Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Gió vẫn thổi giữa rừng

Gió vẫn thổi giữa rừng

Kiểm tra lại từng nan tre của cái lồng bẫy, thử lại độ nhạy của cái lẫy sập vài lần, bây giờ thì Của yên tâm rằng cái lồng vẫn còn bẫy tốt. Ra cây đào bắt con gà mồi cho vào lồng bẫy, Của mau mải vào rừng.
Chỉ còn hơn tuần nữa là đến tết rồi. Hôm nay phải cố bẫy được con gà trống rừng đẹp để lấy ba túm lông cổ đỏ rực dán lên tờ giấy Máy mới làm từ cây măng tre treo trước ban thờ. Năm ngoái bị mất mùa ngô, không có tiền làm tết mời ma ông bà bố mẹ nên cái ban thờ vẫn cứ giữ nguyên. Cái giấy đã vàng ố nhàu nhĩ, mấy túm lông gà thì chuyển sang màu hoa lau, mạng nhện giăng đầy.
Năm nay thì nhà Của có niềm vui lớn. Máy mới sinh cho của một thằng cu bụ bẫm, trắng trẻo như khúc cây chuối nguôn bóc vỏ. Thế là sau này khi mặc cái áo lanh, đi đôi giày lanh để về mường trời với tổ tiên ông bà, vợ chồng Của có đứa con trai để thỉnh thoảng về đòi nó làm cho cái lễ ma bò, không còn lo bị đói.
Ngô năm nay lại được mùa, bắp nào cũng to, mẩy như cái bắp chân cô gái. Thu hết về được gần gấp đôi năm ngoái. Thế nên phải làm cái tết thật to. Làm tết to thì phải thay ba túm lông gà, thay cả tờ giấy dó. Ở bản nhà nào làm tết vẫn thường thịt con gà trống của nhà nuôi để lấy tiết dán cái lông lên giấy, không ai lấy lông gà rừng để làm cả. Nhà Của thì không thế. Từ ngày bố Của còn sống, năm nào có điều kiện làm tết là ông lại vào rừng bẫy lấy con gà rừng để làm. Ông bảo con gà rừng nó sạch sẽ, chỉ ngủ trên cây cao, sống ở rừng nhiều, nó được tắm cái khí tốt của núi của sương nên nó mang lại nhiều cái may cho chủ nhà, sao lại phải kiêng.
Xách cái lồng bẫy, Của đi thẳng lên rừng tre Sông A. Cánh rừng này có nhiều tre và cỏ gianh nên gà rừng sống ở đây nhiều nhất. Ngày trước Của hay lên đây bẫy gà rừng lắm. Lần nào về cũng lủng lẳng ở đầu gậy bốn năm con. Từ ngày lấy vợ, mải đi lấy gỗ về làm nhà riêng, nên ít có thời gian đi bẫy gà, nhưng thỉnh thoảng đi kéo gỗ qua, vẫn nghe tiếng gà rừng te te gáy.
– Phạch…phạch…phạch…quoác…quoác..
Một đàn gà rừng đang bới mồi loạt soạt trong đám lá bay táo tác vào những bụi tre khi phát hiện bước chân Của đang đi tới gần. Của nhìn theo. Toàn những ả gà mái và những con trống choai, chẳng có con nào có cái lông cổ đẹp. Hôm nay ngày đẹp, chỉ săn lấy một chú gà trống thôi, nhưng phải thật già và đẹp, lông cổ phải dài, đỏ và bóng. Của tiếp tục bước vào sâu trong rừng tre.
Tec…te…te…te…
Có tiếng gà rừng gáy gần đây. Con gà mồi trong lồng cũng vươn cổ, gáy một tràng dài. Từ ngọn đồi bên kia, vài tiếng te te đáp lại. Giữa rừng sâu, nghe tiếng gà rừng gáy thấy cảm giác vừa xa vắng vừa yên bình, thanh thản. Nghe giọng gáy bổ dài và vang thế này, Của biết chú gà vừa gáy đã được năm, sáu năm tuổi, cái cựa chắc cũng phải nhọn và dài như cái răng lợn núi. Của vội lấy tấm vải đen che kín cái lồng bẫy để chú gà mồi không gáy, rồi từng bước thật nhẹ, Của rón rén tiến về phía có tiếng gà rừng.
