Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Chuyện bên kè đá - Truyện ngắn Trần Thanh Cảnh

Chuyện bên kè đá
Truyện ngắn Trần Thanh Cảnh

Đến bờ kè, tôi thấy một chiếc nón lá để ngửa, trong lòng nón có đôi dép nhựa, đặt ngay ngắn cẩn thận đè lên cái chứng minh nhân dân của dì Hương và một tờ giấy có vài dòng nguệch ngoạc: “Dì thấy mình chả thiết sống nữa. Dì cũng không còn mong đợi gì ở cuộc đời này. Long đưa dì về chôn cạnh ông bà ngoại nhé!”
Nhà văn Trần Thanh Cảnh
Dì Hương, vợ chú Thông tự tử.
Dì trầm mình xuống sông Đuống, chỗ kè đá.
Buổi sáng, dì dậy sớm như thường, nấu ăn cho mọi người trong nhà, rồi bảo với chú, tôi qua nhà chị Lan chơi. Chị Lan là chị gái của dì, mẹ tôi. Mãi trưa, không thấy dì về, mọi người đổ đi tìm. Như có một ai đó dắt, tôi đi ra phía bờ sông, lối xuống kè đá. Đường đi xuống bến sông rậm rạp um tùm những cỏ gianh cỏ lau ngút đầu người. Ngày trước, bãi sông quê tôi xanh mướt ngô rau. Con đường đi xuống kè đá bến sông chiều đến tấp nập người gánh nước tưới rau màu. Dịp gần đây, đồng bãi chuyển sang trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu. Con đường xuống bến lấy nước không dùng đến, thành ra như con đường hoang.
Đến bờ kè, tôi thấy một chiếc nón lá để ngửa, trong lòng nón có đôi dép nhựa, đặt ngay ngắn cẩn thận đè lên cái chứng minh nhân dân của dì Hương và một tờ giấy có vài dòng nguệch ngoạc: “Dì thấy mình chả thiết sống nữa. Dì cũng không còn mong đợi gì ở cuộc đời này. Long đưa dì về chôn cạnh ông bà ngoại nhé!”
Đọc xong mấy dòng chữ dì Hương để lại, đầu tôi như bị đơ. Ngồi thụp xuống bờ sông, không nghĩ ra được mình phải làm gì.
Mà sao dì lại để thư cho tôi?
Sông Đuống tháng sáu, nước đã khá cao, nguồn đỏ. Gầm gừ.
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông.
Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm.
Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non. Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế.
Ông ngoại tôi cố giấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông.
Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao”.
Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
Bến sông làng tôi có cái kè đá.
Rất nhiều người đã chọn làm nơi kết thúc cuộc đời.
Xưa, đấy là chỗ lấy nước tưới rau màu đồng bãi. Và cũng là bến đò ngang, sang bên kia sông hồi chưa có cầu.
Ngày tôi còn bé, chơi bên nhà ông ngoại, nghe ông ngồi rung đùi uống nước chè mạn Hà Giang với mấy ông bạn du kích cũ, kể, hồi kháng chiến, cho cai Tuân, đội Thân… đi “mò tôm” ở kè đá. Tôi hỏi, ông ơi, ở kè đá có nhiều tôm càng to lắm phải không? Cháu rất thích ăn cơm với tôm càng to rang muối. Ông tôi xoa đầu bảo: “Cháu không được ra chơi ngoài kè đá một mình nhé. Dưới đấy có con thuồng luồng chuyên rút chân trẻ con xuống sông ăn thịt”.
Lớn hơn một chút, tôi thích đi câu tôm với lũ bạn ở kè đá.
Nhiều hôm hứng lên, rủ nhau bơi qua bờ bên kia vặt trộm ngô hay bẻ mía của làng Lãng, mặc dù bên này các thứ ấy cũng đầy bãi. Hình như ngô và mía bên Lãng ngọt hơn.
Nhưng tôi vẫn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên bơi ra giữa sông. Ở trên bờ thì thấy cũng thường thôi. Nhưng khi ra giữa sông rồi, tự nhiên có cảm giác con sông này rộng kinh khủng, bốn bề mênh mông toàn nước. Câu chuyện về con thuồng luồng chuyên rút chân người ăn thịt chợt hiện về. Chân tay tự nhiên thấy chới với. Rờn rợn. Sau này, bơi nhiều lần, quen, không còn cảm giác ấy nữa.
Người làng tôi nói với nhau là ai đó, đi “tắm mát”, “mò tôm” ở kè đá. Nghĩa là đời họ đã đi đứt.
Ông ngoại tôi kể, hồi Pháp đóng đồn ở đầu đê. Bắt được ông Dương Hữu Nam, là đội trưởng du kích làng Nghi Xá. Trói giật cánh khuỷu, giải ra bờ kè xử bắn. Khi toán lính còn đang hô lên đạn, ông Nam nhảy tòm xuống sông, lặn ra giữa dòng. Lính bắn theo xuống nước đạn rơi bồm bộp như trẻ trâu chơi trò thia lia. Thế mà ông Nam thoát chết. Sau này, ông ấy làm đến chức chủ tịch huyện. Cũng vẫn ông ngoại tôi kể, hồi cải cách ruộng đất, ba địa chủ bị bắn ngay trên kè, liền một lúc. Máu đỏ loang khúc sông. Bắn người ở kè đá rất tiện, khỏi phải chôn. Bắn xong, đạp xác xuống nước, trôi tít về biển, làm mồi cho cá.
