Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Ngô Phan Lưu và Thăm thẳm trưa

Ngô Phan Lưu và
Thăm thẳm trưa

Sáng thứ sáu, vợ chồng Thùy đi thi đại học từ xa, đem hai đứa con gửi nhà ông bà ngoại Nam.
Sáng thứ bảy, thấy hai đứa cháu buồn thiu, ông ngoại Nam quyết định đưa chúng đi thảo cầm viên. Mục đích muốn bọn nhỏ xem khỉ, cọp, kăngguru, voi, cá sấu… cho bớt buồn và mở mang kiến thức. Để dành tiền cho bọn nhỏ ngồi taxi, bà ngoại Nam phải tự túc mang theo cơm, thức ăn, nước uống.
Nhìn hai đứa cháu lăng xăng thay quần áo, mũ dép, ông Nam thấy cuộc sống mình được nối dài sang bọn nhỏ. Ông cảm thấy mát mẻ như vừa mới tắm.
Họ khởi hành lúc chín giờ sáng.
Vừa xách đồ đạc ra đường đón taxi, ông Nam nhắc vợ:
“Bà không đem túi nilông nôn mửa à?”
Bà Nam lật đật chạy vào bếp:
“Úi trời, tôi quên mất”.
Bà Nam mắc tật ngồi xe bị nôn mửa. Xe gắn máy lạnh, càng nôn mửa dữ dội. Chỉ cần xe đóng cửa, nổ máy là bà mửa thốc tháo, mặc dù chưa hề lăn bánh. Ông Nam vẫn đùa, đó là “bệnh nhà quê”. Muốn trị, phải dùng thuốc “đi bộ”.
Vừa khom người bước vào taxi, bà Nam lập tức kê mồm vào bao nilông. Nhìn vợ, ông lắc đầu, thở dài.
Xe chạy chỉ hơn nửa tiếng, bà Nam đã thốc hết ráo bữa điểm tâm sáng. Nhai nuốt cho lắm vào chỉ tổ công cốc. Ông Nam nhìn vợ, lại thở dài.
Khi xuống taxi, ông Nam phải dìu vợ ngồi tựa gốc cây một chặp.
Trẻ nhỏ đi thảo cầm viên cũng giống như cá thả xuống nước. Chúng mừng rơn. Chúng cứ đi ngang như cua, trông rất buồn cười. Lại có lúc, chúng đi như nhân loại, lưng tiến tương lai, mắt dòm quá khứ, làm ông bà Nam lo ngại. Lần đầu tiên tới nơi này, chúng thích quá. Bà Nam luôn kêu to:
“Không chạy xa. Lại đây. Coi chừng lạc đấy”.
Ông Nam vừa đi, vừa nói với vợ:
“Chúng ta đến ngay khu động vật, cho bọn nhỏ sướng mắt một bữa. Trẻ con ưa chỗ này”.
Được rời khỏi taxi, bà Nam như thoát khỏi địa ngục. Lúc này, bà tươi tỉnh hẳn, bước nhanh chân. Chính bà cũng thích xem động vật. Bà trao chiếc giỏ thức ăn cho chồng xách:
“Xem động vật quý hiếm ai mà không thích. Ông có thích không?”
Ông Nam không trả lời. Như vậy, bà biết chồng cũng thích. Họ vừa đi vừa nhìn toàn cảnh thảo cầm viên. Một buổi sáng rực rỡ, đặc biệt là trẻ nít, nhìn chúng rực rỡ hơn cả buổi sáng. Đứa nào cũng sáng trưng đôi mắt, chân cẳng xoạt qua xoạt lại hình chữ “chi”, uốn mình, lắc mông, tay chỉ chỏ chỗ này chỗ nọ, mồm nói cười liên hồi.
Ông Nam thoáng nghĩ, nếu không có loài vật, trẻ con sẽ mất vui. Còn nếu không có trẻ con, người lớn cũng sẽ mất vui. Vậy, có loài vật, loài người được vui. Ông phì cười kiểu lập luận rắc rối của mình. Kiểu rắc rối này không đem lại điều gì mới mẻ cả. Kiểu rắc rối của hai câu thơ một ông bạn già đã tâm đắc sáng tác: “Bò mẹ đẻ xong thì chết/ Bò con chết vừa đẻ xong”. Chả biết con nào chết trước, con nào chết sau. Mà sau hay trước để làm gì? Con nào cũng chết cả!