Của cứ tưởng mình nhìn nhầm. Nhưng đúng là không phải Của nhầm. Trên cành tre cao, một chú gà rừng đỏ rực từ đầu đến chân, cứ như một quả gấc chín đang say sưa gáy. Của cứ đứng ngẩn ra mà ngắm chú gà. Từ nhỏ Của đã vào rừng bẫy không biết được bao nhiêu gà, nhưng chưa bao giờ thấy một con gà lại kỳ lạ như thế này. Những chú gà rừng bình thường chỉ có lông ở thân là đỏ hung vàng, lông đuôi thì đen bóng, chân và mỏ có con màu vàng, có con màu trắng. Nhưng con gà rừng đang gáy trước mặt Của thì toàn thân chỉ một màu đỏ rực. Của thích nhất là hai cái cựa. Hai cái cựa nhọn và cong vút, đỏ tươi như quả ớt sừng. Chỉ có một cái lông đuôi dài nhất, cong vút như cánh nỏ lúc lên dây, cái lông chạm được vào cả cành tre con gà đang đứng là màu trắng muốt như làn sương dày vờn trên núi đá cao buổi sớm. Giữa một màu đỏ rực rỡ bỗng nổi lên một vệt trắng dài thật là đẹp và lạ mắt. Nhìn con gà, Của bỗng nhớ lời của bố. Trước lúc mất, bố gọi Của đến. Của à, ta chết đi thì nhớ chôn theo cho ta cái nỏ treo trên gác bếp  để  khi về mường trời ta cầm cái nỏ tìm thống lí Sồng Lao Tếnh xin lỗi cái chuyện ta làm không tốt cho ông ấy. Cả đời ta ân hận vì đã bắn chết con gà quý của thống lí, làm thống lí phải chết vì buồn, vì nghèo, đói. Ta đã lang thang trong rừng bao nhiêu năm để tìm bẫy con gà khác đền cho thống lí mà không thấy. Con gà ấy, nó chỉ có một màu đỏ rực…
Chẳng lẽ con gà bố nhắc đến nó đang đứng trước mặt Của gáy đây sao? Phải bẫy nó về nuôi rồi tìm con khác thịt tết sau.
Chọn một chỗ đặt bẫy cách chỗ con gà rừng lạ không xa, Của mở cái khăn đen rồi trốn vào một hốc cây dõi mắt nhìn ra. Con gà mồi vừa thấy ánh sáng lại nghe tiếng con gà lạ te te gáy, nó cũng vươn cổ gáy mấy tràng dài đầy uy lực. Của hồi hộp đến không dám chớp mắt. Quả nhiên, vừa nghe thấy con gà mồi gáy, một vệt lửa đỏ lao vút tới. Của nín thở vì hồi hộp. Nhưng con gà lạ có vẻ cảnh giác. Nó không lao xuống cái lồng bẫy mà chỉ đứng trên cao gáy đáp lại đối thủ vẻ thách thức và đe dọa. Con gà mồi thì tức tối muốn xông ra đánh nhau lắm, nhưng không làm gì được, thế là một con trên cây, một con dưới đất thi nhau gáy đối đáp trổ tài.
Chiều. Mặt trời vừa khuất sau dãy núi đá cao vút, con gà rừng lạ lượn một vòng quanh cái lồng bẫy rồi vỗ cánh bay vút về phía núi xa. Trời nhèm nhèm tối, bóng con gà như một  chùm lửa làm sáng bừng cả một khoảng rừng.