Năm ngoái, cũng mùa nước lên. Cụ Thư, bô lão cao niên nhất làng, râu tóc bạc phơ, đẹp như tiên, cũng ra kè đá. Lúc cụ ấy đi từ làng ra sông, gặp đứa cháu ngoại đi làm đồng bãi về, hỏi: “Ông đi đâu đấy”, “Tao ra kè đá tắm mát đây. Sống mãi chả chết cho. Chán lắm”. Đứa cháu cứ tưởng cụ đùa. Đi lên đến bờ đê mới giật mình, chạy trở lại. Thì trên bờ kè đá chỉ còn mỗi đôi dép. Cụ Thư đã chìm nghỉm, trôi tít tận đâu đâu rồi. Nhà cụ Thư thuộc hàng danh giá trong làng. Tứ đại nhà cụ quây quần với nhau trong mấy cái nhà cổ giữa làng. Khi vớt được xác cụ ấy lên để làm ma, cô con gái út của cụ lấy chồng xa, về gào khóc kể lể, thì người làng mới biết. Tay con trưởng, năm nay cũng đã hơn bảy mươi, đối xử với cụ chả ra gì. Tay này là cán bộ hưu trí, diện tiền khởi nghĩa. Lương cao, chiều nào cũng rung đùi làm một be rượu thịt. Còn ông bố, gần trăm tuổi, thì tay con bảo, già rồi, không nên ăn các thức khó tiêu, cho mỗi ngày một bìa đậu chấm muối và cốc nước nguội… Cụ Thư, nhiều hôm thèm rượu quá, uống trộm của con trai đôi chén rồi say. Lăn đùng ra nền nhà ngủ. Khốn khổ, khi người ta già đi, tửu lượng cũng thấp xuống, có hết mấy xu rượu đâu. Thế mà tay con trai nó xỉ vả là nát rượu. Cụ uất, ra sông…
Hồi vợ đầu chú Thông lao xuống sông chết, tôi đang học đại học ở Hà Nội, không biết. Cuối tuần về xin tiếp tế, cũng chả thấy ai kể gì. Có lẽ mọi người cho là không có gì liên quan về cái sự chết của một người đàn bà trẻ với một thằng trai như tôi.
Nhưng cũng có vụ chết ở kè đá làm rung động cả làng, cả vùng khá lâu. Hồi năm thứ ba, tôi ôn thi cuối kỳ, mấy tháng mới về nghỉ hè. Đến đầu làng, đã có người túm lấy thì thào, cô Hân với thằng Quý chết rồi, mày biết không?
Sao lại chết?
Cô Hân nhận thằng Quý là con nuôi từ mươi năm nay.
Mà chết thế nào?
Hai người ấy tự trói tay, trói chân vào nhau rồi lăn từ kè đá xuống sông.
Nhà ông ngoại tôi có năm anh chị em.
Mẹ tôi là cả, dì Hương là út, giữa là ba cậu. Thế cho nên, tuy là dì cháu, nhưng dì Hương chỉ hơn tôi vài tuổi. Tôi và dì thân nhau. Hồi dì đi lấy chồng, thì tôi vừa ra trường, bị điều đi miền núi, khá xa. Ngày ấy đường sá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn, tôi không về được. Dì Hương gửi cho tôi một lá thư, y như là gửi chào bạn bè để đi lấy chồng vậy. Dì bảo, biết thân phận mình xấu xí kém cỏi, đành phải lấy ông chồng đã qua một đời vợ. Dì mong sau này, đẻ được một thằng con trai, nuôi dạy nó đi học đại học như Long (tên tôi). Lấy đó làm niềm an ủi trong cuộc đời.
Tôi đọc thư nhưng cũng chả để tâm. Vì hồi ấy tôi còn rất trẻ. Mà con gái vùng núi tôi ở rất xinh. Cô nào cô ấy, da trắng môi hồng, bộ ngực nở căng trong cái áo chàm lúc nào cũng chỉ chực bung khuy. Đẹp mê man.
Ngày còn ở nhà, hoặc thời gian đang học ngoài Hà Nội, mỗi khi tôi về làng, những buổi tối, dì Hương thường đến nhà tôi chơi. Nhà ông ngoại tôi ở xóm ngõ Nón, còn nhà tôi ở xóm ngõ Ván, cùng làng. Hai dì cháu thường rì rầm trò chuyện đến khuya. Vừa chuyện vừa tẽ ngô hay bóc lạc. Những câu chuyện của dì cháu tôi cứ lan man hết chuyện nhà rồi lại sang chuyện trong làng ngoài xóm. Rồi cả những chuyện vớ vẩn ở trường ở lớp của tôi. Bây giờ, tôi cũng chả còn nhớ nổi là dì cháu tôi đã nói với nhau những gì trong cái u tịch thanh vắng của làng quê xưa. Không điện. Không ti vi. Không đài. Thỉnh thoảng, vài con ễnh ương oe oé gọi bạn tình trong đêm. Những con đom đóm bay lên lộn xuống theo một vũ điệu huyền hoặc ma quái, cả khoảng vườn trước nhà như có hội hoa đăng… Khuya, dì tôi rón rén cầm cái đèn dầu hỏa, tay bịt bớt dưới chỗ thông phong cho khỏi tắt, bảo tôi: “Cháu vào ngủ đi để mai còn ra trường sớm”. Tôi thường đứng nhìn cái bóng chập chờn của dì trên con đường làng tối đen như mực. Khi cái bóng ấy khuất vào đầu ngõ Nón, tôi mới quay vào nhà đi nằm. Không hiểu sao, rất nhiều năm sau, đi lang bạt kỳ hồ không biết bao nhiêu vùng đất. Mỗi khi thoáng nhớ đến dì Hương, tôi lại nhớ cái bóng người nhòe nhòe sáng sau lưng ngọn đèn dầu khi xưa.
Ông bà ngoại tôi đã mất từ lâu.
