Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

"Dòng sông cuộn chảy" hay là nghệ thuật đổi mới cách viết?

"Dòng sông cuộn chảy" hay là
nghệ thuật đổi mới cách viết?

Theo thói quen hồi còn làm Tổng biên tập nhà xuất bản, khi cầm bản thảo của tác giả truyện ngắn hay tiểu thuyết tôi thường đặt câu hỏi, tác phẩm này có gì mới không? Mới ở nội dung, ở cách thể hiện, ở thi pháp? Một nhận định rất quen, không mới mà vẫn đúng “ Tôi đọc anh không phải vì anh viết cái gì mà viết nó như thế nào”. Viết như thế nào là đòi hỏi ở cách thể hiện, ở nghệ thuật của tác phẩm.
Giờ đây cầm trên tay bản thảo tập truyện ngắn Dòng sông cuộn chảy của Trần Thế Tuyển, tôi lại đặt câu hỏi trên, và mong rằng mình đừng  gặp sự thất vọng.  Nhẩn nha đọc, và không biết từ lúc nào, truyện của anh đã cuốn hút tôi. Phải chăng đó là tác giả luôn đổi mới cách thể hiện, hay là sự đổi mới cách viết?
Dòng sông cuộn chảy có 19 truyện, thống nhất thủ pháp hiện thực nghiêm ngặt. Nó như bản tổng kết quá trình trải nghiệm qua mấy chục năm trong quân ngũ, qua những bối cảnh, không gian, những nhân vật trong tập truyện của tác giả. Hầu hết các nhân vật chính trong tập truyện là anh bộ đội Cụ Hồ. Họ hiện lên với phẩm chất cao đẹp, lồng trong khí thể cách mạng, về lòng yêu nước cao cả. Hầu như truyện nào anh cũng hướng người đọc đến vấn đề đó. Cách viết ấy, trong lúc này không phải ai cũng đồng tình.
Truyện “Cha con người lính”, được tác giả kể ở góc nhìn của đứa bé, gia đình bị bom đìa, nó bơ vơ lưu lạc, may nhờ gặp được chú đại đội trưởng Trung, nó năn nỉ chú cho được theo đoàn quân đang tiến về giải phóng Tân An. Qua con mắt ngây thơ của trẻ con, hình ảnh anh bộ đội hiện ra ấm áp, thân thương. Chú Trung nhận nó là con. Bỗng nhiên nó có cha- những người đang chiến đấu hy sinh vì quê hương nó. Hình ảnh ba nuôi đứa bé hy sinh ngay trước ngày quê hương nó được giải phóng gây cho người đọc xúc động mãnh liệt: Đứa bé khóc nức nở vì nó lại mất ba một lần nữa, song hình ảnh anh Giải Phóng nhân hậu, cao cả sống mãi trong lòng nhân dân.
Truyện “Hằng” được kể ở ngôi thứ nhất. Đơn vị đóng quân trong nhà dân. Gia đình chị Năm có 4 người con, cha của các cháu đang đi học tập cải tạo, ông từng là sĩ quan của quân đội Sài Gòn. Đứa con gái lớn là Hằng mới 16 tuổi, xinh đẹp, hát hay, thường hằng đêm đi học văn nghệ ở địa phương. Rồi Hằng tính bỏ học để ở nhà phụ giúp mẹ, vì theo lời đồn, với lý lịch của cha, em có học cao thì cũng không thể xin được việc làm. Anh bộ đội thấy thương chị Năm, thương cháu Hằng, cố động viên bé Hằng đi học, đừng tin vào lời đồn nhảm. Anh bộ đội lo cho gia đình chị Năm thật tình. Rồi đơn vị của anh phải dời địa bàn đóng quân. Mấy năm sau anh mới có dịp thăm lại nhà chị Năm. Mọi người đón anh vui vẻ, nhưng anh không thấy Hằng. Anh những tưởng Hằng đã đi lấy chồng, hay là dại dột sa vào chốn bùn nhơ? Thật bất ngờ khi anh biết Hằng đã chích máu viết đơn tình nguyện vào quân ngũ. Cái kết làm người đọc thở phào. Hóa ra những lo toan của anh bộ đội với  gia đình chi Năm đã lay động được tình cảm, nhận thức của mọi người, nhất  là Hằng. Cô đã là đồng đội với anh. Truyện dành nhiều trang viết về Hằng, nhưng lại nổi bật tính nhân văn của anh bộ đội. Đó là nghệ thuật vẽ mây nẩy trăng.
