Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Thơ Khosiyat Rustam, một con đường, một thế giới

Thơ Khosiyat Rustam,
một con đường, một thế giới

Đọc tập thơ “Hình xăm của gió” của Khosiyat Rustam, do Vũ Việt Hùng dịch từ tiếng Anh. Nxb Hội Nhà văn, 2020
Thơ Khosiyat Rustam là khu vườn bí ẩn hay một thế giới? Đó là câu hỏi liên tục tra vấn tôi khi đọc tập thơ “Hình xăm của gió” của chị, do Vũ Việt Hùng dịch từ bản tiếng Anh.
Tập thơ “Hình xăm của gió” của nhà thơ Khosiyat Rustam
Thơ Khosiyat là một khu vườn, bởi tôi thường xuyên nghe rõ tiếng gió thổi qua những tàng cây, tiếng con chim lạ chỉ có ở U-dơ-bếch-ki-xtan hót vang trong đó. Cả những chiếc lá khô im lìm dưới ánh trăng, lăn qua tảng đá. Từng bông tuyết nhẹ rơi xuyên nứt mặt đất… Trong khu vườn ấy luôn giấu kín những tâm sự, giấc mơ, khát vọng, tình yêu của Khosiyat. Chị đã sống, hạnh phúc và cả nếm trải khổ đau, mất mát trong khu vườn.
“Hỡi Thượng đế, có điều con ao ước:
Ít nhất cho con có được sức mạnh cỏ cây”
(Đoạn thơ thứ 7)
Khosiyat đã thốt lên như vậy trong khu vườn tuyệt đẹp. Mỗi bài thơ trong “Hình xăm của gió” đã mở cho bạn đọc lối vào và cũng là những lối đi từ khu vườn riêng của chị đến với thế giới rộng lớn. Đó là thế giới thấm đẫm vẻ đẹp tinh khôi và huyền bí của tâm hồn con người vùng Trung-Á, nơi có núi đá, sa mạc cháy bỏng, sông sâu và thảo nguyên rộng lớn.
Thơ Khosiyat Rustam mang cho bạn đọc ấn tượng trực khởi, trước tiên là vẻ đẹp hào phóng của đất nước U-zơ-bê-ki-xtan, với bạt ngàn những cánh đồng bông, lúa mỳ, lúa mạch, bạt ngàn trảng cỏ xanh cho bò, cừu đêm ngày được chăn thả, sinh sản…
“Những cánh đồng và thảo nguyên có thể chạy điên cuồng,
Nhưng hòn đá ngủ trôi trong thanh thản.
Và những loài cây giữ gìn nguồn gốc vững bền
Luôn chống lại hình xăm của gió”
(Đoạn thơ thứ 8)
Thơ Khosiyat cho tôi khẳng định, nhà thơ là người có khả năng làm đồng hiện các chiều không gian và thời gian, phục hoạt quá khứ, để quá khứ tiếp tục hành trình cùng người đương thời. Tiêu biểu cho lối viết này trong tập thơ là đoạn thơ thứ 20. Nguyên văn đoạn thơ như sau:
“Những chú ngựa được dẫn đi cuối ngày
Chúng phấn khích, hí vang, vọng lên trời thẳm
Nhưng có một chú ngựa vẻ như do dự
Lê bước rã rời, ánh sáng chìm trong đôi mắt đen.
Nó chối từ thức ăn, đồ uống, và bắt đầu chùn bước
Như có quả bom vừa phát nổ đâu đây,
Như thể trong tâm trí nó thấy sự chết chóc
Của tất cả những chú ngựa chiến đã qua”.
Đoạn thơ tựa câu chuyện, kể về một con ngựa với dáng vẻ do dự như muốn tách ra khỏi đàn. Chú ngựa ấy từ chối thức ăn, đồ uống, và bắt đầu chùn bước bởi nó nghe thấy viếng vọng của quá khứ. Một quá đau thương, chết chóc và hủy diệt của những trận chiến tàn khốc trong lịch sử. Nó như nhìn thấy hình bóng đồng loại cùng con người quần thảo trong máu và nước mắt trên chính con đường nó đang đi qua.