Ngày còn sống, ông tôi bảo, thằng này tuổi hổ, hay quên. Chỉ cần ra ngoài đường, gió thổi vào tai là quên bẵng mọi sự.
Có lẽ thế thật.
Tôi ra trường, đi lang thang nhiều nơi. Do công việc kinh doanh làm ăn phải thế. Nhưng nhiều nơi, chỉ là do tôi có máu tò mò, muốn xem nơi ấy ra sao. Rồi khi lấy vợ và chuyển về thành phố, tôi vẫn không bỏ được cái tật thích đi lang thang thăm thú những nơi xa lạ, hoang vắng. Cái thú ấy, bây giờ bọn trẻ trên mạng nó gọi là phượt. Thế nhưng, tôi lại rất ít về quê. Xuân thu nhị kỳ, tết đến đảo qua tí. Đến hồi có điện thoại di động thì tôi lại càng lười về. Cuối tuần, đang ngủ đêm mãi trên Mèo Vạc, gọi về cho bố mẹ vài câu. Hỏi thăm sức khỏe. Nói dạo này con công việc liên miên, không dứt ra được, rất bận. Chuyển ít tiền vào tài khoản ông anh cả biếu các cụ. Thế là đủ. Tôi rất yên tâm với vụ làm con của mình. Tôi là con út trong nhà.
Lúc còn ở làng, tôi với dì Hương thân nhau. Thế mà mấy chục năm ra trường, đi làm, lấy vợ sinh con lập nghiệp nơi thành thị. Tôi hầu như quên mất là mình còn có người dì nơi quê.
Hôm giữa tuần, dì Hương đột ngột gọi vào máy di động của tôi bằng số của anh cả: “Thứ bảy Long về quê dì bảo cái này nhé, nhất thiết phải về đấy”.
Giọng dì ngàn ngạt trong máy.
Mà lại là lần đầu tiên dì gọi điện thoại cho tôi.
Chú Thông, chồng dì Hương nhà ở xóm Ghen.
Sự thật là, tên xóm ấy có từ nghìn năm rồi, tôi không bịa ra được. Nhưng tôi thấy đàn ông đàn bà ở cái xóm ấy rất chi là hoa lá cành, mà cũng chả thấy ai ghen ai bao giờ. Mạnh Hoạt, là tay trai lơ nổi tiếng xóm đó. Đàn ngọt, hát quan họ hay thôi rồi. Hai bàn tay hắn có cả mười cái hoa tay, làm việc gì cũng khéo. Cứ ra khỏi nhà là có gái theo về. Thế mà vợ hắn coi như không. Có lần, hắn mang hai em về một lúc, ăn ở dưới nhà ngang. Còn hắn, vẫn ở với vợ nhà trên. Hàng ngày, hai gái ra đồng làm màu, chăm lúa. Vợ chồng hắn ở nhà rung đùi đàn ca sáo nhị. Thế mà chả hiểu làm sao, một hôm hai gái dắt nhau đi làm cỏ lúa ngoài cánh đồng đầu làng, lại nhảy vào cắn xé ghen tuông ầm ĩ. Vợ Hoạt ra, hai tay chống nạnh, bảo: “Rõ dơ. Vợ chả thèm ghen, mà mấy cái con đánh đĩ theo không, thì cứ cuồng lên với nhau vì con chim lơ. Cút đi cho yên nhà bà”. Hai gái ngượng, cắp nón đi thẳng.
Nhà chú Thông sát ngay nhà Mạnh Hoạt.
Chú là con trai duy nhất của một gia đình mấy đời nối nhau buôn bè. Thứ nhất buôn bè… Là dân làng nói về cái sự giàu có của gia đình ấy. Ngày trước, trên mạn ngược, rừng còn nhiều lâm sản. Cánh buôn bè dưới xuôi lên, thuê dân bản địa chặt gỗ, tre luồng, nứa ngộ… đóng thành bè trôi xuôi. Về đến kè đá, neo lại, dỡ ra bán dần cho thợ mộc, cho người dựng nhà quanh vùng. Lại còn cơ man nào là sản vật mộc nhĩ nấm hương sa nhân hồi quế. Cánh đi bè trong vùng còn thì thào với nhau, nhà ấy còn chơi cả món cơm đen. Nên nhà chú Thông rất giàu. Giàu ngấm giàu ngầm.
Năm chú Thông mười tám tuổi vẫn thấp bé như cái kẹo. Đã thế mặt mũi lại ngắn nhù, trông chả giống ai. Bố mẹ chú ấy tính cưới vợ cho con trai ngay, hy vọng đời cháu trông khá khẩm hơn. Hỏi chú Thông xem ưng đứa nào trong làng để cho người đến ướm. Chú bảo chỉ mê mỗi cô Bắc, con bà Tám ở xóm Đình đầu làng.
Không cứ chú Thông, trai cả làng đều mê cô Bắc.
Đàn ông quanh vùng hễ nhìn thấy cô Bắc buổi chiều, thì y như rằng, đêm hôm ấy về nằm quay lưng lại vợ mà thở dài một mình.
Nhà cô Bắc có một cái quán bán nước chè xanh nước vối và dăm món quà quê ở dưới gốc đa, cạnh đình làng. Cô Bắc chỉ học hết cấp hai rồi ở nhà phụ bà Tám bán hàng, làm đồng.
Quán nhà cô ấy rất đông. Nhiều nhất là đám trai chưa vợ trong làng, suốt ngày dặt dẹo lê la đầu đình, gốc đa. Chỉ mong được nhìn thấy cô cười một cái. Cô cười rất xinh. Đôi môi quả tim, đỏ hồng như bông bích đào. Mỗi khi cô nhoẻn miệng cười, hàm răng trắng đều tăm tắp sáng lấp lánh.
