Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Thần mã

Thần mã

CHƯƠNG 1: NGÀY TÀN CỦA MỘT GÁNH XIẾC

Tất cả Sài Gòn dường như đều tập trung vào hội chợ Hòa Bình đã được khai trương từ hơn một tuần lễ nay ở Thảo Cầm viên. Hội chợ này có lẽ là một hội chợ lớn nhất từ trước đến giờ. Ngoài tất cả diện tích Thảo Cầm viên đều được dùng khai thác hội chợ, người ta còn trưng dụng gần cả con đường trước mặt lẫn khu đất rộng lớn bên kia cầu Thị Nghè.

Mỗi ngày, khi mặt trời bắt đầu lặn và sức nóng của một ngày bắt đầu dìu dịu, hội chợ liền bắt đầu sống dậy thật sự và càng lúc càng náo nhiệt, người đi như nước chảy, đèn muôn màu rực sáng cả một vòm trời. Hôm nay, hội chợ bước qua ngày thứ tám. Cảnh náo nhiệt như thường lệ.

"Mau lên! Mau lên! Chỉ còn một vé nữa thôi là mở màn! Quí ông! Quí bà! Quí cô! Quí cậu! Quí chị! Quí anh hai! Sẽ được xem và nghe đầu lâu biết nói! Mau lên! Chỉ có 30 đồng bạc, quí vị được xem một màn độc nhất vô nhị! Dạ! Bà đây mua vé! Mời bà vào… Xin quí vị chưa kịp, chờ chốc lát chúng tôi sẽ bán vé cho đợt tới! Mười đồng bắn được ba phát… 30 đồng năm trái banh... liệng đổ hết các lon để trên là được thưởng. Trời đất ơi! Vì đâu mà thân tôi ra nỗi này! Tứng tửng từng tưng! Thùng! Thùng! Thùng! Đây là gánh xiếc Bành Tổ lớn nhất Việt Nam! Sáu con cọp! Bốn con sư tử! Tám con voi! Bảy con báo! Và tất cả các con thú dữ nhất của rừng sâu Phi Châu! Một con sư tử của chúng tôi chút xíu đã nghiền nát người dạy thú của chúng tôi trong ngày hôm qua nhưng người dạy thú chúng tôi đã chế ngự được nó bởi cặp mắt điện lực của mình. Hôm nay cảnh ghê rợn và hứng thú đó lại tái diễn! Kính mời quí ông, quí bà mua vé mau, kẻo hết như đêm qua!"

Giữa cảnh ồn ào đó, chỉ có một lều vải hoàn toàn yên lặng đã ba ngày rồi: đó là lều của "gánh xiếc Bồ Câu". Nếu so sánh với gánh xiếc Bành Tổ, gánh xiếc Bồ Câu nhỏ và khiêm nhượng hơn, nhưng lừng danh hơn gánh xiếc Bành Tổ nhờ các màn đặc sắc như "Ngựa biết nhảy đầm", "Chó biết làm tính", "Gà biết khóc", tất cả các màn trên đều do ông Sanh, một tay kỳ cựu trong gánh xiếc Bồ Câu biểu diễn và nhất là nhờ bộ ba du bay: Lãnh, Đình, Vân lẫn những trò hề cười bể bụng của chú hề Lùn Tịt.

Gánh xiếc Bồ Câu chìm đắm trong bóng tối giữa các nhà, trại lều tràn ngập ánh sáng muôn màu. Không ai để ý đến gánh xiếc này nữa cả! Trong góc lều còn lóe ra một ít ánh sáng, nhìn qua lần vải mỏng, người ta thấy các bóng người lay động...

Một người đàn bà xanh xao còn rất trẻ đang nằm trên giường, ba người đang đứng bên cạnh: Người thứ nhất có râu dài và tóc bạc trắng, người thứ hai có mái tóc Híppi, người thứ ba lùn, chân khập khểnh, có cái đầu thật to. Người thứ ba giơ đôi tay ngắn ngủn của mình ôm hai đứa trẻ, một đứa bé trai mười một tuổi và một đứa bé gái năm tuổi như muốn bảo vệ chúng.

Người đàn bà bệnh hoạn thở rất mệt nhọc, dường như đã kiệt lực, cố đưa tay lên ra dấu hiệu và phều phào nói muốn không ra lời: "Đình… ".

Đứa bé trai run lên khi nghe gọi tên mình, nó tiến đến giường, tim đập thình thịch:

- Con đây nè, má!

- Đình ơi! Con đưa tay cho má nắm. Má biết má đang nói với một đứa con trai can đảm...

- Má ơi! Má nói đi… Con nghe má nói đây!

- Đình! Vân là em gái của con, từ giờ trở về sau nó nằm dưới sự che chở của con... Con hãy thương em con suốt đời nó nghe con! Má không muốn về sau em con trở thành một cô gái xiếc chuyên đu bay... Má rất sợ cuộc đời như thế, một cuộc đời lang thang dưới mặt trời nóng cháy và trong bão tố tơi bời, cuộc đời mà tai nạn luôn luôn rình rập kể cả lúc trình diễn lẫn tập dượt... Đình ơi! Con hãy hứa với má là con luôn để em con ở trong một mái ấm chứ không được bao giờ ở trong một cái lều của một gánh xiếc như thế này! Má giao gánh xiếc này, tất cả, kể cả xe cộ nữa, cho ông Lãnh đem bán, ông là đại diện của má trong vụ này, ông đang điều đình bán cho ông chủ đoàn Ảo Thuật Quốc Tế phía trước. Ông Lãnh sẽ chăm sóc các con và quản trị số tiền bán được. Lẽ dĩ nhiên, về sau ông Lãnh sẽ tìm việc cho con. Đình ơi, con nhớ nghe, ông Lãnh là người giám hộ của con đó. Má chọn ông Lãnh mà không chọn ông Sanh vì ông Lãnh còn trẻ, có thể chăm sóc các con được lâu hơn.

- Má ơi! Con hứa với má là con sẽ chăm sóc em con suốt đời.

- Được! Như thế má mãn nguyện lắm rồi!

Lúc đó, bỗng có người gõ cổng.

Một người băng tay hồng thập tự đi vào, theo sau có hai nhân viên cứu thương lưu động.

Người ấy hỏi:

- Có phải ở đây có người bệnh phải cứu cấp gấp?

Ông Sanh đáp:

- Dạ, phải! Đây nè! Đó là bà chủ của gánh xiếc Bồ câu!

Người y tá nghiêng mình gần người hấp hối, quan sát gương mặt tái mét của bà ta rồi ra dấu cho hai người theo sau đi ra ngoài.

- Bà này sắp mất rồi! Chỉ vài phút nữa thôi! Đem vào nhà thương vô ích, không cứu kịp đâu! Tội nghiệp! Bà này còn thật trẻ, lại bị chết giữa hội chợ rộn rịp như thế này! Đời là thế!

Tiếng trống của gánh xiếc Bành Tổ bỗng dồn dập: Thùng! Thủng! Người đàn bà từ từ thở hơi cuối cùng. Hết cả rồi!

CHƯƠNG 2 LÊN ĐƯỜNG

T

hường thường, khổ đau này bao giờ cũng được tiếp nối ngay bởi đau khổ khác! Quả nhiên, sau khi mẹ mất, Đình và Vân liền bị ông Lãnh phản ngay, ông ta phản bội lời hứa với cả người chết.

Ông Lãnh đã bán cả gia tài còn lại của Đình và Vân được gần hai triệu và ông ta đã bỏ trốn mất tích luôn, bỏ Đình và Vân bơ vơ giữa chợ đời.

Vân còn bé quá chưa hiểu gì cả, chỉ có Đình là hiểu được tình trạng bi đát của hai anh em mồ côi! Không gia đình, không nhà cửa, không tiền bạc! Khi biết ông Lãnh trốn, Đình và Vân ngồi ở một góc tối trong hội chợ bàn với chú Lùn Tịt và ông Sanh. Sau một thời gian dài im lặng, ông Sanh lên tiếng đầu tiên:

- Đình ơi! Tội nghiệp con quá!

Đình là một đứa bé can đảm. Vừa nghe ông Sanh nói, nó cự ông Sanh ngay:

- Bác đừng nói như vậy nữa! Than vãn có ích lợi gì đâu? Chúng ta phải nghĩ tới tương lai chứ!

- Chừng nào mình thưa tên Lãnh?

- Thưa chứ… nhưng...

- Nhưng sao?

- Chắc chú Tịt biết là mình hiện nay không nhà không cửa, linh tính cho cháu biết là không nên thưa tên Lãnh ở cảnh sát vì… trước tiên cảnh sát sẽ không tin những điều chúng ta nói, sau đó cháu sợ cảnh sát sẽ giữ cháu và em Vân ở một nơi nào đó. Cháu không muốn mất tự do. Cháu muốn đích thân đi tìm tên Lãnh... Nhất định cháu sẽ gặp nó. Chắc chắn nó sẽ gặp quả báo nhãn tiền, nó không sung sướng đâu!

- Tôi muốn tên Lãnh phải ở tù nhiều năm trong khám tối mới xứng đáng với tội lỗi của nó. Còn bác Sanh xin bác cho ý kiến?…

Ông Sanh im lặng giây lát rồi trả lời chầm chậm:

- Cháu Đình nói cũng có lý, mà chú Tịt cũng có lý nữa khi đòi hỏi công lý đối với tên ăn trộm đó, nhưng Đình có lý hơn khi sợ sau khi tố cáo tên Lãnh, sẽ mất tự do.

- Tại sao vậy? - Chú Lùn không đồng ý - Tại sao anh nói nạn nhân cũng bị mất tự do như thủ phạm?

- Khi tố cáo tới cảnh sát, Đình sẽ bị thiệt hại trước tiên... vì Đình và em Vân là hai đứa trẻ còn vị thành niên, lại mồ côi thế nào cũng bị đưa vào một cô nhi viện.

Đình rống lên:

- Không! Tôi không chịu vào ở trong cô nhi viện đâu!

- Không chịu đâu! - Vân bập bẹ lặp lại theo anh mình.

- Tôi mà ở trong cô nhi viện à? Tôi sẽ bị chết dần mòn trong đó vì tôi quen đời sống tự do từ nơi này qua nơi khác rồi!

- Cháu Đình ơi! Cháu đã mất cả cha lẫn mẹ rồi, cháu lại mất cả người giám hộ, vì người này đã bỏ trốn với số tiền của cháu rồi! Còn bác, bác đã già, bác không thể nào theo các cháu được, bác cần có một việc làm cố định. Vừa rồi, Ban Giám Đốc gánh xiếc Bành Tổ đã chấp thuận nhận cho bác trình diễn trò "Chó biết làm tính" và bác đã nhận việc rồi!

Mọi người đều im lặng sau tiết lộ trên. Một lúc lâu sau, Đình lên tiếng với vẻ thật buồn:

- Bác bỏ rơi luôn cả tụi cháu nữa sao?

- Anh đã bỏ tụi tôi như thế đó, được, anh là một tên phản bội! - Chú Lùn Tịt la to giận dữ, rồi quay sang hai đứa bé:

- Chú không bao giờ bỏ rơi các cháu đâu! Chú tuy là một tên tật nguyền, mọi người đều chế nhạo khinh bỉ, nhưng ít nhất, chú là một người biết trung thành là gì!

Ông Sanh cãi lại với vẻ hơi gay gắt:

- Ai nói với anh là tôi bỏ rơi hai cháu Đình, Vân? Anh có bộ óc tí xíu nhỏ nhoi y như thân thể anh vậy! Anh biết tôi đặt điều kiện với Ban Giám Đốc gánh xiếc Bành Tổ ra sao không? Tôi đòi như thế này: Ban Giám Đốc phải trả thù lao cho tôi một số lương, một số tiền đủ trả tiền trọ học cho cháu Vân trong một trường học nào đó cho đến lúc cháu Vân đủ sức diễn được một trò nào đó trong gánh xiếc.

Vừa nghe ông Sanh nói xong, chú Lùn Tịt la lên:

- Như thế thì tôi cũng xin vào gánh xiếc Bành Tổ nữa! Theo anh, tôi làm được gì trong đó? Có thể tôi sẽ trở thành một tên hề lừng danh thế giới… Từ trước đến nay, tôi chưa gặp thời… Theo anh tôi có thể lãnh được bao nhiêu trong buổi ban đầu, lẽ dĩ nhiên về sau phải tăng lương cho tôi.

Ông Sanh trả lời thật trầm tĩnh:

- Anh lãnh năm nghìn mỗi tháng, thêm cơm ăn hàng ngày và chỗ ở. Anh giữ trách nhiệm lau rửa chuồng khỉ hằng ngày!

- Trời đất! Anh nói sao? Người ta coi tôi như lao công à?

- Ờ! Ngoài ra trong lúc trình diễn, anh phải phụ giúp lăn các tấm thảm ra sân trình diễn.

Chú Lùn Tịt bị chạm tự ái:

- Tôi hiểu rồi! Còn Đình làm gì trong gánh xiếc Bành Tổ? Chắc khá hơn tôi vì Đình có biệt tài trình diễn các trò "Nhảy với tử thần" và "Đường bay thiên thần"?

- Đình cũng làm y như anh vậy.

- Không! Đình đâu phải là một thằng lùn như tôi! Đình là nghệ sĩ đu bay đích thực mà…

- Đình sẽ ngụy trang làm một người lùn, không ai có thể biết được nó là một đứa bé cả! Tôi không thể giúp hai người nhiều hơn nữa được! Hai người hãy ráng nhận việc đi, vạn sự khởi đầu nan, mình sẽ cải thiện hoàn cảnh dần dần, tương lai còn dài mà! Trước tiên phải tìm chỗ ăn và chỗ ngủ đã... để sau sẽ tính...

- Bác Sanh nói đúng, nhưng, cháu đã hứa với má cháu là không bao giờ để em Vân trở thành một nhà nhào lộn trong gánh xiếc, cháu bắt buộc phải theo lời hứa đó với bất cứ giá nào. Vì thế, cháu xin từ chối nhã ý của bác và xin thành thực cám ơn bác rất nhiều.

Ông Sanh ngạc nhiên:

- Nhưng như thế cháu trở thành gì? Cháu chỉ biết có một nghề nhào lộn, đu dây thôi! Bác không muốn cháu trở thành du đãng, bụi đời!

- Cháu sẽ tìm việc khác, cháu tin tưởng tài cháu lắm! Cháu sẽ thuê một phòng nhỏ cho em Vân ở!

- Bác thán phục lòng can đảm của cháu... nhưng cháu Đình ơi. cháu chưa hiểu đời là gì cả! Giả sử cháu tìm được việc ngay, cháu có thể cho bác biết là cháu có thể để một em bé gái chỉ mới năm tuổi đầu suốt ngày ở trong một gian phòng được hay không?

- Cháu chưa nghĩ đến điều đó!

- Anh Sanh nói cháu Vân ở một mình à? Anh lầm rồi, anh Sanh ơi! Cháu Vân không có ở một mình đâu! Trong lúc cháu Đình đi làm, tôi sẽ ở nhà săn sóc và dẫn cháu Vân đi chơi.

- Chú Tịt không bỏ rơi tụi cháu à?

Chú Lùn Tịt gật đầu:

- Phải! Chú sẽ theo các cháu…

- Chú theo các cháu thì sẽ bị đói khổ.

- Không lo! Cháu đừng lo điều đó, cháu yên chí đi!

- Nhưng cháu muốn chú đừng ăn trộm nữa, chắc chú còn nhớ, chú đã bị bắt quả tang ăn trộm một lần rồi!?

Ông Sanh xen vào:

- Tôi không muốn bỏ rơi mọi người nhưng tôi đã già rồi, dù lúc nào tôi cũng muốn dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời gần các cháu Đình, Vân...

Đình nói buồn buồn:

- Cháu cũng lấy làm ái ngại để bác ở lại đây một mình. Chắc bác không nỡ trách cháu vì cháu muốn theo lời trối trăn của má cháu trước khi chết.

Ông Sanh gật đầu:

- Bác nhớ! Thôi, hai cháu đi mạnh giỏi!

Ông Sanh vuốt tóc Vân. Ông chậm rãi:

- Nếu có gì trở ngại, hai cháu cứ đến gánh xiếc Bành Tổ tìm bác.

- Dạ! Chào bác!

- Cầu chúc hai cháu gặp nhiều may mắn!

° ° °

Dù to xác, khỏe mạnh, chả có nơi nào nhận Đình giúp việc cả vì Đình còn bé quá, mới có mười một tuổi đầu.

Đã quá trưa rồi, thế mà không có hột cơm nào vào bụng, vì thế Vân kêu đói ầm ĩ.

Chú Lùn Tịt cũng cảm thấy đói như bé Vân. Nghe bé Vân than đói chú Lùn Tịt nói:

- Mình đi ăn liền đây! Vân chờ chút xíu! Gần đây có một quán cơm...

Vừa nghe chú Lùn Tịt nói, Đình la lên:

- Đừng đến đó!

- Tại sao vậy?

Chú Lùn Tịt vừa nắm tay Vân tính kéo Vân đến quán cơm, phải dùng chân lại hỏi Đình:

- Bộ cháu đã tìm được cách sống không cần phải ăn à!

- Không phải vậy đâu! Chú chỉ còn có hai ngàn đồng trong túi, còn cháu chả có gì hết, nếu mình vào quán cơm thì hết tiền mất! Tiền đâu để mướn phòng ngủ tối nay?

Đình hoàn toàn hợp lý. Chú Lùn Tịt không cãi được Đình lời nào hết, chú đành phải để Đình quyết định.

- Mình ra chợ mua bánh mì chuối ăn đỡ trưa nay. Chừng nào tôi tìm được việc hãy hay!

Đến chiều Đình vẫn chưa tìm được việc gì cả. Đình, Vân và chú Lùn Tịt đi muốn rã gót trên khắp các nẻo đường. Vân mệt quá, cô bé rên nhè nhẹ nhưng dường như thấu hiểu hoàn cảnh bi đát của hai anh em, cô bé không khóc gì cả.

Thình lình, chú Lùn Tịt nói:

- Này! Cháu Đình!

- Chú muốn nói gì vậy?

Đình có vẻ hơi chán nản vì quá mệt nhọc. Không chờ chú Lùn Tịt trả lời, Đình nói tiếp:

- Có lẽ lòng can đảm và nghị lực vô ích quá chú ơi!

- Chúng ta hiện đang ở công trường Diên Hồng, có hai cây cầu nổi thật vô duyên...

Đình chua chát:

- Chú để ý làm gì cái cầu nổi, cầu chìm đó... Hiện cháu chỉ nghĩ đến một điều: làm việc và kiếm tiền!

Chú Lùn Tịt tiếp tục:

- Công trường này trải đá to và láng, lại có nhiều người qua lại... Cháu có để ý điều này không?

- Có, nhưng như thế nghĩa là thẽ nào, thưa chú?

- Trong túi quần cháu còn phấn màu không?

- Còn chứ, nhưng tại sao chú hỏi thế?

- Một công trường công cộng với nền đá to và láng và nhiều người qua lại + phấn màu + một đứa bé vẽ đẹp = một trận mưa tiền… Chú Lùn Tịt kết luận có vẻ đắc ý lắm.

Đình chợt hiểu ý định của chú Lùn Tịt:

- Chú muốn cháu làm như vậy hả? Như thế, cháu phải đi xin tiền bố thí như một đứa ăn mày?

Chú Lùn Tịt cãi lại:

- Cháu đâu phải là ăn mày! Ăn mày là khi nào không có gì ăn và không có chỗ ngủ cho một đứa em gái năm tuổi!

- Chú có lý!

Thế là mười phút sau, chú Lùn Tịt diễn thuyết trước một đám đông người đang đứng xem một bức tranh tuyệt đẹp do một đứa bé mười một tuổi đang vẽ trên mặt đường:

- Quý ông quý bà xem đó, đúng là tác phẩm của một nhà nghệ sĩ trẻ tuổi đầy triển vọng. Giữa cháu tôi là Đình đang trước mặt quý vị và họa sĩ lừng danh của nước Ý, Giotto, chỉ có một điều khác nhau như thế này: hồi còn bé bằng tuổi Đình, Giotto là một đứa bé chăn trừu chuyên vẽ hình những con trừu trên mặt đất với những cây que giản dị. Còn cháu tôi, chắc quí vị đã thấy, cháu tôi vẽ trên công trường bằng phấn màu. Nhưng, thưa quý vị, tại sao nhà họa sĩ Ý Giotto trở nên danh tiếng lẫy lừng? Đó là nhờ một bữa nọ, nhà họa sĩ đàn anh Cimabué chợt thấy bức vẽ của đứa bé chăn trừu và la lên: "Đây mới đúng là đệ tử của mình!". Từ đó trở đi Giotto đã theo thầỵ học hỏi và trở thành nhà họa sĩ lừng danh của nước Ý bên trời Tây. Thưa quý vị! Tại sao quý vị không đem ra khỏi bóng tối một Giotto mới, đó là họa sĩ Đình?

"Nếu quí vị không phải là họa sĩ, xin quý vị hãy tặng cháu Đình 5 đồng… không, 10 đồng… không, 20 hay 30, 40, 50, 100 đồng tùy lòng hảo tâm của quý vị. Còn nếu quý vị là người theo đuổi ngành nghệ thuật hội họa cao thượng, xin quý vị tiến tới hai bước để làm Cimabué Việt Nam của Giotto Việt Nam…

Vài tờ giấy 10 đồng và 20 đồng rơi xuống chung quanh chỗ Đình đang ngồi vẽ và chú Lùn Tịt cúi đầu hết sức long trọng cám ơn những người cho. Thình lình một người cảnh sát tiến tới gần chú.

Dù hơi run run, chú Lùn Tịt vẫn nói cứng:

- Xin lỗi, ông muốn làm Cimabué Việt Nam?

- Sao? Cái gì? Anh hãy xem kỹ lại tôi là ai?

- Người cảnh sát giận dữ nói.

- Dạ, nhưng vì tôi vừa nói ai là họa sĩ muốn làm Cimabué Việt Nam thì hãy tiến vào đây hai bước để đem nhà họa sĩ tí hon này ra khỏi bóng tối, tôi thấy ông vào đây… tôi tưởng...

Các người xem cười rộ trước những lời nói của chú Lùn Tịt. Nhưng người cảnh sát vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị:

- Anh đừng nói tầm xàm nữa! Đưa giãy tôi coi!

- Thưa ông, đây nè! - Chú Lùn Tịt vừa trả lời vừa móc trong túi ra một đống bưu thiếp, giấy tờ đồng thời chú làm những dấu hiệu kỳ dị và đọc những tiếng lạ lùng: "Thiên thần, chi địa, bành tổ"…

Viên cảnh sát giận dữ:

- Anh giỡn mặt tôi hả! Những giấy đó bất hợp lệ!

- Dạ, thưa nhà bảo vệ công cộng và đề phòng công xúc tu sĩ, xin ông hãy xem kỹ lại những tờ giấy này có hợp lệ hay không?

Bàn tay người cảnh sát vừa chạm vào các tờ giấy thì các tờ giấy đó bỗng biến thành một quả trứng vịt luộc. Sự việc xảy ra hết sức nhanh chóng và bất ngờ. Mọi người vỗ tay ào ào hoan nghênh tài nghệ ảo thuật của chú Lùn Tịt. Chú Lùn Tịt cúi đầu chào và cảm ơn khán giả xong, mới móc túi lấy giấy chứng minh đưa cho người cảnh sát xem. Lần này, giấy tờ hoàn toàn hợp lệ! Chú Lùn Tịt lại liệng một đồng chì 10 đồng lên cao rồi dùng mũi đón lấy, đồng chì dựng đứng trên đỉnh mũi của chú. Mọi người một lần nữa lại vỗ tay ào ào…

- Còn giãy tờ của mấy đứa nhỏ này? - Người cảnh sát hỏi.

- Trời đất ui! Tôi rất lấy làm tiếc cho ông biết là tên phản bội Lãnh đã ăn cắp tất cả giấy tờ và tiền bán gánh xiếc của hai đứa nhỏ này...

Trước kiểu cách nói của chú Lùn Tịt, mọi người lại cười rộ.

- Tôi nói một lần nữa, anh liệu hồn, không được bỡn cợt với tôi! Anh phải trả lời ngay câu hỏi của tôi: Hai đứa nhỏ đó con ai?

- Không con ai cả! Tôi...

- Tại sao không là con ai cả? Anh hay giải thích nhanh lên! Tại sao hai đứa nhỏ này lại đi theo anh?

Chú Lùn Tịt buồn bã trả lời:

- Hai đứa trẻ này ở với tôi, vì cha mẹ chúng chết cả rồi!

Vừa nghe chú Lùn Tịt nói xong, đám đông đang bao quanh thì thầm:

- Tội nghiệp! Mới tí tuổi đâu mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ!

Lúc đó Đình đã hoàn thành tác phẩm của mình trên mặt đá: Đình vẽ cảnh thôn quê dưới ánh trăng vàng. Mọi người trầm trồ khen ngợi.

- Anh Lùn này tật nguyền mà ăn ở tốt quá!

- Mọi người im lặng! Để tôi xem anh lùn này có phải là người lương thiện không? Anh đưa tôi xem giấy của mấy đứa nhỏ mau lên!

Chú Lùn Tịt bắt đầu hơi lo lắng trước thái độ càng lúc càng quyết liệt của người cảnh sát:

- Tôi đã nói với ông rằng tên phản bội Lãnh đã lấy tất cả rồi. Nếu ông không tin, ông có thể hỏi ngay đứa bé trai kia... Chắc ông tin lời nó nói?

Vừa nghe chú Lùn Tịt nói xong, Đình đã lên tiếng ngay:

- Chú Tịt nói đúng đó, thưa ông cảnh sát, chính tên Lãnh đã ăn cắp tất cả giấy tờ và tiền bạc của anh em cháu!

Vân cũng bập bẹ nói theo:

- Đúng tên Lãnh!

- Tốt! Tất cả theo tôi về chỗ cảnh sát... Mọi việc sẽ được sáng tỏ!

° ° °

Nơi cảnh sát là một cơ sở có rất nhiều phòng. Chú Lùn Tịt và anh em Đình, Vân bị người cảnh sát dẫn vào một trong những gian phòng đó. Một người đeo kính đen đang ngồi sau một bàn giấy lớn. Người ấy đang hí hoáy viết:

- Thưa ông! Người cảnh sát nói - Đây là một tên ảo thuật lùn không cho biết rõ được lý lịch của hai đứa nhỏ theo anh ta.

Vừa nghe người cảnh sát nói xong, chú Lùn Tịt tức tối nói ngay, chả sợ gì hết:

- Ông nói sao? Tôi không biết rõ lý lịch hai đứa bé này à? Tôi bế chúng từ lúc chúng mới lọt lòng đó! Đây là Nguyễn Văn Đình, con của ông Nguyễn Văn Hùng và bà Lưu Thị Tính, cả hai ông bà đều chết cả, năm nay mười một tuổi và đây là em gái của Nguyễn Văn Đình tên Nguyễn Thị Vân, năm nay năm tuổi, cả hai đều sinh ở nhà bảo sanh Từ Dủ Sài Gòn.

- Nhưng khai sinh chúng đâu?

- Tôi đã nói những giãy tờ đó bị tên Lãnh phản bội lấy mất rồi.

- Ông cắt nghĩa thêm nữa đi!

- Cách đây tám ngày, má của hai đứa bé này trong khi hấp hối đã giao cho tên Phạm Văn Lãnh làm giám hộ chúng nó và giao cho tên đó trách nhiệm bán gánh xiếc Bồ Câu vì bà không muốn cho con mình tiếp tục nghề xiếc. Tên Lãnh đã bán tất cả gánh xiếc lấy tiền và giấy tờ rồi dông mất!… Câu chuyện chỉ có thế, thưa ông!

- Được rồi, để tôi cho xem lại bộ đời của hai đứa nhỏ có đúng như ông khai không? Trong khi chờ đợi cuộc điều tra hoàn tất, ông và hai đứa nhỏ phải ở đây!

- Ở… trong một phòng?

- Chú Lùn Tịt hỏi.

- Phải!

- Thưa ông, xin ông có làm ơn làm phước đừng giam chúng tôi, chúng tôi có tội gì đâu?

Chợt một ý nghĩ lóe sáng trong óc, chú Lùn Tịt tiếp luôn:

- Nnưng, thưa ông, nếu có một người nào khác làm chứng là tôi nói đúng sự thực, tôi sẽ được tự do?

- Lẽ dĩ nhiên!

- Thưa ông! Ông hãy hỏi ông Sanh hiện ở trong gánh xiếc Bành Tổ đang trình diễn ở hội chợ Hòa Bình. Ông này trước ở trong gánh xiếc Bồ Câu của chúng tôi…

Chỉ một lúc sau, ông Sanh được cảnh sát triệu tới. Ông Sanh xác nhận những điều chú Lùn Tịt nói là hoàn toàn đúng.

Nghe ông Sanh trình bày xong, ông kia kết luận:

- Như thế chỉ còn việc tìm bắt cho được tên Phạm văn Lãnh... còn ông Nguyễn Văn Tịt được tự do!

Chú Lùn Tịt mừng quá, cám ơn rối rít rồi quay sang nắm tay Đình và Vân kéo ra ngoài. Khi cả ba vừa tới cửa phòng, ông cò gọi giật lại:

- Tôi bảo chỉ có ông Nguyễn Văn Tịt được tự do thôi, còn hai đứa trẻ thì chưa...

Chú Lùn Tịt và ông Sanh nói một lượt:

- Chúng tôi nuôi hai đứa ấy mà!

- Không thể được! Chúng tôi cấm và chặn tất cả những gì có khả năng trợ giúp du đãng, bụi đời. Hai đứa này sẽ được đưa vào một cô nhi viện vì nơi đó chúng mới được giáo huấn nên người, còn theo các ông thì tôi e các ông không đủ điều kiện…

Chú Tịt nói:

- Như thế hai đứa sẽ buồn lắm!

- Thôi! Như thế đủ rồi! Chào các bạn! Tôi còn phải xử các chuyện khác nữa.

- Nhưng, thưa ông!

- Ra ngay!

Thế là giây phút chia ly sắp đến, thật là buồn:

- Hai cháu ở lại nhé!

- Bác Sanh, chú Tịt đi mạnh giỏi!

Đình khóc thảm thiết. Vân cũng khóc theo anh.

- Thôi đủ rồi! Đừng làm lộn xộn nữa!

Nói xong, ông bấm nút điện. Một người cảnh sát xuất hiện ngay.

- Đưa hai người này ra ngoài, rồi đưa hai đứa nhỏ này xuống câu lạc bộ cho chúng nó ăn mỗi đứa một tô phở, chắc chúng nó đói rồi.

Trước khi theo người cảnh sát, Đình lại gần chú Lùn Tịt và thì thầm với chú:

- Cháu đã tìm ra cách trốn rồi, chú đừng lo! Đêm nay chú đợi cháu ở gánh xiếc Bành Tổ!

