Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Biểu tượng tôn giáo trong trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu

Biểu tượng tôn giáo trong trường ca
Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu

Trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018. Đây là bản trường ca khá đặc biệt với độ dày 710 trang khổ 16×24 và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là trường ca ”có số lượng dòng thơ và số chữ nhiều nhất Việt Nam”. Trong trường ca này ông đã đề xuất những ý tưởng về Phồn sinh giáo nơi châu thổ sông Hồng mà ông gọi là xứ sở phồn sinh.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Con người sinh ra trên cõi đời này như là một cuộc đi về với cội nguồn đã phát sinh. Triết học đông tây qua muôn thế hệ, đặc biệt các tôn giáo là bằng chứng cho điều này. Cuộc hành trình đi tìm Đấng Siêu Việt, tìm về cái nguyên lý cội nguồn phát sinh ra trời đất, vũ trụ và vạn vật. Dễ thấy tất cả tôn giáo đều đề cao các giá trị nhân bản, nên được lòng người đón nhận như một chỗ dựa, một niềm tin, gần gũi nơi con người và cũng rất linh thiêng. Đặc biệt mọi tôn giáo đều giúp người ta sống nhân ái, yêu thương, vị tha, bao dung, độ lượng, đòi phải xóa bỏ cái tôi vị kỷ, nhỏ bé và những tư lợi nhỏ nhen đồng thời đề cao những giá trị tinh thần. Những tôn giáo này đều coi trọng luật nhân quả, coi trọng luật bảo tồn vật chất và năng lượng: “không có gì tự mất, không có gì tự cao”. Có lẽ vì tin tưởng vào những quy luật này mà người ta không còn sợ chết, sợ mất mát. Và ảnh hưởng lớn nhất của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo… đối với văn hóa phương Đông là một đời sống tinh thần hướng thượng hòa cùng những tín ngưỡng dân gian bản địa như thờ cúng ông bà tổ tiên, là nền tảng và chuẩn giá trị cho muôn thế hệ mai sau của dân tộc.
Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, thiên nhiên góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng. Thời xa xưa, người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy việc thờ cúng các vị thần tự nhiên (nhiên thần) đã sớm gần gũi gắn bó với họ. Hơn nữa, Việt Nam lại là ngã ba đường nơi giao lưu của nhiều tộc người, của nhiều luồng văn minh. Hai yếu tố đó làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia đa tôn giáo, đa tín ngưỡng, đa văn hóa. Một sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trong chính đời sống cộng đồng của dân tộc. Trong trường ca Phồn Sinh tác giả đã xuất phát từ chính những cơ sở lịch sử, văn hóa và thực tiễn này thiết lập và phục dựng các biểu tượng mang xác tín tôn giáo.
Trường ca “Phồn sinh” của Nguyễn Linh Khiếu
Trong “Lời tựa” trường ca Phồn Sinh, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã tâm sự “Trong chuyến công du (đến Malaysia và Singapore năm 2002) ấy tôi có gặp một thiếu nữ Muslim rất đặc biệt. Đó là một cô gái mã lai 27 tuổi nhỏ nhắn xin xắn da nâu mắt to” [tr.3]. Và, chính cuộc gặp gỡ định mệnh ở Kuala Lumpur ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho tác giả viết nên bản trường ca Phồn Sinh: “nếu không có Kuala Lumpur với thiếu nữ Muslim kiều diễm sẽ không có bản trường ca này không có một kiệt tác văn chương không có một áng văn chương kỳ lạ không có một bản trường ca bất hủ Kuala Lumpur như một định mệnh ta đến và ta đã viết một bài ca bất tử”.
