Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Bao giờ hoa dại lên ngôi

Bao giờ hoa dại lên ngôi

Gió may về, lang thang triền đê. Biển vắng. Cánh buồm lẻ loi duyềnh trên sóng bạc đầu. Chim thiên di xoải cánh mải miết trốn vào mây trắng. Tự dưng thấy biển cô đơn hơn cả chính mình.
Lang thang theo đồi hoa dại. Những cánh hoa nở kiệt cùng mê mải chưa bao giờ được cài trên ngực áo cô dâu ngày cưới. Hoa tím vẫn dại khờ trên những nẻo đồng hoang. Lòng lại ngùi ngùi thương một kiếp hoa. Bông hoa dại nở kiệt cùng chẳng biết người đời có ai hiểu được cho nó không? Dù bão giông hoa vặn mình nở, vặn mình thơm, vặn mình dâng hiến, chẳng hề toan tính thiệt hơn. Hoa cứ hồn nhiên vô tư gửi sắc hương cho đời. Con trâu đi qua ghếch mõm vục đầu vào hoa, dẫu vô tình vẫn chạm vào hương thơm thuần khiết. Chứ chẳng nói gì đến con ong tinh tế là lẽ đương nhiên rồi. Hoa dại bồng hương theo chiều gió, gió mang hương thơm loang xa ngập tràn vào vũ trụ. Huống chi con người nếu tỏa được hương thơm từ tâm hồn mình thì cuộc sống đáng yêu và trong trẻo biết bao nhiêu. Hương thơm của hoa không chỉ thơm xuôi chiều gió mà còn lan tỏa ngược lại. Bốn hướng đông tây nam bắc đều nhận được sắc hương… Nhưng có lẽ cái hương sắc đó không chỉ dành cho con người trên cõi nhân gian mà còn chạm tới chín phương trời mười phương chư Phật. Chạm cả vào cõi thiêng và siêu hình.
Nhà văn Lê Hà Ngân
Vâng hoa dại cứ lặng thầm mà dâng hiến trong sự hững hờ của người đời. Chỉ có loài ong siêng năng đi lấy mật hoa là chẳng nỡ nào kén chọn. Người đời yêu thích nhụy hoa và phấn hoa. Con ong cần mẫn sải đôi cánh nhỏ bé của mình lầm lụi suốt một ngày vất vả, khi trở về lại phải tập thói quen gạt chân vào chỗ để lại phấn hoa rồi mới được vào trong nhả mật. Phấn hoa đã trở thành thứ thần dược cho nhan sắc của quý cô lên hương. Mật ong là vị ngọt tinh túy của bao kiếp hoa góp lại.
Thế mà người đời có cảm nhận được đâu? Họ vẫn thờ ơ hưởng thụ phấn hoa. Hưởng thụ mật ong rồi giồng cả tội lên đầu ong và hoa với câu nói mỉa mai đắng đót trên miệng thế. Lại nhớ câu chuyện về một thiền sư trước một bông hoa. Ông tập ngửi hoa theo cách lùi xa rồi lại tiến gần. Hễ chạm tới hương thơm lại lùi xa ra, rồi tiến gần. Chạm vào hương thơm lại lùi tiếp, cứ như thế mà tiến lên mà thiền sư đã tận hưởng được hương thơm của hoa hàng ngàn cây số. Tai của thiền sư có thể nghe được âm thanh cách hàng ngàn cây số, còn mắt có thể xuyên thấu vũ trụ… Có phải chăng thiền sư đã mở đầu ra, mở lòng ra, mở cửa trái tim thấu cảm vũ trụ nhân sinh để nghe tiếng nức nở của người đời, tiếng hoan ca hoặc chênh chao của phận số, để vui cùng vui, khóc cùng khóc. Nước mắt chúng sinh là ba ngàn thế giới dồn cả vào cũng chỉ là bốn đại dương. Còn nếu như ai kia chỉ biết khóc cười cho chính bản thân mình, thì cũng tầm thường theo thói tục mà thôi. Nhưng buồn nhất người ta chỉ biết có chính mình mà sao hiểu được nỗi đau của kẻ khác.