“Người về từ phía bên kia” được tác giả kể ở ngôi thứ ba, một truyện khá táo bạo của Trần Thế Tuyển. Truyện kể về ông Thái, “gà trống nuôi con”, đứa con thứ hai của ông tên Thạch, du học, đưa về một cô gái từ bên nước Mỹ. Qua hỏi chuyện ông biết Tuyết Hoa là con gái người tình địch. Số là hồi ấy ông yêu Bạch Vân, hai người tưởng nên vợ nên chồng, nhưng không may, tên Chánh cũng mê Bạch Vân. Sau này hắn học sỹ quan Đà Lạt, trở thành ác ôn, khủng bố cả gia đình ông. (Lúc đó ông đã tham gia cách mạng.) Rồi hắn o ép cưới được Bạch Vân. Sau giải phóng hắn đưa vợ con sang Mỹ. Bây giờ trái đất tròn, con gái của kẻ địch lại là con dâu của gia đình ông! Ông có thế chấp nhận hay không?
Tựa đề truyện “Người về từ phía bên kia” có thể hiểu đó là bên kia Thái Bình Dương, cũng có thể là bên kia chiến tuyến. Điều đó làm ông trăn trở không sao ngủ được, hình ảnh Tuyết Hoa giống y như mẹ nó ngày nào càng cứa vào tim gan ông bao nỗi đau. Nhưng rồi cuối truyện tác giả đã mạnh bạo viết: Còn ít ngày nữa là đến cái Tết lần thứ 45, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông như thấy mình bừng tỉnh. Thế giới đã đổi khác. Đến những cựu thù cũng đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Tại sao mình cứ băn khoăn day dứt mãi về điều ấy… Truyện có tư tưởng hòa giải, hòa hợp dân tộc, rất đúng với chủ trương của nhà nước hiện nay. Nhưng hòa giải trong lòng mỗi con người mà nỗi đau còn đó không dễ dàng gì. Ông Thái đã chiến thắng được chính mình, để nghĩ đến hạnh phúc, tương lai của con cháu, càng nêu bật tính nhân văn của anh bộ đội Cụ Hồ.
“Đoạn cuối chiến tranh” là truyện duy nhất viết về cái tiêu cực, cái xấu của anh bộ đội tên Mão, được viết từ ngôi thứ nhất. Thủ pháp này làm cho người đọc tin hơn vào người kể chuyện. Tác giả tham gia vào câu chuyện như là một nhân vật. Lúc canh giới trên ngọn cây cao Mão nhìn thấy một cô gái khá xinh đẹp giữa cánh rừng hoang. Tim Mão đập thình thịch. Vào chiến trường gần 5 năm nay, đơn vị chiến đấu liên miên, ít khi anh gặp dân, đặc biệt là đàn bà con gái. Mão không thể kiềm chế được sự trỗi dậy, đòi hỏi của người đàn ông trong anh. Đang lúc mơ màng thèm khát thì Mão thấy cô gái lần lượt lột hết y phục trên người. Mắt Mão nhòa đi. Hai mươi mấy tuổi đầu chưa bao giờ anh được tận mắt chứng kiến hình ảnh này. Cô gái trẻ như một nàng tiên giáng trần. Thân thể nõn nà như bông bưởi, Mão thấy đâu đó mảng rừng bí ẩn, đôi vầng bồng đảo với đỉnh chót hồng hào như núm sen. Không kềm chế đươc, Mão tụt xuống… rồi nhảy ùm xuống hố bom ôm chặt cô gái… (Lúc cô gái đang tắm).
