Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Cây xanh ngoài lời - Bản lĩnh của sự lựa chọn

Cây xanh ngoài lời
Bản lĩnh của sự lựa chọn

Hoàng Vũ Thuật có nhiều năng lượng: làm thơ, viết phê bình, bút ký. Nhưng có thể nói, từ trước năm 1975 đến nay, thể loại xuyên suốt, chủ đạo, khẳng định phong cách và làm nên thương hiệu Hoàng Vũ Thuật vẫn là thơ.
Thơ ông có mạch ngầm riêng khác, độc đáo, đầy chiêm nghiệm, trở trăn về tình yêu, thân phận và cuộc sống. Phong cách ấy được khẳng định từ Thế giới bàn tay trái(*) trở đi. Tập thơ Cây xanh ngoài lời(**) xuất bản năm nay tiếp tục tựa vào điểm nhìn trái chiều ấy, hồi quy cội nguồn – nơi bắt đầu của mọi tình yêu, để bồi đắp, kiến tạo tình yêu Tổ quốc; giải phẫu tính đa diện đa chiều, phồn tạp của nhân thế với những cật vấn của một chủ thể muốn thức tỉnh con người, tìm lối đi trước sóng bão đời sống đương đại.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và con gái – nhà phê bình Hoàng Thụy Anh
Tính từ Những bông hoa trên cát (1979), Thơ viết từ mùa hạ (1984), Gửi những ngọn sóng (1986), Giàn bí đỏ (1987), Thế giới bàn tay trái (1989), Cỏ mùa thu (1994), Đám mây lơ lửng (2000), Tháp nghiêng (2003), Ngôi nhà cỏ (2010), Màu (2010), Mùi (2014) đến Cây xanh ngoài lời (2017), Thế giới bàn tay trái(*) được xem là cột mốc thể nghiệm những đổi mới, cách tân, chuyển từ thi pháp truyền thống sang thi pháp hiện đại. Từ Đám mây lơ lửng, Tháp nghiêng cho đến Mùi(*) là sự lên ngôi của các thủ pháp tượng trưng, siêu thực, tân hình thức và hơi hướm tinh thần hậu hiện đại. Do vậy, khi đánh giá, nhận định về thơ Hoàng Vũ Thuật, nhiều tác giả cho rằng, thơ ông giàu tính triết luận, kết cấu đa tuyến, lập thể, hình ảnh thơ đa tầng, đa nghĩa, lạ, phong phú biểu tượng.
Đối với nghệ sĩ chân chính, con đường sáng tác không hề đơn giản. Sáng tác nghĩa là phải chấp nhận sự chuyển dịch, vận động, tiến về cái mới, đổi khác chính mình. Tuy nhiên, đôi khi việc trở lại khai hoang trên chính thuở ruộng cũ cũng bung nở nhiều hoa trái độc đáo, tạo nhiều bất ngờ. Sự xuất hiện của Cây xanh ngoài lời đã chứng minh thành quả ấy. Tập thơ có nhiều khác biệt, vẫn tiếp nối dòng chảy của dạng thơ triết lý, chiêm nghiệm, nhưng được cấu trúc trong một chỉnh thể dung dị, đời thường. Khởi đầu Cây xanh ngoài lời là một cái tôi hướng về nguồn cội quê hương. Cát trắng quê nhà, con người thuần hậu neo bám như một vòng tròn đồng tâm cội nguồn nghiệm vào tư duy, cảm xúc thơ của Hoàng Vũ Thuật: “mẹ ra chợ/ gánh theo mưa nắng/ mồ hôi đẫm/ mồ hôi/ muối mặn/ lá trầu tươi hình trái tim/ trái cau hình giọt máu/ lặn sâu trong lồng ngực lép nhọc nhằn/ những âm thanh Tổ quốc kẽo kẹt/ những âm thanh bền lâu/ tôi hằng ôm ấp” (tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi). Trong lời giới thiệu tập thơ Cây xanh ngoài lời, Yến Thanh cho rằng thơ Hoàng Vũ Thuật xuất hiện quá trình “lại giống”. Quả đúng vậy. Nếu hình ảnh người thơ “ngược con đường” trước đây tuyên ngôn mạnh mẽ, sẵn sàng đối chọi với cuộc sống bộn bề phức tạp thì bây giờ cõi thơ ấy vẫn được khẳng định lại nhưng dung dị hơn khi đặt trong bầu không của sự “lại giống”, quay về với cội nguồn quê hương. Cần phải thấy rằng, sự trở về này khác hoàn toàn với nền móng “trong trẻo” ban đầu của Những bông hoa trên cát, Cỏ mùa thu(*). Cảm quan nguồn cội của Cây xanh ngoài lời đã được mang vác bằng hơi thở khác, hệ quy chiếu khác. Theo tôi, nổi bật cho lộ trình trở về ấy là bài thơ “tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi” và “đám tang của biển”.
