Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Chênh chao và khắc khoải trong "Vết bầm giấc mơ" của Lê Tuyết Lan

Chênh chao và khắc khoải trong
"Vết bầm giấc mơ" của Lê Tuyết Lan

Khi lần đầu tiên tiếp xúc với tập thơ, người ta không khỏi bật ra thắc mắc, tại sao “giấc mơ” lại đi liền sau với “vết bầm”? Sao “vết bầm” là điều không muốn, mang hàm nghĩa không hay, đã rồi, dư âm xấu lại đi cặp cổ bạn bè với từ ngữ diễn tả ao ước, mong ngóng, chờ đợi là “giấc mơ”? Phải chăng tựa đề tập thơ đã manh nha những điều trái ngược, nghịch lí? Tác giả muốn gửi gắm điều gì đây hay cố tình gây ấn tượng lạ để tạo sự tò mò cho người đọc? Một cái tên tập thơ vừa là lạ vừa gời gợi điều gì đó còn đang ẩn khuất…
Tôi đọc tập thơ “Vết bầm giấc mơ” của tác giả trẻ Lê Tuyết Lan trong một tâm thế như vậy.
Tập thơ được chia làm hai phần hẳn hoi như là một sự cố ý sắp đặt (Phần I: Quê nhà yêu dấu; phần II:Tiếng tơ lòng). Ở đây, phải chăng là sự sắp xếp cố ý gọi ra cho bằng được tên tiếng lòng mà tác giả muốn trút lên câu chữ?
Nhà thơ trẻ Lê Tuyết Lan
Điều dễ nhận thấy trước tiên là hình tượng bà nội xuất hiện đậm đặc và trùm phủ phần I tập thơ. Điều ấy cho chúng ta thấy rằng, tác giả đã dành hẳn một vị trí không gian trữ tình đẹp đẽ và trang trọng nhất cho nhân vật bà nội trong thế giới nội tâm nhân vật trữ tình của tập thơ. Chắc hẳn bà nội ở đây có gì rất đặc biệt đối với tác giả? Tác giả đã dành hẳn 6 bài thơ đầu tiên để viết về bà nội: Ngày mai con đi, Về với nội, Ngày mai con đi lấy chồng, Đưa nôi thương nhớ, Thư gửi nội, Nội ngồi vá mây.
Bài thơ mở đầu tập “Vết bầm giấc mơ” là một sự chuẩn bị chia tay cận kề giữa bà và cháu đẫm đầy những lưu luyến. Sao lại có cuộc chia tay bịn rịn và ẩn chứa đau đớn đến vậy?
“Ngày mai con đi
Góc sân nội ngồi
Nước mắt lưng lưng..”
(Ngày mai con đi)
Điệp ngữ “ngày mai con đi” xuất hiện lặp lại tới năm lần như là một dự báo chia lìa quặn thắt. “Nước mắt lưng lưng…” là nước mắt không còn nữa để khóc cho phút giây tiễn biệt. Nỗi đau quặn lại “lưng lưng” diễn tả nỗi niềm ẩn sâu chứa chất trong lòng. Có một chút ánh sáng hy vọng lóe lên ở cuối bài: “Thì đôi bàn tay ngày già trơn vuột/ Để con dìu bà/ Qua hết lênh đênh”, nhưng nhìn toàn thể vẫn là một bài thơ buồn đau và thấm đẫm những kỉ niệm kí ức tuổi thơ trong sáng cùng sự dìu dắt cho cháu lớn khôn ở bà nội. Thì ra, bà nội không chỉ là Nội mà còn là mẹ con, là cha con rồi có lúc bà nội kiêm luôn bạn chơi với tuổi thơ con nữa! Có thể nói tuổi thơ nhân vật trữ tình đứa cháu đã gói gọn trong lòng bà nội. Những câu thơ gợi ra hình ảnh vừa quen vừa lạ:
“Balô con đầy ắp…
Ánh mắt, nụ cười, liếp ruộng, bờ mương…
Có bàn tay gầy guộc
Đưa một kiếp người qua dâu bể biển khơi
Con ốc, cọng rau cũng trở mình nhiều khắc khoải
Bờ ruộng nội cấy, con trườn nhắc nhẵn chuyện ngày xưa…”
(Ngày mai con đi)
Cho nên, khi được về bên bà nội là như được về với yêu thương yên ấm, được hít thở bầu không khí êm đềm của sự chở che đùm bọc. Tình yêu thương và tấm lòng bà nội được Lê Tuyết Lan diễn tả xúc động, giọng thơ tự nhiên, rất gợi:
“Con bỏ lại Sài Gòn những đêm cô đơn trong ánh đèn rực rỡ 
Nơi mà con người nhỏ nhoi như hạt mưa rơi trên dòng nước 
Cựa hoài, chẳng thể trôi.  
Về với Nội
Chẳng còn những ngày chực chờ rơi rớt 
Chạy quanh quanh với những con đường đầy người 
Mà riêng mình khô khốc 
Nhìn đâu cũng biết đớn đau. 
Về với Nội…”
(Về với Nội)
“Vết bầm giấc mơ” – tập thơ đầu tiên của Lê Tuyết Lan
Ở đó, chúng ta còn bắt gặp bao nhiêu những khắc khoải chăm bẵm khi lời thơ đề cập đến hình tượng người mẹ. Đó là những hình ảnh người mẹ hiện ra trong xa xăm mơ hồ, u oa ao ước ôm ấp nhưng lại vời vợi thăm thẳm: “Mẹ đã mệt rồi phải không? Từng tiếng thở héo hon bấu vào đêm ngàn ngạt/ Đôi mắt mờ ảo quơ tìm góc con tong teo bụi bặm dốc đời (Mẹ đã mệt rồi); đó còn là những mong ngóng, những cơn cớ để mong ước chia sẻ bao mất mát hụt hẫng, lời thơ là lời ru cô đơn xa xót: “À ơi con mẹ/ Ngủ đi con những ngày cuối trời buồn bã/ Chấp vá nhọc nhằn mẹ ru con bằng những giấc đời tan vỡ / Đưa tay mẹ nắm hôn con cả triền miên biển cả/ Con bé nhỏ trong lòng/ Con đã biết gánh gồng mong manh (Ru con). Đôi lúc xuất hiện những câu thơ lạ, ám ảnh đến vênh người khó quên:“Sợi tóc thề thả cong ánh chiều quê/ Gom gió, mây làm đê dài lăn lóc cọng rơm khô” (Bên bến sông xưa)
Ở đó còn là tiếng kêu thảng thốt của đứa con côi cút. Nỗi chênh vênh ấy hụp hửi chới với qua những câu thơ thật lạ, hỏi xoáy buốt rát lòng người: “Cha, mẹ ơi trời đã vào tháng mấy/ Vai con cong hoài những vết hoàng hôn” “Vết hoàng hôn”
Thốt nghĩ, một người chưa từng trải thì không thể viết được những câu thơ cắt cứa thấm đẫm phận người đến như vậy!
Đâu đó, còn là tiếng lòng của đứa con xa xứ luôn hướng về quê hương, giọng thơ đằm dịu, lời thơ khao khát hòa hợp gắn bó: “Ta về ta ở bên người/ Đêm đêm đất thở thay lời thủy chung” (Về ôm quê hương), có khi buồn buồn nhưng không lẻ loi: “Con cá bơi tìm hoa/ Nổi trôi cánh tím/ Mồ côi mây trời” (Đi qua sông quê), có khi là tiếng nói lạ nhưng vẫn tràn đầy năng lượng thương yêu: “Về đây để khóc cùng sông/ Gửi dăm câu chuyện long đong lỡ thì/ Trăm ngàn nỗi nhớ muốn ghi/ Trăm ngàn con sóng siết ghì vực sâu” (Ngồi bên sông), có khi là tiếng nói đẫm đầy kí ức quê rất giàu hình ảnh về người bà, về đồng ruộng: “Ngày qua quê có chéo áo bà sần sật đi hái mây về che nếp rách/ Bụm giọt nước đồng mà nghe cả mùa gặt trên tay” (Qua quê)
Có thể nói, tinh hoa câu chữ tác giả đã dành gần như cho hết bà nội và quê hương, phần sau cảm xúc nhẹ dần đi là điều dễ hiểu. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể chọn ra một số câu thơ đáng đọc. Đó là những câu thơ giàu hình ảnh, mang đậm hồn vía cuộc sống từng trải: “Tay gầy gỡ sợi cơn mê/ Nhiêu khê vắt võng treo lề đục trong” (Lâu rồi); có câu tưởng cũ kĩ nhưng lại rất mới, rất ấn tượng: “Hồng trần lạc bước bơ vơ/ Có người lầm lũi cơn mơ cũng bầm” (Vết bầm giấc mơ); có những câu thơ như là lời thủ thỉ ấm lòng chờ đợi, mong ngóng qua kiểu nói lạ: “Bụi dừa nước cúi mình ngậm đất/ Anh có về qua từng đêm gió bấc/ Hôn qua xuân em trong hơi lạnh thật thà” (Người góa phụ); có những câu thơ bề ngoài là miêu tả thế giới vất vả mưu sinh, nhưng bên trong lại là tiếng nói diễn tả thế giới tâm hồn ăm ắp kí ức hồn nhiên: “Gập mình giữa phố hẩm hiu/ Chân này bước/ Chân kia khều tuổi thơ” (Sông trinh nữ).
Đôi lúc có những đoạn thơ rất lành nghề, vững nhịp: “Đám mây tự vẫn xuống đời/ Đua nhau những hạt rã rời gió mưa/ Trông chừng sau ánh đèn thưa/ Ai người ở lại đón đưa nhọc nhằn… / Dắt ngày đi hết hôm qua/ Đem về đốt sợi ta bà bi ai” (Vệt xanh nhau).
Có khi ta bắt gặp cách tả là lạ: “Có con chim bìm bịp / Khóc thương chiều đã góa màu xanh” (Lỡ làng) đem đến cảm giác ngạc nhiên thú vị, nó như chất xúc tác làm thay đổi mùi vị và tăng cường sự khoan khoái cho giác quan cảm thụ; chỉ tiếc rằng những câu như vậy xuất hiện không nhiều trong tập thơ.
Có những đoạn thơ tác giải pha trộn tình ý rất lạ: “Hẹn mình một buổi chiều đông/ Về nghe gió thổi mênh mông dịu dàng/ Từ ngày chiếc bóng bạt lang/ Thèm nghe tiếng vọng cơ hàn quê xưa” (Hẹn mình) khiến người đọc không khỏi thao thiết cùng con chữ với chị. Cái khát khao đâu đó ẩn trong sự từng trải chấp nhận, rồi chính trong cảm thức từng trải kia lại như mơ hồ hiện hữu vẻ đẹp dịu dàng xa xăm. Giọng thơ thảng thốt cắt cứa mà như lại thong dong tự tại.
Tôi đồ rằng, tác giả viết thơ rất nhanh vì những bài thơ như sự gom chụm kí ức, cất lên từ sự chắt lọc cuộc đời nên giọng điệu tự nhiên, ít thấy dấu vết của sự dụng công thi pháp: “Đã quá chuyến sầu mà vẫn ảo ảnh chuyến thuyền quyên” (Ảo ảnh)
Nếu phải chỉ ra những vết gợn đáng tiếc của tập thơ thì đó là một vài bài lục bát còn nhẹ về cảm xúc và yếu về vần điệu. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì hình như người mới làm thơ ai cũng thường mắc lỗi này. Rồi đó còn là ở chỗ tác giả sử dụng từ Hán Việt đã cũ, dễ gây cảm giác sáo mòn cho người đọc.
Với tập thơ “Vết bầm giấc mơ” cho dù đây đó còn một vài chỗ non nớt xong nhìn chung tác giả Lê Tuyết Lan đã rất có ý thức chuyển tải những thông điệp tâm tình gọn ghẽ nhất có thể qua nghệ thuật ngôn từ của mình. Những bấp bênh gập ghềnh của cuộc đời đã được tác giả hình ảnh hóa rất rõ nét, bên cạnh đó là tiếng nói lấp lánh ánh sáng của sự khát khao thương mến. Cả tập thơ bàng bạc những hụp hửi phận người, chới với mơ ước xa xăm và cùng cực khát khao chăm bẵm ấp ôm mẫu tử. Chính điều này đã làm nên giá trị nhân văn cho tập thơ. Đọc xong tập thơ “Vết bầm giấc mơ” của tác giả, người ta không thể không xao xác giây phút khi thử nhìn lại phận đời sắc sắc không không của cõi người. Tập thơ là sự kích hoạt con chữ đáng ghi nhận ở một tác giả trẻ. Thiết nghĩ, nó sẽ là bước đà cho sự dậm nhảy về thơ sau này của cây bút Lê Tuyết Lan. Chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi ở tác giả trẻ này!.
Sài Gòn, 28/11/2020
Nguyễn Ngọc Tân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...