Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Khắc khoải tâm tình trong "Miền gió say" của Trần Nguyệt Ánh

Khắc khoải tâm tình trong "Miền
gió say" của Trần Nguyệt Ánh

Cầm tập thơ “Miền gió say” của nữ sĩ vùng Cao Nguyên đất đỏ lên đọc, ban đầu chúng tôi lại cứ tưởng chỉ là tập thơ tình đặc chủng, đến khi đọc xong thì hóa ra không phải. “Miền gió say” không chỉ là tiếng thơ của thế giới tình cảm riêng tư mang màu sắc nam nữ luyến ái mà tập thơ còn là những câu từ chăm chút về tình mẹ, về quê hương, là tiếng nói thế sự chắt lọc đan cài. Bởi thế, tuy là tập thơ mỏng nhưng lại khá dày dặn và đa dạng về ý nghĩa nội dung lẫn cách diễn ngôn. Có lẽ đây cũng là những điểm nhấn khá thú vị khi đọc tập thơ này.
Tuy thế, thơ tình vẫn là một gam màu chủ đạo cho toàn bộ tập thơ. Đấy là tiếng nói dịu dàng e ấp, giàu chất nữ tính và bộc bạch chân tình. Ba câu hỏi tu từ chia cho hai đoạn đầu trong (Tự hỏi) như là cái cớ để nhân vật trữ tình “em” giãi bày: “Một ngày kia thơ em làm quán trọ/ Anh có dừng chân nghỉ mỏi giữa đường?… Nếu ngày mai thơ em lạc cuối đường/ Anh có dẫn yêu thương về đúng chỗ?… Hương tình nồng ấp ủ có lên men?”. Cái khéo ở bài thơ đã được tác giả dồn vào đoạn bốn – đoạn kết –  là “em” và thơ khó có thể tách rời. Anh yêu em thì anh cũng phải chịu thiệt thòi là anh yêu luôn thơ em chứ? Một sự “thử lòng” rất dễ thương có vẻ lấp lửng nước đôi đặt ra cho nhân vật “anh”, dẫu chỉ là sự “thử lòng” trong thơ, cũng khó lòng mà lắc đầu từ chối.
Tập thơ “Miền gió say” của Trần Nguyệt Ánh
Có lúc thấy thơ Trần Nguyệt Ánh lóe lên những câu thơ táo bạo nồng nàn mạnh mẽ: “Đại ngàn vang tiếng cồng chiêng/ Vịn cong đỉnh Chư Yang Sin gọi mời” (Bên dòng sông mẹ). Có lúc lại là tiếng thủ thỉ nghe mơ hồ như tiếng lá bay qua bởi cảm thức nữ tính vụt dậy mà sợ sự tàn phai nhan sắc theo thời gian xô lệch chân chim nơi khóe mắt “Nỗi nhớ dậy thì theo xuân tràn qua phố/ Sợ mắt môi mình nở rộ chân chim” (Mật ngôn nào cho em) để rồi vịn cái cớ đó mà ý thơ cũng hồi hộp lao theo những sự phập phồng “đáng lo sợ” hơn “Em sợ xuân tàn khi vừa chớm tháng ba/ Sợ mật ngôn không còn phù sa màu mỡ/ Sợ tình yêu anh đắp bồi lại lở/ Sợ lỡ mùa dang dở kiếp phù sinh”. Sự nhạy cảm mơ hồ thì có lẽ vẫn luôn như thế, sợ này kia, âu cũng là tiếng nói thiết tha của tình yêu tha thiết. Tiếng thơ có lúc không tránh khỏi những day dứt “Hương cà phê nồng nàn thơm ngát/ Bước chân người xa mãi một mùa hoa” (Lỡ hẹn một mùa hoa). Thực tại hiện hữu với kí ức ngày xưa sao khác xa nhau quá thì làm sao mà chẳng lo? Nhưng lo lắng chỉ là lo lắng, cũng may nhân vật trữ tình còn cái giật mình để mà tự vỗ về “Tháng ba cận kề nhởn nhơ đầu ngõ/ Thoáng giật mình khi bỏ lỡ mùa hoa”.
