Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Đọc "Giọt nắng tràn ly" - Nghĩ về tư duy sáng tạo và tiếp nhận thơ ca

Đọc "Giọt nắng tràn ly" - Nghĩ về tư duy
sáng tạo và tiếp nhận thơ ca

Trần Lê Khánh là một cái tên “lạ” trong giới văn học nghệ thuật ngoài miền Bắc bởi còn ít người biết và đọc thơ anh. Cho đến thời điểm nhà thơ “Hà Nội tiến” với buổi tọa đàm về “Xứ” – tập thơ sẽ xuất bản vào năm 2020, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội vào ngày 25.9.2019, thì thơ anh mới bắt đầu thực sự tạo ra sự chú ý ở độc giả yêu thích thơ ca và giới truyền thông tại “cái nôi” văn học-nghệ thuật của cả nước, dù trước đó anh đã cho ra mắt năm tập thơ: “Lục bát múa” (2016), “Dòng sông không vội” (2017), “Ngày như chiếc lá” (2018), “Lục bát múa trọn bộ” (2018), “Giọt nắng tràn ly” (2019). Cái tên Trần Lê Khánh trở nên bớt lạ nhưng tập thơ “Giọt nắng tràn ly” lại tạo ra một dư vị “lạ” đối với tác giả bài viết này. Edgar Allan Poe cho rằng: Viết văn giống như giải một bài toán trí tuệ [6]. Điều đó đúng đối với thơ Trần Lê Khánh và “Giọt nắng tràn ly”.
Tiến sĩ Ngô Bích Thu – Đại học Văn hóa Hà Nội
Thơ Trần Lê Khánh như hành trình đi tìm bản thể bằng một hình thức ngôn ngữ thơ ca đặc trưng. Các bài thơ trong tập thơ “Giọt nắng tràn ly” rất ngắn, mỗi bài chỉ bốn hoặc sáu câu, như những câu châm ngôn đúc kết chiêm nghiệm về cuộc sống hoặc trạng thái cảm xúc bất chợt của tác giả. Thay vì lối viết thông thường, tác giả dùng thơ (ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu…) để ghi lại suy nghĩ. Đây là cách để tác giả giải tỏa những ẩn ức bên trong, đi tìm bản thể của chính mình hơn là nhằm chia sẻ với người khác: “linh hồn là dòng lưu/ đứng im không chảy/ tôi về tắm hai lần/ tôi thành một dòng sông” (Tôi là ai). Hơn nữa, với một lối viết ngắn, kiệm lời đến mức tối giản, thơ Trần Lê Khánh thiên về “gợi” hơn là tả thực, giãi bày, bởi vậy cũng dễ hiểu khi có người cho rằng thơ Trần Lê Khánh như “đánh đố” độc giả. Sự “đánh đố” đó được tạo bởi tính chất đa nghĩa, “bất ổn” đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca, tính chất trừu tượng, “để ngỏ” của văn bản nghệ thuật, cũng như thế giới nội tâm thăng hoa đầy bí ẩn của tác giả. Làm thơ như một cách thức hữu hiệu đem lại sự cân bằng cho chính nhà thơ, như Trần Lê Khánh chia sẻ: “từ khi làm thơ tôi cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn”. Hiệu ứng của sự “đánh đố” đó là buộc độc giả phải tư duy, “động não” để hiểu văn bản bài thơ.
 Một cách vô thức, thơ Trần Lê Khánh viết theo nguyên lý “tảng băng trôi” của Hemingway. Phần nổi là câu chữ, từ ngữ, những ký hiệu ngôn ngữ, phần chìm là ý tưởng của tác giả. Ý tưởng ấy được tạo bởi một nền tảng kiến thức về xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, những trải nghiệm trong cuộc sống. “Phần chìm của tảng băng” tạo ra “độ sâu” cho thơ Trần Lê Khánh, khiến người đọc phải suy ngẫm, giải mã, một kiểu “trò chơi trí tuệ” (mind game). Độc giả đọc thơ Trần Lê Khánh phải suy ngẫm để nắm bắt ý nghĩa của từng hình ảnh trong một câu thơ, sự liên kết giữa các câu trong một bài, mối liên hệ giữa ý tưởng của cả bài thơ với nhan đề của bài. Chẳng hạn: Bài Cả đời người là mùa xuân: hỡi ngọn lửa/ đừng xài hoang phí bóng tối/ đừng dốc lòng/ đốt cạn đêm vơi; Bài Trâm: em búi mái tóc bên cửa sổ/ như búi tuổi thanh xuân của mình/ trời còn chưa xõa sáng/ chỉ cài hờ vệt nắng lang thang.