Ngày thứ hai Của lại đặt cái lồng bẫy ở một chỗ khác, cách chỗ đặt  bẫy hôm qua bằng một lần mũi tên bắt đi. Gần trưa con gà rừng lạ lại xuất hiện. Nhưng cũng như lần trước, nó chỉ đậu trên một cành cao gáy đối lại với con gà mồi. Tiếng con gà lạ bổ dài, vang và sắc, đầy vẻ uy lực và thách thức. Lần này con gà mồi có vẻ sợ sệt trước một đối thủ hùng dũng. Nó không còn vẻ hung hăng như hôm qua, chỉ thỉnh thoảng gáy lên vài tiếng đầy vẻ nịnh nọt.
Từ lúc con gà lạ xuất hiện, không còn thấy những con gà rừng ở những đồi bên cạnh gáy đáp lại. Rừng có vẻ vắng hơn.
Của bắt đầu thấy sốt ruột. Chỉ còn mấy ngày nữa là tết rồi, nếu không bẫy được con gà lạ kia thì phải đem cái lồng sang cánh rừng xa hơn bẫy lấy một con gà trống khác để  kịp thịt làm cúng tết.
Của không còn thấy hào hứng với con gà lạ nữa. Sáng nay, đợi khi mặt trời lên cách ngọn núi Hơ Chòng bằng một cây lanh, Của mới uể oải đi vào rừng. Định bụng sẽ vào tháo cái lồng bẫy đem đi ngọn núi khác, chứ ở cánh rừng này có con gà lạ kia thì có bẫy cả tháng cũng chẳng con gà nào dám bén mảng đến.
Nhưng vừa đi tới bên gốc cây đào rừng, nhìn sang cái lồng bẫy, Của đã suýt nhảy lên vì sướng. Của quăng bỏ con dao xuống gốc cây, vừa hét ầm lên vừa chạy như lao đến cái lồng. Trong cái ngăn lồng bên cạnh lồng con gà mồi, một chùm lửa đỏ rực rỡ như quả gấc chín đang lồng lộn tìm lối thoát. Bên cạnh, con gà mồi nằm nép vào tận góc lồng vì sợ hãi. Con gà lạ đã mắc bẫy. Của lấy cái vải đen che kín hết lồng để hai con gà đỡ hoảng sợ rồi vội vàng xách cái lồng về, quên cả con dao mèo vứt dưới gốc cây.
Cái tin  Của bẫy được con gà đỏ kỳ lạ đi nhanh hơn nắng sớm. Cả bản ai cũng bỏ cả giã bánh dày làm tết, bỏ vẽ sáp ong lên cái váy đang thêu dở, quên cả đi chợ sắm tết để chạy sang ngó con gà lạ một tí. Ngắm xong rồi về cứ ngẩn ngơ, hôm sau lại chạy sang ngắm thêm lần nữa. Nhà Của ngày nào cũng chật ních người, từ sáng đến tối. Mấy tay chơi gà dưới huyện nghe tin, lên nhìn thấy con gà, mắt cứ trợn lên như trúng gió. Tranh nhau chụp ảnh, tranh nhau trả giá để mua con gà. Có vị đại gia là chủ một doanh nghiệp gỗ đập bộp cả một tập tiền đủ mua một con trâu trước mặt Của chỉ để đổi lấy con gà lạ, nhưng Của chưa gật đầu.
Ông Tếnh Lao Sộng hơn trăm tuổi nằm bất động trên giường đã mười năm nay. Người ông gầy như một cái cây khô trên núi đá. Da ông dăn deo, đen xỉn như vỏ quả bưởi phơi khô. Nghe tin Của bẫy được con gà lạ, ông thều thào gọi con cháu khiêng ông sang để ông được ngắm con gà một lần. Ánh mắt đục mờ vừa chạm vào con gà lạ, ông Sộng bỗng ngồi bật dậy. Đù ơi, đúng là con gà của thần linh rồi. Con gà đỏ như cái lá Cơ chia, chỉ có một cái lông màu trắng, là cái vía của con gà. Con gà này cứ năm mươi năm mới có một lần. Ai có được con gà thì nhà sẽ có nhiều tiền, nhiều của, sẽ được làm cái chức to, còn không bao giờ có cái bệnh trong người. Ta đã thấy con gà của thần linh một lần ở nhà thống lí, khi ta làm người chăn ngựa cho ông ấy…
Cái tin về con gà lạ  đến tai lão Sồng Lao Tàng vào một buổi sáng khi lão đang ngồi gật gù bên bếp lửa ề à uống rượu ngô với món thịt chuột rừng nướng thơm phức. Có thật cái thằng Của bên bản Đin Chí nó bẫy được con gà rừng đỏ từ đầu đến chân không hả thằng Lao La? Cái mắt mày đã nhìn thấy đúng chưa, hay chỉ nghe tiếng vỗ cánh trong hang mà đã bảo có con dơi nhiều? Chén rượu đang uống dở, lão Tàng thả rơi xuống đất, nhao về phía thằng cháu Lao La, người đã đem đến cho lão cái tin hay,  hỏi dồn dập. Hơi rượu từ mồm lão phả ra nồng nặc, lờm lợm.
