Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Mưa đỏ - Bản giao hưởng nhân văn

Mưa đỏ - Bản giao hưởng nhân văn

“Mưa đỏ” đậm chất sử thi, là một bản giao hưởng bi tráng, ở đó, Chu Lai không chỉ phản ánh tinh thần, sức mạnh chiến đấu mà còn thẳng thắn chỉ ra những tổn thất, hi sinh rất lớn và có cái nhìn công bằng hơn khi nói về những người bên kia chiến tuyến…
Từ những tiểu thuyết “Nắng đồng bằng, “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố”, “Ba lần và một lần”, “Cuộc đời dài lắm”… và gần đây nhất là cuốn “Mưa đỏ” (NXB Quân đội nhân dân, tái bản lần thứ 2, 2016) của nhà văn Chu Lai cho chúng ta thấy tâm huyết, độ sung sức của một cây bút đã ngoài 70.
“Mưa đỏ” đậm chất sử thi, là một bản giao hưởng bi tráng, ở đó, Chu Lai không chỉ phản ánh tinh thần, sức mạnh chiến đấu mà còn thẳng thắn chỉ ra những tổn thất, hi sinh rất lớn và có cái nhìn công bằng hơn khi nói về những người bên kia chiến tuyến…
Tiểu thuyết Việt Nam từ 1945-1975 thường dựng lên những không gian rộng lớn, khai thác các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với âm hưởng sử thi hào sảng, cái hùng lấn át cái bi, quan tâm đến số phận đất nước hơn số phận con người, vì thế, đặc điểm tiểu thuyết giai đoạn này được quy chiếu trong mô hình: kết cấu lịch sử – sự kiện, nguyên tắc đối lập, phân tuyến, cảm hứng sử thi, ngợi ca những anh hùng lý tưởng cách mạng.
Những tác phẩm như “Nắng đồng bằng”, “Út Teng”, “Đêm tháng hai”, “Gió không thổi từ biển”,… của Chu Lai vẫn chịu sự ảnh hưởng của thi pháp tiểu thuyết sử thi dù đã có hơi hướm của thi pháp tiểu thuyết phi sử thi. Phải đến sau 1986, sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật tiểu thuyết ở Chu Lai mới rõ rệt, có sự cơi nới về biên độ hiện thực, quan tâm đến đời sống đương đại, thân phận con người, nhìn nhận chiến tranh đúng như bản chất của nó, chú ý nhiều hơn đến thương đau, tổn thất với sự quyện hòa của cảm hứng bi kịch, cảm hứng thế sự, cảm hứng nhân bản.
Nhờ vậy, thân phận người lính trở thành yếu tố trung tâm và bản chất chiến tranh trở nên sống động, gần gụi. Điều này có thể thấy qua sự xuất hiện của hàng loạt các tiểu thuyết sau này của Chu Lai: “Sông xa”, “Bãi bờ hoang lạnh”, “Vòng tròn bội bạc”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố”, “Ba lần và một lần”, “Cuộc đời dài lắm”, “Khúc bi tráng cuối cùng”, “Người im lặng”…
Tuy nhiên, sự phân chia hai mô hình trong sáng tác của Chu Lai chỉ mang tính chất khái quát, tương đối. Ở “Mưa đỏ”, chúng ta thấy có sự đan kết giữa hai mô hình trên khi lấy lịch sử – sự kiện của 81 ngày đêm làm nền tảng hồi ức lại những số phận người lính trước tháng ngày bom đạn giày xéo, quần đảo tại Thành cổ. Trên nền lịch sử – sự kiện của 81 ngày đêm khói lửa, chết chóc, mất mát, đau thương, “Mưa đỏ” có sự tham gia của cả hai bên chiến tuyến: ta và đối phương.
