Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Gió từ sông Mơ

Gió từ sông Mơ

Trước khi mang về nhà, chị để sứa ở bến sông đầu làng chà rửa thật sạch, bao giờ hết chất nhớt và đám màng bám bên dưới mới mang về nhà. Chị rửa bằng nước ngọt một lần nữa, sau đó mới xắt từng miếng sứa ra thành những lát nhỏ. Những miếng sứa trong veo, lành lạnh như đá. Bắc nồi lá chát xuống, đợi một lúc cho nước nguội, chị đổ sứa vào. Sau một hồi ngâm trong nồi lá chát, những lát sứa trở nên vàng khè, cưng cứng.
Buổi chiều, chị cho tất cả sứa vào hai chậu thau  rồi quẩy ra chợ. Chị đặt chiếc đòn gánh ra sau để ngồi, hai chậu sứa đặt trước mặt. Cái món sứa ấy thế mà đắt khách! Những buổi chợ đi qua như vậy, chị tằn tiện cũng đủ sống một mình, lại có thêm để tiết kiệm phòng khi đau ốm.
Nhà văn Hồ Huy Sơn
Hôm nay, chẳng hiểu sao chị đi mãi vẫn chưa thấy con sứa nào. Nước sông đang xuống, chị đi lầm lũi, gánh mang trên vai. Bàn chân chị lội bùn oàm oạp. Ðược một đoạn khá xa, chị bỗng thấy một con sứa to dễ bằng cái nia đang bơi dập dờn ở mé sông. Chị đặt gánh xuống rồi xắn quần lội nước. Hình như chị càng tiến đến thì con sứa càng bơi ra ngoài. Lúc khoảng cách chỉ bằng sải tay, chị liền đưa tay ra với, chẳng may bàn chân chị bước hụt rồi té nhào xuống sông. Chị chới với, quẫy đạp. Nhưng chị càng quẫy đạp càng bị ẩy ra xa. Nước ôm gọn chị vào lòng, làm chị không còn biết gì nữa…
Anh ngồi cần mẫn dùng guộc vá lưới. Chốc chốc, lại đưa mắt nhìn vào trong lều. Chẳng biết cô gái đang nằm trong kia, gặp cơ sự thế nào mà nghĩ quẩn như vậy. Lúc thấy chị đang dần chìm vào lòng sông, anh vội vàng nhảy ùm xuống rồi bế chị về túp lều của mình. Làm xong mấy động tác cơ bản, anh đặt chị nằm trên tấm phản rồi đắp chăn cho chị. Sực nhớ ra là chị vẫn còn mặc bộ quần áo ướt sũng, anh liền rón rén đến thay đồ cho chị. Bàn tay anh bỗng nhiên ngượng ngùng, lúng túng. Mặc kệ con tim đang đập dập dồn, đôi mắt anh bối rối nhìn ra ngoài.
Làng anh ở bên kia sông. Tháng một vài lần, đứa con lớn lại chèo thuyền mang gạo, rau sang. Nhìn những ngọn khoai lang hái vụng, anh thương con đứt ruột. Ðứa con lớn của anh đang tuổi ăn tuổi ngủ, vậy mà phải quán xuyến bao công việc trong nhà. Từ việc nấu nướng lợn gà, đến cả việc đưa đón con em đi học, nó đều làm tất. Anh thương con quá! Có những đêm không ngủ được vì nỗi nhớ con nghẹn ứ trong lòng, anh vội vã chèo thuyền qua sông về nhà; chỉ cần được nhìn rồi sau đó anh sẽ quay lại túp lều của mình. Nơi đó, cuộc sống mưu sinh đang chờ anh. Anh chấp nhận vất vả, điều cốt yếu là con anh không phải thua bè kém bạn.