Sự gặp gỡ giữa chàng trai đến từ Việt Nam một ”trung tâm” Phật giáo còn cô gái đến từ vùng đất Malaysia một trung tâm của thế giới Hồi giáo là một cuộc hội ngộ đặc biệt. Đó là hai con người của hai nền văn hóa khác nhau, của hai tôn giáo khác nhau, của những xác tín khác biệt, tưởng rằng như thế họ sẽ không thể gặp gỡ. Nhưng không, họ lại hấp dẫn nhau bởi chính sự khác biệt của hai tôn giáo (hai nền văn hóa) ấy, và quý mến nhau, tình cảm càng gần gũi thân thiết bởi họ đều là con người. ”sự khác biệt về sắc tộc làm cho ta hấp dẫn nhau/ ”sự khác biệt văn hóa làm cho ta trở nên lôi cuốn/ ”sự khác biệt tôn giáo làm cho ta dễ sùng kính/ ”sự khác biệt về xác tín làm cho ta tin tưởng/ ”sự khác biệt giới tính làm cho ta thèm khát”[tr.514]; ”sự khác biệt giữa ta và nàng dạt dào những năng lượng sinh tồn nương tựa bổ sung luân chuyển hấp dẫn và thụ hưởng/ ”sự khác biệt giữa ta và nàng chất chứa trong mình những mãnh lực thống nhất và tạo dựng mọi tồn tại của vũ trụ này// sự khác biệt là tiền đề gặp gỡ và thống nhất/ không có sự khác biệt nghĩa là thực sự nghèo nàn và bất hạnh” [tr.515]. Sự khác biệt trong niềm tin tôn giáo kia thực ra cũng chỉ là sự đa dạng của một thế giới thống nhất và chính tình yêu đã tìm ra sự thống nhất đó.
Trong Phồn Sinh, tác giả đã dành rất nhiều tâm huyết để thuyết giảng rằng, để duy trì sự thống nhất khi đời sống luôn có sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo thì chắc chắn tình yêu không thể nào làm được. Bởi theo tác giả, tình yêu chính là sự phóng chiếu thăng hoa của văn hóa và tôn giáo, mà văn hóa và tôn giáo thì luôn biến đổi bởi mỗi xã hội lại có hệ giá trị riêng, hệ chuẩn mực riêng của mình. Cái bất biến trong thế giới hữu sinh, trong loài người đó là cái bản thể tự nhiên, đó là tình dục, đó phải là sự giao cấu, sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống. Chính từ cái cơ thể tự nhiên của muôn loài một đời sống mới sẽ được thiết lập, tạo dựng một thế giới mới là sự đồng nhất của muôn.
Có một điều bất ngờ là, cái đích cao cả của văn hóa, văn minh từ xưa đến nay vẫn được quan niệm là phải tiết chế những bản năng nhục dục, mù lòa tăm tối tự nhiên của con người. Do đó, các tôn giáo, các triết thuyết xã hội đều tự cho mình cái sứ mệnh cao cả là cứu giúp cho loài người tiết dục, diệt dục bằng các thiết chế xã hội, bằng các hệ thống chuẩn mực đạo đức (Kitô giáo, Hồi giáo, Nho giáo, Phật giáo…). Thế nhưng, với Phồn Sinh, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu lại muốn dùng sự tự do phồn sinh của muôn loài để chuyển đến cho loài người thông điệp về sự tự do phóng dục mà theo ông đó là bản chất của mọi bản chất sinh tồn tự nhiên của muôn loài. Ông quan niệm để muôn loài tồn tại được thì trước hết cái cơ thể tự nhiện với đời sống bản năng của nó phải tồn tại, phải sinh sôi nảy nở, còn văn hóa, đạo đức, tôn giáo chỉ là cái phái sinh trên cơ tầng căn bản là cơ thể tự nhiên.
Điều này đã được thể hiện rõ nét trong Phồn Sinh: “tiếng gọi vĩnh cửu của tình yêu đó chính là tiếng gọi vĩnh hàng của thiên chức đó chính là tiếng gọi vĩnh viễn của tự nhiên đó chính là tiếng gọi thống thiết của ngọn nguồn sự sống// trước linh thiêng vị thần tình yêu/ ta chợt hiểu nguyên lý của sinh tồn của xứ sở này khởi thủy là nhục dục/ khởi thủy là bản năng/ khởi thủy là tình dục/ trước xã hội là tự nhiên/ trước ý thức là vô thức/ trước văn hóa là bản năng/ trước ngôn ngữ là mùi hương của các cơ quan sinh sản/ trước lời tỏ tình là hành vi tình dục/ ái ân là lẽ tự nhiên tiên thiên hòa thuận/ không có mùi cơ thể thì con đực không tìm được con cái/ không có mùi cơ thể thì con đực không hấp dẫn con cái/ không có thông điệp từ các cơ quan sinh dục cái thì con đực sẽ lạc đường// tình dục bắt đầu từ đâu tình yêu bắt đầu từ đó/ tình yêu bắt đầu từ tiếng thì thầm truyền giống từ tiếng cào cấu quằn quại rên xiết gào thét sinh sản/ tình yêu bắt đầu từ những lực lượng bản năng mang sức mạnh không thể nào kiểm soát/ đó là sự diều huyền thấm nhuần nguyên lý phồn sinh của châu thể Sông Hồng// khi trai gái đã ăn nằm với nhau/ tình yêu sẽ đến thần kỳ bất khuất/ khi trai gái đã ăn nằm với nhau/ chẳng có thế lực nào có thể ngăn cấm/ chẳng có sức mạnh nào có thể chia ly” [tr. 545-547]. Rõ ràng Phồn Sinh không chỉ thấm nhuần triết lý sinh tồn ”đức lớn của trời đất là sinh” mà còn có tham vọng đi xa hơn thế nữa.
