Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Truyện ngắn của Trác Diễm: Thằng Cân

Truyện ngắn của
Trác Diễm: Thằng Cân

Thằng Cân đã chết. Một cái chết tức tưởi do sặc nước. Nhưng nó đã mãn nguyện khi cứu được đứa bé gái con chủ nhà. Và dưới con mắt của người đời, dẫu sao, đó cũng là một sự giải thoát. Giải thoát cho một kiếp người không may mắn…
– Ôi, Cân ơi là Cân ơi!… Bà Thoan đưa tay hỉ mũi rèn rẹt, rồi vặt dải nước xuống nền gạch đá hoa đã phai màu cũ kỹ ngay cạnh lối cầu thang chính giữa chợ. Chiếc mũi tấy đỏ, phòng lên xẹp xuống theo từng cơn nức nở “– Ai có chăm có nuôi mi đã rồi mới biết cực biết khổ. Mi không thương không tiếc cái công cái của cả chợ nuôi mi, thì đáng ra mi cũng phải sống để mà nghe tau nói… nói cho mà biết.
Mi chết nhưng mi có biết chi mô về cuộc đời của mi hả Cân. Hức… Hức!..
***
Người ta đã quen tai với giọng nói chua ngoa, hàm hồ hàm chứa của bà Thoan. Suốt ngày chửi rủa không biết mệt. Chẳng mấy khi nghe thấy tiếng bà ta rên rỉ, khóc lóc đến thế. Vậy mà, sáng nay bà Thoan khóc. Khóc thống thiết. Một sự lạ. Đến nỗi, lão Trung cũng giật mình. Đã gần chục năm nay, cái tai lão chỉ chứa rặt những âm thanh hỗn tạp của chợ búa. Ngọt nhạt lừa lọc bán mua. Lời đầu môi chót lưỡi. Hôm nay, ngay từ buổi sớm, lão chợt nghe lời từ trái tim…
Lão Trung là người trực và quét dọn rác ở chợ Ga. Lão quen với cảnh sáng chưa nhìn rõ mặt người, tiếng còi xe máy khê đặc, ré lên khàn khàn bên ngoài cánh cổng sắt. Không cần nhìn ra, lão cũng đoán biết ngay là tiếng còi xe máy của bà Thoan hàng trái cây.
Trong số những người buôn bán ở chợ, bà Thoan luôn là người đến sớm nhất. Khoảng tầm 4 rưỡi, 5 giờ sáng là bà đã có mặt. Cũng như ông, luôn có thói quen thức dậy vào giờ này. Tập một vài động tác thể dục. Đun nước pha trà. Rồi tiếp sau đó là đi làm cái công việc đầu tiên của ngày “Mở cổng chợ”. Công việc như được lập trình sẵn thế. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Bất kể ốm đau bệnh tật.
Nhà văn trẻ Trác Diễm ở Quảng Bình
Lão đi đến chỗ bà Thoan. Hắng giọng:– Có chuyện chi, mà bù lu bà loa sớm rứa? Mất trộm hử?
– Ối trời ơi! Ông Trung ơi! Thằng Cân chết rồi! Chết chiều qua!.. Hu hu!..
– Ai? Ai chết? Thằng Cân? Răng chết? Chết ra răng? Nó vừa được một nhà tử tế đem về nuôi, mới có mấy hôm mà?..
Lão Trung hỏi dồn dập. Lão không tin ở tai mình. Thằng Cân là một phần cuộc đời lão. Nó chết, một phần đời lão cũng chết theo. Mặt sân chợ buổi sớm chợt nghiêng ngả. Lão ngồi bệt xuống nền đất. Chút kỳ vọng tươi đẹp bao năm nuôi sống lão, biến mất. Những giọt nước mắt khô héo ứa ra. Ướt đẫm khuôn mặt cũng nhăn nheo và khô héo của lão…
Chiến tranh khốc liệt, gia đình ông bị bom chết hết. Riêng ông may mắn thoát chết.18 tuổi ông viết đơn xin nhập ngủ. Ông đã đi qua rất nhiều miền đất. Trải qua đời lính nhiều cam go. Tham gia rất nhiều trận đánh ác liệt. Trên chiến trường, ông là người lính trinh sát dũng cảm.
