Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Cảm hứng từ lý tưởng và tính nhân văn

Cảm hứng từ lý tưởng
và tính nhân văn

Với tính nhân văn cao, chất lãng mạn trữ tình và hiện thực sâu sắc, văn học Nga - Xô Viết đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên tính cách, lối sống của con người và văn học Việt trong một thời kỳ dài sau Cách mạng Tháng Mười. Có thể nói, nước Nga và văn học Nga - Xô Viết luôn là niềm tự hào của các thế hệ cầm bút ở Việt Nam.
Ngọn nguồn nhân văn cao đẹp
Văn học Nga là một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến nhất của nhân loại, là thành tựu rực rỡ của nghệ thuật thế giới, phát triển đỉnh cao với những đại diện tiêu biểu như Alexander Pushkin, Ivan Alekseyevich Bunin, Fyodor Dostoyevsky, Ivan Sergeyevich Turgenev, Anto Chekhov, Nikolai Gogol, Mikhail Sholokhov, Maxim Gorky… Với nhiều tác phẩm đều là mẫu mực, tinh hoa của nền nghệ thuật hiện đại, văn học Nga có ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến các nền văn học khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Mười, văn học Nga - Xô Viết đã không ngừng thay đổi triệt để, mà ngọn nguồn là chủ nghĩa nhân đạo cao cả, trong đó có chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, chất lãng mạn Nga rất đặc trưng. Tại hội thảo “Văn học Nga - Xô Viết với văn học Việt Nam” sáng 6.11 nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, các ý kiến đều khẳng định, nước Nga và văn học Nga - Xô viết luôn là niềm tin, niềm tự hào của các thế hệ cầm bút ở Việt Nam. Trong thời kỳ văn học Việt Nam ở giai đoạn tìm hướng đi, thì phóng tác - mô phỏng các tác phẩm văn học Nga là khuynh hướng khá phổ biến. Văn đàn Việt đã có truyện Em ơi đừng tuyệt vọng của Vũ Bằng, phóng tác từ Đêm trắng của Dostoyevsky; tiểu thuyết Người thất chí của  Hồ Biểu Chánh phỏng theo Tội ác và hình phạt của Dostoyevsky…
Vượt qua giai đoạn mô phỏng, các nhà văn Việt Nam đã sáng tạo ra một nền văn xuôi phong phú, hiện đại. Họ đã tiếp nhận ở văn học Nga quan niệm về văn học, lý tưởng của con người và một số thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu. Văn học sử từng ghi nhận, Nhất Linh có thiện cảm, sự khâm phục đặc biệt với văn học Nga. Trong một tâm sự của mình, nhà văn Nhất Linh nói: “Trước hết tôi nói về ý định của người muốn viết một cuốn sách nghệ thuật cao siêu, bền mãi với thời gian như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của L. Tolstoi; Những linh hồn chết của Gogol; Anh em nhà Karamazov, Những người bị ám ảnh của Dostoyevsky… Mỗi cuốn sách một vẻ những đều là sáng tác hay của nước Nga - Xô Viết, của nhân loại, đời đời công nhận. Đó là lý tưởng muốn noi theo của phần đông những người viết tiểu thuyết”.
Giàu chất sử thi, trữ tình
Nhiều nhà văn đồng tình, thời kỳ phát triển sau này của văn học Việt, qua những tác phẩm dịch, phẩm chất hiện thực sâu sắc của văn học Nga thế kỷ XIX, cũng như chất sử thi bi tráng của văn học Xô Viết không chỉ đã thu hút người đọc, mà còn in dấu khá đậm trong thực tiễn sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Đây là quá trình tiếp nhận tự nguyện, từ sự đồng điệu của trí tuệ và tâm hồn.
Nhà văn, nhà phê bình Lê Thành Nghị dẫn chứng, nền văn học Nga - Xô Viết giàu chất sử thi, trữ tình với tác phẩm như: Suối thép, Chiến bại, Thanh niên cận vệ đội, Sông Đông êm đềm, Con đường đau khổ, Mùa hè kỳ lạ, Vây hãm, Bến bờ, Mùa xuân trên sông Ôđe, Bão táp, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân… hình như đã kích thích sự sáng tạo và để lại dấu ấn không nhỏ làm nên chất sử thi của lòng yêu nước, một phẩm chất của văn học Việt Nam. Chúng ta có thể nhận ra chất sử thi ấy ẩn trong hình tượng các nhân vật của tác phẩm Đất nước đứng lên, Sống mãi với thủ đô, Gia đình má Bảy, Vỡ bờ, Rừng U Minh, Rừng xà  nu, Mảnh trăng cuối rừng…
“Cũng như hoàn toàn có thể nhận ra cảm hứng lãng mạn và những lựa chọn đạo đức trong các tác phẩm như Xa Mạc Tư Khoa, Gia đình Xurbin, Vùng mỏ Đolbasss, Bến bờ… trong văn học Xô Viết ở những trang sách của nhà văn Việt Nam như Vùng mỏ, Gang ra, Thung lũng Cô tan, Xi măng… Hay cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân từ Đất vỡ hoang của M.Solokhov đến Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm, Bão biển, Đất làng… Đặc biệt, phẩm chất người lính từ Tinh cầu của Kazakievich đến Trước giờ nổ súng của Lê Khâm, Tấc đất của Baklanov và Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, thơ Maiacovxki và thơ bậc thang của Trần Dần”, PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nhận định.
Nhiều nhà văn Việt Nam chia sẻ, phẩm chất trữ tình tinh tế của K.Pautovski, Turgheniev, Bunhin… trong truyện ngắn thời kỳ đầu của Đỗ Chu, Lê Minh Khuê; chất suy nghĩ sâu lắng của Onga Bergon, Xvettaeva, Akhmadunhina… phảng phất trong thơ Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm… Đây cũng là lý do để cố nhà thơ Phạm Tiến Duật cho rằng, ảnh hưởng của thơ ca Xô Viết đối với thơ ca Việt bằng con đường phi ngôn ngữ, nghĩa là không phải bằng câu chữ, mà là bằng tính tư tưởng nghệ thuật sâu sắc, thấm sâu trong bút pháp của các nhà thơ Việt Nam, trở thành câu chữ tự nhiên của thơ ca Việt Nam… Rõ ràng, văn học Nga - Xô Viết đã đưa đến cho văn học Việt Nam bài học của một nền văn chương nghệ thuật sống hết mình với thời đại. 
“Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng tới việc chuyển hướng của văn học Việt Nam. Có thể nói đến đội ngũ đông đảo các nhà văn có uy tín, gồm nhiều thế hệ và sự đóng góp to lớn của họ vào cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa và trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít Đức. Năm tháng đã qua đi, nhưng những ký ức của nền văn học Xô Viết, một nền văn học cách mạng giàu tính chiến đấu, giàu chất nhân văn vốn được chiếu rọi bởi ánh sáng Tháng Mười còn đọng mãi trong tâm trí và các tác phẩm của người Việt” - nhà văn, dịch giả Lê Sơn.
17/11/2017
Hồng Hà
Nguồn: NĐB
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...