Đột ngột, hai thằng cháu níu ông bà Nam lại, chúng đòi quẹo trái để xem voi. Đó là một con voi to đùng, da hằn những vết nhăn sâu như dao xẻ, chân loảng xoảng xiềng sắt tù đày. Có lẽ nó đã già. Già lắm, nên da mới nhăn nhíu ghê gớm đến thế. Nhìn gần, bọn trẻ rất hãi. Chúng há mồm, thè lưỡi trước thân thể khổng lồ của con voi. Chính ông Nam cũng tiếp nhận cảm giác rờn rợn ấy. Ở con voi già này, toát ra một sức mạnh vô tâm và hoang dã. Một sức mạnh phi thiện ác, chờn vờn lan cả ra ngoài không khí. Con voi đang nhai mía. Hai đứa cháu lấm lét ngắm nhìn. Thằng anh đã lấy được bạo dạn, chỉ tay vào con voi, giọng trong vắt như chim kêu:
“Hai quạt mo kìa, bốn cột nhà kìa, một chổi cùn kìa, một cái kèn kìa…”
Dường như con voi nghe hiểu, nó ngừng nhai mía, vươn vòi thẳng tới, nhấc lên hạ xuống, ngúc ngoắc giỡn chơi trước mặt lũ trẻ. Tất cả bọn trẻ sợ hãi lùi xa, rồi cười như nắc nẻ. Có vẻ như không hài lòng, con voi không đùa với lũ trẻ nữa, nó nặng nề xoay mình, thọc vòi xuống hồ nước, rồi ngất vòi lên, chỉa thẳng như nòng đại bác. Nó di chuyển chậm chạp cái “nòng đại bác” theo hình cánh quạt, và đột ngột dừng lại, phun nước ngay vào một cặp cô cậu đang đứng úp mặt vào nhau. Vòi voi phun nước cực mạnh, cô cậu té nhào, ướt nhẹp. Tất cả mọi người ở đấy cười như pháo, bọn trẻ nhỏ nhảy cẫng lên, vỗ tay khoái chí. Cô cậu nọ hốt hoảng bò dậy, dắt nhau chuồn mất. Bà Nam cười tít mắt, giọng hả hê:
“Cho chừa. Đông thế này, dám ngang nhiên hôn với hít. Ông voi ơi, cứ dạy chúng đi. Bọn tôi không dạy nổi. Bó tay rồi”.
Ông Nam cũng cười sằng sặc:
“Hai đứa ấy lãnh bài học nhớ đời. Tôi đoán chắc với bà, sau này chúng thành vợ thành chồng, một khi thằng chồng nổi máu hôn vợ, thế nào con vợ cũng đe nẹt cảnh giác: “Liệu hồn. Có voi đấy không?”. Và, tôi cũng đoán chắc với bà, sau này hai cô cậu ấy sinh con đẻ cháu, họ sẽ rất quí con voi già này”.
“Tại sao lại quí?” – Bà Nam hỏi.
Vẫn ngắm con voi già, ông Nam trả lời:
“Bởi vì, con voi đã hành động vừa ý số đông”.
Nghe vậy, bà Nam cười, không nói gì. Như thế, ông Nam biết mình đã nói đúng.
Giờ này, ông Nam mến con voi già vô cùng. Mà dường như tất mọi người đang đứng đây cũng mến nó. Nó đã hành động để bảo vệ thuần phong mỹ tục đang mai một. Ừ, chỗ đông đảo phải đàng hoàng chứ, việc “ấy” thiếu gì lúc, hiếm gì nơi, chỗ này là chỗ người ta tham quan voi cơ mà.
“Bọn trẻ bây giờ quá lắm. Hoan hô ông già voi” – Một bà khách trong đám đông lên tiếng.
Để tưởng thưởng hành động ngoạn mục vừa rồi của voi, một ông khách có râu khủng bố liền mua khúc mía, thò tay đút vào. Con voi ngoạm khúc mía, hạ thấp đầu như thể kính cẩn cảm ơn. Lúc này, bọn trẻ không sợ con voi nữa, chúng biết nó hiền, biết nó đứng đắn, và biết nó luôn sẵn sàng trị tới nơi tới chốn các trò nhố nhăng. Bọn trẻ liền lấn tới trước, tì tay vào hàng rào sắt, xem voi thật gần. Lạ thật, dường như tất cả mọi người đang đứng xem voi, không người nào nghĩ rằng mình sẽ bị nó phun nước. Chính ông Nam cũng có tâm trạng bình yên ấy. Tất cả đều tin tưởng vào con voi. Ông nhớ lại, mình đã nghe bà nội nói rằng, tuy voi to lớn khổng lồ thế, nhưng nó luôn cẩn thận tránh giẫm đạp lên những sinh vật bé nhỏ trong lúc đi đứng. Nó luôn quý trọng sinh mạng những con vật nhỏ nhoi quanh mình. Ông Nam lại nhìn dây xích sắt người ta xiềng vào chân con voi già, lòng ông bỗng buồn buồn. Một nỗi buồn hoang vu, giống như nỗi buồn ngày xưa, mỗi khi bà nội kể chuyện cổ tích ông nghe. Có lẽ, nỗi buồn không bao giờ cũ. Chỉ có niềm vui là cũ mà thôi.
