Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

La Mai Thi Gia - Tự mình đẩy mình lên mênh mông

La Mai Thi Gia - Tự mình
đẩy mình lên mênh mông

Đọc “Thơ trắng”, người đọc khó tìm thấy dấu vết kỹ thuật của một người làm thơ có nghề. Đó là ưu điểm. Hay nói một cách khác: Phần bản năng trong thơ  La Mai Thi Gia còn rất mạnh. Điều này cũng không quá lo lắng, vì trong làng thơ Việt Nam, Thanh Tùng – người vừa qua đời cách nay không lâu – cũng là nhà thơ của bản năng và thành công nhờ bản năng thi sỹ…
Nhà thơ La Mai Thi Gia
Không biết từ bao giờ, tôi rất quan tâm đến thơ và đọc thơ một cách đều đặn, không biết mệt mỏi. Tôi hầu như không bỏ qua một bài thơ nào một khi nó được được đăng trên báo, được đưa lên mạng. Tôi đọc cả những người quen biết và đọc cả những người không quen biết, đọc cả những người cũ và những người mới. Tôi coi đây là thói quen cố hữu và thường hằng của mình. Với tôi, nếu được một ai đó tặng một tập thơ mới xuất bản, cũng là hạnh ngộ. Tôi thường đọc ngay và cố gắng đọc kỹ lưỡng, cẩn thận, cố gắng không bao giờ để đánh mất niềm vui trong vai người thưởng thức, hưởng thụ thơ. Và thật may mắn cho tôi nếu như tôi tìm ra được trong các tập thơ ấy những bài thơ, những câu thơ gây được ấn tượng.
Từ khi qua tuổi 60, trở về làm biên tập viên thơ ở Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, tôi càng có điều kiện tập trung cho cái thói quen cố hữu và thường hằng ấy.
Tháng trước, tại Hà Nội, nhà thơ trẻ La Mai Thi Gia trực tiếp tặng tôi tập thơ mới xuất bản của chị có tên gọi “Thơ trắng”. Và tôi đã đọc…
Trước hết, tôi xin được làm một phép thống kê thuần túy. Từ trang 13 đến trang 117, tôi đã phải dừng lại nhiều lần để đánh dấu vào các câu thơ sau:
Viết cả đời không hết một chữ yêu
(“Mai sau và sau nữa”)
Em là dòng sông
Qua bao bờ bãi
Cạn rồi
vẫn sông
(“Nhan sắc còn say”)
Tự xa lắc xa lơ nào hoa cỏ cũng đòi xanh
(“Hoa cỏ cũng đòi xanh”)
Người đi để lại em và mộng
Cứ ngỡ tình vừa mới sớm mai
Hay:
Người đi phía ấy đường mây gió
Rộng rãi lòng xanh với cỏ cây
Xòe tay em đến từng đốt gió
Bỗng thấy đời trôi theo lá bay
(“Đã biết rằng mai tan tác mộng”)
Lại nhớ anh đến giận cả hoa vàng
(“Đừng đợi ngâu về”)
Này tình, tình có nhớ em?
Sao nghe phía gió dậy lên bão bùng
(“Tàn đêm thương nhớ bời bời”)
Và ta, ta tan tác muôn phần
Chỉ khi có nhau mới thành mảnh ghép
 Nên thiếu mảnh nào cũng nghe chênh chao
(“Và ta, ta tan tác muôn phần”)
Nhổ tóc bạc cho người mình thương
Nghe tim rưng rức
Hình như mình chiều
(“Lẽ thường”)
Em học sao khuya giữa trời đêm trong vắt
Tự mình đẩy mình lên mênh mông
(“Ta nhuộm vào nhau cơn đau”)
Thắt dây lưng cho giòn
Em gánh đời ra chợ
Tình này cho anh nợ
Tình sau em sẽ chờ
(“Nhuộm cho mình tím ngắt”)
Những người đàn bà làm thơ chẳng dành để ngày sau