Trước đây, anh không phải vất vả như bây giờ. Tháng một lần, anh cùng anh em trong làng đi biển. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời, lòng anh không thôi nhớ vợ, nhớ con. Anh đi, công việc nhà giao lại cho vợ. Người mẹ già nay ốm mai đau, anh cũng nhờ vợ chăm sóc. Cuộc sống gia đình tưởng bình yên như thế qua đi. Nhưng một lần, vừa từ biển về, anh hay tin vợ mình đã bỏ nhà theo ông giám đốc nhà máy chế biến hải sản. Từng ăn sóng nói gió, chống chọi với những thử thách rập rình, thế mà bây giờ anh thấy lòng đau như cắt từng khúc ruột. Anh cảm thấy thương con nhiều hơn là trách vợ. Thì duyên tình cũng chỉ có đến đây. Ràng buộc nhau làm gì cho khổ! Có trách thì trách anh không kham nổi việc nhà, lại vắng nhà thường xuyên. Vợ anh làm sao cáng đáng mọi việc mãi được. Anh chỉ thấy thương hai đứa con của mình. Cứ nghĩ đến những ngày bọn trẻ không có bàn tay chăm sóc của mẹ là lòng anh lại quặn lên, se thắt. Bởi thế, từ khi vợ bỏ đi, anh không còn theo anh em trong xóm đi biển mà ở nhà tiện việc chăm sóc con và người mẹ già. Anh lên ủy ban xin đấu thầu đất ngoài sông để trồng đưng, trồng mắm. Công việc nhàn nhạ hơn, anh lại giăng đăng kiếm cá. Giờ anh mới thấy, cuộc sống của anh hàng chài mặc dù có thiếu thốn nhưng thú vị hơn những ngày lênh đênh trên biển. Cũng có thể nhờ nó mà anh có duyên gặp chị.
Bát nước chè tươi sóng sánh khiến chị ấm cả bụng. Ngồi nói chuyện với chị mà vẻ tự nhiên nơi anh đi đâu hết. Chị cũng chẳng hơn gì. Ngồi nói chuyện mà mắt cứ ngó lơ, không cần biết nét mặt người đối diện như thế nào. Ðược một lúc thì chị đành xin phép để ra về. Anh không dám giữ chị lại, chỉ bảo khi nào ra sông bắt sứa thì vào chơi.
Chị lầm lũi đi trên đê. Những cây rau nhót hai bên bờ nghiêng nghiêng. Nắng trưa cũng làm bóng chị nghiêng nghiêng, in hằn trên mặt đê…
Sau lần “chết hụt” vài hôm, chị lại quẩy gánh ra sông bắt sứa. Trước khi xuống sông, chị ghé vào túp lều, đưa cho anh gói thuốc lào mua trong buổi chợ chiều qua. Anh cầm món quà từ tay chị, mắt không giấu được vẻ vui mừng nhưng vẫn chối: “Sâm mua làm gì cho tốn tiền. Gặp người hoạn nạn thì giúp nhau, có ai chờ trả ơn…!”. Ơn huệ gì đâu, chỉ là gói thuốc lào nho nhỏ thôi mà! Nợ ân tình khó trả lắm. Chị đã từng chịu ơn nhiều người, chẳng biết khi nào mới trả được?
