô yêu quý. Những bức tranh ấy, có khi cô dốc cả nửa năm lương để rinh về. Còn lại hơn nửa là tranh Ngà được thuê chép lại từ các tuyệt tác của Van Gogh. Những Starry Night, Iris, Sunflowers, Café Terrace at Night, Potrait of Doctor Gachet,  Almond Blossom 1890…
Những bức ấy, khách trầm trồ trước tài sao chép chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Kể ra, số tiền Ngà thu được có thể giúp cô thuê một gallery rộng lớn hơn giữa trung tâm phố, mặc sức cho cô treo những bức vẽ mang tên mình. Nhưng cuối cùng, Ngà chẳng có gì. Ngà kiên quyết giữ lại tất cả những bức tranh mình sao chép, đền cọc cho khách. Rồi hôm nọ, sau cơn choáng váng vì một ly vang đỏ của Q – người anh trong nghề mời, cô đốt sạch. Màu tranh, khi đốm lửa cuối cùng phụt tắt, cũng chỉ còn lại màu của tàn tro.
Phải là của mình, đồ ngốc ạ! Dù có xấu xí thô kệch nhưng vẫn phải là của mình. Những kẻ chép tranh, mãi mãi chỉ là những kẻ chép tranh. Anh khinh! Mà không phải chỉ mình anh khinh. Cả cuộc đời này cũng sẽ nhìn em như thế, như thế đấy, biết không?
Mỗi một ngày Q ghé qua chỗ Ngà, là “biết không?”. Một tuần “biết không?” như thế, Ngà cảm giác mình sắp chết ngạt đến nơi. Q thúc “Còn không mau đi tìm ông ấy. Nếu không, em sẽ phải hối hận. Thật! Ông ta là chân ái của bọn họa sĩ, tất thảy!”.
Ngà không biết rồi mình sẽ được mở mang, khai quang những vùng tối u ám trong tư duy thị giác của mình hay không. Nhưng cô phải đi.
Giọng ông họa sĩ thốt nhiên mừng rỡ khi nghe Ngà trình bày lí do cô đến tìm ông. Và có vẻ để giảm bớt sự bất tiện về đường sá, ông bảo cô hãy đến khách sạn Yên nép dưới chân đồi. Cô chưng hửng, rồi nằng nặc đòi ông tìm một quán cà phê, nhỏ cũng được, đương nhiên có người. Nhưng ông cứng rắn:
– Không được. Cô biết đấy, tuyệt tác của tôi đâu thể xem một cách tùy tiện. Nếu cô thấy bất tiện, thì thôi nhé!
– Này ông, xin hãy khoan…
Q thủng thỉnh lắc đầu, nhếch mép cười nhẹ khi Ngà đề nghị anh đi cùng mình. Ừ thì thôi, Ngà đi một mình. Q chụp định vị chỗ của ông họa sĩ, tận tình chỉ Ngà điểm đi và điểm đến. Những con đường ngoằn nghoèo đất đỏ như giun bò giữa rừng thông. Q nói, em không hứng thú ư? Bạn anh từng đến đó, cắm chốt bao nhiêu ngày chỉ vì bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của những thứ không rõ hình thù ấy.
– Rồi bạn anh có gặp ma không?
Q quắc mắt nhìn Ngà như cô vừa rơi từ hành tinh khác xuống.
– Em thực tế xíu đi! Dân vẽ là phải biết hòa mình vào thiên nhiên, con người. Hai thứ đó, nếu em không để tâm hồn mình tan vào, sẽ không thể nào phết nổi một vệt màu nào ra hồn!
Ừ nhỉ, phải tan vào con người, tan vào…
Cô gọi ông lần thứ hai khi xe khách thả cô nơi chân đồi.