Đại diện bên này là Cường. Đại diện bên kia là Quang. Song song với cuộc chiến đấu trên mặt trận máu lửa là người mẹ của Cường, chiến đấu trên mặt trận ngoại giao, một cuộc đàm phán ở Paris cũng hết sức cam go, gay cấn, căng thẳng, có ý nghĩa góp phần thúc đẩy nhanh việc kết thúc nổ súng ở Thành cổ. Cái phông lịch sử ấy hun đúc nên bản giao hưởng “Mưa đỏ”: sự hôn phối giữa những tiết tấu lúc trầm lúc bổng, lúc khoan thai lúc réo rắt “dồn dập, xoáy buốt, nóng rãy” (tr.10), như thể “có lửa cháy phần phật bên trong” (tr.10) đã khẳng định tính đa chiều, đối nghịch của hiện thực: “Đó là những giai điệu về chiến tranh, về khát vọng yên hàn, về sự mất mát và lòng kiêu hãnh, về tình yêu và chia ly, về cái lãng mạn và điều trần trụi, về cái nhất thời và cái vĩnh cửu của cuộc đời… về tất cả” (tr.8).
Lên dây cho khuông đàn máu của “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai không quá vội vã, ôm đồm. Ông biết tiết chế giai điệu, vừa đủ, không quá ngắn, không quá thừa thãi, ngày càng mạnh mẽ và tăng dần theo tính chất ác liệt của cuộc chiến. Nơi “mặt sông tám mươi mốt ngày đêm chưa hề có một khoảnh khắc trở lại màu xanh” (tr.338) nhưng dội vào lòng người những nhịp cảm riêng.
Khi bom đạn tước đoạt, lấn chiếm và bao trùm không gian, mọi kinh nghiệm yếu tố huyền thoại hay ảo giác của những giấc mơ trước đây (mà chúng ta từng bắt gặp trong “Ăn mày dĩ vãng”) của Chu Lai bị xóa bỏ, thay vào đó là tầng vỉa hiện thực tỉ mỉ để đo bề dày khốc liệt của chiến tranh. Tiểu thuyết “Mưa đỏ” là bản nhạc trung thực khi phản ánh trực tiếp bộ mặt của chiến tranh. Những âm thanh, hình ảnh về sự chia cắt, tan vỡ, cái chết,… được soi chiếu cận cảnh, rõ nét.
Máu trên bờ và máu trên sông lênh láng, tác động mạnh đến các giác quan của người đọc, cho thấy những tổn thất xương máu của cả hai bên chiến tuyến trong chiến dịch 81 ngày đêm khói lửa là quá khủng khiếp, ác nghiệt. Bởi thế, khi Chu Lai thốt lên:”Có lẽ ba tiếng Dòng sông máu mới nói lên đầy đủ được cái hình hài quặn đau kinh hoàng của nó” (tr. 185) thì chiến tranh tự thân đã mổ xẻ gương mặt bất thường, đầy nghịch lý của nó.
Nhà văn Chu Lai với tiểu thuyết “Mưa đỏ”
Sự phối hợp nhật ký – tiểu thuyết không lạ trong văn xuôi đương đại. Nhưng ở đây, Chu Lai đã giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét, toàn diện khi tựa vào hai điểm nhìn: điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật chính – Cường, để luận bàn về chiến tranh. Nếu điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba đánh giá một cách khách quan cuộc chiến thì điểm nhìn nhân vật (Cường giãi bày qua các trang nhật ký), vừa kể lại vừa lập luận, đánh giá hiện thực chiến tranh, thông qua đó, nhà văn bộc lộ quan điểm cũng như những định nghĩa về tình yêu, về chiến tranh, về số phận người lính.
Nhờ điểm nhìn của Cường (qua những trang nhật ký), nhà văn có điều kiện khúc xạ nỗi đau chiến tranh thêm lần nữa, gần hơn, sâu hơn, buốt hơn. Ngoài ra, Chu Lai còn khơi gợi và dẫn dắt chúng ta đi vào điểm nhìn tâm linh, sợi dây gắn kết giữa người mẹ và đứa con trai của mình. Rất nhiều lần nhà văn nhắc đến sợi dây thần giao cách cảm gắn bó thiêng liêng này.