Tổ quốc hiển hiện qua ngôn ngữ, âm thanh, giai điệu, hình ảnh, qua nếp ăn nếp nghĩ của con người như một số tập thơ trước nhưng ở Cây xanh ngoài lời đã có cái nhìn sâu hơn, mới hơn khi Hoàng Vũ Thuật lồng Tổ quốc trong tình yêu mẹ, đưa Tổ quốc trở về nguyên nghĩa của nó – mẫu gốc: “con thương Tổ quốc thời loạn lạc/ giặc ở bên hông giặc ngủ trong nhà/ con thương Tổ quốc/ chiếc đòn gánh hai đầu mưa sa/ sao đường đi chênh vênh heo hút/ vẹt mòn bàn chân mẹ” (đám tang của biển). Tổ quốc không ở đâu xa, nó nằm ngay trong chính trái tim ta, là cuống nhau huyết thống, máu thịt ta. Hình ảnh mẹ gắn bó với cố hương, hòa quyện trong tình yêu Tổ quốc là biểu tượng vững bền, thiêng liêng, cao cả mà chúng ta đã bắt gặp khá nhiều trong thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nam Hà, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Phan Quế Mai,… và ngay cả trong thơ của Hoàng Vũ Thuật trước đây. Song Cây xanh ngoài lời có chiến lược khác, cũng nhìn Tổ quốc từ biển, nhưng Hoàng Vũ Thuật khéo léo sắp chồng các hình ảnh, gắn Tổ quốc với hai móc xích chủ đạo – tâm thức hướng Mẫu và biểu tượng nước, nguồn sống thanh khiết vĩnh cửu: “con thương mẹ/ tháng ngày hạt dẻ/ núi cát ngất trời/ ngăn lại bão giông/ trai gái làng yêu nhau rừng xây thành lũy/ chợt gục xuống sau lưỡi dao cạm bẫy/ con thương mẹ như thương Tổ quốc/ mạch nước ngầm trong vắt mấy nghìn năm” (đám tang của biển). Sự kết hợp đó tự thân đã minh định Tổ quốc trong ý nghĩa khởi nguyên, nguồn cội, vĩnh hằng. Tuy nhiên, cảm xúc cao nhất, mãnh liệt nhất có lẽ là sự hóa thân của nhà thơ vào Tổ quốc. Ở những khổ đầu bài thơ“tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi”, Tổ quốc là những gì hiện hữu xung quanh ta, thân thiết, đời thường, đến khổ cuối nhà thơ đã rút ngắn, san bằng khoảng cách, hòa nhập, đồng điệu với Tổ quốc:
khi tôi chết
tôi cũng là Tổ quốc
được sống cùng sương
ruỗi rong
cùng gió
giọng điệu của dế kể chuyện canh khuya
ngôn ngữ phiêu du mây bạc
tôi lắng nghe
thiêng liêng nếu Tổ quốc kêu gọi
như người lính sẵn sàng
đứng bên đồng đội
chẳng ai thấy tôi có mặt trên đời
Tổ quốc vĩnh hằng thế đó bạn ơi.