Chú Thông chưa bao giờ dám ra quán cô ngồi. Chú chỉ đi loanh quanh ở phía đằng xa, ngắm trộm. Rồi chú về nhà, trùm chăn kín đầu, tưởng tượng ra những cái hay ho của cô Bắc. Khi mà một bà trong họ, được mẹ chú Thông cậy nhờ, đến ướm lời với bà Tám, muốn xin cô Bắc về làm dâu thì bà Tám cười váng góc làng. Bà ấy bảo, lấy con nhà tôi làm dâu, không dễ mà cũng không khó. Con tôi chim sa cá lặn, cả vùng này không đứa nào đẹp như nó. Bà về nói với nhà ấy, cứ chọn ngày lành, biện đủ lễ vật: năm trăm lá trầu, năm trăm quả cau, năm mươi lít rượu, năm con gà trống làng Hồ, năm con lợn tạ. Một cái kiềng vàng năm chỉ và tiền mặt năm trăm đồng không thiếu một xu, đưa đến đây. Tôi cho đón dâu ngay tút xuýt. Lệ cưới xin làng tôi, bao giờ nhà gái cũng thách cưới khá. Xưa, nhiều đôi âm thầm yêu nhau, nhưng chỉ vì thách cưới quá nặng mà chịu chết không được ở với nhau. Nhưng thách cưới nhiều như bà Tám, xưa nay chưa từng có. Chắc bà ấy chủ định thách cao, để cho mẹ chú Thông tiếc tiền, bỏ cuộc.
Hồi ấy, năm trăm đồng là cả một tài sản kinh hoàng. Chỉ có sáu mươi đồng là mua được một chỉ vàng. Mà nổi tiếng đảm đang buôn bán giỏi như con gái làng tôi, cuối năm cô nào mua được cái nhẫn một chỉ đeo vào ngón tay chơi tết là kinh lắm, tiếng đồn giỏi giang ran khắp hàng huyện.
Mẹ chú Thông bảo, kể cả phải bán hết gia sản, tôi cũng quyết cưới con Bắc về làm dâu nhà này.
Hôm nhà trai dẫn lễ rồi xin đón dâu ngay, bà Tám ngồi đần mặt ra mất một lúc, rồi lại tươi cười như không. Bà ấy bảo, nhà này xưa nay trọng chữ tín, người lớn đã nói với nhau một là một, hai là hai, không thể thay đổi.
Nhưng làng xóm nói, bà ấy tham tiền, đem bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.
Cũng lạ, cô Bắc về làm dâu nhà ấy không khóc lóc, oán thán hay vật vã đau khổ gì. Những người đi dự đám cưới về chỉ bảo thấy mặt nó bình thường, không ra buồn, cũng không ra vui.
Từ ấy, người ta gọi cô Bắc là cô năm trăm.
Cô ấy cũng không nói gì. Cô rất hiền.
Mạnh Hoạt là hàng xóm, sang chủ hôn, hát hò ầm ĩ cả buổi chiều.
Tối, trời đổ mưa to, mưa dai dẳng. Ngồi nhìn mưa nước chảy tràn sân, Mạnh Hoạt buồn tình, lấy đàn ra bập bùng, rồi soạn một bài hát rất lạ. Không ra quan họ, cũng chẳng phải nhạc mới. Nghe thê lương:
Trời mưa bong bóng phập phồng
Em về nhà chồng anh thấy tim đau…
Cô Bắc về làm dâu nhà ấy đúng năm năm.
Một buổi sáng, cũng mùa nước lũ đang dâng. Cô ấy ra kè đá.
Mới đầu cô rửa chân. Cô vo cao quần lên khỏi gối. Bắp chân thon thả, trắng nõn như ngó sen. Mấy tay trai làng đang ngồi câu cá gần đấy, mặt cứ thộn ra. Rồi cô khoát nước sông rửa mặt, mà rửa rất lâu, đến nỗi mặt ửng lên hồng rực. Cô từ từ lội xuống, bất ngờ nhao mình ra giữa dòng nước đỏ bầm đang sủi bọt, cuồn cuộn chảy… Khi mấy tay trai ngồi câu kịp hiểu ra chuyện gì thì cô Bắc đã mất tăm tích. Nước sông đang lên mà lao ra dòng xiết, chỉ có giời cứu. Năm ngày sau, xác cô ấy mới nổi lên dưới Lục Đầu.
Thứ bảy, tôi về quê.
Lòng hoang mang. Không hiểu có chuyện gì mà dì Hương lại nhắn tôi khẩn thiết vậy.
Tám giờ tối, vừa ăn cơm xong thì thấy dì đến. Hơn hai chục năm trôi qua, dì tôi đã bốn mươi chín tuổi rồi. Còn tôi, cũng đang giữa thời tứ thập nhi bất hoặc. Và cũng đã lâu, dì cháu chả gặp nhau. Nhưng hình như tình máu mủ ruột rà nó có một sự giao cảm phi lý nào đó. Nhìn thấy người dì đang bắt đầu chu kỳ già nua khô héo của cuộc đời bước vào nhà, tôi thấy hình như không tồn tại cái khoảng thời gian mênh mông giữa tôi và dì. Trong lòng tôi bỗng trào lên cái cảm giác xót xa. Sểnh mẹ bú dì…
Hai dì cháu kéo ghế ra sân ngồi nói chuyện, rì rầm, như xưa.