° ° °

Lúc Đình, Vân vừa ăn xong, một người đàn bà tóc bạc trắng xuất hiện… Người ấy hỏi cảnh sát:

- Đây là hai đứa trẻ mồ côi phải không?

- Thưa bà, phải!

- Chúng là những nhà đu bay trong gánh xiếc? Lạ quá nhỉ… Chúng ăn mặc tươm tất quá.

Đình giận dữ, nói thầm một mình:

- Lúc nào cũng đu bay, đu bay!

- Tôi chỉ có trách nhiệm đem bé gái đi thôi còn đứa bé trai kia thì đến chiều nay sẽ có người khác đến rước. Nào, bé gái cưng, bà sẽ dẫn bé đến một vườn đầy hoa với các đứa bé gái cùng tuổi với bé, bé tha hồ kết bạn và vui đùa. Bé chào anh đi, bà chờ! Anh của bé sẽ có người đến rước sau.

- Xin bà tha lỗi cho con! - Đình nói với vẻ hết sức kính trọng. - Bà cho con được xem chỗ của em con ở, điều đó quan trọng đối với con lắm!

Bà ấy phải thỏa mãn ý muốn hợp lý của Đình, nhưng bà ta có vẻ không bằng lòng.

Bà ta dẫn Đình và Vân vào một gian nhà thật lớn sau khi đi xuyên qua một khu vườn rộng. Vừa gặp một cô gái mặc toàn xanh đi tới bà ta hỏi:

- Bà Giám Đốc có nhà không cô?

- Thưa có! Bà Liên Hương ở trong phòng... Thưa bà kìa! Bà Liên Hương ra kìa!

Một bà đang tiến qua thảm cỏ xanh mát. Mái tóc hoa râm của bà lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời trông như bạc. Đôi mắt bà sáng ngời và giọng nói của bà êm như nhạc:

- Ôi chao! Thế nào? Cậu này lớn thế này mà vào ở với những đứa bé tí hon của tôi trông sao được? - Bà Liên Hương dịu dàng nói với Đình.

- Không phải! Cậu này bắt buộc tôi phải dẫn vào đây để xem em gái cậu ấy được đối xử như thế nào? Bé mà xem ra nghị lực và khôn lắm!

- Như thế thì tốt, có gì đâu! Nào theo bà đi xem cô nhi viện.

Bà Liên Hương dẫn Đình và Vân đi qua các gian phòng sáng sủa, trong đó các em bé búp bê đang vui đùa. Mỗi phòng chứa mười giường nhỏ, toàn trắng. Chỉ một cái giường gần một cửa sổ rộng đưa ra vườn hoa, bà Liên Hương nói với Vân:

- Giường của con đó! Các chị sẽ dắt con đi tắm bây giờ và thay quần áo đồng phục cho con. Chắc con đã thấy, ở đây tất cả đều mặc đồng phục xanh da trời cả.

Rồi bà Liên Hương quay sang Đình:

- Còn về phần con, con sẽ được vào trong cô nhi viện dành cho con trai. Bà Xuân đang chờ ngoài cổng để đưa con đi đó. Bà tin rằng con sẽ xử sự như một người lớn, biết lễ độ với người lớn và tốt bụng với bạn bè. Sao? Con chả nói gì hết vậy?

Đình muốn nói nhiều, nhưng miệng Đình chỉ lắp bắp được một câu:

- Dạ! Thưa bà, chắc con phải buồn chết đi được nếu con phải bị giam lỏng trong bốn bức tường.

Bà Liên Hương vuốt tóc Đình:

- Ôi chao! Con sợ gì lạ vậy? Cô nhi viện đâu phải là ngục tù! Trường học đâu phải là nơi giam lỏng con! Con sẽ được đi chơi phố với tất cả các bạn vào mỗi ngày chủ nhật mà! Thôi, con dặn dò em con rồi đi!

Đình vâng lời một cách miễn cưỡng:

- Anh đi nghe em! Ráng ngoan ngoãn, anh sẽ về thăm em!

Ngoài kia một chiếc xe hơi cũ kỹ đang chờ. Tài xế đang gục đầu ngủ bên tay lái. Bà Liên Hương mở cửa sau đẩy Đình vào xe. Nhưng trước khi lên xe, bà Xuân, người có nhiệm vụ dẫn Đình tới nơi ở, xin bà Liên Hương một cành hoa hồng trong vườn hoa. Bà Liên Hương bèn dẫn bà Xuân đi hái cành hoa hồng đó. Lợi dụng phút này, Đình mở đại cửa xe phóng xuống đất chạy như bay. Người tài xế vẫn còn ngủ bên tay lái không hay biết gì cả.

Đình chạy như điên. Sợ bị rượt theo bắt lại, Đình chọn những con đường nhỏ, những con đường hẻm mà Đình chưa đi qua bao giờ. Chạy không biết bao lâu, Đình cảm thấy mệt muốn xỉu, đôi chân rã rời... Cảm thấy không còn có gì đáng e ngại nữa. Đình dừng chân bên cạnh một tòa nhà đang xây cất. Đình vào đó, tìm một chỗ thật kín, ngồi trốn cho đến tối mịt.

Khi trăng đã lên cao, Đình mới ra khỏi chỗ trốn và tìm đường tiến về hội chợ Hòa Bình, nơi gánh xiếc Bành Tổ đang trình diễn. Chỉ một chút khéo léo và lanh lẹn, Đình vào được nơi gánh xiếc. Tất cả hiện giờ đã ngủ cả rồi. Vài tiếng rống nhớ rừng xanh của một vài con cọp trong cũi sắt thỉnh thoảng vang lên giữa đêm tối.

Đình tìm gặp ngay được ông Sanh và chú Lùn Tịt. Hai người này đang lo âu, chờ đợi tin tức của Đình. Vừa thấy Đình, cả hai nhảy nhỏm vui mừng:

- Đình! Chắc cháu chưa biết, cảnh sát đã vào đây khám xét mọi nơi để tìm cháu đó!

- Cháu cũng đoán như vậy! Nhưng cháu trốn kỹ lắm...

- Cháu làm sao trốn được vậy?

- Mình hãy tìm chỗ kín đáo đã…

- Ờ phải đó! Đề phòng trước bao giờ cũng hơn!

Sau khi tìm được chỗ kín đáo xong xuôi, ông Sanh và chú Lùn Tịt ngồi nghe Đình kể lại chuyện vừa qua.

CHƯƠNG 3 HUNG BẠO

S

áng hôm sau, cảnh sát vẫn còn tiếp tục tìm kiếm Đình, nhưng dễ gì Đình để bị bắt lại!

Dù bị hỏi kỹ lưỡng, ông Sanh và chú Lùn Tịt vẫn quả quyết với họ là hai người chưa gặp Đình và cũng không biết Đình hiện tại đang ở đâu.

Trong lúc cảnh sát bắt đầu chán nản công cuộc truy tầm Đình, Đình được ông Sanh cho hay:

- Ban Giám Đốc gánh xiếc Bành Tổ hứa cho cháu diễn trò đu bay, môn sở trường của cháu ở gánh xiếc nhà, khi nào người ta không còn tìm kiếm cháu nữa.

Đình vui vẻ:

- Nếu thế thì cháu sẽ lãnh được nhiều tiền để dành nuôi em Vân ăn học đến thành tài...

Đình nhìn tương lai toàn màu hồng.

Trong gánh xiếc Bành Tổ có rất nhiều thú được huấn luyện đàng hoàng để trình diễn. Trong số thú này, có hơn một chục con khỉ nhỏ được đặt dưới sự huấn luyện của anh Vẹo. Trước mặt khán giả, đàn khỉ có vẻ rất tự nhiên và rất thương yêu người huấn luyện. Nhưng, sau khi trở về chuồng, chúng trở nên sợ sệt, luôn kéo đuôi lết đất và tìm cách che mặt bởi đôi tay khẳng khiu của mình. Đó là vì anh Vẹo luôn luôn đánh đập chúng. Tay anh lúc nào cũng cầm cây roi gân bò. Thấy một con khỉ có vẻ thông minh nhất đàn mang trên lưng những lằn roi rớm máu, Đình có vẻ bất nhẫn:

- Bác Sanh ơi! Cháu vừa xem anh Vẹo dạy đàn khỉ của anh. Anh ấy đánh dữ quá, cháu thấy một con khỉ khóc thật sự như con nít vậy đó... Anh Vẹo ác quá!

- Cháu đừng để ý đến chuyện đó, ngoài phạm vi của mình cháu ơi! Đừng bỗng dưng rước vạ vào thân!

Thình lình chú Lùn Tịt xen vào:

- Tôi sẽ đánh người đó cho coi! Đâu có quyền gì mà hành hạ thú vật quá vậy! Chúng cũng biết khổ đau có gì khác loài người đâu!

Ý nghĩ phải chứng kiến một trận đánh nhau giữa một người lùn với một người khổng lồ làm ông Sanh bật cười. Ông Sanh cười thật to. Hiểu ý, chú Lùn Tịt đỏ mặt:

- Anh nhạo báng tôi, bởi vì tôi có vẻ một con ếch cạnh một con bò phải không? Để anh xem! Mời anh theo tôi...

Đình lo âu hỏi chú Lùn Tịt:

- Chú đi đâu vậy?

- Đi tìm anh Vẹo bảo anh ấy phải có nhân đạo với đàn khỉ.

Chú Lùn Tịt đi thẳng tới. Ông Sanh và Đình theo sau, cả hai đều nôn nao xem chú lùn hành động ra sao. Vừa đi, chú Lùn Tịt vừa nói:

- Tôi sẽ thẻo tai nó, tôi sẽ đánh nó với chính cái roi nó đánh đàn khỉ, nếu nó không nghe lời tôi! Các anh cản tôi không được đâu!

Ông Sanh cười:

- Chúng tôi có cản anh bao giờ đâu?

Chú Lùn Tịt gãi đầu có vẻ lo âu rồi chạy thẳng vào lều của anh Vẹo. Anh Vẹo đang ngồi yên lặng hút thuốc bên cạnh đàn khỉ của anh ta. Vừa thấy chú Lùn Tịt, anh Vẹo hỏi:

- Anh muốn gì? Anh là ai?

Chú Lùn Tịt bỗng run lên trước đôi mắt nháng lửa của một người từng chế ngự được dã thú. Chú lắp bắp nói không ra lời:

- Tôi... tôi...

- Đi ra mau lên, không tao đập tan xác bây giờ!

Anh Vẹo nhấc bổng chú Lùn khỏi mặt đất và liệng chú ra ngoài.

Ông Sanh và Đình cười rộ khi thấy chú Lùn Tịt té cái bịch trên đất. Đình chạy lại đỡ chú dậy.

° ° °

Đến nửa đêm, ông Ghềnh, ông chủ của gánh xiếc Bành Tổ, đích thân gọi Đình dậy và nói với Đình:

- Mày mặc quần áo mau rồi đi theo tao, mày giúp tao đếm...

Đình ngơ ngác hỏi:

- Thưa ông... đếm gì ạ?

- Đừng hỏi gì nữa vô ích lắm, mày chỉ biết nghe lời tao thôi. Mày mặc xong chưa?

- Dạ xong rồi!

- Được, theo tao!

Ông Ghềnh dẫn Đình đến lều. Các con dã thú vừa trình diễn xong đang nhảy nhót lung tung. Tất cả như có vẻ giận dữ muốn đòi hỏi cái gì. Chúng cứ muốn tông đầu vào các thanh sắt quanh củi để chúng bay ra ngoài. Các con cọp uốn mình thật dẻo dường như muốn bay qua... Các con báo thở phì phò và những đôi mắt màu lục của các con sư tử đang phóng ra những tia sáng ngời. Thấy vậy, Đình hỏi ông chủ:

- Thưa ông! Tại sao các con thú có vẻ náo động dữ vậy?

Ông Ghềnh trả lời:

- Chốc nữa mày sẽ biết!

Ông Ghềnh rút trong túi áo ra một cuốn sổ tay và một cây bút chì.

Đình bỗng thấy khoảng hai chục đứa trẻ trạc tuổi nó, mỗi đứa xách một cái túi vải đang bị rung rinh bởi những cái nhảy kỳ lạ. Ông Ghềnh nói to:

- Lại đây!

Một đứa trẻ tay cầm túi tiến tới.

Ông Ghềnh nói với Đình:

- Mày để ý đếm số mèo tao liệng cho cọp nghe!

Ông ta mở rộng túi vải. Năm con mèo đang kêu meo meo bị liệng qua song sắt và chỉ chốc lát bị biến mất trong các hàm răng của dã thú.

Khi túi vải đã hết mèo, ông Ghềnh hỏi Đình:

- Bao nhiêu con vậy?

Đình trả lời, mặt nó bỗng xanh mét lạ thường:

- Năm con!

- 50 đồng mỗi con, mày tính xem 5 con giá bao nhiêu?

- 250 đồng!

- Tốt! Tới phiên đứa khác!

Đình hiểu ngay tức khắc đây là những con mèo bị bắt cóc hồi ban ngày trong các nẻo đường hoặc trên các thành cửa sổ nơi chúng đang nằm ngủ ngon lành dưới ánh sáng mặt trời. Đình bỗng thấy một con mèo lông trắng mướt có một dây băng xanh ở cổ đang biến mất trong cổ họng một con sư tử cái.

Buổi ăn của các thú dữ chấm dứt. Ông Ghềnh cũng trả tiền mua mèo xong xuôi. Ông ra lệnh cho Đình về ngủ. Khi Đình vừa đi được vài bước, Đình bỗng nghe một tiếng mèo kêu thật nhẹ, Đình quay lại: Một con mèo con không biết nhờ đâu đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử đang nằm ngoe nguẩy trước mắt Đình. Đình nhanh nhẹn cúi xuống bế mèo lên giấu vào trong áo và đi thẳng về chỗ ngủ.

Ông Sanh đang ngồi hút thuốc. Vừa thấy Đình, ông nói ngay:

- Đình đấy à! Có gì lạ không?

- Tại sao bác biết?

- Bác biết cháu làm gì nữa kia! Hôm nay anh Vẹo mét với ông chủ rằng cháu hay xúc động, có vẻ thương thú vật lắm. Vì thế, ông chủ muốn dạy cháu bài học cứng rắn vì có như thế mới theo nghề xiếc được.

- Bác ơi! Ghê tởm lắm! Người ta quăng mèo còn sống cho các thú ăn thịt!

- Các thú dữ thích ăn thịt sống lắm, hơn nữa có ăn thịt sống, chúng mới được quắc thước và khỏe mạnh. Ông chủ đã mua mèo do bọn trẻ bắt cóc đem bán, vì mua như thế rẻ hơn mua thỏ sống ở chợ. Cháu phải biết rõ như thế, chả có gì lạ cả!

- Như thế thì cháu sẽ không ở lại đây nữa! Bác chữa giùm cháu con mèo này đi. Con mèo này bị gãy một chân.

Ông Sanh lau vết thương rồi băng chân mèo lại.

- Cám ơn bác! Chào bác! Cháu đi ngủ đây!

- Đình, chờ bác một lúc. Cháu hãy nghe bác, cháu còn nuôi nhiều ảo tưởng về cuộc đời, nhưng về sau cháu sẽ thấy cuộc đời phải như vậy đó, cứng rắn, tàn bạo! Cháu muốn đi vì cháu không chấp nhận được sự tàn bạo mà cháu đã chứng kiến. Bác hiểu cháu lắm, nhưng bác đã già rồi, bác không thể theo cháu lang thang đây đó được. Bác đã ký làm ở đây luôn rồi, nên bác phải ở lại... Bác không muốn phải xa cháu.

Đình suy nghĩ rồi nói:

- Trong gánh xiếc Bồ Câu của mình, chưa ai hành hạ thú vật một cách vô ích như anh Vẹo đã hành hạ đàn khỉ của anh. Ngày mai, cháu sẽ ra khỏi nơi đây, cháu đi bất cứ nơi nào để tìm cách sống khác!

- Còn con mèo bị thương này? Làm sao cháu đem nó theo được? Nếu cháu để nó ở lại đây, nhất định nó sẽ chịu chung số phận với các đồng bạn của nó.

Đình lặng lẽ đi ngủ, không trả lời.

CHƯƠNG 4 MÈO ĐƯA THƯ

S

áng hôm sau, ông Sanh lại hỏi Đình:

- Sao! Cháu vẫn còn giữ ý định đêm qua?

- Dạ! Để cháu gọi chú Tịt.

Chú Lùn Tịt còn đang ngủ, chú ngáy khò khò. Đình phải lay chú dậy:

- Chú Tịt ơi! Dậy đi, cháu nhờ chú một tí! Cháu phải đi ngay bây giờ! Cháu rời bỏ đoàn xiếc này để dấn thân vào cuộc hành trình mới. Vì thế cháu phải nhờ chú giúp đỡ. Cháu sẽ đem con mèo bị thương bỏ vào vườn hoa cô nhi viện chỗ em Vân ở. Bà Giám Đốc ở đó là một thiên thần! Cháu sẽ gởi cho bà ấy một bức thư cột ở cổ mèo nhờ bà săn sóc em Vân hộ.

Chú Lùn Tịt lồm cồm ngồi dậy:

- Cháu bỏ đi à? Cháu đi đâu chú theo đó! Dù cháu không muốn chú cũng theo...

Đình liền xếp quần áo và đồ dùng hằng ngày vào một cái xắc, rồi Đình viết cho bà Liên Hương một bức thư như sau:

Kính thưa bà Liên Hương,

Trước tiên, con xin lỗi bà, xin bà tha lỗi cho con về tội con đã bỏ trốn không vào ở trong cô nhi viện. Thưa bà! Con phải trốn là vì con không thể nào sống mất tự do trong bốn bức tường cô nhi viện được... Con hứa với bà, con sẽ cố gắng can đảm đón nhận mọi hoàn cảnh khó khăn, con sẽ làm việc và con sẽ để dành cho em Vân một phần lớn tiền kiếm được để dành cho tương lai của em Vân con.

Con xin gởi bà một con mèo tình cờ con cứu được nó khi nó sắp bị thú dữ nghiền nát. Con mèo này bị gãy chân đó, thưa bà!

Con xin kính chào bà và xin bà săn sóc giúp em Vân con, con xin đội ơn bà!

Cuối cùng con xin bà đừng báo tin với cảnh sát là bà đã biết tung tích con. Con tin tưởng nơi bà!

Kính chào bà

Nguyễn Văn Đình.

Con mèo mang ở cổ bức thư để gửi bà Liên Hương sắp được vào ở trong vườn hoa cô nhi viện.

Tối đến Đình và chú Lùn Tịt lìa khỏi gánh xiếc và tiến về hướng cô nhi viện.

Cô nhi viện được một bức tường cao bao quanh. Chỉ nháy mắt hai nhà xiếc đu lên cao và bỏ con mèo xuống đám cỏ bên kia tường.

- Kìa, chú Tịt xem kìa! Cái cửa sổ chỗ giường em Vân, gần cành hoa hồng đó! Mình đến đó xem em Vân đang làm gì?

- Chú, em Vân kìa! Vân xinh quá hé chú! Những lọn tóc nhỏ hai bên tai Vân thật đẹp! Cả cái áo xanh da trời nữa! Để Vân ở đây cháu chả lo ngại gì cả!

- Ô kìa chú Tịt! Sao chú khóc? Sao chú thiếu can đảm vậy? Chắc chú cũng muốn cháu và em Vân không theo nghề xiếc nữa?

Chú Lùn Tịt mếu máo nói:

- Cháu Đình ơi! Chú khóc bởi vì chú thương cháu Vân quá! Chú nhớ có một lần Vân nói với chú: "Chú Tịt, chú bảnh quá!" với một giọng thật êm dịu, trong khi tất cả những đứa trẻ khác đều ngạo chú tật nguyền. Chú thương cả hai anh em cháu... Chú theo cháu…

- Cháu biết chú không bao giờ bỏ rơi cháu! Chú vừa mới quyết định theo cháu hả chú?

- Vừa mới hả? Cháu lầm rồi, chú quyết định từ lúc sáng cơ mà, lúc cháu gọi chú dậy đó. Đây là bằng chứng: Cháu kéo sợi dây thun quần chú đi!!

- Dây thun quần của chú... Chi vậy chú?

Đình vô cùng ngạc nhiên.

- Thì cháu cứ kéo đi rồi sẽ rõ!

Trước thái độ quyết liệt của chú Lùn Tịt, Đình phải chấp thuận kéo dây thun quần chú và nhờ đó, Đình nhận thấy chú Lùn Tịt đã để trong quần một gói quần áo của chú từ hồi nào...

Đình cười:

- Hèn chi, cháu thấy chú bỗng nhiên mập phì ra!

° ° °

Sáng sớm, một chị giữ em vừa mở cửa phòng thì thấy ngay một cái gì có vẻ khác thường...

- Kìa một con mèo! Con mèo lại đeo ở cổ một tờ giấy nữa. Lạ quá! Mình đến xem giấy đó là giấy gì?...

"Kính gởi bà Liên Hương… "

- Thưa bà! Thưa bà! Thưa bà Liên Hương!

Nghe gọi, bà Liên Hương mở một cửa sổ ló đầu ra hỏi:

- Có gì vậy, cô Bích! Tại sao cô la to vậy? Chắc cô biết tôi không muốn ai làm ồn phá sự yên tĩnh trong này!

- Xin lỗi bà! Nhưng tôi gặp một con mèo ở gần cửa… Con mèo này có đeo một bức thư gởi cho bà.

- Một con mèo? Ai gửi thư cho tôi vậy? Cô chờ một lát, tôi đến ngay! Ai có thể gởi đến cho tôi con vật nầy? Ồ! - Bà giám đốc la lên. - em Nguyễn Văn Đình. Em ấy đã nhớ đến tôi... Không phải là một tên bụi đời tầm thường... Xem cậu ta viết cho mình cái gì nào...

Bà Liên Hương ngồi trên một bậc thềm và bắt đầu đọc bức thư của Đình gởi cho bà; bà đọc nhanh bức thư ngắn ngủi đó, nhưng bà có vẻ suy nghĩ thật nhiều sau khi đọc xong… Phải chăng, không nên báo tin cho cảnh sát biết có một đứa bé mới mười một tuổi đầu đang dấn thân lang thang trên các nẻo đường? Bà Liên Hương tính điện thoại báo cho cảnh sát biết nhưng rốt cuộc bà từ bỏ ý định đó; đôi mắt nghiêm nghị có vẻ người lớn của đứa bé, lòng thương xót thú vật của đứa bé, nhất là sự lo lắng đặc biệt cho cuộc sống và tương lai em mình, tất cả là những chứng cớ hùng hồn cho lòng tốt và sự ngay thẳng của tâm hồn đứa bé… Phải! Bà không có quyền làm tiêu mất gia tài còn lại độc nhất của Đình: Sự tự do!

CHƯƠNG 5 TRÊN ĐƯỜNG TỰ DO

Đ

ình và chú Lùn Tịt rời khỏi thành phố Sài Gòn. Hai người đã lén trèo lên một xe chở hàng và núp trên những kiện hàng trong xe đó. Nhờ nhanh nhẹn, khéo léo, hai người đã làm tài xế không để ý và không hay biết gì hết.

Đình và chú Lùn Tịt chưa biết đi đâu cả, hai người chỉ cần làm sao rời khỏi Sài Gòn để tránh màng lưới của cảnh sát đã!

Ngồi trong chiếc xe cam nhông đang vùn vụt trên quốc lộ, Đình và chú Lùn Tịt sung sướng hưởng bầu trời đẹp xanh lơ và tự do. Cho đến lúc khi chiếc xe bắt đầu quẹo vào một nông trại, cả hai vội vã nhảy xuống đất. Nhìn qua kính chiếu hậu, tài xế chiếc xe vô cùng ngạc nhiên khi thấy giữa quốc lộ vắng vẻ, bỗng nhiên có một đứa bé và một anh lùn đang đi bộ mà mới lúc nãy, anh ta không thấy gì cả.

Ngày hôm đó chả có chuyện gì xảy đến cho hai người, nhưng ngày hôm sau, một vấn đề tế nhị bắt đầu được đặt ra. Chú Lùn Tit đã lấy cắp trong bếp của gánh xiếc Bành Tổ vài món ăn, nhưng hiện giờ không còn gì hết. Và lại phải nghĩ đến bữa ăn chiều...

Đình hỏi:

- Chiều nay mình ăn gì hả chú?

Vừa nghe Đình hỏi, chú Lùn Tịt giơ tay chỉ ra phía chân trời trước mặt:

- Cháu xem kìa! Các cô, các bà đang gặt lúa! Cháu có nghe họ đang hò, hát không?

Quả nhiên, một luồng gió đưa đến tai Đình những câu hò, những bài hát thật êm đềm, đầy vẻ thôn quê dân tộc. Nhưng Đình không lấy gì làm thích thú lắm, vì Đình đói. Thấy chú Lùn Tịt lảng sang câu chuyện khác, Đình hỏi lại:

- Cháu hỏi chú là chiều nay mình làm thế nào có gì ăn đây? Chú mơ mộng quá!

- Chú đâu có mơ mộng! Cháu nghe chú nói đây: Các cô, các bà gặt lúa - Lùn Tịt - Đình - một bữa ăn chiều ngon lành...

- Như thế nghĩa là thẽ nào?

- Chờ cho đám thợ gặt nghỉ về nhà ăn cơm, lúc bây giờ cháu sẽ thấy...

Một lúc lâu sau, đám thợ gặt ngừng tay và tụ họp lại trở về nhà. Thấy vậy chú Lùn Tịt la lên:

- Họ về kìa… Mình theo họ ngay!

Đình nắm áo chú Lùn Tịt lại:

- Chú muốn làm gì vậy? Chú không được ăn xin lòng tốt của họ đó nghe!

- Không! Cháu cứ yên chí! Chú không làm vậy đâu! Cháu ở đây nhá! Chừng nào chú gọi hãy lại!

Vừa nói xong, chú Lùn Tịt chạy một mạch đến chỗ đám thợ gặt đang tụ họp. Chợt hiểu ý định của chú Lùn Tịt, Đình la to:

- Trở về! Trở về! Chú...

Nhưng chú Lùn Tịt không nghe lời kêu gọi của Đình… Chú nhào lộn mấy vòng, đi bằng hai tay đến chỗ đám thợ gặt đang ngồi nghỉ. Rồi chú còn biểu diễn nhiều trò hề làm mọi ngươi cười nôn ruột. Đám thợ gặt bất ngờ được xem những màn biểu diễn kỳ thú.

Hiện nay, các gánh xiếc được chia làm ba loại rõ rệt: Loại thứ nhất tổ chức qui mô chuyên trình diễn ở các thành phố lớn như gánh xiếc Bành Tổ, loại thứ hai nhỏ hơn loại nhất nhiều, trình diễn ở các làng mạc xa xôi, còn loại thứ ba gồm có một vài nhà xiếc hết thời chỉ dám đi biểu diễn tài nghệ mình từ xóm hẻo lánh này đến xóm hẻo lánh khác với mục đích kiếm cơm và kiếm chỗ ngủ mà thôi...

Đình vô cùng giận dữ khi thấy chú Lùn Tịt tự hạ đẳng cấp xiếc của mình, chú đã từ đẳng cấp cao nhất hạ xuống đẳng cấp cuối cùng.

Đám thợ gặt đang vỗ tay ào ào hoan nghênh những trò hề của chú Lùn Tịt.

Nhưng không có gì kích thích và lôi cuốn các nhà xiếc bằng những tiếng vỗ tay hoan nghênh của khán giả, vì thế Đình đã bị hút hồn và tự động nhào xuống đất đi bằng hai tay...

"Kính thưa quý vị khán giả thân mến! - Chú lùn nói - Không những chúng tôi trình diễn cho quý vị xem màn "Trò leo Thất sơn" mà còn muốn trình diễn thêm màn "Phi thuyền" vừa mới nhập cảng ở bên Tàu… Nhưng vì, thưa quý khán giả, xưa kia có một tục ngữ như thế này: Có thực mới vực được đạo!"...

- Anh này đói! Mời anh ấy ăn cơm đi các chị!

- Mời anh ấy uống rượu đi!

Tất cả đều mời mọc chú Lùn Tịt hết sức ân cần, nhưng không ai để ý đến sự hiện diện của Đình cả. Thấy vậy, Đình nói dỗi:

- Thôi! Chú Lùn Tịt ở lại đây nhé! Cháu đi một mình vậy!

Chú Lùn Tịt kéo áo Đình lại:

- Cháu chờ chú một lát! Chú sẽ chia cháu phân nửa! Phải kiên nhẫn cháu ơi!

Đình vẫn không chịu:

- Không! Cháu đi! Chú ở lại đây với khán giả của chú đi!

Lúc bấy giờ, mọi người mới để ý đến Đình. Thấy Đình nằng nặc đòi đi, một người nói:

- Em nghe lời anh ấy cho anh ấy vui lòng!

Chú Lùn Tịt khẩn khoản:

- Cháu tính đi đâu bây giờ? Trời tối rồi! Cháu xem quanh đây đó, toàn là ruộng nương không à, cháu sẽ té xuống chết chìm cho xem. Ngày mai mình sẽ đi chả muộn, đừng đi ngay đêm nay, nguy hiểm lắm cháu ơi! Mình phải nhẫn nại để có chỗ ngủ đêm nay... Kìa! Người ta đem đến hai phần ăn đó, cháu thấy không, họ đâu có quên cháu! Cám ơn họ đi cháu, rồi mình ăn.

Đình thì thầm:

- Cám ơn!

Chú Lùn Tịt nói thật long trọng:

- Cám ơn thật nhiều lòng tốt của quý vị... Cám ơn bà!

- Các ông ăn đi, ăn cho thật no rồi các ông theo anh Ba về ngủ ở nhà ngoài anh ấy, sáng hãy đi!

- Cám ơn bà!

Chú Lùn Tịt quay sang Đình:

- Đó cháu thấy không! Mình có chỗ ăn và chỗ ngủ đàng hoàng rồi đó, khỏi phải ngủ giữa cảnh màn trời chiếu đất!

Đình nói có vẻ lơ đãng, chả chú ý gì đến sự thành công của chú Lùn Tịt cả:

- Cháu muốn sống được nhờ chính đôi tay và mồ hôi của cháu!

Chú Lùn Tịt ngạc nhiên trước lời nói của Đình:

- Bộ từ nãy giờ mình sống không nhờ chính đôi tay và mồ hôi của mình à?

- Cháu không thích làm việc theo kiểu đó! Nếu cực chẳng đã, cháu sẽ vẽ tranh trên đất như ở Sài Gòn. Phấn màu của cháu còn ở trong xắc không chú?

- Cháu có lý! Hội họa là một lối làm việc chú không theo được, vì đó là một nghệ thuật... nhưng không phải bất cứ một nghệ sĩ nào cũng có thể trở thành một nhà hát xiếc được!