Họ dứt xem voi, họ đi chỗ khác. Nhìn hai đứa cháu vươn bàn tay tí hon, phất qua phất lại, mồm la “Bái…Bai…Bái…Bai…” với con voi già, ông Nam thật sự cảm động. Nơi bọn trẻ, có sự bình đẳng giữa người và loài vật. Ông cũng ngoái lại, nhìn trìu mến con voi. Đột nhiên, ông không thấy nó khổng lồ nữa, cơ thể như vậy là vừa. Thon thả và rất đẹp.
Khi đến chỗ chuồng dã nhân, hai đứa cháu quá thích chí. Cái con vật này nom tướng tá cứ như con người. Vừa đảo mắt thấy phụ nữ loáng thoáng, nó cười toe toét, nước dãi nhểu lòng thòng, tức tốc thò tay gãi dái sột soạt…Việc khả ố này khiến nhiều bà, nhiều cô phải bưng mặt chỗ khác. Hắn là thuỷ tổ loài người đấy! Hãy coi chừng! Các người đẹp ạ! Bà Nam cũng quay mặt chỗ khác, nhưng bà lại nhìn chồng. Trong ánh nhìn của bà như ngầm hỏi: “Nó đâu khác gì ông? Phải không nào?”. Ông nhìn lại và trả lời bằng cái cười nam châm và cái nhún vai điệu nghệ. Rõ ràng ông Nam theo phe cánh với con dã nhân. Còn bà Nam lại luôn theo ông Nam.
“Đi chứ. – Bà Nam đập tay vào lưng ông Nam, gắt – Đi chứ. Bọn nhỏ chạy tuốt đằng kia rồi”.
Ông Nam trở về hiện thực nơi thảo cầm viên đông đảo người qua lại. Ông vừa nghĩ gì vậy? Ông chả nghĩ gì cả. Không hiểu sao, đôi lúc hiện thực trước mắt vẫn tồn tại đấy, nhưng chúng không thực nữa, mà cứ như trong phim. Và, ông chỉ cần chớp mắt vài cái, là… hiện thực lại hoàn như cũ.
“Ừ, đi. Bọn chúng đâu? Ồ… Tôi thấy chúng rồi, đằng kia”.
Họ săn chân đi đến chỗ hai đứa cháu.
Hai đứa cháu đang đứng dòm con cù lần nhỏ xíu, nằm khoanh tròn ngủ li bì. Thằng cháu em hỏi:
“Ông “dại”, ông “dại” (Đúng ra là ông “ngoại” chứ không phải “dại”. Chúng nói rặt tiếng Phú Yên vùng Nam Trung Bộ, lại đớt nữa, nên ra nông nỗi thế). Ông “dại”, con gì chết, sao không quăng đi, hả ông “dại”?”
Ông Nam xoa đầu thằng cháu, ông nghe trong lòng tay mình một cảm giác cứng như sắt. Ông mỉm cười khoan khoái, thầm khẳng định rằng, đầu phải cứng như thế này mới gọi là đầu. Đầu ông không cứng được như thế. Ông vui sướng trả lời đứa cháu:
“Không phải chết. Nó đang ngủ đấy. Nó là con cù lần. Cháu biết không? Nó ngủ suốt ngày, không thèm ngồi dậy. Người ta phải đặt thức ăn sát ngay miệng nó, may ra nó mới chịu ăn. Con cù lần mà! Nó ngủ trong rừng, cứ nằm ngửa, há miệng ra, chờ trái cây rụng lọt vào miệng, lúc ấy nó mới nhai. Nhai rồi cứ để yên đấy, cũng không thèm nuốt. Chờ trái khác rụng lọt tiếp vào miệng, nó mới nuốt trái đã nhai! Cù lần mà!”.
“Úi trời ơi! – hai thằng cháu đồng la lên – Đồ lười biếng quá xá!”.