Làng tôi giờ đã khá hiện đại. Những khoảng vườn, những cái ao đen mò bí hiểm xưa đã biến mất. Những ngôi nhà cao tầng chập chờn trong ánh điện nê ông compact xanh xao. Tiếng ti vi các nhà mở đan xen lẫn lộn, hòa thành một thứ âm thanh kỳ lạ, làu nhàu, rỉ rả… Những âm thanh và bóng tối nhờ nhờ vô tình lại làm cho cuộc nói chuyện của dì cháu tôi đêm ấy trở thành riêng tư, không ngại ngần.
Cô Bắc, vợ trước của chú Thông, lúc chết vẫn là gái trinh.
Là vì chú Thông lúc ấy không có khả năng làm đàn ông. Chim của chú ấy bé như quả ớt chỉ thiên. Còn hai hạt giống, chỉ to bằng quả xoan ta. Đấy là một bí mật đau đớn của gia đình chú Thông. Gia đình ấy lại là chi trưởng của dòng họ Dương, rất lớn trong làng, mà chú Thông là con duy nhất. Biết con kém cỏi vậy, nên bà mẹ chú ấy quyết cưới bằng được cô Bắc về, hy vọng mong manh, thái âm bổ dương. Biết đâu, hàng đêm, được ôm ấp một tuyệt sắc giai nhân, dương khí của chú ấy sẽ phát tiết mạnh. Thế là đêm đêm, cô vợ trinh trắng nồng nàn phải ôm ấp một tay chồng vô tích sự, mềm oặt. Ban ngày thì mẹ chú Thông kèm cô Bắc riết lắm, đi đâu, làm gì cũng theo cùng. Vì biết dâu mình, tuy là gái có chồng, nhưng ra đường vẫn còn cả huyện trai xin chết.
Cuộc sống cứ thế. Một hôm, hai hôm. Một tháng, hai tháng. Còn cố mà nhịn được. Chứ kéo dài từ năm này qua năm khác, đến gỗ đá còn tan, nói gì là người. Cô Bắc bức xúc, không chịu nổi. Cô muốn được ly hôn. Bà mẹ chồng cô ngọt nhạt nói, con muốn bỏ con trai mẹ cũng được, thì con cứ về nhà đẻ, bảo mang tất cả những lễ lạt hồi cưới con về đây rồi đi đâu thì hãy đi.
Bố cô Bắc, từ khi gả con được món lớn đâm ra đổ đốn, rượu chè cờ bạc thành thần. Chỉ trong vòng một năm, ông ấy phá sạch sẽ của nả. Nhà cửa ruộng vườn cũng bán hết. Bố mẹ cô ấy giờ tá túc ở cái quán bé tẹo gốc đa.
Thế cho nên cô Bắc cứ phải ở kéo cày trả nợ nhà chồng. Bí bách quá, cô nghĩ quẩn. Một chiều, cô đi ra kè đá…
Hồi sau này, y học nước ta cũng phát triển dần. Gia đình chú Thông âm thầm đưa chú ấy ra bệnh viện Hà Nội khám chữa. Uống thuốc, rồi tiêm nội tiết tố nam vào người, nghe chừng chú Thông cũng hoành tráng ra phết. Bà mẹ chú Thông khấp khởi hy vọng có cháu bế. Bà lại lăm le đánh tiếng hỏi vợ cho chú. Nhưng câu chuyện ẩn ức của cô Bắc, dù không ai trong nhà kể chi tiết, mà cả làng cả tổng đều biết. Thế nên gái cả vùng, nhắc đến chú Thông, cô nào cũng le lưỡi, em chịu. Có cho em cả đấu vàng em cũng xin kiếu.
Nhưng dì Hương tôi, năm ấy đã hai mươi nhăm tuổi. Cùng lứa với dì, nhiều cô đã bốn năm con. Vả lại, nhan sắc dì tôi rất khiêm tốn, hình như bà mụ nặn nhầm. Đấy là lời bà ngoại tôi thường hay nói vụng dì. Còn ông ngoại tôi, chỉ thở dài khi nhìn con gái.
Chú Thông hỏi mãi mà chả có cô nào đồng ý làm vợ. Có người bà con xa mới gợi ý, hay là đến hỏi cô Hương ở xóm ngõ Ván. Cô ấy không được xinh, nhưng hiền lành, khỏe mạnh. Vả lại, năm nay cô ấy cũng cứng tuổi rồi mà chưa có đám nào nhòm ngó, đến hỏi chắc được.
Thế là dì Hương tôi về làm vợ chú Thông. Để cho ông bà ngoại tôi đêm đêm bớt tiếng thở dài. Và, dì cũng mong có tấm chồng như mọi người con gái khác. Hy vọng, biết đâu sẽ có đứa con bù đắp cho những khiếm khuyết thua thiệt của cuộc đời mình.
Y học nước mình đã có nhiều tiến bộ. Chú Thông cũng đã làm được chồng như ai. Nhưng cái căn bệnh quái ác mà chú mắc phải khi còn nhỏ, làm cho hai hạt giống của chú teo lại, điếc đặc. Thì các thày thuốc ngoài bệnh viện trung ương cũng bó tay. Chú Thông vĩnh viễn không thể có con. Vì hai hạt giống của chú, không sản xuất ra một con nòng nọc nào. Kể cả một con cụt đuôi cũng không. Khi bác sĩ sản khoa Hoàng Thiên Phương, gọi vợ chồng chú Thông vào phòng để giải thích cho nghe kết quả xét nghiệm, dì Hương thấy như đất sụt dưới chân. Những hy vọng về đứa con bù chì của dì bay biến. Dì níu tay bác sĩ, hỏi: “Có còn cách nào để vợ chồng em có con được không”.
Năm ấy, dì hai mươi tám tuổi, ở với chú Thông được ba năm.