Bên cạnh những câu thơ vạm vỡ, phóng giật, nhà thơ cũng dành nhiều đoạn thơ biểu đạt vẻ đẹp tráng lệ, tinh tế của thiên nhiên nơi quê hương chị. Hình ảnh những chiếc lá khô được đan cài trong tổ chim, một buổi sớm sương mù cuộn lên dày đặc, những bông tuyết nhẹ bay qua khung cửa sổ… Hay một lọn tóc trên mái đầu điểm bạc, những vỏ hạt hạnh nhân trống rỗng nằm lăn lóc khi mùa thu vừa đi qua… Những hình ảnh ấy đã hiện lên sống động trong thơ Khosiyat cho ta hình dung về một đất nước giàu trầm tích văn hóa và bản sắc độc đáo. “Như chiếc lá cuối cùng trên cây anh đào/ Tôi ở trong thế nguy nan – chết tiệt!/ Mục nát dần trong khoảng sân hàng xóm,/ Con giun nằm trong quả táo đang rơi” (Đoạn thơ thứ 22).
Khosiyat Rustam thường viết về những điều bình dị, gần gũi trong đời sống hàng ngày nhưng tạo được ấn tượng mạnh mẽ, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Nó cho bạn đọc cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp tâm hồn nhân hậu, đa cảm, giàu lòng vị tha của chị – một người bạn chân thành, người vợ thủy chung, người mẹ giản dị mà vĩ đại. Đoạn thơ thứ 34, nhà thơ viết về ông nội mình. Ông nội của chị từng là cựu binh đã khuất, nay hiện ra trong tấm ảnh nhìn con trai chị đang chơi cưỡi ngựa với một cây súng.
“Thật may mắn, tôi có thơ ca trong cuộc đời/ Thật may mắn, tôi có trẻ thơ và một mái nhà” (Đoạn thơ thứ 48). Câu thơ chân thành, giản dị ấy chính là lẽ sống, chân lý sáng tạo của nhà thơ. Thơ Khosiyat Rustam là huyết mạch, trước hết gắn bó với những người thân yêu của chị. Trong đoạn thơ thứ 16 “Durman”, Khosiyat đã dành cho người bạn đời của mình những tình cảm hết mực yêu thương, nồng nàn. Phu quân của chị chính là nhà thơ, nhà văn lớn Kuchkor Norkobil của U-dơ-bếch-ki-xtan. “Anh đã viết… Suốt đêm…/ Uống chất độc kỳ nham…/ Hãy để em xuống bếp và pha trà nóng/ Không được hoảng loạn… cả em… và anh, anh thân yêu/ Chúng ta vẫn còn có nhau, anh và em/ Nếu như chúng ta không có cuộc đời, vậy thì ở đây cái chết”.
Trong đoạn thơ thứ 57, nhà thơ kể về nỗi đau khôn tả khi phải mai táng cha mẹ mình vào lòng đất. Nỗi đau mất cha mẹ của Khosiyat giống như của tất cả chúng ta khi lâm vào hoàn cảnh này. Nhưng trong đoạn thơ, tác giả đã đặt tiêu đề rất độc đáo: “Mặt đất ơi, hãy nhấc bổng mình lên!”. Tiêu đề này đã làm thánh hóa tất cả những hình ảnh đời thường bình dị trong đoạn thơ, phủ lên đó một ánh sáng khác từ một cảnh giới khác, thăng sáng và linh thiêng.
Nhà thơ Khosiyat Rustam là tài sản tinh thần của dân tộc U-dơ-bếch-ki-xtan, đồng thời chị đã làm giàu có, đa dạng thêm văn học thế giới. Mỗi câu thơ của Khosiyat tựa như mầm hạt, hoa trái, con giống sinh sôi trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của chị, sau đó lan tỏa muôn nơi. Trong đoạn thơ thứ 45 có tựa đề “Không ai chết khi nương tựa vào đất mẹ”, đó chính là triết lý sống, tuyên ngôn sáng tạo của chị:
“Người hãy nói rằng “Ta yêu mến con”
Trong tiếng U-dơ-bếch cho mỗi loài cây.
