Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Vầng trăng thiêng - Truyện ngắn của Huỳnh Mẫn Chi

Vầng trăng thiêng
Truyện ngắn của Huỳnh Mẫn Chi

Cô cháu gái loay hoay chuẩn bị chuyến đi xa. Ông nội lo lắng, vì quyết định bất ngờ của đứa cháu gái vừa đăng quang hoa hậu. Cô cháu gái ông đi đến đâu, những người quen ông đều hết lời khen ngợi. Họ khen cháu ông xinh xắn như bà nội, giống bà nội như in như đúc. Ông không quan tâm. Ông chỉ lo lắng mỗi khi cháu gái ông đi xa? Cuối cùng, cô cháu gái xúc động thổ lộ, chia sẻ với ông nội, sắp đến kỷ niệm “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, cô muốn cùng ông đi một chuyến về nguồn. Nơi đó, dấu chân ông vẫn còn hằn sâu trên mọi nẻo đường của chiến trận….
Cái tuổi đời mấy ai được như ông? Ông đã bước qua tuổi 80 mà vẫn rất tinh anh, sáng suốt. Đặc biệt là những câu chuyện chiến trường. Hồi ức về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông không thể nào quên. Ông nhớ rất rõ. Ông nhớ rất chi li. Trong mắt cô cháu, ông nội trở nên oai hùng của chàng tráng sĩ tuổi 20 ngày nào. Hình người chiến sĩ Điện Biên vẫn hiện hữu trong ông. Ông hồ hởi. Ông vui cười. Rồi, ông nghẹn ngào. Ông bật khóc. Giây phút hào hứng kể về trận chiến năm xưa, mắt người lính già cứ ngấn lệ khi nhớ về đồng đội, về người bạn gái tuổi trăng rằm đã ngã xuống. Ông tiếc nuối khi không có cơ hội nhìn thấy một Điện Biên thay da đổi thịt trên đống hoang tàn năm nào.
Khu rừng sâu thẳm, ám ảnh, đau thương, chẳng chút thân thuộc ngày ấy, từ bao giờ đã âm thầm ăn sâu vào đời ông như một miền đất thân yêu nhất. Giờ đây, ông đã đến cái tuổi gần đất xa trời. Một thời tuổi trẻ hoàn toàn mai một nhưng dư âm cứ vang vọng mãi suốt đời. Người lính từng xông pha trận mạc. Thế nhưng giờ đây, ông lại sợ tiếng mưa rơi, tiếng lá rụng, tiếng gió lùa… Thời gian đã trôi nhanh quá, sáu mươi năm rồi còn gì?
Ông nhập ngũ những ngày cận tết. Tây Bắc bủa vây lửa đạn, nhưng lại kiêu hãnh, thần kỳ và huyền bí. Trai tráng thủ đô như ông, những ngày đầu làm quen với núi rừng, không khỏi bỡ ngỡ. Hoa ban nở trắng trên mọi nẻo rừng. Những thửa ruộng bậc thang lốm đốm những mầm xanh của lúa. Ven bờ ruộng nở đầy những bông hoa dại màu tim tím, đo đỏ, óng ánh vàng… Thế nhưng Tây Bắc có ngày lại đổi khác, đất trời hay giận dõi. Những ngày mưa dầm trái mùa. Những cánh rừng đại ngàn hun hút xa, thăm thẳm. Ông hành quân ngày đêm giữa núi rừng Tây Bắc. Chiến dịch lớn lại sắp bắt đầu. Nó tạo ra một sức ép lớn, vây cuồng những người lính như ông, sức mạnh và quyết chiến. Sống và chết là ranh giới rất gần đối với bất cứ cuộc chiến tranh nào. Nỗi khát khao được cầm súng xông trận của người lính cứ thúc giục ông và đồng đội. Nó như ngọn đuốt khắp sáng đại ngàn Tây Bắc. Những bước chân người lính dồn dập, chạy suốt ngày đêm.
Ông nhọc nhằn ngày đêm bám đội hình hành quân. Có lệnh triển khai đào hầm, dựng lán, ông thả người xuống gốc cây, thở dốc. Rừng sâu, đoàn quân ngâm mình trong mưa. Màn mưa phùn mờ ảo dưới trời đêm lạnh giá. Khắp cánh rừng, đoàn nữ dân công địa phương tham gia làm đường dã chiến. Rừng rậm ẩm ướt, âm u. Rừng sâu hun hút, hoang vắng. Dáng các chị, các cô thấp thoáng, mong manh… Những cô gái Thái xinh như hoa ban trắng giữa rừng xanh. Đôi tay yếu, các cô mở rộng đường kéo pháo. Thân gầy, các cô phải vận chuyển lương thực trong khoảng thời gian cực ngắn để dự trữ.
