Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Trần Nhã Thụy và Những đứa trẻ tóc bạc

Trần Nhã Thụy và
Những đứa trẻ tóc bạc

Tôi dụi thật mạnh mẩu thuốc lá vào bức tường, ngay trên nắp bình xăng chiếc Honda 67, một hình vẽ graffiti của bọn trẻ ở khu cầu cảng này.
Cạnh chiếc Honda 67 là một chiếc xe hủ tiếu, cạnh đó nữa là hình một cô gái đội nón lá có đôi mắt to và cặp môi rất dày, cạnh nữa là hình đôi găng tay của võ sĩ quyền anh đang giương lên. Và, những hình thù gì nữa tôi không biết gọi tên. Tất cả đều bằng sơn phun đen đỏ, loạn các màu.
“Đây là điếu cuối cùng”, tôi nghĩ, trong khi đưa mắt nhìn những ngọn muồng hoàng yến lác đác bông nằm phía bên trong bờ tường. Không biết từ bao giờ thành phố trồng rất nhiều loại cây này, nó còn được gọi là cây bò cạp vàng hay cây xuân muộn.
“Tao không thích cây này đâu, nói chung là tao không thích những cây có quá nhiều tên lại có quá trời hoa. Nếu được trồng thì tao sẽ chọn cây nhạc ngựa.”
Gã bạn của tôi từng nói vậy.
Gã có vẻ rất rành các loại cây trồng trong đô thị. Tôi thì nhìn thấy cây nhưng không thể gọi tên, trừ những cái cây quá quen thuộc như cây me, cây dầu rái. Cái tên muồng hoàng yến này, có thể tôi sẽ quên nó sau một tuần nữa. Một tuần nữa là đúng một tháng gã bạn tôi sang Úc. Gã nhờ tôi đến ở, coi giùm căn nhà vườn này trước khi chính thức rao bán.
Nói về gã bạn của tôi một chút.
Gã từng làm chủ thầu xây dựng, rồi chủ một xưởng in. Vợ gã từng là nhà báo, rồi nghỉ làm báo ra mở văn phòng luật sư, đó là chuyên môn mà cô ấy từng được đào tạo. Hai vợ chồng có với nhau một đứa con gái. Khi con bé được chín tuổi thì vợ gã sang Mĩ du học ngành luật thêm hai năm. Hai năm đó, gã ở nhà vừa đi làm vừa chăm con. Nhưng khi về nước thì vợ gã đòi li dị, với lí do là không còn hợp nhau nữa. Gã giành quyền nuôi con. Vợ gã làm tư vấn luật cho một ngân hàng Mĩ có trụ sở đặt tại Sài Gòn được một năm thì sang Úc định cư. Chồng mới của cô là Việt kiều Úc, một thuyền nhân đến xứ sở chuột túi vào năm 1978. Tuy chênh lệch nhau về tuổi tác nhưng họ có vẻ hợp nhau lắm. Nhưng cô sống với anh ta chưa được ba năm thì li dị. Rồi thì cô bảo lãnh hai cha con gã qua đó.
Cuộc đời, nhiều khi chẳng có gì giống như mình nghĩ. Tôi không nghĩ là gã sẽ đi như vậy. Thật khó hình dung là hai người ráp nối lại với nhau. Nhưng tôi đoán chừng là gã đến Úc còn với một lí do khác, có thể là chính đáng hơn. Gã là người rất căm ghét những việc tầm thường.
“Thì ra chú ở ngoài này.”
Giọng nói sau lưng. Tôi quay lại.
Đó là thằng Gô, một thằng nhóc trong xóm cầu cảng này. Nó chừng mười bảy tuổi, hay mặc cái quần soóc màu cứt ngựa với cái áo thun ba lỗ, khoác cái áo gió màu trắng cũ kĩ bên ngoài. Nó hay cưỡi chiếc fixed gear, tức xe đạp không phanh màu đen đỏ, hay bất thần nhấc cái bánh trước lên rồi ngả người đạp như bay vào những con đường vắng. Nó vừa chơi kiểu tóc undercut vuốt ngược. Có lẽ thấy hơi đỏm dáng nên úp cái mũ lưỡi trai màu đỏ đô lên đầu. Nhưng chốc chốc nó lại giở mũ ra rồi đưa tay vuốt tóc.