Đáng chú ý, nhiều bài thơ của Trần Lê Khánh có một “khoảng trống” giữa nội dung và nhan đề – một khoảng trống có chủ ý của tác giả. Tên nhiều bài thơ có sức “gợi”, bộc lộ lối tư duy khái quát và có tính đương đại: Là nguyên nhân không cần kết quả, Một ngày địa đàng bằng một năm hạ giới, Cả đời người là mùa xuân, Sa mạc trong hạt cát, Mái tóc dài hơn dòng sông, Tôi là ai, Đừng hỏi tại sao, Tình yêu là không sở hữu, Authentic autumn, Fool around… Hầu hết các bài thơ trong Giọt nắng tràn ly được cấu trúc thành hai phần tương phản: những câu chữ tối giản, đôi khi “đứt gẫy” ở phần nội dung bài thơ được cân bằng lại bởi những nhan đề có tính khái quát, đúc kết. Đây là một sự đầu tư có dụng ý của tác giả, với quan niệm: “một bài thơ thì tựa chiếm 50% quyết định cái hay hay dở của bài thơ”. Tôi cho đây là một sáng tạo, điểm nhấn “lạ” và rất ấn tượng của thơ Trần Lê Khánh. Trò chơi trí tuệ này quả thực thú vị bởi sẽ có nhiều cách giải khác nhau hoặc thậm chí không có lời giải. Đây chính là bản chất khái niệm “tác phẩm mở” của Umberto Eco, bởi văn bản nghệ thuật có đặc tính trong việc tạo ra sự hiểu không đồng nhất ở độc giả, có sự “đọc-hiểu”, “hiểu sai”, thậm chí “không hiểu gì”. Thơ Trần Lê Khánh vì vậy “kén” độc giả. Chính tác giả cũng ý thức rõ điều này “tôi không làm thơ để tìm độc giả, tôi làm thơ để tìm tri kỷ”: giữa tôi và ngày/ có một khoảng cách mênh mông/ chúng tôi là những kẻ xa lạ/ sống cô đơn giữa thế giới này (Tri kỷ). Những độc giả thích thú thơ Trần Lê Khánh chắc chắn không phải “người đọc đại trà” mà là những người đọc có sự tương đồng ít nhiều với nhà thơ, có sự  tích lũy kiến thức, cảm xúc, trải nghiệm trong cuộc sống. Jean Paul Satre đã đề cập hiện tượng này trong tác phẩm Văn học là gì?: “mọi văn bản văn học đều được chuẩn bị trong ý thức của một công chúng tiềm năng: cái ngôn ngữ mà tác giả sử dụng sẽ lôi cuốn một loại công chúng này mà không phải công chúng kia”.
Các tập thơ Trần Lê Khánh
Hiểu biết về tôn giáo, Phật học, Thiền học, khoa học tự nhiên, Trần Lê Khánh chuyển tải sự hiểu đó vào thơ, qua những hình ảnh ẩn dụ, có tính biểu tượng (ngọn lửa, cái bóng, dòng sông, con thuyền, trăng, đêm, nước, đá, núi…) hay cảm thức về bước đi của thời gian bốn mùa (xuân-hạ-thu-đông), ba chiều thời gian (quá khứ – hiện tại – tương lai), về vẻ đẹp của con người, tạo vật:
hoa phượng/ rực nở trên cành/ mùa xuân/ chẳng còn lành lặn. (Em lúc đẹp nhất của mùa hạ)
mùa đông/ đón gió đông về/cành cây khô/ mọc ra một nhánh cây khô… (Lãng mạn)
ngọn gió/ tập bay/ với một/ mùa hạ lung lay. (Thu)
em/ châm thêm đêm/ vào ngọn lửa/ đang cạn dầu. (Bừng sáng)
tảng đá nặng đến nỗi/ đè luôn vào quá khứ của ngày mai/ bầy rêu nằm
trên đó/ chưa sinh ra đã già. (Hoài niệm)
em trồng ngày/ lên bốn mùa/ chân lấm bùn/ gót hồng trắng phau. (Cánh đồng sen)
Để làm thơ, Trần Lê Khánh đặt mình trong những khoảnh khắc tĩnh lặng để nắm bắt được những biến chuyển dù nhỏ nhất ở thế giới xung quanh, quy luật của tự nhiên, bản chất của đời sống và con người, và hơn hết để đi tìm bản thể – cái tôi của chính mình: “với tôi, hành trình làm thơ là hành trình đi tìm sự yên lặng” [5] Cặp phạm trù “tĩnh” và “động”, trạng thái bên trong và biểu hiện bên ngoài, tính tối giản của ngôn từ, tính gợi của hình ảnh ẩn dụ và triết lý ẩn sâu bên dưới các ký hiệu ngôn từ của văn bản nghệ thuật, có lẽ là lý do thơ Trần Lê Khánh khiến độc giả liên tưởng tới dòng thơ thiền phương Đông và thơ thiền Việt Nam – một hiện tượng lạ trong dòng thơ ca đương đại. Tiêu biểu là các bài: Du mục, Thu, Tụng kinh, Thông, Hành trình hư vô, Quá khứ của cá, Quá khứ của nước, Lý dụng viên dung, Nhập thế… Bài Thông đã truyền tải tinh thần Phật giáo và vẻ đẹp thuần khiết của nhân vật “em”: “viên gạch sân chùa/ tu lâu nên có linh hồn/ em gót chân hồng/ đỏ thêm”.