Là người lính sắp xung trận, ông thương quá những cánh hoa nhỏ nhắn ấy. Thế nhưng, các cô như những tráng sĩ của rừng xanh bạc ngàn, sừng sững và đáng yêu. Ngày cũng như đêm, các cô không ngơi nghỉ, gian nan vận chuyển lương thực trên triền núi, máy bay Pháp lại oanh tạc.
Ông đuối sức. Tựa đầu vào gốc cây rừng, ông nhắm mắt và thiếp đi. Như có tiếng thở dài, lo lắng khe khẽ vang ra ngay bên cạnh ông. Bất ngờ, ông đưa mắt nhìn quanh quẩn. Ông nhận ra Ban Pún. Ban Pún lầm lũi bước đi trước mặt ông. Ông cười gượng, đứng dậy. Nhìn Ban Pún, ông cúi mặt ái ngại. Ban Pún là người con gái rất đẹp, rất khỏe và cũng rất lì. Ông rất ấn tượng cái tên Ban Pún của cô. Ban Pún có nghĩa là hoa Ban nở. Tên cô như gắn với núi, với rừng Tây Bắc. Cuộc sống vùng cao không chỉ là thiên đường đã tạo ra vẻ đẹp nơi Ban Pún. Ông thấy ở Ban Pún còn có sức mạnh rất lạ, rất đẹp. Nét xinh tươi, quyến rũ của người con gái sơn cước ẩn trong từng sức kéo, sức đẩy khi tải đạn, tải lương thực nuôi quân. Một vẻ đẹp tiềm ẩn như bông hoa dại lăn lóc trên mọi trận tuyến.
Khổ nổi giữa chiến trường bom rơi, đạn bắn suốt cả ngày, ông lại thầm thương trộm nhớ người con gái ấy. Yêu người ta, ông không biết thổ lộ với ai giữa trận mạc. Ông chỉ tâm sự với núi rừng. Những lúc một mình giữa rừng sâu, ông đã thét, đã gọi tên người con gái ấy. Ông mong được nghỉ xả hơi vài ba ngày. Ông sẽ đưa Ban Pún đi khắp cánh rừng hoa ban trắng đang đươm hoa. Súng vác trên vai, đạn mang trên lưng, ông cứ mơ cứ mộng. Ông mơ ngày chiến thắng. Ông sẽ đưa Ban Pún về Hà Nội ra mắt bố mẹ. Bố mẹ ông sẽ mừng rỡ khen ngợi con gái Mường Phăng xinh như hoa ban đầu mùa. Ban Pún cũng lạ. Biết bao anh chiến sĩ Điện Biên, ba lô trên vai, oai phong sẳn sàng xông pha trận mạc, cô không để mắt. Cô lại bối rối trước anh lính thư sinh người Hà Nội, có vẻ yếu ớt, có vẻ nhúc nhát như ông. Cô hay nhìn ông tủm tỉm cười, e thẹn. Ông lại bẽn lẽn ngẩng mặt nhìn trời cao, nhìn mây trôi, nhìn ngọn cây quằn quại trước gió…
Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến như định mệnh, ông thầm biết ơn buổi chiều mưa hôm ấy. Ông và Ban Pún, cả hai đều lạc đơn vị hàng giờ trong rừng sâu. Trai Hà Nội mà tình nguyện ra suối lấy nước về cho đồng đội. Cho nên, ông cứ đi mãi, đi mãi không biết dòng suối ở chốn nào. Ban Pún đang đi hái rau rừng, biết ông lạc đường nên không đành lòng làm ngơ. Cô không chút chần chừ, nhiệt tình đưa ông ra tận bờ suối. Ông vui mừng quýnh quáng. Đi suốt một đoạn đường dài chốn rừng sâu núi thẳm, ông cứ ngoan ngoãn bước theo Ban Pún. Cả hai không ai nói với ai lời nào. Thỉnh thoảng, ông len lén nhìn Ban Pún đăm đắm. Ban Pún cũng vậy, cứ liếc mắt nhìn lại ông. Như bị bắt gặp, Ban Pún rất ái ngại:
– Anh bao nhiêu tuổi rồi?
