Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Đọc "Ký tự mưa chiều" của Quang Chuyền

Đọc "Ký tự mưa chiều"
của Quang Chuyền

“Ký tự mưa chiều” là tập thơ thứ 17 của Quang Chuyền, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, do Nxb Hội nhà văn ấn hành năm 2019, gồm 81 bài, hầu hết được viết trong thời gian gần đây.
Bằng một ngôn ngữ có thể nói là khá chọn lọc, cấu trúc bài thường ngắn, cô đọng, thông qua các hình tượng và sự việc cụ thể như: Cái lưỡi, Ghế, Tím Huế, Mưa, Người nằm trong sóng, Phố nhà Phật, Ghé thăm cửa Phật, Hỏi bàn chân, Chỗ ta ngồi, Đánh mất, Chợt gặp sau mưa, Hỏi đoạn đường, Lời mẹ, Thao thức, Mùa trắng, Ngứa nghề, Thơ vịnh con chó, Trước tháp Chăm, Ghi ở nhà mới dọn đến, hoặc một thoáng hoài niệm như: Gặp trong xưa cũ, Nhớ người dưng, Thiên đường, Ấm và lạnh, Ký họa trước dòng sông… tác giả dẫn dụ người đọc vào một thế giới riêng, nhiều chiêm nghiệm của mình. “Giọt mưa chiều/tan vào đất/ta ký tự/cái còn cái mất/lòng mơ/cầm nắm giọt mưa/gieo hạt/hỏi thầm/hạt đã nảy mầm chưa? (Ký tự mưa chiều). Tôi không bình luận, mà chỉ muốn chia sẻ đôi điều gọi là cảm nhận, dĩ nhiên là mang tính chủ quan, với tác giả về tập thơ này.
Thứ nhất, “Ký tự mưa chiều” có một giọng riêng. Giữa một rừng thơ như hiện nay, có một giọng riêng đã coi như một thành công. Giọng ấy, xét về nội dung thì rất nhiều triết lý, mỗi bài là một triết lý. Từ cái lưỡi, cái ghế, màu tím Huế, cơn mưa, mùi hương, là những sự việc rất đỗi bình thường nhưng qua con mắt nhà thơ, chúng bỗng có một thân phận khác. “Mùi hương thơm thảo theo chân bước/người từ cõi thực, lạc sang mơ/phố Phật khỏi lo người trộm cướp/chỉ xót người xin trước cửa chùa…” (Phố nhà Phật); “Ngày xưa thiếu áo mặc/sưởi ấm bằng yêu thân/ngày nay thừa áo mặc/sao rét lùa qua chăn?…” (Ấm và lạnh); “Tôi thường lục nhớ trong quên/lắng nghe Thạch Hãn ngày đêm gọi về/người nằm trong đất thành quê/người nằm trong sóng biết về nơi đâu?” (Người nằm trong sóng); “Tự dưng tôi nhớ người dưng thế!/nhớ lúc đang buồn, nhớ lúc vui/đêm nằm nghiêng ngửa. Mơ sông bể/ Trăng lặn. Trời khuya. Vắng bóng người…” (Nhớ người dưng); “Mưa ở xa: Mưa biển/mưa ở gần: Mắt người/đời thiếu đi giọt nước/biết lấy gì thắm tươi?” (Mưa). Nhớ người thì phải là nhớ người dưng. Nhớ ấy rất lạ, nó mông lung sâu lắng lắm. Nói về mưa thì có mưa xa mưa gần. Có thể có người chưa biết mưa bể. Mưa ấy dữ dội một cách khác thường. Cả một trời nước đổ xuống. Ghê gớm thế nhưng lại chẳng thấm tháp vào đâu với một giọt nước của cơn mưa gần. Có thể còn có giọt khác nữa chăng? Ôi chao, Quang Chuyền đã túm cả cuộc đời dâu bể bỏ vào một giọt nước, đã có mấy ai làm chưa!
