Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Dưới chân đèo Cả

Dưới chân đèo Cả

Chiếc xe dịch vụ chạy xuyên đêm, từ Sài Gòn ra Đại Lãnh. Trên xe là một nhóm phượt thủ chuyên nghiệp. Trong đó, có tôi.
Sáu giờ sáng, chiếc xe dừng bánh trước cảng cá Đại Lãnh. Tại đây, đã có một nhóm các phượt thủ từ các địa phương khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Rang, Phú Yên… và một số phượt thủ người Vạn Ninh đã chờ sẵn. Tất cả chúng tôi đều đã từng quen biết nhau qua nhiều chuyến phượt trên khắp các vùng miền, khắp các vùng biển đảo, núi non của Việt Nam… Kỳ này, chúng tôi chọn vùng biển Đại Lãnh làm nơi tập kết, hội họp và “bắn phá”. Hầu hết chúng tôi đều là những tay săn ảnh chuyên nghiệp, thích lang thang đây đó, thích khám phá những nơi hoang dã và vắng vẻ. Nhưng kỳ này, địa điểm chúng tôi lựa chọn, là một vùng biển xanh mướt và nhộn nhịp thuyền bè.
Những phượt thủ người địa phương đã chuẩn bị sẵn một chiếc tàu đánh cá để đưa chúng tôi lang thang quanh vùng biển Đại Lãnh. Con tàu đã neo sẵn cạnh cầu cảng. Trên tàu đã được chuẩn bị sẵn năm thùng nước ngọt cao ngang bụng người lớn, cùng đồ ăn đồ uống và một số dụng cụ cần thiết khi ra biển và khi đổ bộ lên các hòn đảo hoang, khám phá và ngủ nghỉ trên đảo.
Cảng cá Đại Lãnh nằm dưới chân đèo Cả, thuộc về địa phận tỉnh Khánh Hòa. Sáng sớm, những chiếc thuyền đánh bắt ban đêm đã trở về và đang đua nhau cập cảng. Những thùng tôm, cá… đang được đưa lên cảng, giao cho các thương lái để chở đi các nơi tiêu thụ. Nhóm phượt chúng tôi xắn cao quần, lội quanh cái chợ tôm cá lẹp nhẹp những nước và mùi hôi tanh của tôm cá để chụp những bức ảnh đầu tiên trong hành trình. Tôi dừng chân trước dãy hàng tôm, với những thúng tôm tươi đỏ au, còn nhảy tanh tách, xung quanh có hàng chục người đang xúm xít cân đong. Thấy bọn tôi xuất hiện cùng ba lô, máy ảnh, cùng những kiểu cách ăn mặc kỳ quái, mọi người cũng đua nhau tạo dáng, khuỳnh tay chân, chống nạnh, hoặc cười há há cạnh những thúng tôm… để chúng tôi chụp ảnh.
Sau một hồi “bắn phá” khu cầu cảng, nhóm phượt chúng tôi chia tay với các ngư dân và các thương lái. Chúng tôi nhảy xuống chiếc tàu đánh cá được chuẩn bị sẵn, đang bập bềnh trên sóng, và bắt đầu ra khơi.
Mặt trời đang nhô lên ngoài khơi xa, hắt ánh sáng vàng chói xuống mặt biển lung linh. Biển Đại Lãnh nước trong vắt và xanh đến nao lòng. Khám phá vùng biển này và ngắm đèo Cả theo hướng nhìn từ ngoài biển, chụp những bức ảnh về đèo Cả theo hướng từ ngoài biển nhìn vào… đó là mục đích của chúng tôi lần này. Sau đó, sẽ quay về, đổ bộ lên hòn Nưa, khám phá hòn Nưa và ở lại trên hòn đảo này một đêm trước khi hành trình tới những địa điểm khác.
