Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Cảm nhận tập truyện ngắn "Chỉ có tình yêu" của Nguyễn Trọng Hoạt

Cảm nhận tập truyện ngắn "Chỉ có
tình yêu" của Nguyễn Trọng Hoạt

Nhận được 2 tập truyện ngắn “Vẫn còn nước mắt” xuất bản năm 2016 với 30 truyện ngắn do nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành. Và tác phẩm mới nhất, tác giả vừa cho ra mắt độc giả: “Chỉ có tình yêu” với 30 truyện ngắn, do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành trong tháng 06.2020. Cầm hai tập truyện ngắn trong tay, tôi vô cùng trận trọng, vì biết đây là sách quý.
Tập truyện “Chỉ có tình yêu” của nhà văn Nguyễn Trọng Hoạt 
Lần giở từng trang “cảo thơm” – đọc lời giới thiệu tập truyện “Vẫn còn nước mắt” của tác giả Trần Tuấn Mẫn viết lời bạt, đã cảm nhận được nội dung chính của cuốn truyện, xin trích lại: “Tập sách là một phản ánh của tình người, sự hiền hòa, lòng bao dung cao thượng, có khi là một tiếng thở dài, một nụ cười hay những giọt nước mắt nhưng tất cả đều mang ý nghĩa lạc quan, trung hậu. Bối cảnh của truyện có thể là một góc công cộng, một khoảnh khắc ở cơ quan hay những mối quan hệ trong gia đình… với những nhân vật được cha mẹ, anh em, vợ chồng, đồng nghiệp… rất đỗi gần gũi như ở đâu đây… Người viết khéo gửi đến độc giả những trăn trở tâm tư thông qua những câu chuyện bình dị, đời thường; với lối viết súc tích nhưng không kém phần thăng hoa”.
Tôi đọc một mạch truyện ngắn: “Chỉ có tình yêu”, đọc đến đâu lôi cuốn đến đấy, không ngủ trưa và kéo sang cả buổi chiều, khi đọc xong nhưng cảm xúc trong tôi còn mãi dâng trào! Xin mạo muội viết đôi dòng cảm nhận về tập truyện ngắn này, với tư cách là đứa em “ham đọc”, là người cùng đơn vị của tác giả, hay nói đúng hơn, tác giả đã một thời là cán bộ Tuyên huấn – Chủ nhiệm chính trị của đơn vị.
Tôi biết nhà văn Nguyễn Trọng Hoạt từ những truyện ngắn được đăng tải thường xuyên trên các số báo Quảng Nam cuối tuần từ những năm 1996,  khi tôi mới ra trường về đơn vị nhận công tác, thì anh là Thủ trưởng chính trị, là Nhà văn có tên tuổi trong văn đàn văn chương Việt, với những truyện ngắn được nhiều độc giả biết đến. Mặc dù đây chỉ là “tay trái” của anh.
Đọc 30 truyện ngắm súc tích, với cách diễn đạt nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng, có sức hút và lôi cuốn người đọc từ truyện đầu đến truyện cuối. Tôi thầm nghĩ, không rời mắt được khi “lỡ” cầm tập truyện của anh trên tay! Đọc và chiêm nghiệm thấy từng truyện hiện ra đúng như sự việc thật của cuộc sống xung quanh ta, chỉ khác qua ngòi bút của anh nó sống động, như hiện ra viễn cảnh trước mắt người đọc, làm cho con người phải suy xét lại cách sống, tình yêu và những trăn trở bởi mình đã sống đúng nghĩa với lương tâm chưa? Hay cũng đang muốn đánh bóng, và thậm chí vô cảm trước những ân nhân, người từng có ân nghĩa, dìu dắt, khuyên dạy ta nên người, biết yêu thương, cảm thông và chia sẻ bằng trái tim và lòng nhân ái.