Gia đình cô gái đã tố cáo với đơn vị Mão và anh bị nhận diện. Quân pháp sư đoàn xuống bắt Mão, tòa án binh lưu động xuống xử tại đơn vị Mão có cha con cô gái chứng kiến. Ông Tư – cha cô gái hơi bất ngờ khi Mão bị tuyên án tử hình. Trở về nhà đáng lẽ ông Tư nhẹ lòng vì người gây án với con gái ông đã bị xử đúng người, đúng tội với hình phạt cao nhất. Trái lại ông thấy lòng nặng trĩu. Ánh mắt chân thành và giọng nói chưa thuần thục tiếng phổ thông của Mão (Mão là người dân tộc thiểu số) như ngọn lửa thiêu cháy lòng ông. Anh ta có tội thật. Nhưng mọi điều trong chiến tranh đều có thể xảy ra.
Tự nhiên ông thầm trách con gái mình. Cũng tại mầy nữa. Ai bảo con gái hơ hớ mà phơi ra trước mặt nó. Mỡ treo mèo đói làm sao không có chuyện? Rồi hai cha con bàn với nhau làm giấy xin tha chết cho Mão. Trong lúc đơn vị chưa xét đơn của cha con cô gái thì chiến dịch tổng tiến công nổi dậy mở ra, đơn vị Mão lên đường đánh vào thị xã. Mão làm đơn tình nguyện ra mặt trận và hy sinh khi còn một ngày nữa giải phóng Sài Gòn. Đằng sau câu chuyện buồn này ta vẫn thấy hình ảnh anh bộ đội Giải Phóng được phản chiếu qua cái nhìn của nhân dân. Họ tha thứ cho Mão là vì uy tín của anh bộ đội Giải Phóng, các anh đang chiến đấu gian khổ hy sinh vì đất nước. Bởi vậy truyện của Trần Thế Tuyển không đơn điệu một chiều.
Để không sa vào việc thuật lại nội dung từng truyện trong Dòng sông cuộn chảy của Trần thế Tuyển nên tôi chỉ điểm lại 4 truyện điển hình cho bốn cách thể hiện khác nhau. Trong tập còn nhiều truyện có cách xây dựng, cách bố cục đặc sắc như truyện ngắn “Dòng sông cuộn chảy” – Một bố cục chặt chẽ, có cách kể quá khứ, hiện tại, không gian hồi tưởng cùng đồng hiện. Đây là truyện ngắn hiện đại, rất có lý khi tác giả lấy tên truyện này đặt cho cả tập. Truyện có vấn đề khá hay. Nam bị thương nặng, trước lúc sang thế giới bên kia, người lính lại “hy sinh” một lần nữa khi trăng trối lại bạn chăm lo cho vợ mình, cũng vì quá thương vợ! Cách làm đó liệu có thật đúng, khi mà hạnh phúc như tấm chăn hẹp, khó sẻ chia? Truyện có sức ám ảnh, làm ta đau, tưởng bế tắc, nhưng những người con trong gia đình ông Kết đã hóa giải sự bế tắc này sau khi ông qua đời bằng lòng nhân hậu.
Một tập truyện ngắn đứng được yêu cầu tác giả của nó có cách thể hiện mới lạ, phong phú về bút pháp, xây dựng được nhân vật có tính cách, gây ấn tượng với các xung đột, để bật lên chủ đề hay là triết lý câu chuyện. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” .
Dòng sông cuộn chảy quả là dòng nước không đứng yên mà luôn đổi mới như là ẩn dụ về cách viết, cách thể hiện, trong dòng chảy cuộc sống đang đòi hỏi ở mỗi người cầm bút hôm nay.
26/6/2020
Nguyễn Trường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...