Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Thế sự được nhìn qua lăng kính hài hước

Thế sự được nhìn
qua lăng kính hài hước

Đọc tập truyện trào phúng “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng”, NXB Tổng hợp TPHCM
Lê Thiếu Nhơn đã thành danh với các thể loại sáng tác như Thơ, Phê bình văn học, Tản văn… Đó là những thế mạnh có thể hỗ trợ chứ không hề trở ngại gì cho việc sáng tác văn học trào phúng. Tuy nhiên với kinh nghiệm của người đi trước, tôi muốn lưu ý Lê Thiếu Nhơn một điều: cái thể loại văn học trào phúng này viết càng hay, càng nhiều thì càng ngày càng dễ bị mất bạn và chuốc thêm nhiều loại kẻ thù. Nó khác làm thơ ở chỗ đó!
Tập truyện “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” là tập văn trào phúng thứ hai của Lê Thiếu Nhơn sau tập phiếm luận “Người Việt biết đùa” (2008) hay cũng có thể coi là quyển “Người Việt biết đùa” tập 2. Bởi vì xét cho cùng, thế giới mà lâu nay cả anh và tôi và chúng ta đang sống khi nào chẳng đầy những chuyện thật như đùa.
Có điều muốn đụng vào những chuyện thật như đùa ấy không phải là dễ. Có những con người và sự việc không thể nói thẳng nói thật, không thể điểm mặt chỉ tên mà phải tìm cách mã hóa mới nói lên được phần nào những điều mình muốn nói. Đọc tập truyện “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng”, tôi rất tâm đắc về khả năng mã hóa ấy của Lê Thiếu Nhơn. Ví dụ: Từ một vật chủ là Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Lê Thiếu Nhơn vẽ ra được chân dung của những con tương cận như Xuân Tóc Đen, Xuân Tóc Xanh, Tóc Hoa Râm… Từ Tào Tháo, Tào Thực trong truyện Tam Quốc, kéo ra được cả tập đoàn Tào Khôn và Tào Lao… Hoặc đã có Cù Nhầy thì phải có đồng bọn là Cù Lần, Cù Lét, Cù Bất, Cù Bơ… Không chỉ có tên người mà cả tên làng xóm, tỉnh, huyện… ở đâu đó cũng phải mã hóa thành những địa danh như Xóm Chém Gió, thôn Cá Tra, làng Bồng Lai… Với nội lực thâm hậu cộng với cái nhìn sắc sảo và tinh tế, Lê Thiếu Nhơn đã mã hóa được hầu hết mọi hạng người nhí nhố quanh ta hằng ngày, những khuôn mặt đen, mặt mốc… rồi bắt chúng hiển thị trong những tấn tuồng bi hài, bức tranh vân cẩu.
Bìa tập truyện “Cơn hứng đáng giá ngàn vàng”
Đành rằng không chỉ Lê Thiếu Nhơn mà hiện nay còn nhiều cây bút biếm khác đã thành công và thành danh. Nhưng ngôn ngữ trào phúng của Lê Thiếu Nhơn có độ quái, độ nóng hợp với bạn đọc trẻ hơn, mà vẫn không kém phần sâu lắng. Ví dụ: “ Tào Khôn quát: “Tào Thực thất bộ thành thi chứ gì, Tào Ngu viết cái “Lôi Vũ” chứ gì… Vớ vẩn hết. Bây giờ ta viết một kiệt tác để ngươi đối phó những kẻ thối mồm chọc vào dự án Cà Chớn. Xem có hơn cả Tào Thực và Tào Ngu cộng lại không…”. Tào Khôn đi đúng bảy bước, cất giọng đọc luôn: “Ngu gì không làm. Làm gì không ngu. Không làm gì ngu. Ngu gì không làm”. Tào Lao sướng suýt ngất!” (Hậu duệ mặt dày)
Phóng tầm mắt mà nhìn vào làng cười trong cả nước, thì thấy phần lớn những cây bút quen thuộc với bạn đọc lâu nay hiện đều đã già- nghĩa là cao tuổi, mệt mỏi và nhàm chán. Bạn đọc chán họ và mặt nào đó, họ cũng chán bạn đọc. Hy vọng Lê Thiếu Nhơn sẽ là một trong số người kế thừa trẻ trung và sung sức để giữ cho ngọn lửa của văn học trào phúng tiếp tục cháy sáng.
Lê Thiếu Nhơn đã thành danh với các thể loại sáng tác như Thơ, Phê bình văn học, Tản văn… Đó là những thế mạnh có thể hỗ trợ chứ không hề trở ngại gì cho việc sáng tác văn học trào phúng. Tuy nhiên với kinh nghiệm của người đi trước, tôi muốn lưu ý Lê Thiếu Nhơn một điều: cái thể loại văn học trào phúng này viết càng hay, càng nhiều thì càng ngày càng dễ bị mất bạn và chuốc thêm nhiều loại kẻ thù. Nó khác làm thơ ở chỗ đó!.
9/4/2019
Hoàng Phủ Ngọc Phan
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...