Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Chuyện tức cười của người viết văn

Chuyện tức cười của người viết văn

Xuất bản cuốn sách đầu tiên, tác giả phải chịu rất nhiều áp lực, và cũng cần nhiều bàn tay giang rộng hỗ trợ. Có những điều thật ý nghĩa, có những chuyện tức cười xảy ra với lần đầu tiên xuất bản một cuốn sách trong đời, nhưng trên hết, đó là một điều kỳ diệu.
1. Vào năm 2007, tôi quyết định xuất bản cuốn sách kỷ niệm của cuộc đời mình. Tôi nghĩ, đây là cuốn sách đầu tiên, cũng sẽ là cuốn sách cuối cùng. Nghĩ nó là cuốn sách cuối cùng, là bởi, tôi muốn nhớ về một ước mơ cháy bỏng từ thuở ấu thơ, say mê đọc sách và muốn trở thành một nhà văn. Nhưng sau khi lớn lên, đi làm, lấy chồng sinh con, lao vào vòng xoáy nghiệt ngã của cơm áo gạo tiền, ước mơ trở thành nhà văn ngày càng teo tóp và tàn lụi.
Nhà văn Kiều Bích Hậu
Trên đống tro tàn ấy, chỉ còn một chút hơi ấm, tôi quyết định cần phải viết chừng hơn chục cái truyện ngắn, in thành một tập sách, để cho dù ước mơ trở thành nhà văn có vĩnh viễn lụi tàn, thì ít nhất cũng đã có một cuốn sách làm kỷ niệm đẹp cho nó. Thế là trong suốt nửa năm, tôi thức dậy thật sớm, lúc chồng con còn ngủ say, để không ai quấy rầy. Trong không gian tầng một, chật chội bởi kê những bàn làm việc của cán bộ nhân viên công ty truyền thông do tôi lập ra để mưu sinh, tôi lặng lẽ viết những truyện ngắn, với tâm niệm viết để kết thúc một ước mơ hão huyền thời con trẻ.
Nào ngờ, một trong những truyện ngắn đó, được một nữ nhà thơ động viên, nên tôi gửi dự thi truyện ngắn báo Văn nghệ, được giải Nhì năm 2007, một điều hoàn toàn bất ngờ. Và điều đó, vô tình lại làm bùng cháy ngọn lửa tưởng như đã dần lụi trong đám tro tàn. Tuy nhiên, khi hoàn thành bản thảo tập truyện ngắn, lấy nhan đề “Đường yêu”, tôi vấp phải vô vàn khó khăn khác. Đó là tôi hoàn toàn mù tịt, không biết đường đi nước bước thế nào để có thể xuất bản được một cuốn sách.
Nhờ nhà văn Lưu Sơn Minh giới thiệu, tôi liên hệ với Nhà sách Đông Tây, và nhà sách này đồng ý phối hợp với tác giả, với hình thức là tác giả tự đầu tư, còn Đông Tây sẽ sản xuất và phát hành sách. Thế là mừng lắm rồi. Tôi muốn cuốn sách có dấu ấn của một người bạn có ảnh hưởng lớn tới tôi thời đó là họa sĩ Thạch Hãn, nên nài anh thiết kế bìa cho tôi. Sau đó, nhà văn Dạ Ngân tư vấn người viết lời giới thiệu thật nặng ký cho cuốn sách, đó là nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tôi nào dám ngỏ lời với “cây đại thụ văn chương” ấy, phải nhờ chị Dạ Ngân kết nối giùm. Và tôi hồi hộp chờ đợi. Nào ngờ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đồng ý, thế là nhân dịp ông bay từ Sài Gòn ra Hà Nội họp, tôi đã đưa ông tập bản thảo cuốn “Đường yêu”. Ông đã đọc nó trong chuyến bay trở về Sài Gòn, và gửi lời giới thiệu cuốn sách cho tôi ngay sau đó, với lời khuyên, nên đổi nhan đề cuốn sách từ “Đường yêu” thành “Đợi đò”. Vì theo ông thấy, “Đợi đò” là truyện ngắn xuất sắc nhất trong tập sách này. Nhưng tôi đã không nghe lời ông. Tôi một mực nghĩ rằng, xuyên suốt cả tập sách, là con đường yêu đương trắc trở, trớ trêu của đàn bà, nên tôi muốn bảo lưu quyết định của mình.