Ám ảnh nhất là sự giao cảm cuối cùng của hai mẹ con. Khi Cường gọi hai tiếng “mẹ ơi” trước khi từ giã cõi đời, đến đây, Cường đã hoàn tất bản giao hưởng 81 ngày đêm, bản giao hưởng đời mình. Sự đồng vọng, khúc xạ trong tình mẹ con đã quyện nên giai điệu trầm bổng của bản giao hưởng: “Và ẩn trong gió dường như có một thanh âm mơ hồ nào đó như âm hưởng bản giao hưởng Cổ Thành nhè nhẹ nhen lên, chảy sâu vào tấm lòng người mẹ. Bản giao hưởng thao thiết và hào hùng. Bản giao hưởng máu” (tr.351). Trước Thành cổ đổ nát, tang thương, khúc giao hưởng của đứa con đã từ giã tuổi 22 thêm lần nữa sà vào lòng người mẹ, quẫy lên những đớn đau chưa thể nào nguôi: “Khúc giao hưởng ấy đang quẫy lộng làm dòng nước dưới kia biến dạng, chuyển sang màu đỏ ngầu, sôi sủi…” (tr. 354).
Việc Chu Lai cân đo đong đếm chiến tranh qua hai lần tái hiện (hiện thực cuộc chiến đang xảy ra và cuộc chiến được Cường kể lại với mẹ qua nhật ký), khai thác đời sống tâm linh qua những linh cảm trực giác đã tránh lối mòn quen thuộc của các tiểu thuyết trước đây, vừa bày ra một thế giới nội tâm đầy bí ẩn của con người vừa giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về nỗi đau, nỗi mất mát mà những người lính như Cường, như mẹ Cường phải đánh đổi.
Yếu tố lịch sử – sự kiện 81 ngày đêm rực lửa ở Thành cổ đi vào tác phẩm không còn cứng nhắc mà đã có sự linh hoạt, mềm mại hơn khi vận vào nó những tiếng nói, cảm xúc của nhân vật. Chu Lai để những người lính như Cường, Bình, Sen,… tự giãi bày tâm tư tình cảm của mình, tự nói lên những tính toán, so đo thiệt hơn, do đó, hình ảnh họ hiện lên chân thật, rất đời thường, dung dị, vừa có vẻ đẹp anh hùng của người lính vừa có vẻ đẹp lãng tử, nghệ sĩ. Kiểu nhân vật anh hùng – nghệ sỹ này khá quen thuộc trong sáng tác của Chu Lai mà chúng ta đã bắt gặp ở “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố”, “Cuộc đời dài lắm”,..
Vẻ đẹp vừa lý tưởng vừa đời thường, nghệ sỹ của các nhân vật, không đơn thuần bị ảnh hưởng bởi cái nhìn lãng mạn hóa đã tạo nên dấu ấn riêng trong thủ pháp xây dựng nhân vật của Chu Lai. Chiến tranh đẩy họ rơi vào những tình huống trớ trêu, nếm trải mọi gian khổ, vui buồn, sống chết bấp bênh, vì vậy, trong chiều sâu nội tâm, không thể không có những khoảnh khắc riêng tư, yếu lòng. Điều mà văn học giai đoạn trước xem cái riêng tư như là vấn đề nhạy cảm, ít đụng chạm đến.
Viết nhiều về chiến tranh, nhưng chưa bao giờ Chu Lai đánh mất sức hấp dẫn, lôi cuốn của nó, bởi sự chân thành, nghiêm túc, sáng tạo trong lao động nghệ thuật của mấy chục năm cầm bút. Trên cái nền vừa hài hòa vừa đối chọi, vừa lãng mạn vừa hiện thực của cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972, người đọc được lắng nghe âm hưởng chân thật, thống thiết của nỗi đau, để rồi từ đó hướng đến sự hàn gắn: “Khói nhang bay bảng lảng lên cao rồi nhòa tan vào cảnh vật xa dần như những linh hồn tử sĩ nhòa tan vào trời đất. Bay sang cả bức phù điêu tưởng niệm các liệt sĩ sinh viên nằm cạnh đó rồi dừng lại, quẩn quanh như không muốn bay tiếp đi đâu nữa” (tr.355). Do đó, có thể khẳng định, “Mưa đỏ” là điểm nhấn thành công của Chu Lai trong dòng văn học chiến tranh thời hậu chiến.
Đại Lải, 9/5/2017 
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...