Quang Trung 3
Hay tin gia quyến quận Bằng đã trốn trước, vua Chiêu Thống tất
tả, bệu rệch chạy sang Soái phủ, nắm lấy tay Cống Chỉnh mà hỏi: “Nông nỗi đã đến
thế này, tính làm sao giờ?”
Chỉnh vẫn tỏ vẻ cứng cáp, vững vàng: “Tâu Bệ hạ, ở kinh đô
này, trừ cửa ô, mặt tây nam chưa có hào lũy. Trống trải như thế, đánh đã không
xong, mà giữ cũng khó. Phen này Tây Sơn thừa thắng kéo ra, ta lấy gì làm rào giậu
để tự toàn được?”
Trầm ngâm một lát, Chỉnh lại tiếp: “Hiện nay Kinh Bắc (tức Bắc
Ninh bây giờ) có Nguyễn Cảnh Thước là tay dũng lược đáng tin cậy. Vả, ở đấy có
thành trì kiên cố để ẩn náu, sông lớn để ngăn ngừa, có thể giữ thế thủ được.
Xin Bệ hạ hãy đi giá sang Kinh Bắc, rồi hạ chiếu cần vương:
truyền thông khí mạch suốt từ Thái Nguyên, Sơn Tây đến Hải Dương, Sơn Nam (nay là
Nam Định), thì chẳng bao lâu, chắc sẽ triệu tập được một đạo binh lớn. Bấy giờ
ta sẽ liệu cơ làm việc, mới mong khôi phục được cơ đồ.”
Lại lên mặt “biết người, biết mình” Chỉnh quả quyết: “Phải đi
xa, quân Tây Sơn đã mỏi; lại có sông sâu cách trở, chắc chúng không dám đuổi ta
đâu.”
Rồi Chỉnh nói qua quít cho xong chuyện: “Xin Bệ hạ về cung, cứ
mời Hoàng thái hậu đi trước. Thần sẽ thân đem tướng sĩ đến đợi ở bến sông.”
Trông về tương lai đầy những nét mây ảm đạm, vua Chiêu Thống
bấy giờ chẳng những ngờ vực người, mà cũng không tin đến cả mình nữa.
Hối hả đi bộ từ bên phủ quận Bằng trở về hoàng cung, vua Lê
nhận rõ từng nét “kinh khủng” đang in trên bức tranh “biển dâu”, không khỏi mủi
lòng trước tấn bi kịch thay triều đổi họ!
Màu tang đã nhuộm trắng phố xá! Hung thần “Chiến tranh” đang
đe dọa hiếp đáp bọn dân chạy loạn! Bọn côn đồ mặc sức thả câu trong hồi nước đục:
chúng cướp đường, chúng bóc lột, chúng cầm quyền sinh sát giữa kinh đô đương “sốt
rét”.
Trong lúc “hỗn quân, hỗn quan” đó, Chiêu Thống chỉ là một “nạn
nhân” chờ đội “mũ gai” đau đớn. Quả thế, khi nhà vua đang nheo nhóc chân đăm đá
chân chiêu ở dọc đường, thì có kẻ xông ra, túm lấy, khám túi, lần lưng, thấy
không có gì, bấy giờ mới “sinh phúc” cho đi thoát.
Thoát nạn về đến hoàng cung, vua Chiêu Thống vội hiệu triệu
lính thị vệ, nhưng chỉ được 17, 18 tên! Còn đâu cả? Chúng đi trốn sạch!
Lạch đạch, khệ nệ, ùy oạch, chật vật theo sau Hoàng thái hậu
và Nguyên tử, một bọn tôn thất và cung nhân giẵm trên gió bụi, lầm than.
Vất vả lắm mới tới được bến sông, họ tranh nhau xuống thuyền.
Hết thảy sống trong cảnh xô bồ, hỗn độn. Chỉ có sức khỏe là
lá bùa thứ nhất để hộ thân, mạnh ai nấy tranh được trước, bấy giờ không còn đạo
đức lễ độ gì nữa! Người ta xô đẩy nhau trên bãi cát, chen chúc nhau trong các
thuyền. Tiếng kêu vì ngã bị giẵm bẹp hòa với tiếng cầu cứu vì thuyền đắm: oai
oái thảm thê155.
Sông ơi! Biển ơi! Sao mi không yên, không lặng, lại cứ nay
sóng, mai gió, cuốn mất của người ta biết bao hạnh phúc vào trong lòng mi!
Chập tối Văn Nhậm kéo quân vào thành Thăng Long: Một mặt kéo
bảng chiêu an, một mặt sai bộ tướng là Nguyễn Văn Hòa đuổi đánh Cống Chỉnh.
Chạy! Chạy!... Cống Chỉnh và các văn thần đem vua Chiêu Thống
chạy về phía bắc. Quân lính đi đứng lộn xộn, không còn bộ ngũ trật tự gì nữa!
Đến trấn Kinh Bắc, quân lính đã trốn mất quá nửa, chỉ còn hơn
430 đầu người và 60 cỗ ngựa.
Chỉnh đem tàn binh qua sông Như Nguyệt156, vừa thoạt đóng đồn
ở núi Tam Tằng157, thì Nguyễn Văn Hòa, tướng Tây Sơn đã kéo binh ập đến.
Một cuộc giao chiến định rõ số phận Nam, Bắc.
Văn Hòa chia binh làm đôi: sai một toán đi vòng sau núi, đánh
tập hậu.
Rối loạn, quân Chỉnh tan vỡ! Hữu Du bị bắt và bị chặt đầu. Chỉnh
tế ngựa chạy trốn, bỗng ngã vật xuống vì ngựa bị thương. Đường đường quận Bằng
nay phải làm tù binh trong lúc cùng đường, kiệt sức!
Sau khi bắt sống được Chỉnh, quân gia Tây Sơn tranh nhau toan
chặt lấy đầu; song Chỉnh la lớn bảo chúng: “Cứ bắt sống tớ mà nộp lấy công, chứ
đừng giết tớ ở đây vội!”
Xúm lại, chúng trói Chỉnh đóng vào cũi, và treo đầu Hữu Du ở
bên cũi Chỉnh, khiêng về Thăng Long.
Trước là bạn, nay là tù, Chỉnh với Văn Nhậm bây giờ cách nhau
như trời với vực.
Với giọng bệ vệ, oai nghiêm của phái chiến thắng, Nhậm kể tội
Chỉnh không sót kẽ tóc, chân tơ. Nhưng gọn thon lỏn, Chỉnh chỉ đáp lại mấy lời
cứng cáp khi Nhậm vặn hỏi tại sao làm phản:
– Chỉ vì cái “thế” mà thôi!
Rồi, Nhậm “cảm ơn” bạn đã làm mình giựt được cái chiến công lừng
lẫy này bằng cách khép Chỉnh vào một thảm hình: buộc chân tay Chỉnh vào bốn con
ngựa, xé xác ra làm mấy mảnh158.
Chỉnh khi mới lọt lòng mẹ, oe oe mấy tiếng khóc, đã làm cho
ông giám sinh họ Đỗ ở Thanh Chương (Nghệ An) phải thốt ra lời kinh hãi lúc qua
cổng nhà Chỉnh ở Đông Hải, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An: “Đứa trẻ khóc đấy sẽ
là một tên gian hùng đời loạn”159! Quả nhiên, từ một ông Hương cống (tức Cử
nhân), Chỉnh đã xoay hẳn lại thời cục Bắc Hà và đại thế nước Đại Việt ở cuối thế
kỷ XVIII. Như trước đã nói, Chỉnh nguyên làm gia khách Hoàng Ngũ Phúc, sau lại
nương dựa Hoàng Đình Bảo, cháu của Phúc. Hồi quân Tam phủ nhà Lê nổi loạn, Bảo
bị giết bởi lưỡi gươm của bọn kiêu binh ấy! Chực lợi dụng thời cơ, Chỉnh xui Vũ
Tá Giao, chồng của em gái Đình Bảo giữ trấn, chống lại triều đình Bắc Hà. Thấy
Giao không nghe, Chỉnh sợ mắc vạ, phải chạy theo Tây Sơn.
Trong hai năm trời, Chỉnh đạp đổ chúa Trịnh, xoay tít vua Lê,
làm khó dễ với Bắc Bình vương, những thủ đoạn gian hùng ấy kém gì “ông cử” Tào
Tháo!
Ngoài ngón thao lược, Chỉnh còn có tài về văn nôm nữa. Dưới
đây là một bài thơ Chỉnh làm khi nhàn rỗi trong một ngày mưa xuân:
Lửa hồng từ dậy mái thành đô,
Đòi chốn lầm than thuở được thua!
Xanh biếc cảnh xen người ẩn dật,
Bạc đen đường vẩn khách bôn xu!160
Cái cớ Cống Chỉnh sở dĩ thất bại, gồm trong ba chữ “tham, bạo,
kiêu” như lời Đinh Nhạ Hành đã viết trong tờ biểu tạ Lê Chiêu Thống:
Từ khi đem quân vào hộ vệ, Nguyễn Chỉnh tham, bạo và kiêu,
khiến cho trên dưới nghi ngờ, lắm người ta oán. Lúc được cầm quyền, Chỉnh lại
ra tay tàn sát: những huân thần, túc tướng, lệnh tộc và thế gia bị giết hại rất
nhiều! Cho nên quân Tây Sơn, khi ra lần nữa, mới đánh một trận, thế mà ba quân
bên ta (Lê) đã tan vỡ, đến nỗi Kinh thành thất thủ, xã tắc điên nguy! Cứ kể cái
tội hại nước hại dân ấy; dầu băm chém Chỉnh làm muôn nghìn mảnh cũng chưa đáng!
Giết Đại tướng
Hạ xong Thăng Long, Vũ Văn Nhậm vẻ vang hát bài chiến thắng,
khỏa lấp những lời than, tiếng khóc của Trịnh Lê!...
Nào ngờ nấp sau cánh cửa “Khải hoàn”, thần Chết vẫn rình đợi
Tướng quân họ Vũ!
Vũ Văn Nhậm nguyên xưa làm Tiết chế bên chúa Nguyễn, nên người
bấy giờ thường kêu là Chế Nhậm. Hồi tháng năm, năm Bính Ngọ (1786), Nhậm thua
trận Gia Định, bị Tây Sơn bắt sống, toan tự vẫn, nhưng rồi nghe lời Đức Lệnh
(Nguyễn Huệ) dụ hàng, Nhậm theo Tây Sơn từ đó. Nay Nhậm tuy là tả tướng ở Súy
phủ Bắc Bình vương, nhưng là con rể của vua Thái Đức. Mà từ năm ngoái tới giờ,
Nhậm chỉ huy quân sự, cũng tỏ ra cậy mình là quốc tế. Dạo anh em Tây Sơn thất
hòa161, Nhậm vẫn trung lập và vâng theo mệnh lệnh của Bắc Bình vương, nhưng vẫn
không quên cái tình ông nhạc và con rể. Khi ở Động Hải, nghe tin nội biến, Nhậm
xin về triều cận, song Bắc Bình vương không cho, truyền phải đi thẳng ra Nghệ.
Sau trận ra Bắc Hà, giết Hữu Chỉnh, Nhậm càng lập được kỳ công, Vương càng ngờ
sợ! Ngờ sợ vì Nhậm là một tay tướng tài.
Vả, theo Thanh triều sử lược, quyển VI, tờ 19b (tác giả là Tá
Đằng Sở Tài, người Nhật Bản), thì sau khi chiếm cứ Đông Kinh (Bắc Hà), Nhậm
(trong sách này chép là họ Nguyễn: Nguyễn Nhậm) “giữ bốn mặt hiểm yếu, cũng có
chí tự vương”162. Vì vậy, Nhậm đối với Bắc Bình vương, lại càng như cái gai
trong mắt.
Dòm thấy cái khe hở đó, bọn Sở hết sức tìm cách thêu dệt, miễn
sao cho Nhậm mau chết theo Chỉnh, họ mới hả lòng.
Sau khi Bắc Hà đã yên, có người nói với Văn Nhậm: “Ngoài Bắc
dẫu oán Cống Chỉnh, nhưng lòng người vẫn nhớ nhà Lê. Nay vua Chiêu Thống đã đi
rồi, chưa biết bao giờ lại về được. Sùng Nhượng công Lê Duy Cận, con thứ 4 vua
Hiển Tông, khi còn Tiên đế (chỉ vua Hiển Tông) đã được lập làm Đông cung, nhưng
qua năm Nhâm Dần (1782), bị quân Tam phủ truất bỏ. Nếu bây giờ Tướng quân (chỉ
Văn Nhậm) lại lập Sùng Nhượng công lên ngôi chính thống, rồi yết bảng ra cửa Đại
Hưng, hiệu triệu triều thần thì, độ vài ngày, văn võ bách quan sẽ lại quay về
răm rắp, làm việc nước sẽ dễ như trở bàn tay.”
Đề nghị ấy được Nhậm tán thành.
Rồi việc ấy thực hiện: Duy Cận được đón lập làm Giám quốc đóng
ở điện Cần Chính.
Đã bất mãn lối độc đoán của Nhậm, lại không ưng cái tư cách của
Duy Cận, Ngô Văn Sở nói riêng với Nhậm:
– Tôi xem bộ dạng Duy Cận như vậy, còn hòng cai trị được ai?
Nên lấy, ta cứ lấy phắt đi, cần chi phải mượn thằng cầu bơ cầu bất ở đâu về làm
bồ nhìn, rồi chúng mình lại đóng quân trong thành, canh cửa cho nó!
Nhậm lạnh lùng:
– Lòng người Bắc Hà vẫn còn nhớ Lê; nên nay hãy cứ làm theo
dân vọng. Việc đó, đã có tôi chủ trương. Các ông chỉ việc đánh khỏe là đủ.
Làm thinh, Sở ra bảo Văn Lân:
– Lão Chế Nhậm khinh người quá! Chẳng hay lão có tài đức chi
mà dám coi ta như một tên lính!
Đinh ninh nhớ nhời dặn ngầm của Bắc Bình vương, Sở, từ khi bước
chân đi Bắc, vẫn chăm chăm rình miếng vật Nhậm để tâng công.
Cơ hội đã đến rồi. Mấy nhời Nhậm nói nặng Sở kia đủ làm tàn lửa
đốt thùng thuốc súng!
Từ đó, công thành ra tội, việc làm phải lẽ hóa ra phản trạng
nặng nề: Nhậm sẽ chung một mối oán với Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Tất (người cuối
Trần)!
Vẫn biết Văn Nhậm ngang tài với mình, song muốn lợi dụng cho
được việc một lúc, rồi sẽ liệu bài trừ sau: Bắc Bình vương nghĩ thế. Khi cho Nhậm
ra Bắc, vương đã dặn bọn Sở phải coi chừng. Nay bỗng tiếp được tin Sở mật báo,
lại thấy Văn Lân đứng làm chứng, vương càng quả quyết giết Nhậm, không tha.
Lập tức hạ lệnh động binh, Bắc Bình vương, thanh gươm, yên ngựa,
lên đường, ngày đêm đi gấp ra Bắc163...
Vượt suối, lách rừng, leo núi…, hơn mười ngày, Bắc Bình vương
đã đến Thăng Long.
Đêm tháng tư, cảnh vật như bị nấu chín trong lò lửa hạ! Tiếng
dế khóc cuộc hưng vong dưới chân Hoàng Thành mờ phủ lớp rêu cằn cỗi bỗng bị khỏa
lấp vì trống canh tư chậm rãi điểm hồi.
Nằm trên oai quyền lẫm liệt, Tiết chế Vũ Văn Nhậm đang nồng
giấc “chinh phu”.
“Tôi có tội gì?” Tiếng kêu chưa dứt, Nhậm đã âm thầm ôm mộng
thác oan!
Ai giết Nhậm?
Thì ra, nhân lúc không ngờ, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đang
đêm ập vào trong quân thứ, sai võ sĩ Hoàng Văn Lợi đâm chết Chế Nhậm, rồi chôn
xác ngay ở sau phủ, vùi sâu sự nghiệp một đời tướng tài164!
Sáng ra, vương cải tổ lại quân ngũ, nhắc Ngô Văn Sở lên thế
chân, cầm binh quyền.
Chỉ vì chén thuốc độc
Ở Nam đã hòa với vua Thái Đức; ra Bắc, lại “sửa” xong Vũ Văn
Nhậm, Bắc Bình vương, lúc này, có thể rảnh tay để lo việc thiện hậu ở Bắc Hà.
Muốn được mời lên ngự chiếc ngai vàng, vương sai triệu tập
các tôi cũ nhà Lê, ép phải làm biểu liên danh khuyến tiến.
Nhưng việc ấy bị thất bại vì chén thuốc độc của Tham tri
chính sự Nguyễn Huy Trạc, người chỉ trông thấy có ba chữ “Lê Thái Tổ”, chứ
không sợ uy võ của Tân trào!
Không muốn “già néo”, Bắc Bình vương dùng cái chiến thuật
“làm dần”. Trước hết hãy chia chức, đặt quan, khiến cho bộ máy cai trị cứ quay
chuyển đã: Đô đốc Hòa Nghĩa hầu trấn thủ Sơn Nam; Lôi Quang hầu trấn thủ Sơn
Tây; Nguyệt Quang hầu trấn thủ Kinh Bắc; Hám Hổ hầu165 trấn thủ Hải Dương. Giác
Hòa hầu giữ Lại bộ; Lộc Tài hầu giữ Hình bộ; cả bốn hầu này cùng ngồi ghế hiệp
trấn.
Vương lại ra lệnh cho bách quan làm việc “cử tri”: tiến cử
người mình biết là hiền năng để Tân trào bổ đi cai trị các huyện. Mỗi huyện đặt
hai viên văn võ cầm đầu: văn phân tri và võ phân suất. Còn ty thuộc trong các
trấn? Ngô Văn Sở được tùy tài bổ dụng, rồi bẩm lên để cấp văn bằng.
Trong đám Lê thần xoay về với Tây Sơn đây, có Phan Huy Ích166
và Ngô Thì Nhậm là những tay rất đắc lực về việc tử lệnh giao thiệp với nhà Mãn
Thanh sau này.
Ngô Thì Nhậm suýt bị Lễ quan Vũ Văn Ước bắt đem trị tội “dám”
ngồi cùng chiếu với Ước, khi Ước sắp dẫn các cựu thần nhà Lê vào ra mắt Bắc
Bình vương.
Trốn được thoát, Ngô tự đến yết Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ,
nhờ Kỷ tiến dẫn lên Bắc Bình vương.
Gặp Ngô, vương yên ủi:
– Trước kia, chúa Trịnh không dùng khanh, khanh phải trốn
tránh: nghĩ cũng đáng buồn! Nếu ta không tới đây, khanh đâu được có cái may mắn
này? Có lẽ trời có ý để dành lại cho ta dùng đó?
Ngô lạy tạ.
Vương ngoảnh lại bảo Kỷ:
– Ngô Thì Nhậm là người được ta tái tạo cho đó!
Vương lập tức sai thảo chế, phong Ngô làm Lại bộ Tả thị lang
Tình Phái hầu, cho với Ước cùng quản lĩnh các viên chức văn võ ban thuộc triều
Lê.
Phá tan quang cảnh lạnh lẽo, tiêu điều, đền Chính trung bữa
nay trở nên náo nhiệt, oai nghi, tấp nập. Đưa mắt nhìn bọn đương e dè tiến lên
điện để lạy chào kia, Bắc Bình vương hỏi thử một người:
– Ngươi làm chi.
Người ấy đáp:
– Thưa Thám hoa.
– Thám Hoa là cái chi? Có làm đặng tổng trưởng (tức Chánh tổng)
không?
Rồi vương truyền cho mọi người lên cả trên thềm, dụ họ bằng
giọng sang sảng như tiếng chuông:
– Lê Tự hoàng dầu do ta lập lên thật, song Tự hoàng là người
ngu muội, ươn hèn, không cáng đáng nổi trọng trách. Khi ta về Nam, Tự hoàng bị
Cống Chỉnh nó xoay đến nỗi tự chuốc lấy vạ, thật không đáng thương! Nay lập
Sùng Nhượng công làm việc Giám quốc giữ việc thờ cúng nhà Lê: chính phải lắm.
Các khanh nên gắng ở lại giúp đỡ thì hơn. Mai kia ta lại vô Nam, thật không lấy
Bắc Hà làm lợi. Song, vì sợ Tự hoàng tranh giành với Giám quốc, người nước lại
đổ lỗi tại ta gây ra mối loạn, nên chi phải để Đại tư mã Ngô Văn Sở hãy tạm
đóng binh coi giữ; đợi khi bốn phương yên ổn, bấy giờ ta sẽ triệu về.
Ăn kết quả của cuộc chiến thắng, Bắc Bình vương nhấp “chén”
thành công mua vui với thân thần; trước khi trở về Thuận Quảng.
Nồng như rượu, đậm đà như món ăn, vương ngọt ngào dặn bảo bọn
họ:
– Ngô Văn Sở (Đại tư mã), Phan Văn Lân (Nội hầu): nanh vuốt của
ta; Nguyễn Văn Dụng (Chưởng phủ), Trần Thuận Ngôn (Hộ bộ Thị lang) tâm phúc của
ta, Ngô Thì Nhậm (Lại bộ Thị lang) tuy là mới nhưng là bậc tân thần (賓臣) ta coi
như khách. Nay ta giao cho các khanh hết thẩy mọi việc quân quốc, coi quản 11
trấn trong toàn hạt. Hễ có điều chi, ta cho cứ được tiện nghi làm việc. Song
các khanh cần phải họp bàn với nhau, chứ đừng phân bì kẻ mới, người cũ, miễn
sao làm cho được việc, ta mới yên lòng…
"Người mới vui cười, người cũ khóc"
Vua Lê Chiêu Thống, sau khi bỏ thành Thăng Long, chạy sang
Kinh Bắc: chẳng những không được dung nạp, lại bị thủ hạ của Nguyễn Cảnh Thước,
trấn thủ xứ Bắc, lột lấy áo bào!
Sau trận Cống Chỉnh bị bắt ở Mục Sơn167, Chiêu Thống lại phải
trốn vào sơn trại huyện Bảo Lộc168!
Bấy giờ Thăng Long còn đương nép dưới “cây gậy tiết chế” của
Vũ Văn Nhậm. Thấy Nguyễn Văn Hòa loay hoay trước bức lũy ở phía bắc sông Nguyệt
Đức169 do Nguyễn Trọng Linh, thổ mục Bảo Lộc đắp lên để hộ vệ cho cá thể Chiêu
Thống, Nhậm cho là một vết không vinh dự cho nhà binh Tây Sơn. Lập tức đại binh
từ Thăng Long kéo đến, do Nhậm cầm đầu, đánh thắng được Linh sau một ngày một đêm
kịch chiến.
Trải cơn thất bại ở Bảo Lộc, Chiêu Thống đọc rõ những nét “muốn
phản” trên mặt Linh, phải quay về Chí Linh170 nương nhờ Trần Quang Châu và Lê
Ban, mưu đánh trấn Hải Dương làm đất căn cứ.
Quân nghĩa dũng nhiều nơi nổi dậy, đáp theo tiếng gọi của lá
chiếu cần vương.
Thay chân Nhậm, Văn Sở đang sống trong những phút tưng bừng ở
kinh đô Thăng Long, càng khấp khởi mừng khi thấy Trần Liên do Đinh Tích Nhưỡng ở
Hải Dương sai đến cáo tỏ chỗ Chiêu Thống đang trốn tránh.
Sắc đêm nhuộm đẫm cảnh vật. Trăm tên lính Tây Sơn, theo tay
chỉ điểm của Liên, giẵm bóng tối, vin rễ cây, bám hốc đá, vượt núi định vào bắt
sống vua Lê phen này! Chẳng dè cả lũ đều toi mạng dưới tay làm việc có phòng bị
của Châu và Ban.
Sở hay tin tức đó, tức tốc phái binh lùng bắt Chiêu Thống, một
nạn nhân long đong nay Chí Linh, mai Hiệp Sơn, mốt Chân Định.
Mặt khác, Sở sai bộ tướng đi dẹp những nơi hễ có làn khói phản
đối Tân trào: đã đánh quỵ Việt Tuyển ở Hoàng Giang171, lại đuổi bắt bọn Châu,
Ban ở mạn xứ Đông, khiến cho Chiêu Thống phải đúng với sước hiệu172 là vua “Mống
Siêu” từ đó.
Dưới vòm trời nặng trĩu mây tối, chiếc thuyền bôn ba của vua
Lê vừa chèo đến Đông Ngạn để tới Hoàng Giang thì đùng một cái, tin Viết Tuyển
thua173 chạy về Nghệ An làm rụng rời khách lưu ly điên bái!
Như nước, lòng vua Lê cồn cộn! Như con thuyền, thân thế vua
Lê lênh đênh! Phó mặc may rủi, Chiêu Thống cứ xuôi theo dòng nước đi liều về
phía nam. Rồi, theo gió, thuyền nhà vua cứ “đi phiếm” ra biển khơi. Mây trôi hờ
hững. Đàn sóng vật nhau trên mặt biển mông mênh. Chiêu Thống cảm thấy thân mình
là bọt biển dạt dào, gia đình mình là những hoa sóng tan tác!
Thuyền đến hải phận Biện Sơn, Chiêu Thống gặp Lê Ban, lại kéo
nhau quay về Thanh Hoa. Rồi lúc lén đi Kim Bảng, lúc vi phục về Kinh Bắc, lúc tạm
ẩn ở Lạng Giang, lúc lẩn quất vùng Từ Sơn, ông vua cuối đời Lê trung hưng này nếm
trải đủ mùi đắng cay trong cơn gió bụi. Hai câu trong bài thơ Chiêu Thống gửi
cho Trần Danh Án đã chứng rõ nỗi gian truân ấy:
社稷有懷常鬱結
江湖飽歷苦流連
“Xã tắc hữu hoài, thường uất kết!
Giang hồ bão lịch, khổ lưu liên!”
Dịch:
Xã tắc ngửa nghiêng, lòng nghẽn thắt!
Giang hồ lây lất, cảnh long đong!
Đường đã cùng, sức đã kiệt, Chiêu Thống không còn xoay được
chiến thuật gì khác, ngoài kế rước voi! Nằm chờ ở vùng Phượng Nhỡn, Chiêu Thống
gửi hết hy vọng hưng phục vào chú Mãn Thanh, khi đã sai Lê Duy Đản và Trần Danh
Án sang Tàu cầu viện.
Mặt khác, Thái hậu và Nguyên tử nhà Lê cùng bọn thị thần Lê
Quýnh, sau khi chạy được lên đến Cao Bằng, nương dựa Đốc đồng Nguyễn Huy Túc,
cũng gõ cửa nhà Thanh, van lơn cầu cứu.
Trước đó, Nguyễn Huy Túc và Lê Quýnh hộ vệ Thái hậu và Nguyên
tử trốn đến xã Bác Sơn174 giáp đất Tàu, thì bị quân Tây Sơn đuổi tới (mồng 9
tháng năm năm Mậu Thân, 1778). Bọn Túc chạy đến bến sông, cầu người Thanh cứu
giúp và xin cho vào trong quan ải.
Khi các nhà chuyên trách bên Thanh giữ việc tuần phòng cửa ải
đang xét hỏi bọn Túc thì bên này sông Phất Mê, có đến hơn trăm quân Tây Sơn chực
xông sang bắt. Nhưng vì thấy chỗ đối cửa ải bên Tàu có quân lính Mãn Thanh, nên
bọn hơn trăm quân đó lại rút lui, chứ không qua sông nữa. Vì vậy, bọn Túc mới dẫn
tất cả đàn ông, đàn bà cộng tới hơn 62 người175 vượt được qua sông.
Chịu qua một lượt tra xét, kiểm điểm, bọn Túc được các chú
cho vào trong ải mà ở đậu176.
Thấy Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh tâu lên Thanh đình việc bọn Túc
đem quyến thuộc vua Lê sang nương nhờ đất Tàu ấy, vua Càn Long (1736-1795) nhà
Thanh liền truyền Tôn Vĩnh Thanh cứ mật xét hỏi bọn Túc, chứ không cần đợi Tôn
Sĩ Nghị đến rồi mới làm177.
Rồi vua nhà Thanh xuống dụ rằng: “… Hiện nay quyến thuộc Duy
Kỳ cần phải an sáp cho được thỏa đáng, dẫu tốn bao nhiêu của kho Nhà nước cũng
không nên tiếc…”178
Bấy giờ quân Tây Sơn tràn sang biên giới đất Tàu, triều đình
nhà Thanh không khỏi nao nao hồi hộp, tính ngay đến việc phòng thủ. Vua Thanh tức
tốc hạ lệnh: ở nơi quan ải bên Tàu tuy đã điều bát đến 1.000 binh chia đồn đóng
giữ, nhưng sợ số quân như thế chưa được nhiều, nhỡ quân Tây Sơn ở đối diện bờ
sông bên này thấy quân Thanh còn ít mà sinh sự ra chăng, vậy cần phải điều bát
thêm lấy hai, ba nghìn lính nữa, mà chia đóng rải rác trong quan ải để làm cho
mạnh thêm thanh thế179.
Nguyễn Hữu Túc, sau khi sang lọt Long Châu180, nhờ người bạn
Tàu là Ngô Sơn Tiều Ẩn (không rõ tên thật là gì) giới thiệu với viên Đô tư Trần
Hồng Thuận ở Long Bằng doanh. Rồi, như trên đã nói, việc cầu viện đó được đạt đến
Tôn Vĩnh Thanh, sau lại lên tới Thang Hùng Nghiệp, Tả giang Binh bị đạo, và Tôn
Sĩ Nghị, Lưỡng Quảng Tổng đốc.
PHẦN THỨ BA: ĐỐI NGOẠI
C
ọp thanh chực vồ thịt việt
Mùa hạ năm Đinh Mùi (1787), Bắc Bình vương ra Thăng Long lần
thứ 2, giết Tiết chế Vũ Văn Nhậm, xếp đặt ngạch quan quân, chỉnh đốn việc quốc
chính, rồi lưu 3.000181 binh đóng giữ Bắc Hà, lại trở về Nam.
Gánh lấy trọng trách vương đã giao phó, bọn Ngô Văn Sở và Ngô
Thì Nhậm không giám “giấu ta lâng”182 trong khi vắng chủ.
Hễ đâu có sức phản công bùng nổ thì sai tỳ tướng đem quân đi
dẹp, cũng đủ làm cho nước lặng sông trong.
Phủ huyện có văn án đệ trình, thì tùy liệu phân xử, không để
đọng lại một việc.
Việc canh phòng biên giới giáp với Mãn Thanh? Đã có đô đốc
Nguyễn Văn Diễm183 đem du binh đi tuần, xét hỏi giấy phép, cấm ngặt những ai
lén lút sang Tàu.
Sống trong thời oanh liệt, bọn Sở mua vui với nhau bằng cách
quần ngựa khiển hứng và chuốc chén tiêu nhàn.
Nhưng, họ có ngờ đâu, dưới bóng cờ chiến thắng, đã ẩn ngầm những
biến động tầy đình khiến họ phen này, ngựa trận phải đổ mồ hôi, tóc Tướng quân
phải pha mầu tuyết:
Nguyên bọn Tham tri chính sự Lê Duy Đản và Phó đô Ngự sử Trần
Danh Án, sau khi vâng mật chỉ của Chiêu Thống, cải trang giả làm lái buôn Tàu, nhập
bọn với tụi khách, đi lọt được sang đất Mãn Thanh, sốt sắng vận động cuộc cứu
viện.
Bọn Án nhờ người canh gác cửa ải giới thiệu, vào ra mắt viên
phân phủ họ vương ở phủ Thái Bình (Tàu). Họ kêu khóc kể lể những nỗi Tây Sơn
xâm lăng từ năm Bính Ngọ (1786). Hiện nay, vua quan nhà Lê long đong điên bái,
“không chỗ gối đầu”!
Trước những ngôn ngữ cử chỉ của họ, vương phân phủ trước còn
ngờ, tưởng Tây Sơn bày mưu sai người sang thám thính, nên cứ vặn vẹo bọn Án
mãi. Sau, cảm động vì những giọt nước mắt thành thực của Án và Đản, họ Vương phải
hứa sẽ nói giùm với Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh và Lưỡng Quảng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị
để Nghị đề đạt việc này lên triều Thanh.
Khi đã nghe thấu cả hai tiếng kêu của bọn Án và của bọn Nguyễn
Huy Túc, Tôn Sĩ Nghị giở ngay lối văn sáo cũ nói với bọn liêu thuộc:
– Nước Nam xưa “vốn” thuộc Hán, Đường. Mãi đến đời Tống, họ
Đinh mới cựa được lên, giữ lấy nước. Từ đó trở đi, đời nọ nối đời kia gây thành
một nước độc lập. Nay cuộc thế xoay vần, họ không giữ nổi, có lẽ ý trời muốn
ban cho chúng ta chiếm làm quận huyện đấy nhỉ?
Nghị liền sang Long Bằng doanh, họp bàn với Tuần phủ Tôn Vĩnh
Thanh.
Vĩnh Thanh, với giọng lý sự, phản đối:
– Gây sự với ngoài là việc lớn. Lợi hại không phải vừa. Cứ
như Ngài (chỉ Tôn Sĩ Nghị) nói, thì Lê Tự tôn cũng đáng thương thật; song thế lực
Tây Sơn chưa chắc đã đốn mạt đến thế, vì Nguyễn Huệ là tay thảo trạch vùng lên,
hành binh từ thủa để chỏm. Một phen ra tay đã đánh đổ được cái triều đình hơn
300 năm (chỉ nhà Lê) thì lực lượng ấy, tưởng không phải yếu.
Huống chi nước Tàu chúng ta hàng 200 năm nay thái bình vô sự,
dân không quen biết việc binh; một sớm giong ruổi vào nơi viêm chướng, chưa chắc
đã đánh được, mà được cũng chẳng vinh gì! Muôn một rủi ro thì thiệt hại lắm.
Ngài (Nghị) là đại thần nhà nước, cần nên giữ vững bờ cõi, chứ đừng cả tin người
ngoài, vội gây sự với lân bang. Cái gương tày liếp của Hoàng Ngũ Phúc, Trương
Phụ (đều người đời Minh) ở hồi Vĩnh Lạc (1403-1424), Tuyên Đức (1426-1435) nào
đã mờ đâu!
Tôn Sĩ Nghị cãi lại:
– Nhà Lê chịu phong, đời giữ lễ cống. Nay nước người gặp cơn
biến loạn, lẽ nào không cứu mà lại ngồi nhìn?
Xếp lý luận ra một xó, Nghị nhúng tay vào việc: đòi gọi bọn
Nguyễn Hữu Túc, Lê Quýnh, Hoàng Cái Hiểu, Nguyễn Đình Trạc và Nguyễn Đình Mai đến
quân môn cung trạng.
Nghị lại đưa một bản đồ cho Lê Quýnh coi rồi hỏi xem bộ vị và
phương diện trong bản đồ ấy có đúng với thực tế không. Thấy Quýnh cho rằng bản
đồ sai đến bốn, năm phần mười, Nghị liền sai họa công đến sửa lại theo Quýnh chỉ
bảo. Phàm những chỗ còn, mất, hư, thực và anh em Lê Hoàng hiện đang ở đâu đều
phải biên chua vào bản đồ cho rõ ràng kỹ lưỡng.
Rồi Nghị dặn bọn Túc: “Việc này, để ta còn tâu lên triều
đình. Khi nào được chỉ, ta sẽ giúp cho các ngươi. Các ngươi hãy cứ về nước, tìm
cho đến chỗ Tự hoàng đang ở, thám thính tình hình Tây Sơn bây giờ ra sao và người
nước xu hướng bây giờ thế nào, lập tức phải phi báo sang để ta phúc tấu. Bấy giờ
ta sẽ kéo binh qua cửa ải: chống lại cái nhà đã đổ và dựng lại cái nước đã
tan.”
Vua Thanh Càn Long184 (1736-1797) nhận được tờ biên của Tôn
Sĩ Nghị nói về nội tình nước Nam và việc vua Lê đem Thái hậu cùng Nguyên tử chạy
sang cầu viện liền hạ chiếu thư dụ bảo Nghị:
Tự tôn Duy Kỳ khi đem gia quyến sang đất Bắc (Tàu), là do
Trào Châu ruổi đến Long Châu. Cứ theo như lời Tôn Sĩ Nghị tâu, thì ra Lê Duy Kỳ
cũng cùng đến cả. Nhưng Duy Kỳ đã thân đem gia quyến sang nội địa, mà sao trong
tờ trình vẫn để di quan (quan mọi) Nguyễn Huy Túc đứng tên?
Vả, bọn thổ tù Nguyễn Nhạc đã công phá đô thành nhà Lê, sau
thấy Lê Duy Kỳ chạy trốn, lại đem binh đuổi theo để chực giết.
Nếu nước ấy đã bị họ Nguyễn (Tây Sơn) chiếm hết cả mà Duy Kỳ
đem quyến thuộc chỉ có hơn 60 người, thì suốt dọc đường sao lại yên ổn mà sang
đến tận nội địa này được?
Hiện Duy Kỳ đã tới Long Châu. Vậy truyền Tôn Sĩ Nghị sau khi
đến Long Châu nên hỏi tận mặt Duy Kỳ: họ Nguyễn (Tây Sơn) làm loạn, xét ra là
vì cớ gì mà gây nên biến? Duy Kỳ gặp nạn gửi mình nơi nội địa phải chăng chỉ cốt
bảo toàn lấy tính mạng mẹ con, còn đất đai thì đem nhường cho họ Nguyễn? Hay là
chỉ tạm nương náu bên nội địa để trốn tránh, trong bọn thần hạ của Duy Kỳ còn
có kẻ có thể vì Duy Kỳ mà giết giặc mà khôi phục rồi đón mẹ con y về nước? Vậy
hỏi xem chủ kiến của y như thế nào? Nếu y không biết được rành mạch tỏ tường
thì nên đến xét hỏi tận bọn Nguyễn Huy Túc…
Lần này Tự tôn nước ấy cùng quẫn quá lắm mới phải gửi thân
nơi nội địa. Trong tờ trình dẫu không thấy nói xin cứu binh, nhưng bọn trấn mục
của y nếu quả có thể triệu tập được dân binh, quét tan được hung nghịch, đón Tự
tôn về thì cố nhiên là hay lắm rồi.
Nếu họ Nguyễn (Tây Sơn) chỉ chiếm một dải đất của đô thành Lê
mà chỗ khác vẫn còn của Lê, bọn trấn mục tuy không trừ diệt được họ Nguyễn (Tây
Sơn) nhưng vẫn có thể làm yên được việc mà đón Tự tôn về thì bấy giờ ta sẽ vì họ
mà khuôn xếp cất đặt. Thế thì dòng nước họ Lê không đến nỗi bị đoạn tuyệt, ta
cũng không bõ dấy quân, thay họ làm đỡ việc lớn.
Nếu họ Nguyễn công phá đô thành Lê rồi lại chiếm cứ hết đất
đai An Nam, hoặc con cháu họ Lê đều bị giết hại hết cả thì Tự tôn mai sau chung
quy cũng chẳng còn có nước đâu mà về được nữa.
An Nam thần phục bản triều rất là cung thuận, nay bị cường thần
tranh cướp, gõ cửa ải mà kêu xin gửi nhờ nội địa, nếu ta bỏ mà không xét đến
thì thật không phải là đạo vỗ yên nước nhỏ, làm sống lại kẻ luân vong.
Vậy nên họp tập binh bị cho dày sức rồi kể tội kẻ cường thần
mà tiến sang đánh. Đến bấy giờ tự Trẫm sẽ xếp đặt quyết định…”185
Mới đọc xong tờ dụ trên, chắc các bạn tưởng vua Thanh giàu
lòng nhân đạo khi thấy vua Chiêu Thống đương thất thểu đi đến bên hố luân vong,
nhưng khi xem đến lời chiếu dưới đây, sẽ thấy rõ cái dã tâm của vua tôi nhà
Thanh hồi đó:
Nay Lê Duy Kỳ dẫu phải bôn vong, nhưng toàn cõi chưa đến nỗi
mất hết. Mà thần dân trong nước hãy còn yêu mến họ Lê thì cũng có cơ hưng phục
được. Vậy cho khanh đem quân đóng ở biên thùy, xa làm thanh thế cứu viện. Rồi bảo
Duy Kỳ phải triệu tập nghĩa binh thu phục lấy quốc thành, chứ ta không cần phải
động binh đánh giúp cho nhọc công, tốn của. Khi họ lấy được kinh thành rồi,
khanh sẽ đem quân hộ tống Duy Kỳ về nước. Nếu Tự tôn không làm nổi việc và Tây
Sơn cứ rông rỡ thì bấy giờ khanh sẽ đem binh hỏi tội. Rồi thừa cơ chiếm lấy nước
Nam.
Nghị liền thông tư đi Vân Nam và Tứ Xuyên đốc lấy binh mã.
Khi sắp xuất quân, Nghị lại làm sớ tâu vua Thanh đại lược:
… Nội lực nhà Lê yếu lắm, rồi ra chắc cũng không giữ nổi nước
đâu. Nay thấy họ sang cầu viện, đối với danh nghĩa bề ngoài, triều ta không lẽ
không cứu… Nhân dịp này, nếu hưng phục cho Lê được rồi ta sẽ đặt thú binh mà giữ
lấy nước. Thế là vừa có ơn với Lê, lại vừa lấy được An Nam: nhất cử lưỡng lợi!
Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh tuy bác bẻ lời sớ của Nghị là “trước
dùng nghĩa, sau mưu lợi”, Nhưng Vĩnh Thanh cũng lộ cái dã tâm muốn nuốt nước
Nam trong mấy câu này:
… Chi bằng ta cứ đóng binh không động, đợi khi Lê và Tây Sơn
cả hai cùng kiệt quệ, bấy giờ ta sẽ thừa cơ đánh lấy cũng chưa muộn nào!
Rồi lời thỉnh cầu của Nghị được chuẩn y, giấc mộng xâm lược của
Nghị được thành sự thực. Binh mã bốn tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng
Tây, tất cả 20 vạn quân rần rần rộ rộ chia làm ba đường, đồng thời vào xâm nước
ta:
Một đạo của Lưỡng Quảng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị và Đề đốc Hứa Thế
Hanh đi theo con đường từ Nam quan rồi do Lạng Sơn đổ xuống.
Một đạo của Vân Quý Đề tổng họ Ô (không rõ tên gì) từ Tuyên
Quang186 tràn vào.
Còn một đạo nữa của Điền Châu Tri phủ Sầm Nghi Đống thì từ
Cao Bằng kéo xuống.
Hứa Thế Hanh: Đề đốc;
Trương Triều Long:187 Tiên phong;
Thượng Duy Thăng: Tả dực;
Sầm Nghi Đống (Điền Châu Thái thú): Hữu dực.
Hết thảy tướng tá và 20 vạn quân đều ở dưới quyền gươm ấn của
Tôn Sĩ Nghị.
Khi quân Thanh trảy đi, tuy ai nấy phải đeo khí giới tùy
thân, nhưng mỗi tên lính lại có một tên phu theo phụ188.
Dử giặc vào sâu
Muốn biết rõ lực lượng chiến đấu của quân ta bấy giờ ra sao,
nay cần nên biết thêm về mặt đối phương một chút.
Khi kéo sang, Tôn Sĩ Nghị có ban ra tám điều quân luật. Ngoài
những điều khuyên răn quân lính của Nghị không cần dùng làm đối tượng để nghiên
cứu, còn có ba điều dưới đây cũng có thể dựa làm bằng chứng để cho ta thấy sơ
phương lược của tướng Thanh định ứng phó trước cái oai võ của các chiến sĩ Đại
Việt ở đương thời và chiến lược của vua Quang Trung toàn vượt ra ngoài chỗ Nghị
sở liệu cả.
Điều thứ 2 – Ở ngoài quan ải (chỉ nội địa bên ta) có non cao,
núi hiểm, địa thế vốn dễ mai phục; trước nên bạt bỏ đá núi, đốn phát rừng nứa,
khiến cho trông ra quang đãng, có thể phóng tâm mà tiến lên. Nếu thấy ở đâu có
đất mới lổm ngổm thì càng nên để ý xem xét kẻo mắc mưu chước quỷ quyệt.
Điều thứ 4 – Người Nam, khi ra trận hay dùng voi. Voi không
phải là món người Tàu quen thạo. Hễ gặp voi thường cứ chạy tránh đi trước.
Nhưng nào có biết sức voi dẫu có lớn chung quy vẫn là con vật có huyết khí,
không thể đương nổi với đồ dẫn hỏa của ta. Vậy hễ thấy voi ra trận, nếu xa thì
bắn bằng súng, nếu gần thì trị bằng dao và cung, khiến voi bị thương, đau phải
chạy quay lại, rồi tự giày đạp lẫn nhau. Quân ta (Thanh) thừa cơ ấy mà tiến
công, tất thắng, không còn phải ngờ nữa.
Điều thứ 5 – Quân Nam toàn dùng cái ống phun thuốc súng làm lợi
khí, gọi là “hỏa hổ”. Khi hai quân giáp nhau, quân Nam tất phải trước dùng thứ
đồ ấy để đốt cháy quần áo người ta khiến cho phải lui. Nhưng so với sang pháo của
Tàu chúng ta thì kém xa lắm. Hiện ta đã chế được vài trăm cái mộc bằng da trâu
sống (không thuộc). Nếu thấy quân Nam bắn hỏa hổ thì quân ta một tay cầm mộc để
đỡ lửa, một tay cầm dao để chém bừa.
Quân luật của Nghị như thế kể cũng ráo riết, nhưng đến mồng 5
tháng giêng, năm Kỷ Dậu (1789) này, sự thực sẽ trả lời Nghị:
Quân Nam không cần cậy hiểm, đặt quân phục, thế mà quân Thanh
đến phải lách khe núi, luồn rừng cây mà trốn về!
Quân Nam có dùng voi, nhưng chỉ để giày đạp quân Thanh, chứ
không đến nỗi chà lộn nhau như Nghị đã tính trước.
Quân Nam vẫn dùng hỏa hổ để công phá làm cho vài trăm chiếc mộc
da trâu của quân Thanh đều thành vô hiệu!
***
Đang sống trong những phút “đế vương” hưởng bao bông đẹp trái
ngon trong 11 trấn, Ngô Văn Sở bỗng được tin quân gấp rút, tấp nập như gió mưa.
Móng chân bịt sắt của ngựa Mãn Thanh đang chà nát luống cầy thượng du miền Bắc.
Thổ binh vì sợ hãi, đã chạy trốn mất quá nửa! Phan Khải Đức189 một trong hai tướng
đang giữ Lạng Sơn, đã xuống hàng giặc! Tướng Nguyễn Văn Diễm, thấy thế cô, phải
rút quân về Kinh Bắc, hiệp sức với lưu thủ Nguyễn Văn Hòa, cố giữ lấy thành trì
ấy.
Sở lập tức nhóm các văn võ quan liêu nhà Lê, sai thảo bức thư
nói với tướng Thanh xin hoãn binh dưới đứng tên Giám quốc Sùng Nhượng công Lê
Duy Cận. Rồi cắt bọn Trần Bá Lãm, Nguyễn Đình Khoan, Lê Duy Chử đem thư đưa cho
Tôn Sĩ Nghị.
Ngồi ghế chủ tịch, Văn Sở nhóm quân sự hội nghị, bàn chước
chiến, thủ. Dự hội nghị ấy có Lân, Dụng và Thì Nhậm…
Chưởng phú190 Nguyễn Văn Dụng nói:
– Cuối đời Trần, người Minh sang chiếm nước ta. Bọn Hoàng Ngũ
Phúc, Trương Phụ, Mộc Thạnh, Liễu Thăng đều là những tướng kiệt hiệt. Vua Lê
Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn: đọ sức ra, khó lòng địch nổi chúng. Nhưng vua Lê
biết hành binh, khéo mai phục, nhắm vào chỗ yếu của giặc, ập ra đánh giết, nên
mình ít mà vật được nhiều: làm khốn Vương Thông ở bến Đông Bộ191, giết được Liễu
Thăng ở núi Mã Yên192. Võ công ấy nghìn thu hãy còn thơm nức. Nay người Thanh
vượt suối, trèo non, từ xa kéo lại: chúng nhọc lắm rồi! ta đang nhàn rỗi, sức
hãy còn hăng. Chi bằng đặt sẵn quân phục ở nơi hiểm yếu, đợi chúng mới thoạt đến
đổ ra thịt sống cả đi. Làm vậy, lo gì chẳng thắng?
Với giọng nho nhã, thâm trầm, Thì Nhậm bàn lại:
– Tình cảnh giống nhau, nhưng thời thế đổi khác. Xưa nước ta
thuộc nhà Minh, suốt nước căm giận cái thói tham tàn, độc ác của quân Ngô, ai
cũng muốn vùng dậy mà đánh đuổi chúng. Cho nên vua Lê hô lên một tiếng, gần xa
thảy đều vang theo. Khi đánh với quân Minh, người nào cũng trổ tài, gắng sức.
Nghe tin thắng trận, lòng ai cũng hớn hở vui mừng. Nhân tâm như thế, nên mai phục
được kín đáo, không ai dám để lộ cho giặc thông rõ tỏ tường. Vì vậy, vua Lê mới
thắng và bá cáo được bài “Bình Ngô”.
Ngô Thì Nhậm lại tiếp:
– Bây giờ khác hẳn. Các bô thần nhà Lê đâu đâu cũng có. Nghe
tin người Thanh đến cứu, họ đều nghển cổ trông mong, chực chờ bàn tay ngoại viện
làm nên công việc hưng phục. Vả, dân mình lại nhẹ dạ, trúng cái mưu độc “diệt Hồ
lập Trần” thuở trước, họ cũng náo nức đi đón quân Thanh. Như vậy, quân ta mai
phục ở đâu, địa thế hiểm hay dễ, số quân ít hay nhiều, thế nào chẳng có nội
công cáo tỏ. Người Thanh sẽ nhân kế của ta mà vật lại ta: đổ ra bốn mặt lùng bắt
cho kỳ hết quân phục, chẳng hóa ra tự mình mua lấy cái chết? Quân cơ đã lộ, còn
mong gì đánh úp được ai?...
Sở nói:
– Vậy thì tính sao bây giờ?
Nhậm đáp:
– Dụng binh có hai cách: đánh và giữ. Nay quân Thanh kéo đến,
thanh thế đã vang dậy rồi, người mình lại có lắm kẻ làm nội ứng, đồn đại quá lời,
làm cho lòng người càng thêm náo động. Ta có việc gì sai người ra khỏi thành chắc
sẽ bị chúng bắt giết. Vả, những lính Bắc Hà được dịp này, lại dễ trốn lắm. Thế
mà chực đem quân đó đi đánh, khác nào thả dê đánh cọp, tài nào chẳng thua? Muốn
đóng cửa thành cố sức giữ, lại sợ không thể tin cậy ở lòng người, tất có nội biến…
Đánh đã không xong, giữ lại không vững, bây giờ chỉ còn một chước: rút lui, dử
giặc vào trong nội địa.
– Tướng quân, – Vẫn lời Thì Nhậm, – Nên mau truyền lệnh cho
quân thủy đóng thật nhiều lương thực vào các thuyền, chở ra đồn Biện Sơn trước.
Rồi ta sẽ kéo bộ binh, gióng trống, mở cờ, lui giữ lấy núi Tam Điệp193, liên lạc
với quân thủy. Cố giữ cho vững chỗ hiểm yếu ấy, bấy giờ mới bay thư về báo Đại
vương (chỉ Nguyễn Huệ) cũng chưa muộn nào.
Sở nói:
– Khi Đại vương về Nam, Ngài đã giao phó thành này cho ta.
Nay giặc đến ta phải sống chết với thành, trước là khỏi thẹn là bầy tôi giữ đất,
sau mới không phụ cái trọng trách cầm binh quyền. Nếu bây giờ sợ bóng gió, chưa
chi đã vội chạy, bỏ thành cho giặc thì chẳng những có tội với Đại vương, mà lại
để tiếng cười với người Bắc Hà nữa.
Nhậm giảng giải:
– Tướng giỏi đời xưa liệu giặc rồi mới đánh, tính chước rồi mới
làm, lâm cơ, ứng biến, vào quỉ, ra thần, cũng như tay cao tính nước, tùy thế mà
đánh cờ vậy. Ta kéo đủ quân về, không phí một người lính, một mũi tên, cho giặc
ngủ nhờ một đêm rồi lại đuổi đi, nào có mất gì mà sợ? Nếu vì rút lui mà mang tội,
thì tôi xin giãi bày với Đại vương, chắc Ngài cũng sẽ soi xét. Xin Tướng quân đừng
ngại.
Trận đấu bất lợi
Sở mật truyền các trấn thủ ở Kinh Bắc và Lạng, Thái rút quân
lui về, nhưng phải thanh ngôn là đi hội quân để đắp lũy đất ở bên sông Nguyệt Đức194.
Sở lại hẹn ngày cho các trấn thủ ở Hải Dương và Sơn Tây phải
đem quân về họp ở thành Thăng Long. Trấn Sơn Nam phải sửa soạn thuyền, đợi quân
thủy đến thì cùng tiến phát.
Năm hôm sau, các đạo đều hội binh ở dưới bóng cờ Tiết chế Văn
Sở. Lễ duyệt binh bắt đầu trang nghiêm cử hành ở bên sông Nhĩ. Sở hạ lệnh cho
các bộ binh phải sắm sẵn lương khô để đợi sai phái. Thuộc tướng Đặng Văn Chân
được lệnh quản đốc thủy quân, đường hoàng xuôi xuống Đông trước.
Sở vừa phân phái xong, thì trời đã vàng tối, bọn Trần Bá Lãm
và Nguyễn Đình Khoan về tới Kinh thành. Họ nói: “Khi đến Nam quan, bị tên hậu lại
nhà Thanh ngăn cản không cho vào. Hiện nay quân Thanh đã vượt qua Nam quan,
lính bộ kỳ tiền phong của họ đã tiến đến địa phận huyện Phượng Nhãn195.”
Giữa vòng các tướng, Sở lại bàn định rút lui…
Nội hầu Phan Văn Lân phản đối:
– Nước không cứ lớn, quân không cứ nhiều, cần phải biết mẹo mới
được. Chúng mình nay làm tướng, cầm quân ở ngoài, thế mà giặc đến không đánh,
bàn nhau rút lui, còn gọi làm tướng sao được! Vậy tôi xin đem một nghìn tinh
binh, qua sông Nguyệt Đức, đánh cho chúng nó một trận, xem Nam khỏe hay Bắc khỏe
nào? Có thể, chúng mới biết ta đây là hạng người gan mật chứ?
Được Sở tán thành. Lân liền ruổi quân qua đò sang Bắc. Gấp đường
đi suốt ngày đêm, Lân kéo đến bờ bên nam sông Nguyệt Đức thì lầu sương vừa điểm
trống canh ba.
Mấy cây gồi cởi trần đứng bên sông, lờ mờ chỏm tóc xác xơ đòi
cơn rũ rượi trước những luồng gió lạnh buốt. Lù lù bè rong, bè ngổ, dường cũng
sợ rét, dạt nép vào bờ hoang vu.
Trời rét? Mặc! Sông ngăn? Mặc! Lân cứ hăng hái thúc quân tiến
vì thấy quân Sĩ Nghị đã đến đóng ở núi Tam Tằng196.
Khi bấm bụng lội tràn qua sông Nguyệt Đức, quân Tây Sơn phải
một mẻ buốt thịt xương, run bây bẩy. Có người, vì không chịu nổi rét, chết ngay
ở trong sông.
Đổ bộ được sang bờ bên kia, Nội hầu Phan Văn Lân thúc quân
vây dinh của Tôn Sĩ Nghị, nhưng phần vì mặt trận quân Thanh kiên cố, phần vì
súng đạn ở trong bắn ra rào rào, quân Tây Sơn không sao đến gần được. Lại bị
Trương Triều Long197, tiên phong bên Thanh, xông xáo đánh giết và cung tên của
hai cánh quân tả hữu dực bên địch bắn châu vào, quân Lân núng thế, chết mất vô
kể.
Trước đó, Tôn Sĩ Nghị phái ra một toán kỳ binh từ mạn thượng
lưu vượt qua sông, đi tắt đánh úp lấy dinh Thị Cầu.
Thấy trong dinh Thị Cầu phát hỏa, quân Lân cả sợ, vội vượt
lũy rút về. Giặc Thanh nhân cái đà thắng lợi đó, ruổi dài, tiến tràn, làm cho
quân Lân phải một mẻ bất lợi198!