Tôi thấy nó khá đẹp trai.
“Tóc đẹp đó.”
Tôi khen nó cùng với một nụ cười. Có lẽ đó là nụ cười rất tự nhiên.
Thằng Gô nhịp nhịp mái đầu khi nghe tôi khen. Nhưng sau đó nó lại úp chiếc mũ sùm sụp.
Chúng tôi đi ngược hè phố, tắt qua một con đường mòn để về nhà tôi, hay nói đúng hơn là căn nhà vườn rộng thênh thang của gã bạn tôi.
“Mày tìm chú có gì không?”
Tôi hỏi. Chân bước sau thằng Gô có vài bước.
Không quay lại, thằng Gô nói.
“Tui định rủ chú đi ăn sáng, trong xóm này có quán hủ tiếu phèo ngon lắm, chắc là chú chưa biết. Định vậy thôi, nhưng tui dậy trễ quá. Chắc là chú ăn sáng rồi.”
“Đêm qua tụi nó lại hít keo chó ngoài cầu cảng.”
Thằng Gô lại nói, vẫn không ngoái lại.
Nó với mấy đứa nữa trong xóm này đã bỏ học, sống lang thang, tự kiếm ăn ban ngày, ban đêm rúc về nhà ngủ trong tiếng rủa sả oán hờn của cha mẹ chúng. Cũng có khi tụi nó thuê phòng trọ ngủ qua đêm, nếu trong túi có ít tiền, nhưng thường là cha mẹ chúng đi lùng lôi cổ về. Họ không muốn con cái họ trở thành côn đồ hay tội phạm. Bọn chúng dạt đâu cả ngày mặc kệ, nhưng đêm thì nên mò về.
Thằng Gô với đám bạn nó rất thích ở qua đêm trong căn nhà của tôi, nhưng tôi làm mặt ngầu nghiêm cấm.
“Dẹp đi. Đừng có giỡn. Tụi mày ghé chơi thì được, chớ tao không chứa chấp qua đêm.”
Tôi nói vậy. Thật ra giấu nỗi sợ hãi. Tôi cứ hình dung khi tôi nằm ngủ sẽ có một mũi dao đâm phập vào cổ họng. Những đứa trẻ có thân hình thanh xuân và khuôn mặt non tơ đẹp đẽ kia, không ai biết chúng sẽ làm gì đâu, một khi chúng phê thuốc.
“Hít keo độc hại ghê lắm, coi chừng tiêu luôn cái não, đừng có dại.”
Tôi nói với thằng Gô khi chúng tôi vào tới nhà.
Thằng Gô ngồi ngoài bậc tam cấp. Tôi pha một bình trà đá rồi mang ra ngồi với nó.
“Tui không chơi cái đó. Tui theo coi tụi nó chơi thôi.”
Thằng Gô nói, có vẻ như nó không muốn nói điều này, không muốn nói gì cả. Cho nên tôi cũng ngồi im lặng.
Thằng Gô lại giở cái mũ ra, đưa tay vuốt mái tóc ra phía sau. Hai bên thái dương và sau gáy ủi sát. Mái tóc bồng bềnh lên trên. Tôi nhận thấy giữa mái tóc đen nhánh của thằng Gô có vài sợi tóc bạc trắng. Bất giác tôi muốn ngồi xích lại gần nó, đưa tay lên đầu nó nhổ đi sợi tóc bạc. Nhưng nó đã úp cái mũ lên đầu.
“Sao chú bỏ vợ?”
Bất ngờ thằng Gô cất giọng hỏi. Nó vẫn không nhìn tôi. Còn tôi nhìn vào cái mũ đỏ đô của nó, hình dung vị trí mấy cọng tóc bạc. Tôi cười.
