Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Xin đừng trích rời những câu thơ nguyên bản

Xin đừng trích rời những
câu thơ nguyên bản

Tọa đàm thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga vừa diễn ra tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang ngày 7.7.2023 xung quanh 2 tập thơ của cây bút nữ sinh năm 1978 đáng chú ý này: “Cắt dọc mùi hương” (2022) và “Nguyên bản xanh” (2023) đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Xin chúc mừng nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga và trân trọng giới thiệu một trong những tham luận tại tọa đàm của nhà thơ Nguyễn Thanh Hải về tập thơ mới “Nguyên bản xanh”.
Bìa tập thơ “Nguyên bản xanh” của Huỳnh Thị Quỳnh Nga
Tôi biết Huỳnh Thị Quỳnh Nga đã lâu. Đọc thơ Nga từ lúc kết bạn với nhau trên Facebook (cũng không nhớ rõ đã mấy năm rồi, Nga nhỉ?). Hồi ấy tôi đọc và phát hiện, sao trong thơ Nga sử dụng nhiều “xanh” thế! Nga chỉ cười “Em thích xanh mà!”. Thỉnh thoảng chúng tôi hay nhắn tin hỏi thăm, chuyện trò với nhau đôi ba câu. Về sau, lần lượt tôi được Nga tặng các tập thơ “Trăng phục sinh”, “Cắt dọc mùi hương”. Nói thật, khi đó thơ của Nga chưa thật sự gây ấn tượng mạnh với tôi, khi tôi vẫn thường xuyên bắt gặp Nga cứ lặp đi lặp lại điều mà Nga thích: Xanh! Nhưng tôi vẫn luôn đọc và dõi theo Nga. Thấy Nga từng bước từng bước thay đổi phong cách, bứt phá, chinh phục người yêu thơ bằng cái tài “phục sinh” con chữ của mình. Thế rồi, Nga đã chính thức gây dấu ấn trên thi đàn vào cuối năm 2022 qua Tặng thưởng thơ do Tạp chí Sông Hương trao tặng. Và đầu năm 2023 này, nàng thơ sông Tiền càng khẳng định mình hơn qua tập thơ “Nguyên bản xanh”.
Đây là tập thơ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023 và là đứa con tinh thần thứ ba trong bước đầu sự nghiệp văn chương của Nga. Tập thơ tập hợp 94 bài thơ chọn lọc, được chia làm 3 phần lấp lánh: Trôi trên vị gió, Mưa mộc hương và Những hợp âm trổ hoa. Ôi những con chữ, sao mà tài hoa thế!
Tôi bắt đầu thưởng thức “Nguyên bản xanh” bằng cái cách mà tôi hay làm. Tức là đọc đến câu hay đoạn thơ nào mà tôi thấy hay, thích, tôi sẽ tô đỏ. Để sau khi đọc xong, nếu có cảm hứng, tôi sẽ viết một cái gì đó. Thì ít nhất những phần tô đỏ ấy sẽ giúp tôi nhanh chóng trong việc trích dẫn minh họa vào bài viết của mình. Thế nhưng lần này có vẻ hơi khó. Bởi vì, ngay khi đọc tiêu đề phần một: “Trôi trên vị gió”. Vị giác của tôi đang còn lâng lâng, đang còn chưa kịp thưởng thức hết cảm giác mới lạ nào đó, thì Nga đã thật sự làm cho tôi lung túng và bị hớp hồn khi đọc bài thơ đầu tiên “Trên ban công”. Tôi không thể tô đỏ câu hay đoạn thơ nào. Bởi vì có quá nhiều câu chữ lấp lánh, ẩn hiện như liêu trai: “phía đôi mắt em nâu”, “Bay về phía tôi mùi hương thánh nữ”, “Từng khóm gió tỏa hương”, “nghe mùi lụa tinh khiết”, “từng sợi khói xanh như mộng”, “phía những hạt chuông xa”,… không thể tách riêng ra khỏi bài thơ này. Không ai nỡ “bạo hành” một “cô gái đẹp” như thế. Thôi thì, xin trích luôn cả bài thơ vậy.
“Những ngôi sao bắt đầu rạng
Từ phía đôi mắt em nâu
Em khơi trầm
Bay về phía tôi mùi hương thánh nữ
Những khái niệm không còn là gì
Trong ngôi nhà mở toang cửa sổ
Từng khóm gió tỏa hương
Tôi nghe mùi lụa tinh khiết
Choàng qua vai em
Mùa Thu vàng nóc phố
Em buông từng sợi khói xanh như mộng
Dịu dàng về phía những hạt chuông xa
Tôi ở đây
Chẳng thể là hôm qua
Thắp bàn tay lên nhau nghe những đường vân ấm
Thành phố mềm như nốt lặng
Ngọt và say như ly vang
Hãy là hôm nay
Đừng để ngày mai
Khi tiếng sẻ nâu trên ban công nhà em dậy thức
Chúng hát cùng nhau ngẫu khúc
Về tình yêu …
Và lòng bao dung!.
Thế là giữ tinh thần không trích rời nữa, tôi đọc một mạch 35 bài thơ trong phần một. Đúng là thơ của Nga thay đổi nhiều quá! Nga sử dụng rất nhiều từ ngữ mới lạ, hay và ấn tượng như: “em khơi trầm”, “triền mi xưa”, “đêm âm bản”, “khóm gió tỏa hương”, “mùi lụa tinh khiết”, “khói xanh như mộng”, “hạt chuông”,… mà tôi không thể liệt kê ra hết được. Nga đã đưa người đọc “trôi trên vị gió” một cách say đắm cùng con chữ của mình. Những bài thơ rất mới, rất ấn tượng và rất Quỳnh Nga như: “Trên ban công”, “Chiếc táo xanh và những linh cảm tan ra”, “Phía khu vườn bạch lạp”… rất Tây mà cũng rất Ta. Tôi đồ rằng nàng thơ này chắc là đã đọc rất nhiều sách nước ngoài rồi đây. Cùng với những bài thơ mới lạ, “trôi trên vị gió” vẫn còn đan xen những bài thơ vần điệu, thơ 4 chữ như: “Trên đồi hoa vàng”; Thơ 5 chữ: “Phù sa xanh”, “Giấc mơ chiều châu thổ”, “Mỹ Tho bình minh phố”, “Về trong gió thơm”, “Qua phố”; thơ 6 chữ như: “Qua vùng ban mai”, “Khúc hạ xanh”, “Về đây ru hạt mưa xanh”, “Mùa niệm xanh”… Đặc biệt nàng thơ còn gửi trọn tình cảm của mình “Viết cho con trai” một bài thơ thật dài với đề tặng “Nhân những ngày đầu tiên con bước vào niên khóa 2019-2020 lớp 12A1 sẽ mãi là ký ức đẹp đẽ một thời thanh xuân của con trai PTĐ” đầy tình cảm và thiện nhân của người mẹ.
Lại nhắc lại cái điều mà Nga thích: Xanh! Tôi cũng có ý muốn test thử xem như thế nào. Ồ! Nga vẫn còn thích “xanh” thật! Nếu đếm không sót thì có đến 62 lần Nga sử dụng từ “xanh” trong 35 bài thơ ở phần này, tính ra trung bình gần 2 lần/bài thơ. Đặc biệt có tới 8 bài thơ mà trong tựa đề có nhắc đến từ “xanh”: “Chiếc táo xanh và những linh cảm tan ra”, “Ban mai xanh”, “Đêm màu xanh”, “Khúc hạ xanh”, “Phù sa xanh”, “Nghe mùa Thu rụng đầy gió xanh!”, “Về đây ru hạt mưa xanh”, “Mùa niệm xanh”. Không biết vô tình hay cố ý mà Nga “kết” với “xanh” nhiều đến như vậy. Tôi hơi lo. Điều này có làm nên “thương hiệu” “Nga xanh” hay là “lặp lại Nga” đây?
Nhà thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga với người thân, đồng nghiệp tại buổi tọa đàm thơ.
Các bài thơ trong hai phần còn lại “Mưa mộc hương” và “Những phúc âm trổ hoa” cũng đan xen những bài thơ mới, hiện đại với những bài thơ có vần, thơ 5, 6 chữ và những bài, chắc là Nga đã viết trước đó. Nhiều bài thơ mê thức tôi như bài “Mê khúc tháng chín”:
Những con đường
Phẳng như màn hình 4.0
Ngày ta chạm vào mê khúc tháng Chín
Khóm cung ngữ ngôn vô hình dậy thức
Cuống xoắn xít vòng quay
Những ý niệm vô thưởng vô phạt
Chưng cất trong một chiều đỏ lửa
Ta thấy em – khóm gió bào ảnh
Ẩn cư trên chiếc đĩa di phóng
Điều khác biệt là gì
Khi tâm thức như mùa Thu hoài nghi
Ta vẽ lên một loài hoa ngũ sắc
Nở trong đêm cầu vồng di căn
Em không về mùa thánh kinh
Nghe những đường sen đã cạn
Đoàn người qua chân cổ tháp
Uống cạn nguồn cổ phong
Mặt trời Chân Lạp. Cuộn ta trôi…
Em biết không.