Ông trở về sau chiến tranh, với bước chân cà thọt. Và máu nhiễm đioxin. Biết nỗi bất hạnh của mình, ông không dám thương ai. Không đèo bòng ai. Ông nhận một chân trong ban quản lý chợ. Làm cho khuây khỏa phần đời còn lại. Công việc chính là quét rác, dọn vệ sinh. Mở và đóng cổng chợ mỗi ngày. Dân kẻ chợ, hằng ngày quen thuộc với vóc người tầm thước. Mái tóc muối tiêu cắt cua. Bộ quân phục sờn bạc luôn gật đầu chào mọi người mỗi sớm vào cổng. Và họ cũng cảm thấy sớm ấy, mua may bán đắt khi gặp được ông…
Lão Trung không quên đêm ấy. Cách đây 8 năm. Gió mưa sấm chớp đùng đoằng. Những vệt sáng chạy ngoằn ngoèo dọc ngang, như một bầy rắn lửa vạch lên trên nền trời tối sẫm,man rợ. Mưa ào ạt đổ xuống như thể những tầng mây đen trên kia, bấy lâu hút hết nước từ ao hồ, sông ngòi, mương máng… trữ đầy một bụng nước, giờ căng tức trút hết cả xuống. Mưa xối xả. Mưa rào rạt. Và rồi mưa cũng đến lúc tạnh. Thiên nhiên được gột rửa hết lớp bụi bẩn, bỗng trở nên trong lành, khoáng đạt. Bầu trời đêm, đen mượt như nhung. Chính trong đêm mưa ấy, ông Trung đã có được thằng Cân.
Mưa làm ông Trung không ngủ được. Chạnh nhớ những đêm mưa rừng. Phần nữa, cũng bởi chứng đau đại tràng kinh niên nó bắt ông phải đi ra đi vô ở cái nhà xí công cộng. Chiếc đèn pin trong tay ông lia từng vệt sáng lên phía trước. Những con cóc to đùng chễm chệ choán cả lối đi. Chúng ngoác cái miệng rộng ra kêu ộp oạp. Người ta bảo, sau mưa chúng đi tìm bạn tình. Hai bên đường, những luống cúc dại bông trắng nhụy vàng vẫn còn đậu long lanh nước. Một vài con chuột cống đi ăn đêm, thấy ánh sáng chạy dạt vào những lùm cây.
Ông Trung cung cúc bước. Toan đưa tay đẩy cánh cửa xộc xệch của buồng cầu gần nhất. Chợt giật mình quay đầu lại. Ông xoay vặn chóa đèn. Hình như chiếc đèn pin vô tình lia phải thứ gì đó. Ông cúi nhìn. Máu! Trời ơi, máu! Ông khẽ kêu lên trong cổ họng. Máu còn tươi. Đọng thành vũng. Dây thành chuỗi. Vương vãi đây đó.
Có cái gì khuất tất ở đây? Một vụ giết người? Một án mạng trong khuya? Phút chốc, người lính trinh sát trong ông trỗi dậy. Ông rọi đèn pin, cẩn trọng lần theo vết máu. Mắt nhìn quanh. Tai lắng tiếng động tĩnh. Cứ hai ba bước chân, lại xuất hiện một vài giọt. Nhưng đến chỗ cánh cửa cuối cùng, vệt máu loang ra thành một đám lớn. Ông rùng mình ớn lạnh. Hình dung  đằng sau cánh cửa, một thân hình bị nhiều vết đâm. Nằm gục. Bê bết máu. Hai con mắt trắng dã.
Có lẽ đã ba giờ sáng. Mưa dứt cơn. Nhưng gió vẫn hoang tàng rít không thôi trên vòm xà cừ cổ thụ …u…u đến rợn người. Ông nắm chặt chiếc đèn pin. Lưỡng lự giây lát. Đi báo công an chăng? Hay quay về đợi trời sáng? Cơn đau bụng cũng đã bay biến từ lúc nào. Ông định quay bước. Bỗng một ý nghĩ vụt đến. Nếu người ấy chỉ bị thương, cần cấp cứu? Ông quả quyết giật bung cánh cửa. Không có gì cả. Chỉ có lũ ruồi nhặng bắt gặp ánh sáng, bay vù lên.
Những âm thanh xè xè. Kèm theo đó là một thứ mùi hôi thối đặc trưng.
