Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

Đôi đũa bếp và lời hăm dọa "Là con gái hư"

Đôi đũa bếp và lời
hăm dọa "Là con gái hư"!

Trưa nay như thường lệ tôi lấy chiếc đũa bếp xới nồi cơm chuẩn bị dọn lên ăn thì chợt nhớ lâu quá mình không bới cơm bằng đôi đũa bếp.
Một ý nghĩ ngộ nghĩnh trong đầu, tôi thò tay vào ống đũa lấy thêm chiếc đũa bếp còn lại và cầm đôi đũa bếp, điêu luyện bới một chén cơm để ra mâm. Nhìn chén cơm bới ra gọn lỏn tôi mỉm cười một mình thích thú. Cảm giác tuổi thơ như tìm lại một xíu rất vui.
Nếu bạn ở thị thành thì tôi quả không biết chứ như ở quê tôi thì hồi nhỏ tôi toàn thấy mọi người đều bới cơm bằng đũa bếp. Đôi đũa bếp ngoài dùng để xới nồi cơm lên cho cơm tơi ra dễ bới, dễ ăn còn là công cụ nạy cơm cháy dưới đáy nồi cực kỳ dễ.
Tác giả Phạm Thu Thao
Ngày xưa còn đất ruộng nhiều, ở cái xứ Chợ Lách, Tiền Giang nầy hầu như nhà nào cũng có đất vườn và đất ruộng, kể cả nhà phố, nên gạo ăn thì nhà nhà dùng đủ quanh năm. Trong nhà hết gạo chỉ việc lấy lúa trong bồ ở nhà đi chà là đem gạo về lủ phủ.
Gạo được chà bằng lúa ruộng nhà. Cơm được nấu bởi củi trong vườn nên nồi cơm bao giờ cũng có miếng cơm cháy dưới đáy nồi vàng vàng. Hôm nào than nhiều sẽ có cơm cháy thơm tho để nhai. Có đôi đũa bếp thì không có miếng cơm cháy nào có thể cứng đầu.
Đũa bếp thường làm bằng gốc tre già, qua bàn tay chuốt gọt khéo léo chiếc đũa bếp nhìn thanh mảnh rất ưa nhìn. Thường là mỗi nhà đều tự gọt giũa cho mình vài đôi đũa bếp giắt gần bếp củi để khi cơm sôi tiện lấy chiếc đũa bếp đảo nồi cơm xem hạt gạo đủ nở chín chưa mà canh chừng chắt nước cơm ra và cào lửa than cho đều để chờ cơm chín. Khi bắc nồi cơm xuống thì có ngay đũa bếp sát bên xới liền khỏi phải đi tìm nơi đâu.
Nhìn hình dáng chiếc đũa bếp người ta biết ngay gia chủ nhà này có khéo tay hay không. Trong nhà tôi bà nội là người làm công việc ấy. Nội tôi chuốt đũa rất  tài tình. Bàn tay nội chuốt đũa cũng tỉ mẩn khéo léo y như lúc nội cầm kim may đồ vậy.
Ba tôi chuốt đũa cũng đẹp nhưng ông ít khi làm trừ khi nào bà nội mượn do nội đau tay hoặc không khoẻ. Má tôi thì chưa hề đụng tới việc chuốt đũa ấy vì nội chuốt đũa vốn đã xài không hết rồi đâu tới lượt má tôi lo.
Phía sau nhà tôi có cả công đất trồng tre tàu, trở thành kho đũa bếp và đũa ăn qua bàn tay của bà nội. Nội tôi chuốt đũa bếp đã siêu rồi mà nội chuốt đũa ăn còn siêu hơn. Đũa ăn cơm ở nhà đều do nội chuốt bằng tre. Những chiếc đũa tre thon thon nho nhỏ đều ran và thích nhất là nó dài hơn đũa chợ, gắp miếng thức ăn nào là chắc cú miếng đó không hề bị trơn trợt như đũa nhựa ngày nay.
Tôi nhớ những lần nội chuốt đũa tre, làm say sưa không nghỉ trưa. Nội hết chuốt thì nội có cây bào nhỏ xíu. Bào cho tới  khi chiếc đũa tre láng coóng thì bà mới ưng ý. Nơi chỗ nội bào đũa những cọng tre bào mỏng manh cuốn xoăn như sợi tóc uốn quắn trắng tinh tôi thích gom những cọng bào ấy chơi  quanh quẩn bên nội.
Có một lần tôi thấy nội đẽo bào rất nhiều đũa bếp. Nội làm cả rổ đũa luôn. Tôi thường qua ở nhà nội nên tò mò vừa lấy đũa ra đếm chơi vừa hỏi nội:
