Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Duyên cùng cô gái Huế xứ miệt vườn Vĩnh Long

Duyên cùng cô gái Huế xứ
miệt vườn Vĩnh Long

26 tác phẩm tạp bút của Dương Thanh Thanh là những trang văn thể hiện tâm hồn đẹp của một người phụ nữ nghị lực, tài năng và giàu cảm xúc. Đọc văn của chị ta sẽ hiểu thêm, bạn sẽ hạnh phúc khi biết sẻ chia tình cảm chân thành sâu sắc với người thân và bạn bè…
Nhà phê bình văn học Hoàng Thị Thu Thủy
Bỗng một ngày, chị nhắn gửi sách tặng cho tôi – “Neo đậu hai quê” – cuốn sách với bố cục 3 phần: Tạp bút Dương Thanh Thanh; Thơ Dương Thanh Thanh; Bút ký Lê Minh Hà và phần Phụ lục: Miệt vườn thương yêu. Mở đọc phần Tạp bút Dương Thanh Thanh, chỉ mới đọc vài trang, mắt tôi đã rưng rưng. 26 tác phẩm tạp bút là cảm xúc, là tâm trạng, là cái nhìn, điểm nhìn của nhà văn về không gian, thời gian và đặc biệt là điểm nhìn tâm lý khi mà chị ở ngôi thứ nhất để cảm nhận bằng thể loại tản văn ngắn gọn, hàm súc (tôi nghĩ rằng chị viết theo thể loại tản văn). Chính vì ngắn gọn, hàm súc mà mỗi dòng văn chị viết ra như xoáy sâu vào tâm trạng độc giả.
“Đến lượt tôi ngẩn ngơ. Hình như, nỗi nhớ mơ hồ trong tôi đã được gọi thành tên. Ở nhà, đêm giao thừa lạnh. Mùi nhang trầm nồng nàn quấn quýt. Tiếng cười, tiếng nói của chị em chúng tôi thi thoảng lấn át tiếng thì thào khe khẽ của mẹ trước bàn thờ. Ba tôi chăm chút xếp từng tờ bạc mới cứng bỏ vào những chiếc phong bao đỏ. Sau bếp, vọng lên tiếng nổ lép bép, mùi khói, mùi bánh tét gần chín quyện một mùi hương khó tả” (Hương giao thừa – tr.41)
Đọc văn của chị, tôi cảm nhận rằng chị luôn nhìn mọi việc bằng cái nhìn trầm lắng mà sâu sắc, lấy chồng xa nhà, xa quê, ngày Tết không về thì vô cùng nhớ, mà nhớ mùi hương kĩ đến như thế thì dẫu không trở về cũng như đã trở về, nặng lòng đến như thế thì quê hương với mỗi người không chỉ là nơi ghi vào căn cước mà nét vạch ấy mãi mãi nhắc nhở người ta trở về.
Viết về những gì tự cảm nhận của chị, tôi nhận ra chị thật lớn lao: “Ca mổ kéo dài đúng một giờ năm phút. Tôi ngồi một mình lặng lẽ ở hành lang phòng mổ. Mắt kính gỡ ra lau hoài, vẫn như đầy bụi…” (Hậu phẫu). Nỗi lo lắng, sự cô đơn và lo sợ của người mẹ đang được chuyển tải qua câu văn nhẹ nhàng: “Mắt kính gỡ ra lau hoài, vẫn như đầy bụi”. Sao chị có thể kiên cường đến vậy, có lẽ nhờ thế mà con chị cũng là một chàng trai quá ư dũng cảm: “Thuốc tê đã hết. Một đêm kinh hoàng, đối với tôi, đã trôi qua trong tiếng khóc cố kìm giữ của con trai tôi. Giữa tiếng thổn thức, nó nói như người có lỗi: Con đau quá… nhưng con khóc chút thôi. Mẹ ngủ đi kẻo mệt.” (tr.31)