Chiếc thuyền đánh cá đang chạy lướt ngang hòn Nưa. Tôi là người phương bắc, đã vào sinh sống tại Sài Gòn từ gần ba chục năm nay. Và tôi đã ngược xuôi nam-bắc hàng chục lần bằng cả tuyến đường bộ lẫn đường sắt. Lần nào đi ngang đèo Cả, tôi cũng phải ngắm nhìn ra biển cho thoả con mắt. Hòn Nưa, tôi đã thấy nó hàng chục lần. Nó nằm ngay dưới chân đèo Cả, cách đất liền không xa lắm. Và trưa nay tôi sẽ đặt chân lên đó.
Con thuyền chạy thẳng ra biển để các phượt thủ và các tay máy chuyên nghiệp có một tầm nhìn rộng về phía đất liền và quan sát được gần như toàn bộ đèo Cả. Biển và đèo núi đều xanh ngắt một màu, đẹp và thu hút đến lạ. Từ xa nhìn vào, con đèo thật đẹp. Kìa một đoàn tàu hỏa đang bò như con rắn trên đèo, kìa những chiếc xe ô-tô đang leo dốc nhìn như những con bọ hung nối đuôi nhau nhích từng chút từng chút. Kìa những đám mây đang ôm ngang đèo, ngang núi, đẹp như trong cổ tích… Bọn tôi chĩa ống kính về các hướng và thi nhau bấm lạch tạch… Thi thoảng lại có một vài tiếng thốt lên trầm trồ sau khi một ai đó vừa chụp được một tấm ảnh ưng ý…
Sau vài tiếng đồng hồ lênh đênh trên vùng biển Đại Lãnh để bọn tôi săn ảnh. Con thuyền bắt đầu vòng về phía hòn Nưa. Theo yêu cầu của các tay săn ảnh, con thuyền chạy quanh hòn Nưa một vòng để bọn tôi “bắn phá” các góc cạnh của hòn đảo nho nhỏ và xinh đẹp này, và thi thoảng lại hướng ống kính về phía đèo Cả, “bắn” vài phát ở cự ly gần.
Hòn Nưa có một vị trí địa lý đặc biệt, một nửa bắc đảo thuộc về Phú Yên, một nửa nam đảo lại thuộc về Khánh Hòa. Trên đảo hiện có một cột mốc phân chia ranh giới giữa hai tỉnh. Và đó cũng là cột mốc duy nhất chia phần một hòn đảo mà tôi từng gặp. Hòn Nưa có đỉnh núi cao 105 mét so với mực nước biển, và tại đây có đặt một ngọn đèn hải đăng có nước sơn màu đỏ.
Sau khi lượn quanh một vòng, chiếc tàu cá tấp vào bãi biển của hòn Nưa. Bãi biển cát trắng, nước trong vắt, đứng trên tàu cũng nhìn thấy từng hạt cát dưới đáy.
Con tàu thả neo cách đảo khoảng 40-50 mét, nước cao ngang ngực. Một chiếc thuyền thúng khá to được thả xuống và vài tay phượt thủ cao lớn cũng nhảy xuống nước, đỡ thúng cho các thành viên khác chuyển đồ và khi nhảy xuống thúng khỏi bị té, rồi rong thúng vào bờ, mỗi chuyến vận chuyển được bốn người và một số ba lô, đồ đạc. Năm thùng nước ngọt cũng được thả xuống cho mấy phượt thủ cao to rong vào đảo, lôi lên bãi cát. Hơn nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi mới chuyển hết “quân” và đồ đạc lên đảo. Cũng có hai tay phượt thủ bị lật thúng do không giữ được thăng bằng khi nhảy từ tàu cá xuống thúng, ướt mất một chiếc iphone, thiệt hại hơn một chục triệu đồng. Mỗi lần đi biển, đi sông nước, dân phượt bọn tôi sợ nhất là bị ướt máy móc. Trong ba lô người nào cũng có máy ảnh, ống kính… trị giá hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, dính nước biển là coi như đi tong.
Nắng trưa đổ xuống hòn Nưa như thiêu đốt. Nhưng trong cái nắng chang chang ấy, có những ngọn gió ào ào thổi vào, khiến nó cũng dịu bớt đi được một phần.