Vì lẽ đó, ta thấy khắp “Phồn Sinh” dù tác giả luận bàn về chủ đề gì thì cuối cùng vẫn chỉ là để tụng ca sự sống hoan lạc của muôn loài: “các vị thánh bao giờ cũng chỉ là Một/ các vị thánh bao giờ cũng đa dạng phong phú muôn hình muôn vẻ/ các vị thánh chỉ khác nhau bởi các khuôn mặt các thân kiếp và bởi sự hiện diện trong thời gian trong không gian/ ta hạnh phúc vô cùng bởi ta thấy các Ngài thật sự giống ta bởi cũng giống như ta các Ngài xét cho cùng cũng chỉ nặng lòng vì sự phồn sinh của vũ trụ/ không có Đức Thánh  nào bắt tín đồ con chiên phải thế này thế nọ/ không có Đức Thánh nào dẫn dắt tín đồ con chiên đến những cuộc hủy diệt/ không có Đức Thánh nào không khuyên nhủ mọi tín đồ con chiên không được sát sinh phải thật sự hiếu sinh phải tôn sùng sinh mệnh của mọi sinh linh phải nâng niu mầm sống phải thấm nhuần chân lý phồn sinh” [tr.326].
Nhất quán trong Phồn Sinh, Nguyễn Linh Khiếu khẳng định rằng tất cả các tôn giáo trên thế giới này về bản chất chỉ là 1. Sự khác nhau về giáo lý, cơ sở thờ tự, kinh kệ, giáo chủ (thần thánh), tín đồ chỉ là những biểu hiện bề ngoài, chỉ là hình thức. Cái xác tín tôn giáo trong Phồn Sinh là mọi tôn giáo đồng nhất với nhau, các vị chúa đều bình đẳng với nhau. Họ đều là những giáo chủ và giáo chủ Phồn sinh giáo cũng ngang bằng như họ. Thật vậy: “mọi tôn giáo đều có chung một chân lý cuối cùng/ mọi tôn giáo đều có chung tín đồ/ mọi tôn giáo đều có các vị thánh giống y hệt nhau” [tr.325].  Và, “nếu ta gặp các Đức Thánh của Thiên chúa giáo của Hồi giáo của Phật giáo của Nho giáo của Lão giáo của Ấn Độ giáo của Do Thái giáo và của vô vàn các tôn giáo khác bất kể cũ hay mới to hay nhỏ đông hay thưa tín đồ thì chúng ta sẽ nhận ra rằng thực ra chúng ta cũng chỉ là những hình hài kiểu dáng mô hình khác nhau” [15.325].
