Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Rong rêu cồn trôi

Rong rêu cồn trôi

Dòng sông chảy ngang thành phố thì phình ra như có chửa. Ở giữa bụng sông là một cái cồn, không tên, cô độc.
Dân đi sông gọi là “cồn Đi”, vì mỗi năm cồn lở vài chục thước đất ở đuôi và bồi vài chục thước đất mới ở mũi.
Đứng ở thành phố nhìn về phía sông, trên cái nền cây cối xanh rì, lác đác vài ngôi nhà lá con con chen chân trong mấy lùm cây, điểm lên bức tranh thêm chút tín hiệu con người.
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng
Nếu không có một con đò chèo nằm nép bên góc chợ, người ta khó biết bên cồn ấy có hơi người. Con đò nhỏ xíu, chị lái đò đội nón lá xùm xụp ngó nhìn chợ phố xôn xao.
Con đò nhỏ, có vẻ hơi mục, lướt trên sóng dồn lé đé mạn đò; cảnh ấy không khỏi làm khách lạ hoang mang. Nhưng những đứa trẻ theo cha mẹ sang phố bán vé số thì coi đó là chuyện thường.
Chìm đò thì tụi nó nhảy xuống sông, một tay lội, một tay cầm xấp vé số giơ cao lên khỏi mặt nước cho đừng ướt; hồn nhiên sợ ướt tờ vé số “chín ngàn đồng vốn, một ngàn đồng lời” hơn là sợ chết nước. Tụi nhỏ nhe răng cười, “dân cồn mà chết nước thì nhục lắm!”.
Cồn do đất bồi, nền đất không quá cao; mỗi năm nước lên, bốn phía cồn toàn nước. Đứng bên thành phố nhìn sang không thấy bờ đất cồn đâu, chỉ thấy mấy gốc cây mọc lên từ nước.
Tụi nhỏ kéo nhau vừa nô đùa lội đi chơi, vừa bám mấy gốc cây bắt ốc. Tất nhiên, đứa nào không biết lội thì không nhập bọn được.
Nỗi khát khao đi chơi cùng chúng bạn thúc giục chúng tập bơi. Động lực ấy mạnh hơn là động lực bơi để phòng thân, lỡ chìm xuồng, té sông thì thoát chết.
Tụi nhỏ xóm cồn lớn lên thầm lặng như cây cối trên cồn. Người ta cứ nghĩ chúng không đi học, cho đến khi thấy cảnh mỗi sáng sớm có cô giáo cùng sách vở, cà mèn cơm lên đò sang sông dạy chữ. Thì ra trên cái xứ hoang vu đó còn có một điểm trường.
Ngôi trường xưa cũ với vài ba phòng học. Mỗi phòng mười mấy em. Quần áo “đồng phục” nhưng đủ thứ màu. Mỗi cái áo lại in một tên trường khác nhau. Cô giáo nói đó là mớ quần áo cũ mà cô xin được tụi nhỏ ở nhiều trường khác nhau trên thành phố.
Mớ quần áo cũ ở phố khi sang sông, là mớ đồ tụi nhỏ háo hức chờ mong; có đứa cầm lên hít hà khen, mấy bạn bên phố thơm ơi là thơm, không như tụi mình hôi rơm hôi sình.
Ngỡ cái xóm cồn nghèo khó hiu hắt đó chắc tụi nhỏ không ham học đâu. Nhưng cô giáo nói sĩ số lớp duy trì suốt năm không bữa nào các em nghỉ học. Cái xóm nhỏ xíu giữa bốn bề sóng bủa này, chỉ có một đám trẻ.
Mỗi buổi đến lớp đi thành đàn, đi nguyên cả xóm. “Ba mẹ con đi giăng câu từ sáng sớm, nhà không có tivi, cũng không có đồ chơi hay điện thoại “quẹt quẹt”.
Bạn đến lớp mà mình con ở nhà thì buồn lắm. Nên dù bệnh nặng cách mấy cũng nhờ bạn cõng đến lớp. Ở đó có cô giáo lo cho, đỡ hơn ở nhà một mình”.
Tụi nhỏ ham học vậy nhưng lớp học chỉ duy trì sĩ số đến lớp 5. Lên lớp 6 phải sang sông đến trường. Không tiền đi đò, không tiền mua sách vở; nhà nghèo.
Vậy là rụng dần, rụng dần mỗi năm một nửa. Lịch sử của đất cồn xưa nay chỉ có duy nhất một ông tú tài phổ cập làm trưởng ấp, là người có bằng cấp cao nhứt xứ cồn.
Vậy là tụi nhỏ chỉ có mớ tuổi thơ tươi đẹp dưới mái trường nho nhỏ, có bà cô giáo mưa gió bao nhiêu cũng qua đò đến lớp, có mùa nước lớn nước ròng, tôm cá đong đếm nỗi buồn vui.
Rồi dần dần cồn “đi” chậm hơn, mà đất ở đuôi thì cứ lở như rượt nỗi lo âu của người dân xóm cồn. Người ta lục đục dỡ nhà bán tháo, sang phố tầm thực nuôi thân. Nhưng sang phố không lâu thì mấy đứa trẻ đi lên Bình Dương luôn, không về.
Những người trung niên còn lại mòn mỏi sang sông trở lại xóm cồn; nhìn phía xa xa năm nào là nhà mình mà giờ mịt mùng trong sóng nước. Nghẹn ngào nhìn đôi bàn tay không nghề, không sức, không bằng cấp.
Xóm cồn lục đục hùn hạp nhau dọn một mảnh đất nhỏ ở mũi cồn, cất cho cái chòi bằng mấy cây tràm hoang, lợp miếng tôn đã mười sáu lần lợp – dỡ.
Hồi người ta ra đi, xóm cồn không có gì níu giữ nên nghẹn ngào tiễn đưa; rồi xóm cồn lại bao dung nhận về; “có mắm ăn mắm, có rau ăn rau”, nương vào nhau như đám tràm trước mũi đất.
Rồi sông bắt đầu quay dòng, cồn bị lở một trăm mười sáu thước. Mấy bà già bắt đầu lo âu, rồi đây không lâu cồn này lở mất. Xóm cồn biết bám về đâu, như rong rêu trôi giữa dòng sông rộng đến vô cùng.
Đám trẻ đứng giữa mũi cồn, thay vì nhìn về phía phố rực ánh đèn, tụi nó nhìn về phía trước mấy chục thước. Chỗ ánh mắt tụi nhỏ đặt vào, có cây điên điển mọc hoang, vươn lên mặt nước. Đất phù sa đã tụ lại chỗ đó tự thuở nào.
Có một điều, đứa nào cũng nghĩ mà không đứa nào nói ra: “Mai này ở đó sẽ bồi thành một cái cồn mới; chỉ bồi, chứ không bao giờ lở”.
15/1/2020
Lê Quang Trạng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...