Tin Lân thua chạy ấy là một tin vừa đáng kinh, vừa nhục nhã
cho Ngô Văn Sở! Hết sức giữ bí mật, Sở không muốn cho vết dầu ấy loang trên “tờ
giấy”
Thăng Long.
Lệnh Tiết chế vừa hạ: các quân, đội nào ngũ ấy, nghiêm chỉnh
kéo đi. Họ đã trẩy qua Phúc Châu199, mặt trời mới tròn bóng. Bấy giờ người Bắc
mới biết quân Tây Sơn đã rút khỏi Thăng Long.
Đến Yên Mô200 (ngày 20 tháng mười một năm Mậu Thân, 1788), Sở
chia bộ binh bổ đóng núi Tam Điệp (đèo Ba Dội), liên lạc với quân thủy ở hải phận
Biện Sơn.
Từ Trường Yên201 trở vào bị quân Sở chẹn giữ, cắt hẳn Thanh,
Nghệ với các trấn Đường Ngoài202, nên tình hình hai đằng bị ngăn cách hẳn.
Bắc Hà dưới gót sắt giặc Thanh
Để đón quân Thanh, Lê Chiêu Thống sai Bình chương Phạm Đình
Dũ và Tham tri Võ Trinh đem thư với 10 con bò, 100 vò rượu lên tận Hòa Lạc203 vấn
an Tôn Sĩ Nghị.
Ôm cái dã tâm xâm lược, Tôn Sĩ Nghị vượt qua cửa ải, xuống Lạng
Sơn, rồi kéo đến Kinh Bắc với bao nhiêu cái dễ dàng.
Khi Nghị đến trấn Kinh Bắc, vua Lê lóp ngóp từ Phượng Nhãn,
thân đem quần thần đến khúm núm yết kiến và mời Nghị hãy vào đóng trong trấn
dinh. Song Nghị nói: “Đây cách quốc thành (Thăng Long) không xa, nên đến ngay,
chứ không nên chùng chình ở lại.” Nghị bèn sai bắn 9 phát súng, rồi nghiêm chỉnh
đội mũ mà tiến đi.
Bóng lạnh đã ngả về chiều, Nghị mới kéo quân đến bờ phía bắc
sông Nhĩ. Vua Lê xin trước qua sông, vào thành Thăng Long, sai sửa soạn màn trướng
ở trước điện Kính Thiên để mời Nghị đóng.
Nghị không ưng nói: “Chỗ ấy không phải là hành doanh của đại
tướng, vì có nhiều điều không tiện cho việc hành binh.”
Nghị bèn sai chia đồn cắm đóng ở những nơi bãi cát rộng rãi
bên sông Nhĩ lại sai làm cầu phao ở trong sông để tiện đi lại204.
Ngày 21, tháng mười một (Mậu Thân 1788), Nghị lùa quân vào
thành Thăng Long trống rỗng, đặt tướng doanh tại Tây Long cung205.
Khi Sĩ Nghị ra quân, vua Thanh giao sẵn cho sách và ấn, dặn rằng
hễ lấy được đô thành Thăng Long thì phong Tự tôn Duy Kỳ làm An Nam quốc vương để
ràng buộc lấy lòng người.
Vâng lĩnh ý chỉ của vua Thanh Càn Long, Sĩ Nghị thấy bấy giờ
đã có thể thực hành được sứ mạng đó, bèn bảo vua Lê chọn ngày để làm lễ sách
phong; song vua Lê giãi bày rằng lăng tẩm ở Thanh Hoa hãy còn sa vào trong Tây
Sơn, chưa đến bái yết được thì lẽ đâu lại vội làm cái thịnh điển này. Thế rồi
Chiêu Thống khóc xin Nghị hãy tạm hoãn.
Nghị nói: – Những lời của Tự quân thật ra là chí tình, nhưng
Hoàng đế (chỉ vua Thanh) đã có mạng lệnh bảo làm thì không thể chầy hoãn được.
Tự quân há nên vì tình riêng mà xin hoãn lại cho nhàm?
Cố nhiên, Nghị bảo sao vua Lê phải nghe vậy.
Vì thế qua ngày 22206 Sĩ Nghị làm lễ phong vua Lê làm “An Nam
quốc vương” ở điện Kính Thiên.
Trong bài văn sách phong có câu đặc sệt cái mùi đạo đức giả:
披十有一道之提封原非利扶土地
遡百五十年之職貢能不念其祖宗
Phi thập hữu nhất đạo chi đề phong, nguyên phi lợi phù thổ địa;
Tố bách ngũ thập niên chi chức cống năng bất niệm kỳ tổ tông.
Dịch:
Mở dư đồ mười một đạo, lợi đâu hám ở đất đai?
Trải chức cống trăm rưởi năm, tình nghĩ cảm vì tông tổ.
Mặc dầu phải mặc áo cổn, đội mũ miện, quì ở sân điện (Kính
Thiên) mới được người Thanh “ban” cho danh hão hiệu hờ, vua Lê vẫn khép nép e
dè, không dám đường hoàng, trên văn thư dùng niên hiệu Chiêu Thống, nhưng vẫn
phải đề hiệu Càn Long nhà Thanh (bấy giờ là năm Càn Long thứ 53, Tây lịch
1788).
Hằng ngày, vua Chiêu Thống cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi
ngựa theo sau, với vài chục lính hầu cong cóc sang Tây Long cung nơi Sĩ Nghị
đóng, chầu chực công việc quân quốc.
Nghị với vẻ ngạo nghễ tự tôn, không thèm đếm xỉa đến vua tôi
nhà Lê gì cả. Có khi Chiêu Thống tiến yết, Nghị không tiếp, chỉ sai người đứng
dưới gác chuông truyền ra bảo vua Lê rằng: “Nay không có việc quân quốc gì, hãy
cứ về cung mà nghỉ!”
Luôn mấy năm mất mùa, dân gian đương bị hung thần “Đói kém”
hành hạ! Sịch một cái, giặc Thanh lại kéo sang, lùa nhân dân vào giữa hai ngọn
lửa! Trên bức phông thời sự, bên những tấm thân tàn trong cảnh sống ngắc ngoải,
lại điểm thêm mấy nét khói lửa loạn ly! Những tiếng kêu than ra từ lòng không dạ
rỗng lẫn cả bao tiếng khóc lóc nghiến răng trước những thảm kịch cướp của, đánh
người, luân gian, hãm hiếp do bọn quân Thanh gây nên!
“Đứa ở ăn hiếp chúa nhà!” nạn ấy thường xẩy những nơi như Hà
Khẩu phường trong thành Thăng Long, phố Cơ Xá bên Kinh Bắc và phố Hiến thuộc trấn
Sơn Nam! Hàng vạn Thanh kiều ở tản trong những nơi đó, đã sống lâu năm bên ta,
am hiểu phong tục, nói thạo tiếng Nam, nay bỗng nắm được “Cây gậy thần thế” của
Tôn Sĩ Nghị giở ngay thủ đoạn nhờ gió bẻ măng: họ hoặc đến phụ theo quân đồn,
hoặc lập riêng cái điếm “Liễm để” công nhiên cướp của, hiếp gái ở giữa chợ hay
ngoài đường, không còn kiêng nể e dè gì cả! Rất đỗi họ tìm nhiều cách vu hãm
lương dân để tranh chiếm lấy đất, ruộng, tài sản của đồng bào Nguyễn Huệ!
Đã khổ vì đói kém, khổ vì bị hiếp đáp, dân gian lại phải trĩu
vai oè cổ gánh vác việc cung đốn giặc Thanh! Vắt từ bồ hôi nước mắt của hạng
người kheo khư ốm đói, vua quan nhà Lê nặn lấy rượu thịt, cơm, gạo, cho quân
gia Thanh và rơm, cỏ, lá tre, ngô, thóc, cho lừa ngựa chúng! Chỉ thiếu một gánh
cỏ, một đấu thóc, anh dân đen cũng đủ nát thịt hay mọt gông rồi!
Chẳng những vậy, sự dâng nộp lại là cái tai nạn ghê gớm đối với
dân gian: đã mất của “đổ sông Ngô” lại mất công quỵ lụy chầu chực! Gia dĩ một
tang, hai ngoại, hạng người ngắn cổ bé miệng chỉ có cách gạt nước mắt bấm bụng
chịu dầu trước những cái tàn ác của kẻ lạm bổ phù thu!
Sống mặc bay! Chết cũng mặc bay! Quân Thanh cứ việc ăn chơi
phưỡn phệ!
Dùi đến đục, đục đến săng, vua tôi nhà Lê cũng sướt trán về
việc liệu lý binh lương, nhưng nạo vét được bao nhiêu thì lại “cúng sống” khách
binh hết cả!
Đã trót đáp theo tiếng gọi Cần vương, nghĩa binh các nơi
riêng chịu bóp bụng tòng quân chứ đừng hòng triều đình phát tiền, phát gạo mà
nhờ!
Bắc thành trước ý yêu ghét của Chiêu Thống
Sau ngót một tháng đã phục được kinh thành Thăng Long, nhưng
hiệu lệnh của vua Lê chỉ choèn choèn ở 5 lộ Ứng (Ứng Hòa), Thường (Thường Tín),
Từ (Từ Sơn), Thuận (Thuận Thành), Quảng (Quảng Oai) thôi. Còn từ Trường Yên
(Ninh Bình) trở vào Nam đều bị ngăn cách không thông tin được207.
Lê Chiêu Thống, một người có tính hẹp hòi khắc nghiệt, sau
khi nhờ sức quân Thanh, thu phục được Thăng Long, làm luôn những việc báo ân trả
oán, cốt thỏa tư ý yêu ghét thiên lệch và riêng theo tình cảm cá nhân không
chính đáng, chứ chẳng cân nhắc bằng lý trí mà đặt vấn đề quân quốc lên trên hết
mọi sự.
Nên chi, trong dịp này, chính là một cơ hội tốt để Chiêu Thống
lộ hết cái bản tướng bất xứng chức của mình!
Hồi tháng mười một năm Chiêu Thống thứ 2 (Mậu Thân, 1788),
vua Lê trị tội những người xuống hàng Tây Sơn. Bấy giờ trong họ nhà vua có người
tông nữ kết duyên với tướng Tây Sơn đã có mang, vậy mà vua Lê sai mổ bụng lấy
thai giết chết cả hai mẹ con vô tội. Chính Chiêu Thống lại sai chặt chân ba người
hoàng thúc quăng ra giữa chợ trong cung208.
Ấy là không kể những vụ như: giết Phạm Như Tụy, trấn thủ
Tuyên Quang, vì Tụy bắt Hoàng đệ Duy Lưu đem nộp Tây Sơn và khép Phò mã Dương
Bành vào tử hình vì Bành dẫn quân Đàng Trong đuổi bức ngự giá209.
Mấy việc này chẳng những làm cho lòng người nôn nao ngờ vực
và không nhất tâm, lại còn khiến cho bà Thái hậu (mẹ của Chiêu Thống) đau đớn tức
bực nữa. Nguyên, khi Thái hậu từ Tàu về đến Thăng Long nghe biết những việc
ngang trái của vua Lê đã làm ấy, bà phát bẳn lên rằng: “Ta cay đắng mới xin được
quân cứu đến đây. Nước nhà phỏng được mấy phen cứ trả ân báo thù để phá hoại thế
này! Hỏng đến nơi rồi!” Rồi bà kêu khóc, không chịu vào cung. Tụng thần là Nguyễn
Huy Túc khuyên giải mãi, bấy giờ bà mới thôi210.
Đến khi ban thưởng, chia chức, vua Chiêu Thống lại rất thiên
từ tây vị: chỉ rảy mưa móc cho bọn bầy tôi hoặc tòng vong hoặc ở nơi hành tại211,
chứ không nghĩ gì đến những cựu thần và hào kiệt các nơi. Vì vậy nhiều người thất
vọng và ngã lòng.
Bấy giờ, Kinh Bắc Hiến sát Phó sứ Ngô Tưởng Đạo có dâng sớ
khuyên vua Lê rằng:
… Việc binh quý ở thần tốc. Nếu gặp cơ hội có thể làm được
thì sao cứ phải chuyên cậy vào ngoại binh để động tí lại ngừng lại đến hàng tuần
nhật? Hiện nay quân cần vương ở các lộ ai chẳng muốn cố sức chết để đền bồi?
Bây giờ quân Tây Sơn đã lui, ta nên đem ngay đại binh mà đuổi theo, làm như sấm
choẹt không kịp bưng tai, khiến cho bên địch không còn rảnh rang mà lo tính được
nữa. Hai xứ Thanh, Nghệ nghe biết tất nhiên hưởng ứng. Văn Huệ thì cách trở ở
phía nam Hoành Sơn, bọn Văn Sở thì thế côi không có quân cứu, hình thế xa cách
nghẽn tắc, hai bên không thông được với nhau, thì không ngoài mười ngày ta có
thể bắt sống được cả. Một khi đã bắt được vây cánh của họ rồi, ta sẽ có thể lần
lượt phá sạch được hang tổ của họ đấy. Cái cơ trung hưng chính ở ngay đây, xin
đừng bỏ lỡ…
Nhưng Chiêu Thống chỉ hoàn toàn ỷ lại vào quân Thanh, coi Tôn
Sĩ Nghị như vị cứu tinh, như bức Vạn lý Trường thành; Sĩ Nghị bảo sao thì nghe
vậy, chứ mình chẳng có một chút năng lực tự động gì cả!
Một cố cung nhân đến từ Trường Yên đã phải phàn nàn với Lê
Thái hậu: “Nguyễn Huệ là tay anh hùng lão luyện, mạnh tợn, giỏi nghề hành binh,
lúc ra Bắc, lúc về Nam, xuất quỉ nhập thần, chẳng ai có thể dò lường được: chẳng
thế bắt Hữu Chỉnh như túm trẻ con, giết Văn Nhậm như thịt con lợn: không một
người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn bao giờ. Hễ thấy hắn trỏ tay hay lườm mắt,
thì người ta đã sợ quá sấm sét: phách lạc hồn siêu cả rồi! Tôi trộm e: chẳng
bao lâu hắn sẽ lại đến đây. Tôn Tổng đốc (Sĩ Nghị) đem đàn quân có nạn nội cố
này chực địch với hắn, phỏng sao đương nổi? Tôn chẳng qua là khách, sang đây
cũng chỉ nghe ngóng tình thế khó hay dễ mà liệu chiều lui hay tới thôi. Còn quốc
gia của ta thì sao!”
Thấy gần đến tết, vua Lê theo lời Lễ quan tâu xin, cho phong ấn
cất đi (hạp ấn) từ ngày 25 tháng Chạp (Mậu Thân, 1788), và làm lễ miếu xã triều
đình theo lệ thường. Cho bách quan và quân lính nghỉ mười ngày để đón mừng xuân
mới. Còn đối với “Đại súy của Thiên triều” (chỉ Tôn Sĩ Nghị) thì nghi phẩm cung
đốn theo lệ khoản tiếp “Thiên sứ” sang sách phong, nhưng nay gia hậu bội phần.
Chúng nó chỉ mua lấy cái chết
Đường hoàng giữa cảnh sông Hương núi Ngự, Bắc Bình vương
đương chú mắt vào thời cục Bắc Hà, thì Nguyễn Văn Tuyết212 từ núi Tam Điệp,
vâng lệnh Ngô Văn Sở phi ngựa trạm, đem tin khẩn cấp vào thành Phú Xuân (ngày
24 tháng mười một năm Mậu Thân, 1788): Tôn Sĩ Nghị lót miệng bằng tiếng “cứu
Lê” đã kéo binh sang chiếm Thăng Long, giày đạp dân chúng! Khí diễm quân Thanh
đang ngùn ngụt như lửa bốc dữ! Thú binh ở Bắc của ta không sao địch nổi, đã phải
rút lui đóng giữ từ Thanh Hoa trở vào.
Với vẻ cương quyết như Trần Hưng Đạo khi có giặc Mông Cổ: “Đầu
tôi chưa rụng xuống đất, đừng lo!” Và với giọng khảng khái như Lê Lợi khi có giặc
Minh: “Tài trai phải cứu nạn đời, lập công lớn, lưu tiếng thơm ngàn thu, chứ
sao chịu để cho người sai khiến?” Bắc Bình vương lớn tiếng mắng nhiếc quân
Thanh trước cái kinh hoàng của Tuyết: “Vẻ chi anh em sợ hoảng lắm mấy? Đàn Ngô
cẩu chỉ đem thân đến để mua lấy cái chết đó thôi!”
Bấy giờ các tướng ta ai cũng khuyên vương: Nên hãy trước
chính vị hiệu để ràng buộc lấy lòng người Nam, Bắc, rồi sau sẽ ra bắt sống quân
hùm beo ấy cũng chưa muộn nào!
Chiều ý chư tướng, Bắc Bình vương sai chọn ngày lập đàn Giao ở
Bân Sơn, phía nam núi Ngự Bình, làm lễ tế trời đất và các thần sông, núi. Rồi với
bàn tay đanh thép như Nã-phá-luân thứ nhất, vương tự làm lễ “gia miện” lấy. Thế
là, từ ngày 25 tháng mười một năm ấy, được mang cái hiệu Quang Trung nguyên
niên (1788) thay vào hai niên hiệu: Chiêu Thống thứ 2 và Thái Đức thứ 11.
Ngay hôm đăng quang, vua Quang Trung tự làm tướng cầm đầu đại
binh, đốc thúc các tướng sĩ ở tế đàn, kéo cả quân bộ, quân thủy rầm rộ ra Bắc
Hà với cái triêu khí đang tưng bừng bồng bột.
Bữa 29, trẩy đến Nghệ An, nhà vua đóng quân, ở lại hơn mười
ngày, sai tướng Hô Hổ hầu213 tuyển lính Nghệ: cứ 3 suất đinh thì lựa lấy một người
làm lính. Binh số cộng được hơn 10 vạn người214, voi trận được vài trăm con.
Nghiêm như sắt đá Trà Sơn, hoạt bát như làn nước Hồng Thủy,
vua Quang Trung tại trấn doanh Nghệ An, làm lễ điểm duyệt binh lính.
Thân quân Thuận Quảng, chia làm bốn doanh: Tiền, Hậu, Tả, Hữu.
Tân binh Nghệ An đặt làm trung quân.
Khi ở Nghệ, vua Quang Trung sai vời “thầy La Sơn” Nguyễn Thiệp215
đến, hỏi thử rằng: “Quân Thanh kéo sang xâm; ta nay làm tướng thân chinh đấy.
Chước đánh, giữ và số được thua ra sao, nhà thầy thử nói cho ta nghe nào!…”
Thiệp thưa: “Bây giờ trong nước rỗng không, lòng người tan
nát. Quân Thanh từ xa kéo đến không rõ tình hình khỏe yếu và phương thế đánh giữ
gì đâu. Chúa công ra chuyến này, chẳng qua mười ngày thì dẹp được giặc.”
Thấy Thiệp nói hợp với ý chỉ mình, vua Quang Trung mừng lắm.
Chỉ nội mười ngày quét sạch giặc Thanh
Đội mũ trụ, mặc áo giáp, cưỡi voi, vua Quang Trung ra khỏi tướng
doanh, vỗ về yên ủi quân sĩ bằng một thái độ ôn tồn.
Rồi lệnh truyền “cho ngồi” vừa hạ, chư quân phăng phắc im tờ,
chăm chú ngồi nghe nhà vua diễn dụ:
Quân Thanh kéo sang xâm lấn, hiện đương chiếm cứ Thăng Long,
các ngươi đã hay tin chửa?
Trong vòng trời, đất, chia theo phận sao Dực, Chẩn, Nam Bắc vẫn
riêng một non sông. Người Tàu không phải nòi giống ta thì tất khác lòng khác dạ.
Từ nhà Hán về sau, họ cướp đất đai ta: cắt thịt nhân dân, vơ vét của cải, nông
nỗi ấy thật khó chịu quá! Người nước ai cũng phải nghĩ đánh đuổi đi.
Đời Hán, có Trưng Nữ vương, đời Tống có Lê Đại Hành; đời
Nguyên có Trần Hưng Đạo; đời Minh có Lê Thái Tổ. Các cụ không chịu bó tay ngồi
nhìn quân Tàu tàn bạo, nên phải thuận lòng người, dấy quân nghĩa, đánh thắng
chúng rồi đuổi cổ về Tàu. Trong những khi ấy, Nam Bắc đâu lại phận đó, bờ cõi
yên ổn, vận nước lâu dài. Từ nhà Đinh tới nay, chúng ta không đến nỗi phải cái
khổ thuộc nước Tàu như xưa nữa. Đó lợi, hại, được, thua chuyện cũ rành rành là
thế.
Nay người Thanh không soi gương Tống, Nguyên, Minh, lại sang
mưu chiếm nước Nam ta đặt làm quận huyện! Vậy, ta phải vùng ra mà khu trừ đi!
Các anh em, hạng người có tri thức, có tài năng, phải cùng ta
đồng lòng gắng sức, khiến cho việc lớn được nên, chứ đừng giở thói phản trắc,
nhị tâm đó! Hễ việc lộ ra ta quyết giết chết, không tha một ai, bấy giờ đừng
trách ta không bảo trước.”
Tiếng dụ vừa dứt, tướng sĩ thảy đều cảm kích. Ai nấy tỏ vẻ
hăng hái hy sinh, quyết tâm “làm thịt” giặc Mãn.
Qua bữa sau, vua Quang Trung hạ lịnh trẩy quân.
Hơn mười vạn binh, nhất là đám thân quân, đều được huấn luyện
thành thục: họ bơi lội rất giỏi, đi đường rất nhanh; thật không phụ với hai tiếng
“tì hưu” xưa kia người ta vẫn dùng để tặng hạng quân hùng kiệt.
Để làm như binh mã từ trời sa xuống, vua Quang Trung muốn cho
cực kỳ thần tốc trong lúc hành binh, Ngài ra lệnh này cho đám quân Bắc phạt: cứ
ba người một tốp, luân phiên võng lẫn cho nhau, suốt dọc đường, anh lính nào
cũng phải võng người và được người võng. Như thế, hết lượt anh này phải đi, lại
đến lượt anh khác được nghỉ. Nghỉ, đi, đi, nghỉ, cứ đồng lần mãi cho ra đến chỗ
đất mục đích. Vì thế, vừa trảy được nhanh, vừa khỏi kiệt quân lực.
Quân lính đi trước, vài trăm voi trận đi sau216 người ta dõng
dược, hăng hái bước trên con đường dẫn đến thành công.
Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), vua Quang Trung đã đến
núi Tam Điệp (chỗ tiếp giới Thanh Hoa và Ninh Bình).
Để nhận việc rút lui là tội đáng chết, Sở và Lân, cả hai vác
gươm ra đón Quang Trung hoàng đế.
Vua quở trách: – Các khanh đem quân theo ta, làm đến quân
soái. Ta đã giao cho toàn hạt mười một trấn, được phép tiện nghi làm việc. Vậy
mà thấy giặc đến, không dám đánh một trận nào đã vội trốn! Cái tội đó, cứ kể
đáng chết thật. Vì theo binh pháp: thua trận thì tướng phải chết chém.
Ta đã biết trước: các khanh chỉ thạo nghề võ, gặp giặc thì
đánh khỏe; chứ đến liệu cơ chế thắng, chắc không phải là ngón sở trường. Vậy
nên, trước khi về Nam, ta phải cử Ngô Thì Nhậm ở lại làm việc với các khanh.
Vả, Bắc Hà mới dẹp yên, lòng người chưa thật quy phụ. Mà
thành Thăng Long bốn mặt đều là chiến trường không có chỗ nào hiểm trở có thể
giữ vững được. Nghiệm ngay như năm xưa ta ra lấy Bắc Hà, chúa Trịnh quả không
trông nổi thì đủ biết. Các khanh đóng quân ở đấy ngoài thì giặc Thanh đến lấn,
trong thì người Bắc làm nội công, các khanh còn biết xoay trở làm sao được nữa!
Các khanh chịu nhịn, tránh mũi gươm đang bén của giặc, rút
quân chẹn các nơi hiểm yếu để, mặt trong, khêu mối tức tối của quân ta, mặt
ngoài, tăng thêm cái khí kiêu căng của quân địch. Chước đó kể cũng phải đấy. Mới
nghe, ta đã đoán ngay là mưu kế của Thì Nhậm; kịp hỏi Văn Tuyết, quả nhiên
không sai.
Thì Nhậm, bấy giờ, cũng ra lạy tạ nhà vua và thuật rõ gót đầu
công chuyện.
Vua Quang Trung lại tiếp: – Nay ta tới đây, thân đốc việc
binh, chiến thứ ra sao đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội mười ngày nữa, thế
nào ta cũng quét sạch được giặc Thanh. Song le ta nghĩ: nước chúng lớn hơn nước
mình mười lần. Chúng bị thua rồi, tất lấy làm thẹn, chắc phải tìm cách rửa hờn.
Nếu cứ để binh lửa kéo dài, mãi không yên ổn, thật không phải là phúc nhân dân,
lòng ta sao nỡ? Nên chi, sau khi chiến thắng, ta nên khéo đường từ lệnh thì mới
dập tắt được ngọn lửa binh tranh. Việc từ lệnh đó, ta sẽ giao cho Ngô Thì Nhậm.
Rồi xây217 ra phía Nhậm, ngài nói: – Vậy khanh phải tùy cơ mà
liệu ứng phó với chúng?
Dọn lại giọng, vua Quang Trung nói cách khảng khái: – Cứ thả
cho ta mười năm nữa, quân ta mạnh, nước ta giầu, thì có sợ gì chúng nó?
Ngài lại ngọt ngào yên ủi bọn Sở, Lân: – Các khanh làm vậy
cũng là một mẹo nhử giặc đó. Thôi, nay ta hãy cho đới tội lập công, trông mong ở
chỗ các khanh rán sức sau này…
Mấy lời hùng lược tự tín của vua Quang Trung trên kia nay cần
lặp lại: “Chỉ nội mười ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch được giặc Thanh!”
Rồi mở tiệc linh đình, khao lạo tướng sĩ. Ngài với giọng quả
quyết cương nghị bảo họ rằng: “Bữa nay ta hẵng ăn tết Nguyên Đán trước (bữa ấy
mới là ngày 20 tháng Chạp) sang xuân, ngày mồng 7, ta sẽ lại vào ăn tiệc ở
thành Thăng Long. Các ngươi cứ nhớ lấy lời ta xem có đúng thế không!”
Để khêu gợi lòng trung dũng, khí hăng hái của ba quân, vua
Quang Trung, trước khi tan tiệc tất niên không quên gắn bó họ bằng “khẩu hiệu”
này:
“Một là ăn đặng Tết; hai là đành chịu chết! Các tướng sĩ phải
thật hết lòng cùng ta!”
MỖI NGÀY SĨ NGHỊ XỬ TỬ HÀNG ba, bốn CHỤC NGƯỜI!
Sau khi bọn Ngô Văn Sở đã rút lui về Nam, Tôn Sĩ Nghị kéo
quân qua sông Nhĩ tràn vào thành Thăng Long với vẻ “ta đây, các chú Thiên triều!”
bổ đồn đóng quanh thành218, từ cửa ô Thăng Long đến Hà Hồi (thuộc huyện Thượng
Phúc, phủ Thường Tín, Hà Đông). Nghị chia khoảng từ đồn nọ đến đồn kia, đặt
súng đại bác, lại chôn địa lôi ở ngoài đồn trại; cắm chông sắt ở phía trước Tây
Long cung bên bờ sông. Nói tóm, đồn lũy đằng giang của quân Thanh có vẻ liền lạc
và kiên cố lắm.
Việc canh gác kho khí giới và lương thực của quân Thanh? Giao
cho viên đề lĩnh họ Đinh với một toán quân già.
Khi đóng quân ở quanh thành như vậy, tướng lệnh của Sĩ Nghị
kém nghiêm minh, không ngăn cấm được những sự làm càn của quân lính: cái nạn cướp
chợ và hiếp dâm phụ nữ không ngày nào, không chỗ nào không thấy xảy ra219.
Thành thử mối thù oán gây bởi đám quân sài lang không kỷ luật ấy càng lâu càng thấm
sâu vào tận xương tủy dân chúng!
Nghị lại phi sức cho các quan nhà Lê phải tra xét, lùng bắt,
dâng nộp những tướng sĩ của vua Quang Trung hãy còn rớt rát tại các thôn trại.
Hằng ngày số người không may bị Nghị bắt giết ấy có tới hàng ba, bốn chục! Lâu
dần tổng số chết đến hơn nghìn mạng người220!
Cầm đầu 20 vạn quân, Sĩ Nghị không nghĩ đến bốn chữ “kiêu
binh tất bại” trong binh pháp, song chỉ tìm cuộc vui suốt buổi, trận cười thâu
đêm ở trong soái phủ; ngoài rượu nồng, gái đẹp hai món quà của vua Lê Chiêu Thống
đưa tặng, Nghị không hề hành động chi hết. Vì vậy, từ hôm Nghị đóng quân ở
Thăng Long, ngày nào trước cửa soái phủ cũng thấy cao treo tấm bài “miễn tiếp”.
Khi nhận được tờ sớ của Ngô Tưởng Đạo khuyên kíp tiến quân
như trên đã nói, vua Chiêu Thống có sai Lê Quýnh đến nói với Sĩ Nghị, nhưng
viên tướng Thanh kiêu căng này lại bảo là không nên221.
Từ sau khi lấy được Thăng Long, hào kiệt các trấn đi cần
vương tranh đến cửa quân xin tiến binh Sĩ Nghị đều bỏ qua, chẳng hỏi gì đến222.
Khi thấy vua tôi nhà Lê khẩn khoản thúc giục về việc tiến
quân ấy, Nghị lại khoác lác: “Cần gì bối rối sợ hãi! Việc này ta chỉ coi như
thò tay vào túi mà móc lấy đồ vật thôi: lấy sớm thì xong sớm, lấy muộn thì xong
muộn. Nay đã ngày hết tết đến, đại binh mới từ xa lại, chính là lúc hãy nên
nhàn hạ nghỉ ngơi, không nên đánh vội. Giặc (!) còn gầy, ta hãy cứ nuôi cho
béo, để chúng tự đến dâng thịt cho ta. Các ông đã kêu xin tiến quân, thì ta
cũng liệu cho xếp đặt: từ đô thành (Thăng Long) vào Nam, cứ độ 60 dặm một, chia
đặt ba chỗ đồn binh. Đó cũng là cái ý xa đặt quân xích hầu (do thám), phòng sự
không ngờ. Rồi đợi đến sang năm, đem binh tiến lấy cũng chưa muộn nào.”
Thế rồi Nghị lại sai đắp thổ lũy ở ba nơi này và phái quân đến
phòng thủ:
1. Một đồn ở bên bờ bắc sông Nguyệt Quyết thuộc huyện Thanh
Liêm223;
2. Một đồn ở làng Nhật Tảo224 thuộc huyện Duy Tiên;
3. Một đồn ở Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì225.
Về phần Lê Chiêu Thống, càng ngày nhà vua càng làm cho nhân
tâm trong ngoài càng rời rạc như cát, giá lạnh như băng.
Như các bạn đã thấy, từ ngày dựa vào cái “núi băng Tôn Sĩ Nghị”,
vua Lê đã hành động nhiều việc tàn bạo, mất hết thiên lương.
Tổng viên đề lĩnh họ Đinh giữ chức giám oi, canh gác khí giới,
lương thảo, chứ không trọng dụng vào việc quân quốc, vì ông Đinh đã có can đảm
và cao kiến dám phản đối việc cầu viện nhà Thanh bởi lấy cớ rằng làm vậy chỉ là
một cách rước vóc cõng rắn, thế nào nước mình chẳng mất nếu chúng làm được
thành công.
Thẳng tay giết hết những viên mục trong nước đã theo Tây Sơn.
Rất đỗi những đàn bà bị cáo là theo “Ngụy” dẫu đang có mang cũng bị phanh thây,
xả bụng226! Nhưng có ngờ đâu những “hòn máu” vô tội trong bụng mẹ chúng kia sẽ
vang dậy tiếng kêu oan, làm cho trái tim vua Lê sau này mang xuống tuyền đài
hãy còn uất kết chưa tan, lúc đã quê người xương trắng. (Vua Chiêu Thống mất ở
Bắc Kinh ngày 16 tháng mười năm Quý Sửu, 1793, hưởng linh 28 tuổi).
TRÁ HÀNG ĐỂ KIÊU LÒNG GIẶC
Vua Quang Trung, sau khi kéo quân từ Nghệ trảy đi, làm theo
mưu kế của danh sĩ Nguyễn Thiệp227, một tay am hiểu thời cục Bắc Hà và thông
thuộc tình hình quân Thanh, vì đã dạy học ở nhà ông đề lĩnh họ Đinh.
Một mặt, vua cứ thúc quân gấp tiến, ập đánh thật nhanh, khiến
cho quân Thanh không kịp trở mình, sẽ phải cúp đuôi sam chạy!
Nhưng, một mặt, vua lại không quên dùng kế làm cho Sĩ Nghị
sinh kiêu, đem lòng khinh địch: Vua sai Trần Danh Bính cầm đầu tám người sứ thần,
đưa đến cho Tôn Sĩ Nghị ba đạo bẩm văn228 nói rõ về sự tình phải lên thay nhà
Lê.
Với giọng khẩn khoản thiết tha, sứ bộ Tây Sơn nài xin Tôn Sĩ
Nghị hãy đóng quân ở cửa ải, tra rõ cái nội tình giữa Lê và Nguyễn (Tây Sơn) từ
trước đến giờ.
Chẳng những sai sứ đưa thư, tỏ ý “cung thuận” như vậy, vua
Quang Trung lại thả trả nhà Thanh tụi tuần dương binh là bọn Hác Thiệu Tông 40
người do Ngô Hồng Chấn, nguyên tướng Tây Sơn đóng ở Thăng Long, bắt được từ trước229.
Làm thế, cốt để “cưng” lòng kiêu ngạo của Nghị khiến va tưởng
rằng “chàng áo vải Tây Sơn” phen này đến phải “tự trói mình, ra Thăng Long tạ tội”
thật đấy.
Nhưng cuộc vận động bằng ngoại giao, bằng hòa bình, từ trước
đến sau, hoàn toàn thất bại cả.
Làm ra mặt, Sĩ Nghị cự tuyệt hẳn cái “cung thuận giả đò” ấy:
xé thư ném xuống đất! Giết phăng Trần Danh Bính! Bắt giam hết cả sứ giả Tây
Sơn230!
Nghị lại truyền hịch đi khắp nước ta: trút tội vào cả trên
vai vua Quang Trung, đe dọa đánh rốc đến tận Quảng Nam231, quyết bắt cho được
“Nguyễn Huệ” mới cam lòng232.
Thế rồi quân Thanh, với vẻ “con trời” hách dịch, ùa ạt qua
sông Phú Lương233, kéo vào Thăng Long, sau khi bọn Ngô Văn Sở rút quân về núi
Tam Điệp.
Nào ngờ giữa lúc Sĩ Nghị say rượu nồng, đắm sắc đẹp ở Thăng
Long, chính là lúc vua Quang Trung đang lanh lẹ, hăng hái kéo quân ra Bắc.
Kịp khi tiếp được thủ chiếu vua Thanh bảo Sĩ Nghị phải lấy hết
đất cũ cho vua Lê rồi hãy rút quân, bấy giờ Nghị mới tính đến mưu chước tiến
hành. Nhưng, muộn lắm rồi, quân Tây Sơn đang rần rộ sắp kéo đến nơi rồi! Thế mà
Nghị vẫn hớn hở tự đắc mà bảo Chiêu Thống khi nhà vua cuống quít lo sợ vì hay
tin quân Đàng Trong đã đến Tam Điệp sơn: “Không cần đánh vội, ta cứ lấy thế
nhàn rảnh mà đợi quân nhọc mệt!”234. Nhưng, rồi ít bữa nữa chắc Nghị sẽ phải
nói khác lại: “Không sao đánh nổi, ta cứ ung dung mà đợi cái chết!”
PHƯƠNG LƯỢC HÀNH BINH
Quang Trung lập tức cắt cử tướng tá, giao phó mọi việc:
Làm tiên phong, Đại tư mã Sở và Nội hầu Lân: cai quản Tiền
quân.
Hô Hổ hầu235 chỉ huy hậu quân, đóng vai đốc chiến.
Đại đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết cầm đầu Tả quân kiêm coi quân thủy,
vượt biển vào sông Lục Đầu: Tuyết ở lại Hải Dương giữ việc kinh lược, làm quân ứng
tiếp mặt Đông. Lộc đi gấp lên vùng Lạng Sơn, Phượng Nhơn236, Yên Thế237 để chặn
lối quân Thanh chạy về.
Đại đô đốc Bảo vào Đô đốc Long238 làm tướng Hữu quân, coi quản
đội voi ngựa: Long xuyên ra huyện Chương Đức (Hà Đông), rồi rảo đến làng Nhân Mục
(Thanh Trì, Hà Đông) để đánh chặn ngang đồn quân Điền Châu239 của người Thanh;
Bảo thúc đội quân có voi từ huyện Sơn Minh (Ứng Hòa, Hà Đông) đổ ra làng Đại
Áng (Thanh Trì, Hà Đông) làm ứng binh cho cánh quân Hữu.
Sắp đặt đâu đó, tướng sĩ năm doanh (Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu)
đều vâng theo tướng lệnh Quang Trung Hoàng đế.
Ngày 30 tết, cái ngày quân Thanh ở Thăng Long đang phưỡn phệ
chuốc chén đón xuân bằng dầu mỡ dân Đại Việt, thì quân Tây Sơn, nhanh như chớp,
đã qua sông Giản Thủy (thuộc Ninh Bình) rồi.
Trước đó, khi Đề đốc Hứa Thế Hanh, vâng lệnh Tôn Sĩ Nghị, đem
bốn cánh quân đi trước, chia đóng Hà Nội, Ngọc Hồi để phòng thủ, thì quân Đàng
Trong ầm ầm đổ đến Sơn Nam.
Hoàng Phùng Nghĩa, cựu tướng nhà Lê, do Tôn Sĩ Nghị sai đóng
giữ ở Sơn Nam (nay là Nam Định), chưa kịp giao phong, đã vội tan vỡ ngay trước:
chạy bạt đến sông Nguyệt Quyết (Thanh Liêm, Hà Nam). Sợ bóng, khiếp oai, bọn
quân xích hầu (do thám) của Thanh cũng vội toán loạn chạy, khi thấy quân Tây
Sơn kéo đến với lượng đông đảo và vẻ hùng cường!
Để cắt đứt tin thông báo về Thăng Long, vua Quang Trung thúc
quân đuổi đến Phú Xuyên (Hà Đông), bắt sống hết bọn quân do thám của Thanh đó.
Quân xích hầu không còn lại một mống! Tin quân kín mít như
bưng! Thành thử giặc Thanh đóng ở Hà Hồi240 và Ngọc Hồi241 vẫn rượu xuân say
khướt, bánh chưng ních no nê, mơ màng trong ngàn lớp mây mù, chẳng biết gì về cảnh
núi Thúy non Côi đã chìm trong khói lửa!
Cũng như Nã-phá-luân đệ nhất, Quang Trung hành binh cốt ở
nhanh chóng. Mà cái cớ đánh thắng phe địch, cũng là do đó một phần. Vụt đến như
bay, làm cho quân Thanh không kịp xoay xở, nên các đồn trại của họ dẫu phòng giữ
cẩn mật đến mấy đi nữa, cũng không thể chọi nổi với đám quân “từ trời bay xuống”
ấy được.
TRẬN ĐÁNH HÀ Hồi VÀ NGỌC HỒI
Thăng Long năm nay (1789) mất Tết! Nhân dân chỉ dốc những
chén “khủng bố kinh hoàng” thay cho bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ.
Nay đã sang ngày mồng 3 tết. Ông Đinh Đề lĩnh vừa mừng vừa sửng
sốt khi thấy ông Cống Nguyễn Thiệp đem từ Nghệ An ra biếu chiếc bánh chưng.
Chắc hẳn là chiếc bánh chưng phi thường?
Quả thế, sau khi thấy tên lính hầu đã bị chủ nhân xua ra bằng
cái bàn tay “cơ cảnh”, Nguyễn Thiệp mới chỉ vào chiếc bánh chưng, thuyết ông
Đinh một chập, rồi quay ngay tới cái mục đích mình đến: “Trong nhân chiếc bánh
này có tờ mật dụ của vua Quang Trung. Ngài muốn nhờ ông ghé vào một vai trong
cuộc đánh phá giặc Thanh đương hòng quận huyện nước ta đó. Xin ông cứ theo kế,
làm đúng như lời Ngài dụ, quyết sẽ góp được công lao vào cuộc chiến thắng.”
Ông Đinh, vốn có cặp mắt trông sáng thời cục, lại hiểu rõ
nghĩa cả quốc gia, nên trước đó, vẫn phản đối việc cầu ngoại viện. Nay được mục
kích những thảm họa do quân Thanh gieo rắc khắp dân gian, ông sao khỏi không
đau đớn trước cảnh rước voi giày mả!
Thì dịp tốt đây! Ông Đinh quyết ra tay làm cho chính kiến
mình được thực hiện. Nên chi, sau khi xem kỹ mật chỉ của vua Quang Trung, ông
không ngần ngại quyết định: xin làm theo đúng như mưu kế của nhà vua242.
Đêm mồng 3 tết, cái đêm ấm áp, êm đềm, vui thú của tiết xuân
non, cũng là cái đêm hãi hùng đau đớn của giặc Thanh đóng ở Hà Hồi!
Trong đám binh mã “mập mờ” giữa nửa đêm bữa đó, vang dậy tiếng
loa kêu, nhiều giọng thay đổi ứng đáp: nghe như hàng vài vạn tiếng người…
Cái mưu “làm ít hóa nhiều” đó của vua Quang Trung khiến cho
quân đồn Hà Hồi bên giặc Thanh càng thêm kinh khiếp trong vòng vây hãm.
Quân Thanh trong đồn liền kéo cờ hàng, sau một cơn khủng khiếp,
tan hoang, không còn hơi sức đâu chiến đấu.
Thế là không đợi phải đánh, Quang Trung đã hạ được đồn Hà Hồi,
lấy sạch quân nhu, khí giới của giặc.
Trận đầu thắng lợi!
Qua ngày mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), tức ngày Giỗ
trận sau này ở Đống Đa (Loa Sơn)243, đầu trống canh năm, trời xuân còn đang ngủ
trong giấc say sưa mờ mịt, vua Quang Trung đã từ giờ Dần (khoảng bốn, năm giờ
sáng) sai thu dồn quân lương vào một khu rồi lấy lửa đốt sạch. Nhà vua lại lấy
khăn vàng cuốn buộc ở cổ để tỏ cho tướng sĩ biết rằng phải cố đánh, phải liều
chết, chứ không khi nào chịu lùi.
Hai việc này (đốt lương và buộc cổ) cũng cùng một ý nghĩa như
khi có giặc Mông Cổ, Đức Trần Hưng Đạo, ngồi trên mình voi, chỉ sông Hóa mà thề:
“Không phá được giặc, quyết không qua sông này nữa!” Rồi vua Quang Trung xắn
tay áo cưỡi voi, chính mình ra trận, thúc quân tiến đánh đồn Ngọc Hồi244. Nhà
vua lựa lấy hơn một trăm voi thật khỏe cho đi trước.
Mờ sáng hôm sau, quân Thanh lùa đội tinh kỵ tiến lên. Chợt
trông thấy voi, ngựa bên quân Thanh sợ quýnh, hí lên, rống lên những tiếng kinh
hoàng, rồi chạy toán loạn! Thấy thế, quân Nam lại thúc voi xông đến một cách
hùng dũng đầy oai thiêng làm cho bên địch xô bồ hỗn loạn, mất hết trật tự.
Gặp cơn gấp, quân Thanh giày đạp lẫn nhau, không ai còn kịp cứu
giúp được ai nữa! Rồi chúng lui vào trong cố sức giữ lấy đồn lũy…
Bốn mặt ngoài lũy đều cắm chông sắt? Mặc! Súng ở trong đồn bắn
ra như mưa? Cũng mặc! Quang Trung cứ thúc quân đánh… đánh cho kỳ thắng.
VÁN GỖ, BÓ RƠM ĐÃ LẬP ĐƯỢC CHIẾN CÔNG OANH LIỆT
Vâng theo tướng lệnh, quân ta lấy 60 tấm ván gỗ, cứ mỗi 3 tấm
lại xếp thành một bó, ngoài phủ rơm tẩm nước, cộng được 20 bó như thế. Rồi cứ
10 người lực lưỡng khỏe mạnh, ai nấy, lưng đeo đoản đao, khiêng một bó ấy đi
trước. Tiếp sau có 20 tên kính binh cầm vũ khí, tiến theo thế trận chữ “nhất”245.
Gió bấc…
Quân Thanh giở chiến thuật: đốt thuốc súng chứa trong ống để
khói mờ tỏa làm cho loạn mắt quân Nam. Nhưng may, sau đó một chập, trời quay
gió nồm: luồng khói tạt cả về bên phe địch!
Được dịp tốt đó, vua Quang Trung liền hô quân tiến…
Toán lính có ván và rơm để che đỡ đó lăn xả vào trước, đội
quân tinh nhuệ theo sau lại trổ sức xông vào, cứ xông vào…
Chính vua Quang Trung thân thúc voi, đốc quân cố đánh. Chết lớp
này tiếp lớp khác…
Trong giây lát, quân Nam đã lướt đạn súng, vượt rào sắt phá
tan cửa lũy, tràn vào được tận trong đồn.
Đánh giáp lá cà! Quân Nam quăng ván gỗ, mau lẹ tuốt đoản đao
sáng quắc, chém lung tung… Đội quân cầm binh khí theo sau lại cướp đường ập đến,
hăng hái trợ chiến, chém người như thái rau! Quân Thanh không địch nổi, trận vỡ,
người ngã nhào, giày đạp nhau!
Những kẻ địch chạy bừa bốn ngả, chạm phải “máy ngầm” (phục
cơ) lại tan tác vì địa lôi ầm nổ do chính giặc Thanh chôn đặt từ trước.
Quân Thanh chết và bị thương về trận này đến quá nửa246 thế
nghĩa là đến hơn mười vạn người.
Hạ xong đồn Ngọc Hồi, quân Tây Sơn nhân cái đà đắc thắng, hò
reo dũng dược, thẳng tiến, xông đi, phá vỡ luôn được các đồn quân Thanh đóng ở
Văn Điển và Yên Quyết.
Kết cục bên Thanh tổn hại rất nhiều: Đề đốc247 Hứa Thế
Hanh248, Tiên phong Trương Triều Long, Tả dực Thượng Duy Thăng… đều bỏ xác nơi
chiến trường!
Nhân thế thắng, một viên tướng Tây Sơn thúc binh đánh đồn
quân Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng.
Quân Nam bổ vây kín mít và đánh rất dữ! Nghi Đống, hơi sức đã
kiệt, lại không có quân cứu viện, đành trốn ra Đống Đa, thắt cổ tự tử ở trên
cây đa. Vài trăm thân binh của Sầm cũng đều tự chết hay bị giết ở quanh vùng ấy249,
để lại nắm xương làm tài liệu cho ngày kỷ niệm giỗ trận mồng 5 tháng giêng!
UỐNG RƯỢU TẾT BẰNG MÁU GIẶC THANH
Trong khi quân Tây Sơn đang kịch liệt đánh phá các đồn lũy của
quân Thanh ở ngoài châu thành, thì ở trong kinh đô Thăng Long giữa đêm mồng 4 rạng
ngày mồng 5 tết, bỗng bốc lên ngọn lửa “nội ứng” do bàn tay ông Đinh đề lĩnh ngầm
làm: Soái phủ cháy! Kho khí giới cháy! Kho lương thực cũng cháy! Lửa đùng đùng,
khói ngùn ngụt… đốt tan giấc mộng “đế quốc” của Tôn Sĩ Nghị, tướng giặc Thanh!
Theo chương trình tổng công kích, vua Quang Trung, trước đó
sai một toán quân từ đường đê Yên Diên (nay là Yên Kiện) ngược lên, xổ cờ, khua
trống làm nghi binh ở mặt Đông. Bấy giờ, quân Thanh thua chạy, xa xa thấy bóng
cờ thấp thoáng và mồn một nghe tiếng thì thùng như Hoa Dung đương có Quan Công
đứng đợi, ai không mất vía kinh hồn? Giặc Thanh càng sợ càng vội vã chạy… Thình
lình một toán quân có voi của Tây Sơn từ làng Đại Áng250 đổ ra, đánh chúng chạy
bạt vào phía đầm Mực (Mặc Đàm) ở Quỳnh Đô251: hàng vạn người chết vì voi giày đạp!
Mồng 5 tết! Cỏ hoa Thăng Long quả được đón mừng khách chiến
thắng. Nói sao làm vậy, vua Quang Trung thật không thẹn với những lời hẹn trước
cùng quân sĩ từ 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788).
Tại sao vua Quang Trung vào thành Thăng Long (giữa trưa252
ngày mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu, 1789) được chóng và dễ như vậy?
Vì khi nhà vua đương đánh quân Thanh ở Ngọc Hồi, thì Đô đốc
Long kéo quân đi từ lúc tinh sương, đã do đường Nhân Mục ập đến Khương Thượng,
đánh trại quân Nghi Đống đóng giữ ở đó.
Nghi Đống thua, rồi chết ở Đống Đa! Long đường hoàng dẫn quân
vào Thăng Long, kéo cờ Tây Sơn dưới bóng xuân tươi mới.
Rượu tết chưa cạn! Tôn Sĩ Nghị đã phải dốc chén đắng cay!
Trước đó, tức bữa mồng 4, Nghị mới thấy đồn Ngọc Hồi phi ngựa
đến cáo cấp. Tin đâu sét đánh, làm Nghị bủn rủn cả người! Rồi lại tiếp luôn được
tin đồn Hà Hồi cũng bị Tây Sơn đánh phá: không khéo bọn Nghị phen này lại đến
như Thoát Hoan, Thái tử Mông Cổ ngày trước, phải lẩn trốn vào trong một thứ đồ
đồng, mới thoát khỏi lưỡi gươm của đức Trần Hưng Đạo!
Nghị sợ cuống, vội sai Thang Hùng Nghiệp đem quân đi cứu.
Hồi canh năm sáng mồng 5, về phía tây bắc, ngoài thành Thăng
Long, đùng đùng súng nổ không dứt tiếng… Nghị liền sai lính kỵ mã đi do thám.
Còn mình thì trèo lên kỳ đài, nghe ngóng binh tình. Té ra đồn Điền Châu ở
Khương Thượng đã bị phá! Quân Nam ồ ạt kéo vào cửa ô, dưới một góc trời, sát
khí ngùn ngụt bốc!
Trong khi viên tướng đớn mạt vô tài ấy còn đang xao xuyến rối
ren, thì nay thành Thăng Long thình lình lại nổi khói lửa: chực đốt cả tính mạng
Sĩ Nghị cho cháy theo soái phủ và các kho khí giới, quân lương.
Sự chẳng ngờ ấy khiến Nghị càng thêm vô cùng sợ hãi!
Không kịp đóng yên ngựa, Nghị vội đem theo vài tên kỵ binh,
vượt qua cầu phao sông Nhĩ, chạy trước về mạn Bắc!
Chạy! Chạy!... Tướng sĩ các doanh bên Thanh xô đẩy nhau chạy!
Nhưng không chịu nổi trọng lượng, cầu sông Nhĩ gẫy! Ném xuống
lòng sông hàng vạn con người làm nghẽn tắc cả dòng nước253.
Sĩ Nghị chạy đến địa phận huyện Phượng Nhỡn, nghe nói Đắc Lộc
hầu bên Tây Sơn đổ lại từ mặt đông sắp đón đường chẹn đánh, lại càng khiếp sợ,
quăng hết những đồ mang theo ra dọc đường để chạy thoát thân. Vì vậy, hết thảy
sắc thư, cờ hiệu, bài lệnh và ấn tín của tướng Thanh đều bị Tây Sơn bắt được
ráo.
Thấy Nghị thua chạy, đạo binh Vân, Quý (Vân Nam, Quý Châu) vừa
đến Sơn Tây254 phải vội tìm đường tháo về.
SỢ Tây Sơn, “CON TRỜI” NHÁO NHÁC CHẠY LOẠN!
Đã mục kích chiếc thân “hèn nhát” của chú Sĩ Nghị bại trận, lại
phong văn Tây Sơn sắp kéo sang giết cho tiệt giống khách, sau khi hung hăng đuổi
đánh đến Lạng Sơn, người Thanh càng thêm kinh hoàng bối rối… Từ cửa ải Nam quan
về Bắc, người Tàu dắt già, cõng trẻ, lũ lượt nheo nhóc chạy đi lánh nạn. Vì vậy,
trong khoảng vài trăm dặm, hơi khói vắng tanh, vẽ thành bức tranh đìu hiu quạnh
quẽ trên nội địa Tàu!
Một phen quát gió, thét mây, oai vũ vua Quang Trung làm bạt
vía người Tàu đến thế!
Hát bài khải ca, nhà vua vào thành Thăng Long, vui thưởng cái
xuân oanh liệt. Quang Trung có thể tự hào mà nói: Núi Nùng ơi! Sông Nhĩ ơi! Hoa
xuân, cỏ xuân trong chốn cố đô này ơi! Chính ta là “đấng cứu chuộc” của các
ngươi đấy!
Nhưng kìa, chiếc chiến bào màu đỏ của trang anh hùng cứu quốc
giờ sao đã đổi ra sắc đen cháy vậy?
Vì vua Quang Trung xông pha súng đạn trong mấy ngày xuân, nhuộm
đẫm chiến bào trong hơi thuốc súng, nên “chiếc áo cứu quốc” kia mới biến thành
cái màu “rực rỡ vẻ vang” đó!
Hai mươi vạn giặc Thanh cúp đuôi hổ đói… đã chạy bạt rồi!
Nghìn xưa non sông gấm vóc đã phục lại rồi.
Quân Tây Sơn vui vẻ ăn tết Khai Hạ255 tại thành Thăng Long
(ngày mồng 7 tháng giêng), cái tết vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc Đại Việt256.
Nhân dân bấy lâu căm giận quân Thanh ỷ thế, cậy quyền, từng
giở nhiều ngón dã man tàn ác: cướp chợ, hiếp gái, coi tính mệnh người Nam không
bằng cái kiến, con sâu… Nhân dịp phen này Sĩ Nghị bại trận, quân gia như đàn
chuột chạy dài, dân Nam ai nấy vùng lên, ứng dụng ngay câu cụ Khổng đã dạy: “Dĩ
trực báo oán.” Vì vậy, những quân Mãn Thanh, sau khi thua vỡ, chạy vào các thôn
trang ngoài thành, lại bị dân gian giết gần hết257!
Nhưng, cái lối chiến tranh văn minh, chính vua Quang Trung biết
thực hành ngay từ bước chân vào thành: Một mặt yết bảng chiêu an, cấm quân lính
không được xâm phạm của dân cái tơ cái tóc. Một mặt ngăn cấm nhân dân trong xứ:
hễ thấy bại binh Thanh chạy trốn không được giết càn258.
Nhà vua lại hạ lệnh cho phép quân Thanh ra thú và nhân gian
không được chứa chấp một người Thanh nào. Dưới bóng ân điển ấy, số quân Thanh
được toàn hoạt đưa đến Thăng Long: hơn 800 người259! Họ đều được ban phát lương
ăn và áo mặc.
***
Như trước đã nói, Đắc Lộc hầu Tây Sơn, dẫn binh từ Đông Đạo
(miền Hải Dương) đổ lên, đón chẹn ở gần Phượng Nhỡn: Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ, vội
quăng bỏ hết thảy quân ấn, kỳ bài, sắc thư… Vì vậy, vua Quang Trung khám phá được
vô số giấy tờ quan trọng, bí mật của tướng Thanh, khi Đắc Lộc hầu đem về Thăng
Long trình nộp.
Trong sắc thư, đại ý vua Thanh Cao Tông (1736-1795) bảo Tôn
Sĩ Nghị:
Nghe lời khanh, trẫm cho đem binh mã ra cửa ải nhưng cứ nên từ
từ đi dần, đừng vội. Khanh trước hãy truyền hịch ra oai, rồi thả Lê thần về nước
để họ chiêu lập nghĩa binh, tìm Lê Tự tôn (chỉ Chiêu Thống), đương đầu với Nguyễn
Huệ đã. Nghe họ chọi nhau ra sao, bấy giờ sẽ liệu.