Tập thơ chêm xen những bài giàu chất chiêm nghiệm và triết lí cuộc sống ẩn trong một giọng thơ chậm, suy tư sâu lắng “Nhặt bóng mình trên vách thời gian/ Đã in hằn xác xơ năm tháng…/ Ai dám viết ra bản thảo đời mình…/ Những vấp ngã kia không có sự bắt đầu/ Thì lấy đâu chân lí và bảo toàn định luật/ Tình yêu trong tim chẳng thể nào bất biến/ Nghịch với người này nhưng thuận với người kia…/”. Bài thơ kết thúc rồi mà những câu thơ như vẫn còn đây đó mang bóng dáng tiếng thở dài và dáng điệu sự chép miệng của được mất bâng quơ “Vách thời gian ghi kết quả cuộc đời/ Em – một vòng quay tạm thời vào ô mất lượt/ Thắng hay thua nào ai biết trước/ Chơi ván cờ tình có biết nước nào đi?” (Ván cờ tình). Triết lí nguồn cội và tâm tình cuộc sống đan xen vang lên trong một điệu thơ tự sự (Nước và đá) nghe trìu trĩu những tâm tư: “Nước bảo: Đá ơi! Một mai tôi chết đi, anh sẽ không còn buồn nữa!/ Đá trả lời: Tại sao?/ Không có nước, anh sẽ trở thành non cao/ Sẽ hứng trọn ánh nắng của mặt trời khi thức giấc!/ Không, anh ơi! Đá trả lời/ Không có anh tôi bị vùi trong đất/ Vùi mình trong rêu mốc/ Và chịu sự giẫm đạp của loài người!/ Trừng phạt bởi sự bỏng rát của mặt trời chiếu rọi!/ Nước thầm thì: Nhưng tôi sẽ về nguồn cội/ Còn anh mãi nơi này buồn tủi không?/ Chúng ta gặp nhau duy nhất một lần trong hành trình cập bến/ Tôi sẽ hóa thân thành viên sỏi/ Lăn theo dòng anh chảy đến cội nguồn”.
Lắm lúc vút lên những câu thơ chân thành độ lượng đẫm đầy sự sẻ chia trong một giọng điệu tự tin từng trải “Trái tim em sẽ không một lần rách/ Vì em có thứ người ta cần để gửi gắm tin yêu!” (Viết cho người đến sau). Nhưng cũng có lúc, câu thơ lọt vào sự chới với đến hẫng hụt “Suốt một đời em ấp ủ mê say/ Để một ngày anh uống nhầm đôi mắt khác” (Không đủ bản lĩnh).
Giọng thơ ấy đôi lúc lại ngân lên giai điệu tiếng thơ chia sẻ đến tận cùng của sự trân trọng đối với những nghịch cảnh ngang trái. Hoàn cảnh ấy đã đâm lao “Chị vá víu đời mình vào những cơn say/ Để quên hết những lỗi lầm ngày cũ” thì phải theo lao “Vẫn biết rằng chị là của người ta/ Của những người đàn ông dừng chân quán trà chớp nhoáng/ Của những ma men trong cơn say chập choạng/ Của những gã trai thèm phở chán cơm nhà”. Song, ở đó vẫn thấy lấp lánh tình thương yêu đùm bọc cao quý “Nuôi đàn con thơ của những kiếp đời lầm lỡ/ Nhen nhóm yêu thương từ kiếp bẽ bàng”. Đó là những đốm sáng từ tâm thiện lành vô cùng trân quý. Giọng thơ da diết và đau đáu vì con người cùng khổ mà nâng niu.