Khi mọi chuyện trở nên nhẹ nhõm, cơn đau bụng râm ri lại quặn thắt. Ông vò tờ giấy trong tay và kéo quần ngồi xuống. Chưa được nửa phút, ông chợt nghe như tiếng mèo ốm rên ư ử. Ngay dưới chỗ ông ngồi. Ông bật dậy như đụng phải điện. Ánh đèn pin rọi xuống tức thì. Một khối gì đang khẽ cựa quậy dưới đó. Tim đập thình thình. Ông không tin vào mắt mình nữa. Hình như có một bàn tay nhỏ. Cái nhà cầu công cộng làm từ thế kỷ trước. Nhiều ngăn. Nổi trên mặt đất. Tháng đôi lần người ta dọn phân đi ủ.
Không thể đưa đứa bé lên từ miệng hầm cầu. Ông phải đi vòng, lập cập gỡ tấm bê tông đậy phía sau. Ông nín thở. Một tay rọi đèn, tay kia khẽ nâng dưới lưng đứa bé. Chiếc đèn pin chuyển sang kẹp nách. Đứa bé được nâng trong hai bàn tay thô ráp, vụng về. Ông đi ra giếng đặt đứa bé xuống và múc nước khẽ giội lên mình nó cho sạch phân. Ôi, một thằng bé! Tím tái và lạnh ngắt. Những con dòi béo múp rơi ra từ lỗ tai, lỗ mũi. Lúc nhúc trên nền xi măng. Có lẽ thằng bé đã chết. Dẫu sao cũng phải tắm rửa cho nó sạch sẽ trước khi về với tổ tiên…
Ông đặt thằng bé lên chỗ khô ráo để đi rửa tay. Và khi quay lại, ông giật thột. Như thể có phép thần. Người thằng bé hồng lên chút ít. Cái lồng ngực bé xíu hình như có cử động. Ông ghé tai. Phải rồi, tim còn đập. Nó còn sống! Còn sống! Ông bế nó vào lòng, kéo vạt áo bọc kín. Bước nhanh về nhà.
Bếp lửa được nhóm lên. Thằng bé bắt đầu cử động tay chân. Cái miệng nhóp nhép bản năng. Nó đòi bú đấy mà! Ông mớm cho nó mấy thìa nước ấm pha chút nước cơm rồi nó ngủ.
Thằng bé thật dễ nuôi. Ông cúi hôn nó. Một sinh linh suýt nữa đã chết dưới bàn tay người mẹ nhẫn tâm. Hẳn đây là kết quả không mong đợi của một cuộc tình vụng trộm?
Thằng bé ở với ông một đêm. Gần sáng, nó bỗng khóc ngằn ngặt. Ông hiểu là thằng bé không thể lớn lên trong đôi tay thô tháp vụng về này. Sáng ra nó lả đi vì đói sữa. Ông đành phải bế nó vào chợ, hỏi xem ai có muốn nuôi nó không. Nhưng các hàng quán ai cũng lắc đầu. Họ còn phải bươn bải để lo cho cả một đàn con hả miệng ở nhà. Việc duy nhất mà họ có thể làm lúc này, là đôi ba tiếng chậc lưỡi, rồi dúi vào tay ông ít quả cam tươi, vài cân đường hộp sữa hoặc là đôi ba đồng bạc lẻ.
Thằng bé đái dầm ra tả rồi khóc ré lên. Hẳn là nó cảm thấy xót xáy. Ông Trung loay hoay suýt đánh rơi nó xuống đất. Nhìn bàn tay đàn ông thô kệch vụng về chăm đứa trẻ, các bà hàng quán đưa mắt nhìn nhau. Một cuộc hội ý sau tan chợ, nhanh chóng gỡ thế bí cho ông do bà Thoan chủ trì. Rằng họ sẽ thay nhau nuôi thằng bé, mỗi người một tuần. Ông mừng lắm.
Nhưng cuộc đời đâu phải xuôi chèo mát mái như ông nghĩ. Những người buôn thúng bán mẹt, mài đũng quần giữa chợ để kiếm đôi đồng tiền lẻ đâu có thảnh thơi và dư dật. Nhưng ông biết, những bà buôn bán, lòng ẩn chứa những tư tưởng rối rắm. Đôi khi trái ngược. Vừa phải lươn lẹo mua rẻ bán đắt, đôi khi nanh nọc nhưng vừa lại sợ có đấng cao xanh xét rọi, trừng phạt nên chi thi thoảng họ cũng cắn răng làm chút việc thiện. Vì thế trong sự nhận nuôi thằng bé, không phải ai cũng như ai. Nó có tuần no, có tuần đói. Có tuần được yêu thương, có tuần bị ghẻ lạnh kín đáo. Từ đỏ hỏn như con chuột con, nó đã lớn lên có đầu có đuôi. Như cây như cỏ. Đôi khi ông nghĩ, tiếng cãi vã, so bì tị nạnh, hoạnh họe chao chát giữa các bà, đã nuôi lớn nó.