Thứ hai, là về lối thể hiện. Như đã đề cập ở trên, tác giả chọn hình thức thơ bốn câu, hoặc gấp đôi gấp ba về số chữ, số dòng, tựu chung lại lối biểu đạt của Ký tự mưa chiều là thơ ngắn. Mỗi bài thường có hai vế, khởi đi là sự kiện, và kết lại bằng một thông điệp, cái mà tôi gọi là triết lý. Viết theo lối ấy phải là người từng trải. Không ít người được thượng đế ban phát cho sự từng trải, nhưng để chưng cất thành thơ thì chẳng dễ, không khéo có thể khê, có khi thành rượu độc. Thật may, Quang Chuyền chưng cất không tệ. Có vài chung rượu ngon, thậm chí rất ngon, vừa uống đã mê ngay. “Thao thức mùa ra trận/thao thức lần thăm em/thao thức trang thư gửi/thao thức chờ con tem/mùa lại mùa thao thức/thao thức mưa sạt đồi/ngày lại ngày thao thức/thao thức dòng sông trôi/bấy nhiêu năm thao thức/thao thức như ngọn đèn/bấy nhiêu năm thao thức/thao thức chờ trăng lên…”(Thao thức); “Đêm Sài Gòn mưa xối/nước dâng theo triều cường/sáng thấy người phơi nệm/từ lúc còn hơi sương” (Chợt gặp sau mưa). Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều thứ khiến người ta thao thức. Chớp mắt đã đi qua nửa cuộc đời. Chớp thêm lần nữa đã là cả cuộc đời. Thao thức vốn cũng là thường tình. Quang Chuyền biết thế, thấy thế, và đã chốt hạ nỗi niềm thao thức của mình bằng “thao thức chờ trăng lên” khiến cho nỗi niềm bỗng chốc trở nên mênh mang. Tương tự như vậy, trong Chợt gặp sau mưa, hai khổ thơ đầu diễn tả không gian, thời gian, mức độ cơn mưa, ở hai câu sau cũng là không gian và thời gian, là sự kiện người đem nệm ra phơi. Cái hay trong bài thơ này là ở chỗ chỉ với bốn câu, hai câu trên mở ra khung cảnh dữ dội bao nhiêu thì hai câu dưới khép lại nhẹ nhàng bấy nhiêu. Nó khiến người đọc bâng khuâng. Chẳng phải bới cơn mưa xối mà bởi việc người ta đưa nệm đi phơi từ lúc còn hơi sương.
Cái được trong” Ký tự mưa chiều” tôi không nói nữa, giờ tôi sẽ dành đôi dòng để phê, chính xác hơn là chia xẻ chút thiển ý của mình về cái mà tôi cho rằng chưa được. Tôi trích dẫn ba bài: Đánh mất, Ngứa nghề, Thơ vịnh con chó. “Ông ấy nhiều của cải/sao cô đơn tuổi già/hình như đường con cái/đánh mất người gọi cha!” (Đánh mất); “Viết câu thơ bứt phá/thách đố ai bằng mình/tự dưng yêu mình quá/thấy đời đầy thông minh/muốn đọc lên thật lớn/muốn tung hô bạn bè/đọc đi rồi đọc lại/loãng tan dần cơn mê/vợ thấy chồng ngơ ngác/bảo rằng anh ngứa nghề” (Ngứa nghề); “Sống trung thành với chủ/được ở ăn cùng người/khách tới gâu gâu sủa/nghe quát liền cụp đuôi/bảo sao chó làm vậy/chó chỉ là chó thôi.” (Thơ vịnh con chó). Mới đọc qua thì thấy cũng là triết lý vậy thôi. Nhưng ngẫm một chút thì thấy ở đây có gì gợn gợn. Triết lý về còn mất bị đẩy vượt ngưỡng cảnh giới, khiến cho cái tình rơi vào hụt hẫng. Người ta, nhất là khi tuổi xế chiều, rất nhiều cô đơn. Liệu rằng luận lý của Quang Chuyền đã phải là nhất chưa? Mặc dù tác giả đã rất cẩn trọng khi viết “hình như” để biểu đạt nhưng tôi vẫn thấy chưa ổn, bởi nó thiếu đi sự chia sẻ. Với Thơ vịnh con chó, bằng vào lời kết “chó chỉ là chó thôi”, tự nhiên tình thương mến bỗng bay đi mất. Ngứa nghề là một trạng thái khác. Tôi cho đây là một bài rất được, nhưng thừa chữ. Giá như, đổi tên bài thơ và bỏ đi đôi câu “vợ thấy chồng ngơ ngác/bảo rằng anh ngứa nghề”, thì sẽ đắc địa hơn, nhân văn sâu sắc hơn rất nhiều so với nguyên bản.
Tôi không biết lắm về tác giả, chỉ biết Quang Chuyền từng đi bộ đội, chinh chiến lên tới cấp tá. Từ một người lính lên tới cấp ấy hẳn cuộc đời cũng chẳng ít xông pha. Nhưng rồi trời bắt làm thơ và Quang Chuyền đã vâng mệnh. Có thể nói “Ký tự mưa chiều” là một tập thơ giàu triết lý. Với tôi, nó đọc rất được, khiến cho ta Ngộ ra gì đấy. Ẩn sâu bên trong tập sách, là cái tình thương mến của tác giả đối với con người. Tôi nghĩ Quang Chuyền vẫn còn dư địa. “Chợt gặp sau mưa” là một tứ thơ lạ trong tập, nhẹ bẫng như hơi sương nhưng rất gợi, có thể mở ra một lối mới cho sự sáng tạo.
Tp.HCM, 16/5/2019
Cao Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...