Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

"Phong thủy" của trường ca

"Phong thủy" của trường ca

So với “Phía sau mặt trời”, trường ca “Gió thổi từ ký ức” ít có sự phá cách trong thao tác ngôn từ, hiếm những câu thơ hay mang tính đột biến. Mạch thơ tự sự mang đến chiều sâu trong cảm thức của độc giả. Đây chính là dụng ý của Trần Thế Tuyển, bởi viết về chính mình, đồng đội mình, viết để tri ân thì không cần thiết phải đánh bóng, tô hồng con chữ. Cứ chân thành như thế, cứ yêu thương nhiều như thế, cứ nhớ về nhau mãi như thế… đã là thơ, đã là đời, đã là… Trần Thế Tuyển!
Trường ca Gió thổi từ ký ức 
Lấy ký ức để nói về ký ức thì ký ức sẽ sâu hơn, đằm hơn, gợi hơn và dễ cảm hơn…
Tôi chọn cách tiếp cận và tư duy như vậy khi đọc bản thảo trường ca “Gió thổi từ ký ức” của nhà thơ Trần Thế Tuyển!
Đầu năm 2015, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV9) làm một chương trình công phu và đầy đặn, giới thiệu trường ca “Phía sau mặt trời” của Trần Thế Tuyển. Ngoài những ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ khá nổi tiếng, chương trình mời thạc sĩ, nhà giáo Đặng Kim Thanh và tôi tham gia bình luận. Chương trình do nhà báo, nhà phê bình Hoàng Vũ Quân viết kịch bản và làm MC. Mới đó mà đã 5 năm. So với một đời người, khoảng thời gian ấy quả là ngắn ngủi. Vậy nhưng trong 5 năm qua, những người làm chương trình đã không biết bao nhiêu lần chứng kiến những đổi thay, biến cố. Cú sốc lớn nhất chính là sự ra đi đột ngột của Hoàng Vũ Quân vào tháng 9 năm 2017. Anh trở về thế giới vĩnh hằng sau một cơn bạo bệnh, để lại bao dự định dở dang, trong đó có lời hẹn, nếu Trần Thế Tuyển viết tiếp trường ca, anh sẽ làm một chương trình với format hoàn toàn mới và sẽ tiếp tục mời chúng tôi tham gia bình luận. Trong chương trình ấy, tôi có nói rằng, trường ca “Phía sau mặt trời” không phải là tác phẩm tổng kết con đường thi ca của Trần Thế Tuyển, mà là sự khởi đầu cho một thể loại mà ông sẽ dấn thân. Nói vậy là bởi, ngay cả Trần Thế Tuyển khi trà dư tửu hậu cùng bạn viết cũng hay “dọa” rằng, “Phía sau mặt trời” là tác phẩm tâm huyết nhất trong đời cầm bút của ông, và rằng sau khi chăm chút cho đứa con tinh thần này khôn lớn, ông sẽ “rửa tay gác kiếm”. Nhưng, nói theo cách của người Nam Bộ “Nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Nghe giang hồ dọa thì sợ, còn nghe nhà thơ “dọa” thì chớ vội tin, bởi có thể đó chỉ cách nói để tạo bất ngờ. Mà bất ngờ là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Sau 5 năm, Trần Thế Tuyển lại tiếp tục cho ra đời trường ca thứ hai gây bất ngờ cho đồng nghiệp và độc giả. Chỉ xét riêng về điều này đã cho thấy “Gió thổi từ ký ức” có sức hấp dẫn đối với một bộ phận đông đảo công chúng, không chỉ đối với những người đã đi qua chiến tranh.
Tôi phải dông dài như vậy bởi trong tác phẩm mới của Trần Thế Tuyển, chúng ta thấy rõ sự kế thừa, phát triển và đúc kết của mạch nguồn cảm hứng, đề tài sáng tác và cả thủ pháp thi ca từ những tập thơ, trường ca trước đây của ông. Trần Thế Tuyển viết về chiến tranh cách mạng như nhà nông kéo cày trả nợ. Dẫu đã có những mùa vàng ăm ắp đấy, nhưng cái nợ với ruộng vườn, với lúa khoai, với bốn mùa nắng mưa, gió rét… thì có bao giờ trả hết được. Một người lính cầm súng trước khi cầm bút như Trần Thế Tuyển, cái nợ từ máu xương đồng đội, dẫu ký ức có phủ bụi thời gian, dẫu “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia” thì có trả đến hết đời, có vắt kiệt ngôn ngữ trong bộ não và trái tim cũng không biết bao nhiêu cho đủ. Đó là món nợ càng trả càng nhiều, càng trả càng thấy mình nhỏ bé… Khi nói về những nhà thơ chiến sĩ, người ta thường gọi họ là nhà thơ khoác áo lính. Nhưng với Trần Thế Tuyển mà nói, ông đích thị là một người lính mặc áo thi sĩ. Viết nhiều, viết khỏe, khám phá bản thân trên nhiều loại hình, thể loại, đề tài… nhưng cho dù có vẫy vùng bay bổng ở đâu, Trần Thế Tuyển vẫn không đi khỏi vùng xoáy của đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang.