Có thể nói, bày biện Tổ quốc dựa trên các lớp cắt của thời gian và không gian, dựa trên cấu trúc tương phản giữa quá khứ-hiện tại, xưa-nay, cụ thể-trừu tượng, hữu ngôn-vô ngôn,… Hoàng Vũ Thuật đã giúp người đọc hình dung khái niệm về Tổ quốc, tình yêu Tổ quốc, gắn với những trải nghiệm và cuộc đời của thi sĩ. Khi sự hóa thân được đẩy đến mức tối đa, đặt trong đối sánh âm-dương: “khi tôi chết/ tôi cũng là Tổ quốc”, lúc này, Tổ quốc đâu chỉ là máu thịt, là cuống nhau nữa mà đã trở thành hình tượng bất tử, hoá thân thành linh hồn của thi sĩ. Với cảm quan này, Hoàng Vũ Thuật đã giải trình tiếng nói Tổ quốc, tình yêu Tổ quốc rất riêng, rất mãnh liệt của mình; vĩnh hằng Tổ quốc, khẳng định sức sống và tình yêu lâu bền đối với Tổ quốc – Tổ quốc ngôi nhà bền vững âu vàng.
Tập thơ Cây xanh ngoài lời của Hoàng Vũ Thuật
Vòng tròn cội nguồn trong Cây xanh ngoài lời còn hiển hiện qua những hình ảnh thân thuộc của quê hương, qua hình ảnh người mẹ hiền. Có thể nói, những chất liệu này luôn cựa quậy, xuyên suốt các tập thơ của Hoàng Vũ Thuật. Và tiếp tục làm nên vỉa-trầm-tích-lòng cho Cây xanh ngoài lời. Ông đã từng tâm sự: “Thơ tôi là những hạt cát li ti giữa hai nếp nhăn vầng trán mẹ tôi. Nó là dòng chảy buồn buồn như dáng mẹ mảnh khảnh một mình băng qua cồn cát khi ánh tà xuống, hoặc những lúc bất ngờ gặp trận bão táp dữ dội…” (Nguồn sữa tôi(***)). Từ tập thơ Những bông hoa trên cát đến Cây xanh ngoài lời, chúng ta thấy “dòng chảy buồn buồn” trong thơ ông được tạo dựng nên bởi hai thanh âm: cát (biểu tượng của vùng quê gió lào cát trắng) và mẹ (biểu tượng mẫu gốc). Hai thanh âm này chính là chủ âm nguồn cội trong thơ ông. Đây cũng là điểm khác biệt của Hoàng Vũ Thuật so với các nhà thơ khác. Sự tích hợp “cát – mẹ” thể hiện rõ ở các tập thơ. Mỗi tập thơ đều có giọng điệu, kết cấu riêng. Nhưng đều gặp nhau trên một tọa độ – nguồn cội của tâm hồn. Cảm xúc nguồn cội của Cây xanh ngoài lời không phải là những cơn chấn động tức thời khi nhà thơ đắm mình trong cuộc trở về mà nó đã được xây dựng ngay từ nền móng đầu tiên – Những bông hoa trên cát. Tâm thức nguồn cội chính là dòng chảy khát khao bền vững, bất tận, là báu vật kí ức, là gốc rễ thơ ông. Vì thế mạch tình quê trong Cây xanh ngoài lời vẫn dồn dập gọi nhau về: “con thương mẹ/ tháng ngày hạt dẻ/ núi cát ngất trời/ ngăn lại bão giông (đám tang của biển); “quê hương ôm tôi trong cánh diều chao liệng/ mở ra trang sách/ làn mây chớp trắng trên đầu/ ngôi sao cúc áo vẫn cài lên vòm cao xanh thuở trước/ giọt nước mắt khóc người thân nằm xuống sau cồn cát khô rang/ hình như tôi đã gọi hai tiếng mẹ ơi/ con vẫn chờ (hình như tôi đã). Nhà thơ sinh ra từ cát, lớn lên từ cát. Cát cũng là nơi ôm ấp mẹ. Hình ảnh mẹ vẫn xanh, xanh đến buốt lòng: “mỗi khi con về/ mẹ nhìn như trái rụng// con nghẹn ngào đột nhiên ngó xuống/ một vệt đá mòn dấu chân người bước/ ai đang cào đau nhói trong con/ suốt đời quẩn quanh mảnh vườn/ cái màu xanh/ cái màu xanh đến buốt” (mẹ). Hình ảnh thơ, cách diễn đạt giản dị nhưng tác động mạnh đến cảm xúc của người đọc bởi cách sắp xếp tăng dần những động từ trạng thái (rụng – nghẹn ngào – mòn – cào đau nhói – buốt), nhờ cấu trúc đó, nhà thơ đã đẩy tình yêu mẹ, cảm thức nguồn cội lên đến đỉnh điểm. Sự kết dính “cát – mẹ” lan toả, phóng chiếu lên câu chữ, vừa giúp chúng ta thấu thị hồn thơ đẹp của thi sĩ vừa như được tắm táp, gột rửa trong bầu không chôn nhau cắt rốn.