Bìa sách “Neo đậu hai quê” của Dương Thanh Thanh
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng: Tiểu thuyết là thể loại về nhiều phương diện đã và đang báo trước sự phát triển tương lai của toàn bộ nền văn học. Vậy mà, khi đọc văn của chị, tôi nhận ra cái sự thật không qua hư cấu đã quá ư thuyết phục. Nếu tiểu thuyết (không phải là tiểu thuyết nghiêng về yếu tố tự truyện) viết về người khác, thì tản văn viết về chính mình, viết về bản thân tác giả. Nên những câu chuyện chị kể về ba, về má, về chồng, về con, về đồng nghiệp, về những bệnh nhân cùng phòng bệnh, hay viết về những người chị đã gặp gỡ, lưu vào kí ức thì cũng là viết về chị mà thôi. Văn của Dương Thanh Thanh đã thực sự mang nét cá tính sáng tạo riêng, khó lẫn; bởi ở đó có sự hòa quyện giữa tình cảm chân thành cùng với nghệ thuật kể chuyện và giọng văn thể hiện nhận thức, thái độ, lối sống và cả nội lực của bản thân. Mỗi câu văn chị viết ra vừa có hồn, vừa thể hiện năng khiếu văn chương và sự cẩn trọng đã không cho phép chị viết những câu văn cẩu thả. Mỗi tác phẩm chỉ vài ba trang, mà đọc vào là cuốn hút. Dường như chị đã cuốn hút người đọc can dự vào những nghĩ suy, trăn trở, những cảm nhận tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời của một người phụ nữ dù ốm đau, bệnh tật mà lúc nào, bao giờ cũng cố gắng, cũng đầy nghị lực, niềm tin, để rồi sức mạnh ấy đã lan tỏa đến người thân, bạn bè.
Tôi quen chị trên Facebook, là duyên, bởi từ chị suốt mấy năm ròng tôi sử dụng mật ong ở miệt vườn Vĩnh Long của nhà chị, và cũng từ chị tôi biết về con trai chị, Lê Xuân Giang – một nghệ sĩ tài năng, có nhà báo còn gọi cháu là “gã phù thủy” sa bàn lịch sử(1). Qua văn của chị, tôi biết hành trình của chị và gia đình đã trải qua với cháu Lê Xuân Giang, và cháu đã thực hiện được ước mơ của mình khi còn bé, khi cháu từng nói với mẹ: “các bạn gọi con là xi-cà-que, một chân rưỡi. vào lớp một, con lấy cái tay bù cái chân cho các bạn thấy” (tr.33). Và đúng như lời cháu nói, năm học lớp một cháu đạt giải nhất về hội họa, với bức tranh “Múa lân” (Trưởng thành, tr.83). Qua những khúc hồi ức của chị về con trai, tôi quý mến cháu Lê Xuân Giang, bởi cháu là một người con có hiếu, không chỉ ngoan hiền mà còn tài hoa và nghị lực; cháu đã đền bù cho cha mẹ cháu bằng những niềm vui qua những thành tựu cháu đạt được. Không ai có thể ngờ rằng sinh ra là đứa bé tật nguyền, mà lớn lên vừa lành lặn, vừa giỏi giang. Công lao ấy thuộc về anh chị, mà nhất là người mẹ tuyệt vời – chị Dương Thanh Thanh.