Nhưng số phận hẩm hiu đã chờ đón nó. Được ít tháng, người ta nhận ra hai chân nó bị liệt hoàn toàn. Teo tóp và vắt vẻo như không có xương. Có người bảo, vì nó nằm dưới hầm cầu, bị lũ dòi bọ đục khoét, nên sinh tật. Người khác lại bảo, chắc khi có mang, mẹ nó uống nhiều thuốc độc cố tẩy cái của nợ ấy đi nhưng không tẩy được. Giờ thành di chứng tật nguyền.
Việc chăm nuôi nó giờ như tội nợ. Và tiếng chao chát giữa các bà dày hơn, tỉ như: “Số tui thật xui xẻo! Lúc mô hắn mọc răng đi tướt, cũng đều đến lượt tui. Báo hại, tui phải giặt giũ cả một đống áo quần tả lót tanh rình!”
“Cũng chưa bằng tui mô. Chao ơi, nó nóng nó sốt hầm hập như thể thu hết lửa thiên hạ. Cả nhà thức rã mắt, lau nước, rồi cho nó uống thuốc…”
“Nhớ cái lúc nó bị co giật mà khủng khiếp. Như đứa động kinh!”
“Thôi… thôi đi các bà. Nếu không có tui, thì ngay cả cái đít của nó cũng không giữ nổi để mà lết. Chao ơi, mụt mạy chi mà mưng mủ sinh gớm. Lúc đó có bà mô dám đụng tay, chùi rửa cho nó không? Có ai dám bỏ tiền ra để thuốc thang cho nó chưa? Các bà chỉ mới tốn công thôi, chứ chưa tốn của”
“Tui ấy à…! Bà Thoan lại bắt đầu nhắc đi nhắc lại cái vụ bà bán cả mạ lợn nái để mua thuốc cho thằng bé. Cả chợ này ai cũng biết chuyện đó. Cho nên, xét về công lao và tiền bạc để chăm nuôi nó, bà Thoan tốn kém nhiều hơn cả. Chính vì thế sau này bà mới tự cho mình cái quyền sai bảo thằng bé nhiều hơn những người khác.
“Hạn nặng. Phải nhón tay làm phúc. Phải tốn nhiều công nhiều của, may ra “ – Có ai biết rằng đầu năm bà đi xem bói. Thầy gieo quẻ bảo năm nay bà có cho đi thì mới được yên.
Người ta bảo có tật có tài. Thằng bé rất sáng dạ. Lão Trung bày cho nó biết mặt chữ, mặt số. Nó mày mò viết lên đất. Chẳng bao lâu, nó biết đọc ê a cuốn sách lớp một ông Trung mua cho nó. Người vui nhất là bà Thoan. Bà nói như reo. Lại cười khầng khậc như phát rồ.
– Các bà ơi! Thằng bé biết câu rồi! Biết câu rồi!..
Các bà hàng quán nhao nhao vặc lại:
– Nó lê lết cả ngày trong chợ, hôi như cú. Biết chi sông hồ mà câu với kiếc.
–  Với lại, sông hồ chừ cá mú mô nữa…!
Bà Thoan không lấy làm điều. Nói tiếp:
– Các bà có bán mà không có buôn. Biết chữ, tức là nó đã biết câu. Ta nên sắm cho nó cái cần. Để nó tự nuôi sống nó!..
Các bà hàng quán ngớ ra một lúc. Rồi lắc đầu quầy quậy. Lại nhao nhao:
– Cử nhân, thạc sĩ nhan nhãn. Kiếm không nổi việc làm. Thắng bé chỉ mới viết được dăm ba chữ như gà bới, mà nói kiếm được việc làm? Có mà nằm mơ!
– Thì bà nói toẹt ra coi nào? Chữ nghĩa vòng vo mãi!..