Có thể nói “Giọt nắng tràn ly” và thơ Trần Lê Khánh đã khơi gợi nhiều suy ngẫm ở người đọc về bản chất của quá trình sáng tạo thơ ca, đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ, về mối liên hệ giữa văn bản thơ và sự tiếp nhận cắt nghĩa văn bản. Hơn bất cứ một lĩnh vực nào, nghệ thuật trong đó có thơ ca để có được sức sống riêng cần phải “lạ”. Sự “lạ” đó có thể hay hoặc dở, có thể được yêu thích hoặc không, có thể được hiểu và không được hiểu, nhưng nhất thiết không thể thiếu trong nghệ thuật. Sự “lạ” trong thơ ca có thể được tạo ra bởi một lối tư duy khác lối tư duy thông thường hay một cách diễn đạt được “làm mới” về câu chữ, hay ở việc tạo ra sự “giãn cách” đầy thú vị giữa nội dung bài thơ, tập thơ và nhan đề; tuy nhiên tất cả điều đó phải được biểu hiện trong một cách thức tự nhiên, xuất phát từ bên trong chứ không chỉ ở bề ngoài theo kiểu “làm xiếc ngôn từ”. Về phương diện này, thơ Trần Lê Khánh thực sự là “một ca rất lạ trong nền thơ Việt Nam hiện thời”. [Nhà phê bình văn học Văn Giá]
Không chỉ vậy, thơ Trần Lê Khánh còn khiến tôi suy nghĩ về mối quan hệ tương tác giữa tác giả và độc giả thông qua tác phẩm. Nhà thơ là người tạo ra tác phẩm và những sáng tạo tinh thần ấy lại có một đời sống độc lập với người tạo ra nó. Người đọc tiếp nhận, giải mã tác phẩm theo sự hiểu riêng của mình – điều khiến họ trở thành những “đồng tác giả” và sau đó có những phản hồi đối với tác giả. Trần Lê Khánh ý thức rất rõ về hiệu quả của sự tương tác này khi mong muốn sản phẩm của những khoảnh khắc suy tư yên lặng của riêng mình đến được với số đông bạn đọc, để nhận được những phản hồi dù tích cực hay tiêu cực, từ đó có những điều chỉnh nhất định hoặc kiên tâm với con đường thơ ca đã lựa chọn. Thơ ngắn của Trần Lê Khánh một mặt có tính súc tích, cô đọng, mặt khác có thể tạo cảm giác hụt hẫng do mạch cảm xúc ở một số bài chưa được phát triển trọn vẹn; vừa tạo ra “chiều sâu” đồng thời lại dễ rơi vào trạng thái “thơ hũ nút” khó hiểu bởi tính chất không ổn định, trừu tượng, khó nắm bắt của ngôn ngữ và ý tưởng. Ranh giới giữa hai đặc tính thật sự mỏng manh và tương đối.
Quả thực, thơ ca không đơn thuần chỉ là câu chuyện của cảm xúc mà còn là câu chuyện của lý trí. Quan niệm này đã có từ lâu, ít nhất từ thời Hy Lạp cổ đại. “Aristote đã đề cập đến vai trò của lý trí trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhằm đem lại cho tác phẩm một hiệu quả thẩm mỹ nhất định”[6].Với tư duy duy lý của một người từng làm trong lĩnh vực phân tích đầu tư tài chính, luôn bóc tách hiện tượng để tìm ra cốt lõi của vấn đề như Trần Lê Khánh, có lẽ tác giả sẽ vạch ra được một chiến lược dài hơi và phù hợp nhất cho những dự án thơ ca tiếp sau. Và đó là điều mà độc giả quan tâm thơ Trần Lê Khánh đón đợi.
Tài liệu tham khảo:
1. Aristote: Nghệ thuật thơ ca, trong Aristote-Lưu Hiệp: Nghệ thuật thơ ca và Văn tâm điêu long. Phan Ngọc dịch. Nxb. Văn học. H., 1998, tr. 58.
2. Trương Đăng Dung. Tác phẩm văn học như là quá trình. Khoa học Xã hội. H., 2004, tr. 157.
3. Lê Thiếu Nhơn. Thi sĩ Trần Lê Khánh: Một hôm đánh rơi thảnh thơi. An ninh Thế giới. 2019. http://antgct.cand.com.vn/.
4. Trần Lê Khánh. Giọt nắng tràn ly. Nxb. Hội Nhà văn. Tp. Hồ Chí Minh. 2019.
5. Tình Lê. Trần Lê Khánh làm thơ để tìm tri kỷ. 2019. http://vietbao.vn/.
6. Ngô Bích Thu. Phẩm tính lý trí trong truyện trinh thám và truyện kỳ ảo của Edgar Allan Poe-từ lý luận đến thực tiễn sáng tác. Tạp chí Nghiên cứu Lý luận Phê bình và Lịch sử Văn học. Viện Văn học-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. H., 2013, tr. 48. 
1/1/2021
Ngô Bích Thu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 4444444 SỰ HỘI TỤ CỦA HẠNH PHÚC CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI “Ngài biết không,” tôi nói, khi ngài đang nói về những lợi ích của niềm tin, một điểm q...