Sồng Lao La vội quay mặt về phía cửa, tránh cái mùi khó chịu đến buồn nôn của ông chú đã là đà say. Thật mà, cháu đã nhìn thấy con gà tận mắt rồi, còn được sờ vào mấy cái lông đỏ như cục than mà mát như cái lá cây lanh buổi sớm nữa. Ầy, từ nhỏ tới giờ, chưa thấy con gà nào lại đẹp và lạ như thế đâu. Mấy người đi buôn, hỏi mua con gà bằng tiền mua mấy tấn ngô mà nó chưa bán đấy.
Lão Tàng đứng bật dậy. Phải đến nhà thằng Của ngay để xem cái con gà đó nó có đúng là con gà ấy hay không…
Từ ngoài bờ rào nhìn vào, lão Tàng cứ đứng ngẩn ra mà ngắm con gà. Cái mồm lởm chởm râu há hốc ra, cứ như cái quả dẻ gai bị bổ làm đôi. Đôi mắt lão bám chặt mãi vào từng sợi lông con gà, không dám chớp, như cái con sâu mốc bám chặt cành cây lúc gặp mưa. Đúng là cái con gà đỏ giống con gà ngày xưa của nhà lão  đây mà. Ngày xưa, gia đình lão từ một nhà nghèo xác xơ nhất bản, làm ngô không đủ nấu mèn mén cho no bụng, cấy lúa không đủ đồ xôi ngày cúng ma. Nhìn 5 đứa con lúc nào cũng đói, ông Tếnh, bố lão nằm nghĩ mấy ngày đêm, đến dài cái tóc. Vay anh em họ hàng được ít bạc, ông sang Lào để buôn trâu. Chưa mua được con trâu nào thì ông gặp một thằng bé bẫy được con gà rừng lạ. Ông trả nó hai đồng bạc trắng để đổi lấy con gà. Từ ngày có được con gà rừng đỏ rực một màu từ cái mỏ đến cái chân thì việc buôn bán của ông Tếnh gặp may, buôn một lãi mười, cứ như cây lanh được trồng ở đất mới.
Có nhiều tiền, ông Tếnh lại nghĩ đến cái chức. Nhìn thống lí Vàng Lao Pua hách dịch ai ai cũng sợ, ông Tếnh muốn được làm thống lí như Vàng Lao Pua. Tiền có nhiều thì như dòng suối có nước lớn, muốn chảy đến đâu chẳng được. Ông Tếnh vét hết tiền trong nhà đem đi để mua lấy chức thống lí đem về.
Từ ngày lên làm thống lí thì tiền về nhà ông càng nhiều hơn. Những cái chum to chôn dưới đất, chum nào cũng toàn bạc trắng sờ vào thấy mát lạnh như sờ vào mó nước trong hang đá.