Như vậy, viết về Tổ quốc, về mẹ, về quê nhà, những vần thơ của Hoàng Vũ Thuật cứ chân chất từ lòng mà đi ra. Ánh sáng dân dã này vừa đủ để chúng ta soi chiếu mẫu-gốc-hồn trong thơ ông và khơi gợi, đánh thức tình yêu văn hóa cội nguồn ở người đọc. Bình dị mà sâu nặng vô cùng: “tôi yêu Tổ quốc/ như mẹ tôi yêu mảnh vườn chăm từng tấc đất” (tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi)
Thế sự là địa hạt không lạ trong thơ Hoàng Vũ Thuật. So với những tập thơ gần đây như Ngôi nhà cỏ, Màu, Mùi thì Cây xanh ngoài lời có dung mạo khác, biến tấu của những ngữ ngôn ám dụ, siêu thực được gia giảm vừa đủ, kéo người đọc gần hơn với khoảnh khắc, bản thể cuộc sống. Trước đây, có luồng dư luận cho rằng thơ ông tắc tị, bí hiểm, mà Đám mây lơ lửng(*) là viên gạch trái chiều đầu tiên. Thực ra, theo tôi, khi hình ảnh thơ ôm chứa trong nó nhiều tầng bậc, ngôn ngữ được ẩn trong lớp áo siêu thực ma mị, nó đòi hỏi người đọc không chỉ ở tinh thần đồng sáng tạo mà còn ở kinh nghiệm giải mã thơ, vượt qua barie quen thuộc để có cái nhìn nghệ thuật hơn trước những bài thơ bị tước bỏ nhạc tính, phi lôgic. Đến cái tuổi thất thập cổ lai hi, Hoàng Vũ Thuật vẫn cần mẫn, không ngừng sáng tạo. Chất suy tưởng, chất thơ của ông vẫn sắc bén, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ, rào cản, tiếp tục trương nở, đời thường nhưng vẫn tinh tế, hiện thực nhưng vẫn huyền mị. Tâm thế muốn nói, bứt phá luôn nóng rẫy, “chật chội” trong thơ ông: “tiếng sấm nén chặt trong đầu/ mười ngón chân bật khóc” (đất chết). Có thể nói, Cây xanh ngoài lời là những mảng tự sự, giãi bày của một tâm thơ nhân bản trước hệ lụy của xã hội. Giọng điệu chuyện trò với em, với nàng, với Lãm,… không hề phẳng lặng, ẩn đằng sau đó là nỗi hoài nghi xen lẫn bất lực, tuyệt vọng, cô đơn của một thi sĩ luôn khát khao lí giải những phức tạp, góc khuất của đời sống. Khi đời sống được soi rọi, khơi sâu qua những lát cắt tâm trạng, chiêm nghiệm, hiện thực Cây xanh ngoài lời được bóc tách “giản dị tới mức không thể giản dị”: “hãy mở giấy ra/ đừng nghe kẻ giả nhân răn dạy/ thơ cao sang mà cũng chẳng cao sang gì/ cứ trải thơ thành manh chiếu rách cho người hành khất khốn khổ của bạn/ đôi đũa gãy bữa cơm thiu/ cái bô dưới chõng tre cà vạt thơm trên cổ/ thơ mặc áo và thơ trần truồng” (viết). Đó là bức tranh cận cảnh đầy lở lói, đau thương của hiện thực đời sống: “gió cùm dọc những con hẽm chuột/ người ta chia nhau từng milimet ánh sáng/ người ta chia nhau mùi xú uế tởm lợm nhầy nhụa/ người ta cùng nhau cãi cọ đâm chém cùng nhau ném xác xuống sông như ném bóng/ người ta cùng nhau hôn hít làm tình cùng nhau dấu bọc thai nhi trong thùng rác/ cùng nhau chia/ chia” (miền cát du). Đó là số phận đau thương, tàn khốc của những người tị nạn đã bỏ mình trên Địa Trung Hải: “bập bênh trên mặt Địa Trung Hải/ trò chơi bầy đàn/ đánh số từ một/ những xác chết nổi loạn/ trong tấm áo tơi tả nàng là mặt trời/ đen và đặc” (sự nổi loạn của xác chết),…