Trường ca “Gió thổi từ ký ức” là một đợt sóng lừng trong vùng xoáy ấy.
Tác phẩm gồm gần 1.000 câu thơ, được kết cấu thành 6 chương. Nhân vật chính của trường ca là một cựu chiến binh, tên Thạch.
Thạch tìm về trận địa cũ
Gió vờn bay mái tóc pha sương
Gió không thổi từ cánh đồng “Chó Ngáp”
Đồng Tháp Mười ngào ngạt hương sen
Gió thổi từ thẳm sâu ký ức
Mấy chục năm tối lửa, tắt đèn…
Khi đọc những câu thơ đầu tiên, tôi đã định gọi điện thoại cho Trần Thế Tuyển để hỏi ông xem, Thạch là ai? Nhưng khi đọc đến câu cuối cùng của bản thảo trường ca, tôi thấy không cần thiết phải làm việc đó nữa. Thạch là một cựu chiến binh của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 (Đoàn Cao Bắc Lạng), là chính tác giả hóa thân, là nhân vật tượng trưng cho những người lính đã đi qua chiến tranh, là một hình tượng văn học lấy cảm hứng từ triết lý vững như thạch (đá)… Tất cả đều đúng! Tất cả đều hợp lý!
Trường ca “Gió thổi từ ký ức” có cốt truyện như một tác phẩm văn xuôi (truyện ký, truyện ngắn, tiểu thuyết). Xét về yếu tố hình thức, có thể coi đó là một câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ trường ca. Bút pháp đồng hiện, vận dụng ngôn ngữ dân gian, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thể thơ truyền thống và hiện đại… là phong cách sáng tác trường ca của Trần Thế Tuyển. Ở “Gió thổi từ ký ức”, bạn đọc gặp lại nhiều nét tương đồng về cách kể chuyện từ “Phía sau mặt trời”. Thậm chí một số câu, một số chi tiết nghệ thuật được ông nhắc lại nhằm tạo điểm nhấn cho chủ đề sáng tác.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển
Trường ca “Gió thổi từ ký ức” xoay quanh hành trình của một cựu chiến binh già về thăm lại chiến trường xưa ở Đồng Tháp Mười. Ký ức giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những năm tháng chiến đấu kiên cường, gian khổ bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, theo những cơn gió vùng đồng bằng châu thổ hiện về như những thước phim quay ngược. Không gian và thời gian của trường ca rất cụ thể nên những câu chuyện, những kỷ niệm hiện về từ ký ức cũng rất cụ thể, chi tiết. Trần Thế Tuyển đã vận dụng cách tiếp cận đề tài của báo chí và thủ pháp dựng chuyện của văn xuôi để tạo “thế” cho trường ca. Điều này dễ hiểu, vì ngoài địa hạt thơ, ông còn là nhà báo, viết văn. Mặt khác, chính cách tiếp cận đề tài và thủ pháp nghệ thuật ấy giúp cho trường ca có sức thuyết phục. Đó là những ký ức có thật. “Máu chiến binh thắm đất phù sa…”. Máu xương của đồng bào chiến sĩ đổ xuống vùng đất này trong những cuộc chiến khốc liệt là thứ không thể hư cấu, không thể nói khác được. Mỗi địa danh người cựu chiến binh già trở lại là một vùng ký ức miên man. Ở đó, con người, cảnh vật, những câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn cứ hiện lên chân chất, mộc mạc, đau đáu nỗi niềm…
Trần Thế Tuyển dẫn dắt người đọc gặp gỡ những bà má Tân An nhân hậu, những cô gái Đồng Tháp Mười căng tràn sức sống trong chiếc áo bà ba, những người nông dân hiền lành, chất phác, giàu lòng trượng nghĩa… Họ đã đồng cam, cộng khổ, sát cánh cùng quân giải phóng đập tan những cứ điểm, đồn bốt cuối cùng của địch ở vùng đồng bằng sông nước, dọn sạch chướng ngại tiến quân từ hướng Tây Nam về giải phóng Sài Gòn. Những địa danh được nhà thơ nhắc đến như đồng “Chó ngáp”, trận địa Đá Biên, kinh Bảy Chín, Gò Da… từng là nơi ghi dấu ấn sâu sắc của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Cao Bắc Lạng, đơn vị cũ của người chiến sĩ Trường Sơn Trần Thế Tuyển. Đặc biệt, địa danh được tác giả dụng công tái hiện trong nhiều đoạn của trường ca chính là Long Khốt.
