Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Châu Hoài Thanh và Tình cha

Châu Hoài Thanh và Tình cha

Đồ bất hiếu! Cút đi! Mày cút đi cho khuất mắt tao! Chiếc ấm tích từ tay cha bay vút ra ngoài sân. Mắt cha long lên, hằn những tia máu. Môi cha tái đi vì tức giận.
Đó là tất cả những gì mà cha đã trút lên đầu tôi khi tôi trở về sau những tháng ngày đi theo đoàn hát. Tôi đã từng nghĩ tới điều đó nhưng chẳng còn cách nào khác là phải quay về với cha.
– Cha! Con biết lỗi rồi… Xin cha đừng đuổi con!
– Mày còn dám vác mặt về đây nữa à? Không xin xỏ gì hết! Cút mau!
Tôi quỳ xuống trước mặt cha:
– Con… Con có lỗi… Xin cha nghĩ lại. Chỉ còn mấy tháng nữa là…
Đôi mắt của mẹ trên bàn thờ nhìn vào cha, rồi nhìn vào tôi đầy trách cứ. Cha nhìn xoáy vào cái bụng lùm lùm của tôi rồi ngồi phịch xuống ghế. Tiếng cha thở hắt, đầy vẻ mệt nhọc:
– Thôi được! Nếu mày chưa muốn đi ngay thì tao cho mày ở lại đêm nay. Ngay ngày mai thì mày phải biến! Biết chưa? Giờ thì mày mang đồ vào nhà đi!
Nước mắt ứ nghẹn nơi cổ, lòng thắt lại nhưng tôi cũng cố chịu. Tôi xứng đáng được nhận những gì hơn thế. Cũng may, cha đã có chút xuống nước. Tôi khệ nệ bê chiếc rương gỗ vào nhà. Đó là tất cả những gì tôi gom nhặt suốt mấy năm qua. Quần áo, cho tôi, cho con và một vài thứ lặt vặt khác.
Tôi đi thẳng vào gian trong. Mấy năm trước, đây là thế giới thu nhỏ của tôi. Còn bây giờ đây là nơi cha chứa thóc, lạc và các nông sản khác. Chiếc giường tre bị lật ngược nằm sát mép tường, hẩm hiu mùi mốc. Mấy tấm giấy báo dán tường lâu ngày đã bong ra từng mảng, nhòe nhoẹt và nham nhở. Tôi bỗng nhớ đến chiếc giường ga nệm hoa trắng ở khách sạn MITSU, nơi tôi và Ban đến vào những chiều sau giờ tập. Lần đầu tiên, tôi đã ngỡ ngàng trước sắc màu thanh khiết và sang trọng. Ban bảo: “Rồi em sẽ được hưởng những gì hơn thế! Chúng xứng đáng để thuộc về em!” Ban cũng như tôi, không thuộc hàng diễn viên có giọng hát hay nhưng về thể hình thì cả tôi và Ban đều thuộc hàng “Tuýp”. Những lúc luyện tập, Ban thường thích ở gần tôi. Con người Ban như có ma lực và tôi đã bị hút chặt vào đó…
Tôi bỗng thở dài. Giấc mơ của tôi đã kết thúc! Nhói và buốt…
Chiều gần tắt nắng, cái nóng vẫn còn hầm hập khắp gian nhà nhỏ. Cha ra ruộng chưa về. Tôi lom khom bên bếp củi cay mùi khói rạ. Nồi cơm sôi lụp bụp. Khi tôi dụi bớt lửa cũng là lúc bụng tôi bỗng nhói đau. Một cục u có lẽ là đầu gối của con tôi đang di chuyển theo vòng tròn nhỏ phía bên phải. Một lúc, cục u lại nằm yên. Cơn đau cũng lui dần. Có lẽ đã đến giờ tôi phải ăn.
Đã gần một tháng kể từ ngày tôi bước chân về ngôi nhà này. Cha đã không đuổi tôi như lời cha nói. Có lẽ tình yêu của một người cha đã chiến thắng mọi tiếng lời cay nghiệt.
Tiếng lộc cộc ngoài ngõ. Cha vác cái cày đi sau, con trâu phì phò đi trước. Cha nặng nhọc bỏ cày xuống và hì hụi buộc mũi trâu vào cộc. Trời đã tối dậm. Thấy tôi thập thò trước cửa bếp, cha hét lên:
– Con điên! Còn đứng đó à? Đi vào ngay! Lỡ có chuyện gì thì đừng có mà trách!