Thống lí Vàng Lao Pua bị mất chức thì cay cú lắm. Khi biết chính con gà rừng đỏ nó mang lại may mắn cho ông Tếnh, Vàng Lao Pua bèn nghĩ cách giết chết con gà. Nhưng nhà ông Tếnh chó dữ xích quanh con gà quý hàng đàn, làm thế nào để hại được con gà kia? Chỉ có thằng Lao Tánh, bạn thân với thằng Tàng con thống lý là làm được việc này. Ngày trước khi Vàng Lao Pua còn làm thống lí, thằng Tánh đến vay mười đồng bạc để làm ma tươi cho bố, tính lãi ra cũng phải lên tới hơn trăm đồng rồi mà nó còn chưa trả được. Có cách bắt nó phải giúp mình rồi. Lão Pua vội tìm đến nhà Tánh.
Tánh choáng váng, đổ uỵch xuống cạnh cái cột nhà bị mối xông sắp đổ. Phải trả bạc ngay hôm nay à bác Pua? Một đồng bạc để mua thuốc cho mẹ tôi còn không kiếm ra được thì lấy đâu ra hơn trăm đồng bây giờ. Nếu không có thì nghe ta, sang bắn chết con gà nhà lão Sồng Lao Tếnh, ta sẽ xóa cho hết nợ. Không theo ý ta thì phải trả nợ ngay hoặc để ta bắt con Cha em gái mày về làm vợ thứ bảy. Nó mười ba tuổi là biết làm vợ rồi đấy…
Tánh ngồi nghĩ cạn cả đêm. Không thể kiếm đâu ra được trăm đồng bạc, cũng không thể để con Cha về làm vợ thống lí. Về nhà thống lí thì còn khổ hơn con lợn của nhà nghèo bị xích ngoài gốc mận. Nhưng bắn chết con gà thì Tánh không còn dám nhìn mặt thằng Sồng Lao Tàng, bạn thân với Tánh nữa. Nó sẽ giận, nhưng nếu hiểu được cái khó trong lòng Tánh, chắc nó cũng sẽ bỏ qua cho thôi. Bắn con gà để trả cái nợ cho ông Lao Pua đã, sau này Tánh sẽ tìm bẫy con gà khác để đền cho nhà Tàng vậy.  Nghĩ thế, Tánh vội xách cái nỏ và ống tên ra đi…
Từ khi con gà quý bị chết thì tiền bạc trong nhà ông Tếnh cứ thế mà tự bỏ đi, nhanh như đàn kiến bị đổ nước vào trong tổ. Hết tiền thì cũng hết chức. Đang sống cuộc sống xa hoa của một thống lý giàu nhất Châu, bây giờ quay lại với cuộc sống nghèo khổ của ngày xưa, ông Tếnh không quen được nữa. Ông nghĩ nhiều lắm. Nghĩ nhiều rồi thì ốm. Nằm liệt. Mấy tháng sau thì ông qua đời.
Sồng Lao Tàng mắt đỏ vằn như mắt con lợn lòi lúc hũi đất. Vung tay chém cái chõ xôi vỡ ra làm đôi. Thằng Vàng Lao Tánh là bạn tốt của ta mà nó lại đập vỡ cái chỗ xôi ngon nhà ta, từ bây giờ họ Sồng nhà ta và họ Vàng nhà thằng Tánh sẽ là kẻ thù, sẽ như cái chõ xôi này. Ta treo hai mảnh chõ xôi này lên trước cửa nhà để sau này con cháu ta nó biết, nó nhớ tới cái thù này mà trả. Đời này không trả được hết thì để đời con, đời cháu ta nó sẽ trả.
Từ ngày bắn chết con gà quý nhà thống lí, Vàng Lao Tánh sống trong ân hận giày vò. Bỏ mặc vợ làm nương nuôi con, Tánh xách bẫy vào rừng chỉ mong kiếm được một con gà quý giống con gà Tánh đã bắn để đền cho ông Tếnh. Nhưng cứ đi mãi hết mùa trăng này sang mùa trăng khác, quên bao nhiêu cái tết không về làm cúng mời tổ tiên mà Tánh vẫn không tìm thấy bóng dáng con gà nào như thế. Tóc thì ngày một bạc dần, chân cứ ngày một yếu đi. Đến khi leo cái dốc cao không nổi nữa, ông mới quay về. Về được tới nhà là ông nằm liệt trên giường, không còn biết gì nữa. Một tuần sau thì ông chết.