Các tôn giáo khác nhau chỉ là sự biểu hiện khác nhau còn bản chất sâu xa và mục đích hướng đến của chúng đều là một, nghĩa là giải thoát con người, vì muôn loài đều sinh sôi phát triển và tồn tại thuận theo quy luật của tự nhiên. Các biểu tượng tôn giáo đều có một thông điệp là sự trường tồn của muôn loài và vĩnh hằng của linh hồn. Giáo chủ Phồn Sinh đã phán truyền rằng “Hỡi con người hãy kính trọng tôn vinh nhau đúng như con người” [tr.320]; “nếu ta không tôn vinh sinh mệnh của mình thì ta không bao giờ tôn vinh sinh mệnh của người khác/ nếu ta không tôn vinh sinh mệnh của tất cả thì ta không bao giờ tôn vinh sinh mênh của ta/ nếu ta không tôn vinh sinh mệnh của một con kiến thì ta không không tôn vinh sinh mệnh một con người/ trái với những điều này đó đều là ma quỷ” [tr.326]. Các sinh linh của Nguyễn Linh Khiếu hay nói cách khác, nhà thơ hình như “sinh linh hóa” một cách bình đẳng mọi cái, mọi con, mọi vật, và mọi người trong một hợp quần đồng giao vui vẻ và hớn hở.
Không khó nhận ra cái giọng bao trùm của Phồn Sinh là cái giọng rao giảng, phán truyền, kinh nguyện, khấn cầu. Đó chính là thi pháp của kinh thánh. Tác giả không giấu diếm khi nhiều lần công khai tâm thế của người viết Phồn Sinh là muốn thật sự kiến tạo một thứ “tôn giáo” mới trên thế giới này. Ông gọi đó là Phồn Sinh giáo: ”ta là giáo chủ của Phồn Sinh giáo/ tôn giáo cổ xưa nhất trong các tôn giáo/…/ ta truyền giảng nhưng lời kinh khởi thủy/ ta truyền giảng những lời kinh sáng thế/ ta truyền giảng những lời kinh của những lời kinh/…/ ta truyền giảng vạn vật trong vũ trụ là Một” [tr. 321-322] Nơi đó có “giáo chủ”, được hiểu là “Ta”, con người, vạn vật, các cá thể và các cộng đồng, các tiểu vũ trụ và đại vụ trụ. Tất cả cùng cất lời, tham gia sáng tạo nên một bài kinh khấn nguyện cho sự sống vĩ đại sinh sôi, trường tồn, hoan lạc.
Sự tự xưng danh mình là “Giáo chủ” của “Phồn Sinh giáo” không phải chỉ để thuần túy biện minh cho sự “rao giảng”, “phán truyền” của giọng điệu của mình suốt trường ca mà hơn thế, bởi ông luôn khẳng định muôn loài ở châu thổ Hồng đều là giáo chủ và cũng đều là tín đồ, con chiên. “ta là giáo chủ của xứ sở Phồn sinh/ xứ sở tất cả sinh linh đều là giáo chủ’/ tất cả sinh linh đều là tín đồ con chiên”[tr. 682], ”ta là giáo chủ Phồn sinh/…/ giống như con muỗi bao giờ cũng xưng danh nó là giáo chủ/ giống như con bọ hung bao giờ cũng xưng danh nó là giáo chủ/ giống như con sâu bao giờ cũng xưng danh nó là giáo chủ/ giống như con giun bao giờ cũng xưng danh nó là giáo chủ/ bản chất của mỗi sinh linh là một giáo chủ sáng tạo và hủy diệt”[tr. 707]. Đó thật sự là sự tôn vinh muôn loài, tôn vinh con người trong vũ trụ của Phồn Sinh: “thân phận con người thật vô cùng nhỏ nhoi trong thế gian này nhưng bao giờ cũng ngang hàng với đức Gautama Buddha (Thích ca) đức Jesus (Jêsu) đức Allah đức Kong Qiu (Khổng tử) và đức Laozi (Lão tử)” [tr.441].
Điều thú vị là trong xứ sở Phồn sinh, con người không phải là giáo chủ của muôn loài mà con người chỉ là một giáo chủ cừng với muôn vàn giáo chủ khác và bao giờ cũng ngang hàng, bình đẳng với muôn vàn giáo chủ khác của mọi sinh linh. Sự bình đẳng của mọi sinh linh, do đó, tạo nên sự bình đẳng của mọi giáo chủ mọi sinh linh khác trong Phồn Sinh là một biểu tượng tôn giáo mà chưa tôn giáo nào nói tới cảnh giới này.
Như vậy, với Phồn Sinh các biểu tượng mang niềm tin tôn giáo khác nhau được thống hợp lại thành niềm tin về sự đồng nhất hài hòa của thế giới này, không chỉ của con người mà của mọi sinh linh, muôn loài. Ở đây, niềm tin được tích hợp lại ở một tôn giáo, đó là Phồn sinh giáo. Đó là tôn giáo của tất cả mọi sinh linh. Thật vậy, ”mọi tôn giáo đều do con người sáng tạo/ mọi tôn giáo chỉ của con người/ mọi tôn giáo chỉ vì con người/ các vị thánh của mọi tôn giáo đều mô phỏng hình hài các con chiên các tín đồ các đệ tử đều na ná như ta và nàng// phồn sinh giáo là tôn giáo của muôn loài/ phồn sinh giáo là tôn giáo của mọi tôn giáo// bất cứ cái gì sinh sôi nảy lộc nở hoa kết trái thụ phấn thụ thai giao hợp chửa đẻ sinh sản tốt tươi khô héo lụi tàn đề thuộc tôn giáo phồn sinh/ tất cả những gì sinh diệt đều là tín đồ của phồn sinh giáo/ tất cả mọi tín đồ của phồn sinh giáo đều là giáo chủ/ moi tôn giáo đều được sinh ra rồi sẽ mất đi/ phồn sinh giáo mãi mãi sinh ra mãi mãi trường tồn mãi mãi đồng hành cùng muôn vàn sinh tử” [tr. 323]. và, ”ta là giáo chủ phồn sinh/ không có ta tất cả vẫn sinh thành vẫn rực rỡ vẫn lụi tàn vẫn biến mất/ không có ta xứ sở phồn sinh vẫn vô vàn giáo chủ/…/ ta là giáo chủ bởi trên thế gian này không ai có thể thay thế ta là giáo chủ phồn sinh/ bởi ta sáng tạo ra phồn sinh giáo/ trước ta không ai gọi thế giới này là thế giới phồn sinh” [tr. 706-707]. Với những phán truyền này thì mọi xác tín tôn giáo đã trở nên tường minh và không thể có diễn ngôn nào thuyết phục hơn.    
Khi đọc Phồn Sinh có nhà nghiên cứu nghi hoặc rằng không biết có phải Nguyễn Linh Khiếu chịu ảnh hưởng từ các triết thuyết cao siêu của Ấn giáo cổ đại, hay từ đời sống của người Ấn hiện đại nơi ông đã từng thực chứng khi nhiều lần tới xứ sở sông Hằng, hay trực tiếp chịu ảnh hưởng của những tư tưởng Ấn giáo trong tâm thức và đời sống của người Chăm ở miền Trung Việt Nam hiện nay. Nếu đúng là có sự ảnh hưởng này, thì dù là ảnh hưởng từ một hay cả ba cách ấy thì rõ ràng “Phồn Sinh” là một tác phẩm hiếm hoi trong văn học Việt Nam đương đại thể hiện một cách sâu sắc và khác biệt những tư tưởng đặc sắc, những dấu vết của Ấn giáo nguyên thủy ở khía cạnh phồn thực và sinh sôi bằng hệ thống ngôn ngữ, nhịp điệu, âm thanh và hình ảnh của đời sống châu thổ sông Hồng. Điều này phải chăng có thể hé mở những bí mật trong vô thức sáng tạo nghệ thuật mà bằng một con đường nào đó nó làm xuất hiện biểu tượng Phồn sinh giáo trong trường ca Phồn Sinh với những xác tín tôn giáo hoàn toàn mới lạ.
Để kết thúc, không có cách nào hay hơn là trích một đoạn trong chương 96 của trường ca Phồn Sinh: ”ta mang sứ mệnh của một xác tín gặp gỡ những xác tín khác để chia sẻ những xác tín của thế giới này/ để chỉ ra sự thống nhất của mọi tôn giáo đã tồn tại đang tồn tại và sẽ tồn tại giữa thế giới con người và thế giới thần linh/ để nói với các anh các chị dù anh chị là tín đồ của tôn giáo nào cũng đều là tín đồ của Phồn sinh giáo/ xét cho cùng mọi tôn giáo đều tôn vinh con người/ xét cho cùng mọi thần linh mọi đấng tối cao cũng chỉ vì con người mà tồn tại/ xét cho cùng mọi tôn giáo chỉ vì sự bất tử của vạn vật mà tồn tại”. 
8/5/2020
Trần Thị Quỳnh Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê – Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sà...