Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Tám năm ở trọ trần gian

Tám năm ở trọ trần gian!

Tám năm ở trọ trần gian
Cay cực nếm đủ… Vân An về trời.
Xin phép gọi tên con một lần sau cuối, bởi bây chừ con là thiên sứ trong lòng tất cả mọi người yêu thương con. Cầu mong con như làn mây trắng an yên khi thoát kiếp đọa đày của bàn tay ác quỹ.
Vì đâu nên nỗi, theo tìm hiểu từ nhiều nguồn tin được biết gia đình con đang êm ấm với ba mẹ và 2 chị em con. Nhưng người tình của bố đã xuất hiện và thay vào chỗ mẹ con. Về sống chung và con bị hành hạ tra tấn bằng đòn roi như thời trung cổ. Người ta tước đoạt của con nhiều thứ: Gia đình, bố, sự ấp iu của mẹ, cướp đi những ngày tháng vô tư chơi đùa bên em của con…tất cả vì người tình của bố.
“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”
Câu ca dao đó đã được đúc kết từ ngàn xưa cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là một nhận định chính xác được sự quan sát, tổng hợp từ nhiều cảnh đời mẹ ghẻ con chồng qua thời gian (nhiều thế hệ) và không gian ( nhiều vùng miền) khác nhau nhưng bản chất thì giống nhau. Giống nhau ở chỗ dì ghẻ, (mẹ kế, người tình của bố) thường hằn học, ghen tức vơi người đến trước rồi trút giận lên đầu con trẻ. Trong khi người đến sau chưa hẳn là do người trước đã chết hoặc chia tay mà người đến sau giành chồng người trước, đánh bật người trước và con cái ra khỏi tổ ấm của người ta đã chung tay xây đắp.
Bé V A bị “dì ghẻ” Không! phải gọi là người tình của bố mới đúng vì cô ta chưa cưới có nghĩa là chưa là danh chính ngôn thuận là vợ của bố cháu. Bé bị hành hạ nhiều lần, có thể lúc đầu mới vào vừa đánh vừa quan sát thái độ của người bố nhưng thấy bố không ngăn cản nên đánh cường độ càng lúc càng tăng, càng mạnh từ ngày này qua ngày khác, từ cái roi mây, đến thanh gỗ…để lại những vết bầm tím khắp thân thể. Những vết rách khâu ở trên đầu… các vết sẹo và những vết bầm không làm bố đau lòng để mà có biện pháp kịp thời bảo vệ bé thoát khỏi nguy hiểm. Cuối cùng dẫn đến tử vong. Không ai khác, chính người tình của bố đã đoạt mạng sống của con trước sự thờ ơ vô cảm của bố. Bố biết cô ấy đánh con, bố cũng thấy vết khâu ở đầu và những vết sẹo, vết sẹo mới chồng lên vết sẹo cũ, vết bầm khắp người… bố đều biết cả nhưng vì sao bố không ngăn cản? Bố dửng dưng trước hành vi bạo lực với trẻ em. Bố im lặng có nghĩa là đồng tình, đồng lõa với tội ác.
Chúng tôi đã từng làm mẹ nên khi được biết câu chuyện này qua các kênh báo chữ và báo hình mà quặn thắt lòng, bần thần suốt từ bấy đến giờ.
Phải chăng bắt nguồn từ tâm lý ghen ghét của kẻ đến sau nhưng hiếu thắng. Muốn chiếm đoạt mọi thứ về mình và loại bỏ, xóa tan những gì của người trước, trút lòng hờn ghen, đố kỵ ích kỷ nhắm vào con, nhìn con, từ gương mặt, ánh mắt, cử chỉ là hiện thân của mẹ nên“dì ghẻ” xem là tình địch để kiếm cớ ghen ngược. Và Bé như cái gai trong mắt người tình của bố.
Bố không bảo vệ được con khi con gặp nguy hiểm xảy ra ngay trong ngôi nhà của mình, ngay trước mắt bố. Có thể xem là đồng phạm dung túng cho tội ác, thật buồn thay tình phụ tử không được coi trọng nên cái tình trai gái của bố với người tình nó lấn lướt mà mụ người đi.
Tuy nhiên nói như thế không phải là mẹ kế nào cũng ác nhưng quả thật rất hiếm trong cuộc đời này. Tôi sống ngần này tuổi, đã sang phía bên kia triền dốc của cuộc đời mà chỉ thấy có hai người kế mẫu tốt (tôi sẽ kể hầu các bạn vào câu chuyện khác).
Trở lại câu chuyện của bé: người tình của bố đã về sống chung nhà. Mẹ con phải ra đi, con xa vòng tay mẹ là một thiệt thòi lớn không gì bù đắp nổi. Giá như con được sống cùng mẹ hoặc ông bà nội ngoại thì sẽ tốt cho con hơn, an toàn cho con hơn! Tránh được hành hạ cho đến chết, một cái chết đau đớn, cô đơn và tủi nhục khi mới tám tuổi đầu. Tuổi này là tuổi ăn tuổi học trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, người thân. Ngày nay đa số các gia đình không sinh nhiều con như ngày xưa nên càng được yêu chiều hơn. Nhìn bảng phân công việc làm thật xót xa. Nhất là khi nghe hàng xóm kể: hai người đi ăn giam bé ở bên ngoài rất lâu. Đó có khác gì ngược đãi.
Câu chuyện của bé làm tôi nhớ lại cô bạn thân của tôi từ lớp hồi lớp một tên là Bình Nhi cũng là nạn nhân của cha mẹ đôi đường nhưng Nhi may mắn được sống với ông bà nội nên không bị bạo hành nhưng cũng nếm đủ vị chua cay những lần gặp dì ghẻ. Đó là năm lên bảy tuổi, bà nội Nhi thuê chiếc thuyền đưa Nhi về thăm nhà bố (cách đó khoảng 50 km) mới ngồi chơi chưa lâu thì thằng em con bà sau, chạy nhảy la ó nghịch gì đó với mấy đứa em khác…nên bị bố nó tát một phát vào mông. Thế là dì nó tru tréo lên:
– Ờ bây chừ có đứa con gái lớn về đây chơi nên ông giết con tui đi!
Bà nội và nó vô cùng ngạc nhiên vì nó không dính dáng gì về việc này. Tự nhiên bả cạnh khóe vô cớ và đổ cho việc bố nó đánh em là vì sự có mặt của nó. “Đúng là oan uổng quá Bao Đại Nhân ơi!”
Không khí nặng nề ai oán như thế thì làm sao có thể ở chơi lâu hơn? Thế là ngay chiều hôm đó hai bà cháu xuống thuyền trở về nhà!
Sau này khi đã trưởng thành đi làm, nó về thăm bố nó lần nữa. Thấy mặt Nhi, bả lại nói:
– Tau thấy cái mặt mi làm tau nhớ lại là tau lấy chồng thừa.
Nghe nó kể mà tôi ngao ngán quá! Người ta có vợ chồng cưới hỏi, kết hôn đàng hoàng và đã có con. Khi không đâm đầu vào giật chồng họ rồi lại ghen ngược với vợ họ, ghen cả với con cái người ta.
Bố nó hiền lắm nhưng nghe lời dì nó nên mỗi lần gặp nó ở nhà nội là bố kèm theo những lời trách móc nó và xem nó là đứa con không ngoan, không ra gì. Đúng giọng điệu của dì ghẻ đã cài vào miệng bố nó. Nó lấy làm lạ vì nó không làm phiền gì đến tổ ấm của ba má nó hay nói đúng ra là ba nó không nuôi nó dù chỉ là một ngày, cũng chưa hề mua cho nó một quyển vở để đi học nhưng trong mắt ba nó thì nó là đứa hư, không ra gì. Mặc dù nó cũng tự lập cố gắng học hành kiếm công ăn việc làm và đã lập gia đình, cũng lại nuôi dạy con cái đàng hoàng.
Có lần nó nói với tôi rằng bố nó hiền đến nhu nhược, nghe lời vợ và đối xử tệ với con ruột của mình, may mà nó không sống với gia đình bố nó chứ nếu sống cùng dì ghẻ thì khó lòng mà bảo toàn mạng sống. Nghe lời vợ đến nỗi nó đồ rằng may mà dì ghẻ nó chưa bảo:
– Anh làm thịt con Nhi cho tui ăn một miếng.
Nếu bả nói vậy thì ổng cũng không ngần ngại mà làm thịt Nhi cho bả ăn để thỏa lòng chiều vợ.
Mà không hiểu sao, xét về nhan sắc thì dì ghẻ không đẹp bằng mẹ nó mà có thể là say lòng bố nó đến thế không biết! Chắc bả có tiểu xảo gì chăng?
Quan sát cuộc sống xung quanh và thông qua báo chí, tôi cảm thấy sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng lắm! Càng căm phẩm đến tột cùng những kẻ tàn ác đến mất nhân tính đã hành hạ con người ta. Người ta nói: “ khác máu tanh lòng” quả không sai. Những người bố, người mẹ sinh con ra mà không nuôi được con, không bảo vệ được con cũng thật là đáng trách.
Những sự ra đi của cháu bé ba tuổi (bị cha dượng và mẹ ruột đánh chết) và cháu bé tám tuổi mấy ngày gần đây là sự cảnh tỉnh. Cháu là thiên sứ đến thế giới này để làm nhiệm vụ rung lên hồi chuông báo động cho các bậc làm cha, làm mẹ, cảnh tỉnh cho những người liên quan, cảnh tỉnh xã hội đặc biệt là những cơ quan có chức năng phải có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ yếu thế và trẻ em được an toàn trong thế giới văn minh!.
Sài Gòn, 31/12/2021
Lan Vy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...