Nghe tin Vàng Lao Tánh chết, lão Sồng Lao Tàng mừng lắm. Nhưng lão vẫn không quên được cái thù trong bụng. Lão kiếm một con mèo đen, yểm vào nó cái bùa độc rồi cắt cái đầu con mèo bí mật chôn lên trên mộ ông Tánh để ông mãi bị nhốt trong mộ, không bao giờ được mặc cái ao lanh, đi đôi giày lanh về mường trời với tổ tiên nữa. Còn phần thân con mèo, lão thuê thằng cháu Lao La chôn ngay cổng đi vào của nhà ông Tánh, để từ nay vợ con ông sẽ mãi mãi gặp cái đen, cái xấu, mãi mãi sống trong nghèo đói.
Nhưng chưa được nhìn thấy nhà Của gặp cái đen, cái khổ thì nó đã gặp cái may lớn rồi. Không thể để cho nhà kẻ thù nó giàu sang được. Phải tìm cách chiếm được con gà kia về nhà ta. Có nó tiền sẽ về nhà lão nhiều, thằng Chạnh, thằng Pùa con lão có khi còn được làm trưởng bản, làm cán bộ xã ấy chứ. Lão sẽ chẳng phải đi cúng đêm ngày mà vẫn tha hồ rượu thịt. Nhưng không thể vào mà cướp được, phải dùng cách để thằng Của nó tự đưa con gà cho lão. Cố giấu đi cái thù, cái tức, lão Tàng bước vào nhà Của. Cháu Của à, ngày xưa bố ta là thống lí, giàu nhất Châu, thế mà ta không khinh bố cháu nghèo, vẫn chơi thân với bố cháu như mũi tên với cái nỏ ấy. Chỉ tại bố cháu không nghĩ xa nên bị lão Pua lừa mà bắn chết con gà nhà ta, từ đó ta mới giận bố cháu. Nhưng bụng ta nó giống như như quả mít rừng ấy. Mặt thì giận mà trong bụng vẫn thương bố cháu. Ngày bố máy chết, ta khóc mất mấy ngày. Hôm nay cháu lại bẫy được con gà rừng giống con gà ngày xưa bố cháu bắn chết của nhà ta. Nếu cháu đồng ý thay bố đền cho ta con gà này thì  ta sẽ đốt bỏ hai cái mảnh chỗ xôi treo trước nhà để từ nay nhà họ Sồng và họ Vàng ta lại là anh em.
Của cứ nhìn ông Tàng rồi lại nhìn con gà. Của được bố kể cho nghe nguyên nhân nhà bác Tàng thù ghét nhà mình từ lâu rồi. Cũng vì thế mà Của và Sòng, con gái ông Tàng không thể thành vợ thành chồng. Của và Sòng thích nhau, nhưng cũng chỉ dám thích trộm, chỉ dám nhìn, nói với nhau vài câu lúc đi nương, đi chợ thôi. Yêu Sòng mà không dám bắt Sòng về làm vợ. Bây giờ thì cả Của và Sòng đều đã lấy vợ lấy chồng rồi. Nhưng lấy vợ lấy chồng mà vẫn cứ nhớ về nhau, vẫn chỉ mong nhanh đến chợ tình dưới Mộc Châu để lén lút đi gặp nhau một lần. Gặp được rồi thì lại chỉ mong nhanh đến chợ tình năm sau để còn gặp lại. Thế nên khi nghe ông Tàng nói, Của thấy vui lắm. Nhưng rồi Của lại thấy tiếc con gà. Con gà đẹp và quý thế kia, bao nhiêu người muốn mua, muốn đổi con trâu con bò mà Của chưa ưng. Ông cụ Tếnh Lao Sộng còn bảo có con gà này sẽ được giàu, được làm chức to gì ấy, giờ phải trả cho ông Tàng thì tiếc quá. Của còn đang đứng ngẩn ngơ chưa biết làm thế nào thì bà May lụ khụ chống gậy trong bếp đi ra, thều thào:
- Của à, nhà mình nợ nhà bác Tàng nhiều lắm. Lúc chết cái mắt bố mày vẫn không muốn nhắm là vì chưa trả xong cái nợ cho nhà bác Tàng. Nếu mày thương ta, thương bố mày, muốn bố mày ở mường trời được thanh thản thì trả con gà cho bác Tàng đi…
Của nhìn mẹ. Thấy ánh mắt của mẹ đang nhìn Của khuyến khích. Nhìn vào đôi mắt đục mờ , Của không còn thấy tiếc con gà nữa. Của vội ra ngoài vườn, tháo cái xích ở chân con gà, đưa cho lão Tàng. Cháu thay bố trả nợ cho bác Tàng con gà, bác Tàng về đốt bỏ hai mảnh chõ xôi treo trước cửa để bỏ cái thù đi bác nhé. Còn cái đầu con mèo ở mộ bố cháu, cái thân con mèo ở cổng nhà cháu thì cháu đào đi rồi….