“Tao có bỏ vợ đâu. Kêu đúng tên là li dị, không còn sống chung dưới một mái nhà nữa.”
 “Nhưng sao li dị?”, thằng Gô lại hỏi.
“Mày hỏi câu khó quá”, tôi vẫn cười.
“Có phải ai sống với nhau rồi cũng chán nhau không?”
Lần này thì thằng Gô quay sang nhìn tôi. Tôi thấy hai mép nó lún phún râu, cái cằm xương xương, cái tai to cáu bẩn. Nó thoáng nhìn tôi rồi tự rót trà đá ra li, uống ực một cái. Tôi không biết trả lời nó thế nào. Nó còn con nít biết gì về chuyện vợ chồng mà hỏi. Hay nó đang yêu đứa con gái nào đó. Trong đám của nó, tôi loáng thoáng thấy có một đứa con gái xinh xắn, tóc nhuộm vàng, có vẻ mạnh bạo. Con bé có một hình xăm vỏ ốc ngay trên mắt cá chân trái. Đó là cái hình xăm mà tôi nhìn thấy được, còn có hình xăm nào được giấu kín không thì tôi không biết.
“Vợ chồng là tùy duyên”, tôi định nói với thằng Gô câu ấy, nhưng lại thấy buồn cười, nó thì hiểu gì về duyên với nợ. Tự nhiên tôi thấy rã rời, muốn nằm lăn luôn ra thềm hè.
Bất thần, thằng Gô đứng lên rồi bước thẳng một hơi ra ngoài cổng.
Đứng ở cầu cảng này, nhìn sang bên kia là trung tâm thành phố. Trước đây có một chiếc phà để đưa khách qua sông, nhưng rồi họ làm một đường hầm, nên những chuyến phà cũng lùi vào dĩ vãng.
Trước kia, tôi thường đứng bên kia để nhìn về bên này. Về sau này, tôi muốn xa lánh hẳn bên kia để về bên này. Về bên này, nhưng không phải để nhìn về bên kia. Chẳng nhìn về đâu cả. Chỉ là muốn rời xa. Chỉ là muốn đến một nơi mà mình từng thấp thoáng thích. Chỉ là muốn sống một mình.
Tôi thử sống mà không làm gì cả. Cũng tập không nghĩ ngợi gì xa xôi.
Tôi đi coi người ta câu cá. Những người đi câu chuyên nghiệp, ngồi nhẫn nại cả ngày trời, chẳng nói năng gì.
Tôi theo những người cắt cỏ. Nghe tiếng máy roèn roẹt và hít mùi cỏ thơm.
Tôi lân la tới một vựa dừa, ngồi nhìn người ta lột vỏ dừa. Ngồi ở đó cả buổi.
Khi nhìn một ai đó làm việc một cách thành thạo và chăm chỉ, ta có thể tạm lãng quên hiện thực của mình.
“Ba đang làm gì?”
Một tin nhắn hiển thị trên màn hình điện thoại lúc tôi đang đứng trên cầu cảng.
Đồng hồ trên điện thoại chỉ chín giờ mười ba phút đêm.
Giờ này thằng nhóc đã nằm trên giường, chuẩn bị ngủ.
Nó nhắn tin cho tôi từ điện thoại của mẹ nó.
“Ba đang làm gì?”
Cứ như là tin nhắn mà cô ấy từng gửi cho tôi. Nhưng giờ tôi biết là không phải cô ấy.
“Ba đang chuẩn bị ngủ. Con đang làm gì?”, tôi nhắn lại. Cố gắng bỏ dấu đầy đủ.
Tôi chờ một tin nhắn hồi đáp, nhưng không thấy. Tôi nhắn: “Chúc con trai ngủ ngon”, rồi đút điện thoại vào túi quần. Tôi định trở vào nhà nhưng rồi vẫn đứng yên ở đó.
Lúc sáng, khi dụi mẩu thuốc vào bờ tường, là tôi đang nghĩ đến thằng bé.