Năm ấy chị vừa thi đại học, đang chờ kết quả thì cha mẹ và em trai mất trong một vụ tai nạn. Chị đau đớn, vật vã. Ðêm nào cũng khóc, khóc nức nở. Nhiều đêm, đang ngủ thì chị giật mình dậy, thấy ngôi nhà của mình vắng ngắt, trống trơ; nhìn chung quanh chẳng thấy cha mẹ và em trai đâu, sực nhớ ra lại khóc. Tiếng khóc rấm rứt giữa đêm khuya. Hồi đầu, may mà có bác Dư cùng mấy bác hàng xóm thỉnh thoảng sang với chị. Nhưng rồi chị tự nhủ mình phải tập quen với cuộc sống hiện tại. Với lại bác Dư còn phải lo chuyện gia đình, không thể bên chị thường xuyên. Vậy là chị cứ loay hoay trong ngôi nhà rộng thênh của mình mà sống. Việc đồng áng xong, chị kiếm việc làm thêm. Những buổi chợ chiều từ dạo đó có thêm cô hàng xén ngồi bán hoa quả, chục trứng gà, vài ba nải chuối… Ðặc biệt là món dưa môn thì không thể thiếu trong các buổi chợ của chị. Dưa của chị ngon, ai cũng tấm tắc. Thực ra lúc đầu chị muối cũng không được ngon lắm, mấy mẻ đầu toàn bị hỏng; mãi sau này mới ngon, ăn vừa chua vừa giòn. Khi cây môn trong làng khan hiếm, chị lại ra sông bắt dắt, bắt còng… Mùa nào thức nấy, công việc cứ luân chuyển như vậy. Chị mải miết, lủi thủi, để một ngày kia chợt giật mình khi nhận ra mình đã gần ba mươi lúc nào không hay. Thời gian quả không đợi ai bao giờ. Chị không có thời gian để chăm chút cho mình, vì thế mà nhan sắc nhạt phai từng ngày. Nhưng được cái chị hay lam hay làm. Trai làng cũng có một vài người ngấp nghé muốn kết duyên cùng chị. Nhiều lúc chị cũng muốn có một người để nương tựa những lúc ốm đau nhưng đường tình duyên của chị cứ mãi trắc trở, gập ghềnh. Cũng bởi vì chị không “môn đăng hộ đối” với người ta. Buồn mà chẳng biết làm gì hơn, chị lại bươn bả chạy chợ, cúng giỗ cha mẹ và em trai đều đặn.
Trong lúc anh và chị ngồi nói chuyện thì đứa con lớn của anh mang gạo và rau sang. Vừa gặp con bé, tự nhiên chị thấy thương nó làm sao! Người bé loắt choắt, mái tóc xơ vàng. Vừa thấy chị, nó lễ phép chào ngay. Trong khi bố con anh lúi húi cho đồ thực phẩm vào nhà thì chị ngồi một mình, có dịp quan sát túp lều. Dường như không còn túp lều nào có thể luộm thuộm hơn! Cạnh chiếc kiềng ba chân nằm chỏng gọng là con mèo khoang đang nằm lim dim mắt, tro bếp vương vãi khắp nơi. Nồi và vung mỗi nơi một chiếc, nhọ bám đen đặc. Nhìn cảnh tượng ấy, lòng chị bỗng nhiên rưng rưng. Ðồ dùng đã đành đến đứa con thiếu vắng bàn tay người mẹ cũng trở nên đáng thương!
Tiếng con bé lanh lảnh cắt ngang dòng suy nghĩ của chị. “Bà vẫn khỏe, bà bảo bố đừng làm quá sức. Tuần vừa rồi con và em Thiêm được điểm mười đấy bố ạ! Em Thiêm đòi sang với bố nhưng bà và con không cho đi…” Chị thấy đôi mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc, xen lẫn một nỗi niềm đang giấu kín. Có lẽ, chợt nhớ ra sự hiện diện của chị, anh vội vã rửa tay rồi vào ngồi cạnh bên. Con bé đi tìm con mèo khoang, đặt nó nằm xuống rồi vuốt ve, nựng nịu như những người bạn lâu ngày mới gặp. Lúc ấy, khung cảnh có vẻ trầm trầm nhưng rất yên bình và đầm ấm. Chỉ có tiếng mèo kêu “meo meo” những khi được con bé cấu yêu một cái vào mông. Ngoài sân, nắng đã lên rực rỡ…
Dạo này, gánh hàng của chị có thêm mớ cá, mớ tôm tươi roi rói. Ai hỏi thì chị bảo: “Cháu mua lại của một người hàng chài!”. Thực ra, nhìn anh đánh cá xong lại tất tả mang đi bán, chị không đành lòng. Vậy là chị nhận bán cá giúp anh. Anh xúc động lắm nhưng cũng phải phì cười trước câu nói của chị: “Nhưng mà không được nhận tiền liền đâu nhá! Ngày mai em ra sông mới mang cho anh được”. “Hay là Sâm cứ giữ đó, khi nào đưa cho tui cũng được. Ở đây tui chẳng tiêu pha gì, mà cuối tháng con bé Chiêm mới sang đây…” Chị vui vẻ nhận lời nhưng cứ phải bắt đầy rổ dắt, giỏ còng rồi trưa về mới mang cá ra chợ cho anh. Cứ thỉnh thoảng chị lại mang cho anh dăm quả trứng gà để anh thay đổi khẩu vị. Anh đón nhận sự quan tâm dù rất nhỏ từ chị, như đón nhận một niềm vui, niềm hạnh phúc mà từ lâu, kể từ ngày vợ anh bỏ đi, anh không còn biết đến nó nữa. Càng ngày anh càng nhận ra, trong lòng mình, không gian có hình ảnh của chị càng lớn dần.
