Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Phiêu diêu cùng với "Lặng" của Trần Nhã My

Phiêu diêu cùng với
"Lặng" của Trần Nhã My

Khởi đầu là cái màu nền nâu đỏ mênh mông tĩnh lặng. Có thể là trùng trùng điệp điệp lớp sóng biển đang gối đầu nhau thầm thì. Có thể là những thớ đất khát nước đang ngủ vùi chờ mưa. Có thể là những dãy mây xếp miên man bất động cuối tầng trời. Tất cả đều rất “lặng” và tạo cho ta cái cảm giác u trầm của hoài niệm, của những quặng vỉa trầm tích từ quá khứ xa xăm.
Lật mở cánh cửa đầy ẩn dụ, tôi tò mò bước vào cõi “Lặng” rồi bắt gặp cái vẫy tay mời gọi của cặp tình nhân “Anh và Em”. Và tôi đi theo họ, lạc vào cái thế giới romantic của thi ca.
Tập thơ “Lặng” của Trần Nhã My
Anh và Em song hành gần như suốt cuộc đi của “Lặng”. Tôi chỉ là nhân vật thứ ba lặng lẽ theo sau, lắng nghe bằng cảm thức của người ngoài cuộc. Có cảm giác Anh, kẻ song hành cùng Em trong “Lặng” của Trần Nhã My, chỉ như cái bóng lẳng lặng theo Em đi qua những vùng hồi ức. Hoặc Anh chỉ là cái cớ để Em thi ca thả tung cung bậc cảm xúc qua từng miền đất, miền người làm bật dậy những kỉ niệm chìm đắm miên man của ngày tháng cũ, của thăm thẳm xa xưa. Anh có thể là một, có thể là nhiều, là thực, là hiện hữu nhưng đôi khi chỉ là Anh của tiền kiếp, của ảo ảnh ám vào em hiện tại.
Anh một ngày ngồi với Em trước Ngũ Hành Sơn nói chuyện triết lý nhân sinh chập chờn bóng của Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, để Em thấy mặt Anh biểu cảm qua hình tượng của Thập Bát La Hán mặt hung còn nặng nợ trần gian. Anh giả bộ nợ Em, “Nợ những lần cùng em góc quán/ nợ những bước chân hoang dìu em khắp cùng suốt kiếp”, rồi giả bộ trả hoài không hết để thừa ra cho Em nợ lại kiếp sau (Cà phê với núi).
Anh một lần cùng Em đến ngồi trên miền hoang tích “…tìm dấu chân rơi trong hoang tàn đổ nát”, “…tìm dấu chân đôi tình nhân cũ”, nơi người thi sĩ tài hoa bạc mệnh đã bán ánh trăng vàng chiêu đãi người mộng, chôn cuộc tình trong lâu đài rêu hoang bên cạnh đền thiêng người con gái hoàng tộc Chăm Pa đoan thục (Chiều trên đồi vắng).
Rồi Anh dắt Em về Thánh địa Mỹ Sơn rộn ràng xiêm y, đền đài lăng tẩm của vương triều phồn thịnh giờ chìm trong phế tích. “Bàn chân bước nhẹ nhé anh”, “như thực như mơ”, để chợt thông linh về tiền kiếp: “Có khi nào qua bao năm hóa kiếp, nay anh dắt em về chiêm bái lại ngày xưa” (Dắt em về với Mỹ Sơn).
Tạm biệt những trầm tích cổ xưa, đôi tình nhân thi ca lại đưa nhau về một thời khốc liệt của cuộc chiến tranh. Không có tiếng bom gầm đạn thét, chỉ có cái nắng cháy da mùa hè đỏ lửa năm 1972, cái im lặng rờn rợn của ngôi mộ ba ngàn người và cuộc hồi sinh kỳ diệu trên từng thớ đất ba zan của một thành phố trẻ: “Đồng Xoài vào đêm/ Những dải đất màu đỏ rừng cao su Phú Riềng vẫn chạy dài tít tắp”. Thương nhớ tiếng chày sóc Bom Bo giả gạo nuôi quân thì thụp giữ nhịp cho tiếng hót con bìm bịp gọi tình ngoài thung xưa. Một bình yên đến chạnh lòng (Đêm Đồng Xoài không ngủ).
Cũng vẫn mạch hoài niệm đó, tôi lại theo họ về một vùng đất khác. “Về biên giới một sớm mai/ thăm rừng Hòa Hội/ anh kể về một thời lửa khói”. Bàn tay sờ nhẹ trên phiến lá trung quân, chiếc lá xanh màu rừng đã hóa thành huyền sử: “chiếc lá dài một gang mỏng mảnh”, “những chiếc lá vẫn xanh hoá huyền sử lâu rồi” (Gặp lá trung quân giữa rừng biên giới).
Nhà thơ Trần Nhã My
Thoắt một cái đã là Hà Nội với đại lộ Nguyễn Du vàng ươm sợi nắng, hương hoa sữa nồng nàn làm em phương Nam bối rối. Anh chờ nơi dốc nhỏ, để Em ngập ngừng bảo đã say loài hoa “trong bài ca chúng mình yêu thích” (Em về lạc lối mùa hoa). Rồi Em một mình về với miền Phú Yên núi đá và biển xanh. Bước vào cổ tích của triệu năm trước “em và anh chơi nhà chòi dưới vòm trời cao vọi”, em nắn từng chiếc đĩa bằng nham thạch, anh chất chồng lên cao “cứ như chúng ta xây lâu đài bằng tất thảy yêu thương”. Rồi “đột nhiên anh đi theo ngọn gió hoang” bỏ lại trò chơi dang dở. Và từ đó biển mặn vì “nước mắt em đổ vào cho từng đợt sóng cuốn đi”. Để hôm nay Em về “ngơ ngác hỏi hỏi mây hỏi gió. Hỏi anh còn mãi rong chơi đâu đó, bao giờ về cùng em?” (Một mình trước Gành Đá Đĩa).
Thỉnh thoảng cũng có những lần Em không Anh, mà là một người khác, một “người khách lạ hóa thành quen” trong lần lạc về nơi cổ tháp hoang tích u trầm. Trần Nhã My đã vẽ lại ngôi tháp cổ trong ráng chiều rất thật bằng ngôn ngữ thi ca ấn tượng: “Những viên gạch trùng tu hằn sáng tường rêu cũ”, “cánh hoa dầu rơi bâng quơ”, “cội sứ trầm tư”, “ruộng lúa vàng từ ngàn năm… bao bọc chở che…”, “vết sẹo do viên đạn lạc trên thân cây trường mang hình trái tim” , và những giọt nắng chiều rơi trên tóc em, “rơi đúng nụ hôn đầu tiên bất chợt…” (Ráng chiều bên cổ tháp).
Còn nhiều lắm những miền ký ức họ đã đi qua, để lại những cảm xúc, những hoài nhớ mà dường như không chỉ của riêng họ, đọc để thấy cả chính mình trong đó. Nào đâu chỉ có những cuộc song hành đầy mộng mị. Anh và Em trong “Lặng” cũng rất đời bằng những giận hờn, mong ngóng và… chia ly. Chuyện hợp tan của họ mong manh như những ngọn gió đùa… “Anh đừng mải miết những cuộc hành trình/ trở về đi đừng hẹn mốt hẹn mai” (Như ngọn gió hoang…). “Ừ thì khóc/ em có dối anh đâu”, “Em cứ khóc, em cứ đau. Ngã rồi đứng dậy”(Về với tinh khôi). “Đại dương mênh mông không dung nỗi cuộc tình” (Vệt trăng rơi). “Em yếu đuối/ thế giới đơn độc không chỗ sẻ chia/ Anh không còn, lấy ai em nương tựa” (Thác lũ niềm đau). “Anh như cái avatar trên facebook/ Cho em mãi ngắm nhìn với trăm nhớ ngìn thương”, để rồi “Cho đến khi em thức dậy/ anh cùng tất cả lẩn vào ban mai” (Mơ anh). Cái khoảng cách bắt đầu cho ngày tháng chẳng còn nhau không phải đo bằng dụng cụ đo lường của người đời mà “góc quán nhỏ mình đâu còn ngồi cùng phía/ Anh gọi cà phê không đường cho mình, cà phê sữa cho em” để rồi “cách nhau hai ly cà phê khác màu/ mình chẳng nhận ra nhau” (Ly cà phê cuối).
Khép tập thơ “Lặng” gầy mỏng chỉ hơn 80 trang giấy của Trần Nhã My mà cảm xúc vẫn còn bồng bềnh. Thương quá đỗi cuộc hành trình yêu thương lãng đãng khói sương, mang một chút u trầm cổ tích, một chút hiện thực mong manh. Nhắm mắt lại để thấy hình như mình cũng đang chìm tan vào cái màu nâu đỏ mênh mông của cõi “Lặng”.
22/2/2022
Phước Hội
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...