Lẽ dĩ nhiên, thơ của nữ sỹ vùng Cao Nguyên đất đỏ thì phải có thơ viết về vùng đất ấy, dù nhiều dù ít. Ở đây, chúng tôi cũng đã thấy một Tây Nguyên trong sáng êm đềm tỏa ra từ một tiếng thơ dịu ngọt đẫm chất phồn thực “Trăng non nhú đầu chóp núi/ Ngực trăng nõn mởn dậy thì/ Nhà Rông bếp hồng than củi/ Chị dệt thổ cẩm đêm khuya…/ Dệt quê hương vào gấm lụa/ Nếp nhà sàn mãi bình yên” (Dệt quê hương). Rồi, dù muốn dù không, thì cái thực trạng rừng núi đang bị bàn tay con người tàn phá tan hoang kia không thể không len vài bước chân hoang lạnh vào thơ Trần Nguyệt Ánh, nó là một điều day dứt trong thơ chị “Bóng đen đè trên ngực núi/ Đè trên đồi cao/ Đè từng dòng sông con suối”. Tiếng thơ ngộp thở, tiếng thơ vùng vẫy “tự vượt thoát chính mình/ Trong giấc mơ tôi vùng vẫy”. Bởi “máu rừng loang lổ…/ Tiếng cưa tiếng chặt khoét đục đại ngàn…”. Bởi “một tiếng nổ kinh hoàng/ Chú nai con lạc mẹ”…(Khi bóng tối bủa vậy). Nên “Chim bay mãi không về bản/ Một đời róc rách điêu linh…/ Kơ tia rủ nhau đi trốn/ Rừng kêu thảm thiết: Than ôi!” (Lời tự tình của suối). Không ngẫu nhiên mà lời tự tình của suối mang âm hưởng đau xót thê lương như thế nếu rừng đại ngàn không bị tàn phá tan hoang! Rừng khóc hay người cũng đang khóc than cho rừng, cho mình, lời thơ nghèn nghẹn “Suối tóc chiều nay mưa bay/ Hay lòng em đang đau nhói?/ Mây mù về giăng ngập lối/ Tự tình những nỗi đa đoan” (Lời tự tình của suối).
Trần Nguyệt Ánh
Có những câu thơ rất lạ trong một tứ thơ cũng rất lạ, đọc lên thấy xao xuyến một điều chi đó cũng rất lạ, để rồi ngậm ngùi ừ à trong một cái sự thể oái oăm “Tự khắc chân dung mình/ Bằng những đường chạm trổ/ Những hộp màu loang lổ/ Hòa mực vẽ không thành/ Tự vẽ chân dung mình trên tờ giấy trắng tinh/ Mắt môi này lại ra hình hài khác!/ Viết những câu thơ màu tro bạc/ Hát dỗ mình lại tạc đúng chân dung!”. Chúng tôi đồ rằng, những dấu chấm than kia có thể sẽ làm cho chúng ta giật mình. Một sự giật mình nhìn ngẫm bởi cái lòng vòng oái oăm của cuộc đời kia đâu chỉ là của riêng nữ sỹ, nó tràn ra trang giấy, nó nhẩy loi choi và như đang chọc ngoáy tất thảy chúng ta đó thôi!
Chúng tôi lại thấy cái không khí dậy mùi Tây Nguyên “Tháng ba mùa con ong đi hút mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước” (Nhạc Văn Thắng) cứ như đang tiếp tục lửng lơ lãng mạn treo theo câu hát kia trong thơ Trần Nguyệt Ánh. Ở đó, có sự dập dình hòa nhịp của tình yêu và lòng thủy chung dịu mát: “Tháng ba Tây Nguyên gọi về miền nhớ/ Đợi anh về thắp lửa một mùa hoa” (Tháng ba Tây Nguyên).
Ngoài ra, tập thơ còn là sự cảm nhận về mẹ rất ngọt ngào và xúc động. Mẹ luôn luôn quên mình, hy sinh mình để dồn tất cả cho con, vì con, được đặt trong những câu thơ giản dị nhưng giàu thi ảnh “Mẹ bán rét ngọt chiều đông/ Để mua nắng ấm cho hồng giấc con/ Ngoài đồng giá buốt mưa trơn/ Bàn chân mẹ bấm nhẵn mòn bờ đê”. Xuân về làm lòng mẹ ngổn ngang hơn vì bao lo toan phải chăm chút, phải tính toán. Mẹ ta vẫn đấy thôi, bình thường mà lồng lộng cao sang “Tết về lòng mẹ ngổn ngang/ Liệu cơm gắp mắm cho bằng người ta” (Mùa xuân của mẹ).