Nó rất ghét những người hút thuốc lá, nhạy cảm với mùi thuốc lá một cách đặc biệt. Mỗi khi ông hàng xóm ra trước nhà hút thuốc, khói vừa bay lan sang là nó chạy ra đóng chặt cửa lại. Nó tự vẽ những poster có nội dung chống hút thuốc lá, dán một cách công khai và mỹ thuật trong nhà. Thường thì tôi không dám hút một điếu thuốc nào mỗi khi về tới nhà.
Nhưng bây giờ thì tôi quyết định bỏ hẳn thuốc lá khi không có ở nhà 
Tôi nhớ thằng nhóc.
Chúng tôi phát hiện những sợi tóc bạc trên đầu con khi nó mới bảy tuổi.
Bảy tuổi thì làm sao có tóc bạc? Thoạt đầu tôi nghĩ tóc nó bị dính sơn hay gì đó. Nhưng không. Rõ ràng là tóc bạc, trắng từ gốc đến ngọn. Như sợi tóc bạc trên đầu tôi năm tôi bốn mươi mốt tuổi. Năm bốn mươi tuổi tôi chưa có sợi tóc bạc nào. Tôi thoáng giật mình, nhưng nghĩ tóc nó bạc sớm là do gen mẹ. Vợ tôi tóc bạc năm ba mươi tuổi. Không chỉ vài sợi bạc như tôi mà trắng xóa từng vùng giữa đầu. Cô ấy phải tự nhuộm tóc hằng tuần.
Tôi nhổ những sợi tóc bạc trên đầu con. Thầm nghĩ đó là một sự cố, một trục trặc bản thể. Hi vọng nó sẽ không mọc ra thêm lần nào nữa. Nhưng khoảng tuần sau tôi lại thấy vài sợi tóc bạc trắng như cước trên đầu nó.
Tôi lo lắng nói vợ đưa con đi khám bác sĩ. Nhưng cô ấy chỉ đọc trên mạng, trao đổi trên một diễn đàn gì đó, rồi nói: “Đâu chỉ riêng con mình bạc tóc.”
Từ đó cô ấy mua vài loại thuốc về cho thằng bé uống và bắt nó đi ngủ sớm vào buổi tối.
Có một lần đi làm về, tôi bắt gặp cô ấy đang nhuộm tóc cho thằng bé. Tôi rất bực mình, chẳng thể nào chấp nhận cái việc ấy. Sao lại đi nhuộm tóc cho một đứa trẻ? Vậy nhổ cho nó xói đầu à? Cô ấy làm ầm lên. Lần đầu tiên chúng tôi to tiếng sau chừng ấy năm trời.
Tôi lẳng lặng tìm gặp bác sĩ tư vấn. Thật ngạc nhiên là bác sĩ cũng nói hệt vợ tôi.
“Nếu nói bạc tóc do thực phẩm thì chắc chắn tóc ông phải bạc nhiều hơn con ông, nhỉ? Nếu nói bạc tóc do suy nghĩ căng thẳng thì chắc tóc ông phải bạc nhiều hơn con ông, nhỉ. Do gen thôi. Thằng bé có gen giống mẹ nó. Yên tâm đi, tóc ai rồi cũng bạc, bạc trước thì khỏi bạc sau, nhỉ”, tay bác sĩ vừa ngả người ra ghế vừa nói.
“Lo lắng không làm bạc tóc, nhưng lo sợ và tuyệt vọng dễ làm bạc tóc, người biết mình ngày mai sẽ chết thì qua một đêm tóc bạc trắng, như trái cây nén cấp độ chín qua một đêm”, tôi định tranh luận vậy, nhưng nghĩ vô duyên nên thôi.   
“Về mặt thị giác, đúng là trẻ con bạc tóc hơi khó coi, nhỉ. Cơ mà ông thấy đấy, đời bây giờ nhiều thứ khó coi lắm, như bọn thanh niên chưa tới ba mươi mà nuôi râu cằm dài cả gang như các cụ. Trẻ trâu mà ngồi rung đùi vuốt râu thì trông chướng, nhỉ”, tay bác sĩ dai nhách.