– Hai mươi!
– Trẻ thế!
Ông cau mày nhìn Ban Pún:
– Còn cô?
– Mười sáu!
– Tuổi trăng rằm!
Ban Pún cúi mặt, im lặng. Ban Pún e thẹn. Ban Pún bẽn lẽn. Dòng xúc cảm trong ông như dâng trào, tình yêu đã đến đỉnh điểm. Ông cầm lấy đôi tay nhỏ nhắn của Ban Pún xiết chặt:
– Giải phóng! Anh sẽ đưa em về thủ đô nhé!
Ban Pún ngỡ ngàng:
– Về thủ đô làm gì?
Ông ấp úng, không nói nên lời. Ông ngượng ngùng, đôi mắt lung linh ngấn lệ. Ông luống cuống, đôi tay cứ run rẩy. Ông loay hoay, nhìn hoa dại, nhìn lá rừng rơi. Ban Pún vẫn đứng, tròn xoa mắt nhìn ông chờ đợi. Ông mặt đỏ gay đỏ gắt:
– Em có biết anh yêu em không?
Ban Pún cứ đứng lơ ngơ. Ông không nói, không cười. Ông không có cách diễn giải. Tình yêu là gì? Với ông, tối mờ mịt. Thế là, ông lia bộ râu như kẽm vào mặt Ban Pún túi bụi. Ban Pún thoáng bối rối, nhưng kịp trấn tĩnh. Đôi tay khỏe khoắn từng tải đạn bom khắp nẻo rừng của Ban Pún, cô cố gắng vùn vẫy, nhưng bất lực. Nụ hôn đầu của người lính giữa trận mạc, ngây ngất và vụn vại. Thời gian như ngưng lại. Tim ông lúc như dừng lại, lúc như đập loạn xạ, ông ngây người. Ban Pún vẫn đứng đó, bất động trong vòng tay ông. Trên đầu, vầng trăng rằm, sáng len lỏi, xuyên qua từng kẽ lá. Ông cố định thần, thở dốc và bẽn lẽn khom xuống Ban Pún.
– Anh xin lỗi em!
Ban Pún lùi dần gương mặt khỏi nơi chiếu sáng của ánh trăng. Ông chỉ nhìn thấy một phần bờ vai của cô run rẩy. Trong nhập nhòa tranh tối tranh sáng của màn đêm, ông vẫn ngồi đó, im lặng. Người con gái ông yêu đầu đời như cứ thoắc ẩn thoắc hiện. Một ảo giác lạ thường trong ông, lúc gần, lúc lại xa ngái. Ông say. Ông say cái hư ảo với nguồn cảm xúc yêu thương bất tận, một cái gì đó kinh khủng xuất hiện. Đất trời rung chuyển, la thét. Cánh rừng như rùng mình, chuyển động. Không gian méo lệch. Ông cố trấn tĩnh. Ban Pún hốt hoảng khi nhìn thấy máy bay địch xuất hiện. Trực thăng nó gầm, nó rú như sấm sét. Nó áp sát ngọn cây. Mưa bom ồ ồ đổ, ồ ạt rơi, khói dày đặc. Ý nghĩ chết chóc dường như chưa từng xảy ra trong ông. Đêm nay, ông lại bồn chồn lo sợ, cái chết và sự sống cứ đan xen, vang lên trong tâm trí ông đến rùng rợn. Ban Pún cầm tay ông hất hãi kéo đi loạng choạng. Sự căng thẳng nơi ông đã truyền sang Ban Pún nỗi kinh hoàng, sợ hãi. Phía trước, sau lưng, ông ngoái đầu nhìn, tiếng nổi: Oành! Oành! Oành!… Chớp giật lóe sáng, đỏ rực tung tóe như đuổi rượt ông và Ban Pún.
Mùi cay của bom, sức nóng của bom, chúng quyện vào nhau, dập vào mặt ông đến ngạt thở. Ông chỉ kịp nhìn ở một hốc cây to. Ông nhanh tay kéo Ban Pún cùng ngã ập vào đó. Ban Pún lăn sát vào ông như tìm sự che chở. Tóc Ban Pún rối tung, che phủ mặt ông. Ông cảm nhận được hơi thở ngọt lịm, nhịp đập thơ ngây của con tim Ban Pún thì thầm, hoảng sợ. Ông hạnh phúc ôm ghì lấy Ban Pún và nghĩ trong gang tất, cả hai sẽ tan xương nát thịt.