Nữ sỹ Xuân Quỳnh từng viết: “Mẹ đâu chỉ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”. Người mẹ chồng trong thơ Trần Nguyệt Ánh là một người mẹ không chỉ giàu lòng yêu thương mà còn là một người mẹ giàu lòng trung thực và công tâm “Người cho niềm tin và yêu thương đến vậy/ Sẵn sàng bênh em khi anh nhỡ lời”, bởi thế cho nên “hình bóng mẹ cứ êm đềm cổ tích” mãi trong lòng nữ sỹ (và có thể cả trong lòng chúng ta nữa) chăng? (Tình mẹ cổ tích).
Tác giả đôi lúc còn như dùng cách tự cảm mà cố tình tách mình dịch về phía khách quan để được nhìn ra bản ngã “Sáng nay nhìn qua ô cửa thiên thần/ Bất chợt nhận ra mình, người đàn bà đã cũ/ Quay vào lật từng bài thơ tình dang dở/ Chẳng biết mình viết cho ai? (Ô cửa thiên thần). Đôi khi cách nhìn là lạ có phần nghễnh ngãng ấy lại đem đến nhiều điều thú vị cho thơ ca. Viết cho mình hay viết cho người, ranh giới ấy có khi khó tách bạch nhưng chung quy thì cũng vì con người mà dụng tâm, dụng chữ, âu cũng là điều đáng trân trọng trong hành trình khám phá bản thể.
Câu thơ khắc họa sự khắc khoải thủy chung đến thảng thốt, đọc lên cắt cứa mà tràn ngập nâng niu “Em chờ anh, nhìn trời đếm hết những vì sao/ Từ lúc bình minh lên đến khi hoàng hôn khép mắt/ Chờ từ mùa trăng đầy rồi đến mùa trăng khuyết/ Sao anh mãi không về?”. Chờ đợi là thế, mong ngóng là thế nhưng vẫn cứ thỏ thẻ nhẫn nhịn đến vô cùng “Khô cháy mình, em như lá vàng rơi bậc cửa/ Đón bước anh về, xin đừng giẫm vỡ tim em!” (Đợi). Điều ấy đáng thương hay đáng trọng? Có thể cả hai, bởi sự hòa trộn cảm thức ấy sẽ làm trỗi dậy một niềm thương cảm đến nao lòng! Cho nên, ở nhân vật trữ tình “em” trong thơ Trần Nguyệt Ánh luôn luôn tích trữ một nguồn năng lượng tin yêu mãnh liệt, một sức chờ đáng nể “Em không gục ngã, giữa dòng đời vạn biến/ Nên em vẫn tìm dù biết không anh” (Ảo ảnh). Sức chờ ấy nếu không từ nguồn yêu thương tạo ra thì từ đâu? Yêu thương quá! Trân trọng quá!
Có thể nói thơ Trần Nguyệt Ánh trong “Miền gió say” rất giàu thi ảnh “Những hạt đời em cô thành nước mắt/ Lăn vào anh để tự vỡ chính mình” (Tự vỡ), “Dệt quê hương vào gấm lụa” (Dệt quê hương), “Mẹ bán rét ngọt chiều đông/ Để mua nắng ấm cho hồng giấc con” (Mùa xuân của mẹ), và mang sức nặng cả về tình, về lí. Có lẽ thế nên tác giả ít chú trọng đến sự nhào lộn và bay bướm của câu chữ. Câu chữ của chị rất thật, thật đến độ rưng rưng. Cái tình cái lí hòa với cảm xúc tương đối chân thật ấy lắm khi lại tạo ra được sự thăng hoa ngôn ngữ đến không ngờ, nên thơ chị có sức cuốn hút của sự êm đềm nhẹ nhàng và đẫm đầy chất nữ tính. Tác giả rút tâm cảm thi ca bằng kiểu nhào nặn con chữ với cuộc đời, do vậy thơ Trần Nguyệt Ánh thường có những câu, những đoạn ám ảnh về cuộc người. Tiếng nói tâm tình ấy cứ dần phơi lộ ra, bao nhiêu cái được lẫn cái chưa được, nhiều mặt ngược chiều mâu thuẫn hầu như đều nằm chung giường chữ nghĩa của chị, câu chữ ấy có lúc đạt đến độ ám tượng thì kể cũng là một sự thành công nơi con chữ, cái lạ ấy lại chẳng đáng cho chúng ta trân trọng sao?.
Sài Gòn, 6/2/2022
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...