Lúc đó tôi mới để ý thấy ông ta chỉ có một rẻo tóc vắt ngang qua trán.
Con chúng tôi bạc tóc năm bảy tuổi, cho đến năm nay là mười hai tuổi, tóc nó vẫn tiếp tục bạc.
Bọn trẻ đến như một cơn lốc.
Tôi thấy thằng Gô trước tiên. Nó vẫn bận bộ đồ lúc sáng, cái mũ lưỡi trai đỏ đô đội tùm hụp che khuất đôi mắt. Con bé tóc nhuộm vàng có gương mặt xinh xắn nhưng vẻ bất cần đang bận cái áo gió của thằng Gô. Con bé đút cả hai tay vào túi áo gió cho ấm hay là đang giữ vật gì. Xung quanh nó là mấy thằng con trai đang ngả nghiêng vào nhau vừa cười ha ha vừa thở hổn hển. Tôi nghe mùi rượu.
Thằng Gô nhận ra tôi, nó liếc mắt nhưng không nói gì.
Một thằng, tôi đoán là thằng cầm đầu, nó từng đến nhà tôi, rất thích ăn mì gói nấu thịt bò bỏ nhiều ớt xắt. Tôi không nhớ tên nó, trông vẻ mặt nó già hơn, có vết nặn mụn hằn rất sâu trên hai gò má. Lúc này nó đưa bàn tay phải xiết mạnh lên ngực cho tim bớt đập mạnh, nhưng đầu cứ ngửa ra sau. Khi đã đứng thăng bằng trở lại, nó chỉ mặt từng đứa rồi nói.
“Giờ có ai tới đây, hỏi cái gì thì tụi bây làm như đui như điếc hết cho tao, nghe chưa.”
Mấy đứa kia gật đầu. Thằng Gô nói.
“Nhưng lỡ tụi kia kéo tới đây trả thù thì sao?”
“Mày ngu quá”, thằng đàn anh nói, “tụi nó có ăn gan hùm cũng không dám kéo ra đây. Tụi nó ra đây là tao đập đầu liệng xuống sông cho cá rỉa chim luôn.”
“Thôi, tao thấy tụi mày ra tay cũng mạnh quá rồi đó”, đứa con gái nói, xong rút bàn tay phải ra khỏi túi áo gió đưa lên vuốt mái tóc.
Thằng đàn anh đưa tay muốn sờ vào má con bé nhưng bị nó gạt đi. Nó phun bãi nước miếng xuống nền cầu cảng, chửi thề.
“Đù má. Mày con gái biết gì nói. Nhìn tụi nó thấy chướng đéo chịu nổi.” 
Tôi bước chậm vào bóng tối, rời xa bọn trẻ. Hình như tụi nó vừa đánh nhau với một đám nào đó. Tụi nhóc này nhiều khi lấy chuyện đánh đấm làm vui. Nhiều khi chỉ cần một ai đó nhìn đểu chúng một cái thì cũng no đòn.
Tôi tập chống đẩy xong thì ngồi thiền.
Trước đây tôi có tập thiền một thời gian, nhưng rồi bỏ gián đoạn. Có một thời gian dài tôi không thể ngồi yên được, cứ vừa nhắm mắt lại là bao nhiêu thứ nhảy xổ vào. Nhưng khi đến sống ở đây thì tôi thiền được. Mỗi lần tôi ngồi kéo dài hai giờ đồng hồ. Không cần bấm giờ tôi cũng biết được như vậy. Trong một ngày, nếu không phải ra khỏi nhà thì tôi ngồi thiền nhiều lần.
Trong khi tôi đang ngồi thiền thì có người đi vào nhà. Tôi nhận biết điều đó. Có lẽ họ đã nhảy qua tường rào để vào. Ai vậy? Tôi vẫn nhắm mắt, lắng nghe. Tôi nhận ra tiếng bước chân của thằng Gô. Và một tiếng bước chân nữa, tôi không biết là ai. Có thể là một đứa trong bọn nó. Chúng nó đã từng tới đây.