Nếu lòng người Nam còn mến Lê, thấy quân ta (Thanh) đến giúp
ai cũng phấn khởi hăng hái thì Nguyễn Huệ tất phải chịu lui. Bấy giờ sẽ sai Lê
Tự tôn tiến binh đuổi bắt Nguyễn Huệ. Còn khanh thì kéo binh đến tiếp ứng sau.
Thế là ta không khó nhọc mà được thành công. Đó là chước thứ nhất.
Nếu trong nước Nam nửa theo phe kia, nửa theo phe nọ, thì
Nguyễn Huệ chắc không chịu lui. Vậy khanh nên đưa thư, dỗ bảo họa phúc xem Huệ
xoay trở ra sao.
Khi nào quân thủy của ta đã từ Mân260 Quảng261 kéo ra biển
khơi thì cứ đánh phá lấy Thuận262 Ngãi263 trước. Rồi mới thúc quân bộ tiến lên
khiến cho Nguyễn Huệ sau lưng và trước bụng đều thụ địch cả thì thế nào Huệ
cũng phải hàng phục.
Thế rồi ta cứ nuôi sống cả hai: Thuận Quảng264 về Nam, cắt đứt
cho Nguyễn Huệ: Hoan265, Ái266 ra Bắc, chia cho Lê Tự tôn. Ta cứ đóng đại binh ở
giữa, coi quản cả đôi. Về sau sẽ lại liệu cách xử trí. Đó là chước thứ 2...
Đọc rõ cái dã tâm của nhà Thanh như thế, vua Quang Trung đưa
bức thư ấy cho Ngô Thì Nhậm và nói: “Ta xem chiếu thư của nhà Thanh, biết họ chỉ
nghề đòn xóc hai đầu, nghe đàng nào mạnh thì bênh đàng ấy, chứ có thật lòng
giúp Lê chi đâu! Chẳng qua họ mượn việc đó để lót miệng, kỳ thật chỉ chực tìm cách
vơ lợi vào mình đó thôi. Nay họ đã bị ta đánh thua, nhịn thì nhục, nhưng muốn
báo thù lại thì khó. Muốn cho dân nghỉ nước yên, ta tất phải tạm gác can qua,
dùng đến ngọc bạch. Vậy, đối với những tên tàn binh của Thanh mà ta đã bắt được,
ta nên cấp dưỡng tử tế, rồi sau sẽ tha cho chúng về Tàu. Khanh là tay khéo bề từ
lệnh, phải nên lập tức đưa thư sang Thanh dàn xếp cho êm việc đi!”
CHIÊU THỐNG SANG TÀU
Đống Đa đã nuốt xác quân thù!
Sông Nhĩ lại uống máu phe địch!
Tin dữ ấy đập mạnh vào trái tim ỷ lại của vua Chiêu Thống.
Trước đó, vua Chiêu Thống đang cùng Sĩ Nghị họp ở nơi màn trướng,
đứng hầu xung quanh có tám người bầy tôi thân cận là Hoàng Ích Hiểu, Nguyễn Quốc
Đống, Lê Hân, Phạm Như Tùng, Nguyễn Viết Triệu, Phạm Đình Thiện, Lê Văn Trương
và Phạm Quý Thích267. Bỗng “tiếng sét” bại trận giáng giữa đám người đang chập
chờn giấc xuân mộng ấy: Sĩ Nghị chạy trước, vua Lê cũng vội vã nhảy ngựa theo
sau, có Viết Triệu tùy tùng trong cơn gió bụi. “Sóng” nguy biến đã bủa quanh
mình, vua Lê vội sai bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiếu và Hoàng Ích Hiểu ruổi ngựa chạy
về nội điện, hộ giá Thái hậu và Nguyên tử. Còn Hoàng đệ Duy Chỉ thì hộ vệ Hoàng
phi và bọn cung tần. Khi đến bến sông, họ bối rối trước những hiện tượng: cầu
phao đã gãy, thuyền lại không có chiếc nào!
Vội vã, vua Lê chạy lên mạn đê Nghi Tàm, cướp được một chiếc
thuyền chài, chở sang ngang. Cánh bèo trôi giạt trong sông khiến ông vua “Mống
Siêu” có cái cảm tưởng đau buồn: đời là sóng nước, mình là thân bèo, chẳng hay
rồi đây mặt nước chân mây, nào đâu là bờ bến của thân bèo trôi nổi!
Đoàn ngự vượt sông sang Bắc. Trưa mồng 6 (tháng giêng, năm Kỷ
Dậu, 1789), chạy đến núi Tam Tằng. Không kịp đoái hoài đến cảnh cỏ non xanh rờn,
lộc tơ mơn mở dưới bóng xuân tươi, đoàn ngự cố sức ngày đêm đi gấp đường, rán
theo cho kịp Tôn Sĩ Nghị. Ngó lên tiền đồ, vua Chiêu Thống cảm thấy đầy những
chông gai giông tố!
Khi đến đồn Hòa Lạc268, vua Lê rước Thái hậu vào nghỉ trong
cái sơn trại của một viên thổ hào. Bấy giờ đoàn ngự nhịn đói hàng hai ngày, ai
nấy mệt lả, vừa được thết đãi cơm nước xong thì quân Tây Sơn đã ầm ầm đuổi đến!
Viên thổ hào vội sai con đưa đường do lối tắt dẫn đoàn ngự trốn đi: Tối ngày mồng
6 ấy, mới đến cửa Nam quan, vua Lê ngọt ngào từ tạ Tôn Sĩ Nghị:
– Tôi không giữ nổi xã tắc, may được Tướng quân phụng chỉ sang
cứu, cảm kích vô cùng! Nay Tướng quân bỏ đi, tôi không dám lại phiền giúp nữa.
Xin chúc Tướng quân về triều, được vạn phúc. Còn tôi xin quay về ở lại đất nước,
thu nhặt dân binh, toan tính công việc khôi phục. Nếu sau này làm nên công việc
thì cũng là nhờ ơn Tướng quân. Nếu không xong, bấy giờ tôi lại xin làm như ý Tướng
quân đã bảo.
Với cái kiểu “trò tàu” và với cái giọng “con trời ra phết” Sĩ
Nghị lấy tay viết vào tấm ván:
“Quang Bình269 bất diệt tắc bất hưu” (nghĩa là không diệt được
Quang Bình thì không thôi). Rồi Nghị nói với vua Chiêu Thống:
“Tôi đã dâng biểu dâng Thiên triều giúp thêm binh mã rồi. Chẳng
bao lâu, đại binh sẽ kéo đến tiếp cứu đấy. Chỗ Nam quan này gần kề quân địch,
mà đồn lương lại chưa có, thật không tiện dùng dằng ở lại. Chi bằng hãy tạm vào
đóng ở Nam Ninh270 sẽ liệu khu xử.”
Thế là vua Lê, theo lời mời của Nghị, vào công quán ở Quế
Lâm271 rồi bị an trí ở Yên Kinh, cuối cùng vua tôi Chiêu Thống đến phải nuốt lệ
uống hờn, đau thương cái bước cùng đồ vì bị người Thanh lừa gạt:
Đem sức muỗi mà toan vác núi,
Lấy thân hồ muốn mượn oai hùm!
Tồn cô, phục Sở những ai ai, dở dang thân thế!
Tá Hán tù Yên là thế thế, khe khắt nỗi đời!272
Và:
Ăn đất khác gì giun dưới rãnh.
Đốt mình cũng tựa bướm vào đèn.
Nằm ngồi bao quản thân tàn, ổ chó chuồng gà thừa sạch sẽ!
Sống chết mặc dầu số mạng, con ong, cái kiến nhẽ xoay vần!...273
VIỆT THANH GIAO THIỆP
Sau khi quân Thanh đại bại dưới bóng cờ thiện chiến của trang
anh hùng nước Nam, Càn Long nghiến răng căm giận, đòi Tôn Sĩ Nghị về kinh hậu cứu,
cử Phúc Khang An274 làm Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) đốc suất
binh mã chín tỉnh đem 50 vạn quân, định ngày kéo đến ải Nam quan, chực quyết một
phen sống mái với ta để rửa cái nhục thua trận trước.
Nhưng còn đang trù trừ trước cái mưu định ấy, Khang An đã được
ngay một bài học trước mắt: 20 vạn quân Sĩ Nghị nào đâu cả? Bây giờ chỉ thấy
chiếc thân lếch thếch, tiều tụy trong bộ áo một viên tướng bại trận chết hụt,
trốn về! Khang An lại phong văn275 oai võ của vua Quang Trung và khí diễm của
quân Tây Sơn, nên không ngần ngại vứt bỏ chữ “chiến”, ôm lấy chữ “hòa”, nhưng
khéo lót miệng bằng câu đạo đức giả: “Nam Bắc tắt được binh lửa, thật là phúc lớn
cho sinh linh và cũng là cái may to cho kẻ biên thần.”
Đại Việt đại thắng! Nhưng vua Quang Trung định tạm gác binh
đao, muốn giải quyết việc giao thiệp với nhà Thanh bằng cách hòa bình.
Dân Tàu bấy giờ vì tin lời đồn đại, tưởng Tây Sơn kéo thật
sang tận nội địa Tàu, giết tuyệt giống khách, nên họ mới nôn nao kéo nhau chạy
trốn! Thực ra, bản tâm vua Quang Trung, khi đó, chưa hề có ý xâm lược nước Tàu.
Chính Ngài đã tỏ ý ấy trong thư viết cho Thang Hùng Nghiệp, binh bị đạo ở Quảng
Tây: “Bộc tòng vô xâm biên phạm cảnh dĩ đắc tội vu Thượng quốc.” (Tôi không hề
có ý xâm phạm biên cảnh để được tội với Thượng quốc).
Ý ngài nghĩ: nước nhà sau cơn nguy biến, nguyên khí đã kiệt,
cần phải bổ dưỡng ít lâu mới khôi phục được nguyên trạng. Thế thì chính sách
khôn khéo bây giờ là hãy phải làm hòa với Thanh để mình có đủ thì giờ mà mài
nanh giũa vuốt đã.
Kế hoạch ấy đã định, nhà từ lệnh Ngô Thì Nhậm cứ việc đi theo
con đường do vua Quang Trung đã vạch sẵn mà tiến hành công việc ngoại giao.
Bấy giờ nhà Thanh đã gờm, thấy có ý muốn hòa, nên Tả giang
Binh bị đạo Thang Hùng Nghiệp gửi mật thư cho Tây Sơn, gợi ý bảo vua Quang
Trung nên nhân dịp này vận động cho khéo mà lên thế chân họ Lê. Nghiệp sẽ đứng
trong ngầm giúp cho chóng nên việc.
Bằng giọng “trịch thượng” kém lịch sự và vụng ngoại giao, tờ
mật thư của Nghiệp đây:
… Xét ra họ Lê bên An Nam thần phục bên Thiên triều đã lâu, một
sớm bị họ Nguyễn Tây Sơn nhà ngươi! chiếm đoạt mất đô thành, nên Hoàng đế (chỉ
vua Thanh) phải sai tướng đem binh ra khỏi cửa ải, khôi phục đất nước cho họ
Lê, và cứ cho vẫn được nối chức chịu phong như trước. Chẳng dè Lê Duy Kỳ đớn
kém, vô tài, không thể dấy nhức làm được trò trống gì cả, song cứ dắt mẹ chạy
trốn hoài, đến nỗi làm cho nhà Lê không ngóc lên được! Từ đấy về sau, Thiên triều
quyết không thể đem nước An Nam mà giao cho Lê Duy Kỳ nữa!
Họ Nguyễn Tây Sơn nhà ngươi nên nhân trước khi chưa có chỉ dụ,
mau mau làm biểu đem sang đây, gõ cửa kêu với Đại Hoàng đế (vua Thanh) rằng Lê
Duy Kỳ không được dân vọng trông vào, nhân dân bơ vơ tan đi bốn ngả: bất đắc dĩ
tôi phải đem binh ra thay nhà Lê mà vỗ về dân chúng. Nào ngờ dọc đường, thình
lình gặp phải quân nhà vua, đụng ai họ giết nấy: Tình thế dữ dội lắm. Nếu chúng
tôi bó tay chịu trói, thì thể nào cũng đến bị giết hết sạch.
Vì vậy, đám di binh, di mục theo tôi phải hết sức chống cự lại.
Chúng tôi tự biết như thế là có tội nặng lắm. Hiện nay, tôi đã tra xét hai người
chống cự Thiên binh (quân Thanh) ấy, đem ra trị tội cho chính pháp cả rồi.
Rồi nên nhờ người tâu xin với Đại Hoàng đế (vua Thanh) cúi
thương thói rợ không biết gì, uốn theo lời xin mà tha thứ. Nên chăng cứ để Lê
Duy Cận đứng giám quốc? Kính xin Nhà vua ban chiếu chỉ phán bảo cho.
Đặt lời cung thuận như vậy, chắc được Đại Hoàng đế soi xét
lòng thành, sẽ cho nhà ngươi chủ trì việc nước. Bấy giờ sẽ có thể lại sai người
sang kêu cầu Thiên triều ban cho ân điển (chỉ việc cầu phong).
Bản đạo (Thang Hùng Nghiệp tự xưng) nhân vì giữ chức ở biên
giới, tương lai có rất nhiều việc giao thiệp với An Nam nhà ngươi, nên phải viết
thư kín này mà ngỏ ý cho biết.
Thuận theo thì được phúc, trái nghịch thì phải vạ, tùy nhà
ngươi tự chủ đấy…
(Dịch theo nguyên văn chữ Hán)276.
Nhận được bức mật thư ấy của Nghiệp, vua Quang Trung biết người
Thanh ra mặt làm hòa, chứ chẳng dám dở trò gì nữa, nên mới chịu cho người đứng
lên dàn xếp như vậy. Vì thế, Nhà vua lại càng coi khinh “Thiên triều”.
Chứng cớ ấy tỏ rõ ở trong tờ biểu của Ngài277 gửi cho vua
Thanh Càn Long do phó Đô đốc Hô Hổ hầu thân đem sang Tàu278:
… (lược)…
… Tôi là Nguyễn Quang Bình, ở khuất nẻo bên An Nam, bấy lâu vẫn
được tắm gội trong thanh giáo.
Nguyên từ hai trăm năm tới nay, quốc vương họ Lê tôi mất quyền,
việc nước vẫn do bầy tôi là họ Trịnh cầm nắm. Kịp đến Tiền vương Lê Duy Diêu (tức
vua Hiển Tông nhà Lê) tuổi già, tiền phụ chính Trịnh Đống mờ tối, biếng nhác:
binh kiêu, dân oán, trong nước rã rời!
Tôi vốn kẻ mặc áo vải ở Tây Sơn, nhân thời thế, nổi lên làm
việc. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786), cất quân ra diệt họ Trịnh, trả lại nước cho
nhà Lê.
Năm ấy (Bính Ngọ, 1786) Tiền Lê vương tạ thế279, tôi lại phò
lập Tự tôn là Duy Kỳ (Chiêu Thống) lên nối ngôi. Duy Kỳ là người dâm bạo, không
lo chính sự nước nhà: trong thì kỷ cương rối bét ở triều đình, ngoài thì gây hiềm
khích với biên giới. Lại còn hãm hại kẻ trung lương, giết chết người đồng tông
là khác nữa! Thần dân trong nước chạy đến kể lể với tôi nài xin đem binh ra trừ
kẻ loạn.
Tôi nghĩ: nước này là nước đã được Thiên triều phong cho tôi
đâu dám tự tiện làm việc phế truất?
Mùa đông năm Đinh Mùi (1787), tôi sai một viên tiểu tướng đem
quân ra hỏi tội những kẻ ở bên tả hữu giúp Kiệt làm xằng, thì Duy Kỳ lại sợ
bóng sợ gió, đương đêm chạy trốn tự chác lấy cái lo vào mình!
Mùa hạ năm Mậu Thân (1788), tôi tiến đến đô thành Lê, lại
giao cho Duy Cận, con Tiền Lê vương, giữ lấy nước coi việc thờ tự. Tôi từng sai
sứ giả sang gõ cửa ải, hòng đem hết nội tình trong nước mà trình bày.
Nhưng mẹ Duy Kỳ đã trước sang Đẩu Áo ải (có sách viết là Khả
Lưu ải) kể lể xót xa với Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng, rồi lăn lưng cầu cứu.
Sĩ Nghị là kẻ đại thần ở biên cương, đáng lẽ phải xét kỹ căn
do, dò tìm cái cớ tại sao Duy Kỳ lại trốn bỏ nước và tại sao tôi phải vào nước,
rồi tâu cùng Đại Hoàng đế, đợi ngài phân xử để dẹp mối loạn.
Trái lại, vì ham tài sắc, chỉ nghe lời đàn bà (chỉ mẹ vua
Chiêu Thống), Nghị xé biểu chương của tôi, ném xuống đất, làm nhục sứ giả, xua
đuổi về. Ý hắn muốn khua dân, dấy binh, tâng công, gây chuyện!
Mùa đông năm ngoái (Mậu Thân, 1788), Nghị điều bát huy động
nhiều quân, kéo khỏi cửa ải, mượn tiếng khôi phục nhà Lê, truyền hịch đi khắp
trong nước: đổ tội cho tôi! Hắn chực đánh rốc đến Quảng Nam, đào cây đánh rễ, để
trừ mối lo sau cho Duy Kỳ.
Tôi ở hẻo lánh tận tít chân trời, đường xá xa xôi, núi sông
cách trở, chẳng hay việc đó có hẳn do ý Đại Hoàng đế sai làm hay do Tôn Sĩ Nghị
vì một người đàn bà (mẹ của Chiêu Thống) xui khiến, rồi mong kiêu hãnh lập công
ở biên thùy để hòng kiếm lợi lớn?
Hay tin có binh mã Thượng quốc ra khỏi cửa ải, tôi nghĩ: tấc
lòng “sợ mạng trời, phục nước lớn” của mình bấy nay đã bị kẻ khổn thần ngăn trở
mà cái cớ Duy Kỳ trốn bỏ nước kia lại bị che lấp không thông đạt lên được, sau
này mối binh tranh hùng ra thì tai vạ không phải là ít!
Ngô Hồng Chấn, viên tiểu tướng của tôi, bấy giờ đang đóng ở
Lê thành. Tôi sai nhóm hỏi ý kiến họ hàng Lê vương, văn võ thần liêu và kỳ lão
cùng hào mục trong nước, thì muôn miệng một lời, ai cũng theo về với tôi.
… Bản thân tôi không phải tham đất đai và nhân dân của nhà Lê
đâu, song vì lòng dân ép buộc, tôi muốn từ chối cũng không sao được.
Vì thế tôi phải sai viên gia tướng là Trần Danh Bích cùng tám
người sứ thần đem ba đạo bẩm văn của Duy Cận, con Lê vương, và của quần thần
cùng dân chúng đến gõ cửa tướng doanh, khẩn khoản nài xin Tôn Sĩ Nghị hãy cứ
đóng quân ở nơi quan ải tra rõ nội tình trước đây đã.
Cùng một lúc ấy, tôi lại sai thả trả bọn tuần dương binh Hác
Thiệu Tông bốn mươi người mà Ngô Hồng Chấn (tướng Tây Sơn) đã bắt được. Thế là
tôi vẫn chăm chăm tỏ ý cung thuận, chứ có dám công nhiên chống cự đâu.
Vậy mà Tôn Sĩ Nghị riêng nghe lời ton hót đặt để của mẹ Duy Kỳ
xoay giết Trần Danh Bính, thịt bọn tuần dương binh280 giam cầm sứ giả, lùa quân
vượt sông Phú Lương (Nhĩ Hà) thẳng tới Lê thành (Thăng Long). Tướng tá của tôi
phải rút quân về Nam.
Tôn Sĩ Nghị được thể, tàn sát dữ quá! Hắn lại phi sức cho các
quan nhà Lê lùng những tướng sĩ của tôi ẩn náu ở các thôn trại để bắt đem nộp.
Ngày nào hắn cũng giết đến ba, bốn chục mạng! Chứa dồn lại có tới hơn nghìn người.
Duy Kỳ nhân dịp tốt ấy, tha hồ chém giết những viên chức sắc
mục281 đã theo tôi. Rất đỗi va phanh mổ cả những đàn bà có mang, không để sót
giống lại! Cái ngón thảm độc ấy còn gì quá quắt hơn nữa!
Ôi, kể ra, nhân dân ở nơi góc biển này, ai chẳng là con đỏ của
triều đình? Đại Hoàng đế là bực “Cửu quá hóa thành” há lại ưa viển vông, hám
công lợi, trước gây sự với ngoài biên cương, khiến hạng dân vô tội phải sa vào
vòng tên đạn?
Thế mà Sĩ Nghị không biết lựa theo đức ý bề trên, lại đi giết
người như ngóe, chẳng những riêng muốn cam tâm một mạng tôi, lại còn chực bắt
giết cho kỳ tuyệt vây cánh của tôi nữa! Hắn rao toạc lên tờ hịch, cốt dồn người
ta vào chỗ chết mới nghe!
Ôi, cứ kể nhân, sĩ, giáp binh ở một dải bờ biển này sánh với
Trung Hoa, không được một phần muôn. Nhưng lạch sâu trước cọp dữ ở sau, lòng
người sợ chết, ai cũng phải hăng hái lên.
Tôi không tránh cái tiếng “ném chuột vỡ đồ” bèn đem dăm ba
tên trai tráng trong làng trảy ra.
Mồng 5 tháng giêng năm nay (Kỷ Dậu, 1789) tôi tiến đến Lê
thành, những mong Tôn Sĩ Nghị nghĩ lại, họa may có thể đem ngọc lụa thay đồ can
qua, xoay binh xa làm hội xiêm áo? Tôi nhũn nhặn xin yết kiến, nhưng Nghị không
hề trả lời.
Qua bữa sau, quân Sĩ Nghị xông vào đánh trước: vừa mới giao
phong đã đổ vỡ chạy tan bốn ngả, xô đè lẫn nhau mà chết! Thây xác đầy nội, nghẽn
sông! Còn những quân chạy trốn ra các thôn trang ngoài thành lại bị dân đánh giết
hầu hết. Ấy vì trước đây Nghị đóng đồn ở quanh thành, hắn không biết ngăn cấm
quân gia để chúng hiếp gái, cướp chợ, làm cho nhân dân căm giận đến tận xương tủy!
Ngay bữa vào thành, tôi lập tức ngăn cấm trong xứ: hễ thấy bại
binh chạy trốn, nhân dân không được phép giết. Bọn tàn binh ấy được đưa đến đô
thành còn hơn 800 người tất cả. Tôi đã sai lấy lương thực trong kho mà ban phát
cho.
Trộm nghĩ: binh đao vẫn là việc bất đắc dĩ của thánh nhân. Đại
Hoàng đế thâm nghiêm ngự nơi cửu trùng. Những chuyện cương trường, Tôn Sĩ Nghị
không hề tâu rõ từng việc một! Hắn che lấp tai mắt nhà vua đến nỗi làm cho sự
thế rối ren đến thế.
Châu chấu đá xe, tôi thật không dám. Song, cửa vua xa cách
muôn dặm, hễ tôi nhúc nhích làm gì liền bị kẻ khổn thần hiếp đáp! Không sao nhịn
nổi, nên hình tích mới dường như chống cự.
Thiết nghĩ: nước tôi từ Đinh, Lê, Lý, Trần trở đi, thế đại đổi
thay, chẳng phải chỉ là một họ. Hễ ai có thể làm rào giậu ở phương Nam, thì
Thiên triều, rộng lượng như biển, thường vẫn làm ngơ nỗi nhỏ, lựa theo đạo trời,
cốt giữ lòng rất công bình, rất nhân từ mà vun xới cho cái cây đã mọc, mặc dầu
có những chuyện như bọn Ô Mã Nhi và Hoàng Ngũ Phúc đã làm bất lợi cho nước nhỏ
này!
Nay lòng trời đã chán nhà Lê. Con cháu họ Lê đớn kém, hèn yếu,
không được lòng dân theo về.
Tôn Sĩ Nghị, vì cớ nông nổi, không thấu suốt sự tình và lý
do, nên mới chực vùa giúp gây dựng lại cho họ Lê ấy. Hắn gây mối binh tranh,
khiến cho bọn sinh linh phải cay đắng khốn khổ! Hắn lừa dối bề trên, tàn ngược
kẻ dưới đến thế là cùng!
Tôi đóng quân ở thành Long Biên (Thăng Long), nghển cổ ngóng
trông về cửa trời… Gọi có tờ biểu tạ tội và trần tình này nhờ quan Quảng Tây
phân tuần Tả Giang binh bị đạo (chỉ Thang Hùng Nghiệp) chuyển tâu bày giúp.
Nép nghĩ: Đại Hoàng đế là bậc theo ý trời, ban trị hóa, làm
cho cành khô lại xanh tươi, cây kiệt lại nảy nở. Xin ngài lựa theo tự nhiên, thứ
cho tôi cái tội đón đánh Sĩ Nghị và xét cho tôi tấc thành đã mấy phen gõ cửa ải,
dâng lời tâu bày. Xin Ngài lập kẻ tư mục để chăn dân, dựng nước phên giậu để vững
thế, ban ơn mệnh mới, cho tôi làm An Nam quốc vương, đứng làm phiên bình một
phương, kính giữ cái chức phiên phục, khiến cho bản quốc có người cầm đầu cai
quản.
Tôi xin kính cẩn sai sứ giả sang cửa cung khuyết, xưng phiên,
sửa lễ cống282. Lại sẽ xin đem số người (tù binh) hiện còn của nhà vua mà dâng
nộp để tỏ tấc dạ rất thật này…
Kèm theo tờ biểu trên, vua Quang Trung còn có bức thư gửi cho
Thang Hùng Nghiệp, cuối thư có những lời khinh miệt và dọa nạt “Thiên triều”.
… Ôi quân lính, cốt hòa thuận, không cốt đông, cốt tinh nhuệ,
không cốt nhiều. Người tính cuộc thắng lợi là tính ở phần quân “thẳng” hay
“cong” chứ không phải lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít. Ví bằng tấm tình này
không được bày tỏ. Thiên triều không chịu ban chút khoan dung cứ muốn động binh
để tranh chiến, làm cho nước nhỏ không được phục nước lớn, thì tôi cũng chỉ biết
thuận theo ý trời, nghe xem số mệnh mà thôi…
Những lời giả đò cung thuận, nhưng đầy vẻ ngạo nghễ ấy của
nhà Tây Sơn làm cho Thang Hùng Nghiệp rụng rời kinh hãi!
Nhất là xem hết tờ biểu trên. Nghiệp tưởng chừng như nó có
tính cách khiêu khích để cuốn “con sư tử đang mê ngủ” (chỉ nhà Thanh) vào vòng
khói đạn lần nữa!
Nghiệp nói với sứ giả Đại Việt là Hô Hổ hầu: “Bây giờ không
phải là lúc quân hai bên đương đánh nhau, vậy sao lại thả tuyền giọng tức giận?
Muốn cầu phong tước hay muốn lại gây binh tranh mà nói những lời như thế?”
Vì, để giữ thể diện cho “Thiên triều”, Nghiệp phải dìm bức
thư ấy, không dám để lọt đến mắt vua Càn Long.
VỀ NAM LẦN THỨ BA
Quét sạch chông gai do quân Thanh gieo rắc, vua Quang Trung gỡ
nhân dân ra khỏi móng vuốt Tôn Sĩ Nghị, xông hương “chiến thắng” khắp miền núi
Tản, sông Lô.
Bắc Hà từ đây sẽ êm ấm nằm dưới ngọn cờ bất khả xâm phạm của
trang anh hùng cái thế.
Nhưng, cũng như hai lần trước, vua Quang Trung, sau khi dẹp
yên Bắc Hà, lại không quên rút quân vô Nam, giữ lấy căn cứ địa từ Thăng, Điện
trở ra Bắc283.
Màn quân sự hội nghị vừa mở, vua Quang Trung dặn bảo các tướng
văn võ:
“Việc binh ở Bắc giao cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Việc từ
lệnh với nhà Thanh ủy cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Phàm việc, ta cho tùy
tiện mà quyết định. Nay ta về Nam, nếu việc nào không quan trọng khẩn yếu thì
không cần bẩm báo làm chi…”
Lần này là lần thứ 3, vua Quang Trung lại từ giã sông Nhĩ non
Nùng giữa những tiếng khải hoàn vui vẻ, hùng tráng và oanh liệt…
Từ đây, đóng giữ Bắc Hà và giao thiệp với Mãn Thanh, trọng
trách ấy trút cả lên vai mấy người bầy tôi thân tín của Quang Trung Hoàng đế.
Ngô Văn Sở làm tổng thống quân quốc cơ vụ, Ngô Thì Nhậm và
Phan Huy Ích chủ việc từ lệnh để đối phó với Mãn Thanh.
Chính Ngô Thì Nhậm đã đóng vai sứ thần sang Tàu vận động với
Phúc Khang An để nối lại mối thiện cảm với nước lớn.
Về phần nhà Thanh, trước Hùng Nghiệp, sau Khang An, họ đều chủ
ý giảng hòa.
Sau khi lên thế chân Tôn Sĩ Nghị, Khang An tay cầm con ấn Tổng
đốc Lưỡng Quảng, xoay ngay chính sách ngoại giao: năm mươi vạn quân lấy từ chín
tỉnh, qua tháng tư mùa hạ năm Kỷ Dậu (1789) thảy đều bãi về. Cây cờ lớn đề chữ
“Đề đốc cửu tỉnh binh mã”, chỉ là một “lá bùa” hư trương thanh thế, chứ chính
nó đã dẫn lối cho sứ bộ Tây Sơn vào “nói chuyện” với Khang An ở Quế Lâm rồi.
Khang An đã khéo “dàn cảnh” ở ngoài, các thần (bầy tôi trong
Nội các) Hòa Thân284 lại vun vào bằng những cuộc vận động ở trong như: xin bãi
binh, đừng gây sự ở ngoài biên thùy để khỏi làm lao phí trong nước, lại xin vua
Thanh phong vua Quang Trung làm quốc vương để thay Lê trị vì. Rồi vin lịch sử
làm chứng cớ, Hòa Thân nói với vua Càn Long: “Từ xưa đến giờ, Trung Quốc chưa
bao giờ đắc chí ở cõi Nam cả. Chính Tống, Nguyên, Minh rút cục cũng đều thua hỏng:
gương ấy không xa, hãy còn trờ trờ!” Vì vậy, chẳng bao lâu, vua Thanh cũng phải
vuốt bụng làm lành, niềm nở chìa tay đón lấy Tây Sơn, nhưng không quên “rửa mặt”
bằng những điều kiện này:
1) Để đền bù cái chết của Đề trấn Hứa Thế Hanh, Tây Sơn phải
lập cho cái đền thờ tại nước Nam mà xuân thu trí tế viên tướng tử trận ấy285.
2) quốc vương nước Nam, sang năm, nhân dịp bát tuần khánh thọ
của vua Càn Long, phải thân sang triều cận286.
NGOẠI GIAO THẮNG LỢI
Như trước đã nói, vua Quang Trung cũng muốn sớm yên việc
ngoài để rảnh tay lo cuộc kiến thiết trong nước.
Khi thấy việc ngoại giao đã đầy vẻ lạc quan, ngài liền đứng
cái tên khác là Quang Bình vào một bức thư nhũn nhặn hơn, kém khiêu khích hơn,
rồi sai cháu là Nguyễn Quang Hiển, bầy tôi là bọn Vũ Huy Tấn287, Ngô Vi Quý và
Nguyễn Đình Cử sang Tàu để cột chặt mối dây thân thiện giữa Đại Việt và Mãn
Thanh.
Đại lược bức thư ấy:
… Tôi nổi lên từ Tây Sơn, lấy đất Quảng Nam trước, đối với
nhà Lê vốn không phân biệt trên dưới.
Năm ngoái (1788) đã sai người sang gõ cửa Thượng quốc giãi
bày duyên cớ gây chuyện với nhà Lê, bởi tại biên thần dìm thư, cho nên không đạt
lên được.
Kịp khi quân Thượng quốc ra khỏi cửa ải để chực tiến đánh,
thì tháng giêng năm nay (1789) tôi trước đến đô thành nhà Lê, muốn hỏi Lê Duy Kỳ
về cớ tại sao cầu viện. Chẳng dè quan quân Thượng quốc mới thoạt trông thấy, đã
vội hăng hái giết bừa! Bọn thủ hạ tôi khốn nỗi bó tay chịu trói. Lại gặp cầu
sông đứt gãy, đến nỗi quan quân có sự tổn thương!
Xiết đỗi sợ hãi, nhiều lần tôi phải sai người sang gõ cửa tạ
tội và xin đưa trả những quan quân còn sót lại. Còn người giết hại quan Đề trấn
(tức Hứa Thế Hanh) thì chính tôi mắt thấy phải trị tội rồi.
Đáng lẽ tôi phải thân đến cửa khuyết giải tình, tạ tội là phải;
ngặt vì nước tôi vừa mới quan cơn binh lửa, dân tình chưa yên, nên phải kính
sai thằng cháu là Nguyễn Quang Hiển theo biểu vào chầu…
Sứ bộ của phe chiến thắng, lẽ tất nhiên phải được kẻ bại trận
– dầu kẻ ấy vẫn lên mặt là “Thiên triều” là Thượng Quốc – tiếp đón một cách niềm
nở, long trọng.
Khi sứ bộ về, vua Thanh, để tỏ tình thân mật âu yếm, có gửi tặng
vua Quang Trung một chuỗi trân châu.
Thế rồi trịnh trọng đem oai “sách phong An Nam quốc vương”,
Thanh Lâm, hậu bổ Quảng Tây, vâng lệnh vua Thanh, lóc cóc sang Nam lấy lòng một
bực anh hùng chiến thắng.
Không muốn chịu phong ở Thăng Long, vua Quang Trung nói thác
với sứ Tàu Thành Lâm, khi Lâm mới đến cửa Nam quan: “Thành Thăng Long đã tắt hết
vượng khí; xin mời sứ giả vô Phú Xuân.”
Thành Lâm cho thế là trái lệ, không chịu vào Thuận Hóa.
Vua Quang Trung cũng găng, không buồn ra Bắc nhận tờ sách
phong của một “Thiên triều” chiến bại, nên cứ thoái thác là nhà vua đang se
mình, giùng giằng lần lữa mãi.
Nhưng rồi việc ấy kết thúc bằng cách sai cháu ngoại là Phạm
Công Trị mạo đứng nhận phong.
Còn sắc và ấn thì ngày 12 tháng Chạp, năm Canh Tuất (niên hiệu
Càn Long thứ 55, 1790) giả vương Đại Việt, khi sang Tàu, đi đến ải Nam quan, có
sai lũ bồi thần là Nguyễn Văn Danh và Ngô Văn Sở đem bọn vệ sĩ đến Chiêu Đức
đài nhận lĩnh vào ngày 13 tháng ấy288.
Việc giao thiệp với Mãn Thanh đến đây đã có kết quả mỹ mãn lắm.
chÚT SÂM LÀM BẬN CẢ trào THANH
Muốn người Thanh phải “cung đốn” nhân sâm, nhưng không chịu
cái tiếng đi xin, vua Quang Trung hành động rất khôn khéo: cho Nguyễn Hoàng
Khuông sang Tàu, đem theo một bức thư trong đó nhà vua dặn sứ thần Đại Việt mua
nhân sâm, vì Quốc thái (mẹ vua Quang Trung), tuổi đã 80, cần dùng nhân sâm bổ
dưỡng để quốc vương có thể yên tâm về việc thần hôn mà sang triều cận vua Thanh
được.
Ngài liệu trước rằng bức thư dặn mua sâm đó tất sẽ qua mắt bọn
biên thần nhà Thanh trước. Một khi họ đã hay biết việc đó, lẽ tất nhiên họ phải
tìm cách “lấy lòng” khách chiến thắng, thì thế nào họ chẳng hai tay dâng sâm đến
tận nơi.
Quả nhiên, khi Phúc Khang An xem bức thư dặn mua sâm ấy, An
không làm lơ, nên phải kiếm ngay bốn lạng nhân sâm, giao Thang Hùng Nghiệp cắt
người ruổi ngựa đưa sang tận Lạng Sơn để nhờ chuyển đạt lên Quang Trung Hoàng đế289.
Cũng một việc yêu sách nhân sâm một cách gián tiếp ấy, trang
anh hùng Đại Việt lại làm vua tôi nhà Thanh còn một phen bận rộn nữa.
Năm Canh Tuất (1790) vua Cao Tông nhà Thanh nhận được tờ tấu
của Tôn Vĩnh Thanh nói về việc vua Quang Trung dặn Nguyễn Hoành Khuông mua sâm,
vua Thanh liền sai mở kho Thượng Phương, tặng ngay một cân nhân sâm tốt nhất hạng.
Việc ấy đã tỏ trong lời dụ này của vua Thanh:
Quốc vương (chỉ vua Quang Trung) nhân vì mùa xuân năm nay
(Càn Long năm thứ 55, Tây lịch 1790) sang chầu chúc phúc muôn dặm đi xa phải tạm
nhãng việc định tỉnh, nên có dặn bọn bồi thần mua nhân sâm để phụng dưỡng mẹ
già. Thế đủ thấy rằng quốc vương đã chăm tỏ tấc thành chiêm cận290, lại tha thiết
lo việc thần hôn291. Thật là trung hiếu kiêm toàn đáng khen, đáng chuộng lắm lắm.
Vậy ban cho một cân nhân sâm để giúp mẹ khanh292 tẩm bổ tuổi
già. Nếu giao cho bọn Nguyễn Hoành Khuông, thì e không đem về kịp trước khi Quốc
vương khởi trình.
Vậy phải đặc cách cho chạy ngựa trạm, giao sâm cho Tuần phủ
Tôn Vĩnh Thanh sai người đem đến ải Nam quan chuyển giao viên trấn mục nước Nam
đệ lên quốc vương thu nhận.293
Thế là vua Quang Trung được phe chiến bại hai lần biếu nhân
sâm, một của rất báu đối với thời đại bấy giờ theo như lời vua Thanh Càn Long
đã nói trong một tờ dụ khác:
Nhân sâm không phải là của dễ kiếm được, thế mà Thiên triều
ban cho như vậy, thật là cái ơn chan chứa ngoài lệ thường294
Nhận được nhân sâm rồi, vua Quang Trung sai viết biểu tạ vua
Càn Long, trong có những câu đập trúng vào nhược điểm ưa phỉnh của “Thiên triều”:
臣有母有親報答仰憑於大造
君為師為父生成深冀於隆霑
... Thần hữu mẫu hữu thân, báo đáp ngưỡng bằng ư đại tạo
Quân vi sư, vi phụ, sinh thành thâm ký ư long triêm
Dịch:
... Tôi có mẹ già, báo đáp nhờ công gây dựng lớn.
Ngài là sư phụ, sinh thành mong lắm móc mưa rào.
HAI THỚt VOI LÀM KHỔ NGƯỜI TÀU!
Xuân Canh Tuất (1790).
Phúc Khang An làm theo ý vua Thanh đã định trong tờ dụ gửi
cho vua Quang Trung ngày tháng năm năm Càn Long 54 (1789), giục quốc vương
(Quang Trung) sửa soạn sang triều cận.
Nhưng không muốn hạ mình làm một việc không xứng đáng đối với
khách chiến thắng, vua Quang Trung nói thác là có tang mẹ không tiện đi, xin
sai con là Quang Thùy đi thay vậy.
Cho thế là không nên, Khang An phái người sang Nam căn dặn dỗ
dành rằng: cực chẳng đã nếu quốc vương không thân sang triều cận được, thì nên
chọn lấy một người trạng mạo giống mình mà cho đi thay.
Sau khi được tin quốc vương nước Nam – kỳ thực chỉ là giả
vương – sắp sang triều cận, triều Thanh nhộn nhịp lo sắp đặt mọi việc đón tiếp
cho được chu đáo, vua Thanh dụ Phúc Khang An: đến tháng tám năm Càn Long 55
(1790) mới là tiết bát tuần vạn thọ. Mà nhà vua, năm ấy, nghỉ ở Nhiệt Hà suốt
mùa hạ, mãi đến mồng 3 tháng tám mới về Bắc Kinh. Vậy Khang An phải liệu tính
trước trình kỳ mà dặn bảo quốc vương nước Nam. Quốc vương có thể nội trong
tháng ba sẽ khởi hành. Và khoảng 21, 22 tháng bảy thì có mặt tại Nhiệt Hà cũng
được. Vua Thanh lại căn dặn An liệu tính hành trình cho vừa vặn, cốt khiến cho
quốc vương đi đường được ung dung, không đến nỗi phải vất vả295.
Về phần vua Quang Trung, ngài vẫn nhớ mình là nước nhỏ, không
muốn già néo để “dây” ngoại giao nửa chừng phải đứt, nên ngài chọn Phạm Công Trị
(là cháu gọi ngài bằng cậu)296 cho đội tên ngài, đóng vai giả vương, sang Tàu mừng
thọ.
Khi vua Thanh thấy Quảng Tây Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh tâu việc
Ngô Văn Sở báo tin quốc vương nước Nam định đến tháng ba năm Canh Tuất (1790)
thì sang chúc thọ và Sở tỏ ý muốn cùng đi chuyến ấy để thỏa lòng chiêm cận, vua
Thanh hý hửng ra mặt, phê vào biểu văn do sứ thần Tây Sơn Nguyễn Hoành Khuông
đem sang rằng:
Vui mừng xem rồi, thì bồi thần của khanh vừa đến, liền giao
cho y cầm về. Khanh xem lời châu phê của trẫm đây, càng nên vui mừng thêm. Sắp
được gặp nhau rồi ta cũng cùng một niềm ân cần ấy…297
Phương châm ngoại giao đã ấn định. Việc phái giả vương sang
Tàu liền được thực hiện.
Sứ bộ gồm có các quan văn võ cao cấp này:
Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh
Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc và Đỗ Văn Công… Ấy là không kể những viên quan thấp cũng
được cử đi cho đủ số như Đoàn Nguyễn Tuấn chẳng hạn.
Ngoài các yếu nhân đó của Chính phủ Tây Sơn, người ta còn nhận
thấy có cả Nguyễn Quang Thùy, con trai thứ của vua Quang Trung, cùng đi với giả
vương nữa.
Sứ bộ gồm 150 người đem theo tờ biểu văn tạ ơn vua Thanh về
việc tặng triều châu và hà bao do Nguyễn Quang Hiển298 sang sứ lần trước. Và đồng
thời lại cử sang Tàu một ban văn thự nhạc công đem theo mười bài từ khúc chúc
thọ (khánh chúc vạn thọ từ khúc thập chương) để biểu diễn, hát mừng vua Thanh về
dịp bát tuần vạn thọ.
Mười bài Chúc hỗ từ ấy là do Phan Huy Ích vâng mệnh vua Quang
Trung mà làm ra rồi sai viết vào bức kim tiên đệ sang Tàu.
Còn việc lựa lấy mười người nhạc công theo sang triều cận để
biểu diễn 10 bài chúc phúc ấy theo dịp phách giọng ca, là do chỉ dụ vua Thanh
đã dặn từ trước.
Về sau, khi sứ bộ đã sang tới nơi, dự yến ở ngự điện, bộ Lễ
nhà Thanh dẫn nhạc công nước ta vào hát mừng. Vua Thanh đẹp lòng, khen ngợi, hậu
thưởng cho tiền tệ; lại sai quan Thái thường kén lấy 10 người tuồng hát (chữ
nho là lê viên) ăn mặc theo lối nhạc công Nam: đội mão tú tài, vận áo cổ tràng
(giao lĩnh y), đồng thời hòa tấu giữa những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng sênh,
tiếng trống…
Vua Thanh lại vời nhạc công ta vào trong cung cấm dạy những
người “lê viên” ấy hát tiếng Nam, diễn khúc điệu: vài ngày tập quen.
Khi mở tiệc, người ta dẫn nhạc công Nam và Bắc chia đứng hai
hàng, đối mặt mà hát: thể cách cùng phù hợp nhau.
Mười khúc điệu ấy299 là:
1. Mãn đình phương
2. Pháp giá dẫn
3. Thiên thu tuế
4. Lâm giáng tiên
5. Thu ba tế
6. Bốc dưỡng tử
7. Yết kim môn
8. Hạ thánh triều
9. Lạc xuân phong
10. Phượng hoàng các300.
Ngày 29 tháng ba301 năm Canh Tuất (1790). Sứ bộ khởi trình từ
đô thành Nghệ An: qua ngày 13 tháng tư thì tới Lạng Sơn.
Giờ Tỵ, ngày rằm tháng tư, cửa ải Nam quan mở, Sứ bộ bước
sang nội địa Tàu, vào hành lễ ở Chiêu Đức cơ. Các đốc phủ trấn bên Thanh đem
các viên đài, phủ, huyện, tiếp ứng hộ vệ sứ bộ lên đường. Phúc Khang An làm bạn
đồng hành với giả vương. Ngựa nghẽo ồn ào, cờ quạt san sát, rung động cả hang
sâu, che rợp cả núi biếc. Cho nên Phan Huy Ích, tác giả Tình sa kỷ hành, tả
trong bài “Xuất quan”302 đã có câu:
滿山旗蓋護征塵
Mãn sơn kỳ cái hộ chinh trần
Nghĩa là:
Cờ lọng san sát đầy núi ủng hộ cho khách đi xa trên bước bụi
đời.
Ngoài các món biếu xén theo lệ thường, nhà Tây Sơn còn tặng
thêm nhà Thanh hai thớt voi.
Nhưng hai thớt voi này lại là một cái gánh nặng trút lên vai
người Mãn. Vì chạy từ trạm nọ qua trạm kia, người Tàu phải hầu voi, áp tải voi,
sao cho chu tất. Nên chi món quà biếu ấy đã gây thành cái nạn khổ sở, nhọc nhằn,
phiền phí cho người Thanh suốt một dọc đường.
CÁI SE MÌNH CỦA ÔNG HOÀNG TA
VUA THANH CŨNG PHẢI SĂN SÓC
Khi hay tin Quang Thùy cùng đi, vua Càn Long nhà Thanh tưởng
Thùy là Thế tử của quốc vương nước Nam, nên có đặc cách ban chỉ: phong Quang
Thùy làm Thế tử và hứa rằng khi Quang Thùy đến Nhiệt Hà, vào chầu, sẽ phát sắc
thư và ban áo mão.
Nhưng sau thấy phái bộ Đại Việt nói Quang Toản mới là Thế tử,
Quang Thùy chỉ là Vương tử thôi, vua Thanh bèn sai các thần đổi soạn sắc thư,
phong Quang Toản làm “An Nam quốc vương Thế tử”. Trong bài chế sách phong ấy có
những câu vuốt ve Quang Toản, như:
… túy chất ôn thuần,
Anh tư khôi đặc
Thính hạc minh chi âm họa, duật bồi lan ngọc thành hàng.
Đương Lý huấn chi thân thừa, khoái đổ hành chi xuất đốt.
Di yến dực nhi trấn phủ hữu phương, chấn vi trưởng tử.
Dị long quang nhi cơ cừu khắc thiệu, tấn hiệp khang hầu…
Và thêm những lời khuyên gắng:
Tại gia tư hiếu, tại quốc tư trung, lệ nãi tâm ư phỉ giải.
Học vi nhân thần, học vi nhân tử, tu quyết nghiệp dĩ vô
khiên..303
Dầu vậy, đối với Quang Thùy trong chuyến đi này, vua Thanh
Cao Tông cũng tỏ ý rất ân cần trọng đãi. Chứng cớ ấy cũng tỏ rõ trong những đồ
ban tặng này:
Một đôi ngự dụng hà bao lớn304,
Hai đôi hà bao nhỏ,
Bốn hộp hương khí,
Dọc đường, Quang Thùy nhuốm bịnh! Hay tin ấy, vua Thanh lại
thưởng cho Quang Thùy một cái như ý bằng ngọc (ngọc như ý nhất bính) và kèm
thêm những lời chúc lành: “… Để làm điềm tốt lành lớn, tức khắc ngày nay được
qua khỏi yên lành.”
Rồi vua Thanh lại dụ Phúc Khang An phải để Vương tử Quang
Thùy về trước điều trị, phải phái người hộ tống Vương tử đến tận cửa ải giáp giới
nước Nam.
Làm theo mệnh lệnh ấy, viên Tổng đốc Lưỡng Quảng Tàu bấy giờ
phải cắt người đưa Quang Thùy đến cửa Nam quan để trước về nước chữa chạy thuốc
thang. Còn giả vương và phái bộ cứ việc thuận đường thẳng trẩy.
Giả vương ĐƯỢC HƯỞNG NHỮNG CÁI TÔN QUý của TÀU
Giả vương và phái bộ Đại Việt được nhà Thanh ứng tiếp cực
long trọng. Từ châu Ninh Minh tỉnh Quảng Tây ra đi, phàm các thứ gạo, bột, rau,
thịt hằng ngày đều do các nhà chuyên trách Mãn Thanh tiếp tế cung ứng hoặc đi
đường thủy hoặc đi đường cạn. Từ đường xá trên bộ đến đò bến mặt thủy thảy đều
chỉnh tề nghiêm túc để đón rước vị thượng tân của triều đình. Dọc đường yến tiệc
khao thết giả vương và phái bộ Đại Việt rất ưu hậu. Hễ có của ngon, vật lạ gì,
vua Thanh lại sai chạy ngựa trạm đưa đến thết khách.
Khi giả vương cùng Phúc Khang An mới khởi trình từ tỉnh Việt,
vua Càn Long sai đưa tặng giả vương bánh sữa, quạt và đồ hương khí.
Vua Thanh lại dặn Phúc Khang an: trong khi đi đường, bạn tống
quốc vương nước Nam, hễ được vua Thanh phê phán gì vào những tờ trần tấu của An
thì An cũng nên đưa cả cho quốc vương cùng xem khiến cho trong lòng quốc vương
khỏi ngờ vực. Ấy là chưa kể những quà vua Thanh đưa tặng quốc vương như một đôi
ngự dụng hà bao lớn, ba đôi hà bao nhỏ, sáu hộp hương khí và những lời khen lao
phê vào biểu văn, nào “tình từ chân chí”, nào “truân thiết thành khẩn” là khác.
Quốc vương, khi ở nước, thường đeo cái đai da sắc đỏ (hồng
thinh). Vua Thanh muốn tỏ ý ưu đãi khách chiến thắng một cách khác thường, sai
chế sẵn áo mão đúng kiểu để thưởng cấp cho giả vương sau khi tới kinh. Ngoài đó
ra, vua Càn Long lại định thưởng thêm cho chiếc “hoàng kim thinh đới” nữa.
“Hoàng kim thinh đới?” Một thứ đai bằng da có cẩn hoặc nạm
vàng. Theo như lời dụ của vua Thanh, thì thể chế Mãn triều bấy giờ chỉ những bực
tông phiên (phiên thần họ đồng tông với nhà vua) mới được dùng thứ đai ấy. Thế
mà nay ban nó cho giả vương nước Nam thật là một thứ “sủng vinh khó gặp”.
Vua Thanh lại dặn: trong khi đi đường, quốc vương nên cứ thắt
cái đai đỏ (hồng đới), đợi khi tiến kinh, vào diện cận, bấy giờ sẽ để thưởng để
thắt chiếc đai vàng mà “Thiên triều” đã sắm sẵn cho kia305.
Bấy giờ vua Thanh Cao Tông mới in xong cuốn Ngự chế tập, Thạch
cổ thi tự, mặc khắc liền gửi tặng giả vương một tập.
Trong khi bạn tống giả vương, Phúc Khang An không quên làm
công việc như một nhà trinh thám: Phàm tình hình đi đường với giả vương thế
nào, An đều tâu hết với vua Thanh.
Chẳng những vậy, ba bức thư của giả vương gửi về Thăng Long
và các chỗ khác cũng đều bị An sao lục rồi tiến trình lên vua Mãn Thanh. Giả
vương cũng đã liệu trước tất có sự “kiểm duyệt thư tín” ấy, nên các thư tín gửi
về nước đều không niêm cả.
Khi vua Càn Long xem lời tâu và bản sao lục của An, có khen
quốc vương cẩn thận và biết việc. Lại khen trong thư quốc vương phân xử việc nước
thật là rành rọt có thứ tự, có đầu mối.
Nhưng, nhân việc này, ta thấy thêm cái vi ý nhà Thanh rất ân
cần trọng đãi nhà Tây Sơn bấy giờ:
Sau khi nhận thấy việc “kiểm duyệt thư tín” ấy chẳng những
khiếm nhã đối với vị thượng tân, mà lại làm bất tiện và ngăn trở đến việc riêng
của khách nữa, nên vua Thanh có dụ Phúc Khang An:
Quốc vương vào triều, chúc thọ, đi lại phải lâu mất độ tám,
chín tháng. Tất phải có thư đi tin về để bàn bạc việc nước. Nếu hết thảy thư
tín đều không niêm chẳng hóa ra không phải là đạo tỏ tín nghĩa với người ngoài?
Tức thì vua Thanh ra lệnh: Từ rầy trở đi các thư tín đi lại,
quốc vương không cần nệ theo cái thành lệ mà hết thẩy phải không niêm nữa. Đó
là một cách ưu đãi khác thường, vì theo thể chế nhà Thanh bấy giờ, phàm các ngoại
phiên đệ trình văn báo đều không được niêm phong.
Tháng năm, giả vương bước vào địa phận tỉnh Giang Tây. Vua
Thanh được tin do tờ “truyền đơn” của tỉnh Trực Lệ đứng khắc, khai rõ: để cung ứng
quốc vương An Nam, mỗi ngày tiêu về “túc điếm”306 hết 2.000 lạng bạc, “tiêm điếm”307
hết 1.000 lạng. Từ Châu phải góp thêm 500 lạng; Thanh Uyển phải góp thêm 1.000
lạng. Số bạc hơn 4.000 lạng ấy chỉ để cung ứng ở dọc đường. Ấy còn chưa kể những
tiền chi phí về yến tiệc, thuyền bè, xe, ngựa, phu hầu…
Vua Thanh giựt mình, phát gắt, dụ bọn quan lại có trách nhậm
về việc tiếp khách ấy rằng: “Ngay như nhà vua thết đãi các bậc vương công, đại
thần Mông Cổ và các sứ thần các nước, mỗi lần dùng đến một trăm mâm cỗ yến thế
mà cũng chỉ tiêu hết đến một nghìn lạng bạc là cùng.”
Về việc này, tóm lại là do Phúc Khang An ban đầu làm việc
chưa biết tính toán châm chước! An lại có ý cao hứng, cho việc ngoại phiên thân
đi triều cận là việc hiếm thấy trong sử sách nên mới sinh phô phang để đến nỗi
các viên đốc phủ ở các tỉnh như Giang Tây đón ý lướt theo, rồi cứ lần lượt tăng
dần lên mãi! Họ lại muốn sửa lại cả đường sá cầu cống và trang hoàng cả những
nhà cửa ở dọc đường. Rất đỗi, người ta lại định đốn bỏ hết những cây cối khô chết
ở vệ đường nữa!
Rồi vua Càn Long đoán: “Số bạc cung ứng ấy nếu không phải do
bọn tổng biện tạ sự chấm mút, tất do những viên đi hộ tống quốc vương bày vẽ
xoay xỏa ở dọc đường. Nếu việc ấy khởi đầu từ Quảng Tây thì lỗi tại Phúc Khang
An; nếu từ Giang Tây thì lỗi tại Hà Giụ Thành.”
Chỉ vì một việc cung ứng giả vương này, vua Thanh phải một
phen nhọc lòng, mệt trí để tra xét việc “mỗi ngày tiêu hết 4.000 lạng bạc” ấy.
Sau té ra tờ truyền đơn in chương trình kê các khoản cung ứng giả vương đó là
do Lương Khẳng Đường ở Trực Lệ định ra. Nhưng kỳ thực phí tổn về “tiên điếm” và
“túc điếm” suốt dọc đường ở những nơi giả vương trẩy qua, mỗi ngày cũng hết hơn
hai trăm lạng bạc!
Mồng 8 tháng sáu, giả vương rời khỏi Nam Xương (thuộc tỉnh
Giang Tây). Qua ngày 15 tháng ấy, giả vương được thưởng cái thú trăng rằm ở
Hoàng Cương thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Vũ Xương, một địa điểm sẽ ghi bằng chữ vàng trên trang lịch sử
Trung Hoa Dân Quốc sau này, vì chính tại đó Hoàng Hưng kéo cờ nghĩa, thực hành
công cuộc quang phục giữa năm Tân Hợi (1911). Chẳng dè trước đây hơn một trăm
năm, giả vương Đại Việt đã được hưởng cái thù phụng sung sướng ở đất ấy (ngày
16, tháng sáu, năm Canh Tuất, 1790).
