Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng - "Nói được điều gì đó cho thời nay…"

Tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng
"Nói được điều gì đó cho thời nay…"

Đó là một phần câu kết, viết trong Lời nói đầu của tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử, mà các bạn đang cầm trên tay, có tựa sách là tên gọi của nhân vật chính: Đinh Tiên Hoàng.
Vũ Xuân Tửu, sinh năm 1955. Một nhà văn từng là cán bộ công an tỉnh Tuyên Quang, cầm bút viết văn khi đã ngoại bốn mươi (1998), thành danh với giải thưởng chùm ba truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội, khi sống được nửa tuổi một trăm (2005) và cuốn sách này ra mắt bạn đọc, thì tuổi tròn một hội. Trong bản thảo cuối cùng mà tôi được đọc, để viết lời giới thiệu này, có ghi chú mấy số liệu “bản thảo lần thứ 9 = 144.540 chữ”
Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Vũ Xuân Tửu từng giãi bày: “Tôi coi văn chương là chuyện sang trọng và thiêng liêng. Trước khi viết tôi thường tắm gội sạch sẽ, chọn giấy trắng, bút tốt. Sau khi tác phẩm được xuất bản, thường làm lễ tạ… Ngồi viết hay sử dụng máy tính cũng sắp xếp sao cho mặt hướng về phương Nam..”. Nhà văn từng viết như vậy, và còn nói thêm rằng, biết mình không được đào tạo bài bản về nghề viết văn, nên lấy sự cần cù, nghiêm túc và năng học hỏi để bù lại…
Với Vũ Xuân Tửu, đây cũng không phải là sáng tác đầu tiên về thể loại  tiểu thuyết lịch sử, vì trước đó, anh đã từng cho ra mắt tác phẩm “Chúa Bầu” (2006), viết về hai nhân vật họ Vũ đã phò Vua Lê, ở vùng Tây Bắc, thế kỷ XVI… Nhưng ngòi bút của nhà văn trước sau đều cẩn trọng, tuân thủ cái điều được viết, ngay trong lời mở đầu của sách, khi nhắc đến lời của một nhà văn nước ngoài – Milan Kundera, rằng: “Nhà tiểu thuyết không phải là nhà sử học, không phải là nhà tiên tri, anh ta là người thám hiểm cuộc sống…”.
Cũng vì thế, trong Lời nói đầu của cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai này, tác giả đã dành giấy mực điểm lại tất cả những tri thức cơ bản, cả trong chính sử và dã sử, liên quan đến Đinh Tiên Hoàng và cái thời đại đã “cách đây ngàn năm có lẻ”, để xác tín cái quan niệm: “Tiểu thuyết lịch sử là văn học, hư cấu trên cơ sở chính sử, nên đấy là mảnh đất màu mỡ cho ngòi bút tung tẩy”.
Và quả thật, ngòi bút của Vũ Xuân Tửu đã “tung tẩy” trên những trang giấy, để dựng lại cả một diễn trường lịch sử vô cùng phong phú và phức tạp của một thời kỳ mà dân tộc ta, vừa thoát ra khỏi hơn ngàn năm đô hộ, là quận huyện của phương Bắc, được ấn định bởi công lao của Ngô Vương Quyền, người đã xác lập nền tự chủ của dân tộc Việt Nam, bằng chiến công hiển hách trên Sông Bạch Đằng, năm 938.
Tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng của Vũ Xuân Tửu
Chống giặc ngoại xâm hay giải phóng nhân dân khỏi ách đô hộ của ngoại bang, để giành nền độc lập-tự chủ, trong lịch sử dân tộc Việt Nam là một ý chí sắt đá, đã nhiều lần được được thể hiện mỗi khi đất nước bị xâm lăng, hay đô hộ với những tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc, như: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… cho đến các danh nhân thời hiện đại.
Nhưng gìn giữ nền thống nhất quốc gia, chống lại mọi khuynh hướng hay thế lực phân chia, cát cứ cũng là một nguyên lý sống còn, gắn với sự tồn vong dân tộc. Đinh Tiên Hoàng, một trong những sứ quân mang danh xưng “Vạn Thắng Vương” của thời dựng nước; cũng là “Đại Thắng Minh Hoàng đế” khi gắn với thắng lợi của công cuộc thống nhất lực lượng quốc gia, chấm dứt tình trạng “loạn sứ quân”, ở thế kỷ thứ X; để thiết lập một triều đại phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của một quốc gia tự chủ, có quốc hiệu là “Đại Cồ Việt”, có niên hiệu là “Thái bình”, có thiết chế triều đình, pháp luật, tài chính và quân đội… được ghi trong chính sử.
Triều đại ấy, đã nối tiếp ý chí và gìn giữ nền tự chủ với phương Bắc của Triều Ngô, nên được đời sau tôn vinh là Đinh Tiên Hoàng Đế và tôn mảnh đất Hoa Lư-Ninh Bình là kinh đô của hai triều đại Đinh và Tiền Lê có công dựng nước. Đó cũng chính là bối cảnh của nội dung phản ánh trong cuốn tiểu thuyết lịch sử này. Chọn để viết về đề tài này, hẳn cũng là cách thể hiện niềm tự hào thầm kín của một nhà văn được sinh ra “nơi ngã ba sông dưới chân núi Non Nước”, mà ngày nay đã nằm trong một không gian Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Tràng An, vừa được thế giới công nhận.
Trong “Đinh Tiên Hoàng“, sự vận động của lịch sử với những nhân vật và sự kiện có thực, qua ngòi bút “tung tẩy” của văn chương, trở nên sinh động, khiến người đọc không chỉ tiếp nhận những tri thức lịch sử, thường bao giờ cũng nghèo nàn hơn đời sống thực, mà sự hư cấu của nhà văn, lại chính là nguồn bổ sung vô tận, cho trí tưởng tượng của người đọc. Chính văn chương cũng góp phần làm cho những giá trị lịch sử trở nên sâu sắc hơn, nhờ vào những khám phá của nhà văn, khi tự coi viết tiểu thuyết lịch sử là một hành trình thám hiểm cuộc sống, không chỉ của quá khứ mà chính là hiện tại.
Vì thế, khi khép lại cuốn tiểu thuyết lịch sử này, thay vì nhắc lại cho đủ câu chữ của đoạn kết, mà Vũ Xuân Tửu đã viết trong Lời nói đầu của mình rằng, với tác giả “để cố gắng nói được điều gì đó với thời nay, thì may lắm thay”; cũng xin được nói lên suy nghĩ của một người được tác giả cho đọc trước tác phẩm này, cái cảm nhận được may mắn đọc những điều mà cuốn sách này đã nói được. Xin được chia sẻ cái cảm nhận ấy, với các bạn đọc.
19/2/2020
Dương Trung Quốc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...