Nhìn vợ chồng dì tội nghiệp thiết tha có một đứa con quá, bác sĩ Phương động lòng thương. Dành một tiếng đồng hồ tư vấn cho vợ chồng dì cách thức để có thể có con. Ngày ấy chưa có kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như bây giờ. Khoa học đỉnh cao là xin tinh trùng của người khỏe mạnh, rồi bơm vào cho người nữ. Hoặc là xin con nuôi. Vợ chồng dì chọn cách đầu tiên. Thế nhưng có thể do cơ thể dì quá nhạy cảm với những thứ dụng cụ y khoa lạnh lẽo nồng nồng mùi thuốc sát trùng, nên đến viện làm mấy lần mà chả thành công. Dì buồn. Chú Thông cũng buồn. Chú Thông, tuy bé nhỏ xấu trai, lại đã qua một đời vợ, nhưng hình như chú cũng yêu dì. Chú mong dì đẻ một đứa con cho ấm nhà. Tay bác sĩ sản khoa thấy vậy, lại bảo với cả hai vợ chồng dì, do cơ địa của dì quá nhạy cảm, không thích hợp với phương pháp ấy, hay là chuyển sang cách xin trực tiếp.
Hôm chú Thông vào phòng làm việc đặt vấn đề xin con, bác sĩ sản khoa Hoàng Thiên Phương hơi hốt, nghĩ có khi thằng cha này âm mưu bẫy mình.
Nhưng khi cả hai vợ chồng dì cùng đến gặp. Nói, vợ chồng em thấy bác sĩ học rộng tài cao, lại đẹp trai phong nhã, thôi vợ chồng em cứ là xin anh làm ơn làm phúc cho chúng em đứa con. Chúng em vô cùng biết ơn anh.
Phương bác sĩ, nghe cũng xiêu lòng. Vả lại, tuy lúc đó chưa vợ, nhưng làm nghề suốt ngày mó máy nhòm ngó khâu vá cái bộ phận bí hiểm nhất của chị em, nên nhu cầu giải tỏa tình dục của Phương cũng như là uống cốc nước mát hàng ngày vậy. Gần năm trời thăm khám và điều trị cho dì, bác sĩ Phương đã thuộc từng ngóc ngách trên thân thể người đàn bà ba mươi tuổi. Đêm khuya thanh vắng, nhiều khi Phương tưởng tượng ra thân thể chắc nịch của người đàn bà nông dân chưa con ấy. Phương thấy máy móc của cô ta còn đẹp chán vạn lần hơn của mấy em y tá trong khoa. Đám ấy có chồng con đàng hoàng rồi, nhưng bất cứ khi nào Phương có nhu cầu là có thể làm luôn. Nghĩ đến đấy, bác sĩ sản khoa Hoàng Thiên Phương liền đồng ý với lời đề nghị khẩn thiết của cặp vợ chồng nhà quê ra. Bác sĩ bèn hỏi kỹ lại chu kỳ kinh nguyệt của dì và đặt lịch hẹn gặp.
Chỉ có một lần.
Đúng một lần gặp, mà dì sinh được thằng con trai, là thằng Nam. Năm nay nó vừa tròn mười tám tuổi.
Kể ra thì ngượng, nhưng mà phải công nhận chú Thông là người rất chu đáo. Hôm đến ngày hẹn gặp bác sĩ Phương, chú Thông giục dì: “Thôi mình ăn cơm rồi tắm rửa để đi cho sớm, không thì bác ấy lại phải chờ lâu”.
Bác sĩ Phương đợi dì ở cái nhà nghỉ ven đường. Chú Thông chở dì đến cửa rồi đi đâu đó uống nước, một tiếng sau quay lại. Cả đời dì đã bao giờ vào những chỗ như thế này đâu. May được bác sĩ Phương rất tâm lý, anh ta khéo động viên nên dì cũng thấy yên tâm. Dì nghĩ thì cũng như mấy lần ngoài viện phụ sản, họ cho cái ống cao su lành lạnh vào người. Nhưng mà anh ta còn thì thầm vào tai dì những câu rất lạ. Anh ta làm cho dì mê man không biết gì nữa. Anh ta nhỏm dậy, kê cao mông dì lên bằng cái gối, khép chân dì lại rồi bảo: “Hương cứ nằm yên như thế, đợi bao giờ anh ấy quay lại đón thì về”.
Chuyện ra đời của thằng Nam chỉ có ba người biết, dì, chú Thông và bác sĩ Phương. Cả ba đều thề với nhau là chuyện này sống để bụng chết mang theo. Ai mà nói ra thì trời tru đất diệt. Còn mọi người trong làng, chỉ biết thằng Nam là kết quả công lao chạy chữa của chú dì mấy năm ròng. Từ đấy, chú dì không gặp lại bác sĩ Phương nữa.
Thế mà cách đây ba năm, thằng Nam lại biết hết mọi chuyện.
Cái kè đá bên sông làng tôi có từ lâu đời.
Nguyên bờ sông Đuống bên phía làng tôi là bên lở. Dòng sông nào cũng vậy, có bên lở bên bồi. Thỉnh thoảng, sông đổi dòng, bên lở hóa bên bồi, bên bồi hóa bên lở. Thế nhưng hàng mấy trăm năm nay, bờ sông bên làng tôi toàn lở. Ngày xưa, dân làng còn làm nhà sát mãi bờ sông. Nhưng rồi lũ lụt, đất lở khiếp quá, làng kéo hết vào trong đê ở. Nhưng cũng phải giữ lấy cánh bãi tốt tươi làm nguồn sống cho cả làng, không thể để cho Hà Bá ngoạm dần, nên làng phải hè nhau góp công góp của làm kè đá bờ sông, giữ đất. Dân làng phải chặt tre, đan những cái rọ và những con rồng bụng chứa đầy đá hộc, lăn xuống sông làm kè. Mỗi năm làm một ít, dần dần cái kè đá cũng thành, giữ cho đất bãi không bị lở xuống sông mất. Lâu ngày, cái kè đá đã trở thành một nơi thân thiết gắn bó và, cũng thành một chốn ám ảnh khôn nguôi với dân làng. Kè đá là nơi chứng kiến vô vàn cái chết oan ức, bi tráng và cả những cái chết đầy ẩn ức vu vơ.