Lão Tàng không hiểu vì sao thằng Của lại biết chuyện lão chôn yểm con mèo ở mộ và ở cổng nhà nó. Nhưng giờ lão không quan tâm chuyện đó nữa. Lão vồ vội con gà từ tay Của. Ừ, ừ… ta sẽ về đốt bỏ hai mảnh chõ xôi đi ngay. Từ giờ sẽ coi cháu Của như con cháu nhà ta mà. Lão mừng húm, ôm nhanh con gà về thẳng.
Con gà quý được lão Tàng xích chân bằng sợi xích bạc lão vừa xuống chợ mua đem về. Bây giờ thì lão ngồi nấp vào một bui lá dong cách chỗ con gà một đoạn xa để nó khỏi sợ. Lão cứ ngồi ngẩn ra mà ngắm con gà quý, lòng vui như cái vải tràm được thêu lên những hàng chỉ đẹp. Mặc kệ bà Khoa giục vào ăn cơm, lão không thấy đói, cũng quên cả cơn thèm rượu đang cồn cào.
Con gà rừng đứng oai vệ trên cành đào nhu nhú những cái nụ đỏ hồng sắp bung nở, thỉnh thoảng lại vươn cái cổ đỏ tươi gáy một tràng dài. Nghe con gà quý gáy sao mà thích và thấy nhẹ nhõm thế. Ngồi nấp trong vườn mà lão Tàng cứ tưởng mình đang ở tận trong rừng sâu. Ánh mắt hau háu của lão cứ vuốt lên từng sợi lông gà bóng mượt. Lão bỗng thấy có gì gờn gợn, tưng tức ở mắt. Ố, đúng rồi, là tại cái lông đuôi trắng dài thướt tha kia. Giữa một màu đỏ rực, tự dưng lại mọc lên một vệt trắng dài, lão ghét nhất màu trắng, cái màu không mang lại may mắn cho lão, nên nhìn cái lông đuôi thật khó chịu, thấy con gà bớt đẹp đi bao nhiêu. Phải nhổ bỏ cái tức ra khỏi mắt mới được. Ngày trước con gà của bố lão cũng có một cái lông đuôi màu trắng cong vút và dài thướt tha. Lão không ưa, nhiều lần muốn nhổ, nhưng bố lão không cho. Bây giờ thì con gà này là của riêng lão, lão thích làm gì theo ý lão thì làm, không ai dám cấm cản.. Lão Tàng ra khỏi chỗ nấp, tiến về phía con gà.
-Qu…éc…
Sợi lông trắng dài trắng muốt vừa bị dứt tung một cách thô bạo ra khỏi cái đuôi đỏ rực, con gà bỗng vùng mạnh và kêu một tiếng nghe rợn cả sống lưng. Lão Tàng giơ con gà ra trước mặt ngắm nghía.  Bây giờ thì con gà chỉ còn một màu đỏ rực, nhìn thật là ưng mắt.