Nhóm phượt bọn tôi kéo nhau lên cạnh trạm cư trú của các nhân viên hải đăng. Ở đây có mấy cây bàng khá to, tán rộng và mát mẻ. Đồ ăn thức uống được bày ra. Cả bọn xúm vào “đánh nhanh” bữa trưa rồi bung lều, bung chiếu quanh gốc bàng, hoặc lăn ra đất, kiếm chỗ nằm nghỉ cho lại sức. Một phượt thủ nổi hứng vác máy ảnh ra phía bãi biển để chụp choẹt. Hắn đi được vài phút thì chạy vào la toáng lên: “Chết rồi! Chết rồi! Đổ hết rồi…” – Các phượt thủ hốt hoảng bung lều, bung chiếu, chạy ra xem chuyện gì? Tay kia vẫn chỉ tay ra phía bãi biển: “Các ông ra mà coi…”. Bọn tôi túa ra bãi biển. Trước mặt bọn tôi, năm thùng nước ngọt đủ cho hơn 20 người ăn và tắm trong một ngày một đêm trên đảo, đã bị sóng đánh sập mất ba thùng, chỉ còn lại 2 thùng đang nghiêng dần.
Bọn tôi xúm vào kéo hai thùng nước còn lại lên cao hơn và tiếc rẻ nhìn ba thùng nước bị đổ xuống biển. Bao nhiêu công sức vận chuyển nước lên tàu, rồi từ tàu xuống biển, rong vào bãi cát. Giờ thì chỉ còn lại hai thùng cho hơn 20 người. Lúc kéo những thùng nước từ tàu cá lên bãi cát, bọn tôi đã không tính tới chuyện thuỷ triều dâng. Thế nên, trong lúc bọn tôi nghỉ trưa thì thuỷ triều dâng cao, sóng lên cao dần và đánh tới chỗ năm thùng nước khiến ba thùng ở ngoài cùng đã bị đổ sập.
Cả bọn ngồi thừ ra một chút rồi quyết định: “Hai thùng nước còn lại, ưu tiên để phục vụ cho ăn uống. Ai tắm biển thì chịu khó vào trạm hải đăng “ngoại giao” với mấy anh nhân viên gác đèn, xin vài gầu nước ngọt xối qua cho khỏi rít người”.
Hai giờ chiều. Các phượt thủ bắt đầu vác “súng ống” đi “bắn phá” quanh đảo. Bọn tôi khám phá vùng biển theo nhiều hướng nhìn từ hòn đảo, từ độ thấp ven mép sóng, tới đỉnh cao nhất, nơi có ngọn hải đăng đang ngự trị…
Bốn giờ chiều. Các phượt thủ kéo nhau xuống biển, tắm táp, lặn san hô, và bắt nhum, bắt ốc…
Phía bãi đá ở phần mũi nam của hòn đảo, nơi hiện diện cột mốc phân định ranh giới giữa hai tỉnh, có những bãi san hô khá đẹp. Nước biển trong vắt, đứng trên những mỏm đá nhìn xuống, thấy rõ từng cụm san hô mọc san sát với nhau tạo thành một bức thảm san hô cực đẹp. Tôi cũng mượn được cái kính lặn của mấy anh ở trạm hải đăng, và tham gia nhóm lặn san hô. Nhóm này gồm những tay bơi lặn giỏi nhất trong đoàn.
Vừa khám phá bãi san hô được một chút thì tôi bị… đổ máu. Thật xui xẻo, khi tôi quơ chân đạp phải một… tảng đá có những con sò nhỏ xíu và sắc lẹm đang bám đầy, và tạo ra một vết rách khá sâu ngang ngón chân cái bên phải. Một cảm giác nhói đau và máu bắt đầu chảy. Nước biển trong vắt và cực lạnh, khiến những tia máu không thể tan nhanh được. Chúng tạo thành những tia, những sợi, và bay bay trong nước, đẹp đến mê hồn. Mỗi lẫn tôi quậy chân để bơi, lại tạo ra một vệt máu tươi bay lượn trong nước. Có vẻ không ổn khi máu cứ tuôn ra liên  tục, tôi đành phải bỏ dở công cuộc chinh phục những đám san hô ở biển Đại Lãnh. Tôi bơi vào bờ, leo lên bãi đá và nhảy… tập tễnh về phía trạm hải đăng. Vừa đi vừa nhăn nhó, vì lúc này sự nhức buốt mới lên tới đỉnh điểm. Một thành viên trong nhóm phượt đưa cho tôi mấy miếng băng cá nhân. Tôi lau khô vết rách rồi dán mấy miếng băng. Xong, xách máy ảnh lang thang trên bãi biển để chụp… cảnh hoàng hôn. Bãi tắm ở hòn Nưa cũng khá đẹp, nước trong xanh và cát trắng mịn. Có mấy “nàng tiên cá” xinh đẹp đang mặc bikibi và đang vùng vẫy ở đó. Họ là những “phượt thủ” nữ của nhóm. Thấy tôi xách máy ảnh ra bãi biển, các “nàng tiên cá” liền vẫy tôi lại, yêu cầu chụp một bộ ảnh… bikini cho họ.
Chao ôi…
Biển xanh, cát trắng, chiều tà…
Gái xinh, da trắng, mịn mà, hở hênh…
Bỗng dưng có “mẫu xinh”, tất cả bọn họ lại đang bận… bikini, ngu gì không chụp. Thế là tôi “lên đạn, kéo cò” bắn lạch tạch một hồi. Các “nàng tiên cá” thì tạo dáng, uốn lượn đủ kiểu để khoe… đường cong. Họ không phải “mẫu chuyên nghiệp” nhưng sự bạo dạn thì… có thừa. Đúng là trong cái rủi có… cái may. Nếu không bị rách ngón chân thì có lẽ tôi vẫn đang vùng vẫy, hì hụp cùng đám đồng bọn mày râu ngoài bãi san hô, chứ đâu có được một bộ ảnh bikini độc đáo như thế này. Khi đã “no ảnh” với đủ các góc chụp, và các “mẫu xinh” đã cạn ý tưởng tạo dáng, tôi dừng tay và phán: “Ai muốn lấy ảnh thì phải mời tui… càfe”. Mấy “nàng tiên cá” phảy tay: “Về Sài Gòn, sẽ mời đại ca cùng… uống say một bữa để… đền đáp!”. Rồi một nàng dặn đi dặn lại: “Nhớ không được tự ý đưa ảnh lên mạng đấy nhá!”. “Tất nhiên rồi! Dân chuyên nghiệp, ai lại làm thế?” – Tôi gật đầu. “Đưa lên là… cháy mạng đấy!” – Một nàng khác nói. Rồi các nàng cười há há. Tiếng cười vang cả bãi biển, rồi hòa tan cùng những tiếng sóng ì ào…
Lúc này, hoàng hôn cũng bắt đầu ập xuống. Trời tối dần…
Đêm xuống.
Bọn tôi dùng nhiều chân máy (chân máy ảnh) ghim chặt xuống cát, kéo cao hết cỡ, rồi kéo dây điện, cột vào các chân máy, tạo thành một dàn đèn. Chúng tôi thắp sáng những chùm bóng đèn bằng những bình ắc qui mà chúng tôi mang theo. Bãi cát bỗng lung linh như đang có một sân khấu của một đoàn tuồng chèo.
Gió thổi khá mạnh và lạnh. Một đống củi khô được chất lên trên bãi biển. Một phượt thủ dùng đèn khò để nhóm lửa. Những tia lửa xanh lét được phun ra, thách thức tất cả những ngọn gió mạnh đang ào ào thổi vào. Đống củi bén lửa và bùng cháy trước những ngọn gió thổi vù vù… 
Hơn một chục chiếc lều cá nhân được dựng lên trên bãi cát. Và chúng tôi bắt đầu buổi sinh hoạt tập thể ban đêm. Những tấm vải bạt được trải ra trước những túp lều. Những thực phẩm mang theo bắt đầu được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau như nướng, luộc, chiên, xào, hầm…
Những phượt thủ không có nhiệm vụ nấu nướng thì ngồi trên bạt, ôm đàn ghi ta gảy phập phừng, hò hát ầm ĩ.
Những đĩa đồ ăn đã chế biến được bày lên tấm bạt. Bia rượu bắt đầu khui và cuộc vui bắt đầu.
Bọn tôi cụm ly, cụm lon với nhau. Uống bia rượu và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương, đó là tiết mục ban đêm không thể thiếu trong hầu hết các chuyến phượt của bọn tôi. Kỳ này, đặc sản Khánh Hoà và đặc sản Phú Yên được các phượt thủ địa phương lùng mua và chuẩn bị sẵn trước khi cả bọn ra đảo. Nào thì đặc sản Khánh Hòa, như “sò huyết thuỷ chiều”, “vịt lội Ninh Hòa”… Nào thì các đặc sản Phú yên, như “bánh tráng Phú Yên”, “cá ngừ đại dương” chấm mù tạt, “cháo hàu Ô Loan”, “bò một nắng”, “cá nục hấp”…  Chúng tôi cứ thế mà ăn nhậu, thưởng thức đặc sản và đàn hát cho tới khuya… Hòn đảo trở nên sống động và vui hơn, khi có nhóm phượt của bọn tôi tới cắm trại qua đêm và hò hát ầm ĩ…
Ba giờ sáng, cuộc vui đã tàn. Một số phượt thủ đã uống say và chui vào lều ngủ khò khò. Một số còn tỉnh táo thì thu dọn bãi “chiến trường”. Đống lửa với những cục than to đùng vẫn hồng rực và tàn lửa vẫn bay lả tả theo chiều gió. Chúng tôi múc nước biển xối lên đống than cho tắt hẳn để phòng ngừa hoả hoạn rồi chui vào lều, nghỉ một chút để lấy sức.
Năm giờ sáng. Các phượt thủ đã thức giấc, kéo nhau ra bãi đá, nơi có cột mốc phân định ranh giới để… đón bình minh giữa “biên giới” của Phú Yên và Khánh Hoà. Những tay máy dàn hàng ngang trên bãi đá và bắt đầu đón bắt từng khoảnh khắc của bình minh trên biển Đại Lãnh.
Sáu giờ sáng, chúng tôi quay lại nơi cắm trại, thu dọn trại và gom rác mang về đất liền. Bãi biển lại sạch sẽ khi chúng tôi nhổ trại. Bảo vệ môi trường, làm sạch cảnh quan và môi trường, là điều mà các thành viên trong nhóm luôn nhắc nhở nhau. Từng cọng rác, kể cả rác của những nhóm du khách tới trước để lại, cũng được bọn tôi gom sạch, bỏ vào bao, mang về đất liền, tìm nơi xử lý.
Bảy giờ sáng, chúng tôi lại cùng nhau di chuyển đồ đạc và “chuyển quân” lên thuyền bằng chiếc thúng chông chênh, chòng chành… Lần này, cẩn thận hơn, nên không có ai bị té thúng như lần trước.
Con thuyền lại nổ máy, đưa chúng tôi trở lại đất liền và tiếp tục hành trình, chinh phục một số địa danh khác ở Phú Yên và Khánh Hoà, trước khi chi tay nhau, ai ở địa phương nào thì trở về địa phương nấy.
Con thuyền rời xa dần khỏi hòn Nưa. Các phượt thủ vẫn như còn luyến tiếc, họ lại thi nhau chĩa ống kính về phía hòn đảo và chụp lạch tạch.
Chúng tôi chia tay với cảng cá Đại Lãnh, leo lên chiếc xe dịch vụ và bắt đầu leo qua đèo Cả để đi khám phá một số địa danh ở Phú Yên. Từ trên đèo nhìn xuống, lại thấy hòn Nưa thật xinh đẹp. Giống như hàng chục lần ngược xuôi nam-bắc, lần nào ngang qua đèo Cả, tôi cũng không quên nhìn ngắm hòn đảo cùng cảnh biển dưới chân đèo, và ước, sẽ có ngày tôi về đây, chinh phục vùng biển trong xanh này và hòn đảo xinh đẹp kia. 
Và cho mãi đến hôm nay, tôi mới làm được điều đó.
Một ngày thật đẹp trời.
Sài Gòn, 4/1/2017
Chu Quang Mạnh Thắng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...