Cha mắng thế nhưng bụng cha không nghĩ thế! Từ hôm về đến nay, cha chưa cho tôi mó tay vào bất cứ việc gì ngoài việc nấu cơm và quét nhà. Cha bảo: “Mọi việc tao không khiến mày làm. Muốn yên thân thì mày phải nghe lời tao!” Nhìn cha khệ nệ xách thùng nước vào nhà tắm cho tôi, đợi tôi tắm xong, cha giục tôi đi vào nhà. Khi tôi vào nhà, cha tắm xong thì vơ đồ của tôi bỏ vào chậu và giặt luôn. Tôi chậm chạp bước ra nhà tắm để dành phần giặt thì bị cha quát: “Con điên! Mày muốn mẹ mày ở dưới trở về trách mắng tao à?”
Mới sáng sớm, tôi còn nằm nướng thêm tý chút thì đã thấy cha te tái cắp rổ từ chợ về, trong rổ thể nào cũng có vài con cá hoặc vài lạng thịt. Từ ngày có tôi, cha đi chợ nhiều hơn. Rau trong vườn thì đã có sẵn, tôi ra đó hái vào nấu canh. Nhà chỉ có hai cha con, bữa ăn cũng đơn giản lắm. Cha thường nhường thức ăn cho tôi. Mỗi lần được cha gắp thức ăn, tôi lại bần thần nhớ đến bữa ăn sang trọng mà Ban đã dành cho tôi. Ban bảo: Em cứ ăn đi! Ăn cho bằng hết. Rồi sau này bữa ăn của chúng ta sẽ còn ngon hơn thế!
Mẹ tôi là một người đàn bà đẹp. Mẹ có mái tóc rất dày, chúng còn dài và đen nữa. Mỗi lần mẹ gội đầu, cha phải ngồi bên, dùng cái lược bằng nhôm từ thời chiến tranh, gỡ nhẹ những búi tóc rối. Những lúc ấy, tôi vừa nhảy quanh, vừa đùa nghịch làm rối tung tóc mẹ. Cha mắng tôi là đứa con gái lì lợm, chắc sau này lớn lên thì chẳng được nhờ. Vậy mà cha nói đúng. Học hết cấp ba, ở nhà chưa đầy năm thì tôi theo chân đoàn hát của ông Sáu Hò ở Huế sau một tuần đoàn ở lại xã tôi biểu diễn mặc cho cha mẹ cấm cản. Tôi đi gần hai năm thì mẹ tôi đột ngột qua đời. Thư cha đến tay thì đã gần đến năm mươi ngày cúng mẹ. Đội con bão năm ấy, tôi dứt tay Ban để đón xe ca về nhà. Dưới con mưa như trút, cha lặng lẽ dắt tay tôi ra mộ mẹ. Tôi khóc dưới mưa. Mưa hòa lẫn nước mắt, lênh láng chảy từ mái tóc tôi, xuống áo, xuống chân. Lạnh lẽo và run rẫy. Đợi tôi nguôi ngoai, cha lại lặng lẽ dắt tay tôi trở về. Đến bên bàn thờ mẹ, cha kéo tôi ngồi thụp, cúi đầu xuống.
– Mày hãy lạy bà ấy để bà ấy tha thứ cho mày. Vì mày mà bà ấy phải chết. Vì mày đấy con ạ!
Tôi ngạc nhiên như kẻ từ trên trời rớt xuống. Từ ngày biết có cha trên cõi đời này, chưa bao giờ tôi nghe một tiếng “mày – tao” từ cha. Cha luôn gọi tôi là “con gái”. Con gái thế này, con gái thế kia… Tôi nhìn sâu vào mắt cha, chờ đợi một câu nói khác nhưng cha vẫn im lặng. Một lát, cha nhắc lại:
– Mày lạy bà ấy đi!
Có lẽ cái chết của mẹ làm cha thay đổi. Tôi đinh ninh thế và làm theo cha như một cái máy.
Ở nhà với cha được ba ngày thì tôi trở lại đoàn. Sợ lời đe dọa của ông trưởng đoàn thì ít mà nỗi nhớ Ban trong tôi thì lại tràn đầy. Ban mạnh mẽ, Ban tràn trề và Ban cũng thật hấp dẫn. Con người Ban, đôi mắt Ban, nụ cười Ban và bàn tay của Ban luôn làm cho tôi cảm thấy sung sướng. Con người của tôi đã thuộc về Ban. Tình yêu của tôi đã thuộc về Ban. Tôi ở nhà với cha sao được!
Ban ào ra cửa đón tôi. Vòng tay Ban mở ra. Tôi lại nhỏ bé trong vòm ngực rộng của Ban. Môi Ban ấm và ngọt. Cơ thể Ban tràn trề nhựa sống. Tôi như kẻ khát gặp mưa. Ban kết thúc những ham muốn sau một hồi hạo hực. Ban bảo Ban nhớ tôi đến phát điên. Tôi hỏi điên gì? Điên tình. Ban cười.