Sáng tạo là quá trình người nghệ sĩ luôn ý thức vượt rào chính những trải nghiệm mà bản thân đã kinh qua. Ở đây, ta thấy chất tượng trưng, siêu thực ở những tập thơ trước nhạt dần ở Cây xanh ngoài lời không có nghĩa là thơ Hoàng Vũ Thuật đánh mất những gì đã làm nên chất giọng thơ ông. Người đọc cần vén màn sương nhiều lần mới giải mã được Đám mây lơ lửng, Ngôi nhà cỏ, Màu, Mùi, thì bây giờ, thay vào những yếu tố ma mị ấy, ông phóng chiếu hiện thực ngay trên cái nền hiện thực, tước bỏ “mặt nạ tác giả”, để thế giới sấp ngửa, bất toàn ngay trước mắt người đọc nhưng vẫn đảm bảo tính uyển chuyển, tinh tế và sâu sắc của những mật từ. Mô hình vận động này, theo tôi, nó không hề tạo điểm kênh, ngược lại, rất hợp với lộ trình “lại giống” ở trên. Phải chăng đó cũng là cách Hoàng Vũ Thuật kháng cự lại chuỗi phân thân và giấc mơ trước đây để có những trải nghiệm hiện sinh, sắc thái mới, phù hợp với kiểu con người muốn mở chốt, tìm hiểu nguyên nhân giữa một cơ chế đầy bất ổn. Nỗi niềm tâm sự có tính chất can dự của ông trong Cây xanh ngoài lời về cuộc đời, có thể nói, chưa bao giờ hết nhiệt. Tâm trạng cô đơn mà thi sĩ đã gieo xuống câu chữ qua nhiều tập thơ trước, nay vẫn thế “… hết nỗi buồn này sẽ là nỗi buồn khác”. Xanh là một bài thơ xác lập đúng những khủng hoảng của đời sống: “Nơi nào bấm nút cho những quả tên lửa/ sa mạc người nối sa mạc người/ (…)// nơi nào cấm vận tấn công hạn chế tấn công/ lật đổ dựng xây rồi lật đổ/ (…)// nơi nào bom liều chết nổ tung thánh đường/ thác máu hết ngày này sang ngày khác”. Những câu hỏi trực ngôn không còn ở góc độ cảnh báo nữa mà đã chỉ ra căn nguyên, cốt tủy của sự đổ vỡ ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Ta nên thỏa hiệp hay phản kháng trước những áp chế khi “hết thảy chân trời đều là đường cong”, “khi thế giới đang mê say trộn máu với cái nóng phủ phàng”!? Theo tôi, nhận thức lí trí cũng là một cách phản ánh bản chất của hiện thực. Trước đây, sự bi quan, nghi hoặc của một cái tôi cô đơn khiến nhà thơ nhiều lần mượn bóng tối, mượn giấc mơ, cái chết để lên tiếng (rõ nhất ở các tập Đám mây lơ lửng, Ngôi nhà cỏ, Màu, Mùi), thì bây giờ, ông tự đối diện với bất trắc, kiểm chứng bằng thức cảm hết sức mạnh mẽ. Cho nên, khi trả lại bản nguyên của ngôn ngữ và hiện thực đời sống, tôi khẳng định, những thanh âm trong thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn “đầy đặn” bởi ý thức sáng tạo nghiêm túc của thi sĩ. Tiếp cận hiện thực cả bề rộng lẫn bề sâu của những câu thơ “là mưa nhưng không là giọt mưa bạn thấy”, tư duy triết lý của Hoàng Vũ Thuật như một điểm sáng hành trình về phía