Tác giả Dương Thanh Thanh
Phải là người phụ nữ thế nào thì chị mới có cái hạnh phúc khi nằm trên giường bệnh thì có người chồng chăm lo mỗi ngày, có con trai ngày càng tỏa sáng, và có các cháu bi bô mỗi khi đi học về. Tôi quen chị chừng nào thời gian thì chừng ấy thời gian chị nằm trên giường bệnh, khi ở viện hàng tháng trời, khi ở nhà, đều là giường bệnh. Người ta đang đi đây đi đó, chị vẫn nằm một chỗ. Nằm một chỗ mà vẫn hướng về cái đẹp, lắng nghe cái đẹp từ sâu trong tâm hồn mình, bởi thời trẻ tuổi chị đã biết cảm nhận cái đẹp tinh tế, nhạy cảm. Từ cái nhìn “lạnh lẽo” của má chồng khi mới về làm dâu, chị biết nỗi đau của bà mẹ anh hùng khi chồng hi sinh, một mình lầm lụi nuôi con, và nhận ra trong lòng người mẹ quê ấy ấm áp, bao dung: “Tao bắt nó làm dâu thì được thôi. Vài bữa là quen chớ gì. Còn tụi bây qua chợ, đi làm việc như nó nhắm có nổi không?” (Mẹ và Má– tr.45). Chị nhận ra cô gái đồng nghiệp vừa trúng số mà nhân ái biết bao nhiêu: “làm sao có thể “đen tình” được, khi trái tim em nồng nàn đến vậy, khi tình yêu nơi em đối với mọi người chung quanh đỏ thắm như vậy. Đúng không, cô bé đồng nghiệp dễ thương của tôi?” (Đỏ tình). Chị hiểu hai đứa con còn nhỏ của mình đã biết góp tiền ủng hộ cơn bão số 5, và cũng nhận ra 2 đứa con có 2 tính cách khác nhau: cậu cả sâu sắc, chín chắn; cô em gái hào phóng, vô tư.
Cứ thế, tôi đọc văn của chị mà như đang bước vào ngôi nhà chị với tiếng nói cười ấm áp của gia đình, với nỗi nhớ đằng đẵng của chị về xứ Huế thân yêu, và tình thương mến gắn bó cùng chồng con nơi miệt vườn Vĩnh Long. Câu chuyện chị đi chợ thôi mà cũng khiến tôi phải học: “Mỗi lần theo mẹ đi chợ, con gái tôi đều than: Mẹ kỳ quá hà, ai kêu bán gì mẹ cũng mua, làm con xách giỏ nặng quá chừng” (Chợ nửa quê, tr.49); đọc văn bản này, tôi còn biết thêm vì sao con trai của chị còn có biệt danh: Mít.
Văn của chị biểu lộ sự chân thành, chân thực một cách linh hoạt. Đọc “Cổ tích của ba”, “Thư gửi trước ngày tiễn ba đi xa”, “Côn đảo trong nỗi nhớ tuổi thơ tôi”, “Có một nỗi nhớ Huế đằm sâu, trong tôi”… tôi nghĩ mãi, giá như không có quy luật “sinh, tử”, thì người ba thân thương của chị vẫn còn sống trên cõi nhân gian; nhưng dẫu có xuống suối vàng, thì tấm gương đó vẫn còn sống mãi trong tâm hồn của con cháu và mọi người.
Văn là người, nhà văn viết với quan điểm nào, tinh thần nào thì nhân cách của nhà văn quyết định tất cả. 26 tác phẩm tạp bút của Dương Thanh Thanh là những trang văn thể hiện tâm hồn đẹp của một người phụ nữ nghị lực, tài năng và giàu cảm xúc. Đọc văn của chị ta sẽ hiểu thêm, bạn sẽ hạnh phúc khi biết sẻ chia tình cảm chân thành sâu sắc với người thân và bạn bè. Bạn đọc sẽ cảm thấy hứng thú khi đọc tiếp những trang văn thơ của hai vợ chồng chị trong tác phẩm “Neo đậu hai quê”. Dẫu chị “Chưa quen cả con nước ròng, nước lớn/ Chỉ biết cầu tre qua câu hát ví dầu/ Mà làm sao em dám về làm dâu/ Quê anh?” mà đã dấn thân để hái về quả ngọt: “Em quen dần – Tự bao giờ chẳng rõ/ Nắng quái chiều hôm, những đêm dông gió/ Tần tảo thân cò, em yêu má nhiều hơn/ Yêu chiếc cầu tre/ con đò/ bến nước/ Xanh ngát đất vườn/ hương trái vấn vương…/ Chưa quen cả con nước ròng nước lớn/ Chỉ biết cầu tre qua câu hát ví dầu/ Vì tình yêu… em đã về làm dâu/ Quê anh!” (Con gái Huế làm dâu – Dương Thanh Thanh)
Chú thích:
(1) “Gã phù thủy” sa bàn lịch sử, https://tuoitre.vn/.
Huế, 5/9/2023
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...