… Và còn nữa, yếu khu Long Khốt
Như cái đinh nơi cửa ngõ đồng bằng
Trung đoàn đã bao lần gỡ chốt
Đồng đội áo phơi nhòe đêm trăng…
Long Khốt là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất, kiên cố nhất của địch ở vùng cửa ngõ Đồng Tháp Mười (nay thuộc huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An). Để đập tan căn cứ quân sự kiên cố này, Đoàn Cao Bắc Lạng đã kiên cường bám trụ, chiến đấu trong 3 năm trời (1972-1974). Đặc biệt là những trận chiến đấu tấn công vào cuối năm 1972. Khí thế chiến đấu, tinh thần quyết thắng như lửa ngút trời của Trung đoàn có truyền thống đánh đâu thắng đấy từ Đông Khê, Điện Biên Phủ đến Đắc Tô – Tân Cảnh, nay hành quân về đồng bằng, cứ ngỡ sẽ dễ dàng “nhổ” sạch căn cứ Long Khốt. Nhưng không ngờ tình hình lại vô cùng khó khăn. Trận địa phòng ngự của địch ở vùng sông nước khác hoàn toàn với địa hình rừng núi. Những cánh quân rất thiện chiến trên dãy Trường Sơn, nhưng ở địa hình đồng bằng sông nước thì lạ lẫm. Những trận chiến đấu diễn ra vô cùng khốc liệt. Máu nhuộm đỏ dòng phù sa. Phải đến mùa khô năm 1974, chúng ta mới xóa sổ được chi khu Long Khốt. Tiếp đó lại là những năm tháng cam go chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Gần 10.000 chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống Long Khốt, hàng ngàn gia đình đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Long Khốt đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trường ca “Gió thổi từ ký ức” là lời tri ân của tác giả và đồng đội cựu chiến binh Đoàn Cao Bắc Lạng cũng như nhân dân Đồng Tháp Mười đối với đồng chí, đồng bào đã hy sinh. Tâm niệm này lý giải, tại sao trong trường ca, Trần Thế Tuyển không xưng “tôi” mà thay thế bằng Thạch. Ai đã từng đọc thơ của Trần Thế Tuyển đều thấy, những chi tiết như Lớp 10A, cu Ớt, chuyện cởi phăng bộ quân phục, đồng hồ, tặng cho bạn chiến đấu năm xưa, chỉ còn lại trên mình cái áo may ô và quần xà lỏn, rồi ngay cả tên của người chính trị viên Tám Trần… đều là những câu chuyện, ký ức của chính tác giả chứ chả phải một ông Thạch nào cả. Nhưng thơ là thế. Trường ca là thế. Tác phẩm sau khi xuất bản thuộc quyền sở hữu và phán xét của công chúng chứ đâu còn là chuyện riêng của tác giả nữa.
Giọng chính trị viên Tám Trần nghẹn nấc:
“Đất nước lâm nguy, giặc xâm lấn biên cương
Đồng chí nào xung phong”…
Đó là tiếng gọi thôi thúc những trái tim người lính. Sau mùa xuân năm 1975, ý định trở về với quê hương, viết tiếp giấc mơ trên giảng đường đại học của lớp lớp sinh viên mang quân phục lại phải tạm gác. Họ tiếp tục lên đường, xung phong ra trận:
… Cả đơn vị hành quân
Lại trở về “cánh đồng chó ngáp”
Lại trở về Long Khốt, trở về Cầu Ván, Bến Xanh…
Đi thêm một cuộc chiến tranh
Gác ước mơ một lần nữa…
Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, việc “đi thêm một cuộc chiến tranh” trên chính chiến trường xưa như các chiến sĩ Đoàn Cao Bắc Lạng là khá hiếm. Đây chính là hiện thực được Trần Thế Tuyển đưa vào chi tiết văn chương rất cảm động.
Thạch tần ngần bên kinh Bảy Chín
Nơi dẫn vào trận địa Đá Biên
Gần ba trăm “lính tò te” ngã xuống
Vẫn hồng hào, gương mặt sinh viên…
Thạch cũng thế, anh không sợ chết
Chỉ sợ mình mãi mãi con trai…
Nỗi sợ của những người lính đi qua hai cuộc chiến, ngỡ hồn nhiên kiểu con trẻ mà đọc lên cứ buôn buốt tâm can. Không có những câu thơ như thế, lớp trẻ ngày nay mấy ai hiểu được chiến tranh là gì…
Tái hiện ký ức qua hai cuộc chiến tranh và làm nghĩa vụ quốc tế, nếu cứ tuần tự theo mạch thời gian sẽ dễ khiến độc giả có cảm giác đọc lịch sử bằng thơ. Để tránh điều này, Trần Thế Tuyển vận dụng nhuần nhuyễn bút pháp đồng hiện. Quá khứ, hiện tại cứ quấn quýt, đan xen nhau, nhiều khi dòng ký ức bị dồn nén, đẩy lên cao trào như những đợt sóng:
Mùa khô Campuchia
Như sa mạc điêu tàn
Những cây thốt nốt cuối cùng
Trơ trụi chông chênh trước mặt.
Đơn vị hành quân
Những nẻo đường dằng dặc
Kông Pong Chàm, Siêm Riệp , Bát Đom Băng …
Ở đâu cũng tóc tang
Cánh đồng chết và bầu trời cũng chết…
Đó là những câu thơ tả thực nhưng có tính khái quát rất cao về những gian khổ, hy sinh của người lính tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Đặc điểm chung trong thơ Trần Thế Tuyển về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang là tính nhân văn và tinh thần lạc quan cách mạng. Ở trường ca này cũng thế. Trần Thế Tuyển có tài kể chuyện khi ông đẩy cái “bi” đến tận cùng của mất mát, đau thương do hậu quả chiến tranh, khiến độc giả phải rơi nước mắt. Nhưng sau đó, chất nhân văn, tinh thần lạc quan cách mạng là chất liệu mang đến niềm tin yêu cuộc sống. Đó là cách để tác giả truyền tải thông điệp về thái độ, lẽ sống của con người, luôn biết tri ân, trân quý giá trị cuộc sống được đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ.
Thạch là người trọn vẹn “quang vinh”
Anh may mắn hơn bao nhiêu đồng đội
Và như thế, như một thời bom dội
Sống hết mình, vời vợi niềm tin.
So với “Phía sau mặt trời”, trường ca “Gió thổi từ ký ức” ít có sự phá cách trong thao tác ngôn từ, hiếm những câu thơ hay mang tính đột biến. Mạch thơ tự sự mang đến chiều sâu trong cảm thức của độc giả. Đây chính là dụng ý của Trần Thế Tuyển, bởi viết về chính mình, đồng đội mình, viết để tri ân thì không cần thiết phải đánh bóng, tô hồng con chữ. Cứ chân thành như thế, cứ yêu thương nhiều như thế, cứ nhớ về nhau mãi như thế… đã là thơ, đã là đời, đã là… Trần Thế Tuyển!
Gió cứ thổi từ miền ký ức
Năm mươi năm, dằng dặc chiến trường
Thạch cứ nghĩ con đường phía trước
Tiếng dòng sông dìu dặt nhớ thương…
Phong thủy hiện đại đề cao chất liệu đá và nước. Vững như đá. Mềm, mạnh như nước. Các kiến trúc sư giỏi là những người biết ứng dụng nghệ thuật sắp đặt để những chất liệu ấy mang đến cho con người cảm giác an nhiên trong chính không gian sống của mình. Sẽ là khập khiễng khi lấy chuyện kiến trúc để nói về thơ. Nhưng trong trường ca của Trần Thế Tuyển, ta thấy rõ thế vững của đá, chả phải chiết tự từ cái tên nhân vật chính mà chính là ở hàng vạn anh linh đồng đội đã hóa bia đá, sử vàng. Gió cứ thổi mãi từ ký ức và nước, ấy là những dòng sông cứ mãi dìu dặt nhớ thương.
Tiếng dòng sông dìu dặt cũng chính là tiếng lòng của tác giả, chính là thông điệp, tư tưởng của trường ca, gửi niềm tin và thương nhớ đến muôn sau…
Chưa thấy nhà phê bình nào nói trường ca cần phong thủy để tạo thế đứng và sức sống trong lòng công chúng, chứ nếu mà có thì “phong thủy” của trường ca Trần Thế Tuyển là ở đó chứ đâu nữa…
Tp.Hồ Chí Minh, 9/4/2020
Phan Tùng Sơn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Café yêu

Café yêu Giới thiệu Nếu đã quen với những trang báo Hoa Học Trò thì cái tên Minh Nhật có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Tuy còn khá trẻ nh...