Ngày 24 tháng sáu, hoa cỏ Hứa Châu (cách Nhiệt Hà hơn 2.100 dặm)
đón chào giả vương và phái bộ Đại Việt.
Để tỏ tình thân mật và ý trọng đãi khách quý, vua Thanh sai
chạy ngựa trạm đưa đến 5 quả vải (lệ chi ngũ cá) tươi mới tặng giả vương hai,
Ngô Văn Sở một. Còn hai quả? Cố nhiên về phần Phúc Khang An. Cái ý ân cần trịnh
trọng của vua Thanh tỏ rõ trong lời dặn Phúc Khang An nói với giả vương: “Vải sản
ở phương Nam. Chắc An Nam cũng có của này, tưởng không quý mấy. Nhưng ở kinh đô
bên này (Tàu) không hề có vải; mỗi năm phải do Mân Nam dâng tiến, nên rất quý.
Trừ phi bậc vương, công đại thần thì không được hưởng cái ơn khác thường ấy.
Nay đặc cách cho chạy trạm đem đến ban thưởng (bưu thưởng), thật là một thứ ơn
ban ngoài lệ thường. Lại nghĩ: Ngô Văn Sở là bề tôi thân tín và đắc lực của quốc
vương, chuyến này Sở lại nài xin mấy lần để cùng đi chiêm cận, đáng khen tấm
lòng thành đó! Vậy nên Sở cũng được hưởng cái ân thưởng này.”
***
Đầu thu. Gió heo may như gợi tấc lòng tha hương lữ thứ. Phái
bộ Đại Việt ngày mồng 1 tháng bảy, đặt chân trên đất Từ Châu thuộc tỉnh Trực Lệ,
giả vương cùng các nhân viên tùy tòng, khi sắp tới kinh đô nhà Thanh, đã thấy Đức
Minh, Thị lang Bộ Lễ, thân đón tiếp ở tận Lương Hương.
Rồi giả vương dùng trà do vua Thanh từ trước đã sai Kim Giản
cắt trà phòng thị về theo Đức Minh đến chực sẵn để dâng tiến.
Để tỏ ý ưu đãi khác thường, vua Càn Long, khi tiếp giả vương ở
hành cung Nhiệt Hà, cho làm lễ “bão kiến, thỉnh an” trong một bầu không khí cực
êm đềm, thân mật. Lễ đó, theo như lời dụ của vua Thanh Cao Tông, chỉ những ai
trong bọn đại thần có nhiều huân lớn, công to mới được dùng.
Đến Nhiệt Hà, giả vương được vua Thanh ân cần tiếp đãi và ban
tặng bài thơ, đại ý nói: Năm trước phải đem binh sang Nam, là cốt khôi phục cho
nhà Lê. Nhưng nhà Lê đã đến lúc không được trời tựa, nên phải phong cho họ Nguyễn
(Tây Sơn) vì Nguyễn đã quy phục thật tình. Rồi, với giọng “đạo mạo” của hạng
người “ta đây kẻ giờ”, tác giả bài thơ ấy trịnh trọng khuyên: “Phải nên giữ gìn
lấy đất nước, đừng để họ khác nổi lên. Dặn con cháu phải nên dốc một lòng thần
phục Đại Thanh. Lúc nào cũng nên kính cẩn nơm nớp như cầm bát nước đầy. Như vậy
mới được tắm gội ơn trời và hưởng phúc lâu dài.”308
Ngày 20, tháng tám năm Canh Tuất (1790). Sứ bộ ta được vua
Thanh ban chỉ khiến về nước. Giữa ngày ấy, sứ bộ ăn tiệc ở đền Chính Đại Quang
Minh với bao nhiêu vẻ huy hoàng lộng lẫy. Rồi hai sứ thần là Phan Huy Ích và Vũ
Huy Tấn, được đặc cách vời đến bên ngự tọa vua Tàu, được ban thứ rượu “đề hồ” đựng
trong chén bích ngọc do chính tay vua Thanh Cao Tông rót mời.
Để ghi việc vui mừng mà cảm động ấy, Phan Huy Ích có viết một
bài trường thiên này:
聖壽啓昌辰 Thánh thọ khải xương thì,
梯航同祝嘏 Thê hàng đồng chúc hỗ,
指南早錫軿 Chỉ Nam tảo tích biền,
宴筵隆寵數 Yên diên long sủng số,
班列粛明堂 Ban liệt túc Minh Đường
曉雲擁鸞輅 Hiểu vân ủng loan lộ
烟裊寶爐香 Yên niễu bảo lô hương
丹庭奏韶濩 Đan đình tấu Thiều hộ
恩旨自天來 Ân chỉ tự thiên lai
禮官呼潘武 Lễ quan hô Phan Vũ
應召起出班 Ứng triệu khởi xuất ban
五中喜且懼 Ngũ trung hỉ thả cụ!
傴僂登殿堦 Khu lũ đăng điện giai,
閣老前引步 Các lão tiền dẫn bộ,
趨向龍座旁 Xu hướng long tọa bàng
曲跽聆溫論 Khúc kỵ linh ôn dụ
案頭玉酒壺 Án đầu ngọc tửu hồ
斟酌出御手 Châm chước xuất ngự thủ
親賜碧玉巵 Thân tứ bích ngọc chi.
加額恭領受 Gia ngạch cung lĩnh thụ.
傾飲不敢餘 Khuynh ẩm bất cảm dư
醍醐潤肺腑 Đề hồ nhuận phế phủ.
反爵交侍臣 Phản tước giao thị thần,
叩謝連稽首 Khấu tạ liên khể thủ.
降堦還就班 Giáng giai hoàn tựu ban
足蹈而手舞 Túc đạo nhi thủ vũ!
聖人子庻邦 Thánh nhân tử thứ bang.
恩育曠前古 Ân dục khoáng tiền cổ
海南翰墨臣 Hải Nam hàn mặc thần
僥倖叨簡顧 Kiêu hãnh thao giản cố!
表詞嘉肫虔 Biểu từ gia truân kiền,
珍品賞詩句 Trân phẩm thưởng thi cú.
禁內賜遊觀 Cấm nội tứ du quan
特召凡三度 Đặc triệu phàm tam độ
趨蹌殿陛間 Xu xương điện bệ gian
奎文幸親睹 Khuê văn hạnh thân đổ.
重奉御前杯 Trùng phụng ngự tiền bôi,
天尊洒甘露 Thiên tôn sái cam lộ
旌獎荷鴻施 Tinh tưởng hạ hồng thi
韶釣長戀慕 Thiều quân trường luyến mộ,
藩國奉琛頻 Phiên quốc phụng thám tần.
幾得竒遭遇 Kỷ đắc kỳ tao ngộ?
飛箋報國人 Phi tiên báo quốc nhân:
皇華第一部 Hoàng hoa309 đệ nhất bộ310.
Dịch:
Thánh mở vận xương minh.
Lặn lội đi chúc thọ;
Xe chỉ nam sớm ban
Tiệc linh đình được dự.
Ban cò311 tắp Minh Đường312.
Xe loan mây sớm phủ.
Đỉnh trầm tỏa khói thơm
Sân rồng hòa nhạc Hộ313
Ân chỉ xuống từ trời;
Lễ quan kêu Phan314, Vũ315.
Được vời ra khỏi ban
Hồi hộp mừng lẫn sợ…
Khúm núm bước lên thềm
Theo các thần316 dẫn bộ.
Rảo đến bên ngai rồng
Khom quỳ, nghe ngọt dụ
Chính tay vua nghiêng bầu
Rót rượu trên án ngự
Chén bích ngọc thân ban
Ngang trán giơ, lĩnh thụ
Cạn chén không bớt thừa
Rượu ngon nhuần tạng phủ
Trao chén lại thị thần
Tạ ơn liền khể thủ
Xuống thềm trở về ban
Chân khoa, tay lại múa!
Coi các bang như con
Ơn ấy hiếm từ cổ
Văn thần góc biển Nam
Ưa may được quyến cố.
Khen: lời biểu truân kiền317;
Thưởng thơ: ban của lạ
Cung cấm cho đi xem
Riêng vời những ba độ,
May được ngó khuê văn318.
Khi rảo nơi đường bệ.
Lại được chén ngự tiền:
Rượu trời rảy cam lộ
Khen, thưởng: ơn rộng to!
Tiếng Thiều319 lòng tríu mộ,
Phiên quốc tuy năng sang
Kỳ thay nay gặp gỡ!
Báo tin người nước hay:
Thứ nhất đây Sứ bộ!
Vua Tàu rót rượu mời sứ thần Đại Việt: thật là một việc chưa
từng có trên trang sử ngoại giao giữa ta và Tàu xưa.
Phải, trong con mắt của vua Tàu ngày trước, người mình ở những
triều suy yếu, có được đếm xỉa gì đến đâu. Ngay như vua Lê Chiêu Thống, khi thất
thế ở Tàu, chỉ được người Thanh liệt vào hàng quan tam phẩm; huống chi là hạng
sứ thần đi phò một ông giả vương! Nếu không phải vì triều Quang Trung có binh mạnh
tướng hùng, súng ròng, gươm bén ở sau lưng làm hậu thuẫn cho ngoại giao và các
văn thần đương thời đã dùng văn chương làm vẻ vang cho nước, thì chúng ta ngày
nay đâu có hân hạnh được đọc bài thơ ghi cái vinh dự lớn trong hội “áo xiêm ngọc
lụa” ấy!
PHÁI BỘ QUAY VỀ VỚI VINH DỰ
Mồng 4 tháng mười. Sứ bộ quay về đến tỉnh thành Hồ Nam. Khi
thấy Trần Dụng Phu, một viên quan nhà Thanh, tâu trình về việc quốc vương nước
Nam từ khi ngồi thuyền thì sự phục thực khởi cư có phần thuận tiện thỏa thích
và tinh thần lại càng sảng kiện hơn lúc đi trên đường bộ, vua Thanh lấy làm mừng
rỡ lắm320.
Hằng năm, vua Thanh vẫn thân viết chữ “Phúc” ban cho các
vương, công đại thần và các đốc, phủ các tỉnh để làm quà mừng xuân mới.
Nay vua Thanh muốn tặng món quà ấy cho quốc vương Đại Việt,
nhưng sợ đến mồng 1 tháng Chạp mới thử bút rồi viết đưa cho thì, khi quốc vương
nhận được, đã qua tết Nguyên đán mất rồi! Vì vậy, vua Thanh phải đặc cách viết
trước, khiến cho quốc vương nhận được ngay từ trong năm để đến sang Giêng năm mới,
treo chơi trong dịp tân xuân.
Để tiễn gót quốc vương về nước, Trần Dụng Phu hộ tống suốt cả
dọc đường. Khi về đến Nam quan đã là ngày 29 tháng mười một. Bấy giờ mới cùng
nhau từ biệt. Lúc đó đã gần ngày lễ Gia Bình tức ngày lễ Chạp. Vua Thanh, ngoài
chữ “Phúc” nói trên, lại ngự viết chữ “Thọ” để ban tặng cho quốc vương làm quà
cát khánh trong tiết tân xuân321. Đồng thời còn tặng thêm những quà như:
Một hộp các trái cây đã làm thành mứt để dùng ở dọc đường
(nhưng dặn không cần viết biểu tạ ơn).
Một đôi hà bao lớn trong đựng đồ bát bảo bằng các thứ ngọc thạch
các màu sắc.
Vua Thanh lại chính tay viết để tặng quốc vương bốn chữ đại tự
“Củng cực quy thành” (拱極歸誠)322 và đôi câu đối:
祝嘏效尊親永矢丹忱知弗替
Chúc hỗ hiệu tôn thân, vĩnh thỉ đan thầm tri phất thế323
覲光膺寵錫載稽青史未前聞
Cận quang ưng sủng tích tái kê thanh sử vị tiền văn324
Ngày 11 tháng bảy năm Canh Tuất (1790), khi giả vương bệ kiến
ở hành cung Nhiệt Hà, vua Càn Long có tặng một bài thơ do nhà vua tự làm lấy:
瀛藩入祝值時巡
初見渾如舊識親
伊古未聞來象國
勝朝徃事鄙金人
九經柔遠祇重驛
嘉會於今勉體仁
武偃文修順天道
大清祚永萬千春
Doanh phiên nhập chúc, trị thời tuần,
Sơ kiến, hỗn như cựu thức thân.
Y cổ vị văn lai Tượng quốc.
Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân
Cửu kinh nhu viễn chi trùng dịch
Gia hội ư kim miễn thể nhân.
Võ yển, văn tu, thuận Thiên đạo
Đại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân...325
Giả vương bảo Phan Huy Ích họa lại bài ấy:
上塞恭瞻玉輅巡
傾葵一念效尊親
波澄桂海遵候度
日暖蓂階見聖人
萬里梯航歸有極
九天雨露沐同仁
乾行景仰無疆壽
普率胥陶帝世春
Thượng tái cung chiêm ngọc lộ tuần,
Khuynh quỳ nhất niệm hiệu tôn thân
Ba Trừng, Quế Hải tuân hầu độ
Nhật noãn minh giai kiến thánh nhân
Vạn lý thê hàng qui hữu cực
Cửu thiên vũ lộ mộc đồng nhân
Kiền hành cảnh ngưỡng vô cương thọ.
Phổ suất tư đào đế thế xuân.326
Bài họa vần ấy dâng lên, được vua Thanh châu phê khen rằng:
“Thi diệc gia thỏa” (thơ cũng hay và êm).
Giả vương còn được tặng tiễn rất hậu:
Bốn đôi hà bao nhỏ trong đựng đồ bát bảo bằng vàng và bằng bạc.
Một cái hà bao trong chứa bốn cái kim ngân tiền và bốn thứ đồ
đeo bằng vàng, bạc.
Áo mặc, đồ dùng, một vạn lạng bạc và các đồ thượng phương
trân ngoạn (đồ quý báu của nhà vua chơi).
Khi giả vương vào bệ kiến xin từ biệt, vua Thanh muốn tỏ tình
ân cần thân thiết, bèn mời vào bên giường ngự, lấy tay vỗ vai giả vương, vỗ về
yên ủi ôn tồn. Lại sai họa công vẽ một bức chân dung đưa tặng để làm kỷ niệm.
Sứ bộ đi từ cuối xuân Canh Tuất (1790) đến 29 tháng mười một
năm ấy thì về.
Những cuộc tiếp đón và tiễn đưa đã làm triều đình Thanh mất
ngót một năm bộn rộn. Sứ giả Mãn Thanh do vua Càn Long sai phái trong dịp có
khách chiến thắng này tấp nập đi lại, vẽ thành một cảnh náo nhiệt ở dọc đường.
Cho nên Đoàn Nguyễn Tuấn, một người trong Sứ bộ hồi ấy, đã viết
bằng giọng đắc thắng ở cuối cuốn Tinh Sà Kỷ Hành327 của Phan Huy Ích, một tập
thơ ký thuật chuyến đi sứ này, rằng:
... Thị hành dã, Đại hoàng đế đặc cách Đốc thần bạn tống; Chu
xa tinh kỳ diệu nhân nhĩ mục. Sở chí quan lại bôn tẩu nghinh phó, Thu, để Nhiệt
Hà hành cung; phục tòng Giá, hồi Yên Kinh, chi Tây Uyển, Liên tuần tiến yết:
thiên sủng ưu dị. Tòng lai ngô quốc sứ Hoa vị hữu như thử chi kỳ thả vinh giả!...328
Nghĩa là:
... Chuyến đi này được nhà vua (Thanh) đặc cách cho quan Tổng
đốc (Tàu) đi bạn tống. Thuyền xe cờ quạt quáng cả tai mắt người ta. Đi tới đâu,
quan lại phải bôn tẩu đón tiếp đến đó. Mùa thu (Canh Tuất, 1790), đến hành cung
ở Nhiệt Hà; lại theo xa giá (vua Thanh) về Yên Kinh, đi Tây Uyển. Luôn luôn tiến
yết hàng tuần, được ơn trời âu yếm, ưu đãi khác thường. Trước giờ người mình đi
sứ Tàu chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như vậy...
Đó, một cuộc chiến thắng về ngoại giao của vua Quang Trung! Một
trang vinh dự viết bằng chữ vàng trên đoạn Nam sử cận đại!
GIÚP TÀU ĐÁNH DẸP GIẶC CƯỚP
Phạm Quang Chương làm đồn tướng dưới triều Quang Trung, ngày
11, tháng bảy, năm Canh Tuất (1790) đi tuần trên mặt bể, gặp một chiếc thuyền của
bọn Trần Triêu Cầu là thuyền hộ ở huyện Tuy Khê tỉnh Quảng Đông bị cướp biển
bóc lột; Chương bèn đánh giết bọn cướp, thu lại được chiếc thuyền ấy cho Triêu
Cầu.
Bấy giờ giả vương nước Nam đang ở bên Tàu, vua Thanh lấy làm
khen ngợi về việc này lắm. Thanh Càn Long sai thưởng cho Chương hai tấm đoạn lớn
nhưng bắt giao tận nơi giả vương để khi về nước, giả vương cấp cho đồn tướng Phạm
Quang Chương. Vua Thanh lại dặn: “An Nam và Việt đông giáp liền nhau về mặt biển,
hễ gặp có thuyền cướp trốn nấp ở miền duyên hải thuộc bờ cõi của quốc vương thì
quốc vương cần nên sức bảo các trấn mục đồn tướng tiễu bắt nghiêm nhặt. Nếu
chúng chống sự bắt bớ thì cứ việc giết đi, chứ đừng nên cho là người của Trung
Quốc, mà còn e dè, miễn là cốt giữ cho yên ở mặt biển…”329
Khi Ngô Văn Sở làm thủy quân đô đốc, Lê Văn Nhân làm đô đốc,
sau khi tiếp được công văn của nhà Thanh bảo hội binh tiễu giặc, liền sai tướng
đem binh lính đuổi bọn giặc Tàu: giết chết hơn 20 đứa, bắt sống được 2 tên, rồi
giao hai tên bị bắt ấy cho Đề Sảnh nhà Thanh xét xử. Vua Thanh để thưởng công
cho các quan ta trong vụ này, có sai Phúc Khang An đem tặng các thứ như nhiễu,
chè tàu, vải tàu, ngân bài…330
ĐỐI VỚI TIÊM LA
Tây Sơn nổi lên từ năm Tân Mão (1771), ban đầu còn đụng chạm
với chúa Nguyễn ở Thuận Quảng, rồi cuộc chiến cứ lan rộng ra khắp Gia Định lục
tỉnh, sau chậy đến cả những đảo Phú Quốc, Côn Lôn…
Cuộc nội chiến này đã hấp dẫn lính Xiêm đặt chân lên luống cầy
ở đất Lục tỉnh cũng như cuộc bôn bá của vua Lê Chiêu Thống ở Bắc Hà đã đưa quân
Thanh đến đóng ở thành Thăng Long.
Nguyên từ hồi Long Xuyên thất thủ, chúa Nguyễn Ánh đã sai Mạc
Thiên Tứ và Tôn Thất Xuân sang Tiêm cầu cứu. Đến tháng sáu năm Mậu Tuất (1778),
chúa Nguyễn Ánh lại sai cai cơ Lưu Phúc Trung sang Xiêm tu hiếu331 và hỏi tin tức
Thiên Tứ.
Năm Giáp Thìn (1784) như trước đã nói, chúa Nguyễn Ánh qua
Tiêm La cầu Xiêm cứu viện. Bọn tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương332 đem hai
vạn thủy binh và ba trăm chiến thuyền sang Nam. Bấy giờ Trương Văn Đa, phò mã
Tây Sơn đang đóng giữ Gia Định, vội vàng cáo cấp với Nguyễn Huệ hồi ấy còn làm
Long Nhương Tướng quân. Long Nhương Tướng quân bèn làm theo chiến lược của Lê
Xuân Giác: đem hết quân cứng mạnh đặt mai phục ở Xoài Mút333 (thuộc Định Tường)
bên Rạch Gầm334 rồi dùng chước nhử quân Xiêm đến.
Quân Tiêm La đã không thuộc đường đất, lại quen mui mấy trận
thắng lợi ban đầu, cứ đổ rốc xuống Mỹ Tho. Long Nhương Tướng quân liền thúc
quân thủy, quân bộ đổ ra đánh úp: Tiêm binh phải đại bại, chỉ còn vài nghìn
quân tàn theo đàng núi Chân Lạp nheo nhóc trốn về335.
Sau trận thua năm Giáp Thìn (1784) này, người Xiêm sợ Tây Sơn
như sợ cọp336.
Vì những việc đã xảy ra như thế, nên Tây Sơn và Tiêm La hồi ấy
thường có những chuyện xích mích trên đường ngoại giao.
Đến năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung đã giảng hòa với
Mãn Thanh, đã phái sứ bộ Đại Việt sang Tàu để gây mối thiện cảm.
Khi sứ ta và sứ Tiêm gặp nhau ở khuyết đình nhà Thanh, hai
bên cùng dự yến tiệc đến gần hai tuần, thế mà vẫn không có hình tích một chút
nào cả. Vả, trong khi cùng liệt ở triều ban bên Tàu, đâu đấy noi theo điển
nghi, ai nấy túc mục, sứ ta cũng như sứ Xiêm, cả hai đều lãng quên những tư hiềm
về việc nước337.
ĐỐI VỚI AI LAO VÀ DIẾN ĐIỆN338
Ai Lao ở về phía tây nước ta. Xưa, về đời vua Lý Thánh Tông
(1054 -1072), năm Long Chương Thiên Tự thứ 2 (1067) mới bắt đầu sang ta dâng lễ
cống. Sau đó lại không thông hiếu339 gì nữa. Năm Hưng Long thứ 5 (1297) đời vua
Trần Anh Tông (1293-1314), Ai Lao xâm lấn Long Giang, Phạm Ngũ Lão đem quân
đánh phá quân Lào, lấy lại được chỗ đất người Lào đã chiếm.
Khi Bình Định vương Lê Lợi mới khởi nghĩa, (1418), đánh giặc
Minh, người Lào có kết hiếu với ngài. Sau, vì có hiềm khích gì đó, Ai Lao đem
quân đánh úp dinh trại của Lê Lợi: ngài đốc quân đánh lại, phá tan được quân
Lào. Từ đó, giữa ta và Lào, đứt hẳn sợi dây giao hiếu.
Cuối đời Lê mới bắt đầu gọi nước Ai Lao là Vạn Tượng.
Đời chúa Hi Tông triều Nguyễn, Nhâm Tuất năm thứ 9, đặt Ai
Lao doanh để giao thông với các bộ lạc ở phía tây bắc. Quốc trưởng Ai Lao mới
sai sứ dâng biểu, xưng phiên, sửa lễ cống340.
Năm Tân Hợi (1791), vua Quang Trung, vì thấy Chiêu Ấn, quốc
trưởng Ai Lao, không dâng cống, bèn sai Nghệ An Đốc trấn Trần Quang Diệu làm Đại
Tổng quản và Đô đốc Lĩnh tượng chính Lê Văn Trung làm đại tư lệ đem hơn vạn
quân sang đánh phá nước Lào. Vua Ai Lao cự chiến không nổi, phải kéo quân trốn
đi. Bọn Diệu vào trong thành, thu hết vàng bạc, của báu, ngựa, voi đem về, và chia
quân ở lại đóng giữ nước Vạn Tượng341.
Trong khi vua Quang Trung trị vì, chẳng những Ai Lao phải
thông sứ, tu cống, mà cả nước Diến Điện cũng sai sứ do đường duyên biên châu
Hưng Hóa vào thông hiếu với ta nữa.342
PHẦN THỨ TƯ: NỘI TRỊ
D
ẸP PHÁI PHẢN ĐỘNG
Đối với “bếp lửa” nhà Lê, sau khi đã vạc, vua Thanh Càn Long,
cũng như vua Quang Trung, không muốn một tàn lửa nào có thể nhân hơi gió hay sức
quạt mà bùng bốc lên nữa.
Khi cho bọn Nguyễn Đình Bái 38 người (đám theo vua Lê Chiêu
Thống) cùng với 43 người trong gia quyến họ về nước, vua Thanh phải dặn Phúc
Khang An nới với quốc vương (chỉ vua Quang Trung) biết trước rằng họ về đến nước
Nam, thì quốc vương cứ quản thúc. Về phần họ, chắc họ phải yên phận, giữ phép
không dám gây sự khuấy rối gì đâu. Nhưng nếu họ có mật đem thư tín Lê Duy Kỳ
(Chiêu Thống) về nước để phiến hoặc lòng người, thì quốc vương cứ việc trừng trị,
không cần phải e dè kiêng nể vì cớ bọn họ đã do “Thiên triều” cho về.
Nhưng, than vạc lại hồng kia không phải do bọn ở Tàu về, mà lại
chính bởi Hoàng Ba Lê Duy Chi (em vua Chiêu Thống), người vẫn lẩn quất ở trong
nước.
Duy Chi343 thấy cuộc Việt Thanh giao thiệp đã mười phần xong
xuôi, không thể còn gửi hy vọng “cuốn bụi lại về” vào anh là Chiêu Thống nữa,
bèn lén đến châu Bảo Lạc thuộc trấn Tuyên Quang, nương tựa viên thổ tù tên là
Khoan Triều, rồi chiêu hiền, mãi mã, có chí khôi phục nhà Lê. Lúc ló ra, lúc im
bặt, tung tích bất thường, Duy Chi khuấy rối một vùng biên thùy, Tây Sơn nhiều
lần phái quân đi tiễu mà chưa dẹp yên được. Từ đó, Duy Chi lẩn quất ở trong rừng
núi, người ta không biết đích xác ở đâu.
Khi hay tin Duy Chi lại vùng vẫy ở Bảo Lạc, tràn lan đến cả
những vùng Mục Mã, Thái Nguyên, quan lưu thủ thành Thăng Long liền cắt Phan Văn
Chuẩn đem binh đi dẹp.344
Sau lại dựa vào lực lượng bọn thổ tù Nùng Phúc Tấn và Hoàng
Văn Đồng, Duy Chí chiếm giữ Tuyên Quang, Cao Bằng làm chỗ đứng chân, rồi liên kết
với các xứ Vạn Tượng, Trấn Ninh, Trịnh Cao và Quy Hợp, mưu đánh phá trấn Nghệ
An trước.
Sức phản động ấy không phải không to! Song kết cục, dưới thế
lực toàn thịnh của Tây Sơn bấy giờ, “chim chích” vẫn không sao địch nổi “bồ
nông” được.
Năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung sai Đại Tổng quản Trần345
Quang Diệu và Đô đốc Nguyễn Văn Uyển đem 5.000 tinh binh do đường phía trên trấn
Nghệ An đi đánh dẹp, bắt ngay được hai cừ khôi xứ Trấn Ninh là Thiệu Kiểu, Thiệu
Đế (tháng sáu năm Canh Tuất), diệt được hai xứ Trịnh Cao, Qui Hợp (tháng tám,
năm ấy): đánh được xứ Vạn Tượng khiến cho Quốc trưởng xứ ấy phải bỏ thành chạy
dài, phó mặc voi, ngựa chiêng, trống cho quân Tây Sơn chiếm lấy. Luôn dịp quân
Tây Sơn đuổi riết đến xứ Tiêm La (nay là Thái Lan) chém được chủ súy xứ Vạn Tượng
là Tả Phan Dung và Hữu Phan Siêu (tháng mười năm ấy).
Đánh tan đám ngoại ứng rồi, Nghệ An Đốc trấn Trần Quang Diệu,
phất cờ “đại thắng” quay về Bảo Lạc.
Địa thế Bảo Lạc hiểm, ba mặt đều là núi đá bích lập, chỉ hở một
mặt phía bắc có thể thông sang nước Tàu.
Bấy giờ nhờ có quận Diễn, phiên thần của nhà Lê cũ, coi giữ cửa
ải Tụ Long, làm hướng đạo cho Tây Sơn, đưa đường đi đánh hoàng Ba Lê Duy Chi ở
Bảo Lạc346.
Các tướng Tây Sơn, với một số binh tinh nhuệ, do cửa ải Tụ
Long sang qua đất Tàu, đi ba ngày, sấn vào thành Bảo Lạc, bắt sống Hoàng Ba với
Phúc Tấn và Văn Đồng, điệu về Tụ Long rồi sai đóng cũi đưa về Thăng Long và
dâng thư vào Phú Xuân báo tiệp.
Vua Quang Trung vì nể có Ngọc Hân Công chúa, nên nói thác lên
rằng cứ giam hoàng Ba đấy, không được giết. Nhưng kỳ thực ngầm bảo chở đi trầm
hà347 (1790).
Để khoe với Mãn Thanh cái võ công hiển hách ấy, vua Quang
Trung sai bầy tôi Vũ Vĩnh Thành và Trần Ngọc Thị sang Tàu báo tin thắng trận.
ĐỐI PHÓ VỚI ĐÁM THÂN SĨ Cố Lê
Nhân tâm Bắc Hà, nhất là trong đám thân sĩ bấy giờ, còn in
sâu trong óc, nhuần thấm trong mạch máu những ân đức và công nghiệp của vua Lê
Thái Tổ (1428-1433), nên dẫu thấy Chiêu Thống ươn hèn bất lực đến đâu, họ cũng
hết sức vùa giúp cho cái triều đại mà họ xưa nay vẫn quyến luyến quý mến ấy.
Lòng ái đới đó, sĩ phu Bắc Hà đã từng tỏ rõ trong bao cơn
giông tố xông đến lay chuyển “cây” Lê. Hồi Mạc Đăng Dung (1527-1529) tiếm ngôi,
đã gợi lòng công phẫn cho bao người, khiến họ được dịp tỏ dạ trung nghĩa với
nhà Lê bằng những cái chết rất can đảm, rất tiết liệt, rất cảm động. Nhân sĩ
khí và nhân tâm ấy, họ Trịnh mới dễ diệt Mạc dưới cái danh nghĩa phù Lê. Sau
khi khôi phục Thăng Long (Lê Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 16, 1593), nhà Trịnh
nắm hết quyền chính, chỉ để cho nhà Lê cái ngai hờ và chút danh suông, nhưng vẫn
không dám ngang nhiên lột lấy chiếc hoàng bào và cái mũ miện kia, cũng chỉ vì
kiêng nể cái sĩ khí đó, nên không muốn đi theo vết xe đổ của nhà Mạc xưa.
Đến Bắc Bình vương ra Bắc lần thứ nhất, cũng vì vin vào đại
nghĩa phù Lê, nên mới thành công dễ dàng trong việc diệt Trịnh.
Nay vua Quang Trung tuy có công đánh đuổi Tôn Sĩ Nghị, quét sạch
20 vạn quân Thanh, nhưng đám thân sĩ Bắc Hà bấy giờ – phần đông chỉ biết trung
với cá thể một ông vua, một triều đại, chưa có cái nhận thức rõ rệt về quan niệm
quốc gia, – không khỏi nảy ra những việc phản động một khi thấy vua Quang Trung
do cái đà chiến thắng Đại Thanh bước lên địa vị làm chủ nhân ông suốt cả Bắc
Hà, theo ý nghĩ của họ, là địa bàn thuộc quyền sở hữu riêng của nhà Lê. Vì thế,
từ “khối” thân sĩ đương thời, mới âm ỉ nhen lên những “than lửa” rối ren trong
lúc thay triều đổi họ.
1) Việc Trần Quang Châu: Năm Quang Trung thứ nhất (1788), Trần
Quang Châu, người huyện Gia Bình (Bắc Ninh), đứng lên xướng suốt hương binh, chống
với quân Tây Sơn ở sông Thiên Đức348.
Năm Mậu Thân (1788), quân Thanh kéo sang nước ta, vua Lê
Chiêu Thống cho Châu đem quân đi hộ giá, làm tiên phong đại Tướng quân, hướng dẫn
quân Thanh trong khi họ mượn danh nghĩa cứu Lê để thực hành ý muốn thôn tính Đại
Việt. Nhưng qua năm Kỷ Dậu (1789), quân Thanh thua, vua Lê chạy, Châu quay về
vùng các huyện, âm mưu cùng với bọn Trần Danh Án, Dương Đình Tuấn và Lê Trọng
Vĩ, chống lại tân triều bằng những cuộc võ trang bạo động. Rồi trong vòng 3, 4
năm, Tư khấu Vũ Văn Dũng nhà Tây Sơn thường phải cầm quân đi đánh dẹp: kết cục
anh và cháu của Châu đều tử trận cả. Qua năm Nhâm Tý (1792), Tây Sơn mới bắt được
Châu rồi giết chết vì Châu không chịu khuất phục.
2) Việc Dương Đình Tuấn. Người huyện Yên Thế (Bắc Giang), Tuấn
đem hai con, một cháu và người nhà kháng chiến với Tây Sơn để bảo vệ cho vua
Chiêu Thống, khi vua này chạy đến huyện Nhân Mục (1788). Đem cái thế lực như đá
Thái Sơn, Tây Sơn không khó gì trong việc đối chọi với trứng: Tuấn bị thương,
con cháu và gia thuộc bảy người của Tuấn đều chết trận. Năm Mậu Thân (1788), Tuấn
cắt nhiều dân phu hàng huyện lên đón quân Thanh tận cửa Nam quan để… đem về làm
mồi cho gươm súng của quân Tây Sơn hùng kiệu.
Năm Kỷ Dậu (1789) Tuấn lại hoạt động sau khi tiễn đưa vua
Chiêu Thống đến cửa ải Nam quan. Nhưng cái đóm lửa hầu tàn ấy không sao đương nổi
trước cơn gió lộng của tân triều: Tây Sơn đã đuổi quân Tuấn đến tận huyện hạt
Yên Thế, lại bổ luôn ba đồn đóng chẹn, đốt cả nhà và làng Tuấn: rồi dồn Tuấn
vào rừng. Chẳng bao lâu, Tuấn phải ôm bầu tâm sự mà chết.
3) Việc Nguyễn Phủ. Nguyễn Phủ người Gia Lâm (Bắc Ninh), từ
năm Đinh Mùi (1787) tụ họp thủ hạ, kháng chiến với Tây Sơn ở xã Tiến Lâm, nhưng
bị Tây Sơn đánh tan và giết hết.
4) Việc anh em cha con Phạm Đình Đạt. Có thể nói nhà Phạm
Đình Đạt ở Vũ Giàng (Bắc Ninh) là một nhà bài Tây Sơn. Em hai của Đạt là Tạo sĩ
Phạm Đình Phan, em ba là Tiến sĩ Phạm Đình Dữ và con trưởng là Phạm Duật đều
vào trong núi Huyền Đinh (ngàn Treo Đanh) mưu việc khôi phục nhà Lê, lật đổ Tây
Sơn. Năm Kỷ Dậu (1789), sau khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, Phan còn họp
tập dân binh, hoạt động ở miền Lạng Giang. Nhưng rồi những cuộc thất bại đã đem
đến cho Phan biết bao phẫn uất đến nỗi Phan phải uống thuốc độc mà chết. Còn Phạm
Đình Chẩn, em tư của Đạt, đem hơn 500 hương binh, cũng nổi lên chống với Tây
Sơn, nhưng chỉ chác lấy cuộc tàn phá cho nhà và cho làng. Hai con của Đạt là
Đình Cù, Đình Ninh cũng đều bị bắt và bị giết trong một ngày vì đã tham dự vào
cuộc khởi binh chống lại triều mới.
Dùng nhân tài
Nguyễn Huệ, với cặp mắt sáng khác đời, chẳng những thấy rõ được
mọi vật trong đêm tối, mà rất sáng suốt trong việc liên tài hay dùng người. Trừ
ra khi nào có ai cương cường không chịu hàng phục, Huệ xét để người ấy lại chắc
sẽ có hại cho mình về sau thì thế tất phải tính. Một ví dụ:
Năm Giáp Ngọ (1774), Tham tán Nguyễn Đăng Trường bên Nguyễn
theo chúa Duệ Tông không kịp, dắt mẹ vào lánh ở thành Quy Nhơn.
Bắt được Đăng Trường, Nguyễn Huệ vì liên tài, lấy lễ tân sư
(vừa là bạn, vừa là thầy) mà đối đãi, song Đăng Trường không chịu, từ tạ xin
đi.
Huệ nói: “Tiên sinh đi chuyến này, phỏng xoay lại trời đất được
không? Sau có ăn năn, e muộn quách rồi!”
Đăng Trường nói: “Tài trai ở đời lấy trung hiếu làm đầu. Tôi
nay dắt mẹ tìm vua, đối với đại nghĩa là quang minh lắm. Còn cùng hay thông, được
hay hỏng là số mệnh cả, chứ có ăn năn nỗi gì!”
Huệ khen là hăng hái, rồi để cho đi.
Đến năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ lại bắt được Đăng Trường.
Huệ nói: “Lần này tiên sinh tính sao?” Đăng Trương đáp: “Bây giờ chỉ có chết
thôi, can chi phải hỏi nữa!” sau dụ hàng không được. Huệ bất đắc dĩ phải sai giết
đi. (Quốc triều sử toát yếu, tiền biên, quyển 1 tờ 36b-37a)
Khi ra Bắc, vua Quang Trung để ý ngay đến việc thu dùng nhân
tài, nên những nhân vật xuất sắc như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích đều “vì người
yêu mà hết sức làm đỏm”. Đáp ơn tri ngộ, mấy ông này đã đem văn chương tô điểm
cho non sông tổ quốc, chiến thắng Mãn Thanh về mặt ngoại giao.
Nhà vua lại rất cưng chiều và tin dùng Vũ Huy Tấn349 thị
trung đãi chiếu. Tỏ ý thân yêu, ngài thường vuốt ve bộ râu dài đẹp của Tấn. Nhiều
khi ra đi, vua Quang Trung đường bệ ngự voi đi trước, Huy Tấn nho nhã cưỡi voi
đi sau. Dấu hiệu đó tỏ ra Huy Tấn là tay văn mặc trọng yếu ở đương thời, không
thể thiếu ở tả hữu Hoàng đế.
Để ghi ơn tao tế ấy, Vũ Huy Tấn có mấy câu Kỷ sự rằng:
文章屡奉綸音獎
眉鬓親承御手叉
更有一班堪畫處
輦途聯象接光華
Văn chương lũ phụng luân âm tưởng.
Mi mấn thân thừa ngự thủ thoa.
Cảnh hữu nhất ban kham họa xứ.
Liễn đồ liên tượng tiếp quang hoa.
(Trích trong Hoa trình tùy bộ thi tập)
Dịch:
Văn hay, lời thánh thường khen ngợi.
Râu tốt, tay vua vẫn vuốt ve.
Lại có chuyện này nên tả vẽ:
Liền voi, rạng vẻ lúc đi, về.
Vì nhà vua chinh phục được trái tim của Tấn, nên Tấn đã phơi
gan, giãi ruột, đem tấm thân hăng hái dâng cả lên bàn thờ quốc gia. Chính Tấn bảy
lần gõ cửa Nam quan (vi thần thất độ khấu Nam quan), vận động giảng hòa với
Trung Quốc.
Đối với những phái chịu ra, vua Quang Trung không câu nệ họ
là người cũ hay mới, có khoa danh hay không, thảy đều dung nạp và thu dụng, miễn
họ có chân tài và thực tâm ghé vai gánh vác việc nước.
Nhưng, đối với những phái thích ẩn độn, ngài chẳng những
không ép buộc bức bách, mà lại không đoạt chí của họ nữa.
Chứng cớ đó thấy rõ trong việc ngài xử với Trương Quán350 và
Nguyễn Thiệp351:
Trương Quán là con cháu công thần nhà Lê. Tây Sơn muốn thu
dùng, song Quán không chịu; thế mà các nhà cầm quyền bấy giờ cũng để cho Quán
được tự do vui thú giang hồ, bạn cùng cỏ, hoa, mây, khói, suốt đời ôm chủ nghĩa
độc thân.
Như trước đã nói, Nguyễn Thiệp nhiều lần từ sính, không chịu
ra làm quan, vậy mà vua Quang Trung vẫn nhìn Thiệp bằng con mắt biệt đãi, không
hề tức giận mỗi khi mời mãi không ra, cho gì không lấy. Song, trước thanh phong
cao tiết của nhà danh sĩ ấy nhà vua vẫn một niềm tôn kính như thầy.
Coi mấy việc trên, đủ thấy vua Quang Trung có tài biết rõ người
và có độ lượng dung được người. Chính nhờ cái tài ấy, cái độ lượng ấy, các bộ
máy quân sự, ngoại giao và chính trị, mới chạy rất hợp lý, rất nhanh chóng và kết
quả rất sai trĩu tốt tươi.
Vả, ơn tri ngộ của ngài thấm sâu vào xương tủy nhiều thân thần,
nên về sau, khi băng, ngài để lại biết bao niềm thương nỗi tiếc cho người đương
thời. Chẳng thế, Phan Huy Ích đã viết mấy câu cảm hoài khi gặp Quốc tang352
(thu Nhâm Tý, 1792):
遭際機緣難再得
從今羈旅雁臣孤
Tao tế cơ duyên nan tái đắc!
Tòng kim ký lữ nhạn thần cô!
Dịch:
Duyên may gặp gỡ còn đâu nữa!
Nhờ đậu từ đây, chiếc nhạn côi!
Chính trị
Sau khi từ Phú Xuân (Huế) bước lên cái ngai hoàng đế, vua Quang
Trung phải cưỡi ngay voi, huơ ngay kiếm, đánh đuổi giặc Thanh để giữ lấy chủ
quyền và lĩnh thổ. Kế đó, mặt Bắc, phải giao thiệp với Tàu, mặt Nam, phải đối
phó với chúa Nguyễn, nên trong năm năm trị vì (1788-1792), ngài chưa được mấy
lúc rảnh tay lo việc nội trị…
Vả, triều Tây Sơn cầm quyền không được lâu, nên dấu tích
chính trị của triều đại ấy, dầu ai thấy xa, nghe rộng đến đâu cũng không thể nhặt
lượm tài liệu nào khác ngoài mấy quyển chính sử, ngoại truyện, dã sử của ta và
ít trang ký tái của mấy nhà truyền giáo ngoại quốc hồi đó.
Dầu sao mặc lòng, căn cứ vào các mảnh vụn lịch sử, chúng ta
ngày nay sinh sau hàng trăm rưởi năm, cũng có thể nhận thấy trong vua Quang
Trung có lắm cái sáng kiến và đặc sắc về chính trị cũng như về quân sự.
Khi đã chiến thắng Mãn Thanh về võ lực và ngoại giao, vua
Quang Trung một mặt lo đàn áp các phần tử phản động ở trong, một mặt dự bị khôi
phục lấy đất Lưỡng Quảng, lẽ tất nhiên ngài phải đặt việc võ bị lên trên hết mọi
vấn đề khác.
Một cái ấn tín của nhà binh đời Tây Sơn,
trong có mười chữ này:
率忠良二衛三校中郎將
Suất Trung lương nhị vệ, tam hiệu Trung lang tướng.
Về quân hiệu, ngoài tên ngũ quân Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu
như đã thấy tổ chức trong khi đánh giặc Thanh ra, lại có những quân đặt tên là
Tả bật, Hữu bật, Ngũ chế, Càn thanh, Thiên cán, Thiên trường, Thiên sách, Hổ
bôn, Hổ hầu, Thị lân, Thị loan nữa.
Ở hàng huyện về ngạch võ, có viên Võ phân suất cầm đầu, Binh
chế thì có từng Đạo, từng Cơ và từng Đội: lấy Đạo thống Cơ, lấy Cơ thống Đội.
Vì bấy giờ đang mưu đồ công cuộc đánh Tàu, nên trong nước phải
dùng đến chính sách cưỡng bách tòng quân: từ 12, 13 đến 60 tuổi, đều phải ra
lính hết353.
Một nhà truyền giáo lúc bấy giờ có chép rằng người Nam bấy giờ
theo anh em Tây Sơn đi trận, trở nên gan dạ, hùng kiện, một người đương nổi mười
người, đánh đâu thắng đấy354.
Năm Quang Trung Nguyên niên (1788), Ngô Thì Nhậm có dâng sớ bằng
chữ nho, điều trần về việc nội trị, đại ý nói:
Xưa kia nhà Chu đã thắng nhà Ân, phân phong các anh em gây lấy
cái thế như rết trăm chân, giúp đỡ lẫn nhau nên chư hầu không dám đoạt, nhà Chu
hưởng nước được 800 năm. Nhà Hán, khi mới đại định, phong ngay đồng lính, gây
thành cái hình như hai hàm răng cùng cắn chặt lấy nhau, nên thiên hạ họ phục là
mạnh, nhà Hán trị vì lâu đến 400 năm. Nay Bệ hạ (chỉ vua Quang Trung) nếu biết
làm theo như thế thì có thể sánh với Chu Hán đấy.
Vua Quang Trung nghe theo, bèn chia phong các con giữ các địa
bàn:
Con cả, Quang Toản làm Thái tử.
Con thứ, Quang Thùy làm Khang công, lĩnh Bắc thành, Tiết chế
Thủy bộ Chư quân.
Con thứ ba, Quang Bàn làm Tuyên công, lĩnh Thanh Hoa đốc trấn,
Tổng lý quân dân sự.
Nhà vua lại sai các huân thần và danh tướng hiệp sức giúp việc
cho các hoàng tử đã lĩnh những trọng trấn ấy.
Bộ máy hành chính gồm có những cơ quan này.
Tam công, Tam thiếu, Đại Chủng tể, Đại tư đồ, Đại Tư khấu, Đại
tư mã, Đại Tư không, Đại Tư cối, Đại Tư lệ, Thái úy, Ngự úy, Đại Tổng quản, Đại
Đổng lý, Đại Đô hộ, Đại đô đốc, Đô đốc, Nội hầu, Hộ giá, Điểm kiểm, Chỉ huy sứ,
Đô tư, Đô úy, Trung úy, Vệ úy, Quán quân, Tham đốc, Tham lĩnh, Trung thư sảnh,
Trung thư lệnh, Phụng chính, Thị trung Đại học sĩ, Hiệp biện Đại học sĩ, Thị
trung Ngự sử, Lục bộ Thượng thư, Tả hữu Đồng nghị, Tả hữu Phùng nghị, Thị lang,
Tư vụ, Hàn lâm…
Mỗi trấn đặt một trấn thủ về hàng võ và một hiệp trấn về hàng
văn. Mỗi huyện đặt một văn phân tri, một võ phân suất, một tả quản lý và một hữu
quản lý. Công việc của quan văn là trưng đốc binh lương, xét xử từ tụng. Phận sự
của quan võ là coi quản và thao diễn quân lính từ Đạo đến Cơ, từ Cơ đến Đội.
Trong các xã, các thôn thì có xã trưởng, thôn trưởng.
VIỆC XÃ HỘI
Muốn cho tiện sự giao thông ở một địa điểm thích trung (kể
theo địa thế nước ta bấy giờ), vua Quang Trung đặt thêm một số đô thành ở trấn
Nghệ An, gọi là Trung Đô (sẽ nói kỹ ở phần kiến trúc). Và muốn cho mới mẻ tai mắt
thiên hạ, ngài đổi tên Thăng Long làm Bắc thành.
Từ đời Lê, Bắc Hà chia làm 11 xứ (hoặc trấn):
1 – Xứ Nam (Sơn Nam)
2 – Xứ Đông (Hải Dương)
3 – Xứ Bắc (Kinh Bắc)
4 – Xứ Đoài (Sơn Tây)
5 – Xứ Yên Quảng (nay là tỉnh Hải Ninh)
6 – Xứ Lạng (Lạng Sơn)355
7 – Xứ Thái (Thái Nguyên)
8 – Xứ Tuyên (Tuyên Quang)
9 – Xứ Hưng (Hưng Hóa)
10 – Xứ Thanh (Thanh Hoa)
11 – Xứ Nghệ (Nghệ An)
Đến triều Quang Trung, ngoài chín xứ để yên như cũ, có chia lại
hai xứ Sơn Nam và Thanh Hoa (1788)356.
Xứ Sơn Nam chia làm hai trấn: phía trên xứ ấy gọi là Nam thượng
hoặc Thượng trấn; phía dưới giáp biển gọi là Nam hạ hoặc Hạ trấn. Trước kia, phố
Hiến là lỵ sở của Sơn Nam, đến bây giờ lỵ sở Hạ trấn đóng ở Vị Hoàng bên sông
Nhị, cách dưới phố Hiến vài dặm; còn lỵ sở Thượng trấn thì đóng ở Châu Cầu (nay
thuộc Hà Nam), cách phía dưới kinh đô độ hai mươi dặm, ở ngay bên đường cái
quan ăn thông từ Bắc vào Nam Hà357.
Xứ Thanh Hoa cũng chia làm hai: Về mặt Bắc gọi là Thanh Hoa
ngoại; về mặt Nam gọi là Thanh
Hoa nội358.
Mỗi xứ chia làm nhiều phủ, mỗi phủ chia làm nhiều huyện, mỗi
huyện chia làm nhiều tổng và mỗi tổng chia làm nhiều xã. Tựu trung có nhiều xã
lại chia ra từng thôn359.
Còn kinh đô mà xưa ta gọi là Kẻ Chợ thì gồm có một phủ, hai
huyện, mười tám phường360.
KIẾN TRÚC
Từ khi còn làm Đại nguyên súy Tổng quốc chính Bình vương,
Nguyễn Huệ đã để tâm đến việc lập tại Nghệ An một kinh đô mới. Vì ngài cho rằng,
đối với địa thế nước ta hồi ấy, Nghệ An ở vào khoảng giữa đất nước, đạo lộ
thích quân và là chỗ đất rau rốn của tổ tiên ngày trước.
Từ trước, ngài đã truyền bảo La Sơn phu tử Nguyễn Thiệp về
Nghệ chọn đất dựng kinh đô cho kịp kỳ ngài về ngự. Nhưng La Sơn phu tử chưa làm
xong, nên ngài giá hồi Phú Xuân tạm cho sĩ tốt nghỉ sức.
Đến ngày mồng 1 tháng sáu năm Mậu Thân (1788) trước khi lên
ngôi Hoàng đế, ngài lại sai thảo chiếu giục Nguyễn Thiệp làm việc ấy. Ý ngài muốn
cắm đất làm tân đô ấy ở vào khoảng chỗ dân cư, phía sau Phù thạch hành cung,
nhưng gần về mạn núi. Nếu không thế thì cho Nguyễn Thiệp được tùy tiện mà chọn
định, miễn là nội ba tháng phải làm xong361.
Sau khi nhận được tờ chiếu ấy, Nguyễn Thiệp thì xem đất, trấn
thủ Thận thì đứng đốc suất quân lính các đạo đánh đá ong, thợ thuyền các hiệp
xây cất doanh tác, rồi chẳng bao lâu, dưới chân núi Kỳ Lân ở Nghệ An, đồ sộ nổi
lên một khu nội thành, trong có long lâu ba từng, điện Thái Hòa hai hành lang để
phòng có lễ triều hạ. Thật xứng đáng với cái tên mới mẻ đẹp đẽ là Phượng Hoàng
Trung Đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành.
Về việc đổi đóng đô ở Nghệ An này, vua Quang Trung có sai Ngô
Thì Nhậm viết một bức thư ngoại giao gửi cho Lưỡng Quảng Tổng đốc Phúc Khang An
bày tỏ duyên cớ. Đại ý nói: Nước ta từ Lý, Trần về sau đều đóng đô ở Thăng Long
cả. Gần đây vượng khí ở đấy đã tan hết rồi. Bấy giờ bờ cõi nước ta, về phía
nam, mở rộng hơn trước. Sự đóng kinh đô chỉ có Nghệ An là chỗ đất vừa vặn ở giữa,
nên đã chọn nơi núi Phượng Hoàng ở Nghệ đặt làm Trung đô rồi. Từ nay phàm các
công văn đi lại, đường xá xa hơn Thăng Long gấp bội, vậy mong bên Tàu lượng thứ
cho cái lỗi chậm trễ362.
THUẾ KHÓA, NÔNG CHÍNH
Hồi còn nhà Lê, nhân dân phải đóng một thứ thuế xâu dịch gọi
là “điều tiền”. Vì nhà Lê phỏng theo cái phép cố định thời xưa, có đánh thứ thuế
ấy. Rồi hễ có những việc xâu dịch công tác thì lấy tiền công ra thuê mộ người
làm.
Đến triều Quang Trung, nhà vua thấy quốc gia mới khai sáng,
muốn rút bớt xâu thuế để nới nhẹ cho dân, bèn bãi bỏ cái phép đánh thuế “điền
tiền363” đó.
Từ năm Mậu Thân (1788), trong nước gặp lúc loạn ly, lại bị
quân Thanh kéo sang chà xát giày đạp, gia dĩ luôn năm mất mùa, nhân dân phần vì
cơ cận, phần vì dịch lệ, chết đến 7, 8 phần 10.
Trước tình hình ấy, nhà vua phải làm một việc quyền nghị:
đánh thuế vào các tư điền để lấy gạo lúa.
Bấy giờ đinh thiểu, điền đa, ai còn sống lại thường phải đóng
nặng thuế điền, vì thế nhiều nhà giàu đến phải bỏ ruộng không nhận.
Xem trong bài chiếu “Khuyến nông” như có chép trong tập Hàn
các anh hoa của Ngô Thì Nhậm, đủ thấy vua Quang Trung bấy giờ chú trọng vào hai
việc:
1. Khuyến khích canh nông.
2. Chăm lo cho nhân dân sinh tụ đông đảo.
Từ khi binh lửa luôn năm, lại thêm vào đấy những nỗi cơ cận,
nhân dân siêu dạt, đồng ruộng bỏ hoang, nên thực số đinh điền bấy giờ không bằng
4, 5 phần mười thuở trước.
Ngài bèn ra lệnh:
Phàm những dân nào trước đó kiều ngụ tha phương, trốn tránh
lao dịch hoặc vì có thê hương mẫu quán mà đến ở, hoặc vì đi buôn bán làm ăn mà
ngụ cư, hễ đã vào làng ở sở tại được từ ba đời trở lên thì mới cho ở, còn ngoài
ra bắt về bản quán hết thảy, chứ biệt xã không được chứa chấp. Những ruộng
công, ruộng tư đã trót bỏ hoang, nay đều cho về nhận lấy cày cấy, chứ không được
bỏ bê trễ, để đến nỗi số ruộng thực khẩn phải chịu khống thuế mãi.
Các sắc mục, các xã trưởng và các thôn trưởng sở tại phải xét
số đinh thực tại có bao nhiêu suất, số dân siêu dạt mới về được bao nhiêu suất,
rồi xem số thực điền đã thực khẩn được bao nhiêu mẫu, còn số hoang điền mới
khai khẩn được bao nhiêu mẫu, đều phải đăng vào sổ bộ, nộp lên các viên phân suất,
phân tri ở huyện mình để họ chuyển đệ lên triều đình, triều đình sẽ phái quan
khâm sai đi khám lại cho đúng sự thực, bấy giờ mới sẽ liệu định việc bổ thuế
cho
công bằng.
Nếu xã nào cứ chứa những người ngụ cư mà không bắt họ phải
quay về nguyên quán, nếu những người trốn tránh ấy cứ lần lữa không chịu về, và
nếu ai biết chuyện mà cáo tỏ ra thì những sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng sở tại
và những kẻ trốn tránh ấy đều phải trị tội cả.
Xã nào ruộng hoang đã đến hạn mà vẫn chưa nhận lấy khai khẩn
thì cứ do viên sắc và bộ hạng xã ấy phải chịu trách nhiệm về việc đóng thuế ruộng
công chiếu theo ngạch thuế điền cũ mà nộp gấp bội.
Ruộng tư một khi đã sáp nhập làm ruộng công thì thuế đóng
cũng như ngạch thuế công điền.
Sở dĩ ban ra cái mạng lệnh ấy, là vì nhà vua muốn hạng lưu
dân quay về làng cũ, chăm việc canh nông, đừng lười biếng để hại đến cuộc mưu
sinh, ngõ hầu nhà vua cùng trăm họ được hưởng cái vui đông đúc, giàu có, thịnh
vượng.
Sau hồi chiến tranh, sổ điền không được minh bạch: hoặc ruộng
bỏ hoang mà vẫn phải chịu thuế hoặc ruộng xấu mà vẫn phải đóng thuế vào hạng
thượng đẳng điền; hoặc kẻ cường hào hay tụi Thanh kiều, nhân dịp hỗn quân hỗn
quan trong lúc Tôn Sĩ Nghị tiến đóng Thăng Long, bá chiếm của hạng yếu bóng,
lép vế. Thành thử, về việc hộ, hay có lắm chuyện rắc rối vì ruộng đất.