bình minh: “mọi thứ đều thuộc về thì hiện tại/ ước sao sau giấc ngủ dài thức dậy tất cả không giống trước/ mỗi cánh cửa mở ra một bầu trời/ sau bầu trời là bầu trời khác/ sau bầu trời khác là bầu trời khác nữa/ bóng tối rẩy chết đắp thành nấm mồ trong viện bảo tàng” (miền cát du). Tính triết lý càng sâu hơn khi lồng ghép trong nó cảm hứng thế sự và nỗi đau thân phận: “đâu đó/ người ta tôn vinh ma quỷ/ chối bỏ cả thánh thần/ chối bỏ giấc mơ bào thai sắp tới giờ sinh nở/ người đàn bà sau bóng tối/ khát vọng giản đơn như ý nghĩ/ là mẹ hiền trong căn nhà lặng gió/ khi thế giới đang mê say trộn máu với cái nóng phủ phàng” (người đàn bà sau bóng tối). Vậy, lõi cốt của Cây xanh ngoài lời vẫn nặng trĩu, ngồn ngộn chất đời và bản lĩnh nhất quán của nghệ sĩ khởi từ Thế giới bàn tay trái. Hoàng Vũ Thuật đã tìm được lối thoát cho chính mình ở Cây xanh ngoài lời mà trước đây ý thức tự do, phản kháng phải vin vào những mặt nạ khác khi đụng chạm đến khoảng nhạy cảm.
Mỗi con chữ trong Cây xanh ngoài lời chưng cất một mật mã riêng. Nhưng khi đặt lên vai chúng sứ mệnh thế sự, chức năng biểu đạt các khía cạnh của cuộc sống, Hoàng Vũ Thuật đã tượng trưng hóa “những chữ cái” của Cây xanh ngoài lời – hiện thực nhưng luôn đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú. Đúng như một câu thơ của thi sĩ: “thơ tôi là cát lạo xạo khắp các ngã đường bạn từng đi qua”. Là cát mà bạn nhìn thấy song không hề giản đơn, luôn ẩn trong nó lớp lớp trầm tích:
những chữ cái thiết lập trang sử khôi nguyên
những chữ cái làm chân đế đồng bào
những chữ cái rịt lại vết thương nhức nhói
những chữ cái thức dậy linh hồn đã khuất
những chữ cái tô đậm đất liền biển đảo
những chữ cái cắm cột mốc chủ quyền
                                          (viết)
Cuộc sống dù có cỗi cằn, phi lý, mất mát, con người dù có hoang mang, hồ nghi đến chừng nào thì bản ngã thánh thiện, thanh cao không bao giờ bị mất đi, tình yêu cội nguồn cũng không bao giờ bị đánh cắp. Với Hoàng Vũ Thuật, cái đẹp vẫn hiện tồn, vẫn xanh non mặc kệ mọi thị phi – Cây cứ xanh ngoài lời, sự sống cứ tiếp nối như ông đã tuyên ngôn: “này em/ anh biết sự dịu dàng của ngày xưa thành nấm mồ chôn chặt/ những con chim chờ chết hót tiếng sau cùng/ những con chim xếp cánh chẳng thể bay đi/ vô vọng chồng lên vô vọng/ nhưng anh tin giờ khắc đã điểm/ cuộc đời/ sẽ xanh như ý niệm ta yêu” (ý niệm).
Chú thích:
(*). Tên các tập thơ của Hoàng Vũ Thuật.
(**). Cây xanh ngoài lời, Nxb Hội Nhà văn, 2017.
(***). Hoàng Vũ Thuật, Văn chương tìm và gặp (tiểu luận - phê bình), Nxb Văn học, 2008.
Nhật Lệ, 18/6/2017
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Không thể hóa thân cuộc đời như ước nguyện Nếu như có thể hóa thân/ Thì hãy ước chân của báo/ Tiếng gầm của hổ/ Và sống cuộc đời như sư ...