Đình có vẻ hãnh diện về tài nghệ của mình:

- Sáng mai, cháu sẽ vẽ một bức tranh lộng lẫy trên vách ván cũ ngôi nhà mình ngủ tối nay, để mọi người thấy tài nghệ của cháu.

Sáng hôm sau, đang ngủ ngon, chú Lùn Tịt phải bừng mắt dậy vì những tiếng la lao xao bên cạnh.

Vừa thấy chú, một người la chú một thôi làm chú xlểng niểng chả biết trời trăng gì hết:

- Anh để thằng nhỏ vẽ bậy trên vách nhà tôi như thế hả? Cái vách như thế này mà nó lại nó trét đầy phấn tùm lum... Anh coi đó! Bọn đi hoang các anh chỉ làm hại thiên hạ mà thôi!

Chú Lùn Tịt nhìn lên vách! Nhà họa sĩ trẻ tuổi tài ba vừa vẽ xong một con công đang đậu trên một cành cây trong một khu rừng thưa. Và Đình đang đứng cạnh bên bức tranh, mặt tái mét.

Sợ Đình nổi cơn giận lên thì lại càng nguy hiểm hơn nữa, chú Lùn Tịt vội nắm tay Đình kéo ra ngoài. Dù vậy, Đình cũng cố gắng nói được vài lời:

- Các ông không hiểu nghệ thuật gì hết!

Thấy tình thế đã trở nên nguy hiểm, vừa kéo Đình vừa chạy vừa nói:

- Mình ra khỏi đây ngay! Nơi đây không phải là môi trường của các nghệ sĩ chúng ta!

Cả hai tiến thẳng ra quốc lộ.

° ° °

Đồng hồ nhà ai vừa gõ mười hai tiếng khô khan. Trời trưa nắng thật gắt. Thỉnh thoảng các mùi xào nấu từ các gian nhà bay ra xông vào mũi làm Đình khó chịu và rạo rực trong lòng. Đình và chú Lùn Tịt đã đi bộ suốt hơn bốn tiếng đồng hồ, đi về hướng vô định, tới đâu thì tới. Cả hai đều gần như kiệt lực.

Đình nói:

- Tất cả mọi người sắp ăn trưa rồi!

Vừa nghe Đình nói, chú Lùn Tịt mỉm cười:

- Thì người ta ăn, mình cũng ăn! Bộ mình không có gì sao?

Nói xong, chú Lùn Tịt ngồi xuống đất trong bóng râm của một hàng bã đậu mọc bên đường.

- Chú quên kể cho cháu nghe chuyện kỳ lạ chú vừa trải qua hồi sáng nay. Đố cháu biết chuyện gì? Ô kìa! Sao cháu không ngồi?

- Cháu nghe đây!

- Cháu phải ngồi xuống chú mới kể được chứ! Cháu đứng y như một ông quan tòa vậy!

- Một ông quan tòa! Chú nói gì lạ vậy!

Tuy nhiên, Đình vẫn đứng và chú Lùn Tịt bắt đầu kể:

- Cháu biết không... Cháu đừng cười nghe! Cháu hãy đoán thử xem cái gì xảy ra sáng nay, khi cháu đang vẽ trên vách? Khi đó chú đang ngủ, ngủ một cách hết sức êm đềm, ngủ thật ngon, thì thình lình chú choàng tỉnh dậy vì một tiếng ồn chói tai: "Cục tác, cục tác!"

- Rồi sao nữa chú?

- Cháu đừng nóng! Chú phải kể mạch lạc từ từ cháu mới hiểu được vì việc này có vẻ rất khó tin, nhưng có thực! Chú choàng tỉnh dậy, nhìn chung quanh và nhìn thấy bốn, à có lẽ nhiều hơn, năm hay sáu con gà mái gì đó đến đẻ mỗi con một trứng ngon lành. Chú không thể nào ngờ được, chú chỉ còn cách nhặt các quả trứng đó bỏ vào túi.

Nói tới đây, giọng của chú Lùn Tịt hết sức long trọng:

- Đúng là Thượng Đế đã chứng tỏ sự hiện diện của Người!

Đình ngó thẳng vào mắt chú Lùn Tịt:

- Nếu ba cháu còn sống, ba cháu cũng sẽ chứng tỏ cho chú thấy sự hiện diện của ba cháu… Nhưng, chắc chú biết, ba cháu cấm tuyệt đối ăn trộm! Và chú cũng biết có những nhà tù chỉ dùng để giam những người ăn trộm!

- Cháu Đình ngây thơ quá, cháu quên một điều?

- Điều gì?

- Điều.. một nhà hát xiếc có thể lấy bất cứ một cái gì không ai có thể biết được.

- À ra thế... Cháu bắt đầu hiểu vì sao dù vỗ tay ào ào, mọi người vẫn không có vẻ gì kính nể chúng ta cả... Cháu sẽ không ăn những quả trứng này đâu...

Mặc dù chú Lùn Tịt nài nỉ hết sức, Đình vẫn nhứt định không ăn một trứng nào hết. Đình nhịn đói đến nửa đêm. Hai người ngủ trên một đống rơm cách một căn chòi hoang giữa đồng trống. Đến nửa đêm, đói quá chịu không nổi, Đình phải thức dậy mở túi: trong túi vẫn còn bốn quả trứng ngon lành!

- Cháu nghĩ - Đình càu nhàu nói trong khi tay dùng kim xuyên lỗ quả trứng thứ tư để nút - Chú đã vào chuồng gà như một tên trộm tầm thường để cắp trứng khi cháu đang ngủ.

- Đình. Chú xin thú nhận với cháu từ trước đến nay chú có tật ăn cắp, nhưng chú chỉ ăn cắp để làm trò đùa thôi, chú chưa có làm gì xấu xa cả. Chú ăn cắp chỉ có mục đích độc nhất để cháu khỏi chết đói! Chắc cháu thông cảm chú rồi, phải không cháu.

Hôm sau, hai chú cháu lại tiến bước đến phương trời vô định. Thấy một bác nông phu đang dẫn những con bò khổng lồ, chú Lùn Tịt và Đình chạy đến trước mặt chào kính cẩn và nói:

- Thưa ông! Ông có cần dùng thợ gặt không ạ?

Hai người đã hỏi câu này nhiều lần trong ngày rồi nhưng than ôi, không có kết quả gì cả! Vừa nghe chú Lùn Tịt hỏi, bác nông phu nhìn chung quanh và nói:

- Cần chớ! Nhưng thợ ở đâu?

Chú Lùn Tịt đáp:

- Dạ! Chính chúng tôi đây!

Nghe chú Lùn Tịt trả lời, bác nông phu bật cười:

- Một anh chàng lùn và một đứa con nít! Mướn mấy người để đút cơm à!

Chú Lùn Tịt nhẫn nại:

- Tuy tôi lùn, tuy cháu tôi còn con nít, nhưng chúng tôi là những nhà hát xiếc, nếu ông muốn, chúng tôi sẽ về nhà ông trình diễn những màn đặc sắc, bù lại chúng tôi chỉ xin....

Bác nông phu lắc đầu:

- Cám ơn! Hiện nay có nhiều nhà hát xiếc qua làng tôi lắm, mới sáng nay, có một người vừa ra khỏi làng sau khi đã trình diễn suốt ba ngày những trò ảo thuật lạ lùng.

Chú Lùn Tịt hỏi, chú có vẻ hơi ganh tị với địch thủ.

- Trò gì mà ông cho là lạ lùng?

- Chẳng hạn như: để một bức thư bên lỗ tai này, rồi lấy ra ở lỗ tai kia... Anh có thể làm được như vậy không?

- Xin lỗi ông, nhà ảo thuật đó có làm trò lấy ở mũi ra một con chuột trắng không?

- Có!

- Người đó sói đầu?

- Phải!

- Đúng tên Lãnh rồi! Hai chú cháu la to một lượt... Ông có biết người đó đi về đâu không?

Bác nông phu giơ tay chỉ một con đường nhỏ giữa hai hàng cây:

- Có lẽ giờ này, người đó đang ở trong một ấp nào về phía đó để tìm chỗ ngủ đêm nay!

Đình nói dồn dập:

- Cám ơn! Cám ơn ông ngàn lần!

Cả hai chú cháu chạy như bay, để lại một đám mây bụi sau lưng làm bác nông phu vô cùng ngạc nhiên. Nhưng, dù tìm khắp nơi, hai người vẫn không thấy tung tích tên Lãnh.

Khi hoàng hôn hồng xuất hiện trên dòng sông Đồng Nai uốn khúc, chú Lùn Tịt và Đình đến một ấp trù phú. Hai người thấy dân ấp đang bu quanh và có vẻ cổ võ một người ở giữa hết sức nhiệt liệt. Đình và chú Lùn Tịt đến gần xem thì thấy tên Lãnh, đúng hắn ta rồi, đang giơ hai tay lên trời phân bua với mọi người là khi hắn ta đang ngủ không biết tên trộm nào đó đã lấy mất mấy cái túi vải đựng gần hai triệu đồng bạc của ông ta.

Chú Lùn Tịt nói nhỏ với Đình:

- Đúng là số tiền nó giật của cháu đó.

Đình tiếp lời chú Lùn Tịt:

- Với số tiền đó, cháu và Vân đâu phải khổ sở như thế này!

Tên Lãnh chưa thấy Đình và chú Lùn Tịt. Tức quá, Đình la lên:

- Tên phản bội! Ăn cướp!

- Trời! Đình, Tịt! Hai người đến tận đây à?

- Ờ! Chúng tao đó! Chắc mày không ngờ phải không?

Vừa nói xong câu đầu tiên, chú Lùn Tịt phóng mình lên nắm cổ tên Lãnh, còn Đình cũng nhào tới đá vào chân tên Lãnh túi bụi. Vừa đánh tên Lãnh, Đình vừa giải thích cho mọi người hiểu là tên Lãnh đã phản bội và ăn cắp tiền của hai anh em nó…

Biết rõ chuyện, mọi người rống lên phỉ nhổ tên Lãnh dữ dội. Tên Lãnh mặt đỏ như gấc chín, đứng yên chịu trận.

Thình lình, một đứa trẻ chạy đến báo tin:

- Cảnh sát đến!

Mọi người la lên:

- Giữ tên phản bội lại kẻo nó chạy!

Mọi người không ngờ khi đó chú Lùn Tịt lại buông tên Lãnh ra và đồng thời Đình cũng không đá chân tên Lãnh nữa, cả hai bỏ chạy ra khỏi ấp trước cặp mắt vô cùng ngạc nhiên của mọi người. Lợi dụng phút hỗn loạn đó, tên Lãnh chạy trốn về phía ngược chiều với hai chú cháu Đình và biến mất ở chân trời.

- Tên trộm đâu? Người bị mất trộm đâu? - Cảnh sát hỏi.

- Kỳ quá! Vừa nghe tin cảnh sát đến cả hai phía đều chạy mất tiêu…

Mọi người chạy tản ra đồng tìm kiếm... Đình và chú Lùn Tịt sợ bị bắt gặp phải núp ở một hốc đá. Đến nửa đêm, hai người nghe tiếng nói lao xao bên ngoài. Sợ cảnh sát đi tìm, hai người không dám trườn đầu ra. Nhưng Đình cũng lén nhìn ra xem. Đình thấy ba người đang nói chuyện với nhau:

- Nơi đây kín đáo lắm, mình có thể chia tiền lấy được của tên hát xiếc rồi!

Đình thì thầm:

- Trời ơi! Tiền của tôi!

- Còn những giấy này mình quăng đi, đem theo làm chi cho mệt!

Liền lúc đó, Đình thấy một vật rơi vào cạnh chân mình. Đình lượm lên: thì ra đó là giấy tờ của anh em Đình.

Khi bọn cướp đã đi xa, Đình cùng người chú tật nguyền ra khỏi hốc đá và lại bắt đầu đi nữa, vì hai chú cháu lúc này không thấy buồn ngủ gì cả.

Chợt nghĩ đến thân phận hẩm hiu, Đình buồn tủi nước mắt chảy dài:

- Tiền của mình ở ngay trước mắt mà mình không lấy được! Trời ơi! Phải chi mình lớn cỡ hai mươi tuổi thì mình có thể lấy lại được rồi!

Nhờ ánh sáng trăng vừa xuyên thủng mây trời chiếu xuống đất, Đình có thể đọc được các giấy tờ của anh em Đình:

"Nguyễn Văn Đình, sinh ngày 22-8-1959...

"Nguyễn Thị Vân, sinh ngày 12-2-1966...

Thình lình, một tiếng còi xe lửa chát chúa nổi lên giữa đêm khuya vọng vào tai hai người. Chú Lùn Tịt mở to hai mắt nhìn đến tận chân trời: một đoàn xe lửa chở hàng hóa vừa đỗ trước một ga nhỏ đang lóng lánh dưới ánh trăng.

- Đình! Mau lên! Mình theo xe lửa kia để đi thoát khỏi nơi nầy!

Hai chú cháu chạy thục mạng xuyên cánh đồng, bất chấp cả gai góc cào chân.

- Nhanh lên! May ra kịp!

Đình và chú Lùn Tịt leo lên một toa xe trống một cách dễ dàng và té nhào trên đống rơm trong toa xe.

Sau khi đoàn tàu bắt đầu lăn bánh, cả hai đều tự hỏi:

- Đoàn tàu này đi đến đâu?

° ° °

Những tia sáng đầu tiên của mặt trời đã chiếu vào toa xe, nơi chú Lùn Tịt và Đình đang nằm ngủ.

Đình vươn vai ngáp dài. Thấy vậy, chú Lùn Tịt nói:

- Nếu cháu còn buồn ngủ, cháu cứ ngủ nữa đi!

- Không! Cháu hết buồn ngủ rồi!

- Như thế tại sao cháu ngáp? Hay là tại bộ tiêu hóa của cháu hôm nay xấu?

- Ngáp là lẽ dĩ nhiên khi người ta không có gì trong bụng!

- Như thế cháu đói phải không Đình?

- Thưa chú phải! Vậy mình làm thế nào bây giờ?

- Trời! Chú ngu quá, phải chi chú nghĩ tới sớm một chút! Đúng là từ hôm qua đến nay mình không có một hột cơm nào vào bụng cả!

- Điều khổ nhất hiện nay là chúng ta không có một đồng dính túi để mua cái gì ăn cho đỡ đói…

Lúc đó, đoàn tàu đang chạy nhanh bỗng chậm dần và ngừng lại trước một ga. Nhìn ra ngoài, chú Lùn Tịt nói:

- Chúng ta đến Tháp Chàm rồi! Cháu ngồi đây chờ chú một lát, chú trở về ngay!

Chú Lùn Tịt xuống tàu và chạy như một thằng điên. Vài phút sau, chú trở về có vẻ hết sức vội vã. Chú vừa thở hổn hển vừa nói:

- Đình! Mình trèo lên nóc toa xe bên cạnh, mau lên!...

Giọng chú có vẻ ra lệnh bắt buộc chớ không như thường lệ.

Đình ngạc nhiên cực độ:

- Nhưng… tại sao vậy chú? Mình ở đây được mà!

- Mau lên cháu! - Chú nói như van xin, mắt láo liên.

- Được! - Đình vừa trèo vừa nói - nhưng chú phải nói cho cháu biết lý do tại sao mình phải đổi chỗ như thế này? Mình sống có vẻ đen tối quá!

- Đen tối còn hơn bụng rỗng!

- Cháu không hiểu gì hết! Cháu đã có gì vào bụng đâu!

- Có chứ!

Chú Lùn Tịt có vẻ rất đắc ý đưa cho Đình một ổ bánh mì thịt.

- Tại sao chú có được vậy?

- Chú có được trong trường hợp có vẻ khó tin lắm, nhưng có thực… Chắc cháu thấy chú chạy khi xuống xe… hồi lúc nãy…

- Có! Cháu có thấy!

- Khi đang chạy, chú bỗng té vào một xe bán bánh mì…

- Chú tiếp tục đi...

- Trên xe, có nhiều ổ bánh mì có thịt sẵn để bán cho khách hàng.

- Chuyện này giống như chuyện con gà đẻ trứng của chú quá!

- Chú thề với cháu là kỳ này chuyện có thực đúng y như chú kể... Khi té vào xe bánh mì đó, chú làm hai ổ bánh mì rơi xuống đất. Người bán vì vệ sinh, bỏ hai ổ bánh mì đó, nên chú lượm...

Đoàn xe chuyển động... Chú Lùn Tịt thở phào nhẹ nhỏm:

- Thế là tàu chạy rồi! Khỏe quá!

Đình ngó thẳng vào mắt chú Lùn Tịt:

- Tại sao chú lại thấy khỏe khi tàu chạy?

- Tại vì... chú cũng không rõ... Có lẽ tại chú thấy Tháp Chàm buồn quá! Thôi cháu ăn đi, ăn cho no đi cháu!

Đình vừa để ổ bánh mì vào miệng cắn thì...

- Ăn trộm! Ăn trộm!

- Tiếng la vang rền ở ga làm mọi người hốt hoảng chả biết vụ gì.

Đình nghiêng đầu xuống xem chuyện gì xảy ra. Nhiều người đứng dưới ga xem đoàn tàu lăn bánh. Và một người đang chỉ tay lên các toa tàu:

- Chắc chắn nó trốn trên đó! Nó giựt của tôi hai ổ bánh mì. Nó nhanh như khỉ!

Đình đã nghe rõ tất cả. Chú Lùn Tịt kéo áo Đình:

- Cháu đừng nghiêng đầu xuống quá, nguy hiểm lắm. Hơn nữa đừng để ai thấy mình.

Đoàn tàu chạy càng lúc càng nhanh và qua khỏi ga Tháp Chàm.

Đình nghiêm khắc:

- Như thế mà chú dám nói là chú lượm được hai ổ bánh mì... Đã mấy lần cháu xin chú đừng ăn cắp nữa, chú biết không?

Biết ý Đình, chú Lùn Tịt phải van xin dữ dội:

- Chú hứa với cháu từ giờ trở về sau chú không ăn cắp nữa!

- Chú đừng để cháu mang tiếng ăn cắp... Như thế cháu sẽ hư suốt đời và em Vân không bao giờ ngẩng đầu lên được!

Chú Lùn Tịt xúc động trước lời nói của Đình:

- Chú thề với cháu từ giờ đến chết chú sẽ không bao giờ ăn cắp vặt nữa. Cháu tin chú nghe cháu!

- Cháu tin chú! Cháu nghĩ lần này chú thành thật và cháu khỏi bị ám ảnh phải đi với một người không lương thiện...

° ° °

Đoàn tàu chạy vun vút... Bầu trời trong vắt với màu xanh êm dịu dễ nhìn.

Chiều đã xuống từ lâu. Từng đàn bò đang chậm rãi theo các em bé chăn bò trở về chuồng.

Đình buột miệng:

- Đẹp quá! Êm đềm quá!

- Mình sẽ xuống tàu ở ga tới!

Đình và chú Lùn Tịt đi ra khỏi ga chả ai chú ý cả. Cả hai tiến về phía có nhiều nhà cửa của dân chúng. Vừa thấy hai chú cháu, một cô bé gái má hồng hồng đầu cài hoa xanh đang đi với mẹ phải la lên:

- Quỷ sứ! Quỷ sứ!

Đình và chú Lùn Tịt nằm trong toa xe chở than nên cả hai dính than đen thui. Vừa nghe con la, bà mẹ cười:

- Con đừng nói bậy! Đó là những người thợ chùi xoong chảo đó!

Nói xong với con, bà ta liền quay sang Đình:

- Tôi có một lô xoong chảo phải chùi, các anh tính giá bao nhiêu?

Chú Lùn Tịt trả lời ngay:

- Chỉ cần bữa ăn chiều và chỗ ngủ đêm nay!

Đình kéo chú Lùn Tịt làm chú ta phải hỏi:

- Gì vậy cháu?

- Chú nói dối!

- Sao vậy? Mình có việc rồi... Lần này cháu quá lố rồi đó, chú đâu có ăn cắp...

Đình nói:

- Bà này cho mình một bữa ăn và chỗ ngủ, đáp lại, mình đã lừa bà ta! Bộ chú không cảm thấy mặc cỡ sao?

- Vậy thì... thưa bà… chúng lôi không có ai là thợ chùi xoong chảo cả!

- Tại sao mới vừa rồi các anh lại xác nhận như thế? Hơn nữa tại sao các anh đen quá vậy?

Đình mỉm cười:

- Không phải tại vì xoong chảo, chúng tôi mới đen đâu! Chúng tôi chỉ có rửa nước là sạch.

Hai chú cháu tiến đến một vòi nước công cộng. Sau khi tắm rửa xong xuôi, hai chú cháu đi ngang qua bếp một quán trọ đang tỏa mùi thơm nồng nặc. Cả hai thấy một bà, có lẽ là bà chủ, đang đấu lý với hai nhân viên của mình, một người đội mũ trắng, một người mặc áo gilê và khăn choàng trắng trước ngực. Chú Lùn Tịt kéo Đình dừng lại nghe.

Bà đó la:

- Không thể tưởng tượng nổi, các anh không chịu làm gì hết. Khách gọi cũng không thưa, trong bếp các đồ ăn sẽ cháy khét hết cả nếu tôi không vào coi!

Đình bấm tay chú Lùn Tịt:

- Mọi người mải mê cãi lộn quên cả bếp đang cháy. Mình hãy giúp bà chủ đi, kẻo thịt gà cháy khét kìa!

Chú Lùn Tit gật đầu:

- Được rồi! Gì chớ nấu ăn là nghề của chú rồi! Cháu canh lửa đi! Chú coi thịt gà cho!

Trong lúc đó, cuộc cãi vã càng lúc càng dữ dội hơn. Người đội mũ liệng mũ xuống đất, người mặc áo gilê cởi áo gilê bỏ ra ngoài.

- Chúng tôi không ở đây một phút nào nữa! Bà chủ tím mặt gật đầu:

- Tốt! Các anh đi liền đi!

- Bà đuổi chúng tôi phải không? Chúng tôi đi bữa nay, ai nấu bữa tiệc cho ông quận đãi khách? Ai hầu bàn?

Sau những tiếng này, bà chủ có vẻ nao núng. Cuối cùng, bà nói có vẻ van xin: "Nhưng nếu có thể, các anh giúp tôi đêm nay, chỉ đêm nay thôi!"

Liền lúc đó, một giọng trong trẻo rõ ràng nổi lên:

- Thưa bà! Bà cứ để cho họ đi! Chúng tôi sẽ giúp bà đêm nay và mãi mãi nếu bà muốn...

Mọi người quay lại và vô cùng ngạc nhiên thấy một người lùn và một cậu bé đang biểu diễn trò làm bếp thật lanh lẹ và rành nghề.

- Không có tôi, những con gà kia cháy khét rồi!

- Không có tôi, những con cá này thành than rồi!

- Được!

Bà chủ quay sang hai người giúp việc của mình:

- Đó! Hai anh thấy chưa? Hai anh có thể đi được rồi! Còn các anh, tốt lắm, các anh có thể ở lại!

° ° °

Thế là Đình và chú Lùn Tịt ở lại, cuộc sống của hai người trầm trầm, êm đềm trong suốt một thời gian. Mỗi buổi tối, cả hai lên gác lửng sát mái bếp dành riêng cho hai người để đếm tiền buộc boa nhận được của khách hàng....

- Đình! Bà chủ ra lịnh, làm một đĩa mì xào, thịt sườn này cho bàn số 1.

- Dạ, thưa bà... Này chú Tịt, ông Tân cho cháu 50 đồng và bà Tèo, 30. Như thế tất cả 80 đồng.

- Hai tô cháo gà cho bàn số 5!

- Dạ, thưa bà... Này chú Tịt, ông Mã vừa mới cho cháu 100 đồng, như thế tất cả 180, cộng thêm 20 hôm qua thành…

- Anh Tịt! Bà chủ hỏi, còn bao nhiêu miếng thịt sườn trong tủ lạnh?

- 200! - chú Lùn Tịt lơ đãng trả lời, đầu óc chú đang tính toán số tiền riêng của mình.

- Sao? 200 miếng thịt sườn? Dữ vậy? Bộ tính ram cho cả quận ăn sao? Cho tôi xem nào?

Bà chủ mở cửa tủ lạnh và đếm thấy chỉ có 10 miếng sườn:

- Có 10 mà sao anh dám nói tới 200?

- Xin lỗi bà! Vì chúng tôi đang đếm tiền riêng của chúng tôi.

- Cả hai anh đúng là đại hà tiện! Hai anh đem tiền gửi ở quỹ tiết kiệm ở ngân hàng đi... để khỏi bận rộn cho tôi và cho các anh nữa!

Sau khi suy nghĩ chín chắn lời khuyên của bà chủ, sáng hôm sau, Đình và chú Lùn Tịt đem tiền đến một ngân hàng gởi.

Sau khi đưa tiền xong xuôi, nhân viên ngân hàng đưa cho Đình một cuốn sổ có đề tên Nguyễn Văn Đình và số tiền đã gửi. Cả hai trở về quán trọ, khoan khoái như vừa trút được một gánh nặng. Nhưng thình lình, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu chú Lùn Tịt. Chú vội chạy đến ngân hàng:

- Nếu có ai đến lấy tiền của Nguyễn Văn Đình (người này đầu sói dễ nhận thấy lắm), các cô đừng đưa vì đó là tên ăn trộm.

- Ông yên chí! Vì sổ có tên đàng hoàng, chúng tôi chỉ trao tiền cho người mang tên đó mà thôi!

Bà chủ hỏi chú Tịt lý do vắng mặt lần thứ hai này…

- Tôi trở lại ngân hàng dặn người ta đừng đưa tiền cho ai ngoài Đình!

- Tiền! Luôn luôn tiền! Lúc nào cũng tiền cả! Anh thì còn được, nhưng anh đừng đem tính mê tiền vào đứa nhỏ, anh sẽ thấy hổ thẹn...

Nằm dài trên gác lửng, hai chú cháu sung sướng giở trang cuốn sổ mới tinh.

Đình nói:

- 50.000 đồng! Chú Tịt, mình có khá nhiều tiền rồi. Cháu tin rằng tương lai em Vân cháu sẽ được bảo đảm nhờ hoàn cảnh sống như thế này của chú cháu mình. Cháu muốn cho bà Liên Hương biết ý định của cháu là: Muốn em tiếp tục học đến thành tài khi em lớn.

- Thì viết thư cho bà ấy!

- Có như thế mà cháu không nghĩ ra! Không biết khi nhận thư, bà Liên Hương có trả lời cho cháu biết không? Nhận được thư của bà, cháu thích lắm!

Vài phút sau, Đình viết thư cho bà Liên Hương trên một tờ giấy học trò. Đình viết hết sức dễ dàng.

° ° °

- Đình! Có thư...

- Thư của tôi à?

- Chứ còn của ai nữa!

Đình, tim đập thình thịch, tay cầm lá thư chạy xuống bếp.

- Chú Tịt ơi! Bà Liên Hương trả lời cháu nè!

- Thế thì đọc ngay đi…

- Chú đọc thư giùm cháu đi, tay cháu run quá bóc không được!

- Đưa đây!

Chú Lùn Tịt cầm bức thư với dáng điệu kẻ cả. Chú xé bao ngoài, lôi ra hai tờ giấy đầy những nét chữ dịu dàng và bắt đầu đọc:

- Đình con!

- Tiếp tục đi chú! - Đình cảm động nói.

- Chú không thể đọc được... giọng chú run đây nè... - Chú Lùn Tịt nức nở khóc.

- Kìa! Hai người làm gì vậy?

Bà chủ vừa vào bếp thấy lạ hỏi ngay. Khi thấy cả hai chú cháu nước mắt chan hòa, bà ái ngại hỏi:

- Hay là các anh nhận được tin buồn?

- Tôi không biết! - Đình đáp.

- Tôi không biết! - Chú Lùn Tịt đáp.

- Tại sao các anh không biết?

- Tại vì chúng tôi chưa đọc thư!

- Như thế các anh đã khóc trước khi đọc thư? Kỳ vậy! Đọc đã rồi hãy khóc...

- Chúng tôi không thể đọc được thư… - Đình trả lời.

- Tại sao vậy? Hay là hai người không biết chữ.

- Biết chứ! Nhưng vì lần đầu tiên chúng tôi xúc động quá!

Bà chủ thở phào:

- Trời, vậy mà tôi tưởng có tin gì buồn làm hai người khóc. Đưa thư đây, tôi đọc cho.

- Cám ơn! Cám ơn bà!

Bà chủ lấy kính lão trong túi ra đeo vào mắt và bắt đầu đọc:

Đình con!

Trước tiên, bà xin được ôm con vào lòng như mẹ con vậy! Tại sao con không viết thư cho bà sớm? Chắc con có nhiều chuyện hay kể cho bà nghe chứ gì? Con biết không? Bà lo cho con lắm, bà không biết con trở thành ra sao? Nhưng, nay bà biết con làm ở một quán trọ khá đẹp với anh Tịt mà bà chưa được hân hạnh gặp mặt, bà mừng lắm!

Con ráng sống theo con đường lương thiện đó... Sống bằng chính mồ hôi của mình... Bà rất cảm động khi biết con đã dành tất cả số tiền kiếm được cho tương lai của Vân…

Tới đây, bà chủ ngừng đọc và hỏi:

- Vân là gì của Đình?

- Là em gái tôi! Năm nay tám tuổi, hiện ở trong một cô nhi viện ở Sài Gòn. Người viết thư cho tôi là bà giám đốc ở cô nhi viện đó. Bà hiền lắm.

- Để tôi đọc tiếp theo nghe... - Bà chủ nói giọng có vẻ hơi cảm động.

… Với ý chí của con, bà tin rằng em Vân con sẽ được học đàng hoàng, học ở một trường lớn cho đến tuổi trưởng thành. Ba má con ở dưới suối vàng chắc sẽ vui lòng lắm và người bạn già của con trên này, bà cũng sung sướng có được một người bạn nhỏ biết sống có ý nghĩa.

Con mèo tàn tật hiện đã lành rồi, trông dễ thương lắm. Con mèo này tiêu biểu cho sự hiện diện của con trong cô nhi viện đó!

Thôi bà chào con nhé! Chúc con và anh Tịt mạnh giỏi. Cho bà gởi lời thăm bà chủ của con.

Bà Liên Hương

Đọc xong, bà chủ không ngăn được dòng lệ chảy dài trên má. Mọi người đều khóc. Nhưng chỉ một lát sau, tất cả đều trở về thực tế phận sự hàng ngày cấp bách đang đòi hỏi họ. Bà chủ nói:

- Như thế các anh định dùng tiền là để cho Vân?

- Dạ! - Đình gật đầu.

- Vậy mà tôi nói các anh hà tiện!

- Không có gì thưa bà! Chúng tôi rất sung sướng có việc làm ra tiền dành cho tương lai Vân!