Hồi thằng Nam con dì biết chuyện, nó mới mười lăm tuổi.
Một buổi, nó chạy xồng xộc từ trường về, hỏi dì:
– Có đúng là thế không?
– Đúng cái gì cơ, con? – Dì ngơ ngác hỏi lại nó.
– Có đúng là bà đi xin tôi như người ta kể không?
– Ai mà lại đặt điều với con như vậy, con là do mẹ đẻ ra chứ xin ở đâu.
– Bà đừng giả vờ nữa – nó gào lên uất ức – Cả làng người ta đang chuyện ran ran ngoài đường kia kìa. Tôi nhục lắm, tôi ra nhảy xuống kè đá cho xong.
Nói rồi, nó phăm phăm chạy ra phía bờ sông. Dì Hương hoảng hốt kêu làng và đuổi theo. Chú Thông cùng mấy người hàng xóm nghe thấy chạy ra, lôi được nó về nhà. Nhưng nó giãy giụa kêu gào khiếp quá, một hai đòi chết. Rồi nó sùi bọt mép, mắt trợn trừng trắng dã, lăn ra giãy đành đạch, không biết gì nữa. Gọi y sĩ ở trạm xá đến khám, nói nó bị chấn động thần kinh. Tiêm cho thuốc ngủ và giữ ở trong nhà ít lâu sẽ tự khỏi.
Thấy con như vậy, dì xót lắm. Dì dò la hàng xóm xung quanh, thì ra là có chuyện như vậy thật.
Bác sĩ sản khoa Hoàng Thiên Phương, giờ đây đã là một tay thành đạt vẻ vang. Giám đốc một bệnh viện có tiếng ngoài Hà Nội. Nhà riêng lại mở một phòng khám tư, chuyên thẩm mỹ tút tát lại hàng họ của chị em. Dịp này giới phụ nữ nước ta rất quan tâm đến vấn đề làm sao cho sướng, nên bác sĩ Phương làm ngày làm đêm không hết việc. Phương bác sĩ lại lấy vợ là dược sĩ. Mở ngay cái nhà thuốc tầng một, vừa bán thuốc, vừa thu tiền, vừa trông xe cho khách. Rất tiện. Vợ chồng bác sĩ Phương thu rất nhiều tiền. Tiền công làm phẫu thuật không tính, chả ai đi sửa sang cái chỗ kín mà lại cò kè với bác sĩ làm gì. Cứ làm sao cho đẹp là được. Mà nhất là mấy em gái có nhu cầu vá trinh thì vợ chồng Phương nhìn mặt mà chặt chém. Cave cao cấp vá để lừa bán cho khách, các em hotgirl đang âm mưu lừa tình mấy anh đại gia… Đám ấy tha hồ tính tiền. Mươi, mười lăm, hai mươi triệu không phải nghĩ nửa giây. Mà Phương chỉ mất mỗi ca ba mươi phút với năm mươi nghìn tiền bông băng cồn gạc. Chỉ có điều là bận, suốt ngày công việc, tiền nong. Bọn bạn học cùng phổ thông với Phương, nhiều tay cũng thành đạt vẻ vang, tiền nhiều như nước mà nghe chừng lại rất ung dung nhàn hạ. Chúng gọi điện, bảo: “Mày làm cái gì mà suốt ngày, suốt tháng, suốt năm cứ dí mũi vào khâu khâu vá vá mấy con bướm rách thế hả? Thỉnh thoảng đi bù khú với bọn tao cho vui đời. Cứ ở nhà mà ôm tiền rồi lúc chết có mang theo được không?”, “Bọn chúng mày toàn những thằng không biết cái đinh là gì. Tao khâu vá làm đẹp cho chị em là đem lại hạnh phúc cho đời đấy”.
Nhưng mà rồi bác sĩ Phương cũng tự thấy mình quá vất vả. Thấy mấy thằng bạn nói có phần đúng. Thế nên dịp gần đây, Phương hay đi bù khú rượu chè, tăng hai tăng ba với bọn bạn. Hôm cả bọn ngồi nhà hàng bia tươi Cối Xay Gió trên phố cổ, mỗi thằng làm vài quai bia tươi Tiệp loại nửa lít, rồi quay sang tán chuyện gái gú. Cánh đàn ông hay bia rượu ở các nhà hàng, đều nhất trí cao với nhau là trong các cuộc nhậu, cứ nói chuyện gái gú là xôm nhất, thằng nào cũng khoái. Nói những chuyện chính trị kinh tế vân vân, chỉ tổ cãi nhau. Vì thằng nào cũng tranh khôn. Phương bác sĩ sản khoa, do đặc thù nghề nghiệp, cung cấp cho đám bạn nhiều câu chuyện hấp dẫn nhất. Bản thân cuộc đời gần hai mươi năm chinh chiến của Phương cũng đã có vô vàn chuyện cho bọn bạn đem ra trên bàn nhậu. Hôm ấy, bọn chúng hỏi Phương:
– Này, bọn tao hỏi thật, cho đến giờ mày đã cày cuốc bao nhiêu cái thửa ruộng ba bờ?
– Nói thật là không nhớ. Vì quá nhiều.
– Thế mày có biết là mày có bao nhiêu đứa con không?