Cứ sống và yêu thôi
Tiêu đời mình vào trong mỗi khắc
Lời lãi mang về là nhiều đêm chết lặng
Buồn đau cũng chẳng phải riêng mình
(“Những người đàn bà làm thơ”)…
Tập “Thơ trắng” của La Mai Thi Gia
Có thể nói, “Thơ trắng” là một tập thơ về tình yêu cùng những gì liên quan đến tình yêu của một người đàn bà luôn coi tình yêu là một phần cơ bản, một phần hành xử không thể thiếu, mà ở đó, sự trải lòng luôn được nhắm tới. Cảm giác thơ được dẫn dắt bởi cảm xúc, chịu sự chỉ huy của cảm xúc là rất rõ. Thơ ấy cũng là thơ của một người không bi lụy, ít than van và có vai trò cứu rỗi, nâng vực tình yêu.
Trong những câu thơ trên, rất đáng đánh dấu khuyên vào những câu:
Em là dòng sông/ Qua bao bờ bãi/ Cạn rồi/ vẫn sông;
Tự xa lắc xa lơ nào hoa cỏ cũng đòi xanh;
Em học sao khuya giữa trời đêm trong vắt/ Tự mình đẩy mình lên mênh mông…
Tôi thích câu Hoàng hôn đổ bệnh thật rồi như một chi tiết thơ đáng nhớ trong bốn câu mở của “Đáng đời mày trăng ơi”:
Không hẹn rồi chờ
Ly café với em khuấy hoài vào nhau mà không tan vị đắng
Cơn mưa nào nghênh ngang rơi giữa trời trưa đầy nắng
Hoàng hôn đổ bệnh thật rồi.
Tương tự là Hình như mình đã chiều trong ba câu mở của “Lẽ thường”:
Nhổ tóc bạc cho người mình thương
Nghe tim rưng rức
Hình như mình chiều.
Chất “nói vậy mà không phải vậy” trong tình yêu, nhất là ở phía đàn bà (hoặc con gái) bộc lộ rất rõ trong những câu ngỡ như rất bình thường mà lại không bình thường chút nào: Nói chung là em hết nhớ/ Nói chung là em hết buồn…/ Nói chung là không yêu nữa…/ Nói chung là không thèm nữa…
Có lúc, sự lỡ cỡ (hoặc lỡ nhịp) trong tình yêu cũng được diễn đạt một cách giản dị và đáng nhớ được hé lộ trong “Nhuộm cho mình tím ngắt”:
Thắt dây lưng cho giòn
Em gánh đời ra chợ
Tình này cho anh nợ
Tình sau em sẽ chờ
Có lúc, chất kiêu hãnh tự thân hay sự hướng tới chất kiêu hãnh tự thân như một phẩm chất cần có và không của riêng đàn bà được hé lộ trong “Ta nhuộm vào nhau những cơn đau”:
Em học sao khuya giữa trời đêm trong vắt
Tự mình đẩy mình lên mênh mông
Đọc “Thơ trắng”, người đọc khó tìm thấy dấu vết kỹ thuật của một người làm thơ có nghề. Đó là ưu điểm. Hay nói một cách khác: Phần bản năng trong thơ La Mai Thi Gia còn rất mạnh. Điều này cũng không quá lo lắng, vì trong làng thơ Việt Nam, Thanh Tùng – người vừa qua đời cách nay không lâu – cũng là nhà thơ của bản năng và thành công nhờ bản năng thi sỹ đấy thôi.
Và như thế, cũng có nghĩa: Thơ La Mai Gia Thi còn để ngỏ lối rẽ và lối về trong những bài thơ mà chị sẽ viết và sẽ xuất bản trong tương lai gần, đương nhiên là sau “Thơ trắng”. 
27/10/2019
Đặng Huy Giang
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về nhà văn Khái Hưng

Về nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...