Những lá thư giữa hai cha con tôi thưa dần. Rồi sau này, lời trách cứ của cha trong thư ngày càng nhiều. Mặc! Tôi đã có cuộc sống của riêng mình. Cha không còn là gì trong mắt tôi nữa.
Một năm ba tháng hai mươi ngày sống cùng Ban, tôi đã nhận ra sự giả dối trong con người của gã. Tôi biết, ngoài tôi, Ban còn chung đụng với Thanh Nhàn, diễn viên mới, cũng là con gái của trưởng đoàn.
Những cuộc cãi vã giữa tôi và Ban ngày càng nhiều. Tôi bảo, tôi không thể chịu đựng được sự lừa dối. Ban bảo, cuộc sống bây giờ là phải thế. Cô có muốn tôi được làm giọng ca chính của đoàn không? Nếu muốn thì cô phải chịu thiệt! Tôi hét lên. Anh là một kẻ vô liêm sĩ! Ban cũng chẳng là tay vừa. Anh ta quay ngoắt lại và hét vào mặt tôi. Chính cô là kẻ vô liêm sĩ, dám bỏ rơi cả cha mẹ mình! Tai tôi ù đi. Vì ai mà tôi như thế? Có phải là vì anh ta không? Ngày trước, khi đoàn hát về làng, thấy tôi len lén sau cánh gà, anh ta đến làm quen, đòi nghe tôi hát thử, rồi bảo, nếu tôi đi theo thì anh ta sẽ lo lót để tôi trở thành giọng ca vàng của đoàn. Tôi là người có sắc đep và giọng ca trời phú. Anh ta còn kể về cuộc sống sung sướng, hào nhoáng nơi vùng đất mới.
Tôi đã dứt khoát với quyết định bỏ đoàn hát, bỏ cả bóng hình của Ban để trở về. Tôi đã giận run lên khi phát hiện ra những bức thư của cha viết cho tôi giấu dưới đáy tủ đựng đồ vặt của Ban. Những bức thư thống thiết và bất lực. Tôi đã hiểu vì sao mẹ mất gần hai tháng thì tôi mới nhận được thư cha…
– Mai là ngày giỗ mẹ mày rồi đấy! Mày nhớ ở nhà lau chùi bàn thờ, nhà cửa cho sạch. Sáng mai tao đi chợ sớm mua mấy nải chuối hương…
Cha nói và đi làm. Nắng chiều theo chân cha rãi ra đến ngõ. Tôi bần thần nhìn lên ảnh mẹ. Mẹ tôi mất mới đó mà đã ba năm.
Khi với tay lấy tấm ảnh mẹ xuống để lau chùi thì tôi nghe nhói ở bụng dưới, và rồi, nước ở đâu trong người tôi cứ thể chảy tràn ra chiếc ghế nhỏ mà tôi đang đứng. Lẽ nào… Tôi bật gọi: Cha ơi, rồi hốt hoảng lao vào giường. Nước vẫn không ngừng chảy. Bụng tôi ngày càng đau dữ dội. Cơn đau cứ tăng dần. Tôi cấu hai tay vào mép giường mà gọi tên cha.
Khi cha về đầu ngõ, nghe tiếng gọi yếu ớt của tôi thì vội vã chạy vào. Cha bế tôi lên và chạy về phía trạm xá xã.
Sau hai tiếng đồng hồ, một đứa bé đã chào đời. Cha tôi vui sướng thét lên:
– Nó là con trai. Nặng ba kí lô tư. Là con trai… Con gái của cha ạ!
Lần đầu tiên sau khi tôi phát hiện ra sự thay đổi trong con người cha, lần đầu tiên sau hơn mấy tháng sống bên cha, tôi mới được nghe lại tiếng “con gái” từ cha. Quên hết mệt nhọc và đớn đau, tôi gọi:
– Cha ơi! Cha hãy bế nó lại đây cho con!
Cha tôi vui sướng xòe bàn tay to bè, chai sạn đỡ lấy nó từ tay cô hộ lý. Một khuôn mặt tròn trịa bé nhỏ đến dễ thương. Ôi con tôi! Nước mắt tôi chảy ra. Ngọt và đắng. Nó là con của tôi! Là con của chỉ riêng tôi! Con trai tôi đã ra đời đúng vào ngày giỗ mẹ. Ngày 21-8… Tôi quên sao được!.
7/8/2018
Châu Hoài Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...