Giờ đã là cuối tháng ba, sứa bắt đầu trở nên khan hiếm. Chị chuyển sang bắt dắt, bắt còng. Con sông Mơ vẫn hiền hòa với những nhịp lên xuống, nuôi sống chị từ bấy đến giờ. Một bữa, chị vừa từ nhà tới túp lều, anh liền bảo chị ngồi xuống, trông điệu bộ anh có vẻ luống ca luống cuống như đang định nói một chuyện gì hệ trọng lắm. Chị đưa bát nước chè lên miệng, mắt chăm chú nhìn anh. Anh ấp úng: “Thế này Sâm ạ!… Tôi… Tôi muốn nói là nếu Sâm thương tôi… Chắc là Sâm cũng biết hoàn cảnh của tôi rồi đấy? Tôi nghĩ, bọn trẻ cần một bàn tay dịu dàng của người mẹ. Mà tôi thì… không thể lo cho chúng được. Bọn trẻ cần Sâm như tôi vậy đó! Không biết ý Sâm thế nào?”. Chị lặng người, chẳng biết nói gì vào lúc này. Quả thực là chưa có ai nói với chị những lời chân thành như vậy. Cái tuổi gần “băm” của chị cũng chẳng còn son trẻ gì, nếu không muốn dùng từ “quá”, nặng nề hơn.
Ðêm ấy, chị nằm trằn trọc mãi. Dường như có một luồng khí vừa mát vừa êm dịu đang chảy tê tê trong chị. Có phải cái bến đỗ bình yên mà chị cần cho cuộc đời mình chính là anh? Ừ, chị và anh cùng vất vả với cuộc sống mưu sinh trên sông Mơ, sông thì trôi êm xuôi như vậy, lẽ nào lòng người không thể như sông. Hai đứa trẻ, bỗng dưng chị nghĩ tới chúng, sẽ gọi chị là mẹ. Và rồi chị sẽ chải tóc, thắt bím cho chúng trước khi đến trường; chị sẽ nấu cơm cho chúng ăn, tắm giặt cho chúng nữa…
Chị nhắm mắt để mặc những cảnh tượng yên bình hiện ra trong giấc mơ. Những giấc mơ dịu dàng quá thể! Rồi chị thấy, một buổi trưa nọ, trong chiếc áo dài trắng tinh, chị đi bên anh, anh không cười nhưng khuôn mặt giãn ra, hớn hở. Sau lưng anh và chị, mọi người vừa đi vừa cười nói. Có cả hai đứa con của anh nữa, chúng vừa đi vừa nhảy chân sáo. Con đê hôm nay giống như một dải lụa mầu xanh, khiến chị bỗng nhiên thấy bâng khuâng, lưu luyến. Vừa lúc ấy, những cơn gió hắt lên từ dưới sông, gió mát rượi. Và chị gọi đó là những cơn gió vu quy.
17/5/2020
Hồ Huy Sơn 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...