2. Để chắc ăn hơn nữa, tôi đưa tập bản thảo cho nhà văn Nguyễn Khắc Phục, một đàn anh trong làng văn đọc và góp ý. Ông đọc xong, rít thuốc phả khói mịt mù căn phòng nhỏ, rồi “phang”: “Em viết còn bản năng, chuộng lạ”. Tôi băn khoăn quá, đi cà phê với họa sĩ Thạch Hãn, hỏi thêm ý kiến anh về nhận xét của Nguyễn Khắc Phục. Anh điềm nhiên bảo, bây giờ em có thế nào thì hãy viết đúng như thế, sau này muốn viết y như cũ cũng chẳng được đâu.
Sau nội dung, đến vấn đề “đầu tiên”. Kinh phí in cuốn sách lấy đâu ra? Tôi viết sách đã nhọc nhằn, “cày cuốc cật lực” nuôi cả hai con với một chồng, nay lại phải đi tìm nguồn tiền in sách thì quá sức. May sao, Minh Tâm, một nhà báo quen thân với nhạc sĩ – doanh nhân Hà Dũng, đã giúp tôi kết nối với nhạc sĩ, được ông nhận lời tài trợ tiền in sách. Vậy là cởi bỏ được mối lo thiếu nguồn kinh phí.
Và cuối cùng, cuốn sách đầu tiên của tôi trong cuộc đời đã được in, Đông Tây nhận phần bán sách, gửi cho tôi 50 cuốn để tặng bạn hữu, người thân. Tôi hạnh phúc đến nghẹt thở, cầm cuốn sách trên tay, lật đi lật lại xem từ trang bìa, đến từng trang ruột, nắn nót viết những dòng cảm xúc chợt đến vào trang 3 cuốn sách mà tôi lưu trữ cho riêng mình. Rồi từ lúc ấy, hôm ấy, làm việc gì cũng ngẩn ngơ trong bồi hồi xúc động. Một nỗi xúc động sâu thẳm mà không điều gì khác trên đời có thể đem lại cho tôi, như sách của chính tôi.
Nhưng khi chồng tôi xem cuốn sách, thấy tên nhạc sĩ Hà Dũng trong lời tác giả cảm ơn, anh không hài lòng. Ngay lúc đó, anh không nói gì. Nhưng rồi trong một lần hai vợ chồng có chuyện to tiếng, lúc ấy anh mới nói ra nghi ngờ của mình, rằng tôi hẳn có mối quan hệ không đứng đắn với nhạc sĩ Hà Dũng. Bởi nếu không, làm sao ông ấy lại chi tiền cho tôi in sách? Những chuyện tình tang của các nhân vật trong sách, hẳn là tôi đã trải, với chính ông ấy?…
3. Thật là tức cười. Nghe cái lý luận cho sự ghen tuông ấy của người nhà mình, tôi khá choáng, nhưng rồi sau đó lại buồn cười. Chẳng biết các nữ nhà văn khác khi viết truyện về tình yêu, có bị chồng mình, bạn trai, người đang yêu ghen tuông như thế hay không. Và vị mạnh thường quân cho văn học bị nỗi oan kia sẽ nghĩ gì? Tất nhiên, tôi chẳng thân với Hà Dũng đến mức kể với anh chuyện này. Nhưng tôi nhớ như in buổi chiều hôm ấy, tại Sài Gòn, trong một quán cà phê, tôi gặp nhạc sĩ Hà Dũng để nhận khoản tiền tài trợ sách. Bên bàn nước sơn đen nhức, với chiếc cốc sứ trồng mạ xanh non trang tri, và cà phê thơm quyến rũ, chúng tôi đã nói chuyện suốt cả buổi chiều, tới hơn bốn tiếng đồng hồ. Sau buổi nói chuyện với ông, tôi bị nhức đầu, chỉ bởi, tôi muốn nhớ quá nhiều những điều ông nói. Hà Dũng là một người từng trải, nhiều lý luận, và triết lý sống của ông cũng khiến tôi ngạc nhiên, mới mẻ và khác biệt so với quan niệm chung. Sau này, khi nhạc sĩ Hà Dũng bị “tai nạn” với dự án Indochina Airlines, tôi có nhắn tin hỏi thăm ông. Sau đó, chúng tôi lặng thinh, nhưng cá nhân tôi thực sự biết ơn và trân trọng ông – một nhạc sĩ, một mạnh thường quân và một triết gia thầm lặng.
Và có điều tức cười nữa, là tôi định sẽ “khai tử” giấc mơ viết văn của mình, bằng việc ra cuốn sách “Đường yêu”, thì ngờ đâu, con đường viết văn từ đó lại bất ngờ trải rộng thênh thang, mời gọi tôi bước vào, đi miên man…
18/7/2020
Kiều Bích Hậu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...