Chúng đập đập vào chiếc lồng sắt, con cù lần cũng không thèm thức dậy. Chúng nhìn ông ngoại, nháy nháy mắt, lắc đầu, rồi cười. Ông Nam cũng nháy nháy mắt, cười lại. Con cù lần vẫn ngủ li bì. Bà ngoại Nam dòm vào lồng, thấy nó bà cũng lắc đầu. Ông Nam nói:
“Không con vật hung dữ nào dám ăn thịt con cù lần, kể cả con người”.
Bà Nam ngạc nhiên:
“Tại sao thế?”
Ông Nam giải thích:
“Ăn vào, lây bệnh “cù lần”, thế là hết đường sống. Con cù lần nổi tiếng xui xẻo. Không ai muốn động vào nó”.
Chán nản, bọn cháu lại chạy đi chỗ khác, vì dân cù lần chẳng có gì hay ho. Ông Nam bà Nam lại dẻo chân đi theo chúng. Đến chuồng cọp, bọn cháu dừng hẳn lại. Con vật hung dữ này chúng đã quen mắt trên tivi. Đây là con cọp lớn, dài đòn, vằn vện, bụng lép xẹp. Trông nó nhẫn nhục và căm ghét những người đang xem nó.
“Sao cháu nó hỏi, ông không trả lời? – Bà Nam gắt – Ông đang nghĩ gì vậy?”
“Chúng nó hỏi gì?”- Ông Nam chớp chớp mắt, trở về thực tại. Ông lại thở xì, chán nản với chính mình.
“Con cọp bị ở tù, phải không ông “dại”? – Thằng cháu em nhắc lại câu hỏi”.
Ông Nam ngạc nhiên nhìn thằng cháu đang dán mắt vào con Cọp:
“Phải. Nó đang ở tù. Nó đang nhớ rừng”.
Thằng cháu gật gật đầu:
“Hèn chi nó cứ đi qua đi lại. Không ngồi yên được. Há, ông “dại”?”.
“Ừ”.
Quả thật, con cọp cứ đi qua đi lại không ngừng. Tại sao thế? Có lẽ nó đang căm thù cái trí khôn của con người, cái mà nó không có. Không, không hẳn nó nhớ rừng. Nó không nhớ rừng. Nó thừa biết rằng, ngày nay chỉ cần ai đó chỉ chỗ có cứt cọp, người ta cũng có tiền triệu để xài cơ mà. Cọp làm gì còn chốn nương thân mà nhớ rừng tiếc núi. Ông nghĩ rằng mình vừa trả lời sai. Nó không nhớ rừng gì cả. Nó chỉ căm thù con người. Thằng cháu em lại hỏi:
“Chừng nào cọp mãn tù, hả ông “dại”?”.
Không cần suy nghĩ, ông Nam trả lời dứt khoát:
“Khi chết xong”.
Nghe ông ngoại trả lời chắc nịch như thế, thằng cháu em thở dài, rồi vụt chạy sang khu vực nuôi động vật bò sát. Thằng cháu anh chạy theo. Bà Nam gọi giật lại, nhưng chúng không nghe. Ông bà Nam lại lẽo đẽo đi theo. Khi đến gần chuồng nuôi trăn, ông nghe tiếng gọi hốt hoảng của bọn cháu:
“Ông “dại”, ông “dại”. Sợ quá ông “dại” ơi! Lại đây coi nè”.
Ông bà Nam tiến đến. Khuôn mặt của hai thằng cháu trông tái xanh, thất thần. Thằng cháu em, nói líu lưỡi:
“Ông “dại”, ông “dại”, coi con thỏ kìa”. 
Nó vừa nói vừa chỉ tay vào con thỏ đang đứng chôn chân tại chỗ trong chuồng trăn.
Ông bà Nam nhìn vào chuồng trăn. Một cảnh tượng đau xót không thể dùng lời nói ra được. Trong chuồng bọc kín lưới sắt, một con trăn khổng lồ đang ngủ khoanh tròn một đống. Sát bên nó, một con thỏ đang run bần bật, hai mắt thất thần, mở nhắm liên hồi. Con thỏ được người ta bỏ vào đấy, là bữa lót lòng cho con trăn ngủ dậy. Nhìn con thỏ tê liệt vì khiếp sợ, lông lá dựng đứng cả lên, toàn thân rung lên như bị truyền điện, cả đến hai tròng mắt cũng rung bần bật sắp văng ra ngoài. Cả đến cái màu lông trắng của nó cũng sẫm lại vì sợ. Một con thỏ bé bỏng đang thất thần run bắn, bên cạnh một con trăn khổng lồ bình thản ngủ say. Hẳn người ta bỏ con thỏ vào đấy từ lâu. Bỏ từ lâu để khách tham quan xem “sự run sợ” cho đã mắt. Đột nhiên, máu trong người ông Nam sôi lên… Lúc này người ta đến tham quan khá đông. Ông Nam vội dắt tay hai đứa cháu, kéo đi chỗ khác, mục đích không cho chúng xem, nhưng chúng trì lại, không chịu đi. Ông cháu cứ giằng co.Thấy thế, chú công nhân đang loay hoay sửa hệ thống điện, vội xem đồng hồ đeo tay, liền nói: “Con trăn sắp thức dậy đấy. Coi màn hấp dẫn trăn xơi thỏ đã chứ? Bố kéo cháu đi đâu thế?”. Nghe vậy, ông Nam cắn chặt răng, quai hàm bạnh ra, mắt toé lửa nhìn xoáy vào chú công nhân. Trước tia nhìn dữ dằn của ông Nam, chú công nhân lật đật quay mặt chỗ khác. Và, bằng tất cả sức mạnh, ông lôi hai thằng cháu ra khỏi đám đông. Bà Nam lật đật lách người, chạy theo. Đi nhanh đến gốc cây cổ thụ, ông Nam ngừng lại, thả tay hai thằng cháu ra. Ông thở dốc. Giọng thấm mệt, đứt quãng, ông lệnh bà vợ:
“Bà lấy miếng nhựa. Trải ra. Ngồi nghỉ. Ăn cơm. Không xem nữa. Về”.
Nói xong, ông ngồi sụp xuống, chồm người tới đằng trước. Thế ngồi chồm người đằng trước là thế ngồi vững chãi. Thế ngồi của người sắp ngã thường dùng. Đột ngột, một ý tưởng lạ lùng vừa xoẹt qua óc ông. Ý tưởng sáng trưng như đèn flash. Rằng, từ sáng đến giờ, gia đình ông không phải đi tham quan động vật quí hiếm, mà là đi tham quan “cái ác quí hiếm” của con người. Cổ họng ông khô khốc, đắng ngét. Ông không hiểu được tiếng nói loài vật, nhưng ông chắc chắn rằng, nếu chúng mắng nhiếc lẫn nhau, chúng phải mắng rằng: “Mày là đồ con người!”. “Loại mày là loại con người!”. Đột ngột, trong không gian dường như có tiếng nói không lời đáp trả: “Loài vật không đem con người để mắng nhiếc lẫn nhau, ông Nam ạ! Toàn bộ chúng đều nhất tề mắng thẳng vào con người. Chúng mắng đích danh thủ phạm: “Cái giống người khốn kiếp!”. Lại cũng thật đột ngột, ông nghĩ, giờ này có lẽ con thỏ bé bỏng đã thôi run. Con thỏ thôi run vì con trăn đã thức dậy. Dường như có một gáo nước lạnh vừa tạt vào trí ông. Ông tỉnh trí hẳn. Ừ, độc ác của con người cũng tới đấy là cùng. Cũng tới chỗ con thỏ thôi run là cùng. Tới chỗ cái chết là cùng. Làm sao vươn xa hơn cái chết?
Bọn cháu ông bà Nam, bây giờ không còn láu táu nữa, chúng ăn cơm chăm chú, dáng vẻ đăm chiêu. Trẻ nhỏ mà đăm chiêu, trông chúng thật bơ vơ tội nghiệp. Có lẽ hình ảnh con thỏ run rẩy, khiếp đảm, thất thần… chưa tan trong tâm trí chúng. Chúng ăn cơm trong im lặng.
Ông Nam, bà Nam không ăn cơm. Có gì đấy đang tanh tưởi trong cổ họng, họ không nuốt nổi cơm. Họ chỉ ngồi im và cau mày.
Mặt trời đứng bóng. Ngày đã vào chính ngọ. Cái nắng đang hóa thân thành vô số hạt bụi li ti, vọt nhảy lung tung làm nhức mắt. Ngồi trong bóng râm, mắt phải nhìn vào, không dám nhìn ra. Không một làn gió. Chốc nữa sẽ là cái nắng xỏ tai, cực kỳ khó chịu. Ông Nam cởi phanh ngực áo. Một buổi trưa làm người lớn phải hốc hác đi. Kể cả trẻ con cũng đăm chiêu, lưỡng lự. Một buổi trưa… Thăm thẳm trưa… 
7/8/2018
Ngô Phan Lưu
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...