Chúng nó đã đẩy cửa, bước vào trong phòng. Có lẽ chúng nó đã thấy tôi đang ngồi thiền. Tôi không thích điều này chút nào. Chúng nó vẫn đứng đó nhìn vào. Tôi từ từ mở mắt ra.
Thằng Gô đến cùng với thằng đàn anh.
Chúng nó rủ tôi đi uống cà phê.
“Có chuyện gì?”
Tôi hỏi khi chúng tôi đã ngồi quán cà phê vỉa hè, ngay chỗ đoạn bờ tường mà bọn graffiti vẽ con cá chép vượt vũ môn hóa rồng.
Thằng Gô đưa mắt nhìn thằng đàn anh ra hiệu. Thằng đàn anh đưa tay sờ vào cái râu con cá chép, cười khinh khỉnh. Lúc này tôi mới để ý chòm tóc mai bên phải của nó bạc trắng. Cả đầu nó chỉ có chòm tóc ấy là trắng. Như là được phết lên vệt vôi. Trông quái quái.
Bỗng thằng đàn anh kéo ghế ngồi sát cạnh tôi, nó kề miệng vào tai tôi thì thầm. Rồi nó xê ra rất nhanh.
“Chú thấy ô kê không?” nó hỏi to cho cả thằng Gô cùng nghe.
“Tụi mày về đi. Để tiền cà phê đó tao trả. Biến lẹ đi”, tôi nói rồi khoát tay như đuổi tụi nó.
Nhưng chỉ có thằng đàn anh xách đít đứng lên ra về. Thằng Gô còn ngồi lại đó, vẻ lì lợm.
“Thằng Bích nó nói gì vậy?”
Mẹ, thằng Bích. Tao nhớ tên mày rồi.
“Không phải mày với thằng Bích đã bàn trước với nhau rồi sao?” tôi muốn nổi khùng.
Thằng Gô nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu.
“Tui có biết chuyện gì đâu. Nó kêu tui dẫn nó tới gặp chú bàn chuyện quan trọng. Vậy chứ nó nói gì?”
“Mày không biết thật hả?” tôi gằng giọng.
Thằng Gô lắc đầu.
“Nó nói nếu tao thích nó sẽ dắt con bé kia tới chỗ của tao. Giá qua đêm là hai chai, tàu nhanh thì một chai.”
“Nó nói con Hận hả?, Thằng chó đẻ. Tao sẽ vặn họng mày.”
Thằng Gô đứng bật lên, tiện chân nó đá văng chiếc ghế.
“Ba đang làm gì?”
“Ba đang đi thăm một người bạn. Con đang làm gì?”
“Con đang chuẩn bị đi ngủ. Ba ơi…”
“Sao con?”
“Sao con ngủ sớm mà tóc vẫn bị bạc?”
Tôi bần thần trong giây lát, muốn gọi cho con để nói chuyện, nhưng rồi tiếp tục soạn tin nhắn.
“Không sao đâu con. Con khỏe mạnh là được.”
“Dạ. Con chúc ba khỏe mạnh.”
“Cảm ơn con. Giờ con ngủ đi.”
“Dạ.”
Tôi định nhắn thêm một cái tin báo cho thằng bé biết là tôi đã bỏ được thuốc lá. Tôi đã bỏ gần một tháng mà không hút lại một điếu nào. Nhưng có lẽ tôi sẽ trực tiếp nói với thằng bé khi nào về thăm nó. Còn hiện tại tôi đang ở bệnh viện để lo cho thằng Gô.
Nó đánh nhau với thằng đàn anh, tức thằng Bích. Nhưng không vặn được cổ thằng Bích mà bị thằng Bích lụi cho một dao vào bụng. May mà cấp cứu kịp. Khâu mười ba mũi. Nằm viện mười ngày nay.