Bà Thoan không tự ái, chậm rãi nói:
– Nó biết chữ, biết mặt số, tức là nó đọc được mặt cân. Nếu có cái cân điện tử. Nó chỉ ngồi nhặt bạc lẻ, cũng đủ sống đó. Các bà thấy răng? Mọi người vỡ lẽ, à lên một tiếng. Đã thương thì thương cho trót. Một cuộc quyên góp xảy ra. Một chiếc cân điện tử đem về đặt ngay ở chân cầu thang. Ngày ngày bao người đi qua, ghé lại, nói cụt lủn: Ê cân! Và thằng Cân có tên từ đó. Suốt ngày nó ngồi bên cái cân. Đôi mắt ngây thơ u tối, phảng phất một nỗi buồn. Giá nó tật nguyền mọi mặt, cho yên. Đằng này, tâm hồn nó nhạy cảm và trí tuệ sáng láng, mới khổ. Nó tiếp xúc người đời, không phải bằng khuôn mặt, mà bằng đôi chân họ. Nó ít khi nhìn lên. Vì nhìn lên phải ngửa mặt. Nó chỉ toàn nhìn xuống- Nơi những bàn chân đặt lên mặt cân đủ muôn hình vạn trạng. Đen. Trắng. To. Nhỏ. Xấu. Đẹp. Có bàn chân quanh năm lội bùn, nước phèn ám vàng. Có bàn chân như cái rễ cây khẳng khiu. Có bàn chân trắng trẻo, sang trọng. Lại có bàn chân múp máp, như nặn bằng sáp… Những bàn chân giẫm lên mặt cân, vô tình như giẫm lên mặt nó. Và với vẻ kẻ cả, thả vào cái xô nhựa sứt mẻ bà Thoan cho nó, đặt bên cạnh, mấy đồng bạc lẻ…
Nơi ngủ của nó, là gầm cầu thang trong ngôi đình chợ. Chiếc chăn chiên cũ rách của bà Thoan cho, trùm kín cái cơ thể còm nhom của nó. Đêm dài khủng khiếp. Chỉ nghe lũ muỗi vo ve và lũ chuột đuổi nhau chí chóe. Nó thấm thía nỗi cô đơn, nỗi bất hạnh. Nó muốn biết mẹ nó là ai? Sao để nó trong cảnh khốn cùng thế này?
Và mẹ nó xuất hiện, ngay sau tiếng nó gọi. Nó thảng thốt lớ mớ: Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ đừng đi…hức…hức
Hai tay nó ghì chặt lấy tấm chăn nhàu nhĩ, rấm rứt.
– Này! Tỉnh dậy đi! Đừng có ồn ào nữa!
Một cái bép bên má, khiến Cân sực tỉnh. Trời sáng rõ từ lúc nào. Chợ đã bắt đầu đông người. Nó đưa tay giụi mắt. Và bắt gặp gương mặt đẹp của người phụ nữ, đang cúi sát cạnh nó. Cô ta nhoẽn miệng cười.
–  Mơ thấy chi, mà kêu ầm ĩ rứa, cháu ? Tội nghiệp!
Cân vẫn ngồi co ro trong chiếc chăn chiên. Mắt không rời người đàn bà trẻ. Cô ta vận bộ váy công chức màu cam đài các và sang trọng. Gương mặt thanh thoát. Hàm răng trắng tăm tắp. Và mùi hương êm dịu, như mùi hương mẹ nó trong mơ. Cân chợt òa khóc. Rồi bất ngờ vươn tay, ghì chặt lấy người đàn bà trẻ.
– Mẹ, mẹ ơi, có phải mẹ của con đây không? Mẹ về đưa con đi cùng, hả mẹ?
– Điên à? Ai là mẹ cái của nợ ni chớ?
Người đàn bà trẻ nhíu mày, nói rất khẽ. Chỉ đủ thằng Cân nghe thấy. Đoạn, gỡ tay, đẩy nó ra. Cố lấy giọng ngọt ngào trước mặt đông người.
– Chưa tỉnh hả cháu? Hay đói bụng? Cô ta lôi trong làn đi chợ, giúi vào tay Cân gói bánh quy – Ăn đi rồi làm việc. Ngoan hỉ?
Thằng Cân cụt hứng. Nó ý thức được thân phận. Và cũng ý thức ngay công việc của mình. Lẵng lặng bò chồm chồm về phía chiếc cân. Người đàn bà trẻ đi theo nó. Đôi chân thon đặt những bước khoan thai. Không vội vàng. Cũng không trễ nải. Thằng Cân vội nâng vạt áo mình, lau nhanh mặt cân. Lần đầu tiên nó gặp một quý bà. Dù cử chỉ đối với nó có lúc thô lỗ, nhưng không hiểu sao, nó vẫn thấy thích, thấy mến. Nó thích thú nhìn vào đôi chân trắng trẻo, thon và đầy đặn của người đàn bà trẻ. Những móng chân chuốt tròn, sơn nhủ hồng rất đẹp. Con số hiện trên mặt cân, rất phù hợp với dáng người. Người đàn bà trẻ mỉm cười duyên dáng. Như thể ban phát nụ cười đài các cho những bà hàng quán đang lom lom nhìn mình và khẽ thả một tờ bạc xuống cái xô sứt của thằng Cân. Đoạn, xách làn nhẹ nhàng quay gót. Những bước đi uyển chuyển mềm mại và cao sang của bậc quyền quý.