Ngọn lửa bừng lên qua mạch máu đang chạy –
Ngọn lửa trái tim vươn tới bầu trời.
Nó tỏa sáng trong hồn con những bông hoa bừng nở dưới mưa…
Người là trái tim con, Đất mẹ, cho đến khi con giã biệt.

Con yêu Người trong tiếng U-dơ-bếch nơi đất mẹ!!!”
“Hình xăm của gió” gồm 60 đoạn thơ được đánh số thứ tự và 32 trang nhật ký tràn đầy cảm xúc, có thể coi đó là những bài thơ văn xuôi của Khosiyat Rustam. Những trang nhật ký của chị cho tôi chạm vào một thế giới mới lạ, rạng rỡ và bay bổng. Mỗi trang viết tựa những cột mốc trên hành trình mà tác giả đã đi qua. Những kỷ niệm, những gương mặt người thân, bạn bè mà chị đã từng gặp, những địa danh, địa chỉ văn học trong đó đã sáng lên trong từng trang sách. Tôi không lần theo từng bài viết theo thứ tự thời gian, mà nương vào mạch cảm xúc của chị. Nó lấp lánh từ những giọt nước mắt của hạnh phúc, của khổ đau, dằn vặt, của ước mơ thế giới này ngày càng đẹp hơn, con người ngày càng nhân hậu, tử tế hơn.
Những trang nhật ký của Khosiyat mách bảo cho tôi biết những chuyển động mong manh, những hình bóng mơ hồ trong thế giới của nhà thơ. Có những lúc, thế giới ấy cách nhà thơ một khoảng rất nhỏ, nhưng chị đã cảm nhận tinh tế và sâu sắc rằng, khi bước thêm một bước chân nữa thì mọi điều sẽ sáng rõ, lung linh hiện ra trước mắt. “Cả hai chúng ta đến từ những thế giới khác nhau, không chỉ khác nhau về cư dân, mà còn cả hình dạng. Nhưng hai thế giới khác nhau đó được kết nối tại cùng một điểm. Mọi thứ thật dễ dàng cho Allah! Mọi thứ có thể dễ dàng xuất hiện trước mắt anh nếu Allah muốn!/ Anh biết đấy, tôi rất thích hàng mi của anh. Tôi phát điên vì đôi mắt của anh! Khi chúng ta khóc cùng nhau, chúng đã trở nên xinh đẹp đến nỗi tôi thậm chí quên mất lý do mình khóc” (Trang nhật ký thứ 10).
Nước mắt của Khosiyat Rustam đã hóa thành những viên ngọc trong suốt khi chị viết về tình yêu. Những trang nhật ký đắm say, ngơ ngẩn của chị bày tỏ nhiều tâm sự riêng tư, sâu kín đã cho bạn đọc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ U-zơ-bê-ki-xtan, cháy bỏng và dâng hiến chân thành. “Chúng ta đã rất lâu khi chứng kiến trái tim mình tan chảy. Biển, tôi đã từng không hiểu ngôn ngữ của anh. Nhưng tôi đã nhận ra anh khóc cùng với cả tâm hồn tôi. Tôi đã muốn trôi vào anh.” (Trang nhật ký thứ 14).
Nước mắt của Khosiyat Rustam cho bạn đọc thấy hết những cung bậc của đời sống này, thấy được sự bền chặt cùng sự tồn tại mong manh của thế giới chúng ta đang sống. Sự mong manh ấy thể hiện rõ rệt hơn trong thế giới của con người, cõi nhân gian tràn đầy hạnh phúc và cũng không ít hiểm họa. “Khi gió thổi quá mạnh, hàng mi của tôi bị đánh bật. Tất cả những giấc mơ của tôi đã bị phá hủy. Mắt tôi tối sầm lại. Lý trí của đôi mắt tôi tối sầm./ Chỉ sau đó tôi mới nhìn thấy những chú chim xung quanh mình. Những chú chim có đôi mắt hờ hững, những chú chim nhận thức được mọi thứ” (Trang nhật ký thứ 14).