CHƯƠNG 6 ÔNG BÍT VÀ ÔNG BỐT

G

ần quán trọ "Sao Hồng" nơi Đình và chú Lùn Tịt đang làm có một hố sâu đầy ếch. Trong những đêm trăng sáng, tiếng ếch kêu vang dội cả cây số còn nghe, nhưng khi có người đến gần, tức thì các con ếch liền biến mất tức khắc dưới hố sâu...

Những cái lưng xanh và sáng ngời như những lá non, những cái bụng trắng và láng bóng của ếch trông rất đẹp.

Chú Lùn Tịt mỗi đêm đều đi câu ếch và nấu cháo, chiên bơ. Chú ngồi bất động suốt đêm cạnh hố sâu và thỉnh thoảng thình lình phóng ra một loại lưới đặc biệt để bắt ếch. Chú phải hành động thình lình vì các con ếch dường như đã quen biết sự hiện diện của chú.

Chú đã bắt được rất nhiều ếch, nhưng đồng thời vì thức khuya quá độ, chú đã bị nám phổi và sốt li bì. Chú phải nằm liệt giường suốt một tháng trường. Đình phải lấy ở quỹ tiết kiệm ra mất hơn mười ngàn đồng để lo bác sĩ và thuốc thang cho chú. Tiền thuốc và tiền khám bác sĩ thật đắc! Khi vừa ngồi dậy được, dù vẫn còn ốm nhom, chú Lùn Tịt vẫn nói:

- Cháu Đình ơi! Cháu đừng rút tiền ra khỏi quỹ tiết kiệm nữa. Chú khỏe rồi. Để dành tiền cho Vân.

Đình không chịu:

- Chú đừng nói như vậy nữa! Vân tuy là em cháu, nhưng cháu cũng coi chú như chú của cháu. Tiền buộc boa và tiền lương là của chung hai chú cháu... Chú phải nghỉ ngơi, ăn uống, thuốc thang cho khỏe. Đây là quả trứng gà tươi vừa mới đẻ, chú ăn ngay đi để lấy lại sức.

Chú Lùn Tịt dần dần bình phục. Dù đôi chân vẫn còn yếu, đi muốn không vững, chú vẫn muốn làm việc trở lại ngay.

Một bữa nọ, có hai người vào quán trọ tự xưng tên là Nguyễn Bít và Tô Bốt hỏi thăm chỗ ở của ông Vĩnh Tiên, một người thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn. Nguyễn Bít người cao lêu khêu, còn Tô Bốt lại mập và lùn, có một bộ râu ngạnh trê trông rất tức cười. Khi nghe hỏi chỗ ở của ông Vĩnh Tiên, bà chủ chỉ như thế này:

- Hai ông theo đường này, đi thẳng rồi quẹo sang trái, rồi đi thẳng, rồi quẹo sang phải, kế đó đi thẳng là đến!

Thấy đường đi quá phức tạp, Nguyễn Bít và Tô Bốt xin bà chủ cho một người hướng dẫn, bà chủ gọi chú Lùn Tịt.

Chú Lùn Tịt phải đi hết tốc lực với đôi chân quá ngắn ngủi của mình mới theo kịp được Nguyễn Bít và Tô Bốt.

Khi đi đường, Nguyễn Bít và Tô Bốt im thin thít, trái lại chú Lùn Tịt rất muốn nói chuyện. Chờ mãi không thấy ai mở lời, chú lùn nhà ta phải cất tiếng trước:

- Ông Vĩnh Tiên quý phái… Nhưng nghèo hơn tôi!

- Chúng tối đã biết!

- Ông ấy sống có một mình!

- Chúng tôi đã biết!

Chú Lùn Tịt chỉ một ngôi nhà tranh giữa một vùng đất trống rồi nói:

- Chắc các ông biết ông Vĩnh Tiên đang ở nhà đó?

Nguyễn Bít lầm lì nói:

- Nếu chúng tôi biết thì chúng tôi đã không cần anh dẫn đường.

Bỗng Tô Bốt lên tiếng:

- Trời, Không thể ngờ "nó" lại ở chỗ này!

Chú Lùn Tịt cười:

- Nhưng là dòng dõi hoàng gia đó!

Nguyễn Bít nói:

- Anh đùa vừa vậy! Không phải chúng tôi nói ông Vĩnh Tiên đâu, mà muốn nói "Thần Mã"!

Chú Lùn Tịt ngạc nhiên hỏi:

- Thần Mã là gì vậy?

Nguyễn Bít có vẻ khó chịu:

- Bộ anh không biết mã là ngựa sao? Đó là một con ngựa!

Chú Lùn Tịt nghĩ:

- Đúng là hai người này đến đây chỉ vì một con ngựa...

- Anh chờ chúng tôi ở đây, chúng tôi muốn nói chuyện riêng với ông Vĩnh Tiên.

- Dạ!

Chú Lùn Tịt đi vòng quanh nhà để tìm cách dòm lén vào trong qua một cửa sổ.

Ông Vĩnh Tiên đang cởi trần trùng trục quét nhà. Vừa thấy Nguyễn Bít và Tô Bốt vào, ông hỏi:

- Các ông muốn gặp ai?

- Chúng tôi muốn gặp ông Vĩnh Tiên!

- Xin các ông chờ một lát... Tôi mặc quần áo rồi ra tiếp các ông.

Ông Vĩnh Tiên liền biến mất sau tấm màn.

Tô Bốt lầm bầm:

- Các nhà quý phái dòng dõi nhà vua nào cũng vậy, lúc nào cũng lễ nghi rắc rối...

Vài phút sau, ông Vĩnh Tiên xuất hiện và nói:

- Mời các ông ngồi!

Ông Vĩnh Tiên mặc áo dài, đầu đội khăn đóng, cái áo dài đen đã bạc màu. Tô Bốt không nói gì cả, chỉ có Nguyễn Bít nói mà thôi. Nguyễn Bít cho ông Vĩnh Tiên biết mình là thư ký riêng của ông Hoàng Tuấn, một nhà đua ngựa lừng danh, có một chuồng ngựa đua số một.

- Chúng tôi nghe nói ông có con ngựa tên là Thần Mã, thuộc dòng máu ngựa ở Hoàng Liên Sơn!

Ông Vĩnh Tiên mỉm cười.

- Vâng! Con Thần Mã của tôi thuộc dòng máu chính thống chân truyền Việt Nam!

- Ông chủ tôi muốn mua Thần Mã của ông!

- Nhưng tôi không có ý định bán nó!

- Giá bao nhiêu cũng được!

- Tôi không nghĩ tới!

- Tại sao vậy, thưa ông? Ông không nghĩ đến ngày ông nằm xuống bất ngờ sao? Chắc ông có những nài giỏi điều khiển Thần Mã?

- Không! Con ngựa của tôi được tự do suốt ngày muốn làm gì tùy thích...

- Chắc ông có ý định cho nó đua không cần tập dượt gì cả?

- Tôi không muốn cho nó đua!

- Thưa ông! Tại sao vậy?

- Tôi giữ nó ở đây để nhớ đứa con trai độc nhất của tôi, đứa con trai của tôi lên cỡi nó hồi mới năm tuổi và đã chết rồi.

Nguyễn Bít thuyết phục ông Vĩnh Tiên:

- Tôi xin chia buồn cùng ông! Về vụ này, tôi có ý kiến như thế này: Tôi biết trước sau gì rồi ông cũng bán con ngựa đó. Vậy thì tại sao bây giờ ông không bán cho ông chủ tôi? Ông chủ tôi là một người biết điều lắm, sẽ mua ngựa của ông với giá thật đắt. Con ngựa của ông đã gần thành ngựa hoang rồi! Ông để lại cho ông chủ tôi đi, ông đừng bán cho người ngoại quốc uổng lắm!

Ông Vĩnh Tiên ôm đầu, nước mắt chan hòa...

Im lặng. Mọi người đã nghe rõ tiếng chân nhảy và tiếng hí của Thần Mã vừa trở về. Thần Mã da lông trắng bóc xuất hiện dũng mãnh giữa một vùng cây cối xanh um.

Ông Vĩnh Tiên nói:

- Hai ngày nữa các ông trở lại, tôi sẽ quyết định bán hay không bán Thần Mã!

Nguyễn Bít và Tô Bốt nghiêng mình chào ông Vĩnh Tiên rồi bước ra ngoài.

Hai ngày sau, hai người trở lại... Vừa thấy bóng dáng hai người, Thần Mã đang đứng trước nhà phóng chạy như bay ra sau nhà!

Nguyễn Bít mở lời:

- Ông đã quyết định bán cho ông chủ tôi rồi?

- Vâng!

- Hoan nghênh ông! Ông đã quyết định hết sức sáng suốt… Chúng tôi sẽ dành cho Thần Mã một địa vị hết sức đặc biệt. Thần Mã sẽ bất tử và trở nên con ngựa số một trên trường đua ngựa quốc tế. Quyết định của ông đã không làm mai một giống ngựa Việt Nam ở trong xó kẹt này!

Ông Vĩnh Tiên nói buồn rầu:

- Thưa các ông! Con trai tôi xưa kia mặc toàn trắng, cỡi Thần Mã từ hồi mới năm tuổi. Nó biết nói chuyện với Thần Mã và Thần Mã đã trả lời nó bằng những tiếng hí dễ thương. Từ thuở còn nhỏ đến giờ, Thần Mã chỉ có một người bạn độc nhất: đó là con trai tôi, tôi có cảm tưởng là Thần Mã muốn hỏi tôi đứa bé thường cỡi nó đâu? Tôi biết rõ giọng hí đặc biệt của Thần Mã khi muốn hỏi tôi... Nhưng con tôi đã chết hồi nó mới mười tuổi! Kìa! Các ông nghe kìa!

Lộng lẫy trong bộ lông và bộ da trắng tinh, Thần Mã cất cao đầu hí vang dội cả một vòm trời.

Ông Vĩnh Tiên phều phào:

- Thần Mã là sinh vật duy nhất còn lại của tôi ở trên cõi đời này! Các ông mang Thần Mã đi mau đi, tôi khổ lắm! Xin các ông nhớ cho, Thần Mã dù là một con ngựa dũng mãnh nhất, nhưng lại không muốn mang một trọng lượng nào nặng hơn một đứa bé mười tuổi... Tôi thấy có bổn phận cho các ông biết điều đó!

Tô Bốt cười:

- Tôi đã từng dạy nhiều con ngựa dữ... Dù dữ và khó dạy đến đâu bất cứ một con ngựa nào cũng trở thành hiền như cục bột trước mặt tôi…

Chờ ông Vĩnh Tiên và Nguyễn Bít ký giấy tờ mua và bán Thần Mã xong xuôi, Tô Bốt nắm dây cương kéo Thần Mã ra đường.

Con ngựa thở phì phò, miệng sủi bọt trắng, tỏ vẻ vô cùng sung sức như một con ngựa hoang.

CHƯƠNG 7 CON NGỰA BẤT KHAM NHẤT THẾ GIỚI

K

hi Nguyễn Bít và Tô Bốt về đến quận lỵ, cả hai đều nhận thấy Thần Mã đá dữ dội, trẻ con đều chạy trốn cả. Nhất là lúc bị giam trong chuồng, Thần Mã càng kinh khủng, gần như trở thành một con dã thú.

Nguyễn Bít mồ hôi nhỏ giọt:

- Con ngựa khó dạy quá!

Tô Bốt ngẩng đầu:

- Chắc anh quên rằng không có con ngựa nào có thể kháng cự nổi huấn luyện viên Tô Bốt!

Nguyễn Bít thì thầm:

- Được! Đó là phận sự của anh! Còn phần tôi đã xong rồi!

Phải chờ ba ngày nữa mới có một toa xe lửa đặc biệt để chở Thần Mã về Đàlạt, nơi ông Hoàng Tuấn có một chuồng ngựa vĩ đại! Nhờ thế, trong ba ngày này, Tô Bốt tìm cách chinh phục Thần Mã, nhưng dù cố gắng hết sức, Tô Bốt vẫn không cỡi Thần Mã được.

Thần Mã luôn ló đầu ra ngoài cửa sổ như muốn hưởng không khí tự do. Thấy không trị nổi ngay Thần Mã, Tô Bốt hằn học nói:

- Được! Ở đây mày không nghe lời tao, về đến Đà Lạt sẽ biết! Ở trường tập ngựa đàng hoàng, tao sẽ có mánh lới làm mày khuất phục!

Thấy cách làm việc của Tô Bốt, chú Lùn Tịt nói với Đình:

- Tô Bốt là một nài ngựa giỏi, nhưng là một người không có tâm hồn nên không thể nào biết được Thần Mã cũng có tâm hồn như con người. Cháu nên nhớ Thần Mã đã được một đứa bé yêu thương nó nuôi dưỡng và cỡi nó. Vậy phải đối xử dịu dàng và kiên nhẫn với Thần Mã, phải nói nhẹ nhàng âu yếm với Thần Mã để thu phục cảm tình của nó từ từ. Ở gánh xiếc Bồ Câu của mình, anh Sanh tài nghệ số một về huấn luyện các con ngựa bất kham.

- Bác Sanh làm thế nào?

- Anh Sanh làm như thế này - Chú Lùn Tịt thì thầm những tiếng thật nhỏ, nhưng thật êm giống như chú đang hát vậy.

- Chú có thể áp dụng phương pháp đó với Thần Mã được không?

- Chờ cho tên nài ngốc Tô Bốt đi khỏi chuồng đã!

- Ông ta đi rồi kìa!

Đình và chú Lùn Tịt tiến đến cửa sổ không một tiếng động. Chú Lùn Tịt leo lên một cái ghế, gọi hết sức dịu dàng: "Thần Mã! Thần Mã!" "Cưng ơi!"

Con ngựa có vẻ ngạc nhiên nhìn chú Lùn Tịt chằm chặp.

Chú Lùn Tịt tiếp tục:

- Đừng, đừng nhìn tôi như thế, tôi là bạn của Thần Mã chứ không phải như người lúc nãy đâu? Tôi muốn trở thành bạn của cưng mà! Thần Mã là bạn của tôi! Cưng ơi!

Tiếng nói của chú Lùn Tịt lúc này đúng là một bài hát êm ái và ngọt lịm giống như tiếng thì thầm của một dòng suối làm êm tai Thần Mã. Có lẽ Thần Mã cảm thấy người này tốt, đáng tin cậy, sẽ mở cửa chuồng cho Thần Mã tự do bay nhảy giữa chốn đồng xanh. Thần Mã từ từ đứng dậy.

Đình ngạc nhiên sung sướng:

- Nó đứng dậy! Nó đứng dậy!

- Im đi Đình, không chú thoi bây giờ. Thần Mã chỉ thích nghe giọng nói của chú thôi... Phải đó, tiến đến gần tôi, tiến đến gần tôi! - Chú Lùn Tịt tiếp tục nói - Đừng sợ gì hết, cưng ơi! Tôi không có dữ tợn đâu. Tôi thông cảm Thần Mã lắm!

Thần Mã, dòng máu chân truyền Việt Nam, từ từ tiến về phía cửa sổ nơi chú Lùn Tịt đang đứng.

Đình la lên:

- Nó đến kìa!

Chú Lùn Tịt càng lúc càng cố gắng thuyết phục Thần Mã dữ hơn:

- Phải không Thần Mã! Chúng mình chỉ thích có hai chúng mình thôi. Chúng mình không muốn ai hiện diện ở đây cả, phải không Thần Mã? Thằng bé này rất dễ thương và muốn thương yêu Thần Mã lắm, nhưng chắc Thần Mã cũng không muốn phải không? Chỉ hai đứa mình thôi! Lại gần đây, lại gần một chút nữa, cưng của tôi ơi! Lại gần tôi chút nữa đi!

Con ngựa dường như hiểu hoàn toàn lời nói của chú Lùn Tịt. Nó đặt đầu ở cửa sổ, mắt nhìn thẳng con người lùn tịt nhưng đầy cảm tình, thở phì phào và phóng ra nhiều giọt nước nhỏ…

Chú Lùn Tịt nói đắc thắng:

- Xong rồi! Thế là bước đầu đã thành công! Bây giờ chú có thể rờ nhẹ nó rồi, nó sẽ không cắn tay chú như hôm qua nó cắn tay ông Tô Bốt!...

Không rời mắt Thần Mã, chú Lùn Tịt đưa tay phải lên… "Ngoan nào! Tôi chỉ vuốt ve cưng thôi!" - Chú Lùn Tịt duỗi dài tay ra.

Con ngựa có vẻ sợ và nhảy một cái, đầu đụng vào trần nhà.

- Tại sao cưng lại sợ tôi? Tôi là Lùn Tịt, bạn của cưng đây mà!"

Con ngựa trắng đứng yên trở lại, nghe chăm chỉ chú Lùn Tịt.

- Đến gần tôi, cưng! Một chút nữa, một chút nữa thôi... Can đảm lên cưng!

Thần Mã quyết định tiến đến gần.

"Nào, cố lên, chỉ vài phân nữa là tôi có thể rờ trán cưng rồi… Cố lên, cố lên cưng"

Nhưng Thần Mã vẫn còn do dự. Quả nhiên giọng nói của người trước mặt làm nó vừa lòng, nhưng bàn tay của người đó vẫn còn làm nó lo sợ, vì nó nhớ lại một bàn tay khác đã nắm bờm của nó đồng thời cho nó lãnh những làn roi da tàn nhẫn. Thần Mã vươn dài cổ để xem cho rõ có phải bàn tay nguy hiểm đó không...

"Tôl nhận thấy cưng muốn lại gần tôi lắm!… Ráng lên cưng! Ráng lên!"

Thần Mã vểnh tai thẳng đứng tiến lại gần cửa sổ và hạ nhẹ đầu để ngửi mùi bàn tay đang vuốt nhẹ nó.

Bỗng, lúc đó Tô Bốt ở đâu về tới, vừa thấy vậy vội la om sòm:

- Trời đất ơi! Anh lùn làm mệt ngựa của tôi quá vậy? Đi chỗ khác mau lên! Chỗ này không phải của anh!

Bất ngờ, chú Lùn Tịt nổi giận:

- Lần sau, tôi xin ông đừng đến gần khi tôi đang tìm cách chế ngự con ngựa này. Tôi đã rờ được đầu nó, thế mà ông nỡ phá hoại công trình của tôi. Ông có biết không, con ngựa này không thích tàn bạo đâu? Thế là hết rồi! Từ giờ trở đi con ngựa này đã mất cả niềm tin rồi! Chỉ vài tiếng la, ông đã tiêu diệt công trình hàng giờ của tôi!

Chú Lùn Tịt nói một thôi, Tô Bốt cười ha hả:

- Trời ơi! Anh leo lên cái ghế này để rờ đầu Thần Mã! Anh nói đã vuốt ve được nó! Ai tin anh được! Có ai thấy anh làm được như vậy không?

- Chính tôi đã trông thấy! - Đình nói.

- Đừng đùa chứ cậu bé! Tôi còn thấy cậu bé lảng vảng gần chuồng ngựa thì cậu bé biết tay tôi. Đi ngay!

Đình và chú Lùn Tịt bị đuổi ra ngoài. Cả hai vừa ra khỏi cổng thì gặp Nguyễn Bít. Nguyễn Bít nói với chú Lùn Tịt:

- Tôi cũng thấy anh đang vuốt ve ngựa... Chắc anh có kinh nghiệm về nuôi ngựa?

- Tôi đã sống nhiều năm trong những gánh xiếc chuyên biểu diễn nghệ thuật cỡi ngựa!

- Anh dám lên cỡi Thần Mã không?

- Dám... chứ! Chắc ông còn nhờ ông Vĩnh Tiên có nói là Thần Mã không bao giờ chịu mang một trọng lượng lớn hơn một đứa trẻ? Xưa kia, tôi cân nặng lắm, nhưng bây giờ vì mới bị bệnh, tôi tin tôi chỉ cân bằng một đứa trẻ mười tuổi mà thôi. Vì thế…

Chú Lùn Tịt nói tiếp có vẻ kiêu hãnh:

- Tôi dám cỡi Thần Mã… Tôi mến Thần Mã lắm. Tôi tin rằng tôi sẽ làm tất cả những gì tôi muốn... Nhưng, nghĩ mà chơi cho vui vậy thôi, nói nhiều ông Tô Bốt cự chết vì ông ấy mới có trách nhiệm huấn luyện Thần Mã.

- Hừm! Hừm!

Nguyễn Bít lẩm bẩm sau khi nghe hết lời chú Lùn Tịt.

° ° °

Nguyễn Bít và Tô Bốt đã đưa Thần Mã về Đà Lạt vào một buổi sáng mát dịu. Đình và chú Lùn Tịt ở lại quán trọ theo đuổi công việc hàng ngày.

Đình nhận được nhiều thư của Vân gởi, có cả thư của bà Liên Hương nữa...

Cuộc đời đang trầm lặng, bỗng bất ngờ một bữa nọ, chú cháu Đình nhận được một bức điện tín. Chú Lùn Tịt run run mở bức điện ra xem: "Xin anh Tịt lại gặp ông Hoàng Tuấn, thứ năm 20 tháng 9, 14 giờ tại biệt thự Thiên Nga Đà Lạt."

Ký tên: Nguyễn Bít.

- Chú đoán người ta cần chú để huấn luyện con Thần Mã… vì Tô Bốt đã không thành công và Nguyễn Bít nhớ đến chú. Cháu Đình ơi! Việc này được nhiều tiền lắm, gấp chục lần công việc mình đang làm ở đây. Mình sắp có nhiều tiền cho Vân rồi!

Chú Lùn Tịt liền xin phép bà chủ nghỉ vài ngày để về Đà Lạt, nhưng bà chủ không bằng lòng. Bà nói:

- Này anh Tịt! Tôi nói cho anh biết anh làm hơi quá rồi đó! Khi những người mua ngựa còn ở đây, suốt ngày anh cứ quanh quẩn bên con ngựa quên cả phận sự coi sóc bếp núc của anh…

- Dạ! Thưa bà tôi biết…

- Như thế thì anh ở lại, không được xin nghỉ để đi Đà Lạt nữa.

- Thưa bà, không thể được! Vì tôi đã nhận được điện tín…

- Được! Nếu anh theo điện tín hơn tôi thì anh cứ tự tiện…

- Dạ! Tùy ý bà! Tôi phải theo điện tín… - Chú Lùn Tịt buồn rầu nói.

Bà chủ giận dữ:

- Sao? Tại sao vậy?

- Vì con ngựa Thần Mã mà bà đã biết.

- Tại sao lại có con ngựa trong này?

- Nguyễn Bít biết tôi có khả năng trị được con ngựa bất kham hơn Tô Bốt…

- Trời! Anh mà biết trị một con dã thú à? Anh là đầu bếp mà...

- Thưa bà! Tôi không phải chỉ có một nghề đầu bếp thôi đâu! Xưa kia tôi từng là một nài ngựa trong một gánh xiếc. Chắc chắn Nguyễn Bít đã giới thiệu tôi với ông chủ của ông ta để tôi huấn luyện con ngựa dũng mãnh đó. Lẽ dĩ nhiên công việc này không phải dễ gì và còn có thể nguy hiểm nữa!…

- Tôi biết… Tôi khuyên anh nên ở lại đây hơn là bị con ngựa đó nghiền nát… Anh có biết chăng tôi mến anh lắm!

- Thưa bà! - Giọng chú Lùn Tịt trở nên buồn bã lạ thường. - Thưa bà, nếu chúng tôi chỉ có một mình trên cõi đời này, chúng tôi sẽ ở lại đây, ở với bà, vì chúng tôi mến bà lắm! Nhưng chúng tôi còn có Vân, phải lo cho tương lai Vân, vì thế chúng tôi phải cần kiếm cho thật nhiều tiền. Cờ tới tay, chúng tôi phải phất! Thưa bà!

Bà chủ suy nghĩ một lát rồi nói:

- Nếu vì tiền lương ít hơn hai ngàn hoặc ba ngàn một tháng, tôi sẽ tăng lương cho anh để giữ anh lại đây, anh bằng lòng không?

- Thưa bà! Tiền lương về huấn luyện ngựa cao hơn nhiều, thưa bà!

- Nếu thế thì đi đi! Anh đi ngay đi! Còn Đình?

- Đình sẽ theo tôi...

- Nhưng trong điện tín đâu có gọi Đình theo...

- Vì tôi và Đình bất khả phân…

Thế là Đình và chú Lùn Tịt rời bỏ quán trọ, từ giã nghề nấu ăn và bồi bàn. Sau khi nghe tiếng còi xé tai báo hiệu tàu sắp chuyển bánh, bà chủ quay về quán trọ nhìn gian nhà bếp từ giờ trở đi vắng bóng hai người giúp việc tốt. Bà chủ thở dài và thầm trách sự bạc bẽo của người đời.

CHƯƠNG 8 PHƯƠNG PHÁP CỦA GÁNH XIẾC BỒ CÂU

Đ

à Lạt là nơi du lịch tuyệt vời. Khí hậu mát lạnh. Cảnh đẹp nên thơ. Đồi núi chập chùng. Thác reo hùng vĩ. Mây thấp mịn màng. Mù sương muôn thuở.

Dù mới đến Đà Lạt lần đầu, chú cháu Đình tìm ra biệt thự Thiên Nga của ông Hoàng Tuấn không khó lắm. Biệt thự của ông xây trên một triền đồi cạnh "Thung lũng tình yêu" thơ mộng muôn thuở.

Nguyễn Bít đã đứng trước cổng biệt thự chờ đợi chú Lùn Tịt từ bao giờ. Nguyễn Bít chỉ chấp thuận cho một mình chú Lùn Tịt vào nhà mà thôi và đuổi Đình ra ngoài. Theo Nguyễn Bít, ông Hoàng Tuấn không thích cho ai vào biệt thự riêng của ông cả, chỉ trừ những người giúp việc của ông mà thôi.

Tuy vậy, chú Lùn Tịt vẫn cố nài nỉ cho Đình vào:

- Ông làm ơn cho Đình vào, nó ngủ ở đâu cũng được, trong chuồng ngựa cũng được.

- Tôi đã nói rằng ông Hoàng Tuấn đã quyết định như thế thì phải theo, không được cãi lôi thôi. Để mặc thằng bé lo liệu lấy!

Thấy tình thế như vậy, biết thân biết phận, Đình vội từ giả chú Lùn Tịt ngay để chú khỏi phải lâm vào cảnh khó xử.

- Chú đừng lo cho cháu… Chú lo việc chú đi… Cháu ở ngoài cũng được…

Thế là lần đầu tiên hai chú cháu phải xa nhau. Nguyễn Bít dẫn chú Lùn Tịt vào tận trong biệt thự, đưa chú vào một gian phòng rửa mặt lộng lẫy, nền đất chạm đá cẩm thạch muôn màu.

- Anh rửa ráy một chút cho sạch sẽ rồi hãy trình diện ông Hoàng Tuấn. Bàn chải, lược, xà bông, khăn đó! Tôi chờ anh ngoài cửa!

Chú Lùn Tịt nói:

- Phòng này đẹp quá! Tôi chưa từng thấy phòng nào đẹp như phòng này!

Chú cởi áo, xát xà bông vào đầu rồi dí đầu vào vòi nước. Chú xuýt xoa:

- Ôi chao! Nước mát quá! Thật là khỏe! Cái ông Hoàng Tuấn này thật lạ! Phải sạch sẽ mới gặp ông ta được!

Chú Lùn Tịt lấy lọ nước hoa tính dội lên đầu, thì ông Nguyễn Bít đã vào:

- Mau lên anh!

- Đợi một chút!

Chú Lùn Tịt thơm sực mùi nước hoa, làm Nguyễn Bít phải la lên:

- Anh xức nước hoa gì dữ vậy!

- Để chứng tỏ cho ông Hoàng Tuãn biết, tôi cũng quí phái như ông ấy vậy!

Bỗng một tiếng chuông vang lên, Nguyễn Bít hoảng hốt:

- Ông gọi đó! Anh theo tôi mau lên! Anh nhớ trả lời đúng các câu hỏi ông hỏi nghe?

Thấy sự việc có vẻ long trọng quá, chú Lùn Tịt hơi sợ, muốn trở về tiếp tục nghề nấu bếp.

Nguyễn Bít dẫn chú Lùn Tịt đến trước một gian phòng có một cánh cửa chạm trổ thật đẹp. Nguyễn Bít gõ cửa ba tiếng rồi xoay nút mở cửa tiến vào:

- Kính thưa ông! Đây là anh Tịt, tôi dẫn đến trình diện ông!

Chú Lùn Tịt đứng trên một tấm thảm dầy và núp sau lưng Nguyễn Bít.

Ông Hoàng Tuấn ra lệnh Nguyễn Bít:

- Được! Anh đi ra, để mặc tôi.

Nguyễn Bít vâng lời chủ đi ra ngoài đóng cửa lại. Còn lại một mình trong gian phòng quá sang trọng với một nhà tỷ phú, chú Lùn Tịt có vẻ hoảng, chú quýnh lên, tay chân thừa thãi không biết để vào đâu. Ông Hoàng Tuấn đang ngồi sau cái bàn thật to. Ông gọi chú Lùn Tịt:

- Anh Tịt! Lại đây!

Chú Lùn Tịt bước đến gần ông Hoàng Tuấn.

- Anh tên gì?

- Dạ… Nguyễn văn Tịt!

- Anh năm nay bao nhiêu tuổi?

- Ba… ba… - Chú Lùn Tịt lắp bắp nói không ra lởi.

- Anh ba tuổi hả? Bộ anh giỡn tôi, phải không? - Ông Hoàng Tuấn nói có vẻ giận dữ.

- Thưa ông! Không... Tôi có lẽ năm nay ba mươi bảy tuổi!

- Tại sao anh lại nói có lẽ… Bộ anh không nhớ tuổi anh sao?

- Dạ... không nhớ. Tôi vô gia đình từ thuở mới ra đời.

- Thôi, anh giữ riêng đời tư của anh đi, tôi không cần biết!

- Dạ!

- Tôi nghi anh nói khoát quá! Anh mà dám leo lên lưng Thần Mã.

Chạm tự ái, chú Lùn Tịt bỗng nổi giận đùng đùng, không còn sợ hãi gì hết. Chú la to:

- Ông phách lối lắm! Ông ỷ giàu chê tôi dơ dáy, bắt tôi tắm rửa đã rồi mới cho vào gặp. Rồi lại còn hách dịch hỏi han lôi thôi... Bây giờ còn chế nhạo tôi nói khoác. Một con Thần Mã chứ mười con tôi vẫn trị được như thường... Tôi chuyên môn trong nghề từ nhỏ đến giờ... Ông có nghe danh gánh xiếc Bồ Câu chưa mà dám miệt thị tôi nói khoác? Đồ ỷ giàu làm phách!

Ông Hoàng Tuấn rống lên:

- Tôi đuổi anh ra khỏi đây ngay, nhưng…

Nguyễn Bít đứng ngoài nghe cuộc đối thoại của hai người mà tưởng chừng như đang mơ vì ông ta không thể nào ngờ sự việc lại diễn tiến như vậy.

Chú Lùn Tịt mỉm cười bất cần đời:

- Nhưng ông hiện đang cần tôi, phải không?

Ông Hoàng Tuấn dường như cố gắng chế ngự mình, ông hỏi có vẻ hết sức thản nhiên:

- Dường như anh có một phương pháp đặc biệt để huấn luyện những con ngựa bất kham phải không?

Thấy ông Hoàng Tuấn đấu dịu, chú Lùn Tịt cũng đấu dịu theo:

- Dạ, phải!

Ông Hoàng Tuãn hỏi tiếp:

- Anh có thể cho tôi biết đại khái phương pháp của anh như thế nào không?

- Đối với một con ngựa như Thần Mã, cần phải dịu dàng, tuyệt đối dịu dàng...

- Thế mà huấn luyện viên Tô Bốt của tôi lại nói ngược lại!

Nghe đến tên Tô Bốt, chú Lùn Tịt nói có vẻ khinh thường:

- Ông đó chả biết gì hết!

- Được! Tôi sẽ nhận anh làm thử tám ngày... Thôi anh đi ra!

- Thưa ông! Từ nãy đến giờ mình chưa nói đến vấn đề chính…

- Cái gì?

Chú Lùn Tịt cho hai bàn tay đan vào nhau rồi nói:

- Thưa ông! Ông trả cho tôi bao nhiêu mỗi ngày?

Vừa nghe chú Lùn Tịt hỏi xong, ông Hoàng Tuấn đập bàn một cái rầm:

- Đi ra!

Lần này ông Hoàng Tuấn nổi giận thật sự, đôi mắt long lên sòng sọc. Biết không thể nào chống lại được nữa, chú Lùn Tịt ríu ríu bước ra khỏi phòng.

Vài phút sau, chú Lùn Tịt đi theo Nguyễn Bít ra đồng cỏ ở phía sau biệt thự. Chú Lùn Tịt lầm bầm:

- Ông Hoàng Tuấn chưa nói gì về lương bổng tôi cả!

Nguyễn Bít nói:

- Việc đó do tôi lo liệu! Trong tám ngày tập sự, anh sẽ lãnh năm ngàn đồng mỗi ngày luôn cả ăn và ở. Anh sẽ ký khế ước tại văn phòng của tôi.

Vừa nghe Nguyễn Bít nói xong, chú Lùn Tịt mừng rỡ:

- Thế thì đi ký ngay đi! Kẻo ông ấy đổi ý...

Đặt bút ký vào tờ giấy tại văn phòng Nguyễn Bít, chú Lùn Tịt như mở cờ trong bụng. Chú thầm nghĩ, Vân đã có phương tiện học đến thành tài rồi. Tội nghiệp! Chú bao giờ cũng nghĩ tới Vân và Đình!

° ° °

Ba ngày trôi qua, Đình lang thang trên khắp các nẻo đường Đà Lạt thơ mộng. Đình mê say ngắm nghía các quang cảnh mù sương đẹp lạ lùng. Hằng ngày, chú Lùn Tịt cung cấp đồ ăn cho Đình. Mỗi buổi chiều hai chú cháu gặp nhau trước cổng biệt thự và dắt nhau đi dạo bên hồ Xuân Hương...

Chú Lùn Tịt đã cố gắng hết sức mình để huấn luyện cho được Thần Mã.

Một buổi sáng nọ, khi chú vừa cột ngựa vào chuồng, Tô Bốt lại gặp chú và nói:

- Này anh Tịt! Tôi thấy dường như sau cuộc đi dạo, Thần Mã vẫn không có vẻ gì khuất phục cả. Tôi thấy Thần Mã vẫn chạy như điên và anh có vẻ rất khó khăn...

Chú Lùn Tịt trả lời:

- Đúng! Tôi đã dẫn nó đi dạo ngoài đồng cỏ để hy vọng làm êm nó vì tôi nhận thấy dường như đồng cỏ đã làm nó khích động thêm. Chắc trong những tháng huấn luyện nó, anh hành hạ nó ở đồng cỏ dữ lắm.

Tô Bốt cười ha hả:

- Anh cho rằng đồng cỏ đã khơi dậy làm Thần Mã nhớ lại những kỷ niệm đau đớn chứ gì? Á, ngộ! Mà nghĩ cũng đúng, cách đây tuần lễ, tôi đã có đánh nó một trận suýt chết khi nó cứng đầu cứng cổ không chịu tiến tới.

Chú Lùn Tịt nói:

- Với phương pháp man rợ đó, anh chỉ làm hư hỏng Thần Mã thêm thôi! Anh có biết chăng Thần Mã rất cần an ủi, vuốt ve?

- Theo bạn, phải đối xử dịu dàng với con ngựa đó? Bạn đã lập dị rồi bạn ơi! Đó là một con ngựa chứ đâu phải là một cô gái?

- Nếu anh muốn con ngựa này đoạt giải trong các trường đua ngựa, anh phải làm theo y như tôi nói. Theo tôi, vì con ngựa bị khích động quá độ, tôi muốn cho nó nghỉ ngơi hoàn toàn tám ngày không cho nó tập dượt gì cả. Tôi sẽ nói với ông Hoàng Tuấn.

- Anh theo phương pháp trong các gánh xiếc chuyên về mã thuật nào mà hay quá vậy, anh Tịt? - Tô Bốt hỏi châm biếm chú Lùn Tịt.

- Trong gánh xiếc Bồ Câu! Rồi anh xem, anh sẽ phải học hỏi phương pháp của gánh xiết Bồ Câu qua tôi!

Tô Bốt rời khỏi chuồng ngựa chầm chậm bước qua hàng rào trắng bao quanh đồng cỏ và tiến về phía biệt thự. Khi ông ta chắc chắn chú Lùn Tịt không thể nào thấy ông ta được, ông ta bắt đầu chạy đến trước cửa chánh biệt thự, ông tắt thuốc, lấy khăn mu soa trong túi ra lau mặt, khế chải lại đầu và tiến thẳng đến gõ cửa phòng riêng ông Hoàng Tuấn.

Ông Hoàng Tuấn đang đọc một cuốn sách nghiên cứu về giống ngựa thuần túy Việt Nam ở Hoàng Liên Sơn.

- Vào đi! À, anh Tô Bốt đó hả? Chắc anh biết tôi chỉ tiếp những người tôi dặn trước... Mời anh đi ra!

- Thưa ông! Tôi có việc rất cần muốn nói với ông!

- Anh nói vắn tắt...

- Thưa ông! Với tư cách là người coi sóc chuồng ngựa của ông, tôi thấy có bổn phận phải báo cáo cho ông những điều tôi biết được. Thưa ông! Tên hề lùn tịt mà anh Bít giới thiệu cho ông chỉ là một tên vô tích sự. Nó nói nó đã khám phá ra phương pháp của gánh xiếc Bồ Câu để kiếm được tiền không cần làm việc gì cả. Sau nhiều ngày dạy ngựa không có kết quả gì hết, nó nói sẽ xin ông cho ngựa nghỉ hoàn toàn tám ngày...

- Anh nói sao? Anh Tịt nói cho ngựa nghỉ tám ngày?

- Thưa ông phải! Nó mới nói với tôi tức khắc.

- Hiện anh Tịt ở đâu?

- Thưa vẫn ở chuồng ngựa để tôi đi gọi…

- Không cần! Tôi sẽ đến gặp anh ta!

° ° °

Tô Bốt chạy nhanh ra chuồng ngựa xem Lùn Tịt còn ở đó hay không. Tô Bốt thấy chú đứng ở hành lang chuồng ngựa. Chú Lùn Tịt đầu cúi xuống, có lẽ đang suy nghĩ thật dữ dội. Tô Bốt vui vẻ hỏi chú:

- Sao? Anh vẫn giữ ý định xin ông Hoàng Tuấn cho Thần Mã một tuần lễ nghỉ ngơi?

- Tôi đang suy nghĩ sự yên tĩnh có thể làm dịu Thần Mã một thời gian, nhưng tôi sợ sự quạnh hiu cô đơn sẽ làm nó buồn… Tôi biết nhiều con ngựa sợ cô đơn lắm! Thần Mã nhất định cũng thế. Nó đã quen sống với một đứa bé rồi với ông già của đứa bé này… Khi một con ngựa buồn cô đơn, ông Sanh ở gánh xiếc Bồ Câu sẽ đem theo một con ngựa cái vào chuồng chung với nó! Tôi sẽ nói điều này với ông Hoàng Tuấn… Tôi xin ông Hoàng Tuấn cho thêm một con ngựa cái...

- Một con ngựa cái? - Tô Bốt la lên - Để làm bạn với Thần Mã? Anh muốn xin ông Hoàng Tuấn điều này? Ồ, xin lỗi...

Tô Bốt chạy như bay.

- Kìa! Anh chạy đi đâu dữ vậy?

- Tôi trở lại ngay! - Tô Bốt ra vói trở lại.

Vừa chạm mặt ông Hoàng Tuấn, Tô Bốt hổn hển nói:

- Thưa ông! Xin ông tha lỗi cho tôi về tội đường đột! Tôi xin báo cho ông biết là tên lùn có vẻ như muốn nhạo báng ông; không những nó muốn đòi tám ngày nghỉ, nó còn muốn đòi cả một con ngựa cái để giúp nó huấn luyện Thần Mã!

Vừa nghe mấy tiếng "nhạo báng ông", đôi mắt ông Hoàng Tuấn long lên sòng sọc phóng ra những tia lửa làm Tô Bốt rung động toàn thân khiến hắn ta phải nắm tay dựa vào hàng rào cho khỏi ngã.

- Nhạo báng tôi! Dám nhạo báng tôi hả, một nhà nuôi ngựa thuộc hạng số một! Được! Tên đó sẽ phải trả giá về tội ngạo mạn đó! Nó hiện ở đâu?

- Dạ, trong hành lang chuồng ngựa!

Chỉ một lát sau, chú Lùn Tịt vừa ra khỏi chuồng ngựa liền thấy ngay ông Hoàng Tuấn đang đi thật nhanh tiến về phía chú, theo sau ông là Tô Bốt đi có vẻ mặt cung kính.

Thấy vậy, chú Lùn Tịt vội chạy hết sức với đôi chân ngắn ngủn của mình đến trước mặt ông Hoàng Tuấn:

- Kính chào ông! Chắc ông Tô Bốt có trình với ông là Thần Mã cần có tám ngày nghỉ ngơi hoàn toàn?

Không thấy trả lời...

Chú Lùn Tịt tiếp tục có vẻ hơi ngỡ ngàng trước thái độ im lặng của ông Hoàng Tuấn:

- Thưa ông! Chắc ông cũng biết vai trò của một con ngựa cái đối với Thần Mã?

Bàn tay ông Hoàng Tuấn co quắp lại:

- Anh nói một con ngựa cái?

- Dạ! Thưa ông!

- Phương pháp huấn luyện Thần Mã phải đòi hỏi như thế?

Đứng phía sau ông Hoàng Tuấn, Tô Bốt mỉm cười tinh quái… Thoáng thấy thái độ Tô Bốt, chú Lùn Tịt chợt hiểu. Chú run lên vì giận dữ:

- Dạ thưa ông!

Ông Hoàng Tuấn tiếp tục:

- Trong những ngày vừa rồi, anh có thành công chưa? Tôi chưa muốn thành công cỡi Thần Mã, tôi chỉ muốn nói anh làm Thần Mã bớt bất kham mà thôi, anh có thành công không?

Lúc đó, mọi người bỗng nghe tiếng nện chân của Thần Mã trong chuồng ngựa. Chú Lùn Tịt đã hiểu là chú đã bị Tô Bốt dèm pha nên ông Hoàng Tuấn mới có thái độ như thế. Không! Tô Bốt không thể nào thắng Lùn Tịt được đâu! Phải nghĩ đến tương lai cháu Vân! Phải nhẫn nhục!

Lúc bấy giờ, Tô Bốt lại châm thêm dầu vào lửa:

- Thưa ông! Ông nghe đó! Thần Mã vẫn vậy, có vẻ còn dữ hơn cả dã thú nữa!

Chú Lùn Tịt cãi lại:

- Đó là vì Lùn Tịt nghe tiếng nói của anh! Thần Mã kinh sợ anh, chắc anh biết chứ anh Tô Bốt?

Tô Bốt nhún vai:

- Chắc không?

Những cú nện chân của Thần Mã càng lúc càng dữ dội…

Ông Hoàng Tuấn nói với chú Lùn Tịt:

- Tôi ra lệnh anh làm Thần Mã êm dịu đi!

Tô Bốt châm biếm:

- Anh có thể làm được không, anh Lùn?

Giận dữ điên cuồng trước thái độ hèn mạt của Tô Bốt, chú Lùn Tịt đứng thẳng người hết sức dũng cảm và phóng ra những lời nói chắc nịch:

- Tôi có thể làm Thần Mã êm dịu ngay. Tôi cũng dám leo lên cởi nó nữa! (Và tôi cũng có thể bị Thần Mã vật chết, chú Lùn Tịt nghĩ, chắc Tô Bốt lúc bấy giờ mãn nguyện lắm!)

Ông Hoàng Tuấn ngắm chú Lùn Tịt. Ông mỉm cười. Ông cho chú Lùn Tịt nói như thể chỉ để đùa cho vui thôi, chứ đời nào chú lại dám! Tên gian dối này đáng bị trừng phạt!

Chú Lùn Tịt nói tiếp:

- Phải, còn anh. Tô Bốt đừng cười nữa, hoặc là tôi…

- Hoặc là anh… Đủ rồi! Chưa ai có thể dám nói to trước mặt tôi, chỉ có anh thôi đó! Anh nói anh có thể lên cỡi Thần Mã, vậy anh cỡi đi! Ngay tức khắc!

Nói xong, ông Hoàng Tuấn đi ra ngoài để xem cảnh tượng sắp xảy ra.

Chú Lùn Tịt hỏi Tô Bốt:

- Cho tôi một cái dải bịt gấp, tôi sẽ đặt trước mắt Thần Mã. Nếu Thần Mã không thấy tôi, Thần Mã sẽ tưởng tôi là cậu chủ tí hon của nó thời xa xưa lên cỡi nó vì tôi có lẽ chỉ cân nặng bằng đứa bé đó mà thôi…

Tô Bốt càu nhàu:

- Thưa ông! Nó lại đòi cả dải bịt nữa!

Nhưng ông Hoàng Tuấn cắt ngang lời Tô Bốt:

- Đưa cho nó! Đưa cho nó tất cả những gì nó muốn! Điều đó không quan trọng, miễn là nó giữ đúng lời hứa… Nó sẽ trả giá nếu nó dám nhạo báng tôi!

Chú Lùn Tịt vừa bước vào chuồng ngựa vừa nói:

- Thưa ông! Tôi sẽ giữ lời hứa! Đời tôi chưa bao giờ thất hứa cả dù tôi nghèo! Còn nhạo báng ông, tôi chưa bao giờ, không bao giờ nghĩ tới cả!

Lúc đó, Tô Bốt đưa cho chú một cái dải bịt và nói:

- Để coi anh làm trò gì? Đây không phải là trò hề trình diễn trong một gánh xiếc nghe anh Lùn!

Chú Lùn nghiến răng:

- Tôi tháo ngựa ra! Anh ra ngay đi nếu không muốn bị nó nghiền nát như cám dưới chân của nó! Chính anh đã vu khống tôi làm cho ông chủ ghét tôi! Được! Tôi sẽ cho anh biết con người tôi như thế nào dù tôi tật nguyền!

Lúc đó, Thần Mã đứng yên lặng nhìn chú Lùn Tịt như một ác thần!

° ° °

Mặt trời hạ nhanh... Chưa biết những gì sắp xảy ra trong chuồng ngựa. Chưa biết mạng sống chú Lùn Tịt đang bị đe dọa, Đình vô tư lự từ từ tiến về phía biệt thự Thiên Nga để gặp chú Lùn Tịt như thường lệ... Con đường Đà Lạt mù sương đưa đến thung lũng Tình Yêu vẫn lạnh mát nên thơ. Thung lũng Tình Yêu có biệt thự Thiên Nga, nơi chú Lùn Tịt đang tranh đấu sống còn cho tương lai của hai anh em Đình, Vân!

° ° °

Thần Mã bị cột vào một vòng sắt gắn chặt vào tường. Chú Lùn Tịt bước hết sức thận trọng vào chuồng và cột thật nhanh cái dải bịt trước mắt Thần Mã. Thần Mã cố né tránh, chân dậm bình bịch, nhưng vẫn không được.

Thần Mã đứng im bất động, cố lắng tai nghe để biết những gì xảy ra chung quanh nó, nhưng nó chả nghe chả thấy gì hết. Lợi dụng phút đó, chú Lùn Tịt tiến tới cởi xích cho Thần Mã và khuyến khích Thần Mã đi ra ngoài.

Con ngựa bất kham run lên toàn thân. Nhờ cúi đầu xuống đất, Thần Mã thoáng thấy rơm trải trên đất ở một góc chuồng. Thần Mã bỗng trở nên bạo dạn, tiến ra khỏi chuồng, khi nó cảm thấy có cỏ dưới chân nó, tức thì nó hí vang rền và phóng tới như vũ bão...

° ° °

Ông Hoàng Tuấn và Tô Bốt đứng tựa bờ rào quan sát cảnh tượng đang diễn ra trong đồng cỏ. Con ngựa vừa được tháo xích phóng nhanh như tên bắn... còn chú Lùn Tịt chạy tất tả theo sau vì chưa kịp leo lên cỡi nó…

Chú Lùn Tịt chạy đến một góc cánh đồng cỏ, cố gắng theo dõi và chận đầu Thần Mã. Chờ đúng lúc Thần Mã chạy ngang trong cơn lốc đất và bụi, chú Lùn Tịt phóng tới leo lên đít Thần Mã nhưng không được. Thần Mã nhún mình thật mạnh quăng chú té nhào xuống đất. Một gót chân ngựa quật vào mặt chú Lùn Tịt. Chú lăn lóc như một quả banh. Không chán nản, cố gắng hết sức mình, chú ngồi ngay dậy và nhảy lần thứ hai lên lưng đẫm mồ hôi của Thần Mã. Thần Mã cũng giương hết sức lực thần sầu quỷ khốc của mình để chống lại ý chí mãnh liệt cao độ của một con người. Dù sao đi nữa, sức ngựa vẫn hơn sức người. Thần Mã đã thành công! Chú Lùn Tịt nằm dài trên cỏ bất động. Con ngựa trở nên giận dữ hơn cả bao giờ, nó phi nước đại đến cuối đồng cỏ rồi quay trở về báo thù chú Lùn Tịt.

° ° °

Vừa đến trước cổng biệt thự Thiên Nga, Đình tính bấm chuông thì nó thấy một vì sao xẹt trắng xóa đang bay trên đồng cỏ, cùng lúc nó thấy trên đường ngựa chạy một người đang bất tỉnh và Thần Mã đang chỉ còn cách người đó vài chục thước. Đình thấy ngay chú Lùn Tịt. Đình rống lên sợ hãi cực độ. Nó chạy tràn vào, phóng qua hàng rào, tuyệt vọng giơ tay lên trời.

° ° °

Con ngựa đã đến sát chú Lùn Tịt. Cố gắng đến sức tối đa của con người, chú Lùn Tịt đã trỗi dậy và phóng lên lưng Thần Mã một lần nữa. Thần Mã hí lên hết sức man rợ và cố diệt người kỵ mã nhỏ bé… Trong giây phút tuyệt vọng đó vì chú Lùn Tịt đã dùng hết sức rồi, một nhiệm mầu liền xảy ra! Một giọng tuổi thơ êm ái bỗng vang lên:

"Thần Mã!" "Thần Mã!"

Tại sao trước đó Thần Mã không biết sớm là mình đang mang một trọng lượng thật nhẹ, trọng lượng bằng một đứa bé mười tuổi? Đó là vì nó nuôi hận thù chỉ muốn giết người cỡi nó mà thôi! Từ trước đến giờ, nó cảm thấy cô đơn, chỉ gặp toàn những đòn hiểm ác... Bây giờ nhờ tiếng gọi của Đình, tiếng gọi êm ái của một đứa bé. Thần Mã đã nhớ lại kỷ niệm êm ái ngày xưa và ý thức được trọng lượng nhẹ nhàng đang mang trên lưng... Thần Mã bỗng cảm thấy được vuốt ve, bao nhiêu hận thù tiêu tan! Thần Mã thấy dường như mình vừa được chấp đôi cánh bay dịu dàng. Thế là Thần Mã quên cái dải bịt đang che mắt mình. Thần Mã chỉ còn nghe giọng trẻ thơ êm ái và ý thức được mình đang mang một trọng lượng thật nhẹ tiêu biểu cho kỷ niệm xa xưa. Thần Mã liền trở nên hiền dịu bất ngờ và cúi đầu khuất phục chàng kỵ mã bé nhỏ can đảm vượt quá sức người. Thần Mã hí vang lừng, không phải giọng hí hận thù nữa, mà là giọng hí mừng rỡ vì có được một kỵ mã hào hùng.

Ngựa phi, ngựa phi đường xa.

Chú Lùn Tịt đắc thắng ngồi trên lưng Thần Mã đang phi nước đại điều hòa. Miệng đầy bọt, đuôi dựng đứng, Thần Mã chạy vòng quanh bãi tập, đi qua đi lại trước cặp mắt vô cùng thán phục của ông Hoàng Tuấn. Lẽ dĩ nhiên, Tô Bốt nổi giận và mắc cỡ!

° ° °

Chú Lùn Tịt ngã dài trên nệm cỏ, thở dốc gần như kiệt lực. Chú nói:

- Cháu Đình ơi! Nếu không nhờ cháu gọi Thần Mã, có lẽ chú đã chết rồi! Cháu đã cứu mạng sống của chú đó! Chú phải trả ơn cháu cái gì cho xứng đáng bây giờ?

Đình mỉm cười:

- Vài cục phấn màu để cháu vẽ... Cháu vừa tính hỏi chú đó!

° ° °

Sáng hôm sau, Nguyễn Bít đến gặp chú Lùn Tịt ở chuồng ngựa:

- Ông chủ muốn gặp anh tức khắc!

- Tôi có phải lau rửa trước khi gặp mặt ông chủ không? - Chú Lùn Tịt hỏi tinh quái.

- Không cần! Nhanh lên anh!

Vài phút sau, hai người đến trước cửa phòng ông Hoàng Tuấn. Nguyễn Bít dặn chú Lùn Tịt:

- Anh nhớ trả lời ông chủ cho rành mạch đàng hoàng! Ông tuy vậy chứ tốt và hiểu người lắm! Ông chủ từ nhỏ đến lớn học và ở xứ Anh, nên ông bị nhiễm lối sống Anh một phần nào... Chắc anh đã từng nghe câu "phớt tỉnh như Ăng Lê" rồi chứ gì?

Dặn chú Lùn Tịt xong, Nguyễn Bít gõ cửa.

- Vào đi! - Một giọng nói lạnh lẽo nổi lên, nhưng bớt lạnh lẽo hơn mọi lần.

Nguyễn Bít tiến tới:

- Thưa ông! Anh Tịt đến trình diện ông!

Vừa nói xong, Nguyễn Bít thì thầm với chú Lùn Tịt:

- Anh nhớ lời tôi dặn nghe!

Lúc ấy, ông Hoàng Tuấn hỏi chú Lùn Tịt:

- Anh muốn lãnh ba chục triệu không?

Ông Hoàng Tuấn nhìn ngay mắt chú Lùn Tịt. Chú Lùn Tịt lắp bắp tưởng như mình nghe lầm:

- Ba... ba

- Sao anh không trả lời?

Chú Lùn Tịt lấy khăn lau mồ hôi trán. Quá xúc động trước câu hỏi bất ngờ, chú Lùn Tịt không biết trả lời ra sao.

- Sao? Anh có muốn lãnh ba chục triệu đồng không?

Cố lấy lại bình tĩnh, chú Lùn Tịt nói:

- Thưa ông! Xin ông tha lỗi! Chắc ông thấy tôi nghèo nên ông hỏi đùa thôi!

Ông Hoàng Tuấn đập mạnh tay xuống bàn.

Nguyễn Bít và cả Tô Bốt nữa đang rình rập ở ngoài theo dõi hành động của hai người.

- Anh hãy trả tời! Tôi như thế này mà đùa anh sao? Bằng lòng hay không, anh có muốn ba chục triệu không? Trả lời!

- Thưa ông!...

- Thôi! Anh đừng chận lời tôi và nghe tôi nói đây.

Ông Hoàng Tuấn đi qua đi lại trên tấm thảm dày, tay để sau lưng đầu cúi xuống, mắt ngó lên trần nhà như muốn tập trung tư tưởng:

- Mùa xuân năm nay, ở trường đua Phú Thọ Sài Gòn có một cuộc đua vĩ đại nhất thế giới. Tất cả các con ngựa dũng mãnh nhất thế giới từ bốn phương trời đều tụ tập lại để tranh giải vĩ đại đó. Giải này gọi là Giải Rồng Vàng Việt Nam trị giá bảy chục triệu đồng bạc mặt. Muốn đoạt giải này, một con ngựa bắt buộc phải thắng ba độ liên tiếp cách khoảng mỗi độ mười lăm ngày. Hiện nay chỉ có con ngựa Mỹ Apollo của nhà đua ngựa Mỹ Henry Harris là chắc chắn hy vọng đoạt giải. Con ngựa Apollo đang được tôn là vô địch thế giới. Không có con ngựa nào có thể đárh bại nó được! Nhưng tôi muốn hạ nó. Tôi muốn người Mỹ đó hết kiêu ngạo. Người Mỹ đó đã từng tuyên bố cái gì của Mỹ là số một, đến nỗi con ngựa Mỹ Apollo cũng số một luôn! Tôi muốn Thần Mã, một con ngựa thuần túy Việt Nam sẽ đánh bại Apollo. Nếu anh thành công với Thần Mã trong cuộc tranh giải sắp tới, tôi sẽ mang ơn anh.

Tới đây, ông Hoàng Tuấn hạ thấp giọng, thân mật không ngờ:

- Vì màu cờ sắc áo… vì người Mỹ Henry Harris là địch thủ lợi hại nhất của tôi trên trường đua ngựa, nếu anh thắng được ba độ liên tiếp đem giải Rồng Vàng Việt Nam về cho xứ sở, tôi sẽ trả cho anh ba chục triệu đồng! Anh suy nghĩ kỹ đi, đến chiều trả lời tôi!

- Thưa ông, tháng mấy tranh giải?

- Tháng mười hai!

- Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi! Không cần đến chiều! Tôi có thể ký giao kèo ngay… Bây giờ chúng ta đang ở vào đầu tháng tám… Tôi nghĩ mình có thể khuất phục được Thần Mã được bằng cách đừng bao giờ cho một kỵ mã nào nặng hơn người chủ nhỏ của nó xưa kia cỡi. Tôi sẽ cố giữ cho nhẹ cân như một đứa nhỏ!

- Tốt! Vì chính anh sẽ cỡi Thần Mã suốt cả ba độ đua.

- Nhưng đề phòng trường hợp tôi bị bệnh… chết bất tử…

Ông Hoàng Tuấn nói lạnh lùng:

- Trong trường hợp đó anh sẽ mất ba chục triệu... tôi muốn anh cố gắng đi đến cùng...

Chú Lùn Tịt im lặng. Chú suy nghĩ:

- Ông này thật lạ lùng…

- Sao? Anh có quyết định cỡi Thần Mã để đoạt giải thưởng Rồng Vàng Việt Nam?

- Dạ! Tôi quyết định dự giải!

° ° °

Ông Hoàng Tuấn dẫn chú Lùn Tịt lại bàn giấy:

- Anh ký vào đây!

Chờ cho chú Lùn Tịt ký xong, ông Hoàng Tuấn nói:

- Từ giờ trở đi, anh toàn quyền huấn luyện Thần Mã. Tôi sẽ thỏa mãn tất cả những điều anh muốn trong công việc này!

- Dạ! Thưa ông! Tôi muốn có một đứa trẻ phụ giúp ở chuồng ngựa...

- Được! Có ngay!

Ông Hoàng Tuấn tính bấm chuông gọi thư ký, thì chú Lùn Tịt chận lại:

- Thưa ông, tôi đã có người rồi!

- Vậy hả? Anh đã có người sẵn?

- Dạ! Thưa ông!

° ° °

Một lát sau, chú Lùn Tịt chạy thẳng ra chợ Đà Lạt tìm Đình. Không thấy Đình, chú thẳng ra Hồ Xuân Hương đang lấp lánh dưới ánh sáng dìu dịu của mặt trời ban trưa. Chú đi vòng quanh hồ tiến lên sân Cù. Không thấy Đình, chú rẽ vào một biệt thự đổ nát. Chú thấy Đình đang ngồi trên một bức tường. Chú la lên:

- Trời cháu vẽ đẹp quá!

Đình ngạc nhiên quay lại:

- Ủa! Chú đó à! Sao chú biết cháu ở đây?

- Thì chú đi kiếm cháu lung tung, may gặp được cháu ở đây đó!

- Tại sao giờ này chú lại đi được? Chú không tập luyện ngựa sao? Hay chú bị đuổi rồi?

- Chú mà bị đuổi à? Câu hỏi cháu chạm tự ái chú đó nghe! Này cháu! Chú thấy cháu vẽ đẹp quá. Cháu đã vẽ đúng quang cảnh trước mắt: đồi, hồ, sương mù, ngàn thông thơ mộng! Cháu đã vẽ thật tự nhiên, thật sống động! Cháu có tin là cháu sẽ thành một nhà đại họa sĩ không?

Đình gật gù chả có vẻ khiêm nhượng gì cả:

- Cháu tin chứ!

- Theo chú, hiện cháu chưa trở thành đại họa sĩ, tương lai nhất định cháu sẽ trở thành... Nhưng, bây giờ cháu hãy tạm quên hoài bảo đó đi, để làm việc kiếm tiền và nhất là kiếm một mức sống khả quan hơn...

- Các họa sĩ không có được hưởng gì hết hả chú? Như thế làm sao họ sống được?

- Đa số các họa sĩ nghèo lắm. Nhưng cháu ở vào trường hợp khác, cháu đã sinh dưới một ngôi sao tốt, vì thế chú tin cháu sẽ không chết đói nếu theo nghề vẽ bạc bẽo...

- Như thế chú cho cháu vào học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật hả chú? - Đình hy vọng hỏi chú Lùn Tịt.

- Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật? Chú không rõ trường này là gì, nhưng trong khi chờ đợi vào đó học, chú đã tìm cho cháu một việc ngon lắm! Cháu sẽ làm việc dưới quyền chú ở chuồng ngựa… xứng đáng lắm cháu ơi!

- Như vậy mà chú nói là xứng đáng à? Chú muốn cháu làm như thế hơn làm một nhà họa sĩ?

- Chú đã nói cháu làm việc với chú thôi!

- Phải! Cháu đã hiểu, nhưng cháu không bao giờ làm thế.

- Chú cần có cháu bên cạnh để giúp chú săn sóc Thần Mã, để canh chừng những hành động kém lương thiện của Tô Bốt. Chú tin chắc là chú sẽ lãnh được nhiều tờ giấy bạc dành cho cháu, cho Vân và cho cả chú nữa!

- Lãnh được vài tờ giấy bạc đâu bằng tìm được nguồn vui trong nghệ thuật! Cháu đã vẽ mê say hằng tuần nay! Thích lắm chú ơi! Cháu chưa bao giờ có những phút sung sướng cao thượng như thế này! Chú nói nhiều tờ giấy bạc? Như thế là bao nhiêu? Vài chục tờ là cùng chứ gì? Cháu không cần, cháu thích vẽ hơn giấy bạc!

- Nhưng nếu có hàng trăm, hàng ngàn tờ giấy bạc... Nếu có tới một chục triệu, hai chục triệu đồng, cháu có cần không?

- Chú đùa cháu phải không chú?

- Ba chục triệu! Mình sẽ có ba chục triệu đồng!

- Làm sao có được hả chú? Ai cho mình?

Chú Lùn Tịt nói hết sức long trọng:

- Chú vừa ký hợp đồng ba chục triệu! Nhưng điều đó đối với cháu đâu có quan trọng, vì ba chục triệu đâu có bằng niềm vui ngồi vẽ êm đềm các quang cảnh đẹp giữa thiên nhiên!

- Chú châm biếm cháu phải không chú? Chú nói nhanh lên đi! Ba chục triệu đồng lớn lắm, chú làm thế nào để có vậy chú?

- Chú lặp lại: Muốn có, cháu phải theo chú, phụ giúp chú.

- Dạ. Cháu theo chú ngay!

Chú Lùn Tịt nói nhỏ với Đình:

- Ba chục triệu đồng cháu ơi! Đó là chưa kể lương riêng của cháu về việc phụ chú đó: 1.500 đồng mỗi ngày lẫn ăn, ở, vị chi 45.000 đồng mỗi tháng!

- Đi mau chú!

Đình kéo tay chú Lùn Tịt chạy một nước.

° ° °

Thay vì đi thẳng về phía thung lũng Tình Yêu để về biệt thự Thiên Nga, chú Lùn Tịt kéo Đình vào một tiệm bán đồ thể thao sang nhất Đà Lạt. Đình hỏi:

- Vào đây làm chi vậy chú?

- Chú chọn tiệm sang nhất Đà Lạt, vì như thế mới xứng đáng với địa vị triệu phú của chú trong tương lai. Hơn nữa cháu nghĩ xem không lẽ mình cỡi Thần Mã vô địch với bộ đồ dơ dáy như thế này à? Một con ngựa đặc biệt như Thần Mã phải được những người quý phái sang trọng cỡi và săn sóc!

Nhìn các vật dụng lộng lẫy trong các tủ kính, Đình trầm trồ:

- Đẹp quá! Như mơ vậy?

Đứng một hồi, không thấy ai lại hỏi mình, chú Lùn Tịt tức tối:

- Ủa, tiệm sang thế này mà không có ai tiếp khách sao?

Liền lúc đó, cô giữ két cầm giấy hai chục đồng đưa cho Đình và nói:

- Cầm đi em, chị biếu em đó! Cả hai ra ngoài mau, kẻo ông chủ thấy thì nguy đó! Ông chủ không thích ăn xin trong tiệm của ông!

Chú Lùn Tịt tiến tới cầm tờ giấy hai chục trả lại cho cô giữ két làm cô ta ngạc nhiên:

- Ủa! Những người ăn mày thật kỳ lạ? Bộ chê hai chục ít sao?

Chú Lùn Tịt ngẩng cao mặt:

- Bộ bà coi chúng tôi là ăn mày hả! Chúng tôi không có đòi hỏi lòng bác ái từ bi của bà đâu!

- Vậy ông muốn gì?

Chú Lùn Tịt rổn rảng:

- Tôi muốn hai bộ đồ kỵ mã cho tôi và cho cậu bé này!

- Ông đùa hả? Ông có biết tiệm này sang nhất Đà Lạt không? Làm sao ông mua nổi?

Chú Lùn Tịt điềm tĩnh:

- Mua nổi chứ! Bà khinh tôi quá vậy! Bà biết chúng tôi là ai không? Tôi là nài ngựa số một của ông Hoàng Tuấn? Như thế chắc đã đủ sức mua đồ ở đây phải không bà?

Vừa nghe chú Lùn Tịt nói xong, cô giữ két đổi thái độ ngay. Cô gọi rối rít:

- Tám! Sáu! Bảy! Mau ra tiếp quý khách! Quý khách đây là nài của ông Hoàng Tuấn! Mau lên! Hai bộ đồ kỵ mã!

- Xin lỗi ông! Vì từ trước đến nay, chúng tôi chỉ biết có Tô Bốt mà thôi! Tô Bốt hết làm nài ngựa cho ông Hoàng Tuấn rồi phải không ông? Tô Bốt đi đâu rồi?

- Tôi không phải đến đây để bà hỏi tin tức, tôi đến đây mua đồ. Ai phụ trách tiếp tôi?

- Thưa ông! Tất cả... Ông muốn ai cũng được! Tám, Sáu, Bảy! Ông chọn đi...

Chú Lùn Tịt chỉ một người tên Bảy và ra lệnh:

- Cho tôi những bộ đồ kỵ mã tốt nhất! Tôi chỉ mua những bộ tốt nhất thôi đó nghe.

- Dạ! Mời ông vào đây!

Người bán dẫn chú Lùn Tịt đến nơi thử chung quanh toàn kính rồi nói với chú:

- Đối với cậu bé thì có thể chọn đồ may sẵn dễ dàng, còn với ông thì, xin lỗi ông, hơi tế nhị! Xin ông cho tôi được đo ông: Vai: 40. Cao: 1 thước mốt. Hình dáng...!... vân vân...

Lúc đó Đình đã mặc bộ đồ kỵ mã lộng lẫy, Đình có vẻ lớn hẳn trong bộ đồ mới này. Mặt Đình rạng rỡ niềm vui. Đình hỏi chú Lùn Tịt:

- Chú thấy cháu như thế nào? Bảnh không chú?

- Lẽ dĩ nhiên bảnh rồi!

Người bán hỏi:

- Thưa ông! Bộ đồ này (ông ta chỉ Đình) ông lấy luôn tại đây hay để chúng tôi đem lại biệt thự Thiên Nga?

Chú Lùn Tịt bỗng giở chứng:

- Không! Ông có thể mang cho con ông nếu ông có con!

Nói xong, chú dẫn Đình đi ra ngay khỏi cửa tiệm. Cô giữ két phải cố gắng hết sức mới can được ông Bảy đang muốn bóp cổ chú Lùn Tịt. Cô biết rõ tính nết các nài ngựa số một: thường hay phá! Vả lại, cô còn muốn câu ông khách quý: nài ngựa của nhà tỷ phú Hoàng Tuấn.

Lợi dụng phút rảnh rỗi, Đình mua giấy viết ngay cho bà Liên Hương một bức thư báo tin cho bà biết những biến cố lạ lùng may mắn đang xảy đến cho Đình và chú Lùn Tịt.

° ° °

Bà Liên Hương vô cùng vui mừng khi nhận được thư Đình. Đọc xong bà đến ngay trường học của Vân. Bà đến đúng giờ ra chơi. Vân đang nhảy dây trong sân trường. Vừa thấy bà, cô bé chạy ngay lại:

- Bà! Bà! Bữa nay chưa tới chủ nhật sao bà lại đến đón con!

- Bà đến đọc cho con nghe thư của anh con, bà mới nhận được.

Sau khi đọc xong, bà Liên Hương giải thích cho cô bé hiểu:

- Con thấy không? Chú Tịt đã hy sinh mạng sống để cỡi một con ngựa gần như dã thú, đó là vì con, vì Đình, để kiếm đủ tiền cho các con ăn học!

CHƯƠNG 9 NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG KÍNH ĐEN

T

rong chuyến xe lửa tốc hành Đà Lạt - Sài gòn sáng nay có một người rất kỳ lạ. Người ấy đội mũ trùm gần kín cả mặt và ngồi ở một góc toa, không giao thiệp với ai cả. Người ấy ngồi bất động suốt chuyến tàu. Tới Sài Gòn, người ấy xuống ga, ngó qua ngó lại rồi đi thẳng về đường Nguyễn Huệ vào ngồi trong một nhà hàng. Người ấy ngồi thật lâu, có đến cả giờ đồng hồ.

- Anh là Tô Bốt phải không?

Nghe hỏi, người đó ngẩng lên. Một người đàn bà mang kính đen đang nhìn hắn chằm chặp.

- Phải!

Tô Bốt liền đứng dậy đi theo người đàn bà ra ngoài. Cả hai tiến vào một quán cà phê ở một góc đường.

Người đàn bà hỏi:

- Anh dùng gì? Tôi dùng cà phê!

Tô Bốt thì thầm:

- Tôi một ly huýt ky!

Người đàn bà mang kính đen khẽ nhún vai:

- Mình phải uống cái gì cho khỏe và đỡ khát!

Tô Bốt nói có vẻ chua chát:

- Hiện tôi chỉ có một việc quan trọng độc nhất là lấy lại vị trí nài ngựa số một của ông Hoàng Tuấn và loại trừ tên lùn khốn nạn đó!

- Này anh Tô Bốt! Anh muốn gặp tôi về chuyện gì? Anh có biết rằng vì gặp tôi, anh có thể bị ông Hoàng Tuấn đuổi khỏi chuồng ngựa của ông ta không? Có ai thấy anh đi Sài Gòn không? Anh có bị dò xét rình rập trên đường đi không?

- Bà yên chí! Không có ai thấy và rình rập theo dõi tôi ở biệt thự Thiên Nga cả! Bà Lãm biết không, ở đó, tên lùn đang huấn luyện Thần Mã để đánh bại Apollo của chủ bà ở trường đua Phú Thọ trong mùa xuân tới đây hầu đoạt giải Rồng Vàng Việt Nam!

Bà Lãm ngẩng đầu nhanh:

- Chủ tôi, người Mỹ Henry Harris, đã nghe nói con ngựa Thần Mã là một con ngựa gần như dã thú. Theo anh, chỉ trong vài tháng tới nó đủ sức đoạt giải?

- Tôi chắc chắn như vậy! Chắc chắn trăm phần trăm Thần Mã sẽ đoạt giải!

Này! Mời bà nghe tôi nói, mình không cần nói nhiều nhưng cần đầy đủ. Chúng ta không muốn Thần Mã thắng vì hai lý do sau đây: Thứ nhất là vì mối thù của tôi với tên lùn, thứ hai là mối thù của chủ bà với ông Hoàng Tuấn vì sự cạnh tranh!

- Đúng! Nhưng mình phải làm thế nào bây giờ?

- Tôi có kế hoạch hay lắm... Nhưng tôi không thể thành công nếu không có bà giúp. Kế hoạch của tôi cần phải có nhiều tiền, mà tôi lại không có. Nhưng chủ bà thì dư sức… Tôi nhất định Thần Mã sẽ thua...

- Như thế nghĩa là làm sao?

- Số tiền tôi cần to lắm. Chủ bà có sẵn sàng chấp thuận không?

- Lẽ dĩ nhiên chấp thuận chứ! Chủ tôi mua Apollo chỉ có mục đích đoạt giải Rồng Vàng Việt Nam! Nay ông nghe có con Thần Mã có thể hạ Apollo của ông, nhất định ông sẽ không từ chối bất cứ điều gì miễn là Apollo của ông đoạt giải.

Tô Bốt nói:

- Apollo nhất định đoạt giải! Tôi muốn trả thù ông Hoàng Tuấn đã bạc đãi tôi để tin dùng một tên lùn tầm thường. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình!

Tô Bốt đập mạnh tay trên bàn để tăng thêm sức mạnh của câu nói mình.

- Vậy anh muốn thế nào?

- Tôi muốn dụ tên Lùn bán độ. Mình cho nó gấp đôi số tiền ông Hoàng Tuấn hứa với nó, nghĩa là sáu chục triệu, nếu nó giữ cho Thần Mã về nhì. Thấy tiền ai mà không ham! Sau đó, khi Thần Mã thua rồi, tôi sẽ xử trí với tên Lùn... Bà hãy đề nghị chương trình của tôi với chủ bà rồi trả lời cho tôi hay càng sớm càng tốt.

- Tôi chắc chắn chủ tôi chấp thuận sáu chục triệu vì chủ tôi cho tôi toàn quyền quyết định vụ này. Khi cho tôi đến gặp, chủ tôi đã biết trước. Ông ấy chỉ muốn hạ địch thủ truyền kiếp của ông ấy là ông Hoàng Tuấn thôi!

Bà Lãm nói tiếp:

- Tôi để ông thuyết phục tên lùn… Sau tám ngày, ông cho tôi hay kết quả... Nếu cần, điện tín cho tôi để hẹn chỗ gặp.

° ° °

Tô Bốt trở về Đà Lạt và về biệt thự Thiên Nga.

Lúc bấy giờ, chú Lùn Tịt đang cỡi Thần Mã chạy dợt chung quanh bãi tập. Thần Mã phi nước đại thật sung sức. Tô Bốt đón đường giơ tay chào chú Lùn Tịt. Vừa thấy hình dáng Tô Bốt, Thần Mã nổi giận hí vang rền, chút xíu nữa quăng chú Lùn Tịt xuống đất.

Chú Lùn Tịt nói giận dữ:

- Tại sao anh cứ bén mảng tới chỗ tôi làm việc? Anh có biết không, vừa thấy anh, Thần Mã liền nhớ lại người đã hành hạ nó đó! Về sau đừng đến đây nữa, anh ra chỗ khác chơi!

Tô Bốt mỉm cười. Lúc đó chú Lùn Tịt đã xuống ngựa và Thần Mã một mình tự do phóng chạy chung quanh đồng cỏ.

- Chà, con ngựa thật vĩ đại!

Tô Bốt buột miệng khen Thần Mã, rồi quay sang chú Lùn Tịt:

- Anh đúng là một nhà kỵ mã số một! Tôl chịu thua anh luôn!

Chú Lùn Tịt ưa nịnh nên khi được Tô Bốt khen, chú hỉnh mũi lên, mỉm cười có vẻ khoái chí lắm. Tô Bốt lại vuốt ve chú Lùn Tịt thêm:

- Anh Tịt thông cảm cho tôi! Tôi cũng là một nài ngựa như anh nên rất ghiền xem những con ngựa hay như Thần Mã… Tôi không ngờ gây khó khăn cho anh… Xin lỗi! Xin lỗi!

Chú Lùn Tịt đắc chí:

- Không có chi! Không có chi! Anh em cả mà.

Tô Bốt lại nói thêm:

- Anh đúng là một nài ngựa tài giỏi nhất nên mới huấn luyện nổi Thần Mã… Tôi…

- Sao anh?

- Nhưng tôi lấy làm buồn đã có những hành động và lời nói không tốt đối với anh. Chắc anh đã nghĩ là tôi ganh tị với anh chứ gì? Không, tôi không có ganh tị anh đâu, tôi còn thích nữa là khác vì nhờ có anh, tôi không phải hy sinh đem mạng sống mình đổi với Thần Mã. Nhờ có anh, tôi được thảnh thơi dạo Đà Lạt mù sương…

Ngừng một lát, Tô Bốt nói tiếp:

- Để kết tình huynh đệ, mời anh tối nay đi uống cà phê với tôi. Anh đừng từ chối nhé! Hẹn anh tối nay ở cà phê Thủy! Nhớ nghe anh!

Nói xong, Tô Bốt từ giã chú Lùn Tịt ngay.

Vừa lúc đó Đình đang xách một chậu nước đi đến. Thấy vậy, Đình hỏi:

- Tô Bốt nói gì với chú vậy, hả chú?

- Tô Bốt khen chú là nài giỏi và khen Thần Mã. Tô Bốt có vẻ hối hận về những hành động vừa qua với chú. Vì thế Tô Bốt muốn kết tình bạn với chú, mời chú tối nay lại cà phê Thủy uống cà phê cho vui. Cháu thấy không, kể ra Tô Bốt cũng không xấu lắm!

- Chú hãy đề phòng! Cháu nghi Tô Bốt không tốt đâu! Có lẽ ông ta gài bẫy gì cho chú vào đó!

° ° °

Trời vừa sập tối, chú Lùn Tịt ra khỏi biệt thự Thiên Nga và đi thẳng đến chợ Đà Lạt, rồi vào quán cà phê Thủy. Tô Bốt đã ở đó đợi chú tự bao giờ. Vừa thấy chú, Tô Bốt la lên mừng rỡ:

- Chào bạn! Tôi rất sung sướng được bạn chấp thuận lời mời… Được một nài ngựa số một làm bạn, tôi sung sướng lắm! Nhưng tại sao từ trước đến nay bạn có vẻ như ghét tôi vậy bạn!

- Tại tôi tưởng bạn ghét tôi và thù tôi!

Tô Bốt cười ha hả:

- Như thế chỉ là hiểu lầm giữa đôi ta mà thôi! Cà phê nóng hổi sẽ phá tan tất cả! Nào mời anh vào!

Tô Bốt kéo chú Lùn Tịt vào quán cà phê Thủy. Trong quán hiện có khá đông khách. Tô Bốt kiếm một bàn ở một góc kín đáo rồi mời chú Lùn Tịt ngồi. Nhạc thính phòng lướt nhẹ khắp quán. Tô Bốt gọi hai ly cà phê phin. Chờ cho giọt cà phê cuối cùng rơi xuống ly, Tô Bốt nói:

- Nào uống đi anh! Tôi xin uống mừng vị vua các nài ngựa!

Chú Lùn Tịt cũng đáp lại:

- Tôi cũng xin uống mừng anh!

Tô Bốt mỉm cười:

- Uống cho tình bạn bất diệt của đôi ta! Nào! Hoan hô tình bạn chân thành bất diệt!

Chờ chú Lùn Tịt hớp xong một ngụm cà phê thơm phức, Tô Bốt nói hết sức dịu dàng:

- Này anh! Chắc anh thương cô bé mồ côi đó lắm phải không?

- Ủa! Sao anh biết? Tôi thương cháu Vân biết là chừng nào! Anh em Đình, Vân là cuộc đời tôi đó!

- Như thế nếu kiếm được nhiều tiền chắc anh mừng lắm!

Chú Lùn Tịt gật đầu:

- Mừng chứ! Chắc anh biết nếu Thần Mã đoạt giải "Rồng Vàng Việt Nam", tôi sẽ lãnh được ba chục triệu đồng!

- Nếu Thần Mã thất bại, anh mất ba chục triệu phải không?

- Phải, lẽ dĩ nhiên rồi!

Tô Bốt bắt đầu tấn công:

- Tôi biết có một giao kèo khác... Chẳng hạn như nếu anh để Thần Mã thất bại vì anh bị bệnh hay vì một lý do gì khác, anh sẽ được lãnh sáu chục triệu đồng.

Nói tới đây, Tô Bốt im lặng... Băng nhạc vừa chuyển sang bản nhạc "Giọt mưa thu" buồn dịu vợi. Một lát sau Tô Bốt nói tiếp:

- Tôi xin lặp lại: Nếu anh ngăn được Thần Mã đoạt giải, anh sẽ lãnh được sáu chục triệu đồng. Anh hiểu không anh? Như thế, anh chắc chắn được lãnh thêm ba chục triệu đồng dành cho tương lai của hai đứa bé Đình, Vân.

Chú Lùn Tịt vô cùng ngạc nhiên trước đề nghị táo bạo của Tô Bốt:

- Nhưng ai cho tôi sáu chục triệu đó?

- Điều đó anh không cần biết...

- Còn ông Hoàng Tuấn?

- Chắc chắn ông ấy không thể nào biết được!

- Nhưng tôi đã ký với ông Hoàng Tuấn là tôi phải làm đủ mọi cách để Thần Mã thắng?

Tô Bốt điềm tĩnh nói:

- Có gì khó khăn đâu! Anh đã ký giao kèo làm Thần Mã thắng để lãnh ba chục triệu đồng. Bây giờ, anh ký giao kèo lại lãnh sáu chục triệu đồng nếu làm Thần Mã thất bại... Anh nghĩ coi! Làm áp phe thì phải như vậy chứ! Tôi không tin là anh sẽ bỏ lỡ dịp may bằng vàng này! Anh thương ông Hoàng Tuấn hơn anh em Đình, Vân phải không?

- Tôi thương anh em Đình, Vân hơn chứ!

- Như thế tại sao anh lại do dự về vụ áp phe này! Kiếm tiền dễ quá mà anh!

Chú Lùn Tịt suy nghĩ. Tô Bốt nói có lý! Trước số tiền khổng lồ do Tô Bốt đề nghị, chú Lùn Tịt mù quáng bỏ rơi con người thực thà của mình. Chú Lùn Tịt nói với Tô Bốt:

- Nghĩ cho kỹ, tôi thấy anh có lý! Ồ, tại sao phải do dự giữa một nhà tỷ phú với hai đứa trẻ tôi thương? Cô cho tôi ly cà phê sữa! - Chú Lùn Tịt gọi cô bán hàng.

Chú Lùn Tịt tiếp tục:

- Bây giờ tôi uống cho áp phe đem lại cho tôi nhiều tiền nhất!

Tô Bốt mừng rỡ la lo:

- Hoan hô anh Tịt! Anh quyết định rất sáng suốt!

Tô Bốt giơ tay cho Lùn Tịt bắt. Bắt tay Tô Bốt xong, chú Lùn Tịt nói:

- Anh gặp tôi đêm nay là vì vụ này phải không?

Tô Bốt đứng dậy và nói:

- Phải! Thôi mình trở về! Mình phải coi chừng, đừng để ai biết anh em mình gặp nhau thường!

° ° °

Chú Lùn Tịt nằm trên giường hàng giờ đồng hồ mà vẫn còn thao thức không ngủ được. Hết nằm lăn qua trái, chú lại nằm lăn qua phải. Chú hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ Tô Bốt vừa qua. Chú thấy có gì không ổn và lương tâm cắn rứt. Chú phải ngồi dậy đi tìm Đình. Gặp Đình ở vườn, chú hỏi:

- Đình làm gì đó? Chú kiếm cháu nói chuyện...

- Cháu cũng tìm chú đây! Chú về hồi nào mà cháu không hay? Chú có gặp Tô Bốt không?

- Đình! Chú thấy cần phải nói với cháu...

Hai chú cháu ngồi xuống bãi cỏ.

- Đình ơi! Theo cháu, mình có phải bắt buộc sống thật thà lương thiện suốt cả cuộc đời không?

Đình trố mắt ngạc nhiên trước câu hỏi hết sức bất ngờ của chú Lùn Tịt:

- Chú hỏi gì lạ vậy?

- Cháu hãy nghe chú nói đây! Lần này, không có vấn đề chú ăn cắp như lần trước đâu! Mà chỉ có vấn đề phải đối xử làm sao với ông Hoàng Tuấn! Như cháu biết ông Hoàng Tuấn sẽ cho chú ba chục triệu đồng nếu chú làm Thần Mã thắng giải. Nhưng có một người sẽ cho chú sáu chục triệu đồng - chú nhấn mạnh sáu chục triệu - để chú ngăn không cho Thần Mã thắng giải. Nhưng cháu biết không phải chú muốn lấy tiền cho riêng chú, mà chú muốn cho cháu và Vân. Chỉ cần với một phần nhỏ món tiền trên, cháu có thể học đến thành tài ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật… Sáu chục triệu thì chắc chắn được trăm phần trăm, còn ba chục triệu thì còn tùy Thần Mã và may mắn…

Vừa nghe chú Lùn Tịt nói xong, Đình nhảy nhỏm. Chú bèn nắm tay và nói:

- Cháu ơi! Tiền bạc về ta!

- Học hội họa ở Cao Đẳng Mỹ Thuật với các bậc thầy thì còn gì sung sướng cho bằng! Nhưng phản bội ông Hoàng Tuấn thì xấu hổ quá!

Đình suy nghĩ giây lát rồi nói với chú Lùn Tịt:

- Chú! Chắc chú nhớ lời ba cháu thường nói: "Một người lương thiện thật thà bao giờ cũng dám ngó ngay mặt mọi người". Chú muốn mình phản bội ông Hoàng Tuấn... Nhưng, mai sau, nếu gặp lại ông, mình có dám ngó ngay mặt ông không, thưa chú? Chắc không rồi, vì đó là hành động bất xứng của một người...

Nghe Đình nói xong, chú Lùn Tịt bừng bừng nổi giận:

- Đình, cháu đúng là ngu như bò nên mới đi từ chối sáu chục triệu đồng ngon ơ! Thôi chú đi ngủ đây, để khỏi phải bạt tai cháu vì quá tức có một đứa cháu ngu như bò...

Về đến phòng riêng, chú Lùn Tịt lẩm bẩm:

- Kẻ sống ở đời mà bao giờ cũng dám ngó ngay mặt tất cả mọi người thì cũng xứng đáng... nhưng như thế có đáng giá sáu chục triệu không? Nghĩ cho kỹ, Đình có lý... Còn mình mới đúng là ngu như bò! Đình mới mười bốn tuổi, còn mình thì đã ba mươi mấy tuổi đầu mà lại xúi trẻ nhỏ làm bậy thay vì làm gương hướng dẫn nó làm điều tốt! Mình đúng là ngu như bò! Cháu Đình ơi! Cháu tha lỗi cho chú, chú hối hận quá đã chửi bậy cháu ngu như bò!

° ° °

Sáng hôm sau, trong lúc dợt ngựa, gặp lại Tô Bốt, chú Lùn Tịt nói ngay:

- Anh Tô Bốt ơi! Đêm qua tôi đã suy nghĩ kỹ càng rồi, tôi xin từ chối đề nghị của anh! Nghĩa là tôi không lãnh sáu chục triệu...

Vài phút sau, ông Hoàng Tuấn ra bãi tập hỏi chú Lùn Tịt:

- Anh đã sắp đặt sẵn sàng mọi việc để đưa Thần Mã về Sài Gòn chưa?

- Dạ, thưa ông, rồi!

Chú Lùn Tịt ngó đăm đăm ông Hoàng Tuấn và trả lời một cách hãnh diện.

- Ủa! Sao hôm nay anh ngó tôi dữ quá vậy?

- Thưa ông! Một người ngay thẳng lương thiện thật thà, bao giờ cũng dám ngó ngay mặt mọi người!

Vừa nói xong, chú Lùn Tịt phóng lên Thần Mã chạy như bay. Ông Hoàng Tuấn nhìn theo có vẻ ngạc nhiên nhưng rất hài lòng.

° ° °

Tên ngốc Lùn đã không chịu phản bội ông Hoàng Tuấn. Ngày mai nó sẽ đưa Thần Mã về Sài Gòn để dợt thêm một tháng trước khi ra thi độ đầu. Tôi đã thất bại rồi! Cuộc báo thù của tôi đã tan ra mây khói.

Tô Bốt đã chua cay nghĩ như thế.

Như lần trước, Tô Bốt đi gặp người đàn bà mang kính đen. Tô Bốt đã vô cùng ngượng ngập cho bà Lãm biết là hắn ta đã thất bại. Sau khi nghe Tô Bốt xong, bà Lãm hỏi:

- Anh có chắc chắn Thần Mã sẽ thắng Apollo?

- Chắc chắn! Theo sự tiến bộ của nó hằng ngày dưới sự huấn luyện của tên lùn đó, tôi chắc chắn trong kỳ tới, không con ngựa nào có thể qua mặt nó được kể cả Apollo!

Bà Lãm điềm tĩnh:

- Dù Thần Mâ chạy giỏi, nhưng mình sẽ làm Thần Mã thất bại bằng cách chích thuốc độc vào nó chẳng hạn.

- Nhưng chắc bà biết là người ta canh phòng Thần Mã dữ lắm!

- Anh sẽ có một triệu... Không, hai triệu, nếu anh thành công đầu độc Thần Mã. Apollo của ông Henry Harris người Mỹ phải về nhứt chứ không phải Thần Mã của ông Hoàng Tuấn người Việt!... Chủ tôi không quản ngại tốn tiền, bao nhiêu cũng được, miễn là Apollo thắng!

Tô Bốt lắc đầu:

- Hai triệu đối với tôi lớn lắm, nhưng tôi không có can đảm chích Thần Mã trước cuộc đua vì… bà nghĩ coi... nếu tôi bị bại lộ thì đời tôi tàn rồi, còn ông Henry Harris chỉ mất có hai, ba triệu thôi. Bao nhiêu danh tiếng của tôi tan ra mây khói cả!

Nghe Tô Bốt nói, bà Lãm cười mỉa:

- Anh sợ danh tiếng anh mất hả? Anh làm tôi cười đây nè! Đây đâu phải là lần đầu tiên anh gặp tôi để âm mưu lén lút phản bội ông Hoàng Tuấn!

- Tôi nhìn nhận bà nói đúng, nhưng không có ai nghe biết được cuộc nói chuyện giữa tôi và bà… Điều bà đòi hỏi tôi hôm nay vượt quá sức tôi!

Im lặng một lúc, Tô Bốt nói tiếp:

- Có thể có một phương pháp khác khỏi cần đến sự hy sinh của tôi!

Bà Lãm hỏi dồn dập:

- Phương pháp nào? Anh nói nhanh lên…

- Tên lùn đã trị được tất cả những tật của Thần Mã chỉ trừ một tật là Thần Mã chỉ bằng lòng cho một kỵ mã có trọng lượng bằng một đứa bé mười tuổi cỡi mà thôi. Tôi nghe được tên Lùn nói với Nguyễn Bít như thế này: "Nếu tôi có được một thời gian nửa năm, tôi sẽ trị được Thần Mã tật đó!" Thật là may mắn cho chúng ta, tên Lùn chỉ có một tháng trước ngày dự giải!

- Tại sao anh nói mình may mắn?

Tô Bốt nghiến răng:

- Tên lùn hiện chỉ cân nặng bằng một đứa bé mười tuổi là vì nó vừa bị bịnh nặng... Hiện nay nó nhịn ăn để khỏi mập… Nó ăn ít lắm. Nó nói với Nguyễn Bít như thế này: "Sau cuộc thi, tôi sẽ ăn luôn suốt một tuần cho đã". Bà biết, nếu nó mập, nó sẽ không cỡi Thần Mã được và như thế Thần Mã thất bại!

- À! Vậy thì nếu mình tìm được một người nào có khả năng dụ tên Lùn ăn nhiều cho mập thì hay quá!

Hai người ngồi im lặng suy nghĩ dữ dội. Cuối cùng, bà Lãm mở xách tay lấy ra một tấm ảnh 4 x 6:

- Đây là em gái tôi, người sẽ làm tên lùn mập! Em gái tôi sẽ khuyến khích tên lùn ăn cho mập... Em gái tôi tên Diễm, sắc đẹp mê hồn.

Bà Lãm đưa hình cho Tô Bốt xem. Tô Bốt thấy ảnh một cô gái xinh đẹp tuyệt trần.

CHƯƠNG 10 DIỄM TUYỆT TRẦN

Đ

ang chờ đợi ở sân ga Đà Lạt giờ lên đường của chuyến tàu tốc hành Đà Lạt - Sài Gòn, chú Lùn Tịt gặp một cố gái mặc áo dài hồng thật đẹp. Cô gái tiến lại hỏi chú với dáng điệu hết sức dễ thương:

- Thưa ông! Tôi có thể được phép hỏi thăm... Thưa ông, tôi đi có một mình, tôi sợ quá! Thưa ông mấy giờ tàu chạy?

Chú Lùn Tịt cúi chào cô gái hết sức lịch sự:

- Chỉ một chốc nữa là tàu chạy cô à! Nếu cô không ngại, cô lên toa riêng của tôi, như thế cô sẽ hết sợ!

Đoàn tàu từ từ tiến vào ga. Chú Lùn Tịt nhanh nhẹn như con sóc nhảy lên toa riêng của mình. Chú ló đầu qua cửa sổ gọi cô gái:

- Cô ơi! Ở đàng này!

- Cảm ơn anh thật nhiều! Nếu không có anh chắc tôi sợ chết được!

Chú Lùn Tịt vui vẻ:

- Có gì đâu cô? Cô đứng chỗ này nè, chỗ này xem phong cảnh dễ hơn! Tôi sẽ đứng cạnh cô. Anh Nguyễn Bít và Đình ngồi gần cửa. Thưa cô! Cô tên gì ạ?

- Em tên Diễm!

- Ôi chao! Diễm! Tên đẹp quá! Người cũng đẹp nữa! Tôi chưa bao giờ... Ồ kìa! Đình! Sao cháu nhìn chú lạ quá vậy?

Đình mở tròn xoe mắt nhìn cảnh tượng trước mặt. Nó ngạc nhiên hết sức vì không ngờ chú Lùn Tịt cũng biết và cũng dám nịnh đầm!

Chú Lùn Tịt tiếp tục:

- Cô Diễm! Cô đi Sài Gòn à?

Diễm nói có vẻ buồn:

- Dạ!

- Tôi thấy dường như cô không được vui?

Nguyễn Bít thúc nhẹ cùi chỏ vào người chú Lùn Tịt như ngầm bảo chú Lùn Tịt đừng tò mò quá như vậy.

Diễm trả lời chú Lùn Tịt:

- Diễm đi Sài Gòn tìm việc làm!

- Như thế có gì mà Diễm buồn? Đi làm việc đâu có buồn!...

Chú Lùn Tịt gọi tên cô gái ngọt xớt:

- Dạ! Thưa anh, đi làm việc đâu có buồn, nhưng từ nhỏ chí lớn, Diễm ở Đà Lạt, Diễm nghĩ tìm việc ở Sài Gòn dễ lắm, Diễm mới đi Sài Gòn... Và bây giờ Diễm sợ...

Giọng nói hết sức êm ái từ từ rót vào tai chú Lùn Tịt. Cô gái ngừng nói, đôi gò má đỏ hồng vì xúc động.

- Tôi đã hiểu Diễm rồi! Nhưng, tại sao Diễm lại đi Sài Gòn tìm việc? Diễm ở với ba má có vui không?

Cô gái thì thầm chỉ vừa đủ cho chú Lùn Tịt nghe:

- Diễm đâu còn ai là thân thích nữa, không cha, không mẹ, không bạn bè, không có ai thương Diễm hết!

Hai dòng lệ từ từ chảy dài trên đôi gò má hồng hồng của cô gái.

Chú Lùn Tịt quýnh lên:

- Trời! Nàng khóc! Bông hoa nhỏ bé khóc!

Chú quay sang Nguyễn Bít:

- Tôi nghe anh nói lúc này anh mệt đánh máy không được, tại sao anh không mời cô này làm thư ký! Cô này đáng thương lắm! Mình cần phải giúp cô ấy! Tôi biết anh tốt lắm! Luôn luôn tốt với những người nghèo, cô thế, nhất là đối với những cô gái!

Trong khi chú Lùn Tịt nói, cô gái ngó Nguyễn Bít có vẻ hết sức khẩn cầu. Nguyễn Bít do dự:

- Tôi cũng cần một thư ký giúp đỡ tôi… nhưng…

Chú Lùn Tịt dồn Nguyễn Bít vào ngõ bí:

- Hay quá! Anh Nguyễn Bít đã nhận rồi! Cô Diễm cám ơn đi! Anh Nguyễn Bít tuy hơi khó tánh, nhưng tốt lắm! Anh ấy luôn luôn có quả tim bằng vàng!

- Khoan đã, anh Tịt! Để tôi suy nghĩ đã chứ!

- Có gì mà anh phải suy nghĩ! Anh dễ gì tìm được một cô thư ký xinh và dễ thương như cô Diễm!

Nguyễn Bít càu nhàu:

- Điều đó không quan trọng! Điều quan trọng là cô ấy có biết đánh máy không?

Vừa nghe Nguyễn Bít nói xong, Diễm gật đầu:

- Dạ! Diễm biết...

- Biết tốc ký?

- Dạ biết!

- Hừm! Hừm!

- Cô Diễm đừng ngạc nhiên, anh Nguyễn Bít có thói quen thường nói "hừm! hừm!" trước khi chấp thuận một điều gì!

- Hừm! Hừm! Xin lỗi cô Diễm, cô có giấy tờ đủ không? Cô nên nhớ là phải sống ở vùng ngoại ô Sài Gòn, ở một nơi mà chủ tôi có một chuồng ngựa nổi tiếng với ba chúng tôi: Anh Tịt, Đình và tôi.

Cô gái vẫn còn có vẻ buồn.

- Dạ! Thưa ông, nếu được ông nhận làm thư ký thì còn gì bằng, Diễm thích quá!

Nguyễn Bít nói:

- Vậy cô hãy theo chúng tôi!

Thấy đã thành công, chú Lùn Tịt dỗ Diễm:

- Thôi! Cô Diễm đừng khóc nữa! Khóc xấu lắm, cười đẹp hơn! Khi cô cười, cô sẽ đẹp như con Thần Mã của tôi vậy!

- Thần Mã có phải là con ngựa thần không, hả anh?

- Phải!

- Anh có một con ngựa?

- Con ngựa đó dũng mãnh lắm, còn tôi, tuy lùn, nhưng tôi là một nài ngựa số một. Chắc cô không ngờ cô đang đi với một nhân vật quan trọng như tôi?

Trong lúc chú Lùn Tịt khoe khoang với cô gái, Nguyễn Bít Và Đình nhìn chú có vẻ khó chịu. Hai người không bằng lòng về thái độ của chú.

- Ôi chao! Thích quá! Anh có một con ngựa giỏi, anh là một nài ngựa số một. Chắc anh đã đoạt được nhiều giải lắm?

- Đến bây giờ thì tôi chưa đoạt được giải thưởng nào hết, nhưng trong một tháng nữa, tôi sẽ đoạt giải độc nhất vô nhị…

- Giải nào?

- Giải vĩ đại "Rồng Vàng Việt Nam", thưa cô Diễm!

Cô gái mỉm cười rất dễ thương, khẽ nghiêng đầu và nói:

- Anh Tịt giỏi quá! Diễm không ngờ được quen một nhân vật quan trọng như anh. Diễm xin cầu chúc anh được toại nguyện!

Cô gái nhìn chú Lùn Tịt như thôi miên. Trong lúc chú Lùn Tịt ngất ngây, thì cô gái suy nghĩ:

"Anh Lùn này hiện chỉ cân nặng độ ba mươi ký là cùng, mình sẽ trở thành bạn thân của hắn ta, mình sẽ cố dụ hắn ta ăn nhiều như con bò. Nhất định trong một tháng nữa, hắn sẽ mập thêm mười ký. Lúc đó Thần Mã sẽ không thể nào mang được một trọng lượng như thế để về đến mức".

° ° °

Chuồng ngựa và bãi tập ngựa của ông Hoàng Tuấn ở Sài Gòn chiếm một vùng đất bao la...

Chú Lùn Tịt, Nguyễn Bít và Đình đưa Thần Mã và cô gái về đó. Tô Bốt đã trở thành nài ngựa tầm thường chỉ coi sóc các con ngựa khác của ông Hoàng Tuấn. Còn chú Lùn Tịt thì đặc trách có một Thần Mã mà thôi. Cô gái tên Diễm làm việc ngay dưới quyền của Nguyễn Bít.

Khi chú Lùn Tịt vừa leo lên Thần Mã, cô Diễm đã đón chú từ bao giờ... Cái nhìn của Diễm làm chú Lùn Tịt rung động, bao nhiêu mệt nhọc trong người chú đều tiêu tan cả.

Chú Lùn Tịt thường tự mãn:

- Làm điều thiện bao giờ cũng tốt và có lý cả! Nhờ mình mà cô gái có việc làm và nơi ở bảo đảm!

Và, mỗi buổi tối, khi ánh đèn phòng riêng của Diễm vừa tắt, chú Lùn Tịt đều nghĩ: "Nàng đã ngủ yên lành như một nàng tiên". Nhưng trái với điều chú Lùn Tịt nghĩ, khi vừa tắt ngọn đèn ngủ để mọi người tưởng mình ngủ rồi, Diễm ngồi chờ đợi tiếng huýt sáo cao vút. Khi nghe được tiếng huýt sáo, cô gái bước nhẹ ra khỏi phòng đi ra ngoài gặp Tô Bốt. Cả hai ngồi trên đệm cỏ.

Tô Bốt hỏi Diễm:

- Sao? Công việc tiến hành đến đâu rồi?

- Tôi đã thu phục được hoàn toàn tên lùn rồi!

- Này! Ngày mai tôi sẽ giả bộ bạc đãi cô trước mặt nó để nó binh cô. Như thế cô lại càng dễ hành động hơn! Mình đóng kịch mà!

Sáng hôm sau, như thường lệ, chú Lùn Tịt cỡi Thần Mã chạy dợt vòng quanh bãi tập. Thình lình, chú nghe tiếng la thất thanh:

- Không, không, buông tôi ra!

Chú Lùn Tịt quay lại:

- Cái gì vậy? A!

Chú thấy Tô Bốt đang nắm chặt tay của cô Diễm. Cô Diễm đang cố gắng vùng vẫy nhưng vô hiệu. Chú liền quay trở lại... Trong lúc đó Đình nghe tiếng la cũng chạy tới.

Chú Lùn Tịt nổi giận nói với Tô Bốt:

- Anh làm gì vậy? Anh buông cô Diễm ra, nếu không anh biết tay tôi!

Tô Bốt không đếm xỉa tới chú Lùn Tịt, hắn ta nói hằn học với cô gái:

- Chỗ của cô là ở văn phòng chứ đâu phải ở đây… Tại sao tôi thấy cô lảng vảng ở chuồng ngựa hoài vậy?

Nói xong, Tô Bốt xoay mạnh tay cô gái rồi buông ra làm cô gái té nhào xuống đất.

Diễm ôm mặt khóc nức nở.

Tô Bốt quăng điếu thuốc đang hút dở xuống đất, lấy chân nghiền nát rồi nói với hai chú cháu Đình:

- Chuyện này là chuyện của tôi, phận sự của tôi. Các anh xen vô làm chi vậy?

Chú Lùn nói chắc nịch:

- Xen vô chứ! Xen vô để binh vực một nạn nhân yếu đuối, ngây thơ trước sự giận dữ của một kẻ vũ phu!

- Được! Vì hiện tại anh là xếp nơi đây… Cô này đã đến đây thay vì ở văn phòng làm việc… rồi ông chủ Hoàng Tuấn sẽ nói sao? Anh biết không, ông chủ không bao giờ thích những cô gái lười biếng như cô này. Này cô! Chắc cô biết Tô Bốt chứ? Dù sao, Tô Bốt vẫn là người thân tín của ông chủ!

- Hu! Hu! Hu! - Cô gái khóc nức nở.

Chú Lùn Tịt và Đình an ủi cô gái:

- Cô nín đi cô! Tô Bốt là người có ra gì đâu, cô để ý đến hắn ta làm chi cho mệt!

- Dạ!

- Tô Bốt là một người vũ phu!

- Dạ!

- Cô không phải sợ gì hắn ta hết, có chúng tôi bảo vệ cô!

- Cám ơn anh và em Đình rất nhiều!

- Có gì đâu cô! Đó là bổn phận mà!

Cô gái nói có vẻ cảm động:

- Cám ơn anh thật nhiều! Nhưng…

Cô gái bỗng hạ thấp giọng có vẻ thật tha thiết:

- Nhưng Diễm thấy dường như anh không được khỏe? Diễm lo lắm!

Chú Lùn Tịt đỏ mặt sung sướng vì được một cô gái săn sóc:

- Tại sao cô thấy tôi không được khỏe?

- Diễm thấy anh xanh thật là xanh. Diễm thấy đôi mắt anh thâm quầng!

Chú Lùn Tịt nói điềm tĩnh:

- Cám ơn cô! Không có gì đâu cô? Đó chỉ là do đói mà thôi!

- Trời ơi l Anh nói gì lạ vậy? Đói hả? Diễm không thể ngờ là ông Hoàng Tuấn bắt anh làm việc cực khổ như vậy lại nỡ bỏ anh đói.

Chú Lùn Tịt lắc đầu cười:

- Không! Cô lầm rồi! Ông Hoàng Tuấn đâu có bỏ đói tôi. Tôi muốn gì ông cho nấy, cô à.

- Nhưng tại sao anh nói vì đói?

- Đó là vì tôi phải ăn ít để khỏi lên cân, giống như các cô nhịn ăn để giữ eo vậy đó.

- Anh nói Diễm chả hiểu gì cả! Tại sao anh không muốn mập?

- Bởi vì Thần Mã là con ngựa lạ thường nhất thế giới, nó không chịu mang một kỵ mã nặng ký... Vì thế tôi phải giữ ốm để đạt được chiến thắng trong ba cuộc đua tranh giải Rồng Vàng Việt Nam...

- Nhưng tại sao ông Tô Bốt lại mập? Ông cũng là một nài ngựa mà!

- Bởi vì ông Tô Bốt không có cỡi Thần Mã! Thôi, xin cô Diễm cảm phiền, xin cô đừng nghĩ đến điều đó nữa, xin cô trở về văn phòng làm việc ngay kẻo ông Nguyễn Bít giận thì phiền lắm.

Buổi tối hôm đó, Tô Bốt gặp cô Diễm vừa ra khỏi phòng, tay đang cầm một ly kem dâu ngon lành. Vừa thấy Tô Bốt, cô gái nói nhỏ:

- Tôi bắt đầu cho thằng lùn mập đây nè!

Tô Bốt mừng rỡ:

- Hoan hô! Tôi tin tưởng nơi cô!

Cô gái tiến tới gõ cửa phòng chú Lùn Tịt:

- Ôi chao! Cô đến thăm tôi hả?

Chú Lùn Tịt cố gắng tạo nét duyên dáng trước mặt cô gái. Nhưng chú lại cảm thấy ngỡ ngàng mắc cở ngay vì chú đang sắp ăn cơm tối. Bữa ăn tối đang nằm trên bàn: chỉ có một khúc bánh mì khô với một nhúm đường!

Cô gái thì thầm:

- Diễm đến đây để...

Chợt thấy khúc bánh mì với tí đường, cô gái la lên có vẻ giận dữ:

- Trời ơi! Anh ăn uống như thế này à?

- Đâu có! Tôi còn uống trà tàu nữa! Nhưng để ý chuyện ăn uống làm chi cô, mình nói chuyện khác vui hơn!

Chờ chú Lùn Tịt nói xong, cô gái để ly kem vào tay chú và nói:

- Vì thế Diễm muốn đem thức ăn đến cho anh... Xin anh tha lỗi, Diễm muốn mời anh dùng một ly kem dâu, ngọt và bùi lắm! Anh dùng đi anh, không có gì nguy hiểm đâu! Thấy anh ăn Diễm mới yên lòng!

- Cô để chút nữa tôi ăn!

Chú Lùn Tịt tính chờ cô gái đi rồi chú sẽ đưa ly kem cho Đình ăn. Nhưnq cô gái lại không bằng lòng:

- Diễm muốn anh ăn ngay bây giờ cơ!

Từ chối không được, chú Lùn Tịt đành phải miễn cưỡng ăn hết ly kem. Ăn xong chú nói:

- Về sau cô đừng cho tôi ăn nữa nghe!

- Anh ơi! Anh yên chí, Diễm sẽ không mang kem cho anh ăn nữa đâu!

Cô gái đã giữ đúng lời hứa đó, vì hai ngày sau, khi chú Lùn Tịt đang sửa soạn dùng bữa ăn hết sức đạm bạc của mình, Diễm đã không mang kem cho chú ăn nữa mà mang cho chú một dĩa bánh ngọt thật ngon.

Thấy bánh ngọt, chú Lùn Tịt nuốt nước bọt ừng ực, nhưng cố nói có vẻ cứng rắn:

- Sao? Cô không giữ đúng lời hứa à? Chắc cô muốn tôi mập để tôi bị thất bại sao?

Vừa nghe chú Lùn Tịt nói xong, cô gái bỗng khóc nức nở. Nước mắt giai nhân làm chú Lùn Tịt xiêu lòng. Chú nói run run:

- Xin lỗi cô! Cô tốt quá mà tôi lại nỡ gán tiếng xấu cho cô.

Cô gái vừa khóc vừa nói:

- Anh lại nghi Diễm muốn anh thất bại trong khi Diễm lúc nào cũng muốn cho anh tất cả những gì Diễm có miễn là anh thành công! Diễm đem bánh đến cho anh là vì Diễm không muốn thấy anh bị chết dần mòn vì ăn uống thiếu thốn không đủ chất bổ! Diễm đã từng học y khoa nên Diễm hiểu rõ về cơ thể con người lắm. Diễm nhận thấy anh như một ngọn đèn dầu le lói sắp tắt.

- Trời ơi! Cô nói tôi sắp chết hả?

Chỉ còn một tháng nữa là cuộc đua ngựa vĩ đại bắt đầu. Cô Diễm gặp Tô Bốt ở nơi hẹn thường lệ.

- Sao? Công việc trôi chảy chứ?

- Có thể nói, kể từ giờ phút này, tôi đã chắc chắn thành công trăm phần trăm. Anh biết không, tôi đã tìm được đồng minh đắc lực trong công tác này.

- Ai vậy?

- Đình!

- Đình?

Tô Bốt ngạc nhiên trố mắt nhìn Diễm. Diễm cười:

- Tôi đã nói cho cậu Đình biết là tôi có kinh nghiệm dồi dào về thuốc nên tôi nhận thấy tên lùn chắc chắn thế nào cũng bị chết vì thiếu ăn. Anh sẽ thấy chiều nay tôi và Đình sẽ năn nỉ tên lùn chịu ăn một miếng bánh mì bơ và uống một ly sữa hột gà!

Tô Bốt khen ngợi Diễm:

- Cô giỏi quá! Đúng là bà Lãm, chị cô, đã nói: Không ai chống cự lại cô nổi! Thế tên Lùn có lên cân chưa?

- Có lên một chút, kể từ ngày mai tôi sẽ cho tên Lùn ăn những món ăn thật bổ… để cuối tháng nó mập tròn như cái lu…

Mưa bắt đầu rơi nhè nhẹ. Hai kẻ âm mưu biến mất trong đêm đen.

° ° °

Theo lời đề nghị của chú Lùn Tịt, ông Hoàng Tuấn đã cho một con ngựa cái vào ở chung với Thần Mã. Thần Mã đối xử rất dịu dàng với con ngựa cái này. Nhưng, kể từ lúc có cô thư ký Diễm vào làm việc trong văn phòng Nguyễn Bít, con ngựa cái nhận thấy Thần Mã luôn luôn có vẻ giận dữ sau mỗi lần tập dượt ngoài sân cỏ. Thần Mã chà chân nghiền nát lớp rơm trải trên đất. Một ngày nọ, vì muốn làm vừa lòng Thần Mã, con ngựa cái ngậm một ít cỏ khô đem đến cho Thần Mã nhưng Thần Mã đã quăng đám cỏ khô đó xuống đất. Sau vài giờ nghỉ ngơi, Thần Mã bớt giận dữ, có vẻ dịu lại, nhưng cặp mắt Thần Mã vẫn còn biểu lộ sự lo âu một điều gì. Đó là vì chú Lùn Tịt đã lên cân rõ ràng, dù Thần Mã có cảm tình với con người nhỏ con luôn luôn nói dịu dàng với nó, nó vẫn cảm thấy không thể nào mang nổi một trọng lượng càng lúc càng nặng.

Hễ mỗi lần chú Lùn Tịt muốn leo lên Thần Mã, Thần Mã hí vang rền và giữ điệu bộ sẽ quăng người kỵ mã xuống đất nếu người kỵ mã cứ leo lên. Thế mà chỉ còn hai mươi lăm ngày nữa là cuộc đua ngựa bắt đầu.

Chú Lùn Tịt đã biết rõ nguyên nhân tình trạng trên vì chú đã đi cân và thấy tăng lên được hai kí lô.

Chú liền đi vào phòng ăn. Cô Diễm và Đình đang chờ đợi chú để ăn cơm chiều. Khi vừa thấy chú vào, cả hai đưa cho chú một đĩa thịt bò bít tết thơm nồng.

Chú Lùn Tịt nắm lấy đĩa thịt bò quăng xuống đất bể tan tành. Chú nói giận dữ:

- Hai người đã làm tôi thất bại rồi!

Nói xong, chú Lùn Tịt quay lưng bỏ đi một nước.

Tối đến, chú Lùn Tịt cố gắng dùng lại bữa ăn kham khổ thường lệ, rồi chú đi ngủ cố quên cái đói đang hoành hành. Nhưng, vì quá quen với các món ăn bổ dưỡng đầy rẫy, bao tử của chú Lùn Tịt chịu không nổi nên bắt đầu nổi loạn... Chú Lùn Tịt cố gắng quên lãng và tập trung ý nghĩ vào hai tên "Vân và Đình" mà bổn phận chú phải hy sinh cho hai đứa trẻ... Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, chú Lùn Tịt thấy bé Vân cầm cho chú một dĩa thịt bò xào thơm phức...

Chú ngồi dậy nhảy xuống giường... Bị cơn đói thúc đẩy dữ dội, chú chạy như bay vào phòng ăn... Chú thấy trên bàn đồ ăn ê hề! Chú vồ lấy ăn ngấu nghiến!

Trong những ngày sau, ban ngày thì chú ăn kham khổ, nhưng ban đêm chú lại chạy vào nhà bếp ăn tất cả những gì còn lại... nào là thịt heo, thịt gà, thịt bò...

Chú ăn, ăn mãi...

Mỗi lần ăn xong, chú đi lững thững trở về phòng. Nếu lúc đó, chú quay trở lại, chắc chắn chú sẽ gặp cô gái Diễm đang mỉm cười tinh quái theo dõi chú...

° ° °

Chú Lùn Tịt đã lên được bốn ký lô! Vì thế Thần Mã càng ngày càng có vẻ thù hằn chú chớ không còn mến chú như lúc trước nữa. Chú Lùn âm thầm chịu đựng nỗi đau khổ thầm kín của mình. Mỗi lần gặp chú, cô Diễm đều làm bộ ái ngại nhìn chú:

- Diễm nói anh hoài, anh không chịu nghe Diễm gì hết! Anh ăn như thế nhất định sẽ chết cho coi!

Chú Lùn Tịt yên chí không ai biết chú đêm đêm xuống bếp ăn vụng. Chú đã giấu kỹ điều này cho đến một ngày chú và Đình đi thăm bà Liên Hương và Vân.

Nhìn nét mặt ngây thơ của Vân, nhớ lại trách nhiệm của mình, chú Lùn Tịt cảm thấy hối hận tột cùng. Chú đã cố ăn và đã bị mập, như thế làm sao chú điều khiển được Thần Mã trong cuộc đua vĩ đại tới được! Thần Mã chỉ bằng lòng những người kỵ mã cân nặng bằng một đứa bé mười tuổi mà thôi!

Chú Lùn Tịt buột miệng:

- Chú xin lỗi cháu!

Đình và bà Liên Hương ngạc nhiên:

- Chú xin lỗi gì?

Chú Lùn Tịt cúi đầu xấu hổ:

- Xin lỗi vì đã cố ăn! Tôi đã tự hại tôi về tội tham ăn!

Đình la to:

- Chú đâu có tham ăn! Cháu năn nỉ quá mà chú đâu có chịu ăn! Chú nói gì kỳ vậy?

Bà Liên Hương điềm tĩnh:

- Chú có thể cho tôi biết điều gì làm chú lo quá vậy?

Chú Lùn Tịt tự thú:

- Chắc bà đã biết. Thần Mã chỉ bằng lòng những người cỡi cân nặng bằng một đứa bé mười tuổi thôi. Vì thế tôi phải ăn thật ít để giữ ốm cho được đúng điều kiện đòi hỏi của Thần Mã. Cháu Đình và cô Diễm đã cố mời tôi ăn đồ bổ để tôi khỏi chết, nhưng tôi đã từ chối vì tôi quyết định phải thắng cuộc đua ngựa tới đây để đoạt được ba chục triệu dành nuôi cháu Vân ăn học. Nhưng, thưa bà! Tôi chỉ làm anh hùng được ban ngày mà thôi, còn ban đêm tôi đã lén ra bếp ăn vụng tất cả những gì còn lại. Vì thế, tôi đã bị mập lên mấy kí và Thần Mã đã không chịu tôi nữa... Chỉ còn mười ngày nữa là cuộc đua bắt đầu, thế mà tôi vẫn chưa điều khiển được Thần Mã…

Im lặng nặng nề...

Tuy nhiên Đình đã binh vực chú Lùn Tịt dù Đình đã ngạc nhiên trước lời tự thú của chú:

- Thưa bà! Chú Lùn Tịt đang thời kỳ dưỡng bịnh. Nếu chú cứ phải ăn thiếu thốn thì chú sẽ bị yếu dần và như thế rất nguy hiểm cho tính mạng của chú. Chính cô Diễm từng học y khoa đã nói với cháu như thế!

- Chúng ta hãy đến vườn hoa kia, nói chuyện dễ hơn. - Bà Liên Hương đề nghị.

Cả bốn người tiến vào bên trong vườn hoa. Bà Liên Hương và chú Lùn Tịt ngồi trên một ghế đá, còn hai anh em Đình, Vân đi dạo nhìn hoa nở rực rỡ đủ màu sắc trong vườn.

Bà Liên Hương nói với chú Lùn Tịt:

- Anh Tịt! Nếu tôi bằng tuổi Đình, cái tuổi thật đẹp đó, tôi sẽ nói với anh: "Những điều anh đã làm chả có gì quan trọng cả. Vấn đề chính là anh phục hồi sức khỏe và mập mạp khỏe mạnh… Dù mất việc, anh vẫn tìm được việc khác dễ dàng!" Nhưng theo tôi và chắc anh cũng đồng ý với tôi là dịp may anh gặp rất hiếm có và số tiền ba chục triệu dễ gì một đời người tìm được! Vậy, anh phải cần tung ra hết mọi cố gắng để đạt cho được gia tài mà ông Hoàng Tuấn hứa cho anh đó. Anh đừng để gia tài đó bay mất! Tôi cũng xin cho anh biết là bé Vân thông minh và có nhiều triển vọng lắm.

- Đình cũng vậy! Đình cũng thông minh. Đình có thể trở nên một họa sĩ tài ba nếu tôi có tiền cho Đình vào học trường Mỹ Thuật…

- Vậy thì anh hãy cố gắng đoạt giải đua ngựa vĩ đại đó… Đó là vì hai đứa bé mồ côi mà định mạng đã giao phó trọn cuộc đời cho anh và anh đã thương chúng như con.

Chú Lùn Tịt gật đầu:

- Thưa bà! Bà có lý lắm! Nhưng làm thế nào tôi ốm được nhiều kí trong mười ngày? Bà có biết phương pháp gì chỉ giúp tôi không? Tôi xin bà cho tôi ý kiến...

- Tôi chỉ anh một phương pháp thành công chắc chắn: anh hãy tắm hơi mỗi ngày một giờ rồi đi bộ thật lâu...

- Bà có chắc chắn tôi ốm đi không?

- Chắc chắn trăm phần trăm! Nhưng, tôi sợ anh bị bệnh phổi tái lại…

- Thưa bà, tôi không sợ! Tôi muốn chiến thắng… Thần Mã muôn năm! Apollo cút đi!

Bà Liên Hương, chú Lùn Tịt và hai anh em Đình, Vân vào nghĩa trang viếng mộ. Bà Liên Hương mua hoa và nhang đèn đặt trước mộ của bà Lưu Thị Tính, mẹ của hai anh em Đình, Vân.

Đứng nghiêm trang trước mộ mẹ, Vân nói to:

- Thưa má! Con hứa với má là con sẽ không bao giờ nói dối!

Đình tiếp theo, giọng run run cảm động:

- Còn con! Con xin hứa với má là con sẽ trong sạch, ngay thẳng, thật thà suốt đời!

Về phần chú Lùn Tịt, chú đặt trên mộ một nhánh hoa rồi nói:

- Thưa bà! Tôi sẽ không ăn trộm, không bao giờ ăn trộm nữa!

Bà Liên Hương đứng yên lặng nhìn cảnh tượng vô cùng cảm động đang diễn ra trước mặt: hai đứa bé mồ côi và người chú lạ lùng vừa khóc vừa hứa trước mộ người chết.

Thăm mộ xong xuôi, bà Liên Hương nói với chú Lùn Tịt:

- Tôi và bé Vân sẽ đến trường đua Phú Thọ xem cuộc đua vĩ đại sắp đến. Cố lên nghe anh Tịt! Chiến thắng nhất định sẽ về anh!

- Dạ! Dạ! Chào bà! Chào cháu Vân nhé! Bà sẽ thấy tôi cỡi một con ngựa trắng vĩ đại nhất và chạy hàng đầu!

Vài ngày sau, chú Lùn Tịt gửi thư cho bà Liên Hương:

"… Phương pìáp của bà chỉ tôi rất có hiệu nghiệm! Tôi đã ốm bớt hai kí lô và Thần Mã đã bắt đầu hiền hòa với tôi trở lại. Hôm qua, khi cỡi Thần Mã ở trường đua Phú Thọ, Thần Mã chỉ quăng tôi té xuống đất có một lần thôi. Tôi đã thấy Apollo, địch thủ của Thần Mã rồi. Apollo cũng đẹp nhưng vẫn thua Thần Mã của tôi. Thưa bà! Thể lệ cuộc đua tranh giải Rồng Vàng Việt Nam như sau: Cuộc đua sẽ thực hiện ba lần, con ngựa nào đoạt giải nhất một lượt cả ba lần sẽ đoạt giải.

Tôi sẽ mất thêm hai kí lô nữa và như thế nhất định tôi sẽ đoạt giải. Vì hàng ngày phải đi tắm hơi để làm ốm bớt, mọi người đã nhìn tôi như điên cuồng. Cô Diễm đã theo tôi đến tận phỏng tắm hơi và cản tôi: "Diễm đã nói với anh là Diễm có học y khoa, nếu anh cứ giữ tình trạng này mãi, anh sẽ chết trước chủ nhật". Cô Diễm đã làm tôi hết sức cảm động vì tình thương cô đối với tôi, cả ông Tô Bốt nữa. Ông ấy dù ghét tôi, vẫn phụ với cô Diễm yêu cầu tôi ăn cho khỏi chết!!!".

"… Tô Bốt phụ với cô Diễm…. " Bà Liên Hương lập lại câu đó… Nhưng Tô Bốt đã từng ghét chú Tịt! Tại sao ông đó lại kết hợp với cô gái trẻ đẹp đó? Cô gái đó có thương anh Lùn thật không?

Suy nghĩ giây lâu, bà Liên Hương nhận thấy cô gái đó hành động có vẻ mưu mô mờ ám… Đúng rồi! Chính cô ấy đã không cho chú Lùn Tịt ăn kham khổ, bây giờ cô ấy lại cấm chú ấy đi tắm hơi... Phải chăng Tô Bốt và cô Diễm là đồng lõa? Thái độ của cô gái ấy rất khả nghi!

Bà Liên Hương vội chạy ra nhà bưu điện đánh cho chú Lùn Tịt một bức điện tín: "Anh Tịt coi chừng cô Diễm âm mưu với Tô Bốt hại anh."

Bà Liên Hương nhận ngay được bức điện tín trả lời:

"Cô Diễm tốt lắm, không có gì khả nghi cả - Stop - Tô Bốt đáng ghét - Stop.

Tịt và Đình ".

CHƯƠNG 11 ĐỘ ĐUA THỨ NHẤT

T

rời mưa lai rai trong ngày đầu tháng mười hai. Thành phố vẫn náo nhiệt như thường lệ. Trên các vách tường đều có dán những bích chương đủ màu sắc có những dòng chữ:

"Trường đua Phú Thọ

Chủ nhật 12 tháng 2

Cuộc đua đầu tiên dành cho giải thưởng vĩ đại "Rồng Vàng Việt Nam"

Các tay tuyệt phích nhìn bầu trời lo âu: "Nếu không có mưa nhất định ngày mai người ta sẽ tràn ngập ở trường đua Phú Thọ".

Quả nhiên, trời không mưa thật!...

Một cô gái đẹp ở trong biệt thự của ông Hoàng Tuấn đi ra đường. Cô leo lên một chiếc xe hơi đang mở cửa sẵn. Cửa xe hơi đóng lại và chiếc xe đó liền trực chỉ về phía trung tâm thành phố.

- Em có khỏe không, Diễm!

- Cảm ơn chị Lãm!

- Có tin gì mới không em?

- Có!

- Em có chắc chắn ngày mai Thần Mã đoạt giải?

- Chắc chắn trăm phần trăm!

Một lát sau, hai người đến trước một biệt thự kín mít có rào dây thép gai. Đó là biệt thự của ông Henry Harris, chủ nhân của con ngựa Apollo.

Bà Lãm nói với em gái:

- Thế nào ông chủ cũng nổi giận khi nghe em kể lại diễn tiến công việc…

Cô Diễm nói:

- Thưa chị! Nhưng đó là sự thật, em không thể nào giấu được!

- Em vào đi! Ông chủ đang đợi trong phòng khách.

Địch thủ của ông Hoàng Tuấn béo phệ, mập như cái lu. Hai chị em cô gái tiến đến chỗ người chủ Mỹ đang ngồi. Tô Bốt đang đứng cạnh bên người chủ Mỹ tự bao giờ. Vừa thấy bà Lãm và cô Diễm, người chủ Mỹ nói ngay:

- Cô có chắc chắn là Thần Mã đoạt giải ngày mai? Và Tô Bốt đã có ý kiến giống cô?

Người nài ngựa phản bội quả quyết:

- Tôi đã xem Thần Mã đua thử! Tôi nhận thấy Thần Mã bay vút như là có cánh vậy!

- Nhưng cô Diễm đã hứa với tôi là Thần Mã sẽ thất bại mà?!

Cô Diễm nói:

- Thưa ngài! Tôi không ngờ là tên Lùn đã làm mất được bốn kí lô mà tôi đã tạo được một cách hết sức gay go trong một tháng...

Người chủ Mỹ cắt ngang cô Diễm với giọng giận dữ:

- Bàn việc đã qua vô ích: Cái gì đã là sự thực thì vẫn là sự thực! Tôi tụ họp các người ở đây là để chúng ta có thể quyết định được những hành động phải có trong tương lai. Theo Tô Bốt quả quyết, Thần Mã sẽ đoạt giải ngày mai, còn Apollo, nghĩa là tôi, sẽ không đoạt được giải Rồng Vàng! Bây giờ không phải là để Apollo thắng cuộc mà phải làm cách nào để Thần Mã không đoạt được giải đó, như thế chỉ cần làm Thần Mã thất bại một lần trong ba cuộc đua cách nhau mỗi cuộc mười lăm ngày. Nếu con ngựa của tôi không đoạt được giải, tôi không muốn con ngựa của tên Việt Nam Hoàng Tuấn đoạt giải, các người hiểu chưa? Kể từ giờ phút này, các người phải thực hiện cho được điều đó. Các người cần tiền bao nhiêu cũng được. Nhưng các người phải nhớ điều này: Tô Bốt, bà Lãm, cô Diễm, nếu ba người không chận được sự toàn thắng của Thần Mã, các người đừng để cho tôi thấy mặt nữa nghe chưa?

Chiếc xe hơi lại đưa ba người về chuồng ngựa của ông Hoàng Tuấn. Trên đường về, ba người than vãn:

- Em nghe chưa, em Diễm? Nếu Thần Mã thắng, ông chủ sẽ không nhìn chúng ta nữa! Về phần chị, chị sẽ mất sở làm mà chị đã làm gần mười năm nay với một số lương chỉ có người Mỹ mới trả nổi cho chị. Còn hai người chả có thiệt hại gì hết! Chỉ có tôi là thiệt hại nặng nề! Anh Tô Bốt hãy giúp tôi đi! Cả em Diễm nữa!

Cô Diễm suy nghĩ chốc lát rồi khẽ lay nhẹ lọn tóc huyền:

- Em có ý kiến này! Em sẽ giúp tên lùn ốm hơn nữa, em sẽ thúc đẩy tên lùn tắm hơi nhiều hơn nữa và khuyến khích nó không ăn gì hết... Như thế nhất định tên lùn sẽ ngã bệnh trầm trọng… Và kết cuộc phần thắng sẽ về ta: Thần Mã sẽ rút lui vì không có ai cỡi ngoài tên lùn.

° ° °

Trời thật đẹp, thật lộng lẫy vào buổi chủ nhật khởi đầu cuộc đua. Con ngựa cái ở chung chuồng với Thần Mã thấy hào quang sáng ngời chung quanh người bạn của mình. Nó biết đó là hào quang cuộc chiến thắng đầu tiên của Thần Mã...

Trong trường đua ngựa Phú Thọ, Thần Mã đánh hơi địch thủ của mình, lấy chân đạp bịch bịch xuống đất có vẻ sốt ruột. Nó muốn đo tài với địch thủ ngay.

Trường đua đã tràn ngập người, xe cộ đủ loại. Tiếng người nói lao xao vang rền cả một vùng trời trường đua. Thần Mã nổi giận vì những tiếng động đáng ghét này. Khi ông Hoàng Tuấn xuất hiện trên bệ, Thần Mã phóng vào ông một tia nhìn dữ tợn làm ông phải la lên:

- Ô kìa! Sao Thần Mã ngó tôi dữ tợn quá vậy? Này anh Tịt, có phải đó là điềm bất lành không?

Chú Lùn Tịt lắc đầu:

- Không phải! Đó chỉ là vì Thần Mã không mến ông!

Ông Hoàng Tuấn nổi giận vì bị chạm tự ái:

- Tại sao anh dám nói vậy?

Chú Lùn Tịt nói hết sức điềm tĩnh:

- Ngày hôm nay tôi có thể làm bất cứ điều gì tôl muốn, bởi vì tôi là người quan trọng nhất của ông... Ông không thể nào thiếu tôi... Ông không thể nào đuổi tôi được, vì thế tôi có thể nói tất cả những gì hiện lên trong đầu tôi... Rõ ràng là con ngựa này ghét ông và mến tôi... Phải không, Thần Mã?

Thần Mã lúc lắc hai tai và hí lên vang rền, chứng tỏ nó nghe hiểu lời của anh nài ngựa.

Chú Lùn Tịt vỗ về Thần Mã:

- Thần Mã đừng sợ! Tất cả những tiếng ồn đó chả đáng sợ gì hết. Đám đông sẽ còn la to hơn nữa khi Thần Mã chiến thắng!

Các nhà đánh cá ngựa dồn dập tiến đến các quầy... Tiếng "Apollo" nổi lên nhiều nhất. Ông Hoàng Tuấn lo âu:

- Anh có nghe không anh Tịt? Họ cá tất cả cho Apollo!

- Điều quan trọng là họ sẽ thua tất cả.

- Đình! - Chú Lùn Tịt gọi to, cháu đến giữ ngựa cho chú để chú đi mặc quần áo. Thần Mã chờ tôi nhá! Tôi sẽ mặc một bộ đồ thật đẹp...

Chỉ một lát sau chú Lùn Tịt trở lại với một bộ quần áo nài tuyệt đẹp trên mình.

- Cháu thấy chú thế nào, hả Đình?

- Tuyệt vời!

Chú Lùn Tịt uy nghiêm như một viên tướng sắp ra trận:

- Thần Mã! Chúng ta lên đường! Thần Mã hãy thắng trận đua này cho tôi nhá, để chứng tỏ Thần Mã là bạn tôi, để đền bồi những sự hy sinh nguy hiểm mà tôi đã làm... Chắc thắng không, hả Thần Mã? Thần Mã trả lời đi!

Lẽ dĩ nhiên Thần Mã không trả lời, nhưng nó đứng yên có vẻ hiền hòa hơn bao giờ cả!

- Bây giờ chú ra sân cỏ!

Chú Lùn Tịt phóng lên ngồi trên lưng Thần Mã chạy chầm chậm. Đình chạy theo:

- Chú ơi! Cháu thấy chú xanh quá! Chú có sao không chú?

Chú Lùn Tịt nghiến răng nói như ra lệnh:

- Cháu im đi!

Thần Mã vĩ đại, lộng lẫy tiến giữa hai hàng rào người hiếu kỳ và xuất hiện trên đường cỏ non.

Tiếng ồn làm Thần Mã nổi giận hí vang rền cả một vùng trời. Đình và cô Diễm tựa vào hàng rào gỗ trắng nhìn chú Lùn Tịt và Thần Mã. Trước sự nổi giận nguy hiểm của Thần Mã, chú Lùn Tịt bỗng điềm tĩnh lạ lùng, cúi mình xuống và nói hết sức dịu dàng với Thần Mã để trấn an Thần Mã.

Khi tám con ngựa đã đứng thẳng hàng ngang, Thần Mã chỉ chực phóng mình tới, nó muốn vượt qua mặt địch thủ ngay và sẽ không tha thứ những gì dám cản đường nó. Thần Mã hí lên một lần nữa, như muốn báo cho địch thủ biết quyết định của nó. Tiếng hí của Thần Mã làm tất cả địch thủ run rẩy, chỉ trừ một địch thủ, con ngựa to lớn đen tuyền với tia nhìn phóng ra lửa cũng hí đáp trả lời, có phần mạnh mẽ hơn.

Lúc đó, tấm vải chắn ngang tám con ngựa được lấy đi, báo hiệu cuộc đua khởi đầu. Tức khắc, con ngựa đen phóng tới như vũ bão.

- Apollo! Apollo! - Những người theo dõi cuộc đua bằng ống dòm rống lên dữ dội.

Còn Thần Mã, con ngựa trắng vĩ đại của chú Lùn Tịt? Thần Mã phản ứng chậm khi thấy dấu hiệu cuộc đua bắt đầu, nhưng nó rượt kịp cả đoàn. Nhưng Apollo, giống như một mủi tên đen vẫn còn chạy trước Thần Mã một chút. Khi vừa vào con đường thẳng, Thần Mã đã vượt qua mặt Apollo và tiến đến mức thắng đầu tiên... Tiếng vỗ tay vang rền... Khán giả hỏi nhau: "Con ngựa trắng của ai vậy?"

- Đó là Thần Mã, con ngựa giống Việt Nam của ông Hoàng Tuấn! Hôm nay là độ đua đầu của nó đó! Thế là con ngựa Mỹ thua con ngựa Việt Nam rồi! Ha! Ha! Ha!

Lúc đó người ta thấy ông Hoàng Tuấn đã mất hẳn vẻ lo âu, cười tươi hơn cả bao giờ.

Còn Diễm thì buồn thất sắc:

- Đúng là Thần Mã chắc chắn thắng suốt ba cuộc đua liền!

Cô Diễm liền lách trong đám đông tiến tới cạnh chú Lùn Tịt và Thần Mã đang bị những người hâm mộ bao vây. Cô cố cười duyên với chú Lùn Tịt:

- Thần Mã của anh giỏi quá! Còn anh thì thật là siêu phàm! Diễm đã hiểu tại sao anh đã hy sinh nhịn ăn để khỏi lên cân! Kể từ hôm nay, Diễm sẽ giúp anh ốm thêm để giải thưởng phải lọt vào tay anh.

Nhưng cô gái đã thất bại trong âm mưu đen tối vì chú Lùn Tịt đã biết rõ tình trạng của mình, nên chú đã từ chối không chịu tắm hơi thêm nữa. Chú nói với cô gái:

- Cám ơn lòng tốt của cô Diễm, dù tôi không có học y khoa, tôi cũng biết là tôi không nên tắm hơi quá lố... Tôi đã quyết định ngừng ít ngày, nhưng tôi vẫn nhịn ăn như trước... Sau đó tôi… như cô đã biết… tôi cần mập và khoẻ mạnh lắm...

Biết dụ dỗ không được, cô gái đành phải nói:

- Anh Tịt có lý đó! Diễm rất phục anh!

- Lẽ dĩ nhiên tôi có lý rồi! Để cô coi, nhất định tôi sẽ thắng trận này!

Cô gái lái sang âm mưu khác:

- Diễm cũng tin tưởng như vậy! Anh Tịt mà không thắng cuộc thì ai thắng cho!

Tới đây cô gái sửa giọng nhõng nhẽo:

- Anh Tịt ơi! Tối thứ bảy này anh dẫn em đi coi phim đi!

Chú Lùn Tịt thích mê trước những lời đòi hỏi của cô gái (từ nhỏ đến giờ, vì tàn tật xấu xí, chú có được cô gái nào nói với chú êm dịu và âu yếm như thế đâu!), nhưng chú đã ý thức được trách nhiệm nài ngựa của mình trong ngày chủ nhật...

Chú nói:

- Như cô biết! Tối thứ bảy tôi bắt buộc phải ngủ sớm để ngày chủ nhật có đủ sức điều khiển ngựa. Đó là bổn phận của một nài ngựa! Tôi sẽ dẫn cô đi coi phim vào tối thứ sáu, cô bằng lòng không?

Cô gái như có vẻ suy nghĩ một lát rồi nói:

- Diễm bằng lòng!

Ngày hôm sau, cô gái đến biệt thự của ông Henry Harris, cô hỏi người giữ cổng:

- Bà Lãm có trong đó không?

- Dạ có! Bà đang ở văn phòng...

Nói xong, người đó dẫn cô Diễm vào văn phòng bà Lãm. Bà Lãm đang đánh máy. Vừa thấy em gái, bà Lãm nói:

- Em đó hả? Thành công không em? Tên lùn liệt chưa? Em có biết không, ông Henry Harris giận ghê lắm đó!

- Em đã có cách rồi!

Bà Lãm thở ra:

- Em nói đi! Miễn là lần này được thành công...

- Em đã dụ dỗ được tên Lùn dẫn em đi coi phim vào tối thứ sáu…

- Rồi sao nữa?

Cô Diễm mỉm cười:

- Đây là chương trình của em: Chị sẽ nói anh Tư Gáo hộ vệ của ông Henry Harris, chờ em và tên Lùn đi qua một đường vắng, anh ấy sẽ xông ra đập tên Lùn cho nó trọng thương, rồi lấy đồng hồ, bóp của nó để cho mọi người tin tưởng đây là một vụ cướp cạn... Nó bị thương thì làm sao điều khiển Thần Mã được?

Vì chỉ nghĩ đến quyền lợi vật chất cá nhân thấp hèn, bà Lãm đã chấp thuận thi hành âm mưu ác đức phi nhân đó. Bà bấm chuông:

- Em hãy trình bày cho anh Tư Gáo rõ kế hoạch của mình!

Anh Tư Gáo to lớn như con bò mộng, nghe chuông gọi đi đến trước mặt bà Lãm:

- Thưa bà! Gọi tôi gì ạ?

- Em gái tôi sẽ nói rõ với anh!

Cô Diễm liền trình bày rõ ràng từng chi tiết một kế hoạch cho anh Tư Gáo rõ…

Tư Gáo đã vâng lời chị em Diễm. Đúng mười một giờ đêm ngày thứ sáu, Tư Gáo đã ngụy trang đội mũ trùm gần kín cả mặt đến nơi hẹn.

Khi đồng hồ vừa gõ mười một tiếng, cô Diễm và chú Lùn Tịt trong rạp hát đi ra... Chú Lùn Tịt cười thật vui, vui vì được đi coi phim với người đẹp cũng có, mà cũng vui vì cuốn phim hài hước Charlot đánh với người khổng lồ mà chú vừa xem... Chú nói huyên thuyên:

- Cuốn phim đó thật hay... Tôi cũng có một cây gậy như Charlot vậy... Nhưng tôi chỉ thiếu địch thủ mà thôi! Ô kìa! Cô xem kìa! Một người đang đứng ở góc tối to lớn như một con bò! Đúng là địch thủ xứng đáng của tôi đó! Tôi hứa với cô là nếu tên đó chọc tôi, tôi sẽ làm như Charlot trong phim vậy!

Quả nhiên, đúng như ước muốn của chú Lùn Tịt, người to lớn lừ đừ tiến tới giơ hai tay chụp chú Lùn Tịt, nhưng chú đã nhanh nhẹn tránh khỏi. Chú trổ tài xiếc cho người đó rượt theo trối chết mà vẫn không bắt được chú...

Chú Lùn Tịt la to:

- Cô Diễm coi chừng! Cô có nhớ đoạn sau của cuốn phim không? Tôi sẽ làm y như vậy đó!

Chờ địch thủ nhào tới, chú Lùn Tịt lợi dụng lúc đó dùng gậy phang vào chân địch thủ những đòn như trời giáng làm địch thủ té lăn cù dưới đất la oai oái...

Chú Lùn Tịt nói với cô Diễm:

- Nó sẽ lâu lắm mới đứng dậy nổi! Chắc cô đã thấy? Nó đánh tôi đâu phải chỉ là để vui như người khổng lồ đánh Charlot trong phim!

Lúc đó Tư Gáo rên rỉ:

- Đỡ tôi dậy! Đau quá! Ống quyển tôi gãy rồi! Ui da! Đau quá!

Chú Lùn Tịt nói:

- Anh nằm đó một chút đã! Không gãy đâu! Nhớ bài học ăn hiếp người đó nghe!

Chú Lùn Tịt nắm tay cô gái kẻo đi thẳng. Cô gái sửng sờ, há hốc mồm.

° ° °

Chủ nhật sau là chiến thắng thứ nhì của Thần Mã. Chỉ còn một chiến thắng nữa trong mười lăm ngày sau là Thần Mã vinh quang đoạt giải Rồng Vàng Việt Nam.

° ° °

Tụ họp trong một quán cà phê, Tô Bốt, bà Lãm và cô Diễm đã thảo ra kế hoạch mới và là kế hoạch cuối cùng:

- Kỳ tới đây, con ngựa nào mà thắng được Thần Mã thì kể như là con ngựa số một hoàn cầu! Và Apollo của ông chủ sẽ thắng Thần Mã trong cuộc đua cuối cùng! Con ngựa Mỹ sẽ thắng! Ngựa Việt Nam sẽ thua!

Cô gái tên Diễm đã tung ra ván bài quyết định cuối cùng.

CHƯƠNG 12 VÁN BÀI CUỐI CÙNG

G

iải thưởng vĩ đại "Rồng Vàng Việt Nam" kết thúc vào một ngày chủ nhật êm đềm. Nhưng, các tay tuyệt phích đã rộn rịp hơn cả bao giờ. Nhiều món tiền khổng lồ đã dồn về đánh cá cho Thần Mã.

Bà Liên Hương, Vân và Đình vô cùng xúc động đứng chờ Thần Mã và chú Lùn Tịt xuất hiện ở sân cỏ trường đua Phú Thọ. Ông Hoàng Tuấn và người thư ký thân tín Nguyễn Bít, đã đứng trên khán đài danh dự.

Lúc đó, một cô gái đẹp được một người to lớn trao cho một gói giấy nhỏ.

- Cuộc đua sẽ bắt đầu trong hai mươi phút nữa. Đúng lúc đó, cô Diễm! Cô này kiếm tên lùn mời nó đi uống để mừng chiến thắng của nó. Cô hãy lén đổ gói thuốc này vào ly nước của nó. Uống xong, tên lùn sẽ ngã gục trên mình Thần Mã và như thế Thần Mã sẽ không thể nào chạy tới đích được... Trong trường hợp đó, Apollo của ông chủ sẽ thắng và ngăn được Thần Mã đoạt giải Rồng Vàng Việt Nam!

Cô gái bỏ ngay cái gói nhỏ vào bóp và nói:

- Ông yên chí! Thế nào tôi cũng thành công!

Nói xong, cô gái liền đi tìm anh nài ngựa. Đi tới chỗ nào, cô ta cũng nghe mọi người nói tới tên Thần Mã.

Bà Liên Hương tựa vào Đình... Bà có vẻ lo sợ... Nếu lỡ Thần Mã thất bại lần này thì…

Thình lình, bà Liên Hương linh cảm có một cuộc âm mưu phản bội đang thành hình. Bà bèn hỏi Đình:

- Còn cô Diễm đâu con, sao bà không thấy?

- Cô ấy hôm nay yếu người. Cô ấy ở nhà vì sợ không chịu nổi những xúc động khi xem cuộc đua... A! Thưa bà cô ấy kìa!

- Đình! Anh Tịt đâu? - Cô gái gọi Đình.

Đình trả lời:

- Chú ấy kia kìa!

Chú Lùn Tịt đang đi về phía Đình. Cô gái la to vui vẻ:

- Anh Tịt ơi! Đi uống với Diễm một ly nước đi! Diễm muốn mừng trước chiến thắng của anh đó!

Chú Lùn Tịt không thể nào từ chối nổi lời mời tha thiết của một cô gái đẹp. Vì thời gian khởi đầu cuộc đua quá cấp bách, chú liền đi theo tức khắc cô Diễm đến quán nước.

Linh tính báo có việc chẳng lành, bà Liên Hương liền đi theo hai người. Đình vừa đi vừa hỏi:

- Bà thấy cô Diễm như thế nào? Chắc bây giờ bà không còn nghi ngờ cô Diễm nữa?

Bà Liên Hương đập vai Đình:

- Con im đi! Để bà...

Cô Diễm nắm tay chú Lùn Tịt… Lợi dụng lúc đó cô đổ gói bột vào ly nước cam vàng và nhúng ngón tay dài của mình vào đó khuấy cho tan bột… Chú Lùn Tịt, Đình không ai thấy hành động đó cả!

- Mừng chiến thắng vĩ đại của anh!

Chú Lùn Tịt giơ cao ly nước uống một hơi. Nếu chú để ý, chú sẽ thấy dấu hiệu ngăn cản của bà Liên Hương. Sau khi uống xong, chú Lùn Tịt liền cảm thấy tức khắc khó chịu trong người... Bà Liên Hương la to... Hiểu chuyện, Đình phóng tới đẩy cô Diễm té xuống đất.

- Cái gì vậy? - Người ta ồn ào dò hỏi.

- Bỗng nhiên anh nài của Thần Mã bị đau!

- Ông nói gì vậy? Anh nài của Thần Mã đau!

- Phải! Mình khổ rồi!

- Ráng lên, can đảm lên chú!

Đình vừa đẩy cô Diễm vừa nói:

- Con rắn độc, chúng tôi sẽ tính với cô!

Cô gái rắn độc biến mất nhanh trong đám đông...

- Anh cảm thấy thế nào?

- Tôi buồn ngủ - chú Lùn Tịt vừa nói vừa ngáp.

Bà Liên Hương bắt mạch tay chú Lùn Tịt rồi nói:

- Anh đã bị uống một loại thuốc ngủ thật mạnh!

- Anh Tịt ơi! Lên ngựa đi!

Chú Lùn Tịt cố gắng trả lời:

- Tôi sẽ lên ngay!

Lúc đó chú ta mới nhớ lại là lúc nãy bà Liên Hương có ra dấu hiệu ngăn cản chú đừng uống.

Đầu chú Lùn Tịt càng lúc càng lắc lư. Chú cố gắng leo lên yên ngựa, chú vẫn thì thầm với Đình:

- Dù sao đi nữa, chú vẫn yêu cô gái đó!

- Chú đừng nghĩ đến cô đó nữa! Chú cố gắng đừng ngủ…

Lúc đó một người chạy đến hỏi:

- Người ta nói anh bệnh phải không anh Tịt? Anh có muốn bỏ cuộc không?

Đình đáp thay chú Lùn Tịt:

- Không! Chú ấy không bao giờ bỏ cuộc đâu!

- Tùy ý anh! Vậy, anh vào sân cỏ đi, mọi người đang đợi…

Và chuông reo vang báo hiệu cuộc đua bắt đầu. Thần Mã phóng tới như tên bắn.

"Nếu tôi ngủ, thì sẽ tiêu tan ra mây khói". Chú Lùn Tịt vừa suy nghĩ vừa cố mở to đôi mắt. Chú gần như ngã gục trên lưng Thần Mã… Vì thế, Thần Mã chạy chậm lại... Đám đông rống lên. Apollo chạy rượt kịp Thần Mã. Cái mõm đen đầy bọt và mồ hôi của nó xuất hiện cạnh cái mõm của Thần Mã. Thấy địch thủ rượt kịp mình, Thần Mã hí lên khủng khiếp. Hai con ngựa tiến qua khán đài danh dự. Chú Lùn Tịt còn nghe đám đông la rõ ràng: "Apollo! Apollo!", "Thần Mã sẽ thua..."

Chú Lùn Tịt cố gắng thúc đẩy Thần Mã:

- Ráng lên! Thần Mã!

"Thần Mã!" "Apollo!!!" Đám đông lại la to vang rền.

Con ngựa Việt Nam của ông Hoàng Tuấn dường như có cánh bay vun vút. Thình lình chú Lùn Tịt không còn thấy gì nữa hết. Chú chỉ còn đeo dính trên lưng Thần Mã nhờ bản năng mà thôi. Con ngựa trắng và con ngựa đen chạy ngang nhau, nhưng Thần Mã vẫn còn chạy trước một chút. Chú Lùn Tịt quay lại, chú đã vượt qua mặt địch thủ. Chú khạc xuống đất một búng máu. Máu chảy dài trên đôi môi của chú. Chú đã cắn nghiến đôi môi của mình dữ dội. Thần Mã vượt qua vạch mức đến và chiến thắng vẻ vang. Và chú Lùn Tịt té nhào xuống cỏ.

° ° °

Bà Liên Hương, Vân và Đình ngồi chung quanh giường chú Lùn Tịt đang nằm ngủ thiêm thiếp. Ông Hoàng Tuấn và Nguyễn Bít tiến vào cạnh bên giường chú.

- Này anh Nguyễn Bít, có phải Tô Bốt và cô Diễm đã âm mưu làm anh Tịt thất bại không?

- Dạ, thưa ông phải! Chính em Đình cũng còn lầm về cô gái đó nữa!

Lúc đó, ông Hoàng Tuấn liền cúi xuống hôn lên trán đẫm mồ hôi của chú Lùn Tịt rồi nói:

- Khi anh Tịt tỉnh dậy, xin các người nói cho anh ấy biết là các đài phát thanh đã loan báo chiến thắng của anh ấy cho tất cả hoàn cầu biết rồi. Và nói luôn cho anh ấy biết là chiều nay, một bác sĩ nổi tiếng sẽ đến khám bệnh cho anh ấy!

Bà Liên Hương và Vân ở lại chờ bác sĩ đến khám bệnh chú Lùn Tịt dù đã tới giờ bà phải đưa Vân về cô nhi viện. Những trận tắm hơi, ăn uống thiếu thốn đã làm chú Lùn Tịt chỉ còn da bọc xương và hai lá phổi của chú lâm vào tình trạng nguy hiểm đáng ngại. Chú Lùn Tịt cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn và được săn sóc chu đáo. Chú Lùn Tịt cựa mình tỉnh giấc, chú bỗng ho lên dữ dội. Hoàng hôn đã bao phủ cả biệt thự ông Hoàng Tuấn. Chú Lùn Tịt nói thật nhỏ:

- Dường như tôi nằm mơ… Tôi thấy ông Hoàng Tuấn hôn tôi… Tôi nghe ra-đi-ô đọc tên tôi và Thần Mã. Một bác sĩ đến khám bệnh tôi. Và ông Nguyễn Bít đã mời tôi sang Pháp du lịch…

- Những điều anh mơ đúng đó! - Bà Liên Hương nói.

- Tôi đã làm gì mà được hưởng như vậy?

Đình đã trả lời chú Lùn Tịt ngay, không do dự gì hết:

- Chú ơi! Chính lòng ngay thẳng, trong sạch, thật thà của chú đã thưởng chú đó! Nếu chú phản bội ông Hoàng Tuấn, chú sẽ đánh mất tất cả lòng tin của mọi người dành cho chú cũng như Tô Bốt, cô Diễm và bà chị của cô Diễm…

Chú Lùn Tịt đỏ mặt:

- Cháu nên nhớ là nếu chú có phản bội ông Hoàng Tuấn là vì bởi cháu và Vân chứ chú có lợi lộc gì cho bản thân đâu!

Bà Liên Hương xen vào:

- Này anh Tịt! Sự phản bội bất lương không thể nào được tha thứ cả, dù bất cứ lý do nào!

- Cháu sẽ đi học vẽ...

- Cháu sẽ học bác sĩ…

Bà Liên Hương bật sáng ngọn đèn ngủ ở đầu giường. Gương mặt mọi người sáng rực niềm tin tương lai.

18/7/2015
Hoàng Đăng Cấp
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Xuống Phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. ...