Để giải quyết vấn đề về địa chính rất phức tạp ấy, năm Kỷ Dậu
(1789), vua Quang Trung hạ chiếu bảo trong nước làm lại sổ điền. Hai văn thần
là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đều tán thành việc này.
Ruộng tư cũng như ruộng công, chia làm ba hạng, hạng nào có
thuế riêng hạng ấy:
Ruộng công:
Hạng nhất: mỗi mẫu nộp thuế 150 bát364 thóc.
Hạng nhì: mỗi mẫu nộp thuế 80 bát thóc.
Hạng ba: mỗi mẫu nộp thuế 50 bát thóc.
Cả ba hạng mỗi mẫu phải ra một tiền quý về thuế thập vật và
50 đồng kẽm về thuế khoán kho.
Ruộng tư:
Hạng nhất: mỗi mẫu nộp thóc thuế 40 bát.
Hạng nhì: mỗi mẫu nộp thóc thuế 30 bát.
Hạng ba: mỗi mẫu nộp thóc thuế 20 bát.
Cả ba hạng đều phải ra mỗi mẫu là 30 đồng kẽm tiền khoán kho.
Còn tiền thập vật cũng như lệ ruộng công kể trên.
Ngoài thuế ruộng ra, triều Quang Trung theo lệ cũ cũng đánh
những thứ thuế như dung tiền, cước mễ.
Vụ mùa tháng mười năm Quang Trung thứ 4 (1791), thóc lúa các
nơi đều được phong đăng cả. Năm phần mười trong nước đã khôi phục được cái
quang cảnh thái bình thuở xưa.
Sở dĩ xã hội bấy giờ chóng đi đến thịnh vượng là nhờ ở cách tổ
chức lương thiện và ở chính sự hậu sinh (nhân hậu và hậu sinh). Hễ năm nào gặp
nạn đại hạn hay hồng thủy thì lại ra ơn đại xá; hễ kẻ nào phạm tội nhẹ hoặc phụ
khiếm mà trốn đi thì đều được bỏ qua, không xét hỏi nữa365.
VIỆC HỌC VIỆC THI
Theo như lời trong “Lập học chiếu”366 thì sau khi đại định,
vua Quang Trung cũng rất tỏ ý sùng đạo Nho, lưu tâm yêu kẻ sĩ, mong được những
tay có thực tài ra giúp việc quốc gia.
Tại các dân xã đều cho lập nhà xã học: chọn trong đám nho sĩ
hàng xã lấy người có học, có hạnh, đặt làm xã giảng dụ để dạy những học trò
trong hàng xã mình.
Các đền từ ở các phủ vẫn để cho dân bản hạt nhận giữ, nhưng
dùng chung làm trường học hàng phủ, triều đình sẽ bổ một viên phủ huấn đạo đến
dạy học tại đó.
Gặp khoa thi hương thì lựa lấy những hương tú tài; hạng ưu được
thăng vào quốc học; hạng thứ, cho vào phủ học.
Đối với các ông cống triều Lê, phàm những người tại quán chưa
nhậm chức gì, nhà vua cũng muốn dùng họ cả. Ngài có ban chiếu bảo họ đến cửa
khuyết đình để lựa bổ sung những chức như huấn đạo, tri huyện. Còn các cựu nho
sinh và các cựu sinh đồ đều phải đợi có khoa thi thì thi: hạng ưu được đỗ; hạng
liệt phải bãi về xã học.
Đến hạng sinh đồ mua bằng ba quan367 ở triều Lê trước thì đều
bị loại về hạng “dân” hết thảy; cũng phải chịu giao dịch như dân thường.
Chữ viết đời Quang Trung
(Tám chữ “văn học, chính thuật, Quang Trung ngũ niên” này là
do tác giả tô theo trong đạo sắc của Phan Huy Ích do vua Quang Trung phong ngày
18 tháng tư nhuận, năm Quang Trung thứ 5, 1792).
Ngoài những việc dùng chữ nho, sùng đạo Nho, trọng kẻ sĩ ấy
ra, vua Quang Trung còn có cặp mắt trông xa và kiến thức cao vút, đã biết sớm
quý trọng tiếng mẹ đẻ, cho nó cũng có một địa vị ở đương thời để mong nhờ nó,
tư tưởng dễ được truyền bá, giáo dục dễ được phổ thông. Chỉ một việc trọng chữ
Nôm này, đời sau cũng đủ tưởng thấy cái óc sáng kiến của nhà chính trị thiên
tài ấy.
Thấy Nguyễn Thiệp, danh sĩ Nghệ An, học rộng, đạo cao, đáng
làm mực thước cho hậu học, nhà vua nhiều lần sai đem vàng lụa làm sính lễ, mời
Thiệp ra giúp chính sự. Song, ngoài việc mang chiếc bánh chưng, góp chút công
vào việc đánh Tôn Sĩ Nghị ra, Thiệp không chịu xuất chính, nên bao lần trả lại
các sính nghi.
Dẫu vậy, không chịu bỏ phí nhân tài, vua Quang Trung có nhờ
Nguyễn Thiệp dịch Kinh Truyện ra tiếng Nôm để tiện về truyền bá đạo lý Khổng, Mạnh
giữa vòng dân chúng.
Vâng mạng vua Quang Trung, Thiệp đã làm được một ít sách,
nhưng chưa xong trọn thì vua đã thăng hà! Rồi những dịch phẩm bằng Nôm ấy đều bị
tịch thu, thiêu hủy, xóa nhòa theo dấu tích của triều đại Tây Sơn!
Cũng một ý muốn dùng Nôm làm lợi khi để mở trí dân ấy, ngay từ
khi làm Đại Nguyên súy Tổng quốc chính Bình vương, ngài đã đem tiếng mẹ đẻ ứng
dụng trong công văn như ở tờ chiếu gửi cho La Sơn Phu tử.
Chiếu truyền La Sơn phu tử Nguyễn Thiệp khâm tri:
Ngày trước ủy cho Phu tử về Nghệ An tướng địa làm đô cho kịp
kỳ này hồi ngự. Sao về tới đó chưa thấy đặng việc nhỉ? Nên hãy giá hồi Phú Xuân
kinh hữu tức sĩ tốt.
Vậy chiếu ban hạ phu tử tảo nghi dữ trấn thủ. Thận công sự
kinh chi doanh chi tướng địa tu đô tại Phù Thạch hành cung sảo hậu cận sơn. Kỳ
chính địa phỏng tại dân cư chi gian, hay là đấu cát địa khả đô duy phu tử đạo
nhãn giám định, tảo tảo tốc thành. Ủy cho trấn thủ Thận tảo lập cung điện kỳ
tam nguyệt nội hoàn thành, đắc tiện giá ngự. Duy Phu tử vật dĩ nhàn tốt thị
Khâm tai! Đặc chiếu!
Thái Đức thập nhất niên (1788) lục nguyệt, sơ nhất nhật”368
Hiện nay người ta còn truyền tụng hai câu trong chiếu “cầu hiền”
của triều Tây Sơn:
Hễ cha mô dù có chí giỏi giang,
Đù mẹ đứa chẳng suy tâm ủy dụng
Lại tục truyền một dật sự về ông nghè Mọc (?) ở triều Quang
Trung:
Mới đỗ Tiến sĩ, ông Mọc và ông Đào (?) ai cũng cậy mình hay
chữ, không đằng nào chịu nhường đằng nào. Việc tranh giành cãi cọ ấy phải chờ đến
lệnh phân xử của nhà vua.
Vua Quang Trung bèn hạ chỉ phán bảo: “Sai lính đánh một hồi
trống, mỗi người làm một bài phú, hễ dứt hồi trống mà ai xong trước thì là người
hay chữ.” Đào làm bài Nghè Đào Phú, Mọc làm bài Nghè Mọc Phú.
Trong khi nghè Đào mới được một đôi câu (trong đó câu kỳ lạc
đào đào) thì nghè Mọc đã ứng khẩu làm xong bài phú theo cái đầu đề tên mình:
Hữu nhất nhân hề: dẳn đùi ếch, vểnh râu trê
Giầu vỏ quạch, cái môi thâm xịt
Rượu hằng dê (?) con mắt đỏ hoe
Không rằng không, có cũng rằng không nghề ngôn chuyện ai nào
dám địch;
… (Lược. Vì vế này nói nhá)
Thử sở dĩ trước là thằng Mọc, nay đỗ ông nghè giả dư!
Đó chắc là những chuyện chế giễu do mấy nhà trào phúng Bắc Hà
ở đương thời hoặc đầu triều Nguyễn bịa đặt ra để mỉa mai cá thể vua Quang Trung
không giỏi chữ Hán hoặc để công kích cái chính sách nhà vua bấy giờ dùng văn
Nôm trong chiếu, biểu, thi, phú… mà, theo ý họ, là một lối “nôm na mách qué”
không nhập nhã dưới những con mắt đang thiên trọng Hán văn.
Nhưng nhân hai câu chiếu văn và chuyện dật sự trên đây, ta lại
xét đến nhiều bài văn ở triều Cảnh Thịnh (1793-1800), Bảo Hưng (1801-1802), tuy
là quân quốc trọng sự mà cũng dùng Nôm, như “Canh Thân (1800) xuân, nghĩ Diệu
quận quân thứ quốc âm hiểu văn”369, “Dụ nhị súy quốc âm chiếu văn”370 và “Kỷ
Mùi (1799) đông nghĩ ngự điện Võ Hoàng hậu tang”371… thì đủ biết sự dùng quốc
âm trong văn đường bệ đã hầu thành “gia sáo” và thói quen của nhà Tây Sơn rồi.
Vậy nay có thể quả quyết: vua Quang Trung đã mạnh bạo đánh đổ cái thành kiến,
cái tập quán hàng ngót hai nghìn năm chỉ quý Hán văn, không dám trọng dụng Việt
ngữ.
Tương truyền rằng: mỗi khoa thi, cứ kỳ thứ ba (Đệ tam trường),
nhà vua buộc các sĩ tử phải làm thơ phú bằng tiếng mẹ đẻ.
Sau khi xem xét bài biểu của Nguyễn Thiệp nói về ba điều quân
đức, dân tâm và học pháp372 nhà vua có ý muốn chỉnh đốn lại việc học, nên qua
năm Quang Trung thứ 5 (1792) định thiên đô về Nghệ An: dựng nhà Sùng chính thư
viện, cử Nguyễn Thiệp làm Viện trưởng, giữ việc giáo dục quốc dân. Nhưng, cái
“thai” thư viện đó không được nhìn thấy ánh sáng, là vì chưa kịp thực hiện thì
vua Quang Trung đã băng.
ĐỐI VỚI TÔN GIÁO
Cũng như các triều đại khác, triều Quang Trung cũng tôn sùng
đạo Nho, đạo Phật và đạo Bách Thần.
Có điều rất đáng chú ý, khi Tây Sơn cầm chính quyền, đạo Gia
tô cũng được tiến hành tấn tới. Chứng cớ ấy ta thấy ở câu này trong bức thư của
Giáo sĩ Le Roy gửi cho Blandia, đề ngày 18 juillet 1793: “Từ khi nhà Tây Sơn
lên làm chủ, tôn giáo được tấn bộ”373.
Nhà vua có ý muốn chấn chỉnh Phật giáo trong nước, nên đối với
những sư nào không xứng đáng thì bắt hoàn tục làm ăn; chỉ cho những tăng nhân
nào có đạo đức, có học thức mới được trụ trì ở chùa chiền để quy Phật374.
Ngài lại muốn cho sắc tướng chốn thuyền môn được trang
nghiêm, nên xuống chiếu bắt bỏ bớt những chùa nhỏ ở các làng, truyền đem gỗ gạch
làm chung ở mỗi phủ, mỗi huyện một ngôi chùa rất to tát, rất đồ sộ, rất đẹp đẽ375.
Ngoài ra, triều Quang Trung cũng làm cái việc phong sắc cho
bách thần theo như lề lối từ đời Lý Cao Tông (1176–1210) truyền lại376:
Ngày 22 tháng sáu, năm Quang Trung thứ 5 (1792) triều đình có
ban sắc cho vị thần là Đỗ công Đại vương, trong có hai vế đối:
九服清怡共樂太平之景象
三靈和晏永祈申錫之庥禎
Cửu phục thanh di, cộng lạc thái bình chi cảnh tượng.
Tam linh hòa yến, vĩnh kỳ thân tích chi hưu trinh.
Dịch nghĩa:
Lặng trong chín cõi, vui chung cảnh đẹp thái bình.
Yên ổn ba linh377 ban mãi phúc lành rộng rãi.
Trên tấm sắc mực đen giấy vàng này có đóng cái ấn son đỏ đề bốn
chữ triện “hòa nhu chi bảo” (和柔之寶)378.
TÍN BÀI
Tuổi còn trẻ, chí đang hăng, tiền đồ còn đầy hy vọng, vua
Quang Trung quyết mài gươm, thét lửa một phen để làm thực hiện cái chí cao xa bấy
lâu vẫn ôm ấp.
Để đi đến con đường đánh Thanh, ngài từ khi lên cầm quyền
chính, hết sức chấn chỉnh vũ bị, sửa soạn chiến tranh.
Sổ đinh bấy giờ, sau bao cơn trong nước loạn ly, không được
minh bạch, nhất là từ miền Linh Giang (sông Gianh) ra ngoài Bắc, dân số ẩn lậu
còn nhiều.
Vả, bấy giờ nhà vua ngày đêm cùng các tướng tá mưu việc Bắc
phạt. Ai nấy đồng thanh: “Việc cần kíp ngày nay là phải biết đúng số dân để tiện
việc tuyển lính.” Ngài lấy làm phải, nên tháng sáu, năm Quang Trung thứ 3
(1790), hạ chiếu sai các trấn phải đốc các dân xã cải tu sổ đinh, chia làm bốn
hạng:
1) Hạng vị cập cách: từ 9 đến 17 tuổi.
2) Hạng tráng: từ 18 đến 55 tuổi.
3) Hạng lão: từ 56 đến 60 tuổi.
4) Hạng lão nhiêu: từ 60 tuổi trở lên.
Để tránh sự ẩn lậu, nhà vua sai chiếu theo sổ đinh, phát cho
mỗi người một cái thẻ, tên gọi “Tín bài”, trong in bốn chữ lớn “Thiên hạ đại
tín”379.
Trên mặt thẻ ở chỗ hồi văn bốn bên thì đề tên, quê quán và in
đầu ngón tay tả của người có thẻ để làm tin.
Tín bài ấy ai cũng phải đeo, gặp người xét hỏi thì phải đưa
trình. Ai không có thẻ, ấy là lậu dân, hoặc phải bắt xung làm phòng quân, hoặc
phải đem xuống tàu, cho đi những nơi đất rộng miền rừng núi. Trách nhiệm ẩn lậu
ấy, tổng trưởng (chánh tổng), lý trưởng phải chịu.
ĐÚC TIỀN ĐỒNG
Sau khi lên ngôi, vua Quang Trung có cho đúc một thứ tiền bằng
đồng để tiêu dùng trong nước.
Hồi năm 1937, một nhà từ thiện ở làng Cót (trước thuộc Hà
Đông, nay thuộc Hà Nội) có đứng lên xây một cái cầu bắc qua sông Tô Lịch. Khi
đào lòng sông để xây móng chân cầu, người ta có nhặt được mấy đồng tiền đồng về
đời Quang Trung. Cứ như mấy đồng tiền ấy tôi đã được thấy (xin coi hình vẽ),
thì khuôn khổ cũng bằng những đồng tiền đồng “Gia Long”: giáp biên có cái gờ
theo vành tròn, gần lỗ có cái gờ theo hình lỗ vuông. Mặt trái thì trơn, có bốn
hình vành cung day lưng vào lỗ vuông, mặt phải thì có bốn chữ (光中通寶)
(Quang Trung thông bảo).
Năm Quang Trung thứ 4 (1791) có lẽ vì dự bị việc làm binh khí
để đánh Tàu và đúc tiền đồng để rộng tài nguyên cho dân gian, nên nhà vua hạ lệnh
thu hết các thứ đồng tốt trong nước.
PHÁ LỆ CỐNG NGƯỜI VÀNG
Khi Việt – Thanh đã giảng hòa, Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc
Khang An có đưa thư bảo vua Quang Trung rằng: “Mỗi khi thay triều đổi họ, nhà
nào bên Nam cũng cống người vàng để làm tạ lễ, thì nay Tây Sơn cũng nên sắm người
vàng để đưa sang Thanh.”
Nói đến lệ cống người vàng380 ta nên xét kỹ lịch sử nó đã.
Các bạn đọc có rõ những nỗi khó khăn trọng đại của việc này ra sao, bấy giờ mới
biết cái công phá được lệ cống người vàng là vĩ đại, đáng đời đời ghi nhớ.
Nguyên xưa Đức Lê Lợi giận nhà Minh tàn ngược, nổi lên từ núi
Lam Sơn: Ròng rã mười năm trường (1418-1428) mới đuổi được giặc Minh về nước,
ban bố bài cáo Bình Ngô. Trong khi tấn công giặc Minh ấy, Đại tướng Lê Nhân
Chú381 bắt sống được An Viễn hầu Liễu Thăng ở Chi Lăng (thuộc Ôn Châu, trấn Lạng
Sơn), ngày 18 tháng chín, năm Đinh Mùi (1427). Rồi viên tướng Minh ấy phải đem
thân đền trả cái nợ tàn khốc vô nhân đạo của đồng bào họ đã ngược đãi người Nam.
Tuy đã dẹp yên giặc Minh, nhưng nhân dân còn mang một vết
thương rất nặng vì bao năm tranh chiến. Muốn chữa cho họ mau lành, vua Lê Thái
Tổ (1428-1433) có làm mấy việc quyền nghi trong lúc điều đình với người Ngô,
không nghe quốc dân xui giục về việc thẳng tay giết hết giặc Minh cho hả lòng bấy
nay căm giận, nên khi đã ký hòa nghị rồi, Ngài tha cho bọn quan lại, quân dân
nhà Minh được về Tàu đến hơn 86.000 người, lại cấp cho bọn Vương Thông tướng
Minh, hơn 500 chiếc thuyền và vài ngàn cỗ ngựa để cho toàn hoạt về nước. Đó
đúng như trong bài Bình Ngô đại cáo đã nói: “Ta muốn cho được tuyền quân là
hơn, và mong cho dân được yên nghỉ” (dịch).
Vì ý nghĩ ngài đã muốn như vậy, nên phàm các việc trang trải
với người Minh, ngài phải buộc lòng làm quyền biến cho được việc một lúc. Chính
ngài chẳng những tạm bợ trong việc lập Trần Cao, người giả danh là dòng dõi họ
Trần, để cho mau êm chuyện ngoại hoạn, mà ngài lại còn phải quyền nghi làm việc
cống người vàng cho nạn can qua khỏi kéo dài mãi.
Nguyên từ năm Bính Ngọ, niên hiệu Bình Định vương thứ 9
(1426), vua Lê chến đấu với giặc Minh đã ngót mười năm ròng rã rồi, lòng ngài bấy
giờ chỉ mong sao đuổi quân Ngô ra khỏi bờ cõi nước nhà sớm được ngày nào thì
nhân dân sớm thoát cái nạn lầm than ngày ấy.
Đến tháng mười một năm đó (Bính Ngọ, 1426), Vương Thông nhà
Minh sau khi trải qua bao trận thất bại, có ý giảng hòa, rút quân kéo về, nhưng
không vin vào danh nghĩa gì để bãi binh được. Thông dựa ngay vào lời chiếu ở đầu
niên hiệu Vĩnh Lạc (1403-1424) bảo tìm lập con cháu họ Trần, bèn ngầm khuyên dỗ
vua Lê làm việc ấy, bắt đắc dĩ ngài phải dằn lòng ưng thuận.
Trước đó, có Hồ Ông trốn ở nhà Cầm Quý, thổ quan ở Ngọc Mạ
(nay là phủ Trấn Định thuộc Nghệ An) mạo xưng là cháu ba đời vua Trần Nghệ Tông
(1370-1372), vua Lê bèn sai đón lập Hồ Ông làm Trần chúa, đổi tên là Trần Cao,
kỷ nguyên là Thiên Khánh. Còn ngài thì xưng là Vệ quốc công.
Sau khi được đứng lên làm bồ nhìn, Cao “ngự” ở núi Không Lộ
thuộc huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây dưới quyền giám chế của Lê
Quốc Hưng do vua Lê sai phái382.
Ngay hồi ấy, vua Lê đã thay Trần Cao, đưa tờ biểu sang nhà
Minh xin phong cho Cao, nhưng nhà Minh cứ làm lơ, không nói sao cả. Qua năm
Đinh Mùi niên hiệu Bình Định vương thứ 10 (1427), vua Lê lại sai sứ bộ Lê Thiếu
Dĩnh383 đem biểu văn384 đi với nhân viên do Vương Thông cắt cử cùng sang Yên
Kinh để giao thiệp về việc cầu phong này.
Kèm với biểu văn ấy có những phương vật này:
1 pho người vàng thế thân (trong Khâm định Việt sử quyển 14,
tờ 24 chép là hai pho người vàng thế thân).
1 cái lư hương bằng bạc;
1 cái lọ bạc để cắm hoa, 300 tấm lụa tiến (thổ quyên);
14 đôi ngà voi;
20 bình đựng thứ hương ướp áo, 30.000 nén hương vòng;
24 khối trầm thơm385.
Sau, Lê mất, nhà Mạc (1527-1593) sợ Minh hỏi tội, có đúc người
vàng sang cống để làm của lót. Vả, vì muốn “hối lộ” thật nhiều cho Minh, họ Mạc
chắc phải đúc người vàng to hơn và nặng hơn thuở nhà Lê trước.
Năm Bính Thân, hiệu Quang Hưng thứ 19 (1596), vua Lê Thế Tông
(1573-1599) bấy giờ tuy đã khôi phục Thăng Long386, nhưng còn bị người Minh vặn
vẹo là không phải thực dòng dõi họ Lê, nên ngài phải thân lên ải Nam quan để
cùng người Minh dự việc hội khám.
Người Minh trùng trình không đến họp, yêu sách người vàng…
(Khâm định Việt sử, quyển 30, tờ 15)
Rồi vua Lê phải sai lũ Đỗ Uông đem hai pho người vàng, người
bạc và cống lên Lạng Sơn để chầu chực đưa cống phẩm, song lại bị người Minh
thoái thác bằng lời văn hoa giả dối (Khâm định Việt sử, quyển 30, tờ 18b -19b).
Qua năm Quang Hưng thứ 20 (1597), lại sai Phùng Khắc Khoan387
sang sứ Tàu để giao thiệp với người Minh về việc cầu phong. Cũng nhờ ông Phùng
là người có tài ngoại giao, nên mới nói êm được việc người Minh hạch sách người
vàng lớn, nhỏ, nặng, nhẹ.
Về việc này, trong truyện Phùng Khắc Khoan ở loại Nhân vật
chí sách Lịch triều hiến chương có chép:
… Đinh Dậu năm thứ 20, (ông) vâng mạng đi sứ. Bấy giờ người
Minh ăn của lót của mầm độc họ Mạc, không chịu dung nạp ông. Khắc Khoan chầu chực,
có đưa lên xoái ty, hết sức nói họ Mạc là kẻ cướp ngôi, tội trạng đã rành rành.
Nay con cháu nhà Lê gõ cửa quan, chờ mạng lịnh. Nếu Thiên trào phò Mạc nén Lê
thì là về hùa với kẻ gian, làm hại người ngay, sao tỏ nghĩa lớn với thiên hạ giữ
danh giáo cho muôn đời được nữa! Người Minh khen, để cho ông vào trong cửa ải.
Ông bèn được trảy tới kinh đô (nhà Minh).
Khi đã tới Yên kinh, Lễ bộ đường có trách ông về việc người
vàng thế thân không làm đúng y mẫu cũ, họ bèn bắt ông ngừng lại, chứ không để
cho ông vào chầu. Khắc Khoan cãi: họ Mạc cướp lấn thì danh là nghịch, nhà Lê
khôi phục thì danh là thuận. Họ Mạc được theo hình thức làm người vàng thế thân
đã là hưởng ơn may mắn lắm rồi. Đến như họ Lê đời đời làm cống thần thì hình
dáng người vàng đã có mẫu sẵn ở đó. Nay nếu vin lấy họ Mạc làm lệ thì sao nêu rệt
được cái nghĩa răn dữ khuyên lành?
Lời trạng của ông được thấu đến tai vua Minh, vua Minh rồi
cũng thuận theo cái hình thức của Tiền Lê388. (dịch)
Năm Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) đời vua Lê Dụ
Tông (1705-1729), Binh bộ Hữu Thị lang Nguyễn Công Hãng đóng vai chính sứ, sang
Thanh cầu phong cho vua Dụ Tông (Khâm định Việt sử, quyển 35, tờ 21b-22b).
Về việc này trong truyện Nguyễn Công Hãng389 ở Tang thương ngẫu
lục, quyển trên, tờ 10b-11b có chép:
… Trước kia Thái tổ Hoàng đế đánh người Minh ở núi Mã Yên
(thuộc Ôn Châu, Lạng Sơn) chém được tướng Minh An viễn hầu Liễu Thăng. Kịp khi
nộp cống khoản, người Minh trách móc bắt đền, phải đúc người vàng để thay thế
nó.
... Họ Mạc cướp ngôi, người Minh sai Cừu Loan, Mao Bá Ôn sang
đánh. Mạc sợ, lấy người vàng đút lót xin hòa.
Hồi mới trung hưng, nhà Minh vặn hỏi về việc tự tiện giết chết
cống thần của Minh là Mạc Mậu Hợp, (nhà Lê) lại phải dùng người vàng để tạ.
Nhân thế, các triều thành ra lệ thường công. Ông (Nguyễn
Hãng) xin bỏ đi. Bộ viện (nhà Minh) lại đem việc cũ ấy ra hỏi. Ông nói: “Quốc
vương nay giữ cơ nghiệp của tổ tiên, về việc cống hiến, không thiếu thốn gì,
còn chuyện thâu thành nạp khoản là chuyện việc cũ thì kẻ sứ thần này không dám
biết tới.
Họ lại vặn hỏi về việc Liễu Thăng. Ông nói: “Liễu Thăng là tướng
nhà Minh kia. Còn nhà Thanh ta rộng có muôn nước, thế mà lại bo bo đòi của lót
để báo thù cho người xưa thì lấy gì khuyên được người ta đến với mình?...” (dịch)
Thế rồi bắt đầu từ Nguyễn Hãng, lệ cống người vàng và lệ cống
nước rửa ngọc trai390 mới dừng lại được.
***
Sau khi đi ngược thời gian, xét lại lịch sử, chắc các bạn đã
nhận thấy việc cống người vàng là bắt đầu từ đời vua Lê Thái Tổ, qua Mạc đến Lê
trung hưng. Tựu trung ở đời Lê Giụ Tông tuy nhờ tài ngoại giao của ông Nguyễn
Hãng mà ta tạm thoát được cái “nợ Liễu Thăng” trong một lúc391. Nhưng cái nợ
này vẫn còn truyền tử nhược tôn mãi, nên bên ta mỗi một triều đại nào lên, cũng
phải “trả nợ đậy” vì yếu thế, lép vế!
Khác hẳn các triều xưa, vua Quang Trung đối với Mãn Thanh,
trước đã chiến thắng về quân sự, sau lại chiến thắng về ngoại giao, không khi
nào chịu cong lưng gánh cái nợ vô lý và bất công ấy.
Phải, ngài đưa thư phản kháng Phúc Khang An khi viên này lên
tiếng yêu sách về việc bắt cống người vàng; ngài thẳng tay cất cái gánh nặng ấy
đã mấy mươi đời vẫn chất trên lưng dân Nam, ngài rửa được cái nhục nghìn thu
cho lịch sử.
Nguyên văn bức thư ấy, xin trích lục ra dưới đây:
昔陳莫歷代以得罪於中國獻代身金人本國國長起自布衣乘時集事與黎王無有君臣之分其去留在天數向背在人心非有意於黎之國如簒奪者比且前者孫部堂提兵而來本國國長不得已而應之從無侵犯邊境以得罪於上國今承概按陳黎莫貢金人之例是本國國長明正得國反儕於偽莫之科而一念恭順出於畏天事大之誠反與陳擒烏馬兒黎殺柳昇同律本國國長於情有屈不能無望於鈞衡也夫古者諸侯朝見天子或朝于方岳或覲于京師有能來者自來不能親來遣其子弟入侍貴在奉琛執贄上下之情通至於金人替形入朝唐虞三代以及漢唐宋未常有是大人宣佈教聲亦唯以隆古治朝之良法美意令諸下國元明二代之所為事不師古何足效也伏望追繳鈞命免鑄獻金人之事云云392
… Tích Trần, lịch đại dĩ đắc tội ư Trung Quốc, hiến đại thân
kim nhân. Bản quốc Quốc trưởng khởi tự bố y, thừa thì tập sự, dữ Lê vương bản
vô hữu quân thần chi phận. Kỳ khứ lưu tại thiên số, hướng bội tại nhân tâm, phi
hữu ý ư Lê chi quốc như soán đoạt giả tỉ.
Thả, tiền giả Tôn bộ đường (Tôn Sĩ Nghị) đề binh nhi lai, bản
quốc Quốc trưởng bất đắc dĩ nhi ứng chi, tòng vô xâm phạm biên cảnh dĩ đắc tội
ư Thượng quốc.
Kim thừa khái án Trần, Lê, Mạc cống kim ngân chi lệ, thị bản
quốc Quốc trưởng minh chính đắc quốc phản sài ư Ngụy Mạc chi khoa, nhi nhất niệm
cung thuận xuất ư úy thiên sự đại chi thành, phản dữ Trần cầm Ô Mã Nhi, Lê sát
Liễu Thăng đồng luật, bản quốc Quốc trưởng ư tình hữu khuất bất năng vô vọng ư
quân hành dã.
Phù, cổ giả chư hầu triều kiến thiên tử: hoặc triều vu phương
nhạc hoặc cận vu kinh sư. Hữu năng lai giả tự lai, bất năng thân lai khiển kỳ tử
đệ nhập thị, quý tại phụng sâm, chấp chí, thượng hạ chi tình thông.
Chí ư kim nhân thế hình nhập triều: Đường, Ngu, Tam đại dĩ cập
Hán, Đường, Tống vị thường hữu thị!
Đại nhân (Phúc Khang An) tuyên bố giáo thanh, diệc duy dĩ
long cổ trị triều chi lương pháp mỹ ý linh chư hạ quốc. Nguyên, Minh nhị đại
chi sở vi, sự bất sư cổ, hà túc hiệu dã?
Phục vọng truy hiệu quân mệnh, miễn chú hiến kim nhân chi sự…393
Dịch nghĩa:
“… Xưa, các đời Trần, Mạc vì được tội với Trung Quốc, phải
dâng người vàng để thế hình.
Quốc trưởng nước tôi từ bước là một người áo vải, nhân thời
thế vùng lên làm việc, đối với Lê vương vốn không có cái vai lứa ai là vua, ai
là tôi chi cả. Còn hay hết, là ở số trời; theo hay bỏ, là ở lòng người. Quốc
trưởng nước tôi có ý lấy nước của Lê đâu mà sánh với kẻ giành cướp được?
Vả, trước đây, Tổng đốc họ Tôn (Sĩ Nghị) đem binh lính đến.
Quốc trưởng nước tôi bất đắc dĩ phải ứng phó lại, chứ không hề xâm phạm bờ cõi
để được tội với Thượng quốc bao giờ!
Nay thấy ngài theo lệ Trần, Lê, Mạc cũ mà bắt cống người
vàng, thế thì Quốc trưởng nước tôi được nước một cách quang minh chính đại, té
ra lại phải liệt vào hàng tiếm ngụy như nhà Mạc, mà chút lòng cung thuận ra từ
tấc thành sợ trời, thờ nước lớn lại phải chịu chung một luật như nhà Trần bắt Ô
Mã Nhi, nhà Lê giết Liễu Thăng ư?
Thế thì kể về tình, Quốc trưởng nước tôi có điều bị ức, không
thể không trông ở ngài cân nhắc cho vậy.
Này, xưa kia, chư hầu triều kiến thiên tử: hoặc chực ở phương
nhạc, hoặc chầu ở kinh sư. Ai đi được thì tự mình đến, ai không thân đi được
thì sai con em vào hầu, chỉ cốt dâng ngọc, thám, tỏ đồ tin, để cho cái tình
trên dưới được thông suốt.
Đến như bắt lấy người vàng thế hình vào chầu thì suốt từ Đường,
Ngu, Tam đại (Hạ, Thương, Chu) đến Hán, Đường và Tống đều chưa làm thế bao giờ.
Ngài đã rao truyền tiếng tăm giáo hóa của Thượng quốc cũng
nên đem phép hay, ý tốt của triều đại thịnh trị ngày xưa mà sai bảo mọi nước dưới,
chứ bắt chước làm gì cái việc làm của Nguyên, Minh là việc không học theo cổ ấy?
Mong ngài soi xét, miễn cho sự đúc dâng người vàng…”
Bức thư phản kháng ấy quả có công hiệu. Vua Thanh phải nhượng
bộ, rồi tỏ cái ý “bắt chẳng được, tha làm phúc” trong câu thơ này tặng giả
vương394 do vua Quang Trung phái sang Tàu:
勝朝徃事鄙金人
Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân!
Nghĩa: “Triều Thanh đây cho việc triều trước bắt cống người
vàng là đáng khinh bỉ!”
Thế là vua Quang Trung triều Tây Sơn, một tay cái thế đại anh
hùng, một đối tượng để người ta ghi nhớ trong ngày Giỗ trận, đã làm được một việc
ngoại giao thắng lợi cũng như về mặt quân sự, đã hoàn toàn thắng lợi ở xuân Kỷ Dậu
(1789).
ĐÒI LẬP NHA HÀNG Ở TÀU
Muốn mở mang về kinh tế, vua Quang Trung chú trọng vào việc
buôn bán, hết sức khuếch trương việc mở “thị trường”.
Vua phái người sang điều đình với Mãn Thanh xin mở chợ buôn
bán ở Bình Thủy quan thuộc tỉnh Cao Bằng và Du Thôn ải thuộc tỉnh Lạng Sơn,
nhưng miễn đánh thương thuế.
Vua Quang Trung lại xin lập nha hàng ở phía Nam Ninh thuộc tỉnh
Quảng Tây, mục đích cốt để dân Nam sang đó buôn bán làm ăn, khiến đường thương
mại ngày một thuận lợi phát đạt.
Nhưng, muốn để bảo vệ tính mệnh tài sản cho Việt kiều sang
Tàu doanh nghiệp, vua Quang Trung yêu cầu nhà Thanh cho ta đem quân sang đóng tại
chỗ nha hàng sẽ lập ấy.
Những điều yêu sách đó đều được vua Thanh nhất nhất ưng thuận
cả.
Sau cám ơn người Thanh, vua Quang Trung có sai gửi thư cho Lưỡng
Quảng Tổng đốc Phúc Khang An, chỗ nói về việc này đã được chuẩn y, nguyên văn
có mấy câu như: “… Khai quan thông thị, sử bách hóa vô ủng, dĩ lợi dân dụng”395.
Nghĩa là mở cửa ải, thông buôn bán, khiến các hàng hóa không ngừng đọng để làm lợi
cho dân dùng.
YÊU SÁCH NGỰA TỐT CỦA TÀU
Mùa thu năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung phái giả vương
sang Tàu, được vua Thanh tặng tiễn rất hậu. Tựu trung có thứ ngựa từ tàu ngựa
vua Thanh ban ra là giống ngựa rất hay được vua Quang Trung rất vừa ý. Theo như
trong tờ Khất mã biểu (biểu xin ngựa) đời Tây Sơn đã nói, thì con ngựa được tặng
từ năm Canh Tuất kia sau vì không chịu thủy thổ nên đã hỏng mất. Rồi muốn được
thứ ngựa hay ấy của nhà Thanh, vua Quang Trung lại sai viết sang Tàu để “xin” nữa.
Nói nhún rằng “xin”, kỳ thực cũng là một lối “yêu sách khéo”. Trong bài biểu có
câu:
恕其冒妄干求之罪
錫以權竒馳騁之良
… Thứ kỳ mạo vọng can cầu chi tội
Tích dĩ quyền kỳ trì sính chi lương…
Nghĩa là:
Thứ cho cái tội cầu bậy xin liều
Ban cho thứ ngựa giống hay, chạy khỏe...
ĐÒI ĐẤT BẢY CHÂU THUỘC HƯNG HÓA XƯA
Từ hồi cuối Lê, 6 châu thuộc Hưng Hóa và ba động thuộc Tuyên
Quang đều chìm ngập dưới bàn tay “xẻo xén” của tụi thổ tư nhà Thanh. Những đất
bị sáp nhập bản đồ Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) ấy không được may mắn trở
về chủ cũ Đại Việt, mặc dầu ta đã đòi hỏi nhiều lần.
Nay, vua Quang Trung, không nỡ để một tấc đất phải luân vong,
đáp theo tiếng gọi của thần Nghĩa vụ, mạnh bạo đưa tờ biểu nhờ viên Tổng đốc Lưỡng
Quảng chuyển đạt lên vua Thanh, yêu cầu chia lại bờ cõi cho minh bạch.
Nguyên văn tờ biểu đòi đất ấy như sau đây:
請還興化七州地表
臣仰荷天恩賜履南服欽奉御詩訓以保守疆界世傅子孫之道夙夜祇惧奉以守 邦今惟臣起自布衣幸有國邑尺土寸民皆大皇帝之賜豈敢以彼疆此界塵瀆至尊祇以交南分土叨忝作屏四封所抵具在寶書
臣國一帶沿邊西北接內地臨安廣南開化三府自前莫敬寬以牛羊蝴蝶普園三峒內投欽奉聖祖仁皇帝賜莫俘于前黎復還其地乃在康熙二十八年事其後土目韋福廉又以其地內屬事已經乆斷以本國賭祝河為界乃在興化宣光邊地經前任雲貴督部鄂爾泰遵旨豎碑自賭祝河以西至車里 國嵩陵醴泉黃巖綏阜合淝萊州謙州等七州並屬本國興化之地〇迨前黎庚申本國逆臣黃公瓚之父黃公舒阻兵據守垂三十年前黎姑息不辦七州之民以地勢遼遠本國不能控制夤緣內附自此以來內地沿邊內官勒令邊民改裝插牌征稅
臣自守命啓邦綢繆鳩集內事正殷邊情委曲未及辦理 迺兹本國鎮目報稱七州民乆經內地征繕本國行移調徵一切勒旨阻當源委情由葢由前黎不能恪遵封守有以馴致〇欽惟大皇帝陛下聖量洪慈安勸庶邦年前北番合楞隨土爾扈特投順旋賞給遊牧之地矧此邊隅蕞爾豈是列於職方是必封疆之吏不以其事上聞邊民便其游移所在官員從而驅勒臣不敢委分土為閒 土而曲隱情由不一聲明於光輝之下也輙敢冒昧繕表憑兩廣總督公福康安轉奏臣謹於南関界首耑員等候並遣文武員目咸就興化界首節次查清質當七州土界賜歸本國屬籍〇臣仰藉寵靈虔修保守遙望闕庭侯奉聖訓不勝瞻仰惶惧之至
Thỉnh hoán Hưng Hóa thất châu địa biểu
Thần ngưỡng hà thiên ân, tứ lý Nam phục. Khâm phụng ngự thi
huấn dĩ bảo thủ cương giới, thế truyền tử tôn chi đạo, túc dạ chi cụ, phụng dĩ
thủ bang.
Kim duy: thần khởi tự bố y, hạnh hữu quốc ấp; sích thổ, thốn
dân, giai Đại Hoàng đế chi tứ khởi cảm dĩ bỉ cương thử giới trần độc chí tôn?
Chi dĩ Giao - Nam phân thổ, thao thiểm tác bình, tứ phong sở
để cụ tại bảo thư.
Thần quốc nhất đới duyên biên; tây bắc tiếp nội địa Lâm An,
Quảng Nam, Khai Hóa tam phủ. Tự tiền Mặc Kính Khoan dĩ Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ
Viên tam động nội đầu, khâm phụng Thánh tổ Nhân hoàng đế tứ Mạc phu vu tiền Lê,
phục hoàn kỳ địa. Nãi tại Khang Hi nhị thập bát niên sự.
Kỳ hậu, thổ mục Vi Phúc Liêm hựu dĩ kỳ địa nội thuộc, sự dĩ
kinh cửu, đoán dĩ bản quốc Đổ Chúc hà vi giới. Nãi tại Hưng Hóa, Tuyên Quang
biên địa kinh tiền nhậm Vân Quý đốc bộ Ngạc Nhĩ Thái tuân chỉ thụ bi, tự Đổ
Chúc hà dĩ tây chí Xa Lý quốc Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp
Phì, Lai Châu, Khiêm Châu đẳng thất châu tịnh thuộc bản quốc Hưng Hóa chi địa.
Đãi tiền Lê canh thân, bản quốc nghịch thần Hoàng Công Toản
chi phụ, Hoàng Công Thư, trở binh, cứ thủ, thùy tam thập niên. Tiền Lê cô tức bất
biện, thất châu chi dân dĩ địa thế liêu viễn, bản quốc bất năng khống chế, di
duyên nội phụ.
Tự thử dĩ lai, nội địa duyên biên, nội quan lặc linh biên dân
cải trang, sáp bài, chinh thuế.
Thần tự thụ mệnh khải bang, chù mâu cưu tập, nội sự chính ân,
biên tình ủy khúc vị cập biện lý.
Nãi tư bản quốc trấn mục báo xưng: thất châu dân cửu kinh nội
địa chinh thiện, bản quốc hành di điều trưng, nhất thiết lặc chỉ trở đáng.
Nguyên ủy tình do cái do Tiền Lê bất năng khác tuân phong thủ hữu dĩ tuần trí!
Khâm duy: Đại Hoàng đế Bệ hạ: thánh lượng hồng từ, an khuyến
thứ bang. Niên tiền, Bắc phiên Hợp lăng tùy Thổ Nhĩ Hỗ Đặc đầu thuận, toàn thưởng
cấp du mục chi địa. Thẩn thử biên ngung loát nhĩ, khởi thị liệt ư chức phương?
Thị tất phong cương chi lại bất dĩ kỳ sự thượng văn; biên dân tiện kỳ du di, sở
tại quan viên tòng nhi khu lặc!
Thần bất cảm ủy phân thổ vi nhàn thổ, nhi khúc ẩn tình do bất
nhất thanh minh ư quang huy chi hạ dã.
Triếp cảm mạo muội thiện hiểu, bằng Lưỡng Quảng Tổng đốc công
Phúc Khang An chuyển tấu. Thần cẩn ư Nam quan giới thủ, chuyên viên đẳng hậu, tịnh
khiển văn võ viên mục hàm tựu Hưng Hóa giới thủ, tiết thứ tra thanh chất đáng
thất châu thổ giới tứ qui bản quốc thuộc tịch.
Thần ngưỡng tạ sủng linh, kiền tu bảo thủ, dao vọng khuyết
đình, hậu phụng thánh huấn, bất thăng chiêm ngưỡng hoàng cụ chi chí...
Dịch:
“Thần được nhờ ơn trời, cho ở cõi Nam, vâng lời ngự thi dạy đạo
gìn giữ bờ cõi, đời truyền con cháu, thần vẫn sớm tối kính sợ, theo để giữ nước.
Nay nghĩ: thần từ kẻ áo vải dấy lên, may có đất nước; Một thước
đất, một người dân đều là ơn của Đại Hoàng đế ban cho cả, há dám phân biệt bờ
này cõi nọ làm nhàm đến bậc chí tôn? Chỉ vì phần đất cõi Nam lạm đứng làm phên
giậu, bốn bề giáp ranh những đâu, đã có sách báu chép rõ.
Một dải biên thùy nước thần, mặt tây bắc giáp ba phủ Lâm An,
Quảng Nam, Khai Hóa bên thượng quốc. Trước kia, từ Mạc Kính Khoan đem ba động
Ngưu Dương, Hồ Điệp và Phổ Viên phụ vào Thượng quốc, đã kính được đức Thánh tổ
Nhân hoàng đế ban tên tù họ Mạc cho nhà Lê và trả lại đất ấy rồi. Đó là việc
năm Khang Hi thứ 21 (1689). Về sau, thổ mục là Vi Phúc Liêm lại đem đất ấy mà
phụ vào Thượng quốc. Việc xảy đã lâu, rồi cứ lấy sông Đổ Chúc bên nước thần làm
giới hạn. Ở chỗ đất Hưng Hóa và Tuyên Quang trước kia đã do viên Tổng đốc Vân
Quý Nhạc Nhĩ Thái vâng chỉ dụ, đứng dựng mốc: từ sông Đổ Chúc trở về phía tây
cho đến bảy châu Tung Lăng, Lễ Toàn, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu,
Khiêm Châu nước Xa Lý (?) đều thuộc về đất Hưng Hóa của nước thần.
Đến năm Canh Thân. Nhà Lê trước, Hoàng Công Thư, cha của tên
nghịch thần Hoàng Công Toản dấy binh, giữ đất đến 30 năm! Nhà Lê nhù nhờ không
trang trải xong. Dân bảy châu ấy, vì thấy địa thế xa xôi, nước thần không khống
chế được, bèn dần dà phụ vào thượng quốc.
Từ đó trở đi, các quan chức nơi biên giới của thượng quốc bắt
ép nhân dân vùng biên viễn đổi lối ăn mặc, đeo thẻ, chịu sưu thuế. Thần từ ngày
chịu mệnh mở nước đến nay, ràng rịt tổ ở, còn bận về việc hộ nội trị, nên tình
hình ngoài biên giới hãy còn nấn ná chưa kịp khuôn xếp.
Hiện nay, viên trấn mục của bản quốc báo cáo rằng: thổ dân bảy
châu ấy từng chịu thượng quốc đánh thuế và cai quản đã lâu, nên bản quốc hễ ra
lệnh đánh thuế hoặc điều bát binh lính thì nhất nhất lại bị chống mệnh, ngăn trở.
Cơn cớ đầu đuôi chỉ vì nhà Lê trước không biết kính giữ lấy đất, lâu dần thành
quen, nên mới đến thế.
Kĩnh nghĩ: Đại Hoàng đế Bệ hạ, lượng thánh hiền từ rộng rãi,
vỗ yên khuyên bảo mọi bang. Năm ngoái tên Hợp Lăng rợ Bắc phiên theo Thổ Nhĩ Hỗ
Đặc đầu hàng cung thuận, liền được thưởng cấp cho đất du mục; huống chi đối với
chỗ biên ngung nhỏ xíu ấy há lại liệt vào chức phương? Đó chắc là bởi kẻ quan lại
ở biên cương không chịu tâu trình việc này lên nhà vua, dân vùng ấy lấy sự được
nấn ná qua quít làm tiện việc và quan viên sở tại lại đứng bên trong xui giục bắt
ép.
Thần không dám bỏ một phần đất làm đất hoang, nên không thể
không đem tình do và khúc nhôi mà giãi bày ở dưới ánh sáng.
Vậy xin đánh liều, mạo muội làm biểu, nhờ quan Tổng đốc Lưỡng
Quảng Phúc Khang An chuyển tâu lên cho.
Thần kính sai các viên chức chuyên trách chờ đợi ở cửa Nam
quan, lại sai văn võ viên mục đến tới tận cõi Hưng Hóa lần lượt tra xét cho rõ
ràng ổn thỏa để đất bảy châu ấy lại được ban về thuộc trong bản đồ bản quốc.
Thần ngước nhờ oai linh ân sủng của Bệ hạ, kính xin gìn giữ lấy
đất đai. Xa trông cửa khuyết, vâng theo lời dạy của đấng thánh khôn xiết sợ hãi
ngóng trông…”
Sau thấy các nhà dương đạo bên Thanh làm lơ, không chịu trang
trải việc đất đai ấy vì lấy cớ rằng bấy lâu bờ cõi đã định, không thể thay đổi
được nữa, vua Quang Trung bao xiết bất bình quyết chí làm đến kỳ cùng cho đạt
được mục đích.
Ngài thường nói cùng các tướng tá: “Cứ thả cho ta vài năm nữa,
ta nuôi vững oai lực, gây đủ nhuệ khí, ta có sợ gì chúng nó (chỉ Mãn Thanh)
đâu!”396
Từ đó ngài rất chú trọng việc binh bị, rèn quân lính, đóng
chiến thuyền, định làm một cuộc phi thường chưa từng có trên trang lịch sử Đại
Việt: khôi phục đất hai tỉnh Quảng.
Phải, cái chí muốn xẻ mảnh địa đồ Mãn Thanh đó, của vua Quang
Trung đã tỏ rõ trong câu chuyện giữa ngài và một vị cận thần:
Vua Quang Trung hỏi:
“Này, muốn biết việc làm của các đế vương nước ta thì coi ở
sách nào?
Vị cận thần tâu:
“Ở Nam sử.”
Nhà vua lại hỏi:
“Trước ta đây có ai dám đánh quân Tàu không?”
Vị cận thần tâu:
“Có, nào đức Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên, nào vua Lê Thái
Tổ đánh giặc Minh, chuyện xưa hãy còn nhiều lắm.”
Vua Quang Trung thêm:
“Song le, có ai dám sang tận Tàu mà đánh rồi chiếm lấy đất?”
Vị bầy tôi ấy tâu:
“Chưa!” (Sở dĩ không kể trận Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Ung,
Liêm có lẽ vì Lý đánh được rồi, nhưng lại bỏ, không chiếm lấy đất chăng?)
Thấy nói “chưa” vua Quang Trung liền hăng hái phán:
“Vậy thì để ta sẽ làm cho mà coi.”
Cái động cơ sửa soạn làm nhung thủ sang đánh Thanh chính đã
ngấm ngầm từ đấy.
Về việc vua Quang Trung không biết Nam sử này, chúng ta nay
có thể tin được không? Không! Vì chính Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập,
quyển 30 tờ 1b có chép ngài khi còn nhỏ, có học nơi Giáo Hiến, một thày dậy cả
văn võ. Vả, theo như bức thư “Trần biện hôn nghị” do Ngô Thì Nhậm thảo cho thị
thần nhà vua đứng tên gửi cho viên tri phủ họ Vương ở phủ Thái Bình bên Tàu thì
vua Quang Trung là người “tính trời ham học, dầu ở trong vòng can qua bận rộn
cũng không quên giảng đạo lý: ngày thường nghị luận có khi khơi mở rành mạch ra
được lắm điều mà sách vở ngày xưa chưa từng phát xiển được”397.
Như vậy, chắc ngài không đến nỗi không biết việc Trần Hưng Đạo
và Lê Thái Tổ. Nhưng nhân câu chuyện vấn đáp trên đây, ta càng tin chắc vua
Quang Trung quyết tâm vấn tội Mãn Thanh, đòi đất Lưỡng Quảng, để nhẩy lên một nấc
cao hơn đức Trần, vua Lê thuở trước.
Căm giận người Tàu, vua Quang Trung định tâm quyết một phen
chiến đấu với họ để rửa cái hận nghìn thu cho lịch sử: mất đất về Bắc!
Trước kia quyết liệt ra mặt, nhà vua còn làm mọi việc khiêu
khích, lấy gậy ông đập lưng ông!
Trong Vạn quốc sử ký quyển IV trang 8, tác giả Cương bản Giám
phu có chép:
… Khi Nguyễn Quang Bình (một tên khác của vua Quang Trung) đã
lấy binh lực đoạt được nước rồi tiêu nhiều, của hết, bèn sai hơn trăm chiếc tàu
ô và mười hai viên tổng binh mượn tiếng đi làm lương thực cho quân gia nhưng thực
ra dùng nhiều bọn giặc biển Tàu làm kẻ đưa đường, cướp bóc những miền Mân398,
Việt399, Giang400, Chiết401. Mãn Thanh náo động! Các tỉnh tâu trình rằng bắt được
giặc biển thấy có những con ấn binh tướng và tổng binh do nước An Nam phong
cho. Nhà Thanh có tư việc đó sang hỏi bên An Nam: nhưng nào có hay chính họ
Nguyễn (chỉ vua Quang Trung) có dính dáng và biết thừa việc đó! (dịch)
Sự thực?
Nhân dịp bấy giờ có bọn giặc ở Lưỡng Quảng, bị triều Thanh áp
bức xua đuổi, túng thế, họ phải về hàng bên ta, vua Quang Trung liền thu dụng lấy
tên đầu đảng, phong cho làm chức tổng binh, dùng chúng khuấy rối nội địa Tàu
khiến cho người Thanh không thể ăn ngon, ngủ yên được.
Vua Quang Trung lại lợi dụng đảng “Thiên địa hội” khiêu khích
Mãn Thanh.
Nguyên, sau khi Mãn Thanh vào làm chủ nhân ông 400 triệu người
Hán, các di dân, chí sĩ nhà Minh không chịu khuất phục dưới quyền thống trị của
họ hàng Thanh Thánh Tổ (1662-1772), liền hăng hái đứng dậy, ngầm tổ chức một cơ
quan bí mật, kêu tên là “Thiên địa hội”, nhằm theo cái đích lật đổ chính phủ
Mãn Thanh, khôi phục nhà Minh cũ.
Hồi đó, họ đang hoạt động ở Tứ Xuyên. Vua Quang Trung muốn
dùng họ làm lợi khí để quật lại Thanh, liền dung túng và ám trợ đảng “Thiên địa
hội” để họ làm rối ren ở biên thùy Tàu.
Kế hoạch đó quả có công hiệu: đường giao thông thuộc hải phận
Tàu bị nghẽn! Biên giới Mãn Thanh thường có cảnh báo (báo động) không yên!
Biên thần Mãn Thanh tuy biết rõ những sự biến đó toàn do vua
Nam đứng sau giựt giây sai khiến, song vì sợ oai võ và thế lực nước ta bấy giờ
đương bồng bột, hùng cường, nên người Thanh đành phải bấm bụng, chịu dầu, ngậm
cay đắng, không dám ho he chất vấn hay phản đối chi hết!
MƯỢN CỚ CẦU HÔN ĐỂ CHỰC ĐÁNH LẤY LƯỠNG QUẢNG
Nhâm Tý, niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792) nhà vua sắp đặt kế
hoạch Bắc phạt.
Muốn dò ý vua Thanh và do thám nội lực Trung Quốc bấy giờ hư
thực ra sao, vua Quang Trung bèn tính đến việc cầu hôn với Công chúa Tàu.
Ban đầu, nhà vua sai thị thần gửi cho viên Thái binh tri phủ
họ Vương bên Tàu nhờ đạo đạt lên Công trung đường đứng làm mối cho.
Trong thư có nói: “… quốc vương tôi là chủ tể một nước, không
thể thiếu tay giúp đỡ việc nội trị. Nghĩ muốn gõ cửa ải, dâng tờ biểu, kíp vì
quốc vương mà cầu hôn, lại e việc là việc trọng đại, nếu chưa có tay trong dung
nạp trước thì đâu dám tự bày tỏ để mang tiếng rằng chưa có rìu đã chực đẵn
cây.402
Sau, nhà vua lại sai thị thần gửi cho Vương tri phủ để tranh
biện về việc cầu hôn ấy là chính đáng, trong có những câu mềm mỏng nhưng lý sự
như:
… Quốc vương tôi nổi lên từ nơi đồng bái, mở đất ở phía nam để
có nhân dân xã tắc, đã được Đại Hoàng đế (vua Thanh) dựng làm phiên bình ở
ngoài, nếu lại được liên kết phủ phế thì các vương Mãn Châu Mông Cổ có thể lấy
tư cách là con rể mà giúp đỡ ở mặt đông bắc, quốc vương tôi há lại không thể lấy
địa vị Châu Trần mà trổ sức ở phía tây nam hay sao?403
Trải qua mấy lần nhờ biên thần Tàu đánh tiếng rồi, sau vua
Quang Trung sai gửi biểu thẳng lên Càn Long để yêu cầu việc đó.