Một tiếng nổ như trời sập, hú vang, man rợ ngay bên cạnh ông. Ông ôm xiết lấy Ban Pún, đờ đẫn. Ông tưởng cái chết đã đến. Thế nhưng rất may, tiếng nổ ấy đã kết thúc trận càn đêm hôm đó. Ban Pún rùng mình, duỗi người rời khỏi tay ông. Ông khắp người tê bại. Ông lúng túng đở Ban Pún đứng dậy. Cả hai, áo quần rách toang, mặt mũi lem luốt. Khói thuốc bom khét cháy, vẫn dày đặc. Ông và Ban Pún bước đi ngược chiều gió thổi mạnh, rát buốt. Cả khu rừng như chìm lắng. Ánh trăng rằm sáng vằng vặc. Đêm hôm ấy, khuya lắm, ông và Ban Pún mới rời nhau.
Thời khắc của trận chiến lớn sắp nổ ra. Ông và Ban Pún vì nhiệm vụ nên không có cơ hội gặp nhau. Thỉnh thoảng, ông chỉ kịp nhìn thấy Ban Pún một vài lần, nhưng chỉ là cái nhìn lướt qua. Ban Pún gầy và xanh xao đi nhiều. Ông xót xa, nhưng không biết chia sẻ bằng cách nào. Những ngày hành quân qua các đèo dốc, ông nhớ và thương Ban Pún vô vàn. Tình yêu của ông và Ban Pún nằm trong tình thế nghiệt ngã. Tình hình chiến trường lại nóng như chảo lửa. Đơn vị ông hối hả làm các nhiệm vụ cuối cùng. Ông cứ miên man. Ông khao khát. Ông được ôm Ban Pún vào lòng, rồi chết cũng được. Thế nhưng, chiến trận đang chờ ông…
Chiến dịch Thu Đông năm 1953 – 1954 bùng nổ. Khí phách người lính trong ông cứ sôi sụt. Ông không còn là anh thanh niên thủ đô ngày nào mới nhập ngũ. Đồng đội ông cũng vậy, không sợ số đông từ phía địch. Năm mươi sáu ngày đêm chiến đấu oanh liệt, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, chấn động cả thế giới. Kết thúc chín năm, kháng chiến trường kỳ chống giặc Pháp xâm lược. Ông vẫn nhớ khoảnh khắc cuối cùng của trận chiến. Đất trời rung chuyển, tất cả các pháo bắn đồng loạt, bộ binh quân ta xung phong. Sau một giờ đồng hồ, địch đầu hàng, quân ta đã diệt và bắt sống trên mười sáu nghìn tên địch. Ông băng rừng đi tìm Ban Pún. Đơn vị em đã hy sinh không còn một ai. Em vĩnh viễn nằm lại với núi đồi.
Hơn nửa thế kỷ, những cung đường khói lửa năm xưa giờ đây là những vạt đồi xanh mướt đưa du khách đến với Điện Biên. Ông như một lần nữa được sống, vì ký ức tự hào là người lính Điện Biên đã sống lại. Ông giờ tuổi cao sức yếu. Ông đi lại khó khăn. Chặng đường dài, cô cháu gái phải cận kề dìu ông đi từng bước. Ông về lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội, thắp hương cho người con gái nhỏ năm xưa. Nghĩa trang Độc Lập là nơi an nghỉ của 2.432 liệt sĩ. Hầu hết, họ không có tên trên bia mộ. Ban Pún cũng vậy. Bà nằm chốn nào, ông đã đi tìm đến sáu mươi năm ròng rã. Nước mắt nhòe trên khuôn mặt nhăn nheo.
Chầm chậm bước đi giữa các phần mộ, ông ghé mắt nhìn sát từng tấm bia, đọc thông tin về người đã khuất như mong muốn một điều kỳ diệu sẽ đến. Người con gái năm xưa của ông mang tên loài hoa rừng Tây Bắc – Ban Pún không phải là chiến sĩ vô danh. Thế nhưng, ông cứ lặng lẽ bước đi theo dòng người trong nghĩa trang. Ánh mắt chứa chan, ông không ngừng tìm kiếm, miệng khấn cầu với hy vọng chỉ mong manh… Khắp các nẻo rừng, hoa ban vẫn nở, vẫn khoe sắc.
20/12/2018
Huỳnh Mẫn Chi
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...