Chao ôi! Hoa dại nhiều thế? Miệt mài trên đồi cao, dâng hương ven bờ suối, hoa nở trắng đường tàu như khóc cho ai ngùi ngùi tiễn người yêu ra trận. Hoa tím dọc triền đê trong những chiều biển lạnh, biết lấy ai bạn cùng mà mê mải sắc hương. Hoa dại khờ khạo đáng thương vô tư đến tội nghiệp. Mấy ai biết yêu và hiểu cho kiếp hoa dại. Cũng đắm đuối mộng mị, dại khờ chắt chiu từ bão giông nắng lửa, vắt kiệt mình cho một sắc hương dâng đời. Hoa trinh nữ còn níu bóng quân vương khi qua một rừng hoang, hoa hồng còn ứa lệ trong ngàn trùng xa cách vẫn nồng ấm tim ai mỗi độ đông về, còn hoa dại từ lấm lem bùn đất lầm lụi vẫn bền bỉ những kiếp hoa. Dẫu có tàn lụi và chết đi nhưng những đốt cây gầy guộc đó vẫn bám vào đất mẹ đợi giọt mưa xuân về lắc thắc làm mềm mặt đất cho cây nảy mầm bật dậy một khắc hoa.
Thầm thỉ nghĩ về hoa dại lại nhớ tới câu chuyện trong thế chiến thứ hai, một chiến binh rất yêu hoa đổ máu và ngất đi trên sa trường. Trận đánh đã im tiếng súng chỉ còn lại sự chết chóc thê lương, giữa tanh nồng của mùi máu, khét lẹt của súng đạn lại thoang thoảng một mùi thơm của hoa dại. Hương hoa ấy khiến người lĩnh bừng tỉnh hồi sinh. Chỉ có hương thơm ấy mới bật dậy sự sống trong đổ nát, hương thơm ấy mới phục sinh chàng chiến binh tuổi trẻ. Hương thơm ấy đã đem lại tuổi thanh xuân. Và hình như chỉ những người yêu hoa say đắm mới cảm nhận được mùi hương đó. Hoa sẽ chẳng bao giờ thờ ơ với những người yêu cái đẹp.
Thường những kẻ yêu hoa chết đi nếu chưa đủ duyên để thành thánh thần thì ít nhất cũng biến thành một loài hoa được người đời ngưỡng mộ. Tôi lại nhớ đọc ở đâu đấy về cuộc cắm cờ chuẩn của một cuộc chiến. Người lính trước khi ôm lá cờ lao lên chiến địa, anh bạn ở bên đã động viên: đừng sợ, cậu yêu hoa như thế, dẫu có hy sinh thì sau này chính nơi cậu ngã xuống sẽ mọc lên một loài hoa lộng lẫy sắc hương in đậm trái tim bao người con gái. Hình như ai yêu hoa sẽ trở thành bất tử. Và người lính ấy đã trở về vẹn nguyên…
Chiều nay có ông nghệ sĩ ngủ quên trong đời chật, lênh đênh buồn nhớ chén rượu hoàng hoa, lễnh loãng dạt vào nhà tôi. Nâng chén Hoàng hoa tôi rót mời, đôi mắt nghệ sĩ đẫm khói sương như đang bay về một mùa kim cúc. Hoa vàng ơi mấy độ? Hoa dại ơi… bao giờ mới lên ngôi. Thẫn thờ trong hương rượu cúc nồng nàn nghệ sĩ bất chợt ngâm nga:
“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi…”
5/3/2021
Lê Hà Ngân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cái Sống Ở khu phố tôi trưa trưa thường có chim bay. Chim đây là bồ câu. Bay từng đoàn đông đảo. Bay cả buổi trưa. Xem ra không phải v...