Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Gia đình và nước mắt con trai

Gia đình và nước mắt con trai

Bước qua 18 tuổi, rời khỏi gia đình đến một thành phố khác, chúng ta đều cảm thấy mình đã lớn. Chính luật pháp cũng công nhận những người từ 18 tuổi trở lên là người có khả năng chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Rời khỏi gia đình, mỗi người đều lao vào xã hội như những con thiêu thân nhìn thấy ánh sáng. Có thể tự nấu ăn, có thể tự chi trả tiền điện nước bằng đồng lương ít ỏi, những điều nhỏ bé đó khiến chúng ta trở nên lớn lao trong mắt mình, khiến chúng ta lầm tưởng mình đã có thể thoát ly và gia đình đã trở thành một cái gì đó nhỏ bé ở lại phía sau.
Cây bút trẻ Lê Thanh Bình
Đợt dịch Covid-19 thứ ba bắt đầu từ tháng năm, âm thầm len lỏi khắp các đường phố rồi bùng lên đột ngột. Rút kinh nghiệm từ năm trước, Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông cáo những ca đầu tiên, mẹ tôi vừa nài nỉ vừa ép buộc anh em chúng tôi về nhà. Trường học ra quyết định tạm nghỉ. Tôi kéo vali với vài quyển sách và dăm ba bộ đồ lên xe về quê với suy nghĩ tạm xa Sài Gòn mười ngày nửa tháng. Anh trai vì công việc chưa hoàn thành mà một mình ở lại.
Những tưởng như bao lần trước Việt Nam nhanh chóng kiềm chế được đại dịch, chúng tôi sẽ sớm đoàn tụ với nhau ở đất Sài thành lộng lẫy. Thế nhưng thứ chúng tôi đợi được không phải là thông báo quay lại trường học, mà là chỉ thị đóng cửa Sài Gòn.
Cứ thế, tôi ở nhà với cha mẹ đã là tháng thứ năm, anh trai lớn ở trọ một mình cũng từng đó.
Ba mẹ đón tôi về tránh dịch như cách họ đón tôi trước cổng trường tiểu học năm nào, một cách tự nhiên như thể đó là chuyện họ làm mỗi ngày. Không một lời than thở, bố mẹ giúp tôi chi những khoản tiền mà tôi không đủ khả năng gánh vác khi không còn công việc ở thành phố. Cha mẹ lo ba bữa cơm một bữa quà vặt, lo đèn không đủ sáng nước không đủ ấm. Những ngày ở nhà với cha mẹ là những ngày hạnh phúc nhất của tuổi 21 khi thức dậy không phải lo để bụng đói đi học, điều hòa chạy cả ngày cũng không cần nhìn công tơ điện rồi lo lắng tiền đóng trọ cuối tháng. Tôi phát hiện ra nhiều năm qua tôi mải mê theo đuổi hai chữ “tự lập” một cách ngờ nghệch, và hãnh diện vì có thể tách khỏi gia đình bằng những đồng lương còm cõi của mình, chỉ khi mùa giãn cách dựng lên một cái chốt trước tuổi 21, tôi mới trở ngược lại nhìn cuộc đời của mình có mẹ cha là chuyện hạnh phúc biết bao.
Anh trai tôi cũng không khác hơn. Những ngày Sài Gòn phong tỏa, anh không kịp ra ngoài mua thức ăn, mãi đến khi những kệ hàng siêu thị đã sạch bóng lương thực thực phẩm, anh mới nhận ra mình hoàn toàn bất lực. Cha mẹ mua đồ ăn thức uống, xếp vào hết thùng này đến thùng khác để gửi theo xe tải vào cho đứa con trai đã gần bước sang đầu ba. Mẹ cẩn thận dán lên từng hộp đồ cái nào ăn trước cái nào ăn sau, ghi chú cái nào đặt ở tủ đông cái nào đặt ở tủ mát. Cha ngày nào cũng nhìn tôi gọi cho anh trai, cha bảo anh tự lo được nên không gọi hỏi thăm, nhưng suốt hai tháng Sài Gòn đóng cửa, cha lén đứng trước cửa phòng không sót một ngày nào. Mỗi lần anh trai than thở một chuyện nào đó, cha lại cẩn thận ghi nhớ gửi thêm vào Sài Gòn, khi thì là vỉ thuốc hạ sốt, khi thì là chai dầu nóng, mỗi khi cuộc gọi kết thúc tôi có thể quên, nhưng người đứng bên ngoài nghe chữ được chữ mất như cha lại luôn để trong lòng.
Mùa giãn cách khiến chúng tôi nhận ra 21 hay 28 cũng chỉ là một con số. Dù cho chúng tôi có 31, 41, 38 hay 48, trong bắt cha mẹ, có lẽ chúng tôi không khác mấy hai đứa trẻ dắt nhau đi lạc để bố mẹ lo lắng tìm về ngày xưa. Mặc dù chúng tôi có lần lượt tìm chỗ đứng của mình trong xã hội, trở thành những người thành công trong cuộc sống hay được nhiều ngưỡng mộ, cha mẹ vẫn thấy chúng tôi yếu ớt và vụng về, luôn cần họ để mắt và chăm sóc từng tí một.
Nếu không có mùa giãn cách, có lẽ chúng tôi đều đã quên “đặc quyền” của người làm con là bất cứ lúc nào cũng có thể trở về vòng tay gia đình và được bé nhỏ, được yêu thương. Nhưng nếu không có mùa giãn cách, chúng tôi có lẽ cũng quên trách nhiệm của mình không phải chỉ sống để ba mẹ tự hào hay gửi về những thứ vật chất để cải thiện cuộc sống mà quên đi thứ cha mẹ cần là những đứa con, là tình yêu thương của những người trong gia đình với nhau, là dù bay cao đến đâu, vẫn phải ôm ấp được người trong gia đình.
Giống như anh trai mỗi năm không về quá ba lần của tôi trong một cuộc điện thoại gần đây đã bảo sau dịch sắp xếp về nhà ở thật lâu với gia đình để cùng nhau đi du lịch. Tôi mỉm cười ngẩng đầu lên thấy người đàn ông ít khi nào biểu hiện cảm xúc trong gia đình đang lau nước mắt.
2/11/2021
Lê Thanh Bình
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...