– Nội ơi đũa nhà còn nhiều sao nội còn làm chi dữ vậy nội?
Nội tôi đang làm vội ngước lên nhìn tôi cười thật đẹp! Tôi phải nói thật đẹp là bởi vì tuy nội tôi đã già nhưng mỗi khi nội cười thì hai đồng tiền bên gò má bà hiện lên sâu hoáy! Nội tôi chậm rãi nói:
– Nội làm 5 cặp đũa bếp nầy khi mấy chị em đi lấy chồng thì nội cho mỗi đứa một đôi!
Tôi không nghĩ gì sâu xa mà lúc đó chỉ nghĩ đơn giản: Trời! Nội lo xa quá!
Tôi cũng cười xoà theo nội.
Câu chuyện dần quên theo thời gian. Khi nội tôi già yếu quá thì ba tôi rước nội về nhà ở chung.
Năm tháng trôi qua. Chị em tôi đều có chồng cũng không còn nấu cơm bằng nồi cơm củi như lúc còn bên nội. Bây giờ nấu cơm toàn bằng nồi cơm điện. Hôm nào cúp điện thì để nồi cơm lên bếp gas nấu cho nhanh. Bếp củi chỉ dùng nấu nước uống và khi đám tiệc phải dùng các nồi to. Còn như nơi chị Hai hay chị Ba tôi sống thì muôn đời không xài được bếp củi thì làm gì còn cơm cháy mà cần tới chiếc đũa bếp.
Không biết nội có nhắc đứa nào lấy đôi đũa bếp nội công kỹ làm để dành cho cháu không chứ tôi thì quên mất tiêu. Nhưng lúc nào bưng nồi cơm dọn ra bàn dù là nồi cơm nấu bằng bếp củi hay điện tôi đều xới cơm trước khi bới ra chén. Bởi mỗi lần bưng nồi cơm ra bàn ăn là nội tôi ngồi xới cơm và nói “con gái mà ăn cơm không biết xới lên là con gái hư!”
Đối với nội mà nói cái từ “con gái hư” nội xài nhiều lắm. Nội bảo, con gái mà chưa đi đã chạy chưa nói đã cười là con gái hư. Con gái mà đi mượn kim chỉ là con gái hư. Con gái mà đi lếch hết nhà này tới nhà nọ trong xóm chơi là con gái hư. Con gái đi chơi đêm là con gái hư… Cái vụ “là con gái hư” rất nhiều, nhớ không hết! Chỉ là khi lớn lên đụng vào hoàn cảnh thì tự nhớ lời nội mà dè dặt bản thân.
Khi tôi về làm dâu thì mỗi bữa cơm tôi cũng rất ít khi xới cũng tại nhà bên chồng ăn khác với bên nhà tôi. Nếu ở nhà tôi, nồi cơm được mở nắp ra xới đều rồi bới ăn tàn bữa mới đậy nắp thì nhà chồng ai bới cơm xong là đậy nắp nồi lại ngay để giữ cho cơm không bị nguội. Vì thế nên cũng ít ai xới cơm bằng đũa bếp. Và bới cơm dĩ nhiên là dùng muỗng vì tính chất nhựa nó rẻ khi múc cơm nó gọn và lẹ!
Các tiệm tạp hóa trong Chợ Lách đều có bán đũa bếp và đũa dùng bằng tre rất đẹp. Muốn xài bao nhiêu cứ việc mua. Chỉ khác là họ dùng tre non nên xài dễ bị gãy và đũa ăn cũng thế.
Không còn bà nội vót đũa cho, cũng không còn thấy phiền khi nội dạy dỗ kèm theo câu hăm doạ “là con gái hư” nữa, nhưng tôi thấm thía nhất câu nội luôn dặn mấy chị em khi lấy chồng: “Cơm sôi bớt lửa không đời nào khê”.
Nội thương chị em tôi muốn tặng mỗi đứa một đôi đũa bếp là có ý nhắc nhở điều ấy. Nội muốn khi cầm đũa bếp xơ cơm là các cháu của nội nhớ lời nội dặn. Nhớ thì cũng nhớ nhưng khi sôi máu thì tôi cũng bất kể không biết bao nhiêu lần. Để cuối cùng chiêm nghiệm được cái hay mà làm theo thì cũng đã hơn nửa đời người rồi.
Nội ơi đời vốn gập ghềnh nên thăng trầm không sao đoán được. Chỉ có thể nhớ lời nội trong tâm tùy cơ ứng biến, tùy duyên định liệu mà thôi.
Chợ Lách, 17/5/2021
Phạm Thu Thao
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...