“Khúc này, ngoài người địa phương ra, không tay xe ôm nào có thể biết rõ đường. Cô gọi người quen cho chắc nhé!” Tay lơ xe đẩy chiếc mũ lưỡi trai đã bạc thếch, cẩn thận dặn dò khi cô bước xuống. Sau lớp khẩu trang dày cộm che gần kín mặt kia, có thể là một gương mặt bặm trợn nào đó. Nghề này, hiền quá không được, như lời anh ta vừa nói vừa cười khùng khục lúc cô tỏ vẻ hãi hùng vì bị túm va li quẳng lên baga. Rồi anh ta cũng sẽ túm mình quẳng khỏi xe giữa đường chăng? Ngà giữ thái độ hoài nghi suốt quãng đường xe chạy, từ lúc mới rời khỏi bến xe nhộn nhạo đến khi lướt qua những phố núi chìm trong cơn ngái ngủ. Đến khi chân chạm vào miền đất của thông reo, của sương mù bảng lảng, da thịt run lên vì cái lạnh hỗn hào táp thẳng mặt, Ngà mới biết mình vừa ra khỏi một nỗi sợ rất bản năng.
Đứng dưới đồi nhìn lên những vòm cây dày đặc bên trên, Ngà lại lọt thỏm vào nỗi sợ thứ hai.
Lần này, bắt máy là giọng một chàng trai. “Ba tôi ngủ rồi. Cô biết đó, người già thường ngủ muộn và ngủ ngon vào lúc trời gần sáng”.
Thật may là ông để máy ngoài phòng vẽ và không tắt nguồn. Và cũng thật may cho cô là tôi có việc đi ngang qua phòng vẽ của ông. Nếu không, vất vả cho cô lắm!
Liêu chở cô đến một quán cà phê mở sớm bên triền dốc. Ánh điện không quá chói sáng. Cô chủ nói người ở đây thích chờ những tia nắng đầu tiên nguyên sơ trồi lên từ đồi thông, nên quán chỉ bật một vài bóng đèn nhỏ đủ để khách không phải mò mẫm ly cà phê nóng hổi trên bàn.
Liêu hỏi:
– Cô không sợ điều gì ư?
Ngà hơi chột dạ:
– Sợ… điều gì?
– Sao cô lại hứng thú với tranh của ba tôi?
Liêu chiêu một ngụm trà, thả ánh mắt qua bên kia đồi thông. Giọng anh như pha chút khói sương xứ này, phà vào Ngà một làn hơi lạnh buốt.
– Nhiều cô gái đã đến đây, cũng trẻ như cô.
– Rồi sao nữa?
Liêu cười nhẹ:
– Không phải ai cũng biết thưởng thức những vệt màu kì quái của ba tôi.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Ngà nói, cô chỉ cần gặp ba anh để xem qua bức tranh, bức “Lấp Lánh” gì đó. Rồi cô sẽ về ngay chiều nay. Biết đâu cô sẽ vỡ ra được điều gì đó hay ho, học được thứ gì đó cần phải cầm cọ lên thực hành ngay lập tức. Trong mắt cô, nhìn đâu cũng thấy màu, kể cả khuôn mặt Liêu. Lẽ ra anh có nên có làn da trắng của người xứ lạnh. Nhưng thốt nhiên, Ngà giật thót khi ánh mắt chạm phải khuôn mặt Liêu khi đó – mặt Liêu màu trầm buồn của vỏ thông. Mắt Liêu lại càng u tối hơn nữa, dù lúc Liêu đưa cô đến khách sạn Yên như đã hẹn với ba anh, trời đã ửng những tia nắng thật đẹp, sáng trưng ngay chân đồi.
Căn phòng Ngà thuê rất nhỏ. Cô mở cửa sổ, reo lên khi thấy những đốm trắng li ti trên mặt một chiếc lá cây sà vào song cửa.
– Hoa ưu đàm, là hoa ưu đàm đó!
Liêu lại gần chiếc lá. Những đốm nhỏ lay nhẹ, long lanh như sương. Nó rất đẹp. Những tia nắng mơn man bên ngoài khiến chúng trở nên huyền diệu hơn bao giờ hết.
– Cô chắc đây là hoa ưu đàm ư?
– Tôi từng nghe kể về loài hoa ba nghìn năm mới nở. Có vẻ như hoang đường nhỉ. Nhưng rõ ràng, tôi thấy mình may mắn!
Ông đến, lộ rõ dấu hiệu bệ rạc thường thấy của người già. Đôi mắt sụp thi thoảng nhíu nhíu khó nhọc ấy như mắc kẹt trong những nỗi niềm sâu thẳm. Một người già thường sẽ không câu nệ vẻ ngoài. Ông cũng vậy. Ông chừng như còn xuề xòa hơn, kiểu người đã lâu rồi chưa từng phải tiếp xúc một người nào xa lạ. Sự mừng vui hiển lộ rõ trong giọng nói run run:
– Chào cô gái! Xin lỗi vì tôi đã ngủ quên. Chắc cô không ngờ đâu, tôi suy nghĩ về cuộc gặp này đến gần sáng và rồi ngủ quên mất.
Ngà giữ giọng điềm tĩnh.
– Dạ, không sao! Cảm ơn vì ông đã đến! Nhưng tôi chỉ có rất ít thời gian, mong ông hiểu cho!
Ông chậm rãi cởi mũ, đặt chiếc túi vải đã sờn xuống bàn. Ông nhìn Ngà, cười nhẹ:
– Thôi nào! Đừng bỏ phí cơ hội chiêm ngưỡng tuyệt tác của tôi chứ. Cô đã không phải mất tiền để xem nó mà!
Ông đóng cửa phòng, để đảm bảo rằng không ai có thể xem tranh của ông ngoài cô. Ông nói rằng không phải ai cũng có khả năng thấu cảm vẻ đẹp trác tuyệt của nghệ thuật.
Đó là bức tranh vẽ một phụ nữ. Khuôn mặt đẹp như khuôn trăng, tươi sáng, nõn nà. Tóc mềm lả lướt rơi qua đôi vai thon gầy. Khuôn ngực bầu bĩnh căng tràn nhựa sống. Làn da cô mượt mà như hoa hồng đang độ mãn khai. Ngà nhìn chăm chú lên bức tranh. Người phụ nữ cũng nhìn Ngà. Từ mắt ấy, hai vệt màu đỏ loang ra, thẫm tối.
– Thế nào? Trác tuyệt phải không, cô gái?
Ông nói, cô thấy không, thiên tài như Van Gogh cuối cùng cũng chỉ tự mình bán được độc nhất một bức tranh. Một bức thôi, nhưng sẽ là vô giá. Cả cô và cả tôi, rồi sẽ có một thứ vô giá…
Lúc này, tiếng ông như tiếng gió rít vào tai Ngà, ngày càng áp sát hơn, như đi vào từng tế bào, khiến Ngà suýt tê liệt. Cô cảm nhận được một khối hơi lạnh đè lên mình khiến cô không thở nổi. Ngà cố hết sức vừa đỡ khối lạnh ấy đang trút lên mình, vừa rút điện thoại trong túi áo ra. Cũng là lúc cô thấy mình đang rơi vào một vùng lạnh toát.
***
Liêu nắm tay cô, siết nhẹ. Mắt Liêu ứ nước.
– Cảm ơn cô đã không bỏ mặc ba tôi!
Ngà mỉm cười. Thật ra, người cô cần phải mang ơn là anh. Anh đã không rời đi khi cô gặp tình huống khó khăn nhất.
Liêu chậm rãi châm thuốc, thu dọn những lọ màu mà ba anh vứt tung tóe trong phòng. Những lọ màu đã cạn đáy, có lọ khô mốc. Toan, cọ vẽ…đã bị ông bẻ gãy nằm chỏng chơ.
Liêu rít một hơi dài. Sau làn khói thuốc, những  cơ mặt anh đang nhíu lại. Cô nghe rõ tiếng thở dài sượt qua tai mình, dài như thể nó đã bị mắc kẹt quá lâu trong hầu họng, giờ có cơ hội là nhảy chồm ra thôi.
Ngà trở lại bệnh viện. Chỗ ba Liêu nằm có một khung cửa sổ lớn trổ ra hướng công viên nhỏ trong bệnh viện. Cửa sổ luôn luôn mở nhưng hầu như không bệnh nhân nào thèm ngồi dậy ngó ra ngoài. Họ đều là bệnh nhân đã trải qua cơn thập tử nhất sinh giống ba Liêu.  Hôm xem tranh, cơn xúc động mãnh liệt vì lần đầu có người thật sự chìm đắm trước bức tranh “Lấp Lánh”, ông vui quá và đột ngột lên cơn đau tim. Rất may, Ngà và Liêu đã kịp thời đưa ông đi cấp cứu.