Kinh thành là huyền sử. Thế thôi
Đọng lại giữa đồi nắng ngày tháp rũ!
Ta vẫn ước em là hạt bụi từ tâm
Rụng giữa trái tim
Một nỗi buồn rất thật
Ở đây mùa Thu tận hiến
Ta như kẻ lữ hành qua miền kinh thánh
Nghe những nụ chuông hoài hương
Vọng xanh phía chân mây huyễn hoặc!
Mê khúc tháng Chín
Tràn giai âm nguyên khôi!.
Tôi đặc biệt chú ý đến bài thơ “Trôi trên tơ chuông”. Đấy là một trong những bài thơ rất hiện đại, vừa phảng phất nét Tây Phương nhưng cũng đậm chất Đông phương, tôi hình dung Nga vừa là tín đồ của Chúa mà cũng là đệ tử của Phật. Nga đã tiết chế nhiều, ít lặp lại từ “xanh” rồi. Tuy nhiên khoảng 92 lần sử dụng “xanh” cho cả hai phần thơ còn lại thì vẫn còn khiến cho tôi để ý.
Thơ của Nga lấp lánh câu chữ, nhiều ý thơ đẹp, lạ, rất thánh nữ, rất mỹ dung. Có một nhà thơ trẻ chia sẻ với tôi: “Thơ chị Nga hay, có phong cách rất riêng nhưng chị Nga ít đạt giải thưởng trong các cuộc thi thơ là bởi vì đọc thì thấy đẹp, hay nhưng nó ít gửi gắm thông điệp hay ít thể hiện rõ ràng đề tài, câu chuyện!”. Tôi thì không hẳn nghĩ như vậy. Bởi vì trong tập thơ này, cũng có không ít bài thơ, Nga thể hiện như một lời tâm tự, một chia sẻ có cốt truyện hẳn hoi mà!
Đó là tôi cảm nhận thơ Nga. Không phải bằng lý luận học thuật mà cảm nhận bằng tâm hồn và trái tim từ góc độ người đọc. Thơ Nga hiện nay đang xuất hiện dày đặc trên các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Đó là tín hiệu cho thấy thơ Nga đang độ chín rồi còn gì! Tôi có để ý thấy nhiều lần Nga đăng thơ lên Facebook cá nhân của mình, thì ngay lập tức Nga được nhiều độc giả, nhà thơ vào comment khen tặng. Dù đó là thế giới ảo, nhưng chắc chắn Nga vẫn nhận ra đâu là những lời khen ảo, hay khen thật. Trong số đó có nhà thơ Võ Thị Như Mai đang làm việc và sinh sống tại Tây Út. Như Mai khen nức nở và ngay lập tức chuyển ngữ những bài thơ của Nga sang tiếng Anh gửi tặng lại cho tác giả, như là một món quà cảm ơn thần tượng của mình. Chẳng phải đó là những giải thưởng quý giá do bạn đọc trao tặng cho Nga rồi sao?
Khi Nga giới thiệu cùng bạn bè trên Facebook đã xuất bản tập thơ “Nguyên bản xanh” của mình, tôi có vào comment chúc mừng và đùa với Nga: “Dự là sẽ ra tiếp NGUYÊN BẢN ĐỎ, NGUYỄN BẢN VÀNG, NGUYỄN BẢN TÍM, NGUYÊN BẢN TRẮNG…. luôn nè!”. Khi đó, Nga trả lời rất dí dỏm mà cũng rất ư là “dự báo”: “Dự tương đối chính xác rồi anh, Biết đâu em ngẫu hứng phối tất cả các nguyên bản thành… NGUYÊN BẢN GỐC, hay NGUYÊN BẢN SIÊU THỰC,… thì sao há!”. Sao lại không? Với bút lực đang thăng hoa, cộng thêm nét tài hoa đã có, tôi tin những NGUYÊN BẢN mà Nga trả lời ngẫu hứng ấy cũng sẽ khả thi lắm, phải không, Nga!.
Cái Bè, 20/6/2023
Nguyễn Thanh Hải
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải thì đút trong túi. – Kịch sĩ. ...