Với tôi, truyện ngắn của tác giả đã chạm đến mọi trái tim con người, dù người đó có vô cảm đến mấy, thủ đoạn bao nhiêu, khi được đọc tập truyện ngắn này, phải nghĩ suy, nó như một lời nhắc nhở đạo – đời phải xuất phát từ trái tim nhân hậu và tình yêu thương thật sự, mới làm thay đổi được lối sống “vô tâm”, phô trương hình thức, hay khía cạnh khác truyện đề cập, chỉ biết đến quyền lực và danh vọng, gia trưởng, mà đánh mất đi tình yêu đẹp trong mỗi con người!…
Mỗi truyện ngắn của tác giả từ những vị tướng, tá về hưu, đến những người thân, bạn bè, những con người gần gũi xung quanh đời thường tác giả đã sống và gắn bó, có những tính cách riêng, có mỗi “bi”, “hài” khác nhau, bởi do cách sống và cách nhìn nhận ở cái tôi quá lớn, nên khi ngộ ra được vấn đề, thì họ đều hối hận. Và có tính hướng thiện, sửa lại mình sống cho đúng với lương tâm, tiếng nói từ sâu thẳm con tim. Đó là sự thành công của tác giả.
Cũng chính, truyện ngắn của anh luôn kết thúc có hậu, hoặc kết thúc câu truyện có hướng mở, để thức tỉnh lương tâm, suy xét lại việc mình đã làm với đồng đội như: Cấp trên, cấp dưới, hay ông bà đối với con cháu thông qua những câu truyện cô đọng, xúc tích và nhân văn như: – “Còn lại yêu thương”; hay cha mẹ đối với con cái – “Vào đời”; Với tình yêu lứa đôi phải chân thành, tin cậy, thủy chung – “Với tình yêu”; Hoặc với bạn bè mình đã cư xử đúng chưa? Đã sống bằng tình thương yêu hay sự đánh bóng, sống vì tiền: – “Cha và con”, “Người bảo vệ”, “Đằng sau bài giảng”; Căn bệnh làm “sếp” hoang tưởng khi yêu thơ, khi không có tố chất, hiểu biết về thơ – “Tác phẩm để đời”, với cách viết lạ, hay thâm thúy vừa hài, vừa bi; Sau khi đã nghỉ hưu mà cứ nghĩ  còn đương chức, nên sống trong ảo vọng – “Nhìn từ trên cao”…; Thay đổi lối sống và tính cách hách dịch khi giàu có lên – “Người quen kẻ lạ”; Viết về mẹ chồng đối với nàng dâu – “Vết chàm”…
Trong đó, tác giả không quên dành riêng “đất” để đề cập truyện “Mẹ và con trai”, rất cảm động khi đọc lên, hai khóe mắt tôi lại rưng rưng, truyện viết về người vợ nhân từ, vừa đẹp người, đẹp tính, đảm đang chung thủy “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tuy xuất phát của chị từ một người nuôi quân, nhưng chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao, “cơm ngon, canh ngọt” cho đồng đội, nuôi dạy con cái nên người, được đồng đội, anh em, bạn bè yêu mến! Đó cũng là niềm hạnh phúc không có gì sánh được, nhất là những năm tháng tác giả phải công tác xa nhà.
30 truyện ngắm chọn lọc trong 150 truyện ngắn anh đã viết trong gần 40 năm. Đăng tải trên 30 đầu báo của các tỉnh, thành trong cả nước, cho thấy sức sáng tạo, làm việc trí não chăm chỉ, cần mẫn của tác giả; để đến với mọi người yêu văn học, yêu cuộc sống, sự cảm nhận được sâu sắc, niềm tin và quan trọng nó như tấm gương phản chiếu, để ta soi lại, nhìn nhận lại mình. Đúng như tiêu đề của Tập truyện ngắn “Chỉ có tình yêu”, là sự chân thật, rung động của trái tim đến với trái tim con người, khi ta “cho đi” tức là ta “sẽ nhận lại”, giúp ta hình thành nên bản chất nhân sinh, sống đúng nghĩa tình, chân thành, nhân ái, hướng đến chân, thiện, mỹ… như hoài mong của tác giả gửi gắm!…
Tam Kỳ, chiều hạ 15/6/2020
Võ Văn Thọ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...