Trong khi thằng Gô nằm viện thì ba má nó đã chính thức bỏ nhau. Má nó tới bệnh viện nói: “Ba mày đi Đắk Nông rồi. Giờ mày muốn làm du côn hay ăn mày thì tùy mày. Tao hết sức chịu đựng rồi.”
Bọn trẻ xóm cầu cảng cũng kéo vào bệnh viện thăm thằng Gô, chúng đi đứng ngả nghiêng, xô đẩy nhau, đứa này nhận đầu đứa kia, cười giỡn ồn ào. Thằng Bích cũng vào nhưng đứng ngoài cửa phòng, vẻ mặt khinh khỉnh. Con Hận xách một bọc cam, đứng xớ rớ bên giường thằng Gô rồi bước ra trước. Đám bạn bắt thằng Gô giở áo cho coi vết thương, khiến thằng Gô nổi khùng hét lên đuổi hết cả đám ra về.
Khi thằng bé nhắn tin là lúc tôi đang ngồi với thằng Gô trong khu vườn niệm Phật của bệnh viện.
Thằng Gô là người vô đạo. Nhưng nó thích ngồi ở góc vườn này.
“Chú nhớ bữa tối tụi tui chạy ra cầu cảng không?” chợt thằng Gô lên tiếng.
Tôi gật đầu.
“Hình như bữa đó tụi mày đánh nhau với đám nào hả?”
“Đánh với băng sáu múi”, thằng Gô nói.
“Băng sáu múi?” tôi hỏi lại.
“À, là mấy thằng tập gym ở khu biệt thự bờ sông. Thằng Bích ghét tụi nó lắm, nó kì thị tụi pê đê.”
“Tụi mày cứ thấy ai chướng mắt là đập họ à?”, tôi cười.
Thằng Gô nhếch mép nhưng không trả lời. Lát sau nó nói.
“Trước sau gì thằng Bích cũng bị trả giá.”
Tôi suýt bật cười trước câu nói có vẻ triết lý của thằng Gô. Rồi tôi nói.
“Bữa mày hỏi tao về chuyện bỏ vợ. Thật ra thì không phải. Tao đã ngoại tình, nói nhiều lần thì không đúng, nhưng không chỉ một lần. Rồi có lần say quá, say loạn cả đầu óc, tao về nhà hút thuốc, khạc nhổ suốt đêm. Thằng con tao nó ôm chiếc gối úp vào mặt, khóc ướt luôn chiếc gối. Mày biết không, ai cũng có lúc sai lầm. Nhưng khốn nạn nhất là sai lầm nó xảy ra không đúng lúc, và không chỉ một lần. Mày hiểu không?”
“Hiểu chết liền”, thằng Gô ngây ngô nói.
Chúng tôi bật cười.
Có một chuyện mà thằng Gô không biết. Tôi cũng không muốn kể cho nó nghe.
Tối hôm đó, khi tôi đang ở nhà thì thằng Bích chở con Hận tới. Thằng Bích cưỡi chiếc Honda 67 y như chiếc vẽ trên bức tường. Con Hận vẫn mặc chiếc áo gió của thằng Gô. Thằng Bích đi vào trước, nhưng sau khi thông báo là con Hận muốn nói chuyện riêng với tôi thì nó vọt nhanh ra chỗ dựng xe.
Tôi rót nước cho con Hận nhưng nó không uống. Khuôn mặt nó như đang căng lên, mắt đỏ hoe.
“Thằng Bích nó làm gì cháu, cháu cứ nói đi đừng sợ”, tôi trấn an con bé, trong đầu nghĩ, chắc lần này phải đập thằng Bích một trận.
Con Hận khẽ lắc đầu.
“Nó không làm gì cháu đâu. Nhưng mẹ cháu… mẹ cháu…”
Nước mắt con Hận rớt xuống sàn nhà. Khi thấy nước mắt rớt thì nó ngừng khóc.
“Mẹ cháu làm sao?”
“Mẹ cháu bị bọn xã hội đen đòi giết vì thiