Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Bấm xuống thời gian chút ngậm ngùi, lắng đọng

Bấm xuống thời gian
chút ngậm ngùi, lắng đọng

Thoạt nhìn cái tên sách “Bấm chân qua tuổi dại khờ” rất “teen” như vậy, người ta nghĩ ngay đến cái sự dại khờ, nũng nịu, nai nai… sẽ tràn ngập ê hề. Hóa ra không phải thế. Đọc mà thấy nhà thơ “già chát”, với một thủ pháp nhất quán bằng cái giọng thơ đủng đỉnh: Nửa khuya, nệm ấm chăn êm/ thình lình tiếng ếch ngoài đêm lạc loài Như ai gọi ai tìm ai/ biển im thít, chẳng đoái hoài một câu (Đêm Lăng Cô, nghe tiếng ếch kêu trong resort).
Tập thơ như thể hiện thân của một gã đàn ông đứng tuổi, mà cố rón rén, thận trọng bằng những đầu ngón chân bấm xuống mặt thời gian, mỗi bước là mỗi dấu ấn vừa rất dễ thương lại có chút ngậm ngùi, lắng đọng: Xin người hãy vịn vào nhau/ nỗi vui bớt ngắn, niềm đau bớt dài/ Xin người những giấc mơ phai/ bữa nay là thực, ngày mai còn chờ (Vịn).
Hay là thế này: Tím phố bằng lăng nắng/ phượng đỏ gay mặt hồ/ lão niên quên gậy chống/ nói cười như trẻ thơ (Và loa kèn vẫn trắng).
Thì thấy rõ cái góc nhìn, cái tầm nhìn, cái hiếng mắt quan sát tủm tỉm của một ngòi bút tuổi chân phương, mà còn láu lỉnh hóm hỉnh.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn – Ký họa: Đỗ Hoàng Tường
101 bài trong tập là 101 “nhân vật” khác nhau, riêng rẽ hoàn cảnh số phận. Điều này khiến tôi – người đọc – không bị nhàm chán, bởi ngay cách lập tứ đã nhiều bất ngờ: Dẫu chẳng hẹn một lời, anh đã đến/ thoảng hơi thu mách bảo: muộn màng rồi/ chiều thiếu phụ một mình anh với nắng/ cỏ thơm về từ ký ức xa xôi (Nho Quan)
“Bấm chân qua tuổi dại khờ” đẹp từ ngoài vào trong, hình thức đẹp mà chữ nghĩa cũng đẹp, dễ gần, sang trọng, dễ đọc. Không cầu kỳ, phô trương, cố làm sang, làm cho thơ rắc rối “lằng nhằng dây điện” bằng những từ ngữ, câu cú lạ mắt, tối nghĩa, mà hầu như đọc câu nào, chữ nào cũng hiểu, cũng biết. Nhưng ý tứ và mỗi bài khi đứng riêng ra lại hàm chứa nhiều nghĩa, nhiều cung bậc cảm xúc, đôi ba cách hiểu, tùy ở tâm trạng người đọc. Đôi khi để lại tâm trạng bâng khuâng, dùng dằng, chẳng rõ là điều gì, đâm ra lưỡng lự:
Đưa tay bắt mây trắng/ nháy mắt chào mặt trời/ vung vinh chém loạn gió/ sụt sùi thương con người(!)
Ú ớ dăm câu hát/ giữa tư bề vắng hoe/ bụng thiên kinh, vạn quyển/ mình đọc rồi ình nghe/
… Bạn gọi xuống ăn sáng/ sực tỉnh hồn bung biêng/ nghe chuông điện thoại reng/ suýt nữa thì bật khóc! (Bấm nút tầng 19)
Đọc và trích thì rất nhiều câu thơ thuộc vào hàng rất hay trong tập này, nhưng như thế chẳng hóa ra đọc hộ mất rồi. Chỉ xin nói cái điều mà mình thấy thú vị nhất, mủm mỉm cười nhất và cũng thật xúc động làm ra một “cao-xuân-sơn” riêng biệt rõ nét. Đó là một biệt tài – vâng, tôi cho là biệt tài ở anh – là cách vận dụng cái kho báu ngôn ngữ dân gian vào trong thơ hiện đại. Những thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ, dân ca của nhiều đời người để lại được anh tỉa tót, “đính” vào thơ mình một cách đắc dụng. Anh làm tôi nhớ bà mẹ mình, trong công việc, trong bữa ăn, giấc ngủ, có điều gì muốn truyền cho con cháu, thảy đều “nảy ra” những câu ca, câu hát, câu ca dao rất chuẩn, rất đắc địa.
Tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” của Cao Xuân Sơn, NXB Hội Nhà Văn, 2019
Những câu thơ rất “có nghề” như thế này, gieo cho người nghe, người đọc nỗi ỡm ờ, nửa tình, nửa nghĩa: Không thành một, chẳng đành hai/ người đông ghẹo nắng, kẻ đoài trêu mưa/ Không là thực, chẳng còn mơ/ người hiu hắt sớm, kẻ ngơ ngác chiều/ Không tơ tóc, chẳng bọt bèo/ người vin cội nghĩa, kẻ neo bến tình/ Không thay dạng, chẳng đổi hình/ cứ gì duyên nợ ba sinh mới là…? (Không thành một, chẳng đành hai)
Thì đấy, toàn thấy những chữ rất xưa: đông – đoài, tơ tóc – bọt bèo, bến tình – cội nghĩa, duyên nợ ba sinh… mà thấm đẫm nhân nghĩa, tình duyên.
Cối xay quẩn, hại què gà/ tháo thừng lộn chão mà ra bão bùng/ mười năm xuống biển lên rừng/ ngỡ từng bén rễ, ngỡ từng xanh cây (Ngẫu cảm).
Kìa là những gà què ăn quẩn cối xay; tháo thừng lộn chão; đến đây thì ở lại đây/ bao giờ bén rễ xanh cây thì về…
Khi anh hát ru con gái:
Chợ đời đảo vận thay câu/ thị trường, thị nở, thị mầu, thị phi/ rối tai tiếng bấc giọng chì/ ba hồi mật ngợt, bốn khi cay đường (Ngủ đi, con gái).
Với cái sự đỏng đảnh của thời gian thì:
Chẳng xé lịch thì ngày mai vẫn đến/ con sáo sang sông, con sáo xổ lồng/ tê tái vậy đủ rồi, cơ nhỡ ạ/ muốn hay không rồi sáo cũng lấy chồng (Chẳng xé lịch thì ngày mai vẫn đến)
Đây là thanh minh cho những trận ghen:
Có cay đắng, có ngọt lành/ cả khi không khói cũng thành lửa ghen
Còn đây là “gừng cay muối mặn”:
Này mặn muối, cay gừng, này ngọt mật/ ơn các con mà ta thật vợ chồng/ lúc tắt lửa sôi cơm muôn nghèo ngặt/ khi lặng nhìn đã cạn nước biển Đông (Chẳng điều gì là không thể, vì em).
Dường như nhà thơ cũng đã có chủ ý như thế, nên bài “Học mấy đời cho hết chữ nông dân” chật ních thành ngữ:
“Quá mù ra mưa”, “hết khôn dồn đến dại”/ “già néo đứt dây”, “giun xéo lắm cũng quằn”/ “tức nước vỡ bờ”, “chó cùng rứt dậu”/ học mấy đời cho hết chữ nông dân?
Ai tí tởn “được voi đòi…” Trưng Nhị/ “tham thì thâm”, “ăn cả tất lẫn giày”/ “biết người, biết ta”, “một vừa hai phải”/ anh và em nồi ấy úp vung này
“Một sự nhịn, chín sự lành” thế thế/ “trèo cao ngã đau”, “được vạ má sưng”/ “xởi lởi trời cho, so đo trời lấy lại”/ hơn thua làm gì, “đời muôn sự của chung”
Vân vân…
Thật ra làm cái việc liệt kê thì cũng chẳng nói lên điều gì hay hơn cho thơ, nhưng tôi nghĩ Cao Xuân Sơn đã sử dụng chất liệu dân dã của ca dao và biết cách “làm điêu” nó đi, và thế là thành thơ. Chẳng phải sao?
Dứt khoát thơ phải là thơ, phải khác ca dao ở cái điểm mà ta gọi là “cấp độ điêu”. Không nói ai hay hơn ai, thơ hay hơn hay ca dao hay hơn, nhưng ta thấy ca dao vốn thật thà, “chuẩn men”, vô chủ ngữ, không có bóng dáng tác giả (nếu có câu nào hay thì nó đã gần với thơ rồi, thành thơ rồi, ví dụ bài “Tát nước đầu đình”. Thơ khác, phải có bàn tay, có bóng dáng người viết, và như thế cái tình, cái tâm, cái nỗi chua cay và nhất là cái “điêu điêu”, có cả bóng dáng Thị Mầu, Súy Vân, Điêu Thuyền… mới tạo ra cái tình, cái tứ, và thành thơ. Các nhà phê bình chê thơ dở thì thử vạch cái điều này ra xem sao!.
10/9/2020
Hoàng Đình Quang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tản mạn về hai thi tài lục bát Nguyễn Du và Nguyễn Bính Ai cũng biết Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc. Văn chương của ông, cụ thể là Tru...