Nguyên văn tờ biểu cầu hôn ấy như dưới:
請婚表
臣本一介布衣仰荷皇恩叨司南服既自展 覲闕庭特令抱見請安賞賚更蕃稠蒙異渥凡交南從古所不常得之事一一以施諸臣
迨臣欽旨回國仰奉聖恩垂眷恩旨頻頒浩蕩皇恩莫可名狀不料臣荒遠猥賤承恩至此尊親在念圖報無由惟願得時叩天閽邇瞻日表而地遙勢隔力不從心一過南開便成疏遠臣夢寐鈞韶眠想雲漢恆恐自同碌碌泛然於聲教之外辜負聖慈並生並育之恩
竊惟聖人顯比諸侯聯疎為親事存古道臣國之始涇陽受命于炎帝嫗姬漦降於貉龍實祖文郎啟封交趾百男承襲世守南藩幸承蔭於中華獲登名於文獻世代雖遠記載猶徵宋朝興國以來羈縻臣邦擯為化外不在明堂之列僅同彭濮之聯
我皇清受天眷命奄有萬方子照至以皆胞庭寰瀛而罔外欽惟大皇帝陛下德同天地道高軒虞懷諸侯柔遠人不以近代故常為限
臣叨蒙聖視之如子齒從親王之序雖分在荒情同生鞠念惟萬物不隱情於天地家庭之心事敢不暴白於至尊之前頃臣家遭降鞠中饋乏人締造初基方舟寡助思托蔭于玉樹擬保固夫苞桑仰見聖朝長白發祥茂膺帝祉子孫千億奕葉蕃昌向來天家法式王姬下貺必由貴近擇諧從無泛及外臣之例分嚴中外極覺無階惟是一念戴親翹企之私轉輾不能自已
竊望天潢玉波及下藩庶臣仰荷慈恩獲親麟趾関睢之化元吉施祉肅雍式型宜其家人以教國人習中夏之餘風脫海濱之舊染俾臣國內臣庶同相望於德化之中臣家世雲仍永保藩封承休無斁此臣之大願望也祇茲分外求霑事非常格謀諸執事無敢轉為題達君門萬里瞻望懸懸輙敢不自揣量冒昧披誠謹委陪臣恭候奏事之暇為臣代叩遡叙一段衷素伏望高聰俯垂睿鑑軫臣區區戀慕之誠恕臣蠻貊妄求之失臣遠在海南翹瞻宸北厪祝聖天子壽考萬年永作萬邦父母臣不勝戰慓之至。
Thỉnh hôn biểu
Thần bản nhất giới bố y, ngưỡng hà hoàng ân thao tư Nam phục.
Kỷ tự triển cận khuyết đình, đặc lĩnh bão kiến thỉnh an, thưởng lại cánh phồn,
trù mộng dị ác. Phàm Giao Nam tòng cổ sở bất thường đắc chi sự nhất nhất dĩ thi
chư thần.
Đại thần khâm chỉ hồi quốc, ngưỡng phụng thánh ân thùy quyến,
ân chỉ tần ban, hạo đãng hoàng ân mặc khả danh trạng! Bất liệu thần hoang viễn ổi
tiện, thừa ân chí thử! Tôn thân tại niệm, đồ báo vô do!
Duy nguyện đắc thời khấu thiên hôn, nhĩ chiêm nhật biểu; nhi
địa dao, thế cách, lực bất tòng tâm, nhất quá Nam quan, tiện thành sơ viễn!
Thần mộng mị Quân thiều, miến tưởng Vân Hán, hằng khủng tự đồng
lục lục, phiếm nhiên ư thanh giáo chi ngoại, cô phụ thánh từ tịnh sinh, tịnh dục
chi ân!
Thiết duy: thánh nhân hiển tỷ chư hầu, liên sơ vi thân, sự tồn
cổ đạo.
Thần quốc chi thủy: Kinh Dương thụ mệnh vu Viêm đế, Âu Cơ ly
giáng ư Lạc Long. Thực tổ Văn Lang, khải phong Giao Chỉ, bách nam thừa tập, thế
thủ Nam phiên, hạnh thừa ấm ư Trung Hoa, hoạch đăng danh ư văn hiến, thế đại
tuy viễn, ký tái do trưng.
Tống triều hưng quốc dĩ lai, cơ mi thần bang, thấn vi hóa ngoại,
bất tại Minh Đường chi liệt, cẩn đồng Bành Bộc chi liên.
Ngã Hoàng Thanh thụ thiên quyến mệnh, yểm hữu vạn phương, tử
chiếu chi dĩ giai bào, đình hoàn danh nhi võng ngoại.
Khâm duy: Đại Hoàng đế Bệ hạ, tức đồng thiên địa, đạo cao
Hiên, Ngu, hoài chư hầu, nhu viễn nhân, bất dĩ cận đại cố thường vi hạn.
Thần thao mong thánh thị chi như tử, sỉ tòng thân vương chi tự,
tuy phận tại thương hoang, nhi tình đồng sinh cúc.
Niệm duy vạn vật bất ẩn tình ư thiên địa, gia đình chi tâm sự
cảm bất bộc bạch ư chí tôn chi tiền: Khoảnh thần gia tao giáng cúc, trung quỹ
phạp nhân, đế tạo sơ cơ, phương chu quả trợ, tư thác ấm vu ngọc thụ, nghĩ bảo cố
phù bao tang.
Ngưỡng kiến Thánh triều: Trường bạch phát tường, mậu ưng đế
chỉ, tử tôn thiên ức, dịch diệp phồn xương. Hướng lại thiên gia pháp thức:
vương cơ hạ chúc tất do quý cận trạch hài, tòng vô phiếm cập ngoại thần chi lệ.
Phận nghiêm trung ngoại, cực giác vô giai! Duy thị nhất niệm đới thân, kiều sĩ
chi tư, chuyển triển bất năng tự dĩ!
Thiết vọng thiên hoàng ngọc phái ba cập hạ phiên thứ thần ngưỡng
hạ từ ân, hoạch thân lân chi. Quan thư chi hóa, nguyên cát thi chỉ, túc ung thức
hình, nghi kỳ gia nhân, dĩ giáo quốc nhân: tập Trung hạ chi dư phong, thoát hải
tần chỉ cưu nhiễm, tỉ thần quốc nội thần thứ đồng tương vọng ư đức hóa chi trung.
Thần gia thế vân nhưng, vĩnh bảo phiên phong, thừa hưu vô dịch.
Thử thần chi đại nguyện vọng dã.
Chỉ tư phân ngoại cầu chiêm, sự phi thường cách, mưu chư chấp
sự, vô cảm chuyển vị đề đạt! Quân môn vạn lý, chiêm vọng huyền huyền! Chiếp cảm
bất tự sủy lượng, mạo muội phi thành, cẩn ủy bồi thần cung hậu tấn, sự chi hạ,
vị thần đại khấu, tố tự nhất đoạn trung tố.
Phục vọng cao thông phủ thùy duệ giám, chẩn thần khu khu luyến
mộ chi thành, thứ thần man mạch vọng cầu chi thất.
Thần viễn tại Hải Nam, kiều chiêm thần bắc, cận chúc thánh
thiên tử thọ khảo vạn niên, vĩnh tác vạn bang phụ mẫu. Thần bất thăng chiến lật
chi chí…
Dịch:
Thần vốn là một kẻ áo vải, được nhờ ơn cả, lạm giữ cõi Nam. Từ
khi vào triều cận nơi cung khuyết, đã được đặc cách làm lễ bảo kiến vấn an, lại
được ban thưởng trọng hậu, ơn lạ dồi dào. Phàm những sự mà cõi Giao Nam từ xưa
chưa ai từng được đều nhất nhất ban cho thần cả.
Kịp khi thần khâm mạng về nước, lại được đủ ơn đoái thương,
luôn ban thánh chỉ. Cái ơn lồng lộng ấy của nhà vua thật không sao kể ra, tả ra
cho xiết! Thần là kẻ hèn mọn nơi hẻo lánh, chẳng ngờ lại được hưởng ơn đến thế!
Tấc lòng canh cánh mong báo đáp bậc tôn thân, song vẫn chưa bởi đâu mà đền bồi
được!
Chỉ mong được thường gõ cửa giới, gần nhìn bóng nhật, nhưng đất
ở xa, thế cách trở, sức làm không được như ý muốn: hễ qua khỏi cửa Nam quan thì
lại thành xa và sơ ngay!
Thần vẫn mơ tưởng nhạc Quân Thiều, ngóng trông Vân Hán, hằng
e mình rồi cũng đến như hạng tầm thường, phải liệt tràn ở ngoài vòng thanh
giáo, làm cô phụ cái ơn sinh nuôi tất cả của thánh từ!
Trộm nghĩ: Thánh nhân quý hiển hơn chư hầu, liên lạc chỗ sơ
cho thành thân mật, làm theo việc cũ lối xưa.
Nước thần, ban đầu, vua Kinh Dương chịu mệnh nơi Viêm đế, bà
Âu Cơ kết duyên với vua Lạc Long: tổ nước Văn Lang, mở cõi Giao Chỉ, trăm trai
nối dõi, đời giữ phên giậu phía nam, may nhờ phúc ở Trung Hoa, được nổi danh là
nước văn hiến. Thế đại dẫu xa, sử sách còn đủ khảo xét.
Từ khi nhà Tống dấy lên, ràng buộc nước thần, ruồng ra ngoài
vòng đức hóa, không liệt vào hàng Minh Đường, chỉ để cũng như hạng Bành Bộc!
Nhà Thanh ta được trời quyến cố, rộng có muôn phương, chỗ nào
có bóng mặt trời soi đến đều coi nhân dân là chung một bọc mà ra, lấy hoàn
doanh làm gia đình mà không gẩy ai ra ngoài cả.
Kính nghĩ: Đại hoàng đế Bệ hạ đức ngang với trời, đất, đạo
cao hơn vua Hiền Viên, vua Ngu Thuấn, vỗ về cho chư hầu mến phục, dịu dàng cho
người xa hướng về, không choèn choèn theo cái lối thường của các triều đại gần
đây.
Thần lạm được thánh thượng coi như con ruột, liệt vào hàng các
thân vương. Phận này dẫu ở tận nơi xa khuất, nhưng tình ấy vẫn được kể như đẻ
nuôi.
Thiết nghĩ: muôn vật không giấu tình riêng với trời đất, thì
câu chuyện tâm sự về gia đình dám chẳng giãi tỏ ở trước bậc chí tôn? Mới đây,
nhà thần gặp vận rủi ro, thiếu người chủ quỹ trông nom việc dâng cơm canh thờ
cúng! Trên nền gây dựng phong hóa đang thiếu người đỡ đần. Vậy muốn núp bóng dưới
cây ngọc, hòng bám vững vào gốc dân.
Ngước thấy thánh triều phát từ Trường Bạch404, đầy dãy phúc
lành, con cháu nghìn ức, nối đời phồn thịnh. Bấy nay lề lối nhà vua, vẫn chọn
những chỗ quý hiển gần gũi để gả các Công chúa, chứ không có lệ gả tràn đến các
chư thần ở ngoại phiên. Cái phận đã nghiêm nhặt chia ra trong ngoài như thế thì
thật rất khó bám víu! Chỉ vì một niềm tôn mến, lòng riêng ngóng trông, nên cứ
trằn trọc không sao thôi được.
Trộm mong cành ngọc nhà trời lan tràn đến cả kẻ ngoại phiên ở
dưới, ngõ hầu thần được ngửa đội ơn lành, gần gũi gót lân, đem cái phong hóa
Quan thư ban ra những phúc nguyên cát. Những điều kính ghín hòa thuận từ nơi
người nhà sẽ nêu làm khuôn mẫu cho người trong nước để họ tập quen cái dư phong
của chốn trung hạ, trút bỏ cái thói cũ của nơi bờ bể khiến thần dân trong nước
của thần được thỏa sự trông mong ở trong vòng đức hóa.
Nhà thần đời đời được phúc lành như mây họp, giữ mãi phiên
phong, hưởng sự tốt lành không cùng. Đó là điều mong mỏi lớn của thần vậy.
Chỉ vì nay cầu ơn ngoài phận, việc xảy khác thường, nên bàn với
những kẻ chấp sự, không ai dám vì thần mà chuyển đạt chút tâm sự này lên! Cửa vua
muôn dặm, trông ngóng đăm đăm. Nay bèn đánh bạo không tự suy xét mạo muội bày tỏ
tấc thành, kính sai kẻ bồi thần sang chầu hầu để sau lúc tâu bày rảnh rang, sẽ
vì thần mà kêu thay kể lể khúc nhôi cơn cơ.
Nép mong bậc cao sáng rủ thương, xét cho thần lòng thành quyến
luyến trìu mến, tha cho thần cái lỗi rợ mọi cầu liều.
Thần xa ở biển Nam, ngóng trông sao Bắc xin chúc Thánh Thiên
tử thọ khảo muôn năm, mãi làm cha mẹ muôn nước Thần bao xiết quá đỗi run sợ…”
Như các bạn đã thấy, trên đây vua Quang Trung đã đưa tờ biểu
sang nhà Thanh cầu hôn Công chúa Tàu.
Nhưng sự thực việc ấy ra sao, mỗi thuyết một khác.
Theo nhiều sách chép thì năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung
có sai sứ bộ sang Thanh định yêu sách nhà Thanh hai việc: cầu hôn và đòi đất Lưỡng
Quảng. Nhưng khi sứ bộ sang đến nơi thì được tin vua Quang Trung ở nước thăng
hà, họ bèn dìm tờ biểu “khiêu khích” ấy đi mà đổi làm tờ biểu cáo ai báo tin buồn
cho triều Thanh biết.
Mà Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30, tờ 41b
cũng chép:
Năm Nhâm Tý (1792). Huệ sai làm biểu sang nhà Thanh, cầu hôn
để dò ý vua Thanh, cũng muốn mượn chuyện ấy làm mối khởi binh; nhưng rồi bị bệnh,
nên không làm trọn được.
Đó là thuyết thứ nhất. Còn thuyết thứ 2 như có chép trong gia
phả họ Vũ405 do Vũ Vĩnh Thứ, cháu ba đời của Vũ Văn Dũng, soạn năm Bính Ngọ,
niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1870), thì đại khái như thế này: Nguyên từ ngày rằm
tháng tư năm Quang Trung thứ 4 (1791) nhà vua có phái trung sứ đi từ Phượng
Hoàng Trung Đô (Nghệ An) đem sắc mệnh này cho Đại đô đốc Vũ quốc công Vũ Văn
Dũng trong khi đang nghỉ giả hạn ở nhà:
勅
海陽招遠大都督大獎軍翊運功臣武國公進加領北使正使兼全應奏請東西兩廣以窺其心公主一位以激其怒慎之慎之其用兵形勢盡在此行他日前鋒卿其人也欽哉勅命
光中四年四月十五日
Dịch âm:
Sắc Hải dương Chiêu viễn Đại đô đốc Đại tướng quân dực vận
công thần Vũ Quốc công tiến gia lĩnh Bắc sứ chính sư kiêm toàn ứng tấu thỉnh
Đông Tây Lưỡng Quảng dĩ khuy kỳ tâm, Công chúa nhất vị dĩ kích kỳ nộ. Thận chi!
Thận chi! Kỳ dụng binh hình thế tận tại thử hành Tha nhật tiên phong: Khanh kỳ
nhân dã Khâm tai! Sắc mệnh!
Quang Trung tứ niên tứ nguyệt thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa:
“Sắc sai Hải Dương Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân dực vận
công thần Vũ Quốc công được tiến phong làm chức Chính sứ đi sứ Tàu kiêm toàn
quyền trong việc tâu thưa xin lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý, cầu
hôn một vị Công chúa để chọc giận. Cẩn thận đấy! Cẩn thận đấy! Tình thế dụng
binh ở như chuyến đi này cả. Ngày khác làm tiên phong chính là khanh đấy! Kính
thay lời sắc sai này!
Ngày rằm tháng tư, năm Quang Trung thứ 4 (1791).”
Cứ như ý trong lời sắc mệnh trên đây thì ra vua Quang Trung
chỉ mượn hai việc đòi đất và cầu hôn ấy làm cớ để dò ý và chọc giận vua Thanh.
Vì nếu vua Thanh nổi giận mà cự tuyệt thì cuộc giao thiệp giữa hai nước Việt
Thanh sẽ nổi lên những trận giông tố quyết liệt, Bắc Nam sẽ nói chuyện với nhau
bằng gươm lớn, súng dài: bấy giờ cuộc chiến tranh sẽ ngả ra một trong hai thế:
một là vua Quang Trung tự làm binh thủ, cho Vũ quốc công Vũ Văn Dũng làm tiên
phong, đường đường trống giong cờ mở, kéo binh sang tận đất Tàu mà vấn tội vua
Thanh; hai là lừa cho vua Thanh nhân lúc quá giận, không kịp suy nghĩ sâu xa, hấp
tấp sai tướng xuất quân sang Nam để mua lấy cuộc thất bại đau đớn nhục nhã như
trận Đống Đa ngày trước. Bấy giờ bên ta lại đứng vào thế nghinh địch, ứng chiến.
Mà chuyến đi đòi đất và cầu hôn này, Vũ Văn Dũng phải đóng một vai chính trị tối
quan trọng: vừa làm Chính sứ trong cuộc ngoại giao, vừa làm trinh thám chuyên
môn về quân sự. Vì có phải chỉ chuyên một việc uấn ba tấc lưỡi để giao thiệp với
triều đình Mãn Thanh thôi đâu, Dũng lại còn phải dò xét núi sông hiểm dễ thế
nào, đường sá gần xa thế nào, thủy lục tiện nghi thế nào và binh lực nhà Thanh
thực, hư, mạnh yếu thế nào, nhất nhất phải nhận xét cho tinh tường, ghi nhớ cho
rành mạch, rồi đem những tài liệu quân sự ấy để dâng vua Quang Trung để ngài
tính kế, bày mưu liệu cơ chế thắng.
Nhưng kết cục việc Dũng đi ấy ra sao?
Cứ theo như gia phả họ Vũ mà ông Hòe đã thuật ấy, thì khi vào
bệ kiến vua Thanh Càn Long, Vũ Văn Dũng có tâu xin hai việc:
Việc thứ nhất là cầu hôn, vì phối sất là việc quan trọng, quốc
vương hiện nay đã to tuổi, mà hôn nhân chưa định xong bởi chưng trong nước thì
toàn là hạng thần tử, các phiên phong láng giềng thì lại không được quốc vương
ưa thích, nên muốn vua Thanh xét tình cho.
Việc thứ hai là xin đất đóng đô, vì lấy cớ rằng quốc vương ở
một nước hẻo lánh, thủy bộ không tiện, mà vượng khí trong nội địa thì hết mất rồi!
Hai việc ấy tâu lên, vua Thanh châu phê giao cho đình nghị.
Nhưng trong khi đình thần nhà Thanh chưa kịp bàn xét thì liền
hôm sau, bọn Vũ Văn Dũng nhận được bệ kiến ở Ỷ Lương các, lại dâng tấu chương
thứ hai xin vua Thanh ban cho hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây làm đất đóng đô và
ly giáng một vị Công chúa để gây cho nước biên thùy cái phong hóa của Trung Quốc.
Thì may sao hai việc ấy đều được vua Thanh chuẩn y cả. Nhưng
vua Thanh chỉ ưng cho một tỉnh Quảng Tây để làm đất đóng đô thôi.
Việc đòi đất mới đến đây. Còn việc ly giáng Công chúa thì đã
đi được bước dài hơn:
Sau ngày tiếp Nam sứ ở Ỷ lương các, vua Thanh liền sai bộ Lễ
sửa soạn nghi lễ việc cưới gả, định ngày cho Công chúa sang Nam đẹp duyên với
quốc vương.
Nhưng chẳng may, sau đó mấy hôm, Vũ Văn Dũng nhận ngay được
tin chẳng lành: Vua Quang Trung băng! Vì vậy, mọi việc đều lỡ làng lỡ dở, bọn
Dũng đành ôm mối hận mà trở về.
Rồi từ đó, việc thôn tính Lưỡng Quảng chỉ là câu chuyện mỹ
đàm trên trang lịch sử Đại Việt, mà cơ đồ vua Quang Trung cũng dần dần tan theo
giấc xuân mộng của nàng Công chúa Tàu!
MA BỊNH CƯỚP ANH HÙNG
Dưới triều Quang Trung, võ công, văn trị, nội tu, ngoại
nhương, mọi mặt đều có vẻ khả quan cả. Một vị Hoàng đế anh hùng mới 40 tuổi,
cái tuổi đương hăng hái, đầy hứa hẹn, phải gánh vác một công cuộc phi thường, bỗng
bị thần Chết đến nạt rồi cướp đi há chăng phải là một cái hận nghìn thu còn ngậm?
Một buổi chiều thu, gió heo may vi vút nhả khí tiêu sơ trong
lùm thông núi Ngự, hơi lạnh lay gợn làn sóng yếu đuối trên mặt sông Hương… Vua
Quang Trung đang ngồi, bỗng hoa mắt, sầm tối mặt mũi, đâm mê man.
Chứng bịnh ấy, sử chữ nho chép là “huyễn vận” (眩暈). Mà
“huyễn vận” là một thứ bịnh do thiếu máu, bộ tiểu não bị tổn thương và thần
kinh suy yếu mà sinh ra. Khi phát thì, trong một lúc, mắt hoa, tri giác mờ tối
không biết gì cả.
Rồi từ đó bịnh ngày một tăng thêm, khó có hy vọng qua khỏi!
Khi bịnh xoay nặng, ngài triệu Trần Quang Diệu, trấn thủ Nghệ
An, về triều, bàn việc thiên đô về Nghệ An, nhưng việc đó chưa quyết định xong
thì bịnh tình nhà vua ngày một nguy kịch.
Ngài có trối trăng cùng bọn Diệu: “Sau khi ta mất, việc tang
chế chỉ nên sơ sài thôi, nội trong một tháng phải liệu mà chôn cất. Các ngươi
phải nên hiệp sức giúp Thái tử (Quang Toản), sớm thiên đô về Nghệ An để khống
chế thiên hạ…”406
Qua ngày hai mươi chín, tháng chín, năm Nhâm Tý407 niên hiệu
Quang Trung thứ 5 (1792), Thái Tổ Võ hoàng đế thăng hà bỏ dở công cuộc định
đánh Mãn Thanh, khôi phục lấy Lưỡng Quảng!
LỜI KẾT
Trước khi hạ lời kết thiên lịch sử ký sự này, tôi hẵng xin dịch
một bài bằng chữ Hán của một nhà báo ngoại quốc viết về “Nguyễn Huệ”, trước để
thay lời tóm tắt ôn lại suốt cả hai tập sách của tôi đã ghi chép về lịch sử, sự
nghiệp vua Quang Trung (1788-1792), sau để giới thiệu với các bạn đọc thân mến:
“người lịch sử” ấy của chúng ta đối với con mắt người ngoài ra thế nào. (Chỗ
nào tôi có phụ chú hoặc có tỏ ý dị đồng với nguyên tác thì chua ở dưới. Còn lời
chú của bài báo ấy thì tôi nói là “lời chua của nguyên tác” cho khỏi lẫn).
Nguyễn Huệ
Hồi thế kỷ XVIII, Việt Nam nảy một vị anh chúa, cưu hùng,
cương nghị, chiến công rực rỡ, oai danh ngang với Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Lê
Lợi cùng được người đời xưng tụng: Ấy là vua Quang Trung408 Nguyễn Huệ, triều
Tây Sơn.
Nguyễn Huệ, người làng Tây Sơn, thuộc Quy Nhơn, năm 1774 cùng
anh em409 là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ dấy binh, một keo mà đánh đổ được họ Cựu
Nguyễn (Sử chép hậu duệ Nguyễn Hoàng là Cựu Nguyễn, họ Nguyễn Huệ là Tân Nguyễn)410.
Năm 1786, Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, nhất thống được cả
bờ cõi ba kỳ.
Năm 1789411, vua Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị đem hơn hai mươi vạn
quân Lưỡng Quảng và Vân Quý ang Nam; thế mạnh như sóng xô lướt!
Huệ chỉ có mười vạn quân, nhưng hăng hái xông ra, đánh nước lạ,
nắm phần thắng412, chia quân làm ba đạo, nhân đêm trừ tịch413 đổ ra đánh úp,
huyết chiến hàng sáu ngày đêm: quân Tôn Sĩ Nghị bị thua một cách thảm hại, chết
và bị thương đến quá nửa.
Trận ấy, Nguyễn Huệ cưỡi voi lớn, thân ra tận tiền tuyến414 đốc
chiến, không nghỉ một chút nào. Chiếc Hồng bào Huệ mặc bị khói thuốc súng hun
ám thành ra sắc đen.
Nguyễn Huệ, suốt đời khéo biết dùng binh, liệu việc như thần.
Bộ hạ văn võ như Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Vũ Nhậm, Nguyễn415 Văn Sở và Trần
Quang Diệu… đều là những tay khai quốc tuấn kiệt cả.
Huệ từng hai lần vào thành Thăng Long416, bốn lần hạ Gia Định.
Hùng tài như Nguyễn Phúc Ánh cũng vẫn không sao chống nổi.
Tiếc rằng trời không cho sống lâu, ở ngôi mới được 5 năm đã bị
bịnh mất, khiến người bằng điếu bùi ngùi mất một anh hùng rồi vận mệnh triều
Tây Sơn cũng do đó mà sụp đổ!
(Thần Long – Việt Nam danh nhân dật sử, IV – Nam Phong, Chợ lớn,
tập 2, số 6, trang 23).
Sau 21 năm (1771-1792)417 tung hoành trên mảnh đất ngót 32 vạn
thước vuông, mấy trận đánh bạt quân Xiêm, dăm ngày quét sạch hai mươi vạn quân
Tôn Sĩ Nghị, sự nghiệp anh hùng ấy ngoài chút oai thừa ở mộ giả Linh Đường (thuộc
huyện Thanh Trì), nắm xương nằm không yên ở phía nam sông Hương, nay còn gì để
lại?
Dẫu vậy, còn chút dấu vết ở Đống Đa, võ công oanh liệt của
vua Quang Trung vẫn còn trơ trơ ở bia miệng!
Mồng 5 tháng giêng, ngày giỗ trận, ta thử cùng nhau bằng điếu
cổ nhân.
Vào chùa Đồng Quang, ta tham thiền: Thuyền từ đâu? Cành dương
đâu? Nước cực lạc đâu? Phật ngồi tự tại, nào hay nông nỗi chúng sinh!
Lên đền Trung Liệt418 ta vãn cảnh: Hoàng Diệu đâu? Đoàn Thọ
đâu? Nguyễn Tri Phương đâu? Bia đá đứng im, phó mặc bụi bay, gió thổi!
Ta không khỏi, bùi ngùi…
Loa Sơn, tức Đống Đa kia ơi! Có phải chính mi đã nuốt xác
quân Thanh để ghi chiến công phi thường của vị anh hùng hoàng đế?
Vậy, mi hãy cùng cỏ xuân, hoa xuân, cây xuân hát khúc thiên lại
để ca tụng cái sự nghiệp bất hủ của “chàng áo vải” con nhà nông dân ở ấp Kiên
Thành, mẹ tên là Nguyễn Thị Đồng, cha tên là Nguyễn Phi Phúc!
PHỤ LỤC: QUANG TOẢN
N
guyễn Quang Toản
Lấy hiệu Cảnh Thịnh (1793-1800)
Lại đổi Bảo Hưng (1801-1802)
LỆ NGÔN
1) Phần phụ lục này là dịch theo Đại Nam chính biên liệt truyện
sơ tập, quyển 30, tờ 43b-56b.
2) Theo lệ phiên dịch, lẽ tất nhiên người dịch phải giữ đúng
từng chữ từng câu trong nguyên văn. Vậy từ cốt truyện đến lời văn người dịch
không có quyền được sửa đổi.
3) Quốc sử quán xưa vì theo quan niệm triều đại, nên mới dùng
những chữ như “ngụy”, “tiếm” và “nhuận” để chỉ về “thắng triều” (triều đã bị
người ta đánh thắng tức là cái triều đã bị diệt). Lại vì ngày xưa theo lệ tị
húy (kiêng tên nhà vua) nên trên sử sách hễ gặp những chữ quốc húy thì đều bớt
nét hoặc tránh hẳn mà viết ra chữ khác, hoặc bỏ hẳn chữ “đệm” ở trên tên người
ta đi.
Nay, chúng ta chỉ đứng về phương diện sử học, cần tìm lấy sự
thật để tiện học hỏi cho nên, khi dịch xin lược bỏ những chữ “ngụy” ở trong
nguyên văn cho dễ hiểu và phàm những tên người, tên đất mà, khi dịch, biết là
vì kiêng húy mới in khác đi thì đều xin chép theo tên thật cho khỏi lầm lẫn. Cử
lệ:
Nguyên văn chép là Ngô Nhâm, xin cứ dịch là Ngô Thì Nhậm;
nguyên văn chép là Thanh Ba, xin cứ dịch là Thanh Hoa...
4) Phàm những năm ghi bằng can chi, khi dịch đều chua thêm
dương lịch cho dễ tính.
5) Phàm những lời chua của nguyên thư thì khi dịch đều ghi
trong hai cái ngoặc đơn nói là “nguyên chú” còn những chỗ nào không đề “nguyên
chú” thì tức là lời chua thêm của người dịch.
6) Muốn cho dễ hiểu và đúng văn pháp khi dịch, một đôi chỗ
xin thêm chủ ngữ hoặc bổ túc từ vào câu văn cho người đọc nhận ngay thấy nghĩa.
***
Quang Toản tên là Trát. Mẹ họ Phạm, người phủ Quy Nhơn, cùng
Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật và Thái sư Bùi Đắc Tuyên là chị em cùng mẹ khác
cha, tuổi 30, được sách phong hoàng hậu, sinh 3 trai, 2 gái. Toản là con cả.
Trước kia, khi giả vương sang triều cận, vua Thanh sắc phong
Quang Thùy là An Nam quốc vương Thế tử; sau biết Thùy là con thứ, bèn đổi phong
Toản làm Thế tử, cho thêm ngọc như ý, gấm và hà bao.
Năm Nhâm Tý (1792) Huệ mất, Toản mới 10 tuổi, đổi năm sau,
Quý Sửu (1793) làm Cảnh Thịnh nguyên niên, sai lũ Ngô Thì Nhậm419 sang Thanh
báo tang và thỉnh mệnh nối ngôi. Bọn Nhậm, chưa ra khỏi cửa ải, vua Thanh đã biết
tin do Lưỡng Quảng Tổng đốc tâu báo trước, liền xuống chiếu chỉ phong Toản làm
An Nam quốc vương, sai Quảng Tây án sát Thành Lâm sang Bắc Thành (Thăng Long)
tuyên phong. Toản cũng mượn người khác đứng nhận. Sứ Thanh trong bụng cũng biết
là giả dối.
Toản, sau khi đã tập phong, lấy em là Quang Thùy làm Khang
Công, tiết chế các doanh thủy bộ mạn Bắc, kiêm coi quản quân dân mọi việc: Quang
Bàn làm tuyên công, lĩnh Thanh Hoa420 Đốc trấn, Tổng lý quân dân sự vụ; cậu là
Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư, đốc thị các viên cơ mật trong ngoài; Thái úy Phạm
Công Hưng đồng chưởng quân quốc trọng sự; trung thư phụng chính Trần Văn Kỷ làm
mọi việc cơ mật ở viện Trung thư, được ủy thác hết các văn thư, từ lệnh và hiểu
thị; Thiếu phó Nguyễn421 Quang Diệu, hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Nội hầu Nguyễn Văn
Tứ và tư lệ Lê Trung cùng trấn Nghệ An; đại tư khấu Vũ Văn Dũng, đại tư cối
Nguyễn Văn Dụng, thiếu bảo Nguyễn Văn Danh422, Đại tư mã Ngô Văn Sở. Hình bộ
Thượng thư Lê Xuân Tài, tuần kiểm Chu Ngọc Uyển và Tiết độ Nguyễn Công Tuyết
cùng trấn Bắc thành. Bãi bỏ cái lệnh bắt dân đeo tín bài, thôi việc sai bắt dân
ẩn lậu.
Toản tuổi nhỏ, chỉ chăm chơi đùa, phàm việc đều quyết định ở
Đắc Tuyên. Đắc Tuyên tự do làm oai, làm phúc: trong ngoài đều oán.
Năm Quý Sửu (1793), quân ta423 vây Quy Nhơn; Nhạc sai người
cáo cấp, Toản sai lũ Phạm Công Hưng đến cứu. Quân ta đã rút về, bọn Hưng bèn bức
bách Nhạc mà chiếm cứ lấy thành Quy Nhơn. Nhạc tủi thẹn tức bực mà chết. Toản
phong con của Nhạc là Bảo làm Hiếu Công, phái người canh giữ.
Năm Giáp Dần (1794), Toản sai hộ giá Nguyễn Văn Huấn và điểm
kiểm Trần Viết Kết đánh úp Diên Khánh424: quân thua, phải quay về. Toản lại sai
tổng quản Nguyễn Quang Diệu, Nội hầu Nguyễn Văn Tứ lại đem quân vào vây Diên
Khánh; cầm cự nhau đến hàng tháng.
Mùa đông năm ấy (Giáp Dần, 1794) Đắc Tuyên sai Ngô Văn Sở
thay Vũ Văn Dũng điều bát quân sự ở Bắc thành, và triệu Dũng về. Dũng về đến trạm
Mỹ Xuyên. Bấy giờ phụng chính Trần Văn Kỷ có tội, bị phát phối ở nơi trạm ấy. Kỷ
mật bảo Dũng rằng: “Thái sư (chỉ Đắc Tuyên) ở ngôi cao tột của kẻ làm tôi, thiện
tiện làm việc uy phúc, sẽ bất lợi cho xã tắc. Nếu không sớm tính đi thì sau hối
sao kịp!”
Dũng bèn mật mưu với Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn425:
thanh ngôn đi Nam dã để tế cờ, nhưng nhân lúc ban đêm, đem đồ đảng vây Đắc
Tuyên ở chùa Thiền Lâm426.
Đêm đó, Tuyên vì tình cờ có việc, ngủ lại trong phủ của Toản.
Dũng vây phủ đòi bắt Tuyên. Toản bất đắc dĩ phải bắt Tuyên đưa cho Dũng. Dũng bỏ
Tuyên vào ngục.
Ngô Văn Sở là đảng của Tuyên. Dũng kiểu chiếu sai Tiết chế
Quang Thùy đóng gông Sở lại, điệu đến kinh thành. Lại sai Nguyễn Văn Huấn đem
binh vây Quy Nhơn, bắt Đắc Trụ, con Tuyên, giải về, thêu dệt thành phản trạng,
rồi dìm xuống nước mà giết chết cả. Toản không thể chế trị nổi chỉ khóc lóc mà
thôi.
Quang Diệu đang vây Diên Khánh, hay tin ấy, cả sợ, nói với bộ
hạ rằng: “Chủ thượng thì không có đức cứng mạnh, đại thần thì giết hại lẫn
nhau: thế là biến cố lớn rồi. Không dẹp yên nội biến, còn chống cự gì được người
ngoài?” Ngay hôm ấy, Diệu cởi vây rút về.
Dũng cho rằng Diệu có nhân nghị với Đắc Tuyên427, sẽ xảy ra sự
biến, bèn ủy cho Công Hưng đem binh đón Diệu, điều đình việc ấy428.
Bấy giờ Nguyễn Văn Huấn đang giữ Quy Nhơn, hay tin Diệu về, vội
trước đến tạ tội; Diệu chẳng buồn hỏi đến.
Diệu kéo quân đến An Cựu, đóng đồn ở bờ phía nam sông (sông
Hương).
Bọn Dũng và Nội hầu Tứ đóng quân ở phía bắc sông (sông Hương)
lấy nê mang lệnh vua mà chống cự lại.
Quang Toản lo sợ, không biết làm thế nào, sai người đi lại úy
dụ và hòa giải cả hai. Diệu mới đem kẻ chiêu đăm429 vào yết kiến, giảng hòa với
bọn Dũng. Diệu xin lấy Lê Trung thay Huấn giữ Quy Nhơn mà vời Huấn về.
***
Bấy giờ Quang Toản đã thân chính: 5 ngày một lần thiết triều.
Năm ấy (Giáp Dần 1794), Thái úy Công Hưng bị bệnh mất, Toản bèn lấy Diệu làm
Thiếu phó, Huấn làm Thiếu bảo, Dũng làm Đại tư đồ, Nguyễn Văn Danh430 làm Đại
tư mã: gọi là tứ trụ đại thần.
Có người gièm với Toản rằng: “Diệu uy quyền quá trọng, sắp có
chí toan tính khác!” Toản mê hoặc lời nói ấy, bèn thu lấy binh quyền của Diệu,
chỉ cho Diệu giữ bản chức mà phụng thị nhà vua.
Diệu đem lòng ngờ sợ, thường cáo bệnh không vào chầu, cho vài
trăm thủ hạ ngày đêm cầm binh khí để tự về. Quang Toản hằng sai quan trung sứ đến
úy lạo và dụ bảo Diệu.
Mùa hạ năm Định Tỵ (1797), quân ta đánh Quy Nhơn, chưa hạ được;
lại tiến vây Quảng Nam, Đà Nẵng, Câu Đê và Hải Vân. Toản sai Nguyễn Văn Huấn
đem hết quân ra chống cự. Lại khởi phục binh quyền cho Diệu để chặn giữ cửa bể
Noãn Hải.
Mùa thu (Đinh Tỵ, 1797) quân ta kéo về.
Năm Mậu Ngọ (1798). Tiểu triều Bảo431 đánh úp lấy Quy Nhơn,
sai người đến thông khoản với ta432. Quân ta chưa đến, Toản đã ra quân vây
thành Quy Nhơn, bắt Bảo đem về, giết chết bằng cách bắt uống thuốc độc. Rồi sai
Đại Tổng quản Lê Văn Thanh433 giữ Quy Nhơn.
Thái phú Lê Văn Ứng434 nói với Toản rằng: “Cuộc biến Tiểu triều
là do Lê Trung gây thành ra đó!” Toản vời Trung đến, sai tráng sĩ trói lại mà
chém Trung.
Lại tin lời gièm vu của Thượng thư Hồ Công Diệu. Toản giết chết
Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn.
Từ đó, tướng tá lìa lòng, ai cũng ngơm ngớp ngờ sợ!
Đại đô đốc Lê Chất là con rể của Lê Trung, từng lập được nhiều
chiến công, bấy giờ sợ vạ lây đến mình, liền theo về với bên ta.
Năm Kỷ Mùi (1799), quân ta lại tiến đánh Quy Nhơn. Lê Văn
Thanh đóng cửa thành cố chết để giữ. Quang Diệu và Văn Dũng đem binh thuyền đến
cứu. Khi tới Quảng Ngãi, nghe quân ta đã đổ bộ, giữ chỗ hiểm, Diệu ở ngoài núi
Thạch Tân; Dũng đem quân đi theo đường tắt Chung Xá, mưu đánh úp đằng sau quân
ta.
Đêm đến, có một con nai, xổng chạy, quân tiền đạo của Dũng ồn
ào la ó, truyền lầm là quân “Đồng Nai” bèn sợ hãi tan vỡ. Quân ta thừa dịp, tiến
vào: quân Dũng giày đạp lẫn nhau, chết mất nhiều lắm.
Quân cứu đã tuyệt, Văn Thanh bèn cùng Thượng thư Nguyễn Đại
Phác, Thiếu úy Trương Tiến Thúy đem thành xuống hàng.
Quân ta đã được Quy Nhơn, bèn đổi tên thành ấy rằng thành
Bình Định, để chưởng Hậu quân Vũ Tinh, Lễ bộ Ngô Tòng Chu ở lại trấn giữ.
Toản hay tin Quy Nhơn đã thất thủ, cả kéo binh đến. Khi tới
Trà Khúc, Toản giục các tướng ra quân, Trần Viết Kết nói: “Nay, phong sắc không
tiện, xin hẵng kéo quân về!” Toản bèn lưu Diệu và Dũng giữ Quảng Nam, Nguyễn
Văn Giáp giữ Trà Khúc, còn mình thì quay về.
Trước đó, trận Thạch Tân, quân Dũng không đánh đã tự vỡ, Dũng
sợ, cầu xin Diệu giấu kín sự ấy đi. Từ ấy, hai người cố kiết rất chặt chẽ, hẹn
làm đôi bạn sống chết có nhau.
Lũ Trần Việt Kết, Hồ Công Diệu và Trần Văn Kỷ vốn ghét Quang
Diệu. Họ lấy cớ để nói Quang Diệu về việc Quy Nhơn thất thủ, Diệu đóng binh ở một
chỗ, không làm được công cán gì. Rồi họ kiểu chiếu sai Dũng bắt Diệu mà giết
đi. Dũng được thứ ấy, đưa cho Diệu xem.
Diệu cả sợ, bèn kéo quân về Phú Xuân, cắm rào ở bờ phía nam
sông Hương, thanh ngôn lên rằng đem binh đến để giết bọn giặc ở bên cạnh vua.
Toản sai người đến vời: bọn Diệu đều không vâng chịu mệnh lệnh.
Kỷ đổ tội cho Trần Viết Kết và Hồ Công Diện. Kết trốn. Toản bắt
Công Diệu đưa cho Quang Diệu. Bấy giờ Quang Diệu mới cởi binh, vào triều cận.
Toản dụ bảo: “Các khanh là trụ thạch của quốc gia, nên vì nước
mà đồng lòng gắng sức để trừ ngoại loạn, bất tất phải đem lòng nghi ngờ.” Lũ
Quang Diệu đều khóc tạ, xin lại đem quân vào lấy Quy Nhơn. Toản ưng cho.
Năm Canh Thân (1800), bộ binh của Diệu vây dưới thành Quy
Nhơn, thường thường khiêu chiến. Vũ Tính đóng chặt vách thành tự giữ lấy. Diệu ở
ngoài, đắp cái lũy dài bao quanh bốn mặt để xây thành.
Dũng lấy hai chiếc thuyền “Định quốc đại hiệu” và hơn trăm
chiếc chiến thuyền chận ngang cửa bể Thi Nại. Lại dựng hai cái đồn, trong đặt
súng đại bác, ở Nhạn Châu về phía tả cửa bể và ở núi Tam Tòa về phía hữu cửa bể,
để đứng cao mà bắn ra. Phòng thủ rất là nghiêm nhặt.
Mùa hạ (Canh Thân, 1800). Thế tổ435 ta đem đại binh đến cứu
Bình Định (Quy Nhơn); bộ binh đóng ở Thị Dã; thủy binh án ngữ ở ngoài cửa bể
Thi Nại. Quân ta thủy lục không thông được với nhau. Vũ Tính cũng ở trong thành
cố giữ, đợi quân cứu. Hai bên cầm cự đã lâu.
Bấy giờ lũ Lưu Phúc Tường, điển quân thượng đạo bên ta, liên
kết với các xứ Vạn Tượng (Ai Lao), Trấn Ninh, khuấy rối thành Nghệ An. Từ Thanh
Hoa436 trở ra, thổ tư437 các trấn đều dấy nghĩa binh hưởng ứng. Các cố đạo Tây
cũng khua đám tín đồ người Nam ở sở tại nổi lên như ong. Nhều người trung nghĩa
ở Bắc thành cũng vượt bể, thật lòng vào đầu hàng, vì quan quân (bên chúa Nguyễn)
mà trổ sức. Nhân dân các trấn hễ thấy gió nồm bốc lên, thì mừng với nhau rằng:
“Chúa Nguyễn thuận buồm kéo ra!”
Tình thế Quang Toản ngày một cùng quẫn, Toản sai người đem đồ
hậu tệ đến vời Nguyễn Thiếp (tức Thiệp).
Khi Thiếp đến, Toản đem việc nước ra hỏi. Thiếp nói: “Hỏng rồi!”
Thiếp lại hỏi: “Ai theo?” Toản nói: “Trao cho gươm, ấn, ai dám không theo?” Thiếp
nói: “Nếu vua không theo thì làm thế nào?” Toản im lặng.
Thiệp lui, nói với người thân rằng: “Đôi cá nước cạn, họ Nguyễn
về quê. Non sông của chủ cũ, chẳng bao lâu, chung quy lại thuộc chủ cũ” Rồi Thiệp
bảo Toản lui giữ Vĩnh438 đô, ngõ hầu hoặc còn có thể thư được chăng. Toản cũng
do dự, không quyết định.
Năm Tân Dậu (1801), Thế tổ ta thân đốc chu sư, thẳng vào cửa
bể Thi Nại, sai Nguyễn Văn Trương và Tống Phúc Lương lĩnh quân tiền đạo xông
vào trước đốt đồn thủy của Toản; Lê Văn Duyệt và Vũ Di Nguy tiếp nối tiến vào.
Dũng đốc thúc các quân chống đánh, đạn súng đại bác bắn ra
như mưa: Di Nguy ngồi ở đầu thuyền, lăn xuống nước chết. Quân ta chết và bị thương
khá nhiều, Văn Duyệt thúc đánh càng hăng. Rồi nhân thuận chiều gió, đánh hỏa
công, thiêu hết chiến thuyền bên Tây Sơn: khói bốc mù trời! Dũng chỉ chạy được
thoát thân.
Thủy quân đã đổ bể, Diệu lại đắp thêm lũy đất, núi đất để đối
vào trong thành mà bắn; dựng nhiều đồn và rào làm chước chống giữ lâu dài. Quân
ta đánh Diệu: luôn mấy tuần không hạ được. Thế tổ ta bèn lưu bộ tướng Nguyễn
Văn Thành giữ Thị Dã, cầm cự với Diệu. Còn ngài thì thân cầm chu sư để đánh thẳng
vào Phú Xuân (Huế).
Mồng 1 tháng năm, mùa hạ, (Tân Dậu, 1801), ngài vào đến cửa bể
Tư Dung. Phò mã Tây Sơn Nguyễn Văn Trị giữ núi Rùa439, dựng rào gỗ440 để chống
lại.
Quân tiền đạo (bên Nguyễn) tiến đánh không hạ được, Lê Văn
Duyệt và Lê Chất đang đêm, đem vài mươi chiếc chiến thuyền vượt bãi cát vào eo
bể Hà Trung đánh úp ở đằng sau, rồi chia quân nhổ hết rào gỗ mà tiến lên. Văn
Trị sợ, vỡ, chạy.
Đại binh (bên Nguyễn) tiến đến Trừng Hà, bắt được Trị và Đô đốc
Tây Sơn Phan Văn Sách chiêu hàng được 509 tên quân của họ, bèn tiến vào cửa
sông Noãn Hải.
Toản rốc hết quân ra chống giữ. Quân ta thừa thắng tiến lên.
Quân Toản sợ bóng, sợ gió, đã vội vỡ trước.
Đại binh (bên Nguyễn) kéo thẳng đến kinh đô (Phú Xuân).
Ngày mồng 3 (tháng năm năm Tân Dậu, 1801), Toản đem của bán
chạy ra ngoài Bắc, bỏ cả sắc, ấn do triều Thanh đã ban cho. Vừa ra khỏi cầu Phú
Xuân vài dặm, quân lính đã tan đi bốn ngả, Toản bèn cùng em là Thái tể Quang
Thiệu, Nguyên súy Quang Khanh, và lũ Đại tư mã Tứ, Đô đốc Trù tế ngựa ngày đêm
nhằm lũy Động Hải mà chạy.
Ngày tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng năm năm Tân Dậu, 1801), Toản
qua đò sông Gianh (Linh Giang), quân ta đuổi theo không kịp. Đến Nghệ An, Toản ở
lại vài ngày, giấu bặt công chuyện, không tuyên bố. Lại cưỡi ngựa trạm chạy ra
trấn Thanh Hoa441. Phi báo cho em là Quang Thùy đem quân đến đón.
Quân ta đã khắc phục kinh đô, sai Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Tống
Viết Phúc vào cứu Bình Định (Quy Nhơn). Quân chưa đến thì trong thành đã hết
lương ăn, Lưu trấn Vũ Tính và Hiệp trấn Ngô Tòng Chu đều chết theo thành.
Diệu và Dũng lại giữ lấy thành, sai Đại đô đốc Trương Phúc
Phượng và Tư khấu Định442 đem quân do đường thượng đạo về cứu Phú Xuân. Phượng
hết lương, đến Tả Trạch Nguyên, xuống hàng quân ta. Định xuống Cao Đôi, đánh
thua, chạy vào trong Mán rồi chết.
Hạ tuần tháng năm (Tân Dậu 1801), Toản đến Bắc thành, đóng ở
phủ của Quang Thùy. Bấy giờ luôn tuần mưa dầm, trước sân ngập nước đến hơn một
thước. Khi nước cạn, thình lình đất sụt sâu và rộng mỗi bề đến hàng vài thước.
Cái lầu ba từng ở Nghệ An vô cớ cũng đổ. Người ta đều cho là cái điềm chẳng lành443.
Tháng ấy (tháng năm Tân Dậu, 1801), đổi hiệu làm Bảo Hưng
nguyên niên, Toản hạ chiếu nhận lỗi, vỗ về nhân dân các trấn, lấy Thị trung Đại
học sĩ Ngô Thì Nhậm444 làm Binh bộ Thượng thư, hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Huy
Lịch làm Lại bộ Thượng thư, Thị trung Ngự sử Phan Huy Ích làm Lễ bộ Thượng thư;
ngoài ra, mọi người khác đều được phong thưởng theo thứ bực cả. Lại đắp gò tròn
ở ngoài cửa ô Chợ Dừa, xây bó trầm vuông ở hồ Tây để Hạ chí và Đông chí thì
chia ra mà tế tự Trời, Đất.
Toản thân đến Quốc Tử giám để khảo hạch học trò: ai vào hạng
ưu thì thưởng cho tiền.
Toản sai lũ Nguyễn Đăng Sở sang nhà Thanh đưa tuế cống, và
xin cứu giúp.
Bấy giờ sứ giả của ta, Trịnh Hoài Đức, đã sang Quảng Đông nộp
sắc ấn của nhà Tây Sơn. Vua Gia Khánh (nhà Thanh) dung nạp sứ ta và đuổi lũ
Đăng Sở về.
Tháng tám (Tân Dậu, 1801), Toản sai em là Quang Thùy điểm
binh mã, trước đến đóng đồn ở trấn Nghệ An.
Tháng mười một (Tân Dậu, 1801), Toản để Quang Thiệu, Quang
Khanh giữ Bắc Thành, thân đốc ba vạn quân ở bốn trấn và Thanh, Nghệ, tự mình
làm tướng mà kéo vào Nam. Bùi Thị Xuân, vợ Quang Diệu cũng đem 5.000 thủ hạ đi
theo. Tiết chế Thùy và Tổng quản Siêu445 phạm lũy Trấn ninh446; Tư lệ Tuyết và
Đô đốc Nguyễn Văn Kiên phạm lũy Đâu Mâu; Thiếu úy Đặng Văn Đằng và Đô đốc Lực447
liên kết với giặc Tể ngôi, dàn hơn trăm chiếc thuyền ở ngoài bể Linh Giang:
binh thế thịnh lắm.
Quân ta lui giữ Động Hải.
Ngày 30 tháng mười hai448. Toản lùa hết quân qua đò sông
Gianh.
Thế tổ ta thân chinh449, đóng ở Động Hải, sai Phạm Văn Nhân
và Đặng Trần Thường đốc suất bộ binh, Nguyễn Văn Trương đốc suất thủy quân,
chia đường chống cự.
Mồng 1 tháng giêng, mùa xuân năm Nhâm Tuất (1802) quân Quang
Thùy bức lũy Trấn Ninh. Quân ta mở cửa lũy, cố sức đánh lui được.
Toản lại đem hết quân vây lũy Đâu Mâu: bám vào như kiến mà
trèo lên. Quân ta bắn đại bác ầm ầm và ném đá lớn xuống: quân Toản bị thương và
chết nhiều lắm.
Toản sợ, muốn rút lui, Thị Xuân níu ngựa, cố xin đánh Toản lại
vẫy quân thúc đánh: từ sáng sớm đến chiều cả chưa chịu lui. Chợt nghe thủy quân
bị Nguyễn Văn Trương (bên Nguyễn) đánh bại, quân Toản kinh, vỡ.
Ngày mồng 2 (tháng giêng Nhâm Tuất, 1802) Toản chạy đến Động
Cao vội qua đò sông Gianh để chạy ra Bắc: kẻ đi theo không còn tới một, hai phần
mười, 50 chiếc thuyền lương và quân nhu khí giới đều bị quân ta bắt được cả.
Quang Thùy đến sông Gianh bị quân ta cản lại, không qua đò được
phải đi theo đường sơn cước, hơn một tuần450 mới tới Nghệ An: gặp Toản ở đấy. Rồi
lại chạy ra Bắc thành.
Trận ấy, Toản cuốn hết lực lượng mà đến đánh, rồi thua một
chuyến hết sạch sành sanh.
Từ đó, rủn chí, ngã lòng, Toản chỉ ở trong thành, thi bắn và
ngâm thơ thôi.
Diệu, Dũng ở Bình Định (Quy Nhơn), hay tin ấy, bèn đem đồ đảng
là lũ Từ Văn Chiêu451, Nguyễn Văn Miên, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Điểm và Lê
Công Hưng đem 3.000 quân, 80 thớt voi trận theo đường thượng đạo sang Lào, đi
ra Nghệ An.
Bấy giờ đại binh bên ta đã qua sông Gianh, tiến đánh đồn Tam
Hiệu ở Bố Chính, và hạ được rồi. Thủy quân của Nguyễn Văn Trương đến cửa bể Đan
Nhai, đánh phá các thành chắn bằng đất và gỗ, bộ binh của Lê Văn Duyệt và Lê Chất
đến sông Thanh Long, cướp được kho Kỳ Lân.
Nghệ An trấn thủ Nguyễn Văn Thận, Hiệp trấn Nguyễn Chiêm, Thủy
quân thống lĩnh Đại, Thiếu úy Đằng (bên Tây Sơn) đều bỏ thành, chạy đến đồn
Tiên Lý452. Chiêm tự ải chết. Thận chạy đi Thanh Hoa453.
Đại binh (bên Nguyễn) đã lấy được Nghệ An, liền bổ đặt quan lại.
Diệu từ Quỳ Hợp xuống Hương Sơn, nghe tin Nghệ An đã bị phá,
bèn qua Thanh Chương, vượt sông Thanh Long (thuộc Nghệ An). Tụng giả dần dần
tan đi. Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống.
Văn Dũng cũng bị thổ dân Nông Cống (thuộc Thanh Hoa) bắt được,
giải nộp.
Đại binh (bên Nguyễn) đến Thanh Hoa454, Đốc trấn Quang Bàn và
Thận, Đằng đều xuống hàng.
Quân ta thừa thắng tiến ra, không còn ai dám chống cự nữa.
Ngày 16, tháng sáu (Nhâm Tuất, 1802) Quang Toản tự liệu thế
không chống nổi, bèn cùng các em là Quang Thùy, Quang Thiệu và lũ Tư mã Nguyễn
Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ, Đô đốc Tú qua đò sông Nhị, chạy lên mạn Bắc. Đến Xương
Giang (thuộc Bắc Giang) đêm đóng lại, bị dân quê mưu cướp bắt. Quang Thùy tự ải,
Tú và vợ cũng tự thắt cổ chết. Toản bị dân Phượng Nhỡn (thuộc Bắc Giang) bắt được,
đóng cũi đưa đến Bắc Thành.
Ngày 23 (tháng sáu, Nhâm Tuất, 1802), Xa giá (vua Gia Long)
vào thành Thăng Long. Quan lại văn võ các trấn tranh đến cửa quân đầu thú.
Mùa đông năm ấy (Nhâm Tuất, 1802), Xa giá (vua Gia Long) về
kinh (Huế) làm lễ cáo nhà thái miếu, dâng tù binh, trừng trị một cách tận pháp:
đào phá mả Nhạc, mả Huệ, tán xương ném đi, giam đầu lâu vào nhà ngục, đổi tên ấp
Tây Sơn gọi là ấp An Tây.
Năm Minh mạng thứ 12 (1831), tiếp tục bắt được con Nhạc là
Văn Đức, Văn Lương và cháu Nhạc là Văn Đâu455 đều khép vào tội chém ngang lưng
cả.
Họ hàng dòng giống Tây Sơn thế là hết tuyệt.
Cẩn án456 – Anh em Tây Sơn phân trị, không thống nhiếp nhau.
Nhạc khởi từ năm Mậu Tuất (1778) đến năm Quý Sửu (1793): gồm
16 năm.
Huệ khởi từ năm Mậu Thân (1788) đến năm Nhâm Tý (1792): gồm 5
năm.
Toản khởi từ năm Quý Sửu (1793) đến năm Nhâm Tuất (1802): gồm
10 năm.
Cộng 25 năm tất cả.
Nhưng từ năm Kỷ Dậu (1789), Lê mất, Huệ mới giữ nước. Cứ tính
từ năm ấy (Kỷ Dậu, 1789) đến năm Nhâm Tuất457 (1802) là năm Quang Toản bị bắt
thì chỉ được 14 năm thôi.
VĂN NÔM ĐỜI CẢNH THỊNH
(1793-1800)
Xưa kia, ta đối với văn nôm, thường chỉ chuyên chú vào văn vần,
mà ít luyện tập đến văn xuôi. Cho nên, trong khi ta đã có những câu lục bát hoặc
bài hàn luật rất điêu luyện, rất bóng bẩy, rất nhẹ nhàng, thế mà, về tản văn,
ta hãy còn chập chững trong bước ấu trĩ! Đó vì trước triều Tây Sơn, phàm những
văn thể như hiểu văn, dụ văn, chiếu văn này khác, ta thường viết bằng chữ nho,
chứ ít khi dùng đến tiếng mẹ đẻ.
Không “năng học” thì không bao giờ “hay” được: đó là cái nhẽ
tất nhiên.
Nhân khảo về đoạn sử Tây Sơn, tôi có tìm được ít nhiều văn
nôm – cả tản văn lẫn vận văn – ở đời ấy. Tựu trung tôi thấy văn vần ở đương thời
vẫn tiến hơn văn xuôi, đó càng tỏ rằng vì xưa ta ít chịu rèn luyện văn xuôi,
nên bấy giờ dầu đã là cuối thế kỷ XVIII, vậy mà văn xuôi hãy còn thô sơ và lủng
củng đến thế!
Vậy xin cử một bài chiếu văn từ năm Giáp Dần (1794) đời Cảnh
Thịnh làm lệ, để các bạn thấy cái trình độ văn xuôi của ta cách đây 150 năm nó
ra thế nào: nó lủng củng những chữ Hán! Nó không được chải chuốt, sáng sủa, gẫy
gọn, rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu như văn xuôi bây giờ.
DỤ NHỊ SÚY458 QUỐC ÂM CHIẾU VĂN
(Phiên âm theo bản chữ Nôm trong Giụ am văn tập, sách viết
trường Bác Cổ, số A 604 quyển thứ 5, tờ 5b-7b)
Lời dẫn
Như các bạn đã thấy ở truyện Nguyễn Quang Toản, từ năm Giáp Dần
(1794) các tướng nhà Tây Sơn nhân dịp Tự quân thơ ấu, quốc gia lắm việc, chèn bẩy
lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau để tranh chiếm lấy quyền bính. Trần Quang Diệu đang
vây Diên Khánh, hay tin Vũ Văn Dũng làm mưa làm gió ở triều đình, giết chết cha
con Bùi Đắc Tuyên, bắt giam Ngô Văn Sở, bèn lật đật rút quân kéo về đóng quân ở
phía nam sông Hương để uy hiếp Văn Dũng.
Vua Cảnh Thịnh phải sai người đi lại úy lạo phủ dụ, hòa giải
cả đôi.
Dưới đây là bài chiếu do nhà vua bảo Phan Huy Ích làm để dụ
hai tướng Diệu, Dũng.
Nguyên văn bằng chữ Nôm, nay tôi phiên ra quốc ngữ và giải
nghĩa những chỗ khó hiểu.
***
Chiếu Thiếu phó Diệu Quận công Trần Quang Diệu, Tư đồ Dũng Quận
công Vũ Văn Dũng khâm tri:
Nhị khanh459 là huân cựu đại thần460, Quốc gia trụ thạch461,
người thì phụng tuân cố mệnh462, bảo dực trẫm cung463, người thì chuyên chế Bắc
thành, bình hàn vương thất464. Trẫm vốn lấy làm cổ quăng tâm lữ đãi dĩ chí
thành465.
Khoảnh nhân biên sự khổng cức466, trụng lao khanh đẳng đổng
binh vu ngoại467. Như nay thố trí đồn ngữ đã rồi, mà hồi triều nghị sự, cùng lo
tính thủy bộ cơ nghị dĩ đồ hậu cử468, để cho thượng hạ chi tình tương đạt469
thì cũng là phải. Dầu là chưa có triện mệnh, mà đã thiện hồi470, cũng chẳng qua
cấp ư quốc kế, lược ư lễ văn471, trẫm cũng chẳng hà trách những điều tế quá472.
Bỗng nay nhị khanh tự hoài nghi cụ, cách hà ủng binh, bất lai
triều yết473. Tằng dĩ lũy ban dụ chỉ, hãy còn suy thác trì hồi474! Trong quân
thần phận nghĩa, mà tự xử dường ấy, khanh đẳng nghĩ đã yên lòng hay chưa?
Trẫm thanh niên lãm chính475, đường thành tín ngự hạ có điều
chưa được tố phu476, khiến tới nỗi những kẻ huân cựu dường ấy còn phải quải ngại
vu tâm477, ấy cũng là trẫm chi quá thất478.
Tưởng nay đương buổi tông thành nhất thủ, kình địch tại tiền,
dẫu quân thần đồng tâm mưu lự còn e phất cập479, bỗng lại gây nên nội hoạn480,
thì nữa quốc sự làm sao!
Ví như trẫm chẳng suy lượng bao hàm481, lại có lòng tường hại
tướng thần482, ấy là tự tiễn kỳ vũ dực, thế ắt nguy vong lập kiến483. Mà khanh
đẳng dĩ binh hiếp chế khiến cho chủ bính hạ di, đại cương vẫn xuyễn484 thì cũng
chung quy loạn vong. Thử nghĩ hai nhẽ ấy, trẫm an nhiên vi chi hồ? Khanh đẳng
an nhiên vi chi hồ485?
Dầu như khanh đẳng còn ngại tiếng “phạm thượng” mà lại bất
năng thích nghi486, thiên tương nội đạo viên quân tầm lộ tha khứ487, để đến nỗi
nhân tính hung động488, địch quốc ngoại thừa489 thì tận khí tiền công, thùy nhậm
kỳ cữu490?
Trẫm thừa tông miếu xã tắc chi trọng491, nhị khanh vi triều
đình đống cán chi thần492, nhẽ đâu lưỡng tương nghi trở493, sự biến hoạnh
sinh494, chẳng là di tiếu thiên thu495 vậy du!
Sổ nhật lại phản phúc tư duy496, tẩm thiện câu giảm497, tưởng
chưng quốc gia đại kế hệ tại tư tu498. Vậy đã khai thành trì dụ499, mà khanh đẳng
còn chưa khai thích, trẫm vưu bất an vu tâm500!
Vả, kinh lãm khanh đẳng biểu nội501: sở chư thố trí các điều
cũng là đương hành sự nghi502, song khanh đẳng còn đối khuyết liệt binh, vị lại
triều yết503, thì quân thần chi nghĩa chưa được minh chính504. Như trong nước
mà chưa thuận đạo, quân thần hầu dễ lo đường chính sự làm sao!
Dù như khanh đẳng muốn rằng tiên y tấu biểu, hậu thủy xu triều505
thì ra quân nhược thần cường506, cương thường điên đảo, dầu có chính sự cho
hay, thi hành sao đặng? Như lấy thế làm binh gián507, e chưa hợp trong sự thể.
Khanh đẳng đã thực lòng ái quốc, thì tua508 giữ đạo tôn thân,
thể lòng trẫm suy thành đãi ngộ509, sớm nên thích kỳ hiềm nghi510, qui triều tạ
quá mà hãy phu trần sự lý511. Như việc binh nhung nên khu xử những làm sao,
trong quan liêu tiến thoái những làm sao, cùng triều thần thương nghị rồi thì
thỉnh chỉ phụng hành.
DIỆU QUẬN QUÂN THỨ QUỐC ÂM HIỂU VĂN
Phiên âm theo bản chữ Nôm trong Giụ am văn tập (sách viết trường
Bác Cổ, số A 604), quyển 5 tờ 13a-14b
LỜI DẪN
Bài hiểu văn dưới đây là của Giụ am Phan Huy Ích vâng theo chỉ
dụ vua Cảnh Thịnh (1793 -1802) làm từ mùa xuân năm Canh Thân (1800) dán yết ở
nơi quân thứ Quy Nhơn để hiểu dụ nhân dân và quân lính.
Nguyên Quy Nhơn trước là địa bàn của Nguyễn Nhạc.
Năm Quý Sửu (1793) quân bên Cựu Nguyễn512 vây bức thành Quy
Nhơn. Nhạc sai con là Bảo chống cự lại nhưng quân vỡ, Bảo phải thua chạy, Nhạc
bấy giờ đang đau ốm, sai ruổi thư ra Phú Xuân để cáo cấp.
Chúa Cảnh Thịnh sai lũ Thái úy Phạm Công Hưng, Hộ giá Nguyễn
Văn Huấn, Đại tư lệ Lê Trung và Đại tư mã Ngô Văn Sở đốc suất 17.000 bộ binh,
80 thớt voi và Đại thống lĩnh Đặng Văn Chân đem hơn 30 chiếc chu sư chia làm 5
đường vào cứu.
Quân Cựu Nguyễn cởi vây, rút lui. Bọn Hưng vào thành Quy
Nhơn. Nhạc sai đem một mâm vàng, một mâm bạc ra để khao quân, Hưng bèn tịch
biên kho đụn thu lấy giáp binh, chiếm cứ lấy thành ấy. Nhạc uất tức, hộc máu ra
mà chết513.
Từ đó Quy Nhơn lại thuộc dưới quyền thống trị của chúa Cảnh
Thịnh.
Qua năm Mậu Ngọ (1798). Bảo nổi cuộc phản công, bắt tù Thanh
Uyên hầu514 là tướng của triều đình Phú Xuân lưu lại để kiềm chế Bảo, rồi Bảo
chiếm giữ thành Quy Nhơn, sai Đô đốc Đoàn Văn Cát và Nguyễn Văn Thiệu giữ Phú
Yên; sau lại đưa thư xin xuống hàng chúa Nguyễn.
Nhưng quân Cựu Nguyễn chưa đến thì binh Phú Xuân đã kéo tới
vây thành bắt Bảo rồi.
Năm Kỷ Mùi (1799), sau trận Thạch Tân, Diệu, Dũng đều thua,
Quy Nhơn lại bị bên Cựu Nguyễn
lấy được.
Từ năm ấy, cái tên “Bình Định” do chúa Nguyễn Ánh đặt cho để
thay vào hai chữ “Quy Nhơn” mới bắt đầu thấy trên sử sách.
Cuộc chiến tranh ở thành Quy Nhơn này bước sang thời kỳ kịch
liệt cũng từ khi thành ấy bị đổi tên làm Bình Định, do Chưởng hậu quân Vũ Tính
và Lễ bộ Ngô Tòng Chu bên Cựu Nguyễn cùng gánh trọng trách trấn thủ.
Để đi giựt lại Quy Nhơn, Trần Quang Diệu, Thiếu phó bên Tây
Sơn, từ ngày 21 tháng chạp năm Kỷ Mùi (1799), tiến quân vào mặt nam, qua ngày
29 (tháng mười hai Kỷ Mùi, 1799), Diệu đến đèo Bến Đá chia quân làm ba đạo,
lách núi non, vượt hiểm trở mà thẳng tiến. Đến ngày mồng 2 tết Canh Thân (1800)
Diệu bức thành Quy Nhơn bao vây bốn mặt515. Rồi kết quả trận này ra sao, chắc
các bạn đã thấy rõ ở truyện Nguyễn Quang Toản như trên đã chép đó.
Sau khi nhận được tờ biểu của quận Diệu để trong ống tre, cẩn
niêm, dâng lên từ nơi quân thứ, khi đã vây thành Quy Nhơn, chúa Cảnh Thịnh như
đã nói ở trên, có sai Phan Huy Ích làm bài hiểu văn bằng nôm này niêm yết nơi
quân thứ của Diệu tại Quy Nhơn để vỗ về yên ủi lòng quân lính.
Có xét lai lịch việc Quy Nhơn như thế, ta mới hiểu thêm một
đoạn lịch sử ở đương thời và khỏi bỡ ngỡ những chỗ dụng ý trong bài hiểu văn dưới
đây (viết theo văn thể biền ngẫu đối nhau) của tác giả.
***
Nhất hiểu Quy Nhơn phủ quan, quân, dân thứ đẳng tri:
Tướng vâng quyền chế ngoại516, dẹp lửa binh mà giúp lấy dân
lành.
Người sẵn tính giáng trung517, cởi lưới ngược lại noi về đường
thuận.
Mấy lời cặn kẽ.
Đòi chốn sum vầy,
Quý phủ ta: cội gốc nền vương,
Giậu phên nhà nước.
Miền thang mộc518 vốn đúc non gây (?) bể, mở mang bờ cõi bởi
từ đây519.
Hội phong vân520 từng dìu phượng vin rồng, ghi tạc thẻ
quyên521 đành dõi để.
Dấu cờ nghĩa đã sáng công dực vận522.
Buổi xe nhung thêm dóng sức cần vương.
Mấy phen gió bụi nhọc còn đòng523, giúp oai võ cũng đều nhờ đất
cũ.
Ba huyện đá vàng bền tấc dạ, căm cừu thù chi để đội giời
chung.
Tiệc ca phong524 châm nhạn vừa yên,
Vời Tĩnh Hải tăm kình lại động525.
Đoàn ngoại vũ lung lăng quen thói, nương thế đèo, đường Bến
Đá chia ngăn526.
Kẻ khổn tư527 giáo giở bên lòng, phụ ơn nước, chốn thành vàng
phút bỏ528!
Nơi trọng địa xảy nên gai góc.
Lũ lương gia529 lây phải lầm than.
Kẻ thì sa vào thế hiếp tòng530, trót lỡ bước dễ biết đâu
tránh thoát;
Kẻ thì quá nghe lời khua dụ531, dẫu căm hờn nào có kịp nàn
than.
Giận vì địch thế bãi buông tuồng.
Xót đến dân tình càng áy náy.
Trong một cõi, nỗi hoành ly532 là thế, đầu tên, trước đạn,
nghĩ cỏ cây âu đã đổi màu xưa.
Trên chín lần niềm chắc ẩn là bao, sớm áo, đêm cơm533, mong đệm
chiếu lại cùng êm nếp cũ534.
Chước điễn khấu ngửa vâng tiếng ngọc535.
Việc đổng nhung xa chỉ ngọn đào536.
Bản chức537 nay: chịu mạng đền phong538.
Buông oai trướng liễu539.
Thế phân đạo gấu giồ (?), hùm thét, suối rừng pha đồn lũy đã
tan tành;
Cảnh sơ xuân540 hoa rước, oanh chào, đất nước thấy quan quân
càng hớn hở.
Súy mạc vốn quyết bài tất thắng541.
Tông thành âu hẹn buổi phục thu.
Ngẫm chúng tình542 đà quay quắt bấy lâu, sự biến ấy hoặc có
người nghi cụ543.
Vậy tướng lệnh phải đinh ninh đòi nhẽ, thân cố ta cho biết nẻo
tòng vi544.
Nghiệm cơ giời đành thu góp về nhân.
Vâng nơi thánh lấy chở che làm lượng.
Bao nhiêu kẻ trót theo đảng dữ, như đã thích mê hồi thiện545,
thì đều noi chức nghiệp cũ cho yên.
Hoặc mấy người riêng bấm (?) chí cao, mà hay nỗ lực lập công,
ắt lại chịu ân thưởng nay càng hậu.
Dẫu trước có hà tỳ546 nào xá trách.
Ai sớm hay hối ngộ547 thảy đều dung.
Hội thanh ninh548 đành trên dưới đều vui.
Người Bái quận549… móc mưa hiệp sái550
Phương tị tựu vi kíp chầy chưa tỏ551,
Thủa Côn Cương ngọc đá khôn chia552.
Nghĩa cả mà lầm,
Lòng ngay xá giữ,
Nay hiểu.
Lời bạt
Viết cuốn Quang Trung này tôi có ý muốn đem ra ánh sáng chút
ít sử liệu bấy nay đã tốn bao công mới tìm tòi nhặt lượm được. Rất mong các bậc
cao minh trong giới sử học đoái đến mà nhã chính cho những chỗ sơ sót, thiếu thốn.
Tiếc rằng, vì trình độ, vì hoàn cảnh, tôi buộc lòng phải dùng
một phương tiện thích ứng mà trình bày sách này cho “vừa tầm” với tiếng đòi hỏi
của
thời đại.
Với nỗ lực, tôi còn mong có một bộ Quang Trung “như ý” ở một
ngày mai tươi sáng.
***
Có nhiều bạn hỏi về chân dung vua Quang Trung.
Nay xin đáp chung: Tấm ảnh người cưỡi ngựa, mặc nhung phục mà
nhiều sách báo gần đây rập theo một tờ tạp chí trước kia không phải là di tượng
vua Quang Trung thật đâu, vì đó chỉ là một người do họa sĩ vẽ theo tưởng tượng.
Bởi vậy, trong Quang Trung553 tôi có cho đặt tấm hình bán thân mà nhiều người
đã nhận lầm là chính ảnh vua Quang Trung đó vào cuối phần thứ hai cho vui mắt,
cho mỹ quan, nhưng không hề dám nói là ảnh của ai cả.
Hoa Bằng – Hoàng Thúc Trâm
CHÚ THÍCH 1
1
. Thái tử Duy Vỹ, từ bé thông minh, lanh lẹ, đọc rộng kinh sử,
ưu đãi và kính lễ sĩ phu; thần dân ai cũng ngưỡng mộ. Chúa Trịnh Doanh
(1740-1767) rất quý trọng ông và đem trưởng nữ là Tiên Dung Quận chúa mà gả
cho. Ông thường căm nỗi nhà Lê mất quyền bính, khảng khái có chí thu lấy quyền
cường. Khi làm Thế tử, Trịnh Sâm vốn ghen ghét vì ông tài giỏi. Một hôm, ông và
Trịnh Sâm cùng ở trong phủ chúa. Chúa Trịnh ban ăn và bảo cùng ngồi. Song bà
phi của Trịnh Doanh gạt đi mà rằng: “Đối với Thái tử, Thế tử còn có cái phận
vua tôi, há nên ngồi cùng?” Rồi sai dọn riêng làm hai mâm. Trịnh Sâm sầm mặt lại,
đi ra, nói với người ta rằng: “Trong hai chúng tôi, phải một sống, một thác, chứ
quyết không thể cùng đứng với nhau được!”
Kịp khi nối ngôi, Sâm cùng bọn hoạn quan là Hoàng Ngũ Phúc và
Phạm Huy Đĩnh ngầm mưu phế Thái tử, nhưng chưa có cớ để nói. Sâm bấy giờ mới vu
Thái tử tư thông với nàng hầu trong phủ Trịnh Doanh, rồi đem tội trạng ấy tâu với
Lê đế, xin bắt hạ ngục.
Thái tử biết nạn đã xẩy đến, bèn vào ở tại nơi tẩm điện của
vua Lê.
Huy Đĩnh xông vào nơi Đông cung trước, tìm khắp không thấy,
bèn vào thẳng trong điện, kể tội trạng của Thái tử, và nói: “Nghe Thái tử ẩn ở
tẩm điện của Bệ hạ, vậy xin Bệ hạ bắt giao cho thần.” Vua Lê ôm lấy Thái tử hồi
lâu không nỡ rời ra. Huy Đĩnh quỳ dài ở sân rồng.
Tư liệu không thoát, Thái tử khóc lậy vua Lê, rồi rảo bước đi
ra chịu trói để điệu về phủ Trịnh. Huy Đĩnh bảo Thái tử bỏ mũ đợi chịu tội.
Thái tử không nghe, nói: “Phế lập, thí nghịch là việc nhà ngươi quen làm! Ta có
tội gì? Đã có sử xanh nghìn thu ở đó.” Sâm giả mạo mạng lệnh vua Lê, phế Thái tử
làm dân thường, giam vào ngục – Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
quyển 43, tờ 23-24.
2. Theo Đại Nam nhất thống chí.
3. Quân Tam phủ, cũng gọi là Ưu binh. Nguyên từ hồi trung
hưng, nhà Lê chỉ lấy binh đinh ba phủ ở Thanh Hóa và mười hai huyện ở Nghệ An
làm lính, đối đãi họ rất ưu hậu (sẽ nói kỹ ở dưới).
4. Hơn nữa. (BT)
5. Theo sự khảo cứu của Biệt Lam Trần Huy Bá thì phủ chúa Trịnh
ở khoảng chỗ nền cũ đình làng Trung Phụng gần chợ Khâm Thiên (Hà Nội) bây giờ.
Toàn bộ chú thích ký hiệu BT là của người biên tập.
6. Nay là thôn An Khê (ở vùng Hòn Một, gần đèo An Khê, trên
đường đi Pleiku – Kontum) thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.
7. Có thuyết cho rằng tổ tiên Nguyễn Huệ vốn họ Hồ, nên có
sách chép là Hồ Phi Phúc.
8. Sau đổi là An Tây, rồi sau đổi là thôn An Khê thuộc huyện
Bình Khê tỉnh Bình Định ngày nay.
9. Nay là phủ Hoài Nhân thuộc tỉnh Bình Định.
10. Nay là thôn Phú Lạc thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.
11. Nay là phủ Tuy Phước thuộc tỉnh Bình Định.
12. Không rõ họ của Hiến là gì.
13. Trích trong một bài văn ở hồi Lê Mạt.
14. Trích dịch nguyên văn chữ Hán trong Hạnh am thi tập.
15. Thúc bách. (BT)
16. Tức vùng “Trong Mán” (Man – Trung).
17. Chữ 樁 này có 2 âm: Thung (thư dung thiết)
và Đang (đô giang thiết).
18. Lê dân. (BT)
19. “Ó” nghĩa là la ó.
20. Tức là Hạ đạo ấp Tây Sơn.
21. Sau, Thung bị Nhạc giết.
22. Sau, cả hai cũng đều bị Nhạc giết chết.
23. Gióc: kết nhiều sợi nhở thành sợi to.
24. Khâm định Việt sử, quyển 44, tờ 23; Đại Nam chính biên
truyện, sơ tập, quyển 30, tờ 4a.
25. Hay Đàng Trong.
26. Người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc (nay
làng ấy thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh).
27. Khâm định Việt sử, quyển 44, tờ 11 b.
28. Khâm định Việt sử, quyển 44, tờ 11.
29. Khi bị bắt nộp, Loan sai con đem vô số vàng lót cho Ngũ
Phúc, song vẫn không được tha. Qua mùa đông năm Bính Thân (1776), Loan phải ra
Thăng Long (nay là Hà Nội), chết ở dọc đường. Truyện Trương Phúc Loan nay có
chép kỹ ở Đại Nam tiền biên liệt truyện quyển VI, tờ 35, 36.
30. Đút lót. (BT)
31. Thi đỗ về hàng võ gọi là Tạo sĩ, theo chế độ võ cử thời
Lê.
32. Khởi xướng một phong trào (chính trị, văn hóa). (BT)
33. Người Kinh Bắc (hay Bắc Ninh, Bắc Giang).
34. Người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương (Nghệ An).
35. Theo Bùi Văn Lăng: “Thành Đồ Bàn”, Tri Tân số 12, trang 4
và 21.
36. Danh từ “Chính phủ” này, theo nghĩa thời đó, là “Vương phủ
cầm quyền chính”.
37. Khâm định Việt sử quyển 44, tờ 28b.
38. Khi còn quận Việp Hoàng Ngũ Phúc, triều đình Nam Hà có
dâng mấy bức thư, do Trương Phúc Loan chủ trương, yêu cầu quận Việp rút quân để
thực hành cái ý vào cứu họ Nguyễn, đánh dẹp Tây Sơn mà Phúc đã hứa từ lúc mới cất
quân vào Nam, song quận
Việp không nghe, (theo Nam Hà tiệp lục), nay làm hẳn ra mặt
thôn tính chiếm giữ.
39. Theo Khâm định Việt sử thì, để kế chân Hoàng Ngũ Phúc,
chúa Trịnh bổ Bùi Thế Đạt và Nguyễn Đình Đống làm Trấn thủ; Phan Lê Phiên, Uông
Sĩ Điển, Nguyễn Lệnh Tân làm Tá nhị. Rồi lại bổ Lê Quý Đôn và Nguyễn Mậu Dĩnh
làm Hiệp đồng để kinh lý công việc trong quân. Cứ 10 ngày lại một lần đệ trình
mọi việc.
40. Lịch triều hiến chương, Bính chế chí, quyển 39.
41. Lịch triều hiến chương, Bính chế chí, quyển 39.
42. Lịch triều hiến chương, Bính chế chí, quyển 39.
43. Có tên nữa là Tố Lý, vừa là cháu, vừa là con nuôi của
Hoàng Ngũ Phúc.
44. Về sau, Duy Chi bị Tây Sơn giết.
45. Tên cũ là Duy Kiêm.
46. Tức mai mối.
47. Khâm định Việt sử quyển 44, tờ 33b-34a.
48. Trong Việt sử tổng vịnh truyện Nguyễn Hữu Chỉnh chép là Tố
Lý, cũng tức Đình Bảo.
49. Xuất xứ ở Việt sử tổng vịnh, mục Gian thần, truyện Nguyễn
Hữu Chỉnh.
50. Nguyên từ tháng tám, năm Bính Thân (1776), Trịnh Sâm thấy
Quảng Nam chưa yên mà nhân tình Thuận Hóa lại chưa thiếp phục, bèn triệu bọn
Bùi Thế Đạt, Lê Quý Đôn và Phan Lê Phiên về; đồng thời lại triệt về hết cả cơ đội
13 hiệu. Rồi sai Sơn Nam trấn thủ Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu vào thay, lĩnh chức
trấn thủ Thuận Hóa, được phép tiện nghi làm việc lưu bọn Nguyễn Mậu Dĩnh, Nguyễn
Lệnh Tân làm phò tá: đổi cơ đội 10 doanh vào đóng làm thủ binh. (Khâm định Việt
sử, quyển 44, tờ 33a)
51. Còn có tên khác là Quyền, đỗ Tạo sĩ, người thôn Hoàng
Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, trấn Nghệ An.
52. Trong Khâm định Việt sử quyển 46, tờ 15b chép là thư phản
gián của Nguyễn Hữu Chỉnh.
53. Đại Nam liệt truyện, quyển 30, tờ 18b chép rằng “nước
sông bỗng dềnh lên dữ dội”, nhưng không nói rõ cái cớ tại sao. Thiết tưởng: chắc
là sau mấy trận nước lũ nên nước sông mới lên to, giúp cho Tây Sơn cái dịp thuận
lợi để bắn vào thành.
54. Một con tên là Đình Vị, một con không rõ tên là gì.
55. Đỗ Tạo sĩ, người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
56. Đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu đời Lê Cảnh Hưng, người làng Trung
Cần, thuộc huyện Thanh Chương.
57. Trong Khâm định Việt sử quyển 46, tờ 16a chép Ngô Cầu mở
cửa thành, xe quan tài, xuống hàng.
58. Ở địa phận xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.
59. Thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
60. Không rõ họ Liên là gì. Khi Liên nổi lên, có lực lượng ở
ngoài bể rồi, thì tên Sơn, người huyện Thần Khê thuộc trấn Sơn Nam (nay thuộc
Hưng Yên) đem đồ đảng đến quy phụ. Vì thế, khí diễm của Liên càng thêm bùng
bùng mạnh mẽ. Miền duyên hải phía đông nam phải rối ren, dân không được yên ổn.
(Khâm định Việt sử quyển 46, tờ 14a).
61. Ở phía đông bắc, cách huyện Đăng Xương 26 dặm thuộc đạo
Quảng Trị. Đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đổi làm Việt An.
62. Đỗ Tạo sĩ, con Bùi Thế Đạt, người Tiên Lý, thuộc Đông
Thành.
63. Mỗi hộc độ 60 lít (litres).
64. Nghĩa là: Tào Tháo, sau khi phá được Kinh Châu, thuận
dòng nước, từ Giang Lăng xuôi xuống mạn đông: thuyền mành đằng giăng hàng nghìn
dặm, cờ quạt che rợp một góc trời… thật là một tay hào hùng một đời vậy.
651. Nghĩa là quan liêu làm việc bên Trịnh phủ.
66. Là dòng dõi Đinh Văn Tả, Liễn Trung hầu Đinh Tích Nhưỡng,
người làng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, vốn nổi tiếng là một tướng
giỏi thủy chiến.
67. Thuộc huyện Nam Xương, giáp hai huyện Tiên Lữ và Hưng
Nhân ở Hưng Yên.
68. Người làng Vẽ (Đông Ngạc), huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông.
69. Hạ lưu sông Nhị Hà, thuộc địa phận xã Phù Sa, huyện Đông
An, tỉnh Hưng Yên.
70. Gió thổi hơn một tháng không ngừng.
71. Loại thuyền chiến cỡ nhỏ, bên trái và bên phải mở lỗ để
luồn mái chèo, phía trước và phía sau đều mở lỗ bắn nỏ và đâm giáo (BT).
72. Có sách chép là Khản.
73. Chỉ biết tên được 5 người là Thụ, Bồi, Truyền, Tình, Gia
còn không rõ tên là gì.
74. Tức đầm Vạn Phúc ở làng Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh
Hà Đông.
75. Ở địa phận bãi Thúy Ái, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
76. Ở địa phận thôn Hậu Lâu, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Có sách
chép là Tây Long. Tục gọi là Tây Luông.
77. Thuộc địa phận làng Nam Dư, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà
Đông.
78. Trong truyện Phan Thị Thuấn, mục Liệt nữ ở Việt sử tổng vịnh
chép là Ngô Phúc Hoàn; Trong Lê quý kỷ sự chép là Ngô Phúc Mai, người làng Trảo
Nha, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An.
79. Có sách chép là Mai Thế Dương, người làng Thạch Giản, huyện
Nga Sơn, Thanh Hóa.
80. Người làng Linh Đường, huyện Thanh Trì, Hà Đông.
81. Theo Việt sử bổ di.
82. Chỉ vua Lê.
83. Chỉ Nguyễn Hữu Chỉnh, vì bấy giờ Chỉnh đương làm Hữu quân
bên Tây Sơn.
84. Người làng Thanh Lệ, huyện Chân Định, (nay đổi Trực Định
thuộc Thái Bình).
85. Đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, đời Lê Cảnh Hưng, người làng
Vân Canh, huyện Từ Liêm, Hà Đông.
86. Về việc này, Khâm định Việt sử, quyển 46, tờ 21 chép:
Trịnh Khải đến làng Hạ Lôi thuộc Yên Lãng thì quân gia tản hết.
Thiêm sai tri lại phiên Lý Trần Quán, trước đó, vâng hịch triệu nghĩa binh, vừa
chợt ở đấy; hai bên gặp nhau. Trần Quán nói lừa môn sinh là Nguyễn Trang rằng:
“Đây là quan Tham tụng họ Bùi nhân lánh nạn đến đây dựa ta. Ngươi khá hộ vệ đưa
người qua địa giới huyện nhà.”
87. Bên mình Trịnh Khải bấy giờ, ngoài một viên nội thị Tập
Trung ra, không còn lấy một tên quân nào cả.
88. Việt sử bổ di chép tên Ba lại tranh tuần Trang, bắt chúa
Trịnh đem nộp.
89. Trang là môn sinh của Quán.
90. Có sách chép, sau khi Khải chết được hai ngày, thì Lý Trần
Quán chết theo.
91. Việc này, trong Lê triều dã sử nhật ký chép hơi khác: khi
Quán thấy Trịnh Khải bị bắt, liền nói một câu hình như phân bua: “Tôi vốn thực
lòng đến đón tiếp chúa, không ngờ hóa ra lại làm hại chúa!” Rồi Quán tự mổ bụng
ngay ở trước mặt chúa Trịnh để tỏ lòng trung. Trong Việt sử bổ di cũng chép Lý
Trần Quán mổ bụng mà chết.
Theo tài liệu của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố tiên sinh đã dịch
trong Nam sử tập biên quyển 16, tờ 16a -17a; đăng ở Tri Tân số 75, ngày 19
Décembre 1942, thì Lý Trần Quán là người giản dị, chất phác, tính rất hiếu…
Quán bảo quán chủ rằng: “Tôi là bề tôi mà làm nhầm chúa, tội nên chết: không chết,
không lấy gì tỏ được lòng này với giời đất!” Nói rồi, xin quán chủ sắm cho một
cỗ áo quan và một chỗ đất chôn, ngảnh hướng nam, lạy hai lạy; xong xuôi vào nằm
trong áo quan, miệng đọc rằng: “Tam niên chi hiếu dĩ hoàn, thập phần chi trung
vị tận” (nghĩa là hiếu ba năm đã trọn vẹn, trung mười phần chưa làm được). Rồi
bảo chủ quán rằng “phiền đem câu này dặn lại con ta, dán ở gia tư để thờ ta. Đa
tạ chủ nhân. Đậy áo quan hộ ta.” Bấy giờ là ngày 29 tháng sáu, năm Bính Ngọ,
1786.
92. Việt sử bổ di chép:
Khi Trang và Ba bắt được chúa Trịnh Tông (tức Khải), lên yết
Nguyễn Huệ, Huệ hỏi Ba:
– Có phải là Trịnh Tông thật không?
Ba thưa:
– Phải!
– Sao mi biết?
– Tôi từng làm gia thần.
– Là tôi mà bắt chúa thì tội đáng chết, chứ còn công gì mà
thưởng?
Rồi Nguyễn Huệ sai lôi Ba ra chém. (Có sách chép Hữu quân
Nguyễn Hữu Chỉnh sai chém Ba Chúc, tức tên Ba này).
Còn Nam sử tập biên chép:
Về sau, vua Lê Chiêu Thống (1787-1788) truy phong Lý Trần
Quán làm Thượng thư, sai xé xác Nguyễn Trang tế ở trước mộ Trịnh Khải.
93. Theo Việt sử bổ di.
94. Trong Khâm định Việt sử quyển 46, tờ 23b-25b đại lược
chép:
Khi Văn Huệ đánh được Vị Hoàng, mật đem cái ý tôn phù tâu với
vua Lê; lại trước sai viên tỳ tướng đem một cánh quân đợi khi đại binh kéo đến
Thăng Long thì vào hộ vệ ở cung điện nhà vua. Bấy giờ vua Lê đang se mình, các
hoàng tử đang thị bịnh ở nội điện, thấy ngoài điện có lính và voi, ngờ rằng “giặc”
đến bức bách, bèn nâng đỡ vua dậy, toan lánh đi, thì vừa gặp viên tỳ tướng đệ
dâng tờ tấu, trong nói trước xin vấn an, rồi xin chọn ngày khác vào yết kiến.
Vua Lê thấy tâu như thế, bấy giờ mới yên lòng.
95. Người làng Yên Vỹ, tổng Yên Cảnh, huyện Đông Anh, phủ
Khoái Châu, Hưng Yên.
96. Người làng Đông Ngạc (Vẽ), huyện Từ Liêm, Hà Đông.
97. Có sách chép là Sĩ Lãng, người làng Võ Nghị, huyện Thanh
Quan.
98. Mẹ là Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương,
phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
99. Là con Nguyễn Thế, Thời Thấu từng làm quân sư cho hai ông
Hoàng Duy Chúc, Duy Mật, dấy quân ở Ninh Trấn, chống lại họ Trịnh.
100. Chúa Tiên là cái mỹ hiệu mà trong cung nhà Lê bấy giờ
quen gọi Ngọc Hân.
101. Có sách chép là ngày 18.
102. Về việc này, Lê quý kỷ sự chép hơi khác: Tự tôn (Duy Kỳ)
không nói trước với Nguyễn Huệ, đã vội lên ngôi ngay trước cữu vua Hiển Tông, lại
tự tiện phát tang rồi mới nói cho Nguyễn Huệ biết. Huệ giận; Công chúa Ngọc Hân
phải mật sai người bảo Duy Kỳ. Duy Kỳ phải tạ lỗi lại, bấy giờ Nguyễn Huệ mới
thôi.
103. Trong Histoire moderne du Pays d’Annam của Charles B.
Maybon cũng có nói đến việc này.
104. Lễ Ninh lăng: đưa đi an táng (BT).
105. Người làng Vân Trình, huyện Phong Điền.
106. Đại ý trong thư nói đã lấy được Phú Xuân, nay cùng Hữu
tướng (Nguyễn Hữu Chỉnh) ra Bắc, xin Vua trời (Nguyên Nhạc) đem quân đi tiếp ứng.
1071. Trong sách Lê kỷ (dã sử) chép, Nhạc đi từ Phú Xuân đến
sông Gianh, tới đâu lấy hết dân đinh làm lính đến đó, cộng được hơn 10 vạn
lính.
108. Chùa Tiên Tích ở xóm Nam Ngư, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ
Xương (nay ở phố Hàng Lọng, Hà Nội).
109. Có sách chép: khi Chỉnh ra đến bờ sông, không một chú
lái nào chịu chở thuyền cho Chỉnh cả. Chỉnh bực mình ngâm chơi mấy câu:
Đi cùng bốn biển chín chu
Trở về xó bếp chuột chù gậm chân!
Mãi sau mới vớ được một chiếc thuyền câu, Chỉnh mới đi thoát.
110. Có sách chép là “Nguyễn”.
111. Vua Thái Đức đóng ở Quy Nhơn, coi giữ Quảng Ngãi, Quy
Nhơn, Phú Yên và Nha Trang. Đông Định vương Nguyễn Lữ quản trị Bình Thuận, Đồng
Nai, Ba Lạt và Hà Tiên. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ thống trị Quảng Nam, Phú Xuân
(Huế) và khống chế cả Bắc Hà (Sử ký Đại Nam Việt do Giáo hội xuất bản tại Sài
gòn, năm 1898, trang 59).
112. Đỗ Hương cống, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai,
Hà Đông.
113. Đỗ Hương cống, người làng Xuân Quan (nay thuộc huyện Văn
Giang, Bắc Ninh).
114. Đôn đáo, lao nhanh. (BT)
115. Lại có sách chép:
Khi Duệ và Đức nghe biết, trong Nam, anh em Tây Sơn có cuộc nội
biến, họ bèn viết mật thư, âm mưu với Chỉnh: cùng họp binh lại, kéo thẳng về
Nam, nổi loạn. Khi thành công, sẽ cắt cho Chỉnh cái địa giới từ sông Gianh trở
ra Bắc. Nhưng Chỉnh bấy giờ ngần ngừ chưa quyết, nên việc này không thành sự thực.
116. Sau đổi là Thước, người làng Yên Vĩ, huyện Đông An (Hưng
Yên) đỗ Tiến sĩ, bấy giờ làm Đồng bình Chương sự.
117. Người làng Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên, (Hà Đông), đỗ Tiến
sĩ, bấy giờ làm Hộ khoa cấp sự trung.
118. Có sách viết là Lê Duy Án. Duy Hiên là con thứ 6 vua Lê
Ý Tông và là ông chú (tụng tổ thúc) vua Lê Chiêu Thống, bấy giờ làm Đại tông
chánh.
119. Nay là Vinh.
120. Phản thần, phản nghịch. (BT)
121. Theo Việt sử tổng vịnh, quyển 5, mục Trung nghĩa”, truyện
Trần Công Thước và Đông An huyện, Yên Vĩ xã, Nhâm Thìn khoa Tiến sĩ Trần Công
Sán sự trạng.
122. Hồi bấy giờ, nhà Lê ngoài Bắc coi Tây Sơn như người “nước”
khác, nên tự xưng là “tệ quốc”, kêu Tây Sơn là “quý quốc”.
123. Hòa thuận với nước láng giềng.
124. Nay là ba huyện Bình Chính, Minh Chính, và Bố Trạch thuộc
Quảng Bình.
125. Nay là hai huyện Minh Linh và Do Linh thuộc Quảng Trị.
126. Một ngọn núi ở Tuy Hòa, Quảng Nam.
127. Một ngọn núi ở Khánh Hòa.
128. Từ cũ, nghĩa là “mạch rừng” (BT).
129. Xưa thuộc huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc.
130. Xưa thuộc huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc.
131. Xưa thuộc huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc.
132. Nay đổi làm làng An Xá, thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải
Dương.
133. Người làng Nộn Liễu, huyện Nam Đường, Nghệ An.
134. Nay thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.
135. Nay thuộc tỉnh Thái Bình.
136. Thuộc huyện Quế Dương, Bắc Ninh.
137. Thuộc huyện Thanh Quan, Thái Bình.
138. Tức huyện Cổ Lũng, từ Lê đổi làm Hữu Lũng, đến Nguyễn vẫn
nói theo; nay đổi làm châu, thuộc tỉnh Bắc Giang.
139. Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ.
140. Đinh Tích Nhưỡng.
141. Sông này thuộc địa phận làng Trinh Sơn, huyện Mỹ Hóa, tỉnh
Thanh Hóa.
142. Sông Thanh Quyết thuộc địa phận làng Thanh Quyết, huyện
Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
143. Không kể Hữu Du và cơ thiếp đương ở Thăng Long với Chỉnh.
144. Sông Tất Mã ở khoảng tiếp giáp ba huyện Thụy Nguyên, An Định
và Vĩnh Lộc thuộc tỉnh Thanh Hóa.
145. Thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
146. Thuộc địa phận làng Gián Khẩu. Nay người ta quen kêu là
bến đò Gián Khẩu (Ninh Bình).
147. Thuộc trại Nghệ, làng Đại Hữu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh
Bình.
148. Một làng thuộc Gia Viễn, Ninh Bình.
149. Có lẽ là Quỳnh Ngọc Hầu.
150. Tục gọi Sơn Miêng. Nay thuộc phủ Ứng Hòa, Hà Đông.
151. Tức làng Châu Cầu thuộc huyện Kim Bảng (nay thuộc huyện
Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).
152. Về trận Hữu Du thua này, Khâm định Việt sử chép hơi khác:
Hữu Chỉnh “lại sai Hữu Du đem hơn 50 chiếc chiến thuyền, chở hết súng lớn, hỏa
khí và các chiến cụ để cả cửa sông, đối ngang với quân địch ở bờ bên kia. Hữu
Du dựa theo bờ sông mà đậu thuyền, không hề phòng bị gì cả. Ban đêm quân địch lặn
nước ngầm qua sông, lấy thừng dài buộc thuyền của quân Du rồi kéo về bờ bên
Nam. Người trong thuyền sợ hãi luống cuống không biết xoay xở ra sao, tranh
nhau nhảy xuống nước để chạy. Chiến thuyền và đại bác của quân Bắc đều bị Tây
Sơn bắt được cả. Hữu Chỉnh bàn với chư tướng lui giữ Châu Kiều. Nửa đêm nổi trống
thu quân. Chư quân kinh sợ một cách vô cớ, bèn tan vỡ lung tung: tranh nhau, giầy
đạp nhau chạy trốn. Khí giới và nghi trượng quăng bỏ đầy đường. Chỉnh và Du chỉ
còn vài trăm quân chạy về Thăng Long.” (Quyển 47, tờ 14b 15a)
153. Tức làng Bằng thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
154. Còn gọi là sông Nhị Hà (BT).
155. Về việc này, Khâm định Việt sử quyển 47, tờ 15b-17a chép
như vầy:
Hay tin quân Hữu Chỉnh tan vỡ, vua Lê bàn muốn chạy về phía
tây: do thượng đạo đi Thanh Hoa giữ hiểm để tính cuộc hưng phục. Nửa đêm, Hữu
Chỉnh về từ Thanh Quyết. Vua sai người vời gọi đến mấy lần mà Chỉnh không tới.
Rồi Chỉnh mật sai Tham tri chính sự Nguyễn Khuê vào tấu xin vua chạy về phía bắc:
- Nguyễn Cảnh Thước ở Kinh Bắc là người dũng lược đáng tin cậy.
Vả, nương thành kiên cố, có sông lớn cách trở để giữ vững, rồi kíp gọi quân cần
vương, thì trên từ Thái Nguyên, Sơn Tây, dưới đến Hải Dương, Sơn Nam, cùng
thông khí mạch ở các nơi ấy, chẳng mấy ngày có thể chiêu tập được đại binh. Rồi
sau xem thời cơ mà hành động, mới mong có cơ hưng phục được.
Vua Lê ưng theo.
Tảng sáng hôm sau vua Lê sai Hoàng đệ là Duy Lưu hộ tống
Hoàng thái hậu, Hoàng phi, Nguyên tử và cung tần đi trước. Khi sắp ra đi, vua
Lê vào nơi tẩm miếu khóc lạy. Bấy giờ các thị vệ đều lén tản đi cả. Vua Lê vừa
lo vừa sợ, không biết tính chước ra sao. Thị thần Bùi Dương Lịch rảo bước tới
trước mặt vua, tâu rằng:
- Hữu Chỉnh tuy vỡ quân, thua trận, nhưng thủ hạ còn nhiều
người vẫn e sợ. Xin nhà vua truyền chỉ, ngự sang nhờ Chỉnh, ép Chỉnh đi theo ngự
giá. Rồi lâm thời kêu gọi, chắc không đến nỗi quạnh quẽ trơ trọi đâu.
Vua Lê cho là phải. Dương Lịch lại sai người đứng trong sân rồng,
lớn tiếng tuyên chỉ. Thị vệ dần dần lại nhóm lại. Vua Lê và nội thần là bọn
Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Khải đi sang nhà Hữu Chỉnh. Chỉnh vội vã khóc lạy đón
ngự giá, mời ngồi nơi ghế bành đặt ở khoảng chính giữa. Nhà vua vào dụ bảo Chỉnh
đi theo giá.
Hữu Chỉnh nhân sai Hữu Du đi trước hỗ tụng. Giây lát Hữu Chỉnh
thu nhặt được vài nghìn quân tản mát, ủng hộ vua Lê vượt sông chạy sang Bắc…
156. Thuộc tỉnh Bắc Ninh.
157. Tục gọi là núi Tam Từng, nay thuộc huyện Việt Yên, tỉnh
Bắc Giang.
158. Trong Bắc Giang địa chí của Nhật Nham Trịnh Như Tấn,
trang 24b-24c có chép:
… Tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa đem binh lên đánh. Vua
Chiêu Thống chạy về núi Bảo Lộc nương náu ở đất Lạng Giang; còn Hữu Chỉnh thua,
chạy đến địa phận xã Quế Nham (nay thuộc phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đường
cùng phải trá hình chui vào cống (Cống Trụng ở xã Quế Nham), nhưng không may có
người tố giác, nên bị tướng Tây Sơn bắt đem về làm tội ở Thăng Long.
Trong Lê kỷ (dã sử) chép Nhậm chém Chỉnh.
159. Tang thương ngẫu lục, quyển dưới, tờ 18.
160. Phiên bản theo âm chữ Nôm chép trong sách Lê kỷ (dã sử).
161. Về cớ anh em Tây Sơn bất hòa ấy, trong tập Trần Công Sán
sự trạng (sách trường Bác Cổ, số A 2136) chép như thế này:
Sau khi ở Bắc về, Nhạc về thẳng quốc thành, Huệ đến Phú Xuân,
đóng binh lại, không tiễn nữa: sửa đắp thành lũy, thân nghiêm hiệu lệnh, giữ lấy
hết cả những quân khí và của báu mà khi Bắc chinh lấy được, Nhạc hằng sai sứ vời
gọi, song Huệ thoái thác rằng mặt Bắc chưa yên; không chịu về chầu. Phàm những
sự phong thưởng đều chuyên quyết cả chứ không bẩm mệnh với Nhạc. Nhạc sai sứ
đem ấn sắc phong Huệ là Bắc Bình vương và hỏi các hóa bảo được ở phủ Trịnh. Bắc
Bình vương chống mệnh, không chịu dâng, bảo sứ giả về thưa với vua anh rằng: “Tấc
đất tấc vàng Bắc Hà còn nhiều, cứ ra mà lấy, còn hỏi cái gì?”
162. Lê kỷ (dã sử) chép:
Nhậm, sau khi đã dẹp yên bốn trấn ở Bắc Hà, uy quyền lớn lao
lừng lẫy, có ý muốn đánh vua Thái Đức và Bắc Bình vương để phục thù nhà Lê và
tôn phù chúa Nguyễn.
163. Có sách chép Bắc Bình vương đem theo những 3 vạn tinh
binh.
164. Về việc này, Khâm định Việt sử quyển 47, tờ 28b-29b
chép:
Trước đây, Huệ sai Văn Nhậm ra Bắc, song trong lòng vẫn ngờ lắm,
nên sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm Tham tán để chia bớt quyền của Nhậm. Huệ
mật bảo Văn Sở rằng: “Nhậm là con rể của Vua anh. Ta và Vua anh có hiềm khích;
Nhậm tất không yên lòng. Chuyến đi này, hắn cầm nắm trọng binh để vào nước người
ta, thì sự biến không thể liệu trước được. Điều ta lo lắng không ở Bắc Hà, mà
chỉ ở Văn Nhậm thôi. Ngươi nên xét kỹ hắn từ chỗ kín nhiệm để mách bảo ta.
Kịp khi thừa thắng ruổi ra Bắc, vào Thăng Long, bắt được Hữu
Chỉnh, Nhậm tự cho rằng oai võ đủ phục được người, lại càng không kiêng nể gì nữa.
Nhậm làm nhiều việc trái phép: tự đúc ấn chương, tự ý chuyên chế.
Văn Sở vốn có hiềm khích với Nhậm, liền dâng mật thư vu Nhậm
làm phản, Huệ bèn tự cầm thân binh ruổi ra Thăng Long. Nhậm ra đón Huệ vỗ về
yên ủi bằng lời ôn tồn rồi sai nhường ngựa mình đang cưỡi, lọng mình đang che
cho Nhậm đi vào thành.
Đến nơi, Huệ sai người trói Nhậm đem ra tra hỏi. Tuy xét
không đủ chứng cớ là Nhậm phản nghịch, nhưng Huệ vẫn nói cách quyết đoán rằng:
“Không cần phải nói nhiều lời! Tài ngươi trội hơn ta, thì ngươi không phải là
người ta dùng được.”
Huệ bèn sai chém Nhậm. Rồi nhắc ngay Văn Sở lên làm Đại tư
mã, thay coi quân sĩ và kiêm chức trấn thủ Thăng Long.
165. Có sách chép là Hô Hổ hầu.
166. Phan Huy Ích, người làng Thày, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn
Tây. Khi Ngô Thì Nhậm đắc dụng với Tây Sơn, thì Nhậm tiến cử Ích và các bạn
khác như Trần Bá Lãm và Vũ Huy Tấn… Ban đầu Ích được dùng ngay làm Thị trung Ngự
sử, sau Ích và Nhậm cùng đóng vai trọng yếu trong cuộc ngoại giao với nhà
Thanh. Cái ấn “sắc mệnh chi bảo” in ở trong tập này là rập trong đạo sắc của
Phan Huy Ích do vua Quang Trung phong cho ngày 18, tháng tư nhuận, năm Quang
Trung thứ 5 (1792).
167. Thuộc phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
168. Thuộc Bắc Ninh.
169. Ở giữa hai huyện Vũ Giang (Bắc Ninh) và Việt Yên (Bắc
Giang).
170. Thuộc Hải Dương.
171. Nay thuộc huyện Nam Xương, tức Nam Xang, tỉnh Hà Nam.
172. Sước hiệu là cách gọi khác của “biệt danh”, thường do
người khác đặt cho, mang ý trêu chọc (BT).
173. Về việc vua Lê bôn ba này, Khâm định Việt sử, quyển 47,
tờ 29b-30b chép rằng: Trước đó, vua Lê đến Vị Hoàng, nương tựa vào Viết Tuyển.
Đến bấy giờ tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở đem binh từ Thăng Long xuôi dòng xuống
đánh. Viết Tuyển đem chu sư đón đánh ở cửa sông Hoàng Giang. Khi quân hai bên
giao chiến, Văn Sở đem cha và vợ Viết Tuyển trói ở đầu thuyền đề cho Tuyển biết.
Tuyển trông thấy, khóc rưng rức, không dám đánh nữa, rút quân về sông Vị Hoàng.
Vua Lê hay tin Viết Tuyển thua, vội dời thuyền lại đóng ở Quần
Anh (thuộc huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định). Tối đến Viết Tuyển cũng đem chu sư đến
liền. Đêm ấy, gió to, bão lớn, trời tối mờ mịt, thuyền bè tròng trành trôi dạt,
cùng nhau lạc lõng hết cả. Thuyền vua Lê trôi vào bến Thiết Giáp (thuộc huyện
Nga Sơn) ở Thanh Hóa… Thuyền Tuyển cũng giạt vào cửa Cần Hải (thuộc huyện Quỳnh
Lưu) ở Nghệ An.
Sau Viết Tuyển đến Thăng Long, xuống hàng Tây Sơn, bị Tây Sơn
giết chết.
174. Thuộc tổng Cao Bằng, phủ Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
175. Trong An Nam nhất thống chí nói 64 người.
176. Theo tờ bẩm của Lục Hữu Nhân, Tri phủ ở phủ Thái Bình
bên Tàu (Đông Hoa toàn lục, quyển 107, tờ 37b).
177. Đông Hoa toàn lục, quyển 107, tờ 38b.
178. Đông Hoa toàn lục quyển 107, tờ 39b.
179. Đông hoa Toàn lục, quyển 107, tờ 39b.
180. Theo Bắc hành lược biên của Lê Quýnh thì bọn Túc do ải Đẩu
Áo chạy sang Tàu. Chiều mồng 9 tháng năm năm Mậu Thân (1788), Lê Quýnh và Hoàng
Ích Hiểu cố chống giữ ở trên cái gò nhỏ trong sông Phất Mê thì quân Tây Sơn kéo
đến vây mặt tây nam, mà lính giữ ải bên Thanh thì chống lại ở mặt đông bắc. Bọn
Quýnh tiến thoái cùng đường, chỉ chực liều đánh mà chết. Thình lình mưa to, gió
nổi, bọn Quýnh, giữa đêm mờ tối, lần theo tia sáng chớp giựt, lội sông tìm lên
một con đường nhỏ, sang lọt được đất Tàu. Bấy giờ gia đinh của bọn Lê thần chỉ
còn 7 mống!
181. Theo Thanh triều sử lược quyển VI, tờ 19b.
182. “Giấu ta lâng”, trong Kinh Thánh chỉ việc phụng sự không
hết mình (BT).
183. Người Quảng Nam.
184. Trong bản gốc, tác giả dùng cả hai chữ Càn Long và Kiền
Long, ở đây chúng tôi dùng thống nhất là Càn Long. (BT)
185. Đông Hoa toàn lục, quyển 107, tờ 38b-39a.
186. Xưa, địa bàn Tuyên Quang gồm cả đất Hà Giang, Lao Kay,
Yên Bái.
187. Đông Hoa toàn lục, quyển 108, tờ 22a chép là Trương Triều
Long, còn sử sách ta thường chép là Trương Sĩ Long.
188. Theo điều thứ 8 trong quân luật bát điều của Tôn Sĩ Nghị.
189. Người Yên ấp, huyện Hương Sơn.
190. Chức quan giữ tài chính, trông coi thuế má.
191. Tức là bến Đông Tân ở sông Nhĩ Hà ngày nay.
192. Tức núi Yên Ngựa ở xã Mai Sao, Chân Ôn, tỉnh Lạng Sơn.
193. Núi Tam Điệp, tức đèo Ba Dội là một dãy núi ở chỗ phân địa
giới hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa (ngọn cao nhất được 118 thước tây) chạy đến
Thần Phù và Điên Hô có các đèo Yên Ban, Tam Điệp, Đông Giao và Phố Cát…
194. Ở khoảng giữa hai huyện Vũ Giang (Bắc Ninh) và Việt Yên
(Bắc Giang).
195. Đời Trần là huyện Long Nhãn, đến Lê mới gọi là Phượng
Nhãn, nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
196. Ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
197. Khâm định Việt sử, quyển 47, tờ 34a chép là Trương Sĩ
Long.
198. An Nam nhất thống chí chép:
… Lân lùa quân vượt sông để khiêu chiến, tướng sĩ vốn sợ oai
Lân phải liều rét lội bừa. Đến lòng sông, những người bị rét cóng không lội qua
được đều chết đuối cả. Còn những quân đổ bộ được lên bờ thì lại bị lính vận tải
của Thanh giết chết. Lân liệu chừng không thể đánh được, liền rút quân chạy
lui. Dư đảng tan vỡ trốn vào nơi dân gian lại bị dân bắt đem nộp quân Thanh.
Lân phải một người một ngựa chạy về.