Thằng Cân há miệng nhìn theo không chớp mắt. Như bị thôi miên cho đến khi người đàn bà trẻ ngồi lên chiếc xe tay ga màu mận chín, nổ máy đi khuất. Nó mới quay lại, cúi xuống cầm lên tờ bạc một trăm ngàn đồng mới cứng. Nó hoa cả mắt.
Chưa bao giờ nó được cầm tờ bạc như thế. Những bà hàng quán cũng như sực tỉnh một giấc mơ.
– Cô Ánh Tuyết đấy! Bà Ánh Tuyết đấy! Bà Thoan thì thầm, vẻ hiểu biết. Các bà khác nhao nhao:
– Ánh Tuyết mô? Ánh Tuyết ca sĩ hả?
– Hay Ánh Tuyết người mẫu?
– Nỏ phải! Ánh Tuyết ni, vợ mới của sếp Hồng, giám đốc công ty xây dựng Ánh Hồng đó- Bà Thoan tiết lộ.
– Răng bà biết?
– Thì biệt thự của họ, ở gần dãy nhà tui đó?
– Rứa bấy lâu mợ đi chợ mô, mà chừ đến chợ ni, hè?
– Chợ mô mợ cũng đi. Gặp trẻ con ăn xin ăn mày, mợ đều cho tiền tất! Mà cho rất hậu. Bà Thoan nói thêm – Vợ sếp, tiền nhiều như quân Nguyên!
Có điều, tiền nhiều mà không sinh đẻ được. Lo sốt vó. Xem bói hết thầy này bà nọ, đều phán hãy tích đức, làm việc thiện. May ra…
– Nói phải! Người giàu, thường nhiều tội lỗi!
– Cũng nỏ phải! Ối người nghèo cũng đầy tội lỗi đó răng?
***
Người đàn bà trẻ ấy bước lên một khu chòi cao. Nơi người ta dọn cà phê cho những khách VIP. Từ đây, tất cả thu vào tầm mắt. Dòng sông như dải lụa uốn quanh, còn chiếc cầu thì như lưỡi trăng nối liền hai bờ. Phố xá xếp dày, lối ngang lối dọc nhưng nàng không mấy thích thú. Nàng chẳng muốn trở lại thành phố này tẹo nào. Dù bao thay đổi, sầm uất sau gần mười năm mà ký ức xưa vẫn cứ trồi lên sưng tấy. Nhất là sớm nay. Cái khu chợ tồi tàn xưa đã không còn, thay vào đó là đình chợ ba tầng đồ sộ. Cái nhà xí công cộng, nổi trên mặt đất, đầy ruồi nhặng hôi hám, cũng đã biến mất. Biến mất luôn đứa con trai không mong mà có của nàng. Nó là kết quả của cuộc sống buông tuồng, ham hưởng thụ. Không bằng cấp, không chuyên môn, nhưng nàng có dư dật sắc đẹp và sự phóng túng. Cái công việc đi dọn vệ sinh các nhà cầu công cộng, chẳng tương xứng với sắc đẹp của nàng tí nào. Sau mỗi ngày che kín bởi quần áo bảo hộ, tối nàng thành nàng tiên chui ra từ quả thị thơm phức dưới ánh đèn mờ. Ở các sàn nhảy, hay các quán karaoke. Người ta chuyền tay nhau quả thị là nàng đến tay một lão giám đốc giàu có, thì ông ta giữ chặt. Cả hai đều rất hài lòng.
Lão được người đẹp làm của riêng. Nàng được tiền và lời hứa chuyển công tác bàn giấy. Ăn trắng mặc trơn nhưng mọi cái đã không chiều lòng nàng, khi một giọt máu hoài thai. Lão giám đốc bảo giải quyết đi. Nàng muốn dùng nó làm áp lực cho một thỏa thuận.