Lão Tàng cầm cái lông gà trắng muốt, cong vút như mảnh trăng đầu tháng, ngẫm nghĩ một lúc, lão cắm cái lông lên vách gỗ sau nhà, đối diện chỗ con gà rừng đang đứng.
Từ lúc bị nhổ mất cái lông trắng duy nhất, con gà trở nên ủ rũ, lông nó xù lên như vừa qua một trận chọi nhau. Nó cứ đứng bần thần nhìn cái lông đuôi trắng đầy tiếc nuối và căm hận, quên cả vươn cổ gáy những tiếng gáy vừa vang vừa sắc.
Buồn ngủ lắm nhưng lão Tàng vẫn cố căng mắt ra để đợi.  Lão đợi được nghe tiếng gáy sáng của con gà quý, thấy hồi hộp như đứa trẻ ngồi đợi đến giao thừa để được thêm một tuổi. Nhưng quá nửa đêm, gà trong bản đã eo óc gáy mà vẫn chưa thấy con gà rừng cất lên một tiếng. Lão thấy sốt ruột. Hay là bị nhổ mất cái lông trắng nên nó giận không thèm gáy nhỉ. Mấy lần định cầm đèn ra ngó con gà, nhưng lão lại không dám ra. Đêm khuya rồi mà từ trong rừng vẫn thổi về xạc xào những cơn gió lẻ. Những cơn gió khuya nghe buồn và vắng. Cứ nghe tiếng gió đêm là lão lại rợn cả người. Năm ngoái lão đã suýt mất mạng khi đi ra ngoài giữa đêm và gặp một cơn gió độc. Phải nằm viện mất một tháng lão mới khỏe mạnh trở về. Từ đó lão sợ những cơn gió đêm và không bao giờ dám đi ra khỏi cái buồng tối như chậu nước nhuộm vải lanh khi mặt trời vừa lặn. Lão đành bồn chồn nằm đợi trời sáng.
Trời vừa tang tảng sáng, lão Tàng lập cập đi ra sau vườn. Nhìn lên cành đào nơi con gà rừng đậu, lão bỗng ngã khuỵu xuống như lần bị trúng gió độc năm ngoái. Trên cây đào chỉ còn sợi xích bạc buông thõng, đong đưa. Con gà rừng đã biến mất. Bên vách gỗ, cái lông trắng cong vút như vầng trăng non đầu tháng cũng không còn. Mắt lão Tàng trợn trừng trừng nhìn sợi Xích. Lão thấy trống rỗng như cái chõ vừa vét hết xôi.
Lão cứ ngồi như thế đến khi bà Khoa ra lay gọi mới giật mình tỉnh lại. Lão bỗng đứng bật dậy, chạy sang nhà thằng Chạnh, con trai cả. Không nói một câu, lão xách ngay cái lồng bẫy trong đó có con gà mồi đang treo ở trái nhà, đi nhanh vào rừng. Chạnh nhìn theo bố, ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì.
Đã nửa đêm mà chưa thấy chồng về, bà Khoa thấy lo lắng và nóng ruột quá. Bà vội chạy sang nhà thằng Chạnh gọi cửa:
– Chạnh à, mày đi tìm xem bố mày đến chơi nhà ai không mà giờ vẫn chưa thấy về đâu. Ta lo quá, thấy bụng nó nóng như có cục than cây mạy đang đỏ ở trong ấy.
Nghe mẹ gọi, Chạnh mới nhớ tới lúc sáng bố sang xách cái lồng bẫy gà đi vào rừng. Chạnh vội chồm dậy, vớ cái đèn pin trên đầu giường, chạy nhanh về phía rừng tre Sông A, nơi có nhiều con gà rừng hay ở.
Chá ơi…Chá à….
Vừa luồn lách trong rừng, Chạnh vừa hú to gọi bố.
Có cơn gió khuya từ rừng sâu thổi về, xào xạc. Chạnh thấy lạnh cả người. Càng chạy nhanh hú gọi.
Tiếng hú vang lên rồi mất hút vào đêm khuya, vỡ trong tiếng gió… 
11/5/2021
Kiều Duy Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...