Liêu lặng lẽ bọc kín bức tranh, cất sâu trong tủ. Giờ phút này, anh chỉ ước ba mình có thể quên đi những vệt màu, những đường nét mê hoặc đã khiến ông chìm đắm cả phần đời, đánh mất tuổi trẻ và hạnh phúc để đổi lấy chút tiếng tăm hư ảo. Tuổi trẻ của ông luôn ngập trong màu sắc, mẫu, những lời tụng ca, các cuộc triển lãm, những chuyến đi… Mẹ anh và anh, suy cho cùng, chỉ như một khung toan để ông phóng màu. Chỉ đến khi mẹ Liêu mất, ông hốt hoảng vẽ lại chân dung bà bằng thứ kí ức nhạt nhòa. Thứ kí ức đó, mỏng đến mức ông không thể chạm vào. Lúc này ông mới nhận ra điều đẹp đẽ nhất trong đời mình đã không còn nữa. Tuổi già ập đến như nhanh như một giấc ngủ. Những bức vẽ cập rập, rời rạc, vô tri lần lượt bị từ chối ở các triển lãm.  Những người trong giới cũng vơi dần các cuộc viếng thăm. Duy chỉ có Q còn nặng tình với người đã dẫn dắt anh ta vào nghề múa cọ. Và cũng như ông, Q xem bức tranh cuối cùng của thầy mình là kiệt tác. Nó chứa đựng tình yêu, nỗi đớn đau, dằn vặt và bất lực. Nó là những vệt màu cuối cùng của ông. Nó cần được một ai đó công nhận…
– Nhưng bức chân dung bà ấy thời son trẻ quá đẹp anh ạ!
– Thật ư? Chắc ba tôi vui lắm! Nhưng tôi… thì không!
Liêu đã ở bên bà suốt chừng đó năm. Chưa bao giờ anh thấy mẹ đẹp một cách đầy hào quang như trong bức tranh ấy. Mẹ của anh là người đàn bà tất bật với áo cơm, trầy trật với những nỗi lo rất đời. Nhưng có lẽ khi đánh mất bà, ba anh mới cảm nhận rõ tỏa ra từ mẹ là một thứ lấp lánh sáng. Sự mất mát đó đã khiến người đàn ông đào hoa năm nào rơi vào một miền mê dại. Đầu óc ông đã bị những khối màu cuộn lấy, bện chặt, không còn một kẽ hở dành cho sự tỉnh. Ông lại vẽ điên cuồng, những vệt màu chồng chéo loạn xị vô nghĩa. Ông muốn vẽ lại khuôn mặt vợ mình một cách chân thật nhất. Nhưng đau đớn thay, ông không thể nhớ nổi khuôn mặt bà đã biến đổi ra sao sau những trầm luân vất vả bà thay ông gánh vác đến cuối đời. Thậm chí, bức “Lấp Lánh” mà ông vẽ mẹ anh, nó thực sự đẹp nhưng là vẻ đẹp hư ảo. Nói đúng hơn, chỉ có vẻ đẹp của những vệt màu! Nhưng biết sao được, đó là vẻ đẹp cuối cùng mà ông có thể tạo ra.
– Này cô, mấy cái hoa ưu đàm của cô, thật ra nó chỉ là trứng của một loài côn trùng.
Ngà tròn mắt. Thật ư? Liêu gật. Thật mà! Chúng có đầy trong khu vườn sau nhà tôi. Lấp lánh!
Ngà bật cười. Suốt chuyến xe trở về, cô chỉ nghĩ về loài côn trùng và những chùm trứng lấp lánh. Cô đã muốn vẽ chúng.
Nhưng kỳ lạ thay, vẻ đẹp ấy lại không thể lấp lánh sau những vệt màu.
20/8/2023
Trần Huyền Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...