Thật kỳ diệu khi những giọt nước mắt của Khosiyat “đã biến thành bài thơ” của chị. Nước mắt là cung bậc cảm xúc, trạng thái tột đỉnh của hạnh phúc hoặc khổ đau. Riêng đối với Khosiyat Rustam, nước mắt để giải mã tình yêu, giải mã những vẻ đẹp ẩn khuất, những chuyển động mãnh liệt, những linh cảm mơ hồ trong thế giới thơ phong phú và rạng rỡ của chị.
Trong thế giới kỳ diệu ấy, Khosiyat Rustam đã dành cho Việt Nam vị trí xứng đáng để chị tin yêu, tôn vinh và luôn nhớ nhung về nó. Đầu năm 2019 chị đã đến Việt Nam tham dự Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ III. Tháng 8/2019 chị viết những dòng hồi ký nóng bỏng về Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Tôi nghĩ về ngôi đền văn học Việt Nam, tôi luôn nhớ. Một sự im lặng khó tả đến nỗi trái tim mình bật khóc… Chúng tôi đến đó vào ngày trời mưa. Gió và thời tiết như vẫn dõi theo chúng tôi.” (Thức trong im lặng)
Trở thành khách quý của thủ đô Hà Nội và tuy ở đó chưa lâu, nhưng Khosiyat cảm nhận được trọn vẹn tinh thần, khí thiêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Đây là đoạn văn có phong cách tinh tế và kiêu sa, thơ mộng và lịch lãm, rất Hà Nội của chị. “Bất cứ nơi nào tôi cũng luôn nhìn thấy Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Ở đây như có phép màu, các tòa nhà lớn, cây cối và hoa cỏ biết về nơi chúng đang phát triển sinh sôi. Những chú chim điềm đạm và gió nhẹ. Không khí dường như nghẹn thở… sự yên tĩnh dễ chịu ở đây khiến người ta có thể nghe thấy cả nhịp đập trái tim mình! Chúng tôi chờ đợi khoảnh khắc này từ lâu lắm.” (Trang nhật ký thứ 20).
Thơ và nhật ký của Khosiyat Rustam đã được dịch sang tiếng Việt và đăng trên một số tờ báo và website văn học ở nước ta. Nhiều nhà thơ và bạn đọc ở đây đã đọc và lưu giữ những trang viết của chị, như giữ gìn một tư liệu quý giá về đất nước và con người U-zơ-bê-ki-xtan anh em. Nhiều người Việt Nam đã đến thủ đô Ta-sơ-ken, thăm các đền đài, lăng tẩm nguy nga và các công trình kiến trúc độc đáo nằm dọc “Con đường tơ lụa” nối liền Trung Hoa với Địa Trung Hải từ hơn 2.000 năm trước. Nhưng còn con đường khác nữa trong văn học, đặc biệt trong thơ ca cần được tiếp tục khám phá. Thông qua cuốn sách này, bạn đọc Việt Nam có dịp đến với thế giới tâm hồn con người U-zơ-bê-ki-xtan đáng yêu, nhân hậu và hết sức gần gũi. Tập thơ “Hình xăm của gió” của Khosiyat Rustam đã mở con đường mới cho bạn đọc Việt Nam khám phá thế giới phong nhiêu và còn nhiều bí ẩn của vùng đất Trung-Á huyền thoại.
Hải Phòng, 28/5/2020
Mai Văn Phấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Người ở bến Lù Khúc sông Lô hối hả đổ qua làng, rồi tần ngần chậm lại ở chỗ bến Lù. Cái bến ấy là thẻo đất cuối làng Soi Long và cũng là...