– Bọn mày hỏi hơi bị ngu. Không có sản phẩm thì chỉ mười năm phút sau là có thể quên. Ra sản phẩm thì kiểu gì rồi chả biết. Có cố tình làm ngơ thì bọn đàn bà nó cũng đem đập vào mặt mình để mà bắt trách nhiệm ấy chứ.
– Nhưng mà nghe tây nó đồn là mày có con từ hồi chưa vợ đúng không?
– Đúng, đúng! – Phương đã phê phê, hào hứng khẳng định – Bọn mình làm quai nữa rồi tao kể cho mà nghe, vụ này hay lắm.
– Hay thế nào, kể đi…
– Thế này, hồi tao mới tốt nghiệp, làm ở bệnh viện được ba năm. Có hai vợ chồng vô sinh ở quê ra chữa, mãi không được rồi đặt vấn đề xin thẳng tao đứa con. Chỉ đúng một phát mà ra luôn thằng con trai chúng mày ạ. Nghe đồn là thằng ấy rất giống tao, đẹp trai, học giỏi. Chỉ tức một điều là từ ngày ấy đến nay, hai vợ chồng nhà ấy lặn không sủi tăm luôn.
– Này, thế lần ấy, làm xong, vợ chồng nhà nó có bồi dưỡng mày cốc sữa tươi với hai quả trứng không?
– Chúng mày đích thị là mấy thằng bạn đểu. Chúng mày coi tao là lợn giống à?
Cả bọn lại cười ngả nghiêng, cụng bia chan chát.
Nhưng thật không may, tối hôm đó, một tốp bạn phổ thông cũ quê tôi, cả trai và gái, cũng rủ nhau tụ tập tại nhà hàng Cối Xay Gió. Ngồi cạnh bàn bọn bạn bác sĩ sản khoa Hoàng Thiên Phương. Chúng nghe hết cả. Và thế là câu chuyện cứ âm ỉ lan ra cả làng.
Thằng Nam nằm bệnh đúng ba tháng mười ngày thì khỏi.
Nhưng từ ngày ốm dậy, tâm tính nó đổi khác hoàn toàn. Từ một thiếu niên khoẻ mạnh hoạt bát, bỗng thành ra lừ khừ như ông cụ. Nó bỏ học. Chú và dì cũng không dám ép.
Mạnh Hoạt là hàng xóm nhà dì, năm nay đã ngoài sáu mươi. Chân mỏi gối chồn, dịp này ít khi ra khỏi nhà.
Một hôm, thấy bên nhà tưng bừng rộn rã đàn ca sáo thổi véo von, áo xanh áo đỏ múa may quay cuồng cả buổi, Mạnh Hoạt tuyên bố rằng, mình có căn phải hầu thánh, nên mở phủ, dựng điện thờ Mẫu tại nhà. Thằng Nam sang xem, mê tít, ở lì bên ấy không về, tự nguyện làm con nhang đệ tử. Bố mẹ sang năn nỉ, nó mắng cho xơi xơi. Nó bảo, không được gọi nó là con nữa, nó là cậu, có quyền trời phép thánh, không ở với người phàm. Cái thằng người như con cóc cụ – chỉ chú Thông – cút về nhà mà ôm tráp vàng sặc mùi bất nghĩa trong buồng. Còn cái người nữ loạn trào – chỉ mẹ nó – đã có lệnh của Mẫu Thoải khá gọi, mau xuống Lục Đầu hầu người. Mà cũng tài, không hiểu thằng Nam học từ bao giờ, mà bây giờ nó thuộc đủ cả ba mươi sáu giá đồng. Nó xống áo mớ ba mớ bảy, xanh đỏ tím vàng. Mặt mũi thì son phấn loè loẹt, múa may, lắc lư theo nhịp đàn, hát: “… Trải giang khê lên ngàn xuống bể… Xe loan thánh giá hồi cung”. Dì Hương thấy nó đúng không còn là con mình nữa.
Bố Mẹ chú Thông vẫn còn sống, hai cụ buồn quá, có đến hàng năm trời cũng không ra khỏi nhà.
Chú Thông còn buồn hơn. Chú còn có nỗi cay đắng của thằng đàn ông phải đem vợ cho người khác. Bây giờ lộ chuyện, cả làng đàm tiếu. Chú quay sang uống rượu cho quên đời. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào chú cũng kè kè cái chai bên mình. Chú cứ miên man trong hơi men, không để ý gì đến mọi sự nữa.
Dì Hương tôi buồn không thể kể được. Ngày nào dì cũng sang điện thờ nhà Mạnh Hoạt ngồi nép một góc ngóng con. Nhưng nó không bao giờ ghé mắt đến chỗ dì. Có lần, dì cố đến gần, cầm vạt áo nó, thì bị nó xua ra như xua tà…
Đêm qua, thứ bảy, dì ngồi rì rầm ngoài sân với tôi. Kể cho tôi nghe mọi chuyện về cuộc đời dì từ khi lấy chồng.
Tôi thật vô tâm. Khi dì về rồi, tôi nằm trằn trọc không ngủ được. Nhưng cứ nghĩ là dì san sẻ câu chuyện đời của mình để nhẹ bớt nỗi lòng. Nào ngờ.
Trưa nay, chủ nhật, tôi ngồi chết lặng trên bờ kè đá. Một chiếc nón, một đôi dép, cái chứng minh nhân dân với một tờ giấy vài dòng viết vội. Tất cả di vật của người dì đã từng thân thiết với tôi những năm tháng chưa xa, chỉ còn là vậy. Tôi đờ đẫn nhìn dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Nước sông tháng sáu đỏ ngầu đang lên mấp mé bờ kè.
7/1/2019
Trần Thanh Cảnh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...