Sách Lê kỷ (dã sử) chép:
Khi quân Thanh đến núi Tam Tằng, thì Nội hầu Lận (tức Lân),
tướng Tây Sơn, lùa hết binh mã ở năm trấn Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam thượng,
Sơn Nam hạ và Sơn Tây cộng được 12 vạn, đêm vượt sông Thương, đến bình minh hôm
sau, giao chiến với quân Tàu ở dưới núi. Quân Thanh đứng trên cao, giương cung
vặn súng bắn xuống liền liền, tên đạn rào rào như mưa trút. Lân thua lớn: quân
lính chết đuối ở sông Thương kể hàng vạn người. Lân chạy về Thăng Long chỉ còn
28 quân kỵ.
199. Nay thuộc tổng Văn Quan, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
CHÚ THÍCH 2
2
00. Nay là một huyện thuộc tỉnh Ninh Bình.
201. Nay là một tổng thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
202. Đàng Ngoài.
203. Nay thuộc tổng Thuốc Sơn, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang.
204. Việc này, An Nam nhất thống chí chép vào ngày 11 tháng
mười một năm Mậu Thân (1788).
205. Nay là chỗ đền Tây Luông của Hoa kiều thờ Quan Công ở Hà
Nội. Cổng đền có 4 chữ (Tây Long cổ miếu) mở ra phố Trippenbach, phía trước đền
thì trông ra phố Hồng Phúc, ở gần bờ sông Nhĩ Hà.
206. Đại Nam chính biên liệt sơ tập quyển số 30, tờ 32 chép
là ngày 21 tháng mười một năm Mậu Thân (1788).
207. Theo An Nam nhất thống chí, sách viết Bác Cổ, số A22, tờ
31b-32a.
208. Khâm định Việt sử, quyển 47 tờ 39.
209. Ngoài ra, vua Lê còn cách tuột Ngô Thì Nhậm và Phan Huy
Ích mà bắt hoàn làm dân, bãi tước Quận công của Nguyễn Hoản, giáng Phan Lệ
Phiên làm Đông các Học sĩ và Mai Thế Uông xuống chức Tư huấn.
210. Khâm định Việt sử quyển 47, tờ 89.
211. Gia thăng cho bầy tôi hỗ tụng: Phan Đình Dữ lên Lại bộ
Thượng thư Bình chương sự, Lê Duy Đản và Vũ Trinh lên Tham tri chính sự, Nguyễn
Đình Giản lên Binh bộ Thượng thư tri Khu mật viện sự, Nguyễn Duy Hiệp và Chu
Doãn Lệ lên Đồng tri Khu mật viện sự, Trần Danh Án lên Phó đô Ngự sử, Lê Quýnh
lên Trung quân Đô đốc Trường Phát hầu…
212. Cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu.
213. Có sách chép là Hám Hổ hầu.
214. Đây theo Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển
30, tờ 32b. Có chỗ chép vua Quang Trung khi ra đến Nghệ An, Thanh Hoa, tuyển
thêm được 8 vạn quân, rồi duyệt binh ở Thọ Hạc thuộc huyện Đông Sơn (Thanh Hoa)
– Trận Đống Đa của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Tri Tân, xuân Nhâm Ngọ (1942), Số 34.
Còn An Nam nhất thống chí thì chép: khi tuyển lính ở Nghệ được
“thắng binh” hơn 11.000 người.
215. Xem chú thích trang 255 cúa tác giả. (BT)
216. Theo Lê triều dã sử quyển dưới.
217. Quay về phía nào đó.
218. Theo bức thư của vua Quang Trung gửi cho vua Càn Long
nhà Thanh trong Tây Sơn bang giao tập.
219. Theo bức thư của vua Quang Trung gửi cho vua Càn Long
nhà Thanh trong Tây Sơn bang giao tập.
220. Theo bức thư của vua Quang Trung gửi cho vua Càn Long
nhà Thanh trong Tây Sơn bang giao tập.
221. Khâm định Việt sử, quyển 47, tờ 37b.
222. Khâm định Việt sử, quyển 47, tờ 40b.
223. Nay thuộc tỉnh Hà Nam.
224. Nay là làng Nhật Tựu, tổng Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh
Hà Nam.
225. Thuộc tỉnh Hà Đông.
226. Theo bức thư của vua Quang Trung gửi cho vua Thanh.
227. Người tỉnh Nghệ An, đỗ Hương cống hồi cuối Lê. Tôi sẽ
nói kỹ về Nguyễn Thiệp ở sau.
Nhiều sách thường chép là Nguyễn Thiếp. Đây viết Nguyễn Thiệp
là theo trong bản chỉ truyền của Bắc Bình vương gửi cho Nguyễn Thiệp ngày mồng
1 tháng sáu năm Thái Đức XI (1788). (Trần Liệt phẩm của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn
bày tại khu lịch sử ở hội chợ Hanoi Décembre 1941-janvier 1942).
228. Một đạo của Lê Duy Cận, một đạo của quần thần và một đạo
của nhân dân.
229. Theo bức thư của vua Quang Trung gửi cho vua Thanh Càn
Long.
230. Theo bức thư của vua Quang Trung gửi cho vua Thanh Càn
Long.
231. Theo bức thư vua Quang Trung gửi cho vua Thanh Càn Long.
232. Theo bức thư vua Quang Trung gửi cho Thang Hùng Nghiệp,
Quảng Tây phân tuần Tả giang binh bị đạo.
233. Tên gọi khác của sông Nhị Hà. (BT)
234. Khâm định Việt sử, quyển 47, tờ 40b-41a.
235. Hô Hổ hầu, làm đến Đô đốc. Sau này, Hầu có đóng vai
trung gian đưa thư của vua Quang Trung cho Thang Hùng Nghiệp nhà Thanh, rồi lại
nhận thư của Nghiệp về việc bang giao mà chuyển đạt ý Nghiệp lên vua Quang
Trung. Bức thư của Nghiệp đề ngày 18 tháng giêng năm Càn Long 54 (1789) chính
là gửi cho Hô Hổ hầu này. Tiếc rằng không rõ tên họ hầu là gì.
236. Nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
237. Nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
238. Trong Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30,
tờ 33b chép “Đô đốc Mưu”. Đây theo bản An Nam nhất thống chí.
239. Tức là đồn quân Sầm Nghi Đống. Đồn Điền Châu (Tầu) tri
phủ đóng ở trong khu chùa Bộc bên Đống Đa (Đống Đa ở phía đông bắc cách chùa Bộc
độ vài trăm thước, thẳng trước mặt chùa Đồng Quang trông ra và ở ngay đằng sau
cái Khâm tứ nghĩa địa bên con đường Hà Nội đi Hà Đông, thuộc địa phận làng
Khương Thượng, Hà Đông).
240. Tục gọi là làng Vồi, thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
241. Thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
242. Theo Đào khê nhàn thoại do ông Bất Ác thuật trong số
Xuân Trung Bắc, năm Kỷ Mão (1989).
243. Nhất thuyết nói Đống Đa ở ngay chỗ dựng đền Trung Liệt.
Nhưng theo sự khảo cứu của tác giả thì Đống Đa ở ngay bên cạnh chùa Bộc, về
phía đông bắc, như trên đã chua. Cố lão ở vùng ấy nói rằng bên Đống, trước có
cây Đa nên mới gọi là Đống Đa; cách nay (1943) vài mươi năm, cây ấy đã bị đẵn bỏ.
Hiện ở trong đất Đống Đa vẫn còn nhiều xương người.
244. Cứ theo tài liệu trong Đào khê nhàn thoại mà ông bạn Sở
Bảo thuật cho tôi nghe thì, khi vua Quang Trung trảy quân đến làng Ngọc Hồi,
dân làng này có làm cỗ bàn bánh trái đem ra khao lạo quân Quang Trung, và để tỏ
ý hoan nghênh, họ có viết bốn chữ ở chỗ thết đãi ấy: “Hậu lai kỳ tổ”, nghĩa là
một khi vua đến thì dân được sống lại.
Vua Quang Trung, trước lòng cung thuận và nhiệt thành ấy của
dân làng Ngọc Hồi hết sức vỗ về và úy lạo, nhưng không muốn làm phiền nhiễu
dân, nên ngài chỉ chọn lấy một thứ bánh có cái đặc tính của cái Tết Bắc Hà là
thứ bánh chưng mà thôi.
Rồi ngài có ban cho làng Ngọc Hồi bốn chữ “Hiếu nghĩa khả
gia” (đáng khen tấm lòng chuộng nghĩa) để khuyến khích thưởng tưởng họ.
245. Trong Lê kỷ (dã sử) chép:
Nội hầu Lận (tức Lân) lùa voi ra trận, voi bị tên bắn (của giặc
Thanh) cắm vào đầu tua tủa như lông rím, Đại tư mã Sở bèn bầy kế: truyền lệnh
cho các đội, mỗi đội làm một cái mòng xung, bề ngoài thì tròn và bịt kín, trong
đựng cỏ rơm cao 5 thước, dài 15 thước, hễ ra trận thì mang theo đi che ở đằng trước
để chống tên đạn. Đó có lẽ tức là đội quân vác ván gỗ bọc rơm này mà mỗi chỗ
chép một khác chăng.
246. Khâm định Việt sử, quyển 47 tờ 41b.
247. Sử ta chép là “Đề đốc”, còn Tàu thì kêu là “Đề trấn”.
248. Trong bức thư ngày tháng năm, năm Càn Long 54 (1789) vua
Thanh có nói đến cái chết của “Đề trấn”, tức là chỉ về Hứa Thế Hanh.
Về việc đề trấn Hứa Thế Hanh chết trận này, nhà Thanh lôi
thôi mãi với Tây Sơn. Trong bức thư của vua Càn Long trên đây có yêu cầu rằng:
“… Còn bọn Đề trấn chết, dẫu vì đi trận mà nên nỗi chứ không phải do vô tâm lỡ
lầm làm hại. Song xét kỹ: sở dĩ xảy ra như thế, là vì nhà ngươi (!!!) (chỉ vua
Quang Trung) gây chuyện với họ Lê. Vậy cũng nên lập giùm cái đền ở An Nam để
xuân thu cúng tế cho…” Nhà Thanh lại yêu cầu vua Quang Trung phải trị tội hai
người đã giết chết Hứa Thế Hanh. Sau, Tây Sơn muốn cho êm chuyện cũng đem luật
pháp mà xử hai người ấy. (Không rõ ai: Nhưng có lẽ người ta đem xử hai tên tù
phạm tội chết nào đó rồi nói là đã “chánh pháp” hai người giết Hanh: ai biết
đâu và ai còn dám hạch hỏi nữa?)
249. Trong Lê kỷ (dã sử) chép:
Thái thú Điền Châu nhà Thanh đóng đồn ở Đống Đa, cố giữ không
chịu hàng: suốt từ đêm trước đến sáng sau, thuốc đạn hết nhẵn, viên ấy mới tự tử.
Tây Lệnh công (tức vua Quang Trung) sai làm lễ chôn cất cho, không giết một người
nào cả.
250. Nay thuộc tổng Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
251. Nay thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
252. Sách Lê kỷ (dã sử) chép: giờ Thân (khoảng 4, 5 giờ chiều)
đại đội binh sĩ và 80 thớt voi kéo vào Thăng Long.
253. Lê kỷ (dã sử) chép: ông hoàng Ba (em vua Lê Chiêu Thống)
đánh gãy cầu phao: quan quân Nam Bắc chết đuối vô số!
254. Xưa, địa bàn Sơn Tây gồm cả đất Phú Thọ và Vĩnh Yên.
255. Có chỗ chép rằng: Khi quân Tây Sơn ăn tết, họ rất bất
mãn về bữa tiệc khao quân ấy xoàng, nên có câu này luân truyền khắp miệng quân
nhân: “Một là thết, hai là đừng chi hết, các quân lính phải sạch lòng cùng ta!”
Vua Quang Trung nghe được câu họ mát mẻ đó, liền sai giết thật nhiều trâu bò để
thiết đãi họ.
Nhưng, lấy lý mà xét: chuyện này không chắc đã có. Vì vua
Quang Trung là người rất khéo ăn ở với quân sĩ, nên bộ hạ đều hướng lòng về với
ngài (Bộ khúc giai chúc tâm yên. Coi Đại Nam chính biên liệt truyện quyển 30 tờ
17b). Và sau khi quét sạch được giặc Thanh, giang sơn Bắc Hà thuộc dưới quyền
chi phối của ngài, thiếu gì sơn hào hải vị mà ngài không cho làm được bữa tiệc
rất linh đình để thết hạng người bấy lâu vẫn cùng mình chia cay, sẻ đắng?
256. Trong cuộc Việt Thanh chiến tranh này, ai được ai thua sử
thực sờ sờ là thế. Vậy mà trong sách Vạn quốc sử ký quyển IV, trang 8 tác giả
là Cường Bản Giám Phụ chép rằng: “Năm 1789, người Thanh đem quân sang đánh Nguyễn
Huệ, Huệ thua chạy… đổi tên là Quang Bình, tạ tội với nhà Thanh, xin hàng…” Thế
là không đúng sự thực. Những sử liệu chúng tôi chép đây mong rằng sẽ cải chính
được trang sách sai lầm ấy.
257. Theo bức thư vua Quang Trung gửi cho vua Thanh.
258. Theo bức thư vua Quang Trung gửi cho vua Thanh.
259. Trong An Nam nhất thống chí chép:
Trong khoảng một tuần bắt được quân Thanh còn sót lại có đến
một vài nghìn người. Nhưng theo bức thư vua Quang Trung gửi cho vua Càn Long và
bức thư ngài gửi cho Thang Hùng Nghiệp thì chỉ có hơn 800 người thôi.
260. Tỉnh Phúc Kiến
261. Quảng Đông, Quảng Tây.
262. Thuận Hóa.
263. Quảng Ngãi.
264. Quảng Nam.
265. Nghệ An.
266. Thanh Hóa.
267. Trong Khâm định Việt sử, quyển 47, tờ 42 chép là Lê Quý
Thích.
268. Thuộc châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang.
269. Một tên khác của vua Quang Trung.
270. Thuộc tỉnh Quảng Tây bên Tàu.
271. Tỉnh trị Quảng Tây.
272. Trích bài Bắc sở tự tình phú của Lê Quýnh.
273.Trích bài Bắc sở tự tình phú của Lê Quýnh.
274. Tự Giao Lâm, họ Phú Xát, người Mãn Thanh (Theo Thanh triều
sử lược của Tá Đằng Sở Tài, quyển 7, tờ 28).
275. Nghe phong thanh. (BT)
276. Bức thư của Nghiệp này và bức thư của vua Quang Trung,
dưới đây đều là những bản sao lục, viết tay, chép trong Tây Sơn bang giao tập
(sách trường Bác Cổ) chữ tháu tít, có nhiều chữ rất khó xem. Tôi phải lựa ý mà
dịch. Trong có ít chữ lặt vặt chắc cũng xê xếch đôi chút, nhưng tinh thần và
nguyên ý thì quyết đúng không sai.
277. Nguyên văn bằng chữ Hán do Phan Huy Ích làm, đại thể thì
giống bài Kỷ Dậu xuân thông khoản biểu chép trong Giụ am văn tập, đệ nhất sách
(sách viết trường Bác Cổ số A, 604) tờ 23a-25a, nhưng bản chép trong Giụ am văn
tập chừng là bản sau sửa lại cho khỏi có giọng khiêu khích – Bản dịch đây tham
bác cả sách trên và Tây Sơn bang giao tập, cùng Đại Nam chính biên liệt truyện.
278. Đây theo Tây Sơn bang giao tập. Còn theo Giụ am văn tập
(tờ 25a) thì chuyến đem đồ cống và đệ bức biểu văn này sang Tàu có hai vị sứ giả
là Nguyễn Hữu Chù và Vũ Huy Phác.
279. Vua Lê Hiển Tông (1740-1786) mất ngày 17 tháng bảy năm
Bính Ngọ (1786).
280. Bọn lính tuần dương này là người của nhà Thanh. Chẳng
hay khi vua Quang Trung đã tha, giao trả Tôn Sĩ Nghị rồi, tại sao Nghị lại giết
chết đi thế? Có lẽ vì Nghị muốn gây sự với Đại Việt nên mới làm việc khiêu
khích ấy để gieo ác cảm giữa vua Càn Long và vua Quang Trung chăng?
281. Nguyên văn là “viên mục”.
282. Chuyến cống này có các đồ phương vật và 10 dật vàng, 20
dật bạc (mỗi dật ăn 24 lạng).
283. Sau khi giảng hòa với nhau, anh em Tây Sơn lấy Bản Tân (ở
chỗ giáp giới huyện Bình Sơn thuộc Quảng Ngãi và huyện Hà Đông thuộc Quảng Nam)
làm địa giới. Quảng Ngãi trở vào Nam thuộc phần quản trị của vua Thái Đức.
Thăng, Điện trở ra Bắc thuộc dưới quyền chi phối của vua Quang Trung. Nhưng Nhạc
về tuổi già, kém chí tiến thủ. Từ năm Mậu Thân (1788) đến năm Nhâm Tý (1792),
Nhạc chỉ bo bo giữ được Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Phú Yên thôi. Vì thế, thế lực
chúa Nguyễn Ánh mới dần dần phát triển ở Nam được.
284. Người Mãn Châu thuộc doanh Hoàng kỳ, do chân ấm sinh vào
làm quan trong các.
285. Theo bức thư ngày tháng năm năm Càn Long 54 (1789) của
vua Thanh.
286. Theo bức thư ngày tháng năm năm Càn Long 54 (1789) của
vua Thanh.
287. Sẽ nói kỹ ở phần cuối.
288. Theo Đông hoa toàn lục, quyển 111, tờ 2.
289. Theo Đại Thanh thực lục, quyển 1348, tờ 14.
290. Chỉ việc sắp sang triều cận vua Thanh.
291. Chỉ việc mua sâm để tẩm bổ cho mẹ già.
292. Chỉ vua Quang Trung.
293. Đại Thanh thực lục, quyển 1348, tờ 5.
294. Đại Thanh thực lục, quyển 1348, tờ 14.
295. Chuyến Quang Hiển đi Tàu trước cũng có Ngô Văn Sở cùng với
Nguyễn Văn Danh và các vệ sĩ đi theo. Khi vua Thanh hay tin Sở cũng muốn tiến
kinh với Hiển, thì truyền bảo Sở nên quay về vì nghĩ rằng bây giờ nước Nam vừa
mới tân tạo mà Sở thì là một bề tôi đắc lực, nên cần để Sở lo việc trấn thủ
trong nước. Đó là vua Thanh tỏ ý thể tất và săn sóc đến việc nước cho Tây Sơn.
296. Trong An Nam nhất thống chí chép khác: cử Nguyễn Quang
Thực người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường (Nghệ An) dung mạo đoan chỉnh, giả
làm quốc vương. Đây theo Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30, tờ
39a.
297. Dịch theo Đông hoa toàn lục, quyển 111, tờ 2.
298. Đại Thanh thực lục, quyển 1347, tờ 10.
299. Nguyên văn chữ Hán có chép trong Giụ am ngâm tập. Mười
bài này thuộc về lối văn “ngoại giao” cố nhiên toàn một giọng tán dương chúc tụng
cả.
300. Tình sa kỷ hành thi tập, bản viết, sách trường Bác Cổ số
A. 603, tờ 46a-49a.
301. Lời dẫn ở bài “Canh Tuất niên tiến cận, tấu đạt Thiên
triều biểu” trong Giụ am văn tập, (sách viết trường Bác Cổ A 604) quyển 1 tờ 30
b-31 a nói là ngày 29 tháng giêng.
302. Sách dẫn trên tờ 11a.
303. Nguyên văn cả bài chế này có in trong sách Đại Thanh thực
lục, quyển 1358, tờ 13, 14. Đái ý nói: Quang Toản là người tư chất thuần túy,
ôn hòa, anh hoa, khôi vĩ và kỳ đặc. Nghe tiếng hạc con họa lại, biết ngay Quang
Toản là hạng con quý báu như chi lan ngọc thụ. Giống như Lý Ngư ngày xưa được
hưởng thụ giáo dục thi lễ nên sớm thấy cành tốt, giò tươi. Quẻ Chấn ví như con
cả, được cha mẹ lo liệu chu đáo, có phương pháp. Làm chư hầu, giữ nước được yên
ổn, có vẻ tiến tới như tượng quẻ Tấn, Quang Toản biết nối chí giữ nghiệp nhà.
Và:
Trong lòng đừng trễ nải: phải nghĩ hiếu với nhà và trung với
nước. Nên sửa mình, giữ bổn phận cho khỏi mắc lỗi, học đạo làm con, làm tôi.
304. Túi lá sen của vua dùng. (BT)
305. Đông hoa toàn lục, quyển 111, tờ 3.
306. Chỗ để ngủ đỗ.
307. Chỗ để nghỉ chân, ăn, uống ở dọc Đường Trong khi lữ
hành.
308. Nguyên văn chữ Hán:
三番耆定匪佳兵 Tam phiên kỳ định phỉ giai binh,
昨歲安南重有征 Tạc tuế An Nam trọng hữu chinh;
無柰復黎黎厭德 Vô nại phục Lê, Lê yếm đức,
翻教封阮阮輸城 Phiên giáo phong Nguyễn, Nguyễn thâu
thành
守封疆勿滋他族 Thủ phong cương, vật tư tha tộc,
傅子孫恆奉大清 Truyền tử tôn, hằng phụng Đại Thanh,
幸沐天恩欽乆道 Hạnh mộc thiên ân khâm cửu đạo,
不遑日鍳凜持盈 Bất hoàng nhật giám lẫm trì doanh.
Bài thơ này có chép trong Hoa trình tùy bộ tập của Vũ Huy Tấn.
309. Tiểu nhã trong Kinh thi có thiên Hoàng hoàng giả hoa, là
thơ vua tiễn sứ thần bằng lễ nhạc. Ý nói xa xôi mà có quang hoa. Nhân thế, đời
dùng thơ Hoàng Hoa làm lời xưng tụng sứ thần.
310. Tinh sa kỷ hành, tờ 27a-28a.
311. Chỉ bóng về hàng bực quan liêu.
312. Minh Đường là nhà tỏ chính lệnh và giáo hóa. Xưa thiên tử
dùng nhà Minh Đường để thờ Thượng đế, tế tiên tổ, triều chư hầu, nuôi kẻ già
tôn người hiền, phàm những sự gì thuộc điển lệ lớn đều làm ở đấy cả.
313. Thiều hộ tên thứ nhạc do vua Thang nhà Ân làm ra. Cũng gọi
là nhạc “Đại hộ”. “Thiều”, ý nói vua Thang có thể nối noi vua Đại Vũ. “Hộ”, có
ý là phòng giữ che chở cho nhân dân.
314. Phan Huy Ích.
315. Vũ Huy Tấn.
316. Quan trong nội các.
317. Thành khẩn, kính nghĩa.
318. Cũng như nói “khuê chương”, chỉ về văn chương của nhà
vua.
319. Tên thứ nhạc do vua Ngu Thuấn chế ra.
320. Đông Hoa toàn lục, quyển 112, tờ 19.
321. Đông Hoa toàn lục, quyển 112, tờ 33a.
322. Triều củng sao bắc thần, thật lòng theo về với.
323. Sang chúc phúc, tỏ ý hết lòng tôn thân, ghi tạc vào lòng
son lâu dài không bỏ.
324. Thân đi triều cận, được ban ân sủng, xét suốt sử xanh
trước giờ, chưa hề thấy có sự ưu đãi như thế.
325. Nước phiên ngoài biển vào chúc phúc, gặp lúc ta đương đi
tuần thú phải thì. Mới gặp nhau lần đầu mà thân mật y như quen biết đã lâu. Từ
xưa chưa nghe nói chính vua nước Nam thân đến triều cận bao giờ. Nhà Thanh cho
việc triều trước đã bị diệt đòi cống người vàng là đáng bỉ. Đạo vỗ về người xa
(như viễn nhân) làm việc quốc gia thiên hạ. Nhà Thanh rất kính trọng sự thông sứ.
Gặp vận hội gia hanh như ngày nay, nước Nam nên cố gắng thể theo lòng nhân của
ta. Thuận theo đạo trời, ta xếp việc võ, sửa việc văn. Tộ vận nhà Đại Thanh được
lâu dài hàng muôn nghìn xuân.
326. Lên nơi quan tái sang triều cận gặp lúc nhà vua ngự xe
ngọc lộ đi tuần thú. Tấc lòng tôn thân của chúng tôi thành thật như cây quỳ hướng
về phía mặt trời. Bể Quế (chỉ bóng nước Nam) được lặng sóng (nghĩa là thái
bình), chúng tôi giữ theo cái pháp độ làm một nước chư hầu. Chúng tôi được thấy
thánh nhân, khi đến chỗ thềm mọc cỏ minh giáp (thứ cỏ báo điềm lành) dưới bóng
mặt trời ấm áp. Muôn dặm trèo non vượt biển để quy phụ nhà vua. Mưa móc xuống từ
chín từng trời cây cỏ được tăm gội trong bầu “nhất thị đồng nhân” (lòng nhân
coi muôn vật đều đáng thương cả). Ngửa thấy nhà vua thể theo tượng Kiền (Trời),
vận hành không nghỉ, ngài tất hưởng thọ vô cùng. Khắp dưới gầm trời, suốt đến
bãi biển, đâu đâu cũng được hả hê trong bóng xuân của đời Đế.
327. In mộc bản năm Canh Thân (1800) đời Cảnh Thịnh
(1793-1800). Bảo Chân quán tàng bản.
328. Tinh Sà Kỷ Hành, tờ 39.
329. Theo Đông Hoa toàn lục, quyển 112, tờ 19.
330. Theo Đông Hoa toàn lục, quyển 113, tờ 15.
331. Sửa việc hòa hiếu. (BT)
332. Hai cháu của vua Xiêm.
333. Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30 tờ 11b dịch
ra tên chữ nho là “Xuy Miệt”.
334. Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30 tờ 11b dịch
ra tên chữ nho là “Sầm Giang”.
335. Tháng tư, năm Ất Tỵ (1785) chúa Nguyễn Ánh sang thành Vọng
Các Xiêm. Vua Xiêm hỏi cớ tướng Xiêm bị thua. Chúa Nguyễn kể rõ sự trạng Tăng,
Sương tàn bạo, làm dân ta oán, cho nên mới phải đại bại. Vua Xiêm nổi giận,
toan chém Tăng Sương; nhưng nhờ có Nguyễn vương can ngăn, nên bọn ấy được tha.
336. 暹人自甲辰敗衂之後口雖大言而心憚西山如虎.
Tiêm nhân tự giáp thìn bại nục chi hậu, khẩu tuy đại ngôn,
nhi tâm đạn Tây Sơn như hổ. (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập quyển 32, tờ
6a).
337. Đông Hoa toàn lục, quyển 111, tờ 4b-5b.
338. Chỉ nước Miến Điện (Myanmar). Chúng tôi giữ nguyên bản gốc.
(BT)
339. Đặt quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa các nước. (BT)
340. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, (sách in của
trường Bác Cổ, số A, 2771) quyển 33, tờ 27a-28b và An Nam nhất thống chí.
341. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, (sách in của
trường Bác Cổ, số A.2771) quyển 33, tờ 27a–28b và An Nam nhất thống chí.
342. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 33, tờ
2a.
343. Có tài liệu chép là Duy Chỉ. (BT)
344. Theo bức thư “Thanh báo bộ tiễu Duy Chi sự thể” trong
Bang giao hảo thoại (Ngô Gia Văn Phái).
345. Có sách chép là họ Nguyễn.
346. Sách Lê kỷ (dã sử) chép việc đi đánh Bảo Lạc này do
Khang công Quang Thùy (con thứ 2 vua Quang Trung) sai Điều Bát Lợi đem 6 vạn
tinh binh theo tay chỉ điểm của quận Diễn đi đánh hoàng Ba. Sau khi thành công,
Điều Bát Lợi đang uống rượu ăn mừng, bỗng sai tru di cả họ quận Diễn: chém hết
113 người kể cả trai, gái lớn bé già trẻ.
Sau, Điều Bát Lợi được thăng làm Đại tuần kiểm.
347. Dìm xuống sông.
348. Tức là sông Luống.
349. Người làng Mộ Trạch (Trầm), tổng Tuyển Cử, huyện Bình
Giang, tỉnh Hải Dương, Huy Tấn có tập thơ nhan đề là Hoa trình tùy bộ thi tập.
350. Trương Quán khi còn nhỏ làm bài thơ vịnh hòn núi voi, có
câu:
Trời sinh ra đó, không ai quản,
Đất mọc lên đây, có đá rèo.
351. Nguyễn Thiệp đỗ hương cống và ngồi tri huyện Thanh
Chương hồi cuối Lê. Sau khi Lê mất Thiệp về ẩn ở núi Nam Hoa bên lục niên
thành, huyện La Sơn (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Sau vua Cảnh Thịnh (1793-1802) lại
sai trấn quan mang sính lễ đến cố đón Thiệp ra. Thiệp không nhận những đồ tệ
sính nhưng cũng theo sứ giả đi vào chầu. Khi Thiệp đến nơi, vừa gặp có quốc
tang Thái Tổ Võ Hoàng đế miếu hiệu vua Quang Trung. Thiệp suýt bị chém đầu vì cớ
không thay y phục mà cứ vào triều. May vua Cảnh Thịnh gạt đi, không cho chém,
nên Thiệp mới thoát, Vua Cảnh Thịnh hỏi ông về việc nước, ông nói: đại thế đã hỏng
mất rồi, không thể gỡ được nữa! Rồi ông từ về nhưng không được; nên phải lưu lại
ở Phú Xuân. Tác phẩm ông có La Sơn tiên sinh thi tập, Hạnh Am ký, và các thư biểu
dâng vua Quang Trung. Ông tên tự là Khải Chuyên tên hiệu là Nguyệt Úc, biệt hiệu
là Hạnh am, thường được người đời kêu là Lục Niên tiên sinh hoặc La Sơn phu tử
(Đại Nam nhất thống chí. Nghệ An tỉnh, mục nhân vật, tờ 59).
352. Giụ am ngâm lục (sách viết trường Bác cổ số A 603), quyển
3, tờ 6.
353. Nouvelles lettres édifiantes tập thứ 6, trang XV-XVI.
354. Theo Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Tao đàn số 1, ngày 1er Mars
1989, trang 21.
355. Trong Nouvelles lettres édifiantes, tập thứ 6, trang
XI–XII chép Lang Bac xứ.
356. Theo bài Ban bố Bắc Thành các điều chép trong Giụ am văn
tập, (sách viết trường Bác Cổ, số A 604), quyển 5, tờ 9b–10a, thì “Bắc thành dưới
triều Tây Sơn gồm có 7 nội trấn và 6 ngoại trấn.
Bảy nội trấn là: Thanh Hoa ngoại, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ,
Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương và Phụng Thiên.
Sáu ngoại trấn là: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa,
Thái Nguyên và Yên Quảng.”
357. Nouvelles lettres édifiantes, tập thứ 6, trang XV-XVI.
358. Nouvelles lettres édifiantes, tập thứ 6, trang XV-XVI.
359. Nouvelles lettres édifiantes, tập thứ 6, trang XV-XVI.
360. Nouvelles lettres édifiantes, tập thứ 6, trang XV-XVI.
361. Theo tờ chiếu của Bắc Bình vương gửi cho Nguyễn Thiệp
ngày mồng 1 tháng sáu năm Thái Đức thứ 11 (1788).
362. Theo bức thư “Trình Phúc đại nhân” trong Bang giao hảo
thoại của Ngô Thì Nhậm.
363. Theo bài “Ban bố Bắc thành các điều” trong Giụ am văn tập
quyển thứ 5, tờ 9b-10a.
364. Mỗi bát độ nửa litre.
365. Theo Lê kỷ (dã sử).
366. Bài chiếu này có chép trong tập Hàn các anh hoa của Ngô
Thì Nhậm.
367. Tam quán sinh đồ.
368. Trần liệt phẩm (collection) của ông Hoàng Xuân Hãn bày ở
khu lịch sử trong hội chợ Hanoi năm 1941-1942. Nguyên văn có nhiều câu xen lẫn
chữ Hán tưởng nên diễn nghĩa cho rõ ý như sau này:
Chiếu truyền cho thày La Sơn Nguyễn Thiệp kính cẩn biết rằng:
Ngày trước phó thác thày về Nghệ An xem đất kinh đô để cho ta
kịp lúc này về ngự, sao khi ta về tới đó, chưa thấy thày làm xong việc ấy nhỉ?
Vậy nên ta hẵng phải trảy về kinh Phú Xuân (Huế) để ngự và cho quân lính nghỉ
ngơi.
Vậy nay thấy chiếu này ban xuống, thầy sớm nên cùng trấn thủ
Thận công sự: lo liệu công việc kinh doanh. Nên xem đất mà sửa dựng kinh đô, cắm
chỗ chính địa phỏng vào khoảng dân gian ở, sau phía hành cung Phù Thạch gần về
mạn núi, hoặc giả chỗ nào là nơi đất tốt có thể đóng đô được thì tùy như con mắt
đạo pháp của thày định liệu, miễn là sơm sớm làm cho chóng xong. Rồi giao cho
trấn thủ Thận sớm lập cung điện, hạn nội ba tháng thì hoàn thành để ta được tiện
về ngự. Thày chớ nên coi thường việc ấy. Kính thày lời đặc chiếu này!
Ngày mồng 1 tháng sáu năm Thái đức thứ 11 (1788).
369. Giụ am văn tập quyển 5, tờ 13a-14b.
370. Giụ am văn tập quyển 5, tờ 5b-7b.
371. Giụ am văn tập quyển 7, tờ 10b-11a.
372. Quân đức: Vua nên theo cái đạo Thánh Hiền mà trị nước.
Dân tâm: Vua nên làm yên lòng dân bằng nhân chính. Học pháp: Vua nên mở học hiệu
để giữ gìn nhân tâm thế đạo bằng tam cương ngũ thường.
373. Nouvelles lettres édifiantes, trang 214.
374. Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim, nhà in Vĩnh và Thành,
Hà Nội, in lần thứ 2, năm 1928) quyển hạ, trang 124.
375. Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim, nhà in Vĩnh và Thành,
Hà Nội, in lần thứ 2, năm 1928) quyển hạ trang 124.
376. Năm Mậu Thân, niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 3 (1188),
vua Lý Cao Tông đi thăm các núi sông, hễ thặng dư đi đến đâu thì ban phong hiệu
cho thần kỳ và sai lập miếu thờ cúng đến đó – Khâm định Việt sử quyển 5 tờ 23b.
377. Tức là thiên thần, địa thần và nhân thần.
378. Đạo sắc này có trưng bày trong khu lịch sử ở Hội chợ Hà
Nội năm 1941-1942.
379. Đến năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), Nguyễn Quang Toản
bãi bỏ tín bài.
380. Trong tờ bẩm về việc “biện đại nạp kim nhân” ở tập Bang
giao hảo thoại của Ngô Thì Nhậm có nói: Xét ra lệ ấy bắt đầu từ năm người
Nguyên đánh nhà Trần. Nước Tàu thấy vua Trần kiếm cớ bị bệnh từ chối không chịu
vào triều cận, bèn bảo phải đúc người vàng làm hình dáng quốc vương để thay vào
chầu, nhưng vua Trần cãi rằng việc ấy không phải là lệ từ xưa, nên được miễn.
381. Có âm nữa là Thụ người Thanh Hoa.
382. Khâm định việt sử, quyển 18, tờ 34.
383. Người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Hải Dương.
384. Nguyên văn bài biểu bằng chữ hán, có chép ở mục Sách
phong chi lễ trong loại Bang giao chí sách Lịch triều hiến chương của Phan Huy
Chú; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 14 tờ 22b-24a có dẫn đại lược,
tôi đã dịch đăng ở Tri Tân tạp chí, số 103, ngày 15 Juillet 1943, trang 57.
385. Theo lịch triều hiến chương, loại Bang giao chí, phần Cống
sính chi lễ.
386. Nhờ sức họ Trịnh, vua Lê đuổi được nhà Mạc, lấy lại được
Thăng Long từ năm Quang Hưng 16 (1593).
387. Tự Hoằng Phu hiệu Nghị Trai, người làng Phùng Xá, huyện
Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.
388. Trong sử sách chữ Hán của ta xưa vẫn quen gọi đời Lê phục
quốc là Tiền Lê (1428-1526), đời Lê trung hưng là Hậu Lê (1533-1787).
389. Chữ “Công” ngày xưa là tiếng tôn xưng. Chẳng hạn, khi
chép về Nguyễn Hãng, các cụ xưa thường viết là Nguyễn Công Hãng thì tức như bây
giờ viết là ông Nguyễn Hãng. Vậy thiết tưởng nhiều chữ “Công” trong tên người
xưa phần đông không phải là chữ đệm.
390. Trong lệ cống, có món nước ở giếng Cổ Loa để rửa hạt
châu. Chuyến ông Nguyễn Hãng đi sứ (1718) này cũng phải đem cống cả nước rửa hạt
châu ấy, nhưng dọc đường, đánh đổ mất cả, ông bèn múc nước giếng Ba Sơn để đem
đi. Khi người Thanh thử dùng, thấy không nghiệm nữa họ có vặn hỏi ông. Ông trả
lời: “Cái khí đã đến lâu ngày thì tất biến đi!” Vì vậy, lệ cống “nước rửa châu”
này cũng nhờ ông mà được thôi.
391. Tham khảo chuyết tác: Vấn đề cống người vàng đăng ở Tri
Tân tạp chí những số 101, 103, 104.
392. Nguyên gốc được đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang
trái, ở đây đã đổi lại theo cách đọc thông thường để tương ứng với phần dịch âm
Hán Việt. (BT)
393. Nguyên văn có chép trong tập Bang giao hảo thoại của Ngô
Thì Nhậm.
394. Nguyên văn toàn bài có in trong Đại Nam chính biên liệt
truyện sơ tập quyển 30 tờ 39b và Đại Thanh thực lục.
395. Trích trong bức thư “Trình Phúc đại nhân” chép ở tập
Bang giao hảo thoại.
396. “Giả ngã sổ niên, dưỡng uy, sức nhuệ, ngô hà úy bỉ tai!”
Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập quyển 30, tờ 40a.
397. Toàn văn bằng chữ Hán có chép trong tập Bang giao hảo
thoại (Ngô Gia Văn Phái).
398. Phúc Kiến.
399. Quảng Đông, Quảng Tây.
CHÚ THÍCH 3
4
00. Giang Tô (?)
401. Triết Giang.
402. Trích dịch nguyên văn chữ Hán trong Bang giao hảo thoại
(Ngô Gia Văn Phái).
403. Trích dịch nguyên văn chữ Hán trong Bang giao hảo thoại
(Ngô Gia Văn Phái).
404. Tên một núi ở phía nam tỉnh Cát Lâm cao 8.900 thước Tàu.
405. Do ông Lê Văn Hòe giới thiệu trong bài “Phải chăng vua
Càn Long nhà Thanh đã bằng lòng trả vua Quang Trung tỉnh Quảng Tây làm nơi đóng
đô và gả Công chúa?” Đăng ở trong “Trung Bắc chủ nhật” số tết Quý Mùi (1943)
trang 20, 21, 28
406. Để chứng thực việc vua Quang Trung (1788-1792) bị bịnh rồi
mất như thế nào, tôi xin trích dịch đoạn sử chữ nho sau đây:
“… Một hôm, buổi chiều, đang ngồi, Huệ chợt huyễn vận (nghĩa
là hoa mắt, sa sầm choáng váng vả người)…(lược)…rồi sầm tối gục xuống, hồi lâu
mới tỉnh, bèn đem chuyện đã mê ấy nói với Trung thư Trần Văn Kỷ. Từ đó bịnh trở
nặng. Bèn vời Nghệ An trấn thủ Nguyễn (hoặc Trần) Quang Diệu về bàn thiên đô ra
Nghệ An. Việc thương nghị ấy chưa ngã ngũ thì bấy giờ vua Thế tổ (miếu hiệu vua
Gia Long) ta đã khắc phục Gia Định thu lại được Bình Thuận, Bình Khang và Diên
Khánh: thanh thế lừng lẫy vang động. Huệ nghe biết tin đó, đâm lo buồn, bịnh thế
ngày một nguy kịch vời bọn Diệu vào trối trăng rằng: “Ta mở mang bờ cõi, khai
thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm tất không dậy được, Thái tử (Nguyễn
Quang Toản) tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ, bấy giờ mới 10 tuổi. Ngoài có
quân Gia Định là quốc thù; mà Thái Đức (Nguyễn Nhạc) thì tuổi già, ham dật lạc
cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi nội trong một
tháng phải chôn cất, việc tang làm lạo thảo thôi. Lũ ngươi nên họp sức mà giúp
Thái tử sớm thiên về Vĩnh đô (tức Vinh ngày nay) để khống chế thiên hạ. Bằng chẳng,
quân Gia Định kéo đến, thì các ngươi không có chỗ chôn đâu!”( Đại Nam chính
biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, tờ 42).
407. Đây theo Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập quyển 30
tờ 42b.
Trong Giụ am ngâm lục chép vua Quang Trung băng vào ngày hối
(30) tháng chín. Có lẽ tháng chín năm Nhâm Tý ấy thiếu nên hôm 29 bắt làm 30
chăng. Trong Lời phát doan (introduction) ở cuốn Nouvelles lettres édifinates
nói vua Quang Trung băng vào tháng Septembre 1792 (P. IXIV).
408. Nguyên văn chữ hán chép chữ “trung” là trung tín.
409. Đây dịch theo nguyên văn, đáng lẽ phải nói là “hai anh”
mới đúng.
410. Lời chua của nguyên tác.
411. Việc vua Càn Long sai Tôn Sĩ Nghị sang Nam là từ năm
1788 kia.
412. Nguyên văn là “xuất kỳ chế thắng”.
413. Đêm ba mươi tết.
414. Tức là mặt trận ở phía trước.
415. Chính họ Ngô, chứ không phải Nguyễn.
416. Nếu kể cả lần ra giết Vũ Văn Nhậm thì là ba lần.
417. Kể từ năm Tân Mão (1771). Nguyễn Huệ quật khởi ở Tây Sơn
thượng đạo đến năm Nhâm Tý (1792) thăng hà vừa được 21 năm.
418. Đền Trung Liệt trước do ông Tống khê Nguyễn Hữu Đô dựng ở
thôn Văn Tân huyện Thọ Xương (Hà Nội), đến năm Canh Dần (1890), công Thái Xuyên
Hoàng Cao Khải thiên xuống ấp Thái Hà.
419. Nguyên thư chép là Ngô Nhậm.
420. Nguyên thư chép là Thanh Ba.
421. Hoặc chép là họ Trần (nguyên chú).
422. Họ tông thất Tây Sơn (nguyên chú: ngụy tộc).
423. Quân chúa Nguyễn Ánh. Từ đây trở đi, phàm những chỗ Quốc
sử quán chép rằng “quân ta” thì đều chỉ về quân chúa Nguyễn cả.
424. Địa bàn trong Nam Kỳ, trước đấy chúa Nguyễn đã lấy được.
425. Tức Nguyễn Văn Hóa (nguyên chú).
426. Tuyên lấy chùa làm nhà ở (nguyên chú).
427. Bùi Thị Xuân vợ Diệu, là cháu gái của Tuyên (nguyên
chú).
428. Chỉ việc đem binh bắt giết cha con Đắc Trụ.
429. Những người ở bên tả hữu mình.
430. Hoặc chép là Nguyễn Văn Tứ (nguyên chú).
431. Từ năm Quý Sửu (1793). Toản phong con Nhạc là Bảo làm Hiếu
Công, cắt cho một huyện Phù ly làm ấp ăn lộc gọi là Tiểu triều.
432. Tức bên chúa Nguyễn Ánh. Sau đây cũng cùng một lệ ấy.
433. Có chỗ chép là Đại Tư võ Tuấn (nguyên chú).
434. Có chỗ chép là Thái phú Mân (nguyên chú).
435. Miếu hiệu của vua Gia Long sau này, bấy giờ còn là chúa
(Nguyễn Ánh).
436. Vì kiêng húy chữ “Hoa” nên nguyên chữ chép là “Thanh
Ba”.
437. Người giữ đất, tức là quan chức địa phương.
438. Thuộc Nghệ An (nguyên chú). Vĩnh đô tức là Vinh doanh ở
đời Lê và là Vinh bây giờ.
439. Tức là núi Linh sát (nguyên chú).
440. Nguyên văn là “mộc sách”.
441. Nguyên văn chép là “Thanh Ba”.
442. Không rõ họ Định là gì (nguyên chú).
443. Đối với bây giờ, những sự đó đều là chuyện rất thường.
Vì ngày xưa chưa có xi măng cốt sắt, một khi làm lâu đài cao quá mà vôi vữa
không kỹ thì gặp ngặp lụt lâu ngày, nước nong, móng lún tất đến sụp đổ.
444. Nguyên thư chép là Ngô Nhâm.
445. Thiếu họ (nguyên chú).
446. Tức ải Quảng Bình ngày nay (nguyên chú).
447. Thiếu họ (nguyên chú).
448. Nguyên văn in lầm là tháng 13.
449. “Thân chinh” nghĩa là “chính mình đi đánh trận”.
450. Tuần ngày xưa gồm những 10 ngày khác với tuần trong tiếng
“tuần lễ” ngày nay, vì “tuần” ngày nay chỉ có 7 ngày.
451. Nguyên thư, vì kiêng húy, chép là “Triệu”.
452. Tức phủ thành Diễn Châu ngày nay (nguyên chú).
453. Nguyên thư chép là “Thanh Ba”.
454. Nguyên thư chép là “Thanh ba”.
455. Con của Văn Đức (nguyên chú).
456. Lời xét kính cẩn của Quốc sử quán.
457. Nguyên thư in lầm là Canh Tuất.
458. Hai tướng: Diệu và Dũng.
459. Hai người.
460. Bậc đại thần cố cựu và có công lao.
461. Vị đại thần gánh trọng nhậm nhà nước, như cái cầu có cột
trụ, cột trụ để đỡ đá.
462. Chỉ về Trần Quang Diệu, vì vua Quang Trung khi sắp băng,
có trối trăng dặn Quang Diệu phải cùng các tướng tá họp sức lại mà giúp Thái tử.
“Phụng tuân cố mệnh”nghĩa là vâng giữ lời nói của nhà vua khi sắp chết còn
ngoái lại mà dặn bảo.
463. Giữ gìn vùa giúp cho bản thân của “ta”.
464. Cầm quyền coi giữ thành Thăng Long làm phên giậu che chắn
và cội gốc vững chắc cho nhà vua.
465. Ta coi hai ngươi như chân, tay, trái tim và xương bả
vai, lấy tình rất thực mà đối đãi.
466. Gần đây, vì việc biên thùy rất gấp rút.
467. Làm lũ ngươi lại phải khó nhọc cầm quân ở ngoài.
468. Mưu tính công việc xếp đặt phòng thủ mặt thủy mặt bộ ra
sao để liệu làm ở sau này.
469. Cái tình trên dưới được thông đạt với nhau.
470. Chưa có mệnh vua đến vời, đã tự tiện kéo quân về.
471. Kíp vì mưu kế lo việc nước, nên mới rút bỏ hình thức lễ
nghi.
472. “Tế quá” nghĩa là lỗi nhỏ.
473. Hai ngươi tự mình mang lòng ngờ sợ, cách sông đóng quân,
không đến ra mắt nhà vua.
474. Kiếm cớ thoái thác mà chậm đến.
475. Ta tuổi trẻ cầm quyền chính.
476. Đối với việc giá ngự kẻ dưới, lòng tin thực của ta còn
có chỗ chưa được phu phỉ một cách mộc mạc.
477. Thắc mắc lo ngại ở trong lòng.
478. Điều lỗi của ta.
479. Vua tôi đồng lòng mưu toan lo nghĩ còn sợ không kịp...
480. Cuộc biến loạn ở trong.
481. Nếu ta không đem độ lượng rộng rãi mà bao dong…
482. Giết hại bầy tôi làm tướng.
483. Tự mình cắt lông cánh của mình, lý thế tất thấy phải
nguy khốn và luân vong lập tức.
484. Quyền của ông vua dời xuống kẻ dưới, đại cương phải rối
ren, lộn xộn.
485. Ta há yên tâm mà làm thế ư? Các người há yên tâm mà làm
thế ư?
486. Không thể trút bỏ nỗi nghi ngờ.
487. Riêng đem quan quân thuộc đạo binh của mình tìm đường đi
nơi khác.
488. Lòng người sôi nổi náo động.
489. Nước bên địch nhân dịp mà dòm dỏ.
490. Bỏ hết công lao từ trước, ai chịu cái lỗi ấy cho?
491. Ta gánh cái trách nhậm nặng nề đối với tông miếu, xã tắc.
492. Hai ngươi là hạng bầy tôi trọng yếu như cái gỗ nóc, cái
thân cây của triều đình.
493. Hai bên cùng ngờ vực và làm ngăn trở lẫn nhau.
494. Biến cố ngang ngửa xảy ra.
495. Để tiếng cười lại nghìn năm.
496. Vài ngày nay, giăn giở suy nghĩ.
497. Ăn, ngủ đều kém.
498. Vận mệnh quốc gia quan hệ ở trong chốc lát này.
499. Sai sứ ruổi ngựa đến dụ bảo một cách thành thực.
500. Lũ ngươi còn chưa cởi lòng, trút bỏ điều ngờ thì ta lại
càng không yên tâm.
501. Đã xem trong biểu của lũ ngươi.
502. Mọi điều xếp đặt cũng là những việc nên làm.
503. Lũ ngươi còn dàn quân lính ở đối cửa cung khuyết, chưa
vào chầu hầu.
504. Tình nghĩa vua tôi chưa được rõ ràng, chính đáng.
505. Trước hãy ưng theo lời biểu đã tâu, rồi sau mới chịu vào
chầu.
506. Vua yếu, tôi mạnh.
507. Lấy binh quyền hoặc binh khí uy hiếp nhà vua can ngăn việc
gì.
508. “Tua” nghĩa là “nên phải” “Tua giữ” cũng như nói “nên giữ”…
509. Đem lòng thành thực mà đối đãi.
510. Trút bỏ những điều hiềm khích, nghi ngờ.
511. Tâu bày lý do mọi việc.
512. Dòng dõi chúa Nguyễn Hoàng là Cựu Nguyễn, họ Tây Sơn là
Tân Nguyễn.
513. Theo truyện Nguyễn Văn Nhạc trong Đại Nam chính biên liệt
truyện, sơ tập quyển 30 tờ 15b-16a
514. Không rõ tên họ.
515. Theo “lời đầu” bằng chữ Nho đặt trên bài hiểu văn của
tác giả Phan Huy Ích.
516. Ông tướng vâng mệnh vua, cầm binh quyền ở ngoài biên
cương.
517. Người ta sinh ra, được Giời phú bẩm cho tấm lòng biết giữ
đạo thường.
518. Do chữ “thang mộc ấp” mà ra. Nguyên xưa, theo chế độ
phong kiến, thiên tử cho chư hầu cái ấp thang mộc (nghĩa đen là tắm gội) khiến
chư hầu lấy cái lợi thu được ở trong ấp ấy dùng vào việc tắm gội để tiện trai
giới mà giữ được sự thanh khiết cho mình. Sau dùng rộng ra, “thang mộc” là chỗ
đất phát tích của đế vương.
519. Chỉ vua Thái Đức và vua Quang Trung, ban đầu, đều dấy
lên từ thành Quy Nhơn.
520. Hội gió mây gặp gỡ. Do chữ trong kinh Dịch: “Vân tòng
long phong tòng hổ…” (mây gặp rồng, gió gặp hổ…) ý nói tao phùng đẹp hội, chính
là dịp tốt để tài trai bay nhảy.
521. Do chữ “danh thùy giản bạch” mà ra. Nghĩa là tên được
ghi vào thẻ tre, mặt lụa (vì xưa chưa có giấy viết), để thơm về sau.
522. Công tôn phò giúp đỡ nhà vua.
523. Cái giáo lưỡi nhọn.
524. Do điển vua Hán Cao khi qua ấp Bái (nay là Bái huyện thuộc
Giang Tô bên Tàu) đặt tiệc gõ dịp hát Đại Phong. Ý nói nhà Tây Sơn vừa mới mừng
cuộc thành công ở Quy Nhơn là chỗ quê nhà.
525. Cá kình là tượng trưng về biến loạn giặc giã.
526. Vì bấy giờ thành Quy Nhơn thất thủ có quân đóng án ngữ
nên đường lối từ đèo Bến Đá đến Quy Nhơn không liên lạc với nhau được.
527. Kẻ giữ đất đai ở nơi cửa ngõ một nước.
528. Chỉ việc Bảo đem thành Quy Nhơn xuống hàng.
529. Bọn dân lành.
530. Vì bắt ép mà phải gượng theo.
531. Lời khua giục, dụ dỗ.
532. Nông nỗi xa mắc vào vòng đau khổ.
533. Do chữ “tiêu y cán thực” mà ra. Ý nói gặp lúc quốc gia
đa sự, nhà vua chín lần: cửu trùng bao xiết thương xót nhân dân. Nhà vua vì bận
rộn quá sớm đã phải thay áo, đêm mới được ăn cơm.
534. Mong nhân dân được đặt yên lên trên đệm chiếu (nhẫm tịch)
êm ấm như thủa trước.
535. Trên vâng lời vua phán dạy, lo tính mưu trước dẹp giặc.
536. Coi giữ việc binh, thẳng trỏ ngọn cờ đào.
537. Chỉ Trần Quang Diệu.
538. Do điển: trong cung điện nhà Hán trồng nhiều cây phong,
nên về sau người ta dùng chữ “đền phong” để chỉ về triều đình.
539. Do điển: Chu Á Phu đời Hán làm tướng đóng quân doanh ở Tế
Liễu. Nhân thế đời sau dùng “trướng liễu” hay “dinh liễu” để chỉ về chỗ quân
doanh.
540. Quận Diệu tiến vào Quy Nhơn bấy giờ nhằm buổi đầu xuân.
541. Ông tướng ở nơi màn trướng (ngày xưa, khi hành binh, ông
chủ súy và các tướng tham mưu thường vây màn để bàn bạc quân sự cho nên gọi là
súy mạc).
542. Cũng như nói “lòng người”.
543. Ngờ và sợ.
544. Ta cho kẻ thân tình, người cố cựu biết rằng có hai đường
đấy: theo đằng nào, tránh đằng nào thì chọn lấy đi.
545. Bỏ điều mê man quay về đường thiện.
546. Dấu vết không lành.
547. Biết tỉnh ngộ, ăn năn lỗi trước.
548. Vận hội thái bình.
549. Bái quận nguyên là nơi quê hương của Hán Cao tổ. Sau
dùng rộng ra, là nơi rau rốn của một nhà đế vương. “Người Bái quận” đây, chỉ về
người ở Quy Nhơn, chỗ quê quán của nhà Tây Sơn.
550. Rẩy ơn huệ khắp cả mọi người.
551. Nếu không sớm muộn biết chọn lấy con đường tránh dữ theo
lành thì…
552.... Khi ta nổi giận, thẳng tay trừng trị, bấy giờ các
ngươi sẽ như tình cảnh núi Côn Sơn bị thiêu, không cứ là ngọc hay là đá thảy đều
cháy rụi hết.
553. Bản gốc. (BT)
TÁC GIẢ HOA BẰNG
T
iểu sử
Ông sinh năm Nhâm Dần (1902) tại làng Hạ Yên Quyết (về sau gọi
là làng Cót), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thuộc phường Yên Hòa, quận
Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).
Cha là Hoàng Thúc Hội (1870 - 1938), hiệu Cúc Hương, đỗ Cử
nhân khoa Bính Ngọ (1906), nhưng không ra làm quan. Sinh thời, đạo đức và tài
văn chương của Hoàng Thúc Hội được nhiều sĩ phu kính trọng[2].
Lớn lên, Hoàng Thúc Trâm có được một số vốn Hán học uyên thâm
và các tri thức lịch sử sâu rộng, chủ yếu là nhờ sự tự học của mình [3].
Từ những năm 1920, bút hiệu Hoa Bằng (bút hiệu chính của ông)
đã lần lượt xuất hiện trên các báo, như Nước Nam, Thế giới, Tân văn, Tiểu Thuyết
thứ Bảy, Tri tân, Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc tân văn, Thanh Nghị,... (ở Hà
Nội), Tân văn, Thế giới (ở Sài Gòn), v.v...Đặc biệt là trên tờ Tri tân mà ông
là Chủ bút, ông đã để lại ngót trăm bài viết về văn học, sử học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét