Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Hồ Anh Thái và nỗi khốn khó của người cầm bút

Hồ Anh Thái và nỗi khốn khó
của người cầm bút…

Hồ Anh Thái là người nghiên cứu sâu về văn hóa Đông phương, viết khỏe, sách được dịch ra tiếng nước ngoài khá nhiều, cũng từng là một công chức mẫn cán của Bộ Ngoại giao và còn là một Tổng thư ký và Chủ tịch năng nổ của Hội Nhà văn Hà Nội. Bài đối thoại với nhà văn có xu hướng im lặng và viết này được thực hiện ở thời điểm 20 năm trước, nay lần đầu tiên xuất hiện trên Viết & Đọc.
Có những điểm, những sự kiện Hồ Anh Thái nói từ 20 năm trước, nay đã đổi thay. Nhưng những nỗi khốn khó của kẻ cầm bút mà Hồ Anh Thái đề cập trong bài đối thoại này thì dường như vẫn vẹn nguyên tính thời sự của nó…
Văn chương là karma của tôi
Nhà báo Yên Ba: Bắt đầu từ một ấn tượng, đó là đọc nhiều truyện của anh luôn có cảm giác rằng anh viết rất dễ dàng, cứ như tự nhiên tuôn ra, không có sự vật vã, không có khó khăn trắc trở gì cả. Cái cảm tưởng đó có đúng không?  
Nhà văn Hồ Anh Thái: Một ca sĩ, khi kỹ thuật chưa điêu luyện, cách lấy hơi, nhả chữ chưa điêu luyện, thì xem họ hát sợ lắm, nó vật vã lắm. Gân cổ, gân mặt nổi lên, như vừa hát, vừa chứng minh rằng: Này! Tôi đang lao động nghệ thuật rất vất vả, khổ sở đây! Bởi vì kỹ thuật chưa đạt đến độ nhuần nhuyễn, ăn vào máu của người ta. Chính vì vậy nó bộc lộ cái cảm giác gò gẫm, vật vã, khổ sở. Mình thì lại thích một vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp tự nhiên đó đòi hỏi phải có một tay nghề vững vàng, kỹ thuật phải nhuần nhuyễn lắm, điêu luyện lắm. Từ đó sẽ gợi cho người ta cái cảm giác tự nhiên, nó rất hồn nhiên và cứ như thế tuôn ra, đến với người đọc một cách bình thường. Bình thường theo cái nghĩa là tự nhiên ấy.
Yên Ba: Anh có bị ảnh hưởng bởi giáo lý của đạo Phật là cứ để mọi thứ thuận theo tự nhiên không?
Hồ Anh Thái: Chắc là phải có! Bởi mình có nghiên cứu Phật giáo mà. Trong khi nghiên cứu nhiều tôn giáo, thì mình rất thích triết lý của Phật giáo. Có những nhà văn, mình thấy họ viết khổ sở lắm. Ví dụ về một người mình thích là Phạm Thị Hoài giai đoạn đầu. Sau Thiên sứ có những truyện như trong tập Mê lộ, Hành trình những con số, ngôn ngữ vật vã quăng quật mệt lắm! Cứ như đánh vật, gầm gò, rồi gào thét – giống như cô Monica Seles chơi quần vợt, vừa đánh vừa gào lên: Mày chết này! Mày chết này!… Cô ấy đánh cũng hay đấy! Đọc truyện Phạm Thị Hoài, nhiều lúc cứ nghĩ đến cô Seles. Xem thì thấy như phải vận công lực quá mức. Có nghĩa là có thể hay, nhưng mà chưa đạt đến độ hồn nhiên, tự nhiên. Người ta có thể chữa đi chữa lại, giật chỗ này vá chỗ kia, bắt một khổ từ dưới lên đoạn đầu, chuyển từ phần trên mấy dòng mấy câu xuống phần dưới, nhưng mỗi lần chuyển như thế, phải thao tác giống như thợ hàn. Làm sao khi ghép nó lại, mối hàn của anh trông phải đều, khít, mượt, để người ta không nhận ra đó là hàn. Đọc truyện thấy một hơi, nhưng thực ra ban đầu không phải như thế; đã có rất nhiều đoạn được chuyển đổi từ chỗ này sang chỗ nọ rồi đấy!
Yên Ba: Đó có thể gọi là kỹ năng, kỹ thuật viết văn. Vậy anh lấy được cái đó ở đâu?
Hồ Anh Thái: Nghiên cứu lý luận nhiều, mình quan niệm rằng viết văn cũng như tất cả những người làm nghệ thuật, phải có lý luận. Để trở thành một nghệ sĩ có tiếng, thì không nhất thiết phải có lý luận, nhưng nếu anh muốn trở thành một nghệ sĩ có thứ bậc, thì phải có. Rất nhiều người nổi tiếng nhưng không có thứ bậc, phần lớn đấy, ví dụ nghệ thuật bình dân chẳng hạn, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh… được dân trong nước biết hơn nghệ thuật bác học của Lê Dung là cái chắc. Nhưng Lê Dung bao giờ cũng có vị trí cao hơn hẳn những người kia. Đó chính là thứ bậc. Mà hình như bản năng của nghệ sĩ là ngại lý luận, khác với người làm khoa học. Dù sao cũng là người làm khoa học, nên mình hiểu vai trò quan trọng của lý luận đối với sáng tác. Ngay từ rất sớm mình đã đọc lý luận về những ngành nghệ thuật mà mình thích như văn học, điện ảnh, âm nhạc. Chẳng qua là thích, chứ không định hành nghề. Những cái đó cho mình công cụ, phương pháp rất tốt trong khi hành nghề, hay là lúc thử sức vào một lĩnh vực nào đó. Mình đọc tiểu thuyết của mọi người rất khác, không phải bằng mắt của một độc giả thông thường, hay là một nhà văn thuần túy, mà với lý luận trong đó.
Yên Ba: Trong triết học Ấn Độ, có một khái niệm rất phổ quát là “Karma”, tức là “nghiệp”. Vậy văn chương có phải “Karma” của anh không?
Hồ Anh Thái: Có khi là thế! Khi 17, 18 tuổi mà mình đến với nó thì chắc là đầy cảm tính. Lúc đó đã có kiến thức lý luận gì đâu, ngoài một ít kiến thức sơ sài ở nhà trường. Rõ ràng đó là nghiệp rồi. Trong tiếng Phạn, “nghiệp” có nghĩa là hoạt động, hành động. Nhưng theo các cụ nhà mình, hình như “nghiệp” có nghĩa là “nghiệp chướng”. Theo như anh ý anh nói thì đây không phải là sự nghiệp, mà nó như là một dấu ấn tiền định nào đó phải không? Đó là một “Karma” vất vả, khổ sở. Trong nhà mình, con của mấy ông anh bà chị, có đứa nào học kha khá văn một tý là mình không thích đâu. Mình nói với chúng rằng: học phổ thông, điểm văn chỉ cần trung bình thôi, nhưng cần phải học những cái khác giỏi. Mình thích chúng giỏi khoa học tự nhiên. Đừng có dốt văn quá, viết câu bất thành văn, còn làm sao vừa đủ để trong cuộc đời không ai cười được mình khi viết đơn từ, khi ăn nói cho nó đàng hoàng, gãy gọn. Bề ngoài mình nói vậy. Nhưng trong thâm tâm mình nghĩ rằng: cái nghề này nó đau khổ lắm, vật vã lắm! Đàn ông làm cái nghề này còn rất khổ sở, nói gì đến phụ nữ. Mình cho rằng: cuộc sống như thế này, mà không được tiếp nhận đầy đủ, thì đó chính là sự thiếu hụt và như vậy là anh không sử dụng trọn vẹn đời sống của mình, thật đáng tiếc. Cho nên, mình rất sợ trẻ con đi theo cái nghề này. Đó là chưa kể, anh đau khổ trên từng câu, từng chữ như thế nào. Người càng có tài, càng tỉnh táo thì lại càng đau khổ. Cũng là nghệ sĩ, nhưng ở tầm vóc vừa phải, thì không tinh tường và ít thấy mặt trái của nghề, họ thích hướng cho con cái họ theo nghề cha mẹ. Đứng trên phương diện nghệ thuật, khi đối diện với nghệ thuật, nếu anh có tài hơn đồng nghiệp một tý, tinh tế hơn đồng nghiệp, thì anh sẽ đau khổ hơn. Bởi vì anh cảm thấy cái hữu hạn của mình rõ ràng hơn. Đứng trước cái vô cùng của nghệ thuật, những nghệ sĩ hời hợt thường rất tự tin bởi họ không nhìn thấy cái hữu hạn của mình.
Nỗi khốn khó của việc bị ức chế
Yên Ba: Mỗi một nhà văn – và chắc anh cũng không phải là ngoại lệ – khi đặt bút viết lên trang giấy, đều có những cái khó riêng của mình. Một sự bất lực trước vô hạn như anh nói chẳng hạn! Từ khía cạnh “Karma”, anh có thể nói sâu hơn, cặn kẽ hơn về nỗi khốn khó của các nhà văn Việt Nam?
Hồ Anh Thái: Nói đến nỗi khốn khó, thì người ta sẽ đưa ra rất nhiều thứ, nhưng mình thấy nhà văn Việt Nam có mấy nỗi khốn khó chính: do điều kiện chính trị xã hội, do tình trạng văn hóa của người Việt Nam và do đặc điểm, hoàn cảnh của cá nhân họ.
Nhà văn Hồ Anh Thái tại Radio CBC-Toronto 1998
Yên Ba: Anh có thể nói kỹ hơn được không?
Hồ Anh Thái: Có một điều rất nhàm chán mà hầu như các nhà văn cũng như văn nghệ sĩ hay kêu, là thiếu một bầu không khí thực sự thoải mái để sáng tác. Có người bảo là thiếu một bầu không khí thực sự dân chủ. Tôi nghĩ cái đó có phần đúng. Chẳng nói đâu xa, sách nhà văn viết ra nhưng không in được. Không in được không phải vì lý do chất lượng. Tất cả giám định của các nhà xuất bản đều đánh giá cao, thế nhưng không in được. Đơn giản thế thôi! Và không in được cũng không lấy gì làm hệ trọng, vì in thêm một cuốn sách cũng chẳng vội vàng gì. Nhưng nó tạo ra một sự ức chế. Thế tác phẩm của tôi dở ở chỗ nào? Không lành mạnh ở chỗ nào? Và vì lý do gì mà không in được? Nếu là lý do về chất lượng, thì chất lượng nghệ thuật được giám định rồi, đều được đánh giá tốt rồi. Nó gây ức chế và cái này là chuyện muôn thuở đối với văn nghệ sĩ, chẳng cứ gì ở Việt Nam. Mayakovsky, rồi nhiều nhà văn ở Nga cũng thế. Mình đọc đâu đó thấy thời ông Balzac cũng thế, cũng bị “diệt lên, diệt xuống”, tất nhiên là “diệt” theo cái nghĩa của họ, tức là bản thảo bị từ chối. Kể cả bây giờ, các nhà văn Âu, Mỹ cũng bị như vậy. Không phải bất cứ tác phẩm nào của anh khi đến nhà xuất bản đầu tiên, đã được chấp nhận đâu. Nó là do quan điểm nghệ thuật và gu của họ. Và một tác phẩm có thể lăn lộn qua rất nhiều nhà xuất bản. Rõ ràng không có một bầu không khí thuận lợi cho người sáng tác. Trên thực tế không có sự kiểm duyệt đâu. Nhưng mà cái kiểm duyệt ấy nằm ngay trong đầu người viết văn. Viết một câu, thì đã nghĩ rằng: câu này chắc là người ta sẽ cắt đi của mình! Biết rất rõ! Thế là anh tự kiểm duyệt. Xong là đến ông biên tập kiểm duyệt. Sau đó đến ông tổng biên tập kiểm duyệt. Cần gì đến một hệ thống kiểm duyệt trên tổng biên tập nữa đâu! Còn bản thân mình viết thì không bao giờ tự kiểm duyệt cả. Mình ý thức rất rõ về sự vang động của từng câu. Ví dụ với câu này, mình biết là kiểu người này sẽ nhíu mày, nhưng kiểu người kia sẽ cười khoái trá. Và không phải vì có người nhíu mày, mà mình cắt cái câu đó đi đâu.
Yên Ba: Nếu vậy thì theo anh, phải chăng ở những nơi có bầu không khí cởi mở thì chắc chắn sẽ có tác phẩm lớn?
Hồ Anh Thái: Không hẳn như vậy! Một bầu không khí cởi mở chỉ tăng thêm sự hưng phấn cho nhà văn thôi, chứ không hẳn quyết định chất lượng. Nói như thế vì khi ông Marquez viết Trăm năm cô đơn thì ở Colombia là chế độ độc tài quân sự. Hay ở Paraguay, Chile, hồi thập kỷ 1960, 1970 là những chế độ độc tài khét tiếng, nhưng vẫn sinh ra một loạt nhà văn nổi tiếng như ông Agusto Rosa Bastos với tác phẩm Lửa và hủi, rồi bà cháu gái của ông Allende ở Chile với Ngôi nhà của những hồn ma… Tức là tài năng đủ lớn thì sẽ vượt lên được hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của đời sống chính trị xã hội. Ngoài tài năng, nhà văn còn có tài sản truyền thống văn hóa của dân tộc anh mang trên mình. Hai cái đó có tác động với nhau. Truyền thống văn hóa đến mức nào đó sẽ sản sinh ra những tài năng tương xứng với nó. Có một chế độ dân chủ cực thịnh, đúng với nghĩa của nó, thì sẽ tạo cho nhà văn một bầu không khí cực kỳ lành mạnh, thuận lợi cho sáng tác. Nhưng cũng không hẳn, vì nếu như thế thì những nước công nghiệp phát triển đã có toàn những nhà văn lớn, và có nền văn học lớn cả rồi. Thực tế chứng minh là không phải như thế.
Yên Ba: Theo như tôi hiểu, anh muốn nói đến một khái niệm là “tác phẩm nằm trong ngăn kéo”. Tức là tôi cứ viết, còn đến một lúc nào đó, sách ra được thì ra. Nhưng anh có công nhận một thực tế rằng: ở Việt Nam không có loại nhà văn ấy, hoặc rất hiếm! Lý do tại sao?
Hồ Anh Thái: Nhân cách và bản lĩnh vừa phải sẽ bằng lòng với những tác phẩm mang tính “ăn xổi ở thì”. Phải ăn được ngay, xài được ngay! Đó là cái tính thực tế của người Việt. Nói chuyện này không phải để phê phán một ai cả. Nhưng đây cũng là điều mình đã day dứt rất lâu rồi. Đấy cũng là điều làm cho người ta thất vọng về văn nghệ sĩ. Như có lần mình nói chuyện với anh Vương Trí Nhàn và bạn bè, cũng như ý Yên Ba vừa nói, tức là: với người viết văn, công việc của anh là phải viết và anh dám dũng cảm chấp nhận. Tức là viết xong nếu in được ngay thì tốt quá, còn nếu không thì sẵn sàng cho nó nằm trong ngăn kéo của anh nhiều năm trời. Nhưng hầu như không thấy những nhà văn như thế. Họ chỉ bằng lòng với những đồ ăn xổi. In ngay, được phân phát cho bạn bè ngay, được có tiền ngay. Khốn nỗi thu nhập thì được bao nhiêu đâu. Một cuốn tiểu thuyết được mấy triệu đồng, chỉ bằng mấy bài báo, thế mà lại cứ nóng lòng cho sách ra ngay. Trong trường hợp này thiếu một cái dũng khí, thiếu bản lĩnh. Có những người không thiếu tiền, nhưng lại cứ muốn in ngay. Tức là họ cần một vài tiếng ca nho nhỏ trong giới đồng nghiệp. Thành công vừa phải thì cũng là thành công. Nhiều người chê, nhưng trong số bạn bè, cũng có một vài người khen, thì họ bằng lòng với những điều đó. Thích có hiệu ứng ngay. Cần có dư luận ngay. Họ không đủ kiên nhẫn, không đủ dũng khí, đủ tự tin đối với tác phẩm mình. Nếu đủ tự tin, thì anh cứ giữ tác phẩm đấy, chứ cần gì lác đác đây đó những lời khen dễ dãi. 10 năm nữa in cũng được, lâu hơn nữa cũng được.
Yên Ba: Và đó là một nỗi khốn khó của nhà văn Việt Nam?
Hồ Anh Thái: Đấy là một trong những biểu hiện. Trước đây, mình băn khoăn nhiều với chuyện đó, nhưng giờ thì thất vọng, biết nhau rồi, nên không phàn nàn nữa. Khi còn kỳ vọng họ có sự đổi khác, thì mình đã từng hay bứt rứt.
Nỗi khốn khó của người sinh ra trong đất nước thơ ca!
Yên Ba:  Anh đã đề cập một nỗi khổ của người cầm bút, do bên ngoài tạo ra cũng có mà tự mình gây ra cũng có. Nhưng đó mới là cái đầu tiên phải không?
Hồ Anh Thái: Cái khó khăn thứ hai là về mặt văn hóa, là môi trường văn hóa. Người ta cho rằng Việt Nam là đất nước của thơ ca. Điều đó đúng. Kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ khá là phong phú. Truyện cổ tích cũng hay. Nhiều cái hiện thực huyền ảo trong tác phẩm, mình học được từ đó. Có người nhầm rằng đó là hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, nhưng không phải vậy. Đó là sản phẩm của Việt Nam, mình học được từ tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích Việt Nam đấy!
Trở lại với chuyện Việt Nam là đất nước của thơ ca. Trước đây mình nghĩ đó là một điều rất thuận lợi, nhưng rồi khi trưởng thành, khi nghiên cứu, nhìn ngó ra xung quanh, thì thấy thế này: cái đó là một trở lực đối với người viết văn, đặc biệt là đối với người viết văn xuôi. Truyền thống ấy, ở một mặt nào đấy, có thể thuận lợi cho người làm thơ, nhưng lại rất nguy hiểm đối với người viết văn xuôi, nếu như anh muốn cách tân.
Người Việt có truyền thống thơ ca. Có những người không biết chữ, như những cụ bà ở nhà quê ấy, nhưng họ vẫn có thể là những nhà thơ dân gian. Các cụ học hành rất ít, nhưng cứ làm thơ cái đã. Lục bát, sáu tám đâu ra đấy. Nói một câu là có vần có điệu ngay. Bẻ vần thành thơ ngay. Đó là vì đất nước của thơ ca đấy! Nó lặn vào tận trong máu của người ta. Và sinh ra trong môi trường như thế, có những người thân như thế là một thách thức đối với người viết văn xuôi. Ông viết ra một câu, thì nó đã du dương, véo von, nó nhịp nhàng. Cái đó tự trong máu mình nó ra, là bản năng rồi. Để cưỡng lại cái đó, cần một cái phanh hãm rất có hiệu quả. Và vì thế, muốn cách tân về ngôn ngữ, thì anh mất công hơn người khác rất nhiều. Họ không có cái truyền thống thơ ca trong máu, thì họ đâu có tốn thêm một cái lực để mà phanh. Họ sẽ chuyển đổi dễ dàng hơn. Còn anh, trước hết, anh phải vận hết nội lực để cưỡng lại cái véo von, cái nhịp điệu kia rồi mới có thể nghĩ đến việc làm khác đi, mới đổi mới được, mới cách tân được. Thế là anh phải tiêu hao nhiều tâm sức hơn, không thể tập trung toàn bộ sức lực vào việc cách tân được nữa. Lúc đó thì sự cách tân của anh coi chừng khó mà đến đầu, đến đũa.
Điều thứ hai mình thấy là bẩm sinh người Việt rất thích kể chuyện. Đọc một cuốn tiểu thuyết, là phải tìm được trong đó một cái gì có thể đem ra kể lại với những người khác. Đi làm đầu thì kể với cô làm đầu, hay cô làm đầu cũng vừa đọc tiểu thuyết, đem kể với khách hàng, coi như câu chuyện làm quà. Cũng như mấy bà bán hàng ngồi ở chợ Đồng Xuân kiếm chuyện kể cho nhau nghe… Đó là dạng: có tích có tuồng. Có tích thì mới dịch nên tuồng, mới dựng nên được các vở diễn, vở chèo, vở tuồng, vở cải lương. Tức là phải có cốt truyện, mới viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn được. Và kết quả là hầu hết những người viết văn là nhà kể chuyện. Nhà kể chuyện, chứ không hẳn là nhà văn! Mình cho rằng, cứ 100 người viết văn, thì có đến 97, 98 người là người kể chuyện. Chỉ có vài ba người là nhà văn thôi. Tức là người kể chuyện chỉ cần kể cho có đầu có cuối, kể cho trôi chảy hay ho. Cái này không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy. Người kể chuyện thì đã có từ khi nhân loại chưa có chữ viết, vậy nhà văn đích thực phải là người biết tận dụng thế mạnh của con chữ của văn bản giấy trắng mực đen, cái mà giọng kể truyền khẩu khó chạm tới được.
Cốt truyện dễ làm cho người ta không tận dụng, phát huy triệt để thế mạnh của văn học là cấu trúc và cách thể hiện ngôn ngữ. Cái đó không chỉ ảnh hưởng tới văn học đâu, trong hội họa, trong âm nhạc, sân khấu, điện ảnh ở ta cũng vậy, cũng chỉ coi trọng cái cốt truyện. Đáng ra mỗi thể loại nên phát huy, tận dụng những sở trường, thế mạnh, phương pháp thể hiện đặc trưng của mình mà các loại hình khác không có được. Với văn học, đó là vẻ đẹp và thế mạnh của ngôn ngữ, như Linh sơn mà ông Cao Hành Kiện đã làm ấy. Ông tận dụng những cái đó, mà các hình thức nghệ thuật khác khó vào tới được. Hoặc như các tác phẩm của Milan Kundera thì điện ảnh và sân khấu khó mà chuyển thể được. Bởi vì những cái đó chỉ có thể tồn tại được trong văn học mà thôi. Các ngành hội họa, âm nhạc, điện ảnh…cũng cần phải thế. Ông phải làm những gì mà các loại hình nghệ thuật khác không thể mô phỏng, không thể bắt chước, không thể chuyển thể hoặc chen vào làm thay được. Với văn học, tính thích kể chuyện và thích nghe kể chuyện của người viết văn nếu không cẩn thận sẽ làm hại họ. Chưa cần tính chuyện cách tân, nếu như họ muốn để cho tác phẩm thực sự là văn học và chỉ tồn tại trong văn học mà thôi, không một hình thức nghệ thuật nào có thể can thiệp được, sử dụng được, dưới hình thức chuyển thể ấy, thì cái tính thích cốt truyện của người Việt là một trở lực rất lớn.
Một gánh nặng về văn hóa nữa, là người Việt nặng về cảm tính, thiếu khả năng tư duy khoa học. Chính vì vậy, cấu trúc tác phẩm của nhà văn Việt Nam rất yếu. Chưa nói đến thơ, mà nói đến văn xuôi thôi. Nhiều tiểu thuyết đoạt giải, được tìm đọc lại cực kỳ yếu về cấu trúc, tùy tiện, có thể nói là không có cấu trúc. Lỏng lẻo, lan man, theo dòng ý thức một tý, dòng cảm xúc một tẹo, khiến người ta có cảm giác: nó phải kết ở chỗ nó bị hụt hơi! Nó kết khi người viết đã bị hụt hơi, đuối sức, chứ không phải là do logic nội tại tự thân của tác phẩm. Khả năng cấu trúc của người Việt yếu, bởi vì cuộc sống nặng cảm tính, sống đời sống cộng đồng, mọi việc đều giải quyết xuề xòa tùy tiện theo kiểu cộng đồng, chín bỏ làm mười…
Yên Ba: Cái này phản ánh rõ nhất trong nền phê bình hiện nay. Được một lúc là chuyển từ “luận chiến” sang “khẩu chiến” thôi!
Hồ Anh Thái: Phê bình là nghề cần lý trí, khoa học, mà lại để cảm tính chi phối thì lộn xộn là đúng thôi. Đang từ lý lẽ khoa học, đùng một cái tạt sang lý lẽ cảm tính để đánh giá. Xin mở rộng ra chuyện ngoài lề: ngay giới khoa học tự nhiên cũng rất ham thích văn nghệ, hát hò, diễn xướng, rồi đủ trò thơ văn… Tức là kiểu quan văn, tư duy theo kiểu thơ ca, cảm tính luôn ăn sâu trong người. Chính vì vậy, nhà văn khi làm cấu trúc tác phẩm, đâu có đạt tới những cấu trúc thật hài hòa, chặt chẽ.
Nỗi khốn khó khi phải tự hiểu mình
Yên Ba: Anh mới nói đến những tác động từ bên ngoài. Còn về cá nhân con người nhà văn thì sao?
Hồ Anh Thái: Bản thân cá nhân là mỗi người một vẻ. Do hoàn cảnh xuất thân, do môi trường sống, do sự giáo dục anh nhận được từ gia đình, từ xã hội và cái thời điểm, thời đại anh sống. Nền giáo dục mà mình tiếp nhận được ở giai đoạn 1960, 1970 sẽ khác với những năm 1980, 1990. Luôn có những khó khăn về cá nhân.
Yên Ba: Và anh cũng xem đó là một điều nên cảnh giác?
Hồ Anh Thái: Đúng rồi!  Bởi vì nó có thể được về mặt này, nhưng lại hạn chế về mặt khác. Ví dụ với hoàn cảnh xuất thân ấy, một người có thể làm âm nhạc thì phù hợp hơn văn học. Nếu không tỉnh táo sẽ có thể lạc lối cả một đời. Ngày trước, mình cũng say mê nhiều thứ. Lúc bé thích vẽ và vẽ cũng khá đẹp. Bây giờ thỉnh thoảng cũng vẽ, thời sinh viên thì vẽ nhiều, vẽ cả sơn dầu, màu nước. Mẹ mình thích cho con theo nghề vẽ. Nhưng lúc ấy mình lại mê điện ảnh. Có mấy ông đạo diễn rủ rê, nên hồi ấy mình viết truyện đưa cho các cụ đọc. Những truyện này chẳng in vào đâu cả, lúc đó khoảng 15, 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi mình mới có truyện đầu tiên được in. Hồi ấy, đưa truyện cho đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa đọc, ông khen hay và khuyến khích mình viết kịch bản. Rồi ông rủ đi làm diễn viên! Mê điện ảnh khủng khiếp, đi theo mấy đoàn làm phim và viết truyện phim cho ông Phạm Văn Khoa, thậm chí có kịch bản suýt nữa ông ấy dựng thành phim. Âm nhạc cũng thích, cũng mày mò sáng tác ca khúc. Nhưng rồi sau đó, dần dần mới nhận thấy rằng: viết văn mới là việc mình có thể làm tốt hơn cả, chỉ viết văn mới nói được hết, nói được sâu, thật ngóc ngách những điều muốn nói. Giá mà trước kia có theo điện ảnh hay hội họa, âm nhạc thì rồi chắc mình cũng quay lại con đường viết văn thôi…
Yên Ba: Còn nỗi khốn khó nào chờ chực các nhà văn nữa hay không? Nước ta là một nước nghèo. Các nhà văn cũng trong tình trạng chung như vậy. Hiếm có ông bà nhà văn nào giàu lắm! Vậy theo anh, phải chăng sự nghèo túng là kẻ thù của người viết văn? Hay đó là sự giàu sang, thừa mứa với một cuộc sống quá đầy đủ? Đâu là kẻ thù của người viết văn?
Hồ Anh Thái: Giàu sang, thừa thãi là kẻ thù của sự học. Các cụ nhà mình nói rất đúng là “khổ học”. Có nghĩa là khó có ai sướng mà học được. Sung sướng dễ làm cho người ta chỉ thích hưởng thụ, không muốn học hành. Có sẵn để tiêu xài, ăn chơi thì học làm sao được? Sự thừa thãi, sự sung sướng là kẻ thù của sự học, một phần nào đó cũng là trở lực đối với người viết. Nhưng nghệ sĩ đích thực, có bản lĩnh thì dù có giàu sang vẫn kiên trì theo con đường đã chọn. Ông Byron, ông Goethe, ông Turghenyev, Leo Tolstoy… đều giàu sang nhưng vẫn tự nguyện chung thân chịu nỗi đau lớn làm nghệ sĩ đấy thôi.
Còn cái nghèo? Theo mình, cản trở lớn nhất đối với nhà văn là cái nghèo về tâm hồn. Sự nghèo nàn về tâm hồn, chứ không phải là sự nghèo đói về vật chất. Tất nhiên, nói như vậy là đời sống vật chất của ông phải ở mức đủ sống, chứ không thế nói ông bị đói được. Nếu như tâm trí ông bị đặt vào chuyện tiền học cho con, tiền ăn của cả nhà, thì ông sẽ khó viết được cái gì lớn. Khi Trần Đăng Khoa nói đề tài của nhà văn Việt Nam chỉ quẩn quanh mấy cái nghèo đói, cái bụng ấy, thì có người phản bác: cái đói về vật chất là cả một vấn đề lớn, tại sao lại bảo đó là vấn đề bình thường? Đó là vấn đề lớn, nhưng là vấn đề mang tính chính trị xã hội, không hẳn là vấn đề lớn của văn học nghệ thuật. Sự nghèo nàn về tâm hồn và về văn hóa tinh tế hơn, khó nắm bắt hơn, thử thách tài năng của nhà văn nhiều hơn. Còn cái nghèo về vật chất, nó là vấn đề chính trị xã hội. Những người làm chính trị, đứng đầu các tổ chức, các chính phủ, có trách nhiệm phải lo cho dân no. Nói kẻ thù của nhà văn, theo mình không phải là sự nghèo đói về vật chất, mà đó là sự nghèo nàn về tâm hồn và văn hóa.
Yên Ba: Tâm hồn ở đây nghĩa là tinh thần, phải không? Một trong những cái băn khoăn của nhiều người viết văn, là sự tự do về tinh thần, điều này quyết định chất lượng của tác phẩm. Thế anh có cho rằng đó là sự sống còn của một tác phẩm lớn hay không?
Hồ Anh Thái: Mình không thích tuyệt đối hóa một vấn đề nào. Mình không phải là dạng người xem những gì đối với mình là quan trọng, thì nó cũng quan trọng đối với mọi người. Thực ra, chuyện sống còn đối với một tác phẩm, nó còn ở nhiều yếu tố khác, tức là nó phải logic và phải nằm trong một cái tổng thể và toàn diện.
Về việc cách tân hình thức – và cả nội dung
Yên Ba: Lúc nãy anh có nói đến vấn đề hình thức nghệ thuật. Bây giờ ta quay lại vấn đề đó. Có một nhà thơ đã nhận xét rằng: Sự thay đổi về mặt hình thức, nó khó khăn, nó trăn trở, nó đau đớn, nó vật vã hơn sự thay đổi về nội dung. Anh nghĩ về vấn đề này như thế nào? Mối liên hệ giữa thay đổi hình thức và nội dung trong văn chương ra sao?
Hồ Anh Thái: Đã gọi là nghệ thuật thì cái phần nghệ là quan trọng lắm. Cũng như đã gọi là văn chương, thì phần văn trong tác phẩm rất quan trọng. Ví dụ như thế này: nếu nội dung đã tốt, đã chỉnh, thì ngôn ngữ của nó, một phương tiện nghệ thuật chuyển tải, đóng vai trò lớn. Người ta có thể đã đọc xong một cuốn sách rồi, nhưng vẫn thích đọc lại. Vì sao vậy? Theo mình, người ta đọc lại là vì văn đấy. Bởi vì khi đọc xong, người ta đã biết ai lấy ai rồi, ai đã đâm chết ai rồi, câu chuyện kết thúc như thế nào rồi. Tức là họ đã biết nội dung rồi! Nhưng người ta đọc lại chính vì sự hấp dẫn của văn. Mà có loại sách chỉ đọc xong một lần là vứt, là thôi không cần đọc lại, vì đã biết nội dung rồi. Nhưng làm cho người ta phải đọc lại chính là giá trị nghệ thuật của nó. Chính vì vậy, viết văn thì thực sự phải có văn, chứ không chỉ là những câu mang tính thông tin một cách chính xác. Nếu như thế, thì người ta chỉ cần đọc báo mà thôi.
Yên Ba: Theo tôi, văn đúng là một cái khiến cho người ta đọc lại, nhưng không hẳn như thế. Ví dụ như thế này: nhiều độc giả Việt Nam có thể đọc hàng trăm lần Tam Quốc diễn nghĩa mà vẫn không chán, nhưng không mấy ai đọc được đến lần thứ ba cuốn Trăm năm cô đơn. Như vậy ở đây, việc đọc lại sách còn có một cái khác ngoài văn nữa. Theo anh đúng không?
Hồ Anh Thái: Đó là cái “gu”, sở thích của mỗi độc giả. Mình đồng ý là nó còn nhiều yếu tố khác nữa, nói một cách chặt chẽ là vậy. Nhưng yếu tố quan trọng bậc nhất theo mình là văn. Còn “gu” thì thế này: có người rất thích món Spaghetti của Ý, nhưng có người lại thích món mắm tôm chẳng hạn. Cái ông ăn được mắm tôm có thể rất sợ món Spaghetti, ngược lại ông ăn được Spaghetti lại rất sợ món mắm tôm. Đó chính là “gu”, là sở thích của mỗi người, chứ không phải hai cái đó dở. Cái đó nó phụ thuộc vào thể chất, tâm lý, thói quen và văn hóa của mỗi người. Tôi có thể chịu được cái chất dữ dội, tàn bạo của Dostoyevsky, nhưng người khác chỉ chịu được cái chất mong manh, bâng khuâng của Paustovsky. Với mình, là người có biên độ rộng, nên mình chịu được rất nhiều thứ. Mình chịu được cả Mạc Ngôn, cả Cao Hành Kiện và thấy cả hai ông đều lớn, không thể nói ông nào hơn ông nào. Cả Dostoyevsky và Paustovsky, mình đều chịu được.
Bọn mình đang nói đến giá trị nghệ thuật của một tác phẩm là rất quan trọng. Bây giờ tạm bỏ qua yếu tố “gu” và hoàn cảnh xuất thân nhé! Bởi cái hoàn cảnh xuất thân và nền tảng văn hóa của mỗi một cá nhân cũng quy định người ta bị hút vào cái gì và không bị hút vào cái gì… Trong tất cả những cái đó, phần nghệ thuật ngôn ngữ đối với người viết văn xuôi rất là quan trọng. Mình cho rằng, nghệ thuật phải đặt lên trước, ông Hoài Thanh từng nói và quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” là đúng đấy. Nghệ thuật cũng giống như nhiều khoái cảm khác mà con người có được. Tôi làm nghệ thuật bởi vì nó là một trong những cái mang lại khoái cảm cho tôi. Người ta từng nhận ra rằng khoái cảm trong sáng tạo nghệ thuật, đối với nghệ sĩ, nó cũng không kém gì khoái cảm về ẩm thực, hay tình dục. Và đã làm nghệ thuật, thì trước hết vì chính nó, vì chính cái chủ thể sáng tạo ra nó. May mắn lắm, trong cuộc đời, khi ra với công chúng, tác phẩm lại có những người đồng cảm với chủ thể sáng tạo. Khi đó tác phẩm đã có giá trị nhân sinh.
Sự cách tân về hình thức đóng vai trò quan trọng trong giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nhưng song song với cách tân về hình thức, cũng phải có sự tìm tòi, cách tân về nội dung. Muôn đời người ta đều viết chuyện tình yêu, tình báo, cái chết… nhưng mà cũng đề tài ấy, mình cần đưa ra một cái nhìn mới. Làm được như vậy, phần nào đó mình đã tìm tòi về nội dung. Cái hiện thực đó không có gì là lạ. Chẳng hạn hai người yêu nhau, đều mất vợ mất chồng, rồi hai người lấy nhau. Chuyện đó thì ông Remarque đã viết, bao nhiêu người khác cũng viết, vậy bây giờ, cũng viết về hai người như thế, nhưng qua con mắt của một con bé hàng xóm. Chẳng hạn con bé ấy thấy ngày ngày có một người đàn ông tàn tạ đi đến nhà cô ấy, mà cô ấy thì chồng chết… Tất cả mọi thứ đều nhìn qua cái thế giới trẻ con. Có thể đó là một sự lạ hóa, tìm tòi về nội dung. Sự lạ hóa đó cũng là tìm tòi về nghệ thuật, nhưng cái nghệ thuật đó đã được lặn vào thật êm, thật gọn, trong một cái nội dung đã được đào bới lại. Không chỉ tìm tòi về hình thức đâu, mà một nghệ sĩ đích thực, sẽ luôn có cả sự tìm tòi về nội dung.
Cái quyết định là nội lực, chứ không phải là các nhà phê bình
Yên Ba: Có nhiều nhà văn luôn than phiền về bầu không khí phê bình văn học ở ta hiện nay. Họ cho rằng, không khí phê bình văn học ở Việt Nam đang trở nên dung tục và nó cản trở sự ra đời của các tác phẩm lớn. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?
Hồ Anh Thái: Nó có cản trở được không nhỉ? Mình không nghĩ rằng nó có thể cản trở được. Nó chỉ có thể tạo ra một môi trường, như ở trên mình đã nói, làm ức chế người sáng tạo, làm cho họ có thể nản. Chỉ cần họ phê bình một người khác, ta đọc thấy điều đó và thấy nản, rồi có thể cảm thấy bị ức chế.
Phê bình văn học là rất cần thiết. Một nền nghệ thuật nói chung, nếu không có phê bình, sẽ là một nền nghệ thuật tự phát, cảm tính. Tất nhiên, khi nói chuyện phê bình, là phải nói phê bình như thế nào? Cần phải có sự phê bình đúng nghĩa của nó, chứ không phải là phê bình dung tục, cảm tính.
Yên Ba: Tức là nếu nội lực của một nhà văn đủ lớn, thì họ sẽ vượt qua được cái nền phê bình đó, dù nó dung tục đến mức nào đi nữa?
Hồ Anh Thái: Chính xác như vậy! Cũng như lúc nãy, bọn mình nói với nhau về môi trường chính trị xã hội ấy mà, nếu nói như vậy thì ở các nước độc tài khét tiếng sẽ không có những tác phẩm lớn và ngược lại ở những nước dân chủ cao độ chỉ có những nhà văn lớn với nhau thôi, mọi tác phẩm đều thành công hết. Nhưng thực tế không phải thế. Tài năng thực sự của nhà văn là yếu tố quyết định tất cả. Trở lại vấn đề các nhà phê bình: hầu hết nhà phê bình ở ta đều phê bình theo kiểu chính trị xã hội. Nói về nghệ thuật của một tác phẩm thì ít, mà ông chỉ toàn nói về động cơ và giá trị chính trị xã hội của nó mà thôi. Ví dụ: “Những tác phẩm này đầy yếu tố bạo lực, tôi không dám để cho con cái tôi đọc”. Nếu vậy thì chẳng khác gì phủ nhận giá trị to lớn các tác phẩm của Dostoyevsky mất rồi. Hoặc là chỉ đề cao giá trị “bồi đắp niềm tin và hy vọng cho những thế hệ mới” chẳng hạn. Tức là chỉ nói tới chính trị xã hội mà quên mất rằng ông nhà phê bình văn học và ông phải nói chủ yếu về cái giá trị văn chương của tác phẩm. Tất nhiên không thể thiếu sự đánh giá về những ảnh hưởng xã hội, nhưng ông không thể thiên lệch, chỉ tập trung nói về chuyện đó, để rồi đến lúc kết ông mới nói dăm ba câu: văn thế nọ, diễn đạt thế kia.
Yên Ba: Tức là diễn ra một hiện tượng phê bình của một số đông tràn lan, theo nhau cho rằng: tác phẩm này độc hại, không nên cho xuất bản, tác phẩm kia bạo lực sao lại khen nó? Như Mạc Ngôn, ở Việt Nam ai dám xuất bản?
Hồ Anh Thái: Ở Trung Quốc hình như người ta cũng không thích Mạc Ngôn lắm đâu, chỉ ở một mức độ nào đó thôi. Trao giải thưởng của Hội Nhà văn, cũng phải đem đi chỗ khác trao chứ đâu có trao ở thủ đô Bắc Kinh. Giải thưởng to đấy, những 35.000 đô mà! Ông Trần Đình Hiến có thông tin này đấy.
Yên Ba: Quay lại vấn đề các nhà phê bình, họ luôn than phiền rằng: thực tiễn văn chương hiện nay không có cái gì để cho tôi làm cả! Từ góc độ một nhà văn, anh nhìn nhận cái lời than phiền đó như thế nào?
Hồ Anh Thái: Mình cho rằng họ nói cũng đúng. Bởi vì tỷ lệ tác phẩm hay trong một nền văn học rất ít. Nếu trong 100 cuốn tiểu thuyết mà thấy khoảng 3 cuốn đọc được và khá thành công, thì mình cho rằng đó là một tỷ lệ hợp lý và lành mạnh. Thế thì các nhà phê bình hãy tập trung mổ xẻ 3 cuốn đó, rồi báo chí đề cập, một kỳ không hết thì hai ba kỳ. Mở một cuộc hội thảo không xong thì năm bảy cuộc. Tức là cái nào đáng bàn, thì anh tập trung vào. Chỉ 3 phần trăm đó thôi, chứ anh không phải theo chủ nghĩa bình quân, rải đều ra cho 100 tác phẩm. Bệnh của báo chí và các nhà phê bình hiện nay là như thế. Thực ra là điểm sách cho đủ cả 100 tác phẩm, để lấp đầy trang báo. Tại sao ông không dùng số lượng chữ, số trang báo đó tập trung vào 3 tác phẩm thôi. Khi họ kêu ca như vậy là họ đúng, có lý đấy, vì ít cái hay quá. Các nền văn học khác cũng thế. In ra cả 100 cuốn, thì may ra mới có dăm ba cuốn hay.
Yên Ba: Khi ta tập trung vào một tác phẩm nào đó, thì thường đó là xuất phát từ yếu tố “có vấn đề”. Tức là lúc đó nó không còn mang tính chất văn học nữa, mà mang tính chính trị xã hội. Có nghĩa là nó luôn nằm trong một cái bùng nhùng về mặt cơ cấu.
Hồ Anh Thái: Bên sáng tác thì trách các nhà phê bình thiếu mỹ cảm, trình độ kém cỏi, học vấn thì có hạn… Mà đó cũng không oan! Đáng ra anh phải phát hiện được cái tốt, rung động được trước cái hay, thì anh không làm được, dù cái hay đó chỉ có vài ba phần trăm thôi. Ngược lại các nhà phê bình cũng bảo: các nhà văn kém cỏi, tay nghề thì yếu, tài năng cũng chỉ vừa phải mà thôi… Mình thấy cũng đúng! Nhưng có một điều thế này: Hình như tất cả chúng ta đều đi sai con đường khi tiếp cận văn học. Như mình đã nói với Yên Ba đấy. Ngoài cái phương pháp như mình nói ở trên, những nhà phê bình có tài, có tay nghề, có trí tuệ, thì sẽ tìm được những phương pháp khác. Theo mình, có nhiều nhà phê bình cũng lười, trì trệ không khác các nhà văn. Không chịu được sự cách tân, học vấn thì có hạn, tâm hồn nghèo nàn. Điều đó dẫn đến sự nhạy cảm nghệ sĩ của nhà phê bình rất có hạn. Tức là trình độ thẩm định tác phẩm của họ rất yếu. Lại còn thận trọng quá đến mức thiếu bản lĩnh, chê sợ sai, khen sợ hố. Thao tác quen thuộc là thiếu tự tin, phải trích dẫn những đấng bậc này nọ để mà dựa vào, như thể không có chỗ dựa đó thì ngã vậy. Còn một kiểu nữa, đó là thô sơ phát biểu cảm tưởng, hoặc bình giảng như cho học trò… Khi đó cách tiếp cận tác phẩm của họ sẽ ngập ngừng, hoặc ngược lại là rất hàm hồ, và việc sai trong phương pháp làm việc là tất yếu.
Thế nhưng khi ta bớt kêu ca lẫn nhau đi, ta tập trung vào cái tỷ lệ 3 phần trăm hay đó, ta cứ mài giũa ngòi bút phê bình của ta trong đó, nó sẽ huy động được nhiều nhất kiến thức và mỹ cảm đang ngủ yên trong mỗi nhà phê bình. Nó cũng thử thách nữa, nhà phê bình tầm cỡ nào khi xông vào thao tác thực địa là bộc lộ rõ ràng tầm cỡ của mình ngay. Khổ nỗi các nhà phê bình lại trải ngọn bút ra rất là rộng, trên 100 tác phẩm cơ, chứ không chỉ ở trong 2, 3 tác phẩm đáng phải tập trung làm việc. Khi đó ông chán là phải thôi, ông trở nên mòn cũ, ọp ẹp là phải thôi. Thế rồi ông hậm hực và lớn tiếng chê bai đám nhà văn. Và nhà văn chê bai lại ông trong cái vòng luẩn quẩn bất tận.
Tôi châm biếm vì tôi cảm thông!
Yên Ba: Bây giờ xin quay lại chuyện của bản thân anh. Trước một cái xấu, cái ác, cái u tối, dốt nát… thông thường nhà văn có hai cách tiếp cận. Thứ nhất là nhân cái tốt lên, làm cho cái sáng sủa lóe lên, lấn át những cái kia đi. Thứ hai là đi vào những cái xấu, mổ xẻ nó, châm biếm, chế giễu nó, hoặc có một thái độ rất quyết liệt đối với nó. Qua một số tác phẩm của anh, tôi nhận thấy có vẻ như anh chọn lựa cách tiếp cận thứ hai? Điều đó có đúng hay không? Vì sao lại như vậy?
Hồ Anh Thái: Nhà văn cũng như nghệ sĩ nói chung, rất nhạy cảm trước cái đẹp. Thế thì cũng rất logic và cũng rất biện chứng khi họ có ác cảm với cái xấu. Có người bảo là gần đây mình cực kỳ thất vọng về con người. Có một ông nhà văn Mỹ khi viết về mình đã nói: Hồ Anh Thái có vẻ như ít hy vọng về con người! Mình thấy họ nói thế cũng đúng. Hy vọng quá, đặt niềm tin vào con người quá và khi thấy con người chưa sống với nhau như lẽ ra họ phải sống, thì điều đó cứ triền miên tác động nhiều vào mình và rồi quay ra thất vọng đấy thôi! Khi anh yêu thích cái đẹp thì anh sẽ rất nhạy cảm với cái xấu. Ở một góc độ nào đó, đấy cũng là một sự tích cực. Nhạy cảm với cái xấu, anh sẽ tìm cách phát hiện ra nó, phơi lộ rộng rãi để cho các nhà chính trị xã hội tìm cách giải quyết. Trong tác phẩm của mình, nhà văn nêu bật, nhấn mạnh những điều xấu xa, chưa hoàn thiện, những nhược điểm… Còn việc giải quyết các vấn đề đó, nhà văn không làm được. Nó thuộc phận sự của các nhà chính trị xã hội. Mình cho là sai lầm khi đòi nhà văn phải kiến giải biện pháp giải quyết các vấn đề đó. Nhà văn chỉ có nhiệm vụ phát hiện, tái hiện vấn đề, gợi mở vấn đề đó ra mà thôi!
Yên Ba: Trong các tác phẩm của anh, sự châm biếm, giễu cợt là để phê phán  hay là sự cảm thông với những cái đó?
Hồ Anh Thái: Đó là sự thông cảm. Ví dụ tôi nói đến những thói xấu của người công chức, thậm chí không trừ chuyện gì ra. Đằng sau tiếng cười đó, người viết không thể cười được. Người viết làm cho người đọc cười thôi, còn hình như người viết luôn đau xót. Giễu cợt, chua chát, nhưng luôn đầy cảm thông. Cùng với sự cảm thông, là mong muốn có thể cải thiện được những cái xấu xa đó. Cải thiện thôi, chứ mình không tin vào sự cải hóa bản chất con người đâu!
Yên Ba: Một trong những tình trạng phổ biến của văn học nước ta là: khi một nhà văn có danh tiếng, có tác phẩm được thừa nhận rộng rãi, thì anh ta được cất nhắc lên một vị trí quản lý nào đó. Điều này dễ dẫn đến việc xã hội thừa ra một ông quản lý dở và thiếu một nhà văn có tài. Từ kinh nghiệm cá nhân mình, anh có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Hồ Anh Thái: Trước khi được bầu và đến khi ở cương vị Tổng Thư ký Hội Nhà văn Hà Nội, mình vẫn nghĩ công việc quản lý chưa chắc đã thêm được gì cho nhà văn, nhưng nó sẽ lấy đi của nhà văn rất nhiều thời gian hữu ích. Nó còn lấy đi cả tâm sức và hưng phấn nữa. Mặt khác, mình được bầu và mình không thể không nhận. Tất nhiên sẽ có nhiều người bảo: không thích thì từ chối đi. Không phải mình không thích! Tức là mình nhận và coi như việc quản lý này giống như một cuộc đi thực tế 5 năm. Nếu như người khác, khi vào việc rồi chắc cũng thấy nhiều khó chịu, bực tức. Nhưng mình thì học được ở cụ Tô Hoài cái lối sống thản nhiên. Ai làm gì: mặc kệ, người ta không hiểu: mặc kệ, người ta nặng lời với mình: mặc kệ! Làm sao tất cả mọi người có thể hiểu mình được. Mình có mở lòng mình ra hết với thiên hạ đâu mà đòi thiên hạ hiểu mình hết được. Mà nếu có mở hết lòng mình ra, phơi bày cho thiên hạ biết thì thiên hạ chưa chắc đã cảm thông! Mình rất thích cách sống của ông Tô Hoài. Bình thản, điềm tĩnh! Ông ấy thành Phật rồi!
Một điều nữa mình học theo ông Tô Hoài là thu xếp hợp lý giữa việc quản lý, công tác hội với việc viết văn của bản thân. Dù gì thì vẫn phải viết được. Bởi công việc lớn nhất của nhà văn là viết, mà không viết được nữa coi như anh không tồn tại. Thực tế nhiều lúc cũng bực mình lắm! Bởi nhiều chuyện khó nói, như không được kết nạp vào hội, người ta gọi điện tới phản ứng gay gắt, rồi trước khi xét kết nạp thì gọi điện tới để xin phiếu… Đại loại các việc như thế. Lúc ấy mình nghĩ tại sao có người lại luôn thiển cận, ham hố như thế? Tại sao họ chưa giác ngộ? Tại sao họ làm những điều không nên làm như vậy? Trước những chuyện đó mà mình cũng buồn bực, mất ăn, mất ngủ thì không tiếp tục làm gì được nữa. Nhưng nếu cứ băn khoăn mãi những chuyện đó, thì nó sẽ để lại những vết sẹo trong tinh thần, nó làm cho mình bị tổn thương, chai lì không thể sáng tác được. Mình đang cố gắng để học hỏi những người như cụ Tô Hoài. Những lúc nản chí, bực bội, mình lại tự nghĩ chưa thiền được như các cụ đó, thế là tâm trạng nặng nề được giải tỏa phần nào.
Yên Ba: Anh là một trong số ít tác giả Việt Nam được biết đến một cách khá đầy đủ ở nước ngoài? Vậy anh có đặt cho mình một sứ mệnh nào không?
Hồ Anh Thái: Mình luôn biết mình ở vị trí nào, ở đâu. Nếu được giới thiệu rộng rãi, thì vui vì có thêm người đọc sách mình. Không một nhà văn nào lại nói tôi không cần người đọc, nhưng cũng không thể điên cuồng, “say máu” tìm mọi cách để nổi tiếng, để ve vãn người đọc. Mình không cần in ngay, không cần được nổi tiếng theo kiểu đó. Mình sẵn sàng để bản thảo lại và hiện nay có dăm ba bản thảo chưa in. Khi tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, rõ ràng nó đem lại niềm vui. Niềm vui lớn nhất là mình thấy ở một ngôn ngữ khác, một nền văn hóa khác, cũng có người đọc tác phẩm của mình. Còn thực ra cái vang động không lớn hơn hay nhỏ hơn cái giá trị thực vốn có của tác phẩm đó. Mình biết như thế! Mình là loại người khá tỉnh táo, không bị hoang tưởng, ít bị hâm. Có lẽ chính vì vậy, trong nước, mình không quan tâm mấy tới dư luận, mặc dù đọc hết những lý luận, những bài phê bình. Nhưng dù đó là gì đi nữa, thì mình cũng không để cho nó thành sẹo trong tinh thần hay quá hoang tưởng. Tức là không phải vì người ta khen hay chê mà sinh ra thế này thế khác.
Yên Ba: Anh có nghĩ đời sống của mình là đời sống của một công chức không?
Hồ Anh Thái: Mình sống trong đời sống công chức, ở trong nó, đứng trong môi trường của nó. Nhưng mình cũng phải tự tách ra khỏi môi trường đó, để nhìn. Đặc điểm của trí thức Việt Nam là họ đồng thời cũng là công chức. Họ phải làm công ăn lương cho một cơ sở nào đó. Trong thời đại này, khi mà bản thân anh hành nghề với tư cách là một trí thức thì vẫn chưa đủ sống, nên anh vẫn phải làm công chức. Không chỉ trí thức Việt Nam, các nước khác cũng thế thôi. Ông viết văn, đồng thời ông phải làm giáo sư đại học, ông phải làm ký giả… đủ mọi thứ khác nữa.
Yên Ba: Liệu cái môi trường mang tính tù hãm đó có sinh ra những bi kịch cá nhân không?
Hồ Anh Thái: Kể cả không có môi trường như vậy, thì vẫn có những bi kịch cá nhân cơ mà. Nhưng bi kịch của trí thức đồng thời là công chức lại có những đặc điểm riêng…
Yên Ba: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
10/7/2023
Yên Ba
Nguồn: Chuyên đề Viết và Đọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gió Cửa Hà” - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muốn bộc bạ...