Nàng thắt chặt bụng mình bằng một cái đai. Người ngoài khó phát hiện. Cuộc giằng co bất thành. Già néo đứt dây. Lão giám đốc biệt vô tăm tích. Chỉ còn nàng với cái thai đến kỳ sinh nở. Óc nàng chợt lóe lên cái nhà cầu công cộng của cái chợ Ga tồi tàn. Nơi mỗi tháng đôi lần, nàng đến dọn phân. Nó khuất lấp dưới gốc cây xà cừ cổ thụ tàng lá rậm rạp tạo thành một vầng tối nhờ nhợ.
Đêm ấy trời nổi giận. Giông gió bời bời. Sấm chớp ma quái. Hay trời đồng lõa với nàng? Không một bóng người. Chỉ mình nàng, gói cái bụng trong một tấm ni lông trùm kín người. Nàng chọn cái ngăn cầu cuối cùng. Cơn đau đẻ chóng vánh.
Không biết trai hay gái. Nó rớt tõm xuống hầm sâu. Nàng trở về nhẹ nhõm. Nằm một đêm và một ngày. Sức trẻ giúp nàng trở lại thì con gái rất nhanh. Giờ thì nàng đã có kinh nghiệm. Không bao giờ thiếu thuốc tránh thai trong người…
Khi bước vào tuổi hai lăm, nàng chợt thay đổi tâm tính. Quyết định rời thành phố về thị trấn nhỏ quê hương. Khóa buồng xuân lại. Làm gái ngoan nhà lành xin bưng bê ở một quán cà phê nhỏ. Giấu biệt mọi chuyện. Nhưng sắc đẹp, thì không sao giấu được. Lại có nhiều đàn ông lui tới. Nhiều trai trẻ,nhiều trung niên nhưng cái lão giám đốc thành chồng bây giờ của nàng, chết mê chết mệt. Và cái điều kiện trở thành chính thất của nàng nhanh chóng đáp ứng. Lão bỏ được người đàn bà đã sinh cho lão hai đứa con gái, để rước nàng về dinh. Không ngờ, dinh của lão, lại ở chính cái thành phố trước đây nàng trốn chạy.
Cả hai cũng rất mãn nguyện. Lão cưới được vợ mới trẻ đẹp, hy vọng có con trai nối dõi. Và đổi tên công ty, bằng cách ghép tên nàng với tên lão. “Ánh Hồng.” Nàng một bước lên bà chủ. Tay hòm chìa khóa. Tiền bạc không cần đếm. Khốn nỗi, lấy nhau đã mấy năm, nàng vẫn không động tĩnh gì. Người đàn ông đã có phần lo lắng. Nàng lại càng lo lắng hơn. Không có thuốc gì nàng không uống. Không có thầy bà nào nàng không đi bói xem. Không có việc từ thiện nào nàng không ra tay. Nhưng cái sinh linh bé nhỏ cần cho hai người, thì vẫn bặt tăm hơi. Nàng vào mạng tìm hiểu, và biết được, cái thứ thuốc tránh thai chết tiệt ấy, là con dao hai lưỡi, di hại vô sinh. Hoặc có sinh cũng khó thành người hoàn hảo. Nàng run sợ giấu biệt thông tin này…
***
Cả chợ rộn lên trước thông tin thằng Cân tìm được mẹ. Ai cũng mừng cho nó nhưng bà Thoan mau miệng giải thích:
– Mẹ nuôi thôi. Không phải mẹ đẻ. Rồi bà chép miệng – Xã hội này, rứa mà còn có người tốt. Hóa ra, nhà mẹ nuôi của nó, cách nhà tui cũng vài trăm mét thôi.
Bà Thoan kể. Chiều nào bọn trẻ vô gia cư cũng tụ tập dưới chân cầu vượt. Chúng không biết buồn là gì, bất hạnh là gì. Có đứa khoe hôm nay trúng số, rồi hào phóng cho thằng Cân đồ ăn ngon. Đứa khác lại khoe hôm nay đánh được mười lăm đôi giày… Riêng Cân, tất cả tiền đã đưa cho bà Thoan, bảo để trừ khoản tiền thuốc trước đây. Bà nói sẽ cất cho nó. Còn chút tiền nào, nó mua kẹo mua bánh đổi lấy chữ viết từ mấy đứa học được nhiều hơn nó. Thằng Cân muốn đọc thông viết thạo, để viết thư tìm mẹ, nó không bao giờ tắt hy vọng sẽ được gặp lại mẹ nó.
Và rồi, thằng Cân có mẹ nuôi trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi lũ bạn nó reo hò đuổi theo mấy bịch trái cây rơi xuống từ một chiếc xe lam. Cân cũng cật lực chống hai tay lê lết đuổi theo. Bất ngờ nó dừng lại. Trên mặt đường gồ ghề đá dăm, mấy quả lê từ túi một bà già rơi xuống lăn lóc. Quả lê lăn đến chỗ thằng Cân. Nó rất thèm. Nhưng lại nhặt hết cẩn thận rồi lết người về phía bà cụ. Cái đít quần xơ tướp bùn đất, rách lỗ chỗ.
Người phụ nữ trẻ ngồi trên ô tô đi qua, vô tình chứng kiến. Không cầm được nước mắt. Đưa nó về, bảo chồng làm thủ tục nhận con nuôi. Cân ngoan ngoãn và thông minh. Gia đình muốn hướng cho nó học ngành sửa chữa điện tử hoặc học ngành máy tính. Nó đi lại bằng xe lăn rất nhanh.
Hằng ngày, cứ khoảng 5 giờ chiều, mẹ nuôi lại dẫn Cân và đứa con gái ba tuổi đi dạo công viên. Nơi có những hàng cây xanh và hồ nước tuyệt đẹp. Một hôm, người mẹ thấy hai con có vẻ khát, muốn mua lon nước cho chúng. Bà bảo Cân trông em, rồi tất tả vào quày hàng cách đó vài chục bước chân. Nhưng khi quay lại, Cân đã không còn đấy nữa.
– Ôi, con gái, sao thế này? Anh Cân đâu? Người mẹ thảng thốt.
– Ma… mà… ma… mà… hức hức… con bé toàn thân ướt sũng, run rẩy chỉ tay xuống hồ.
Người mẹ thả lon nước xuống đất. Lao tới bờ hồ. Dưới nước, chỉ còn đôi bọt bong bóng nổi lên. Cái xe lăn chổng ngược. Nổi lờ đờ. Bốn bánh như còn quay. Bà rú lên kinh hoàng. Ngã khụyu xuống. Trời trên đầu và đất dưới chân bà xoay tít…
Không ai hay biết gì cả. Chỉ có đứa bé ba tuổi nói chưa rõ câu. Và thằng Cân. Lúc đó, em gái của nó la lên. A… a… Bóng… Bóng… Bóng của em!.. Thằng Cân giật mình. Nó hốt hoảng khi nhìn thấy em gái nó lao theo trái bóng. Đến bờ hồ, em nó cúi rạp người, đưa tay cố vớt quả bóng. Nhưng quả bóng cứ chờn vờn trêu ngươi.
Mỗi lần chạm được, là một lần trượt ra chút ít. Em nó càng rướn mình. Cân mặt xám ngoét. Nó hét lên. Đừng!.. Ngã đấy! Nhưng đã muộn. Em gái nó chơi vơi nửa giây, rồi đổ ùm xuống nước. Em ơi!.. Cân hét  lên thất thanh. Bánh xe lăn quay tít. Nó lao thẳng xuống hồ. Nhoài người về em gái. Đứa bé được đẩy bật lên bờ. Còn nó thì không thể…!
Cả khu phố xúm quanh xác thằng Cân. Vòng trong vòng ngoài. Khóc sụt sịt. Thương xót số phận một đứa trẻ không may mắn. Ánh Tuyết đến sau. Nàng kiểng chân nhìn vào. Xác thằng Cân được quàn trong chiếc quan tài nhỏ sơn son thếp vàng đặt giữa sân nhà mẹ nuôi. Bà Thoan khóc nức nở, kể về lai lịch thằng Cân. Rằng vào cái đêm giông gió bão bùng lão Trung đã nhặt được thằng Cân trong cái hố cầu bẩn thỉu ở khu chợ Ga tồi tàn. Cách đây 8 năm…
Không ai hay biết, từ phía sau, Ánh Tuyết gập xuống như một cây chuối bị đốn ngang gốc.
Ai đó đã đỡ nàng dậy và bảo người yếu không nên ởgần xác chết. Người ta dìu nàng về nhà. Nhưng đêm đó, nàng đã lẹ làng trèo qua tường rào chợ Ga tìm lấy chiếc cân của thằng bé. Nàng ôm nó vào lòng như ôm một đứa con bất hạnh. Nàng lặng lẽ đi trong đêm tối và không biết sẽ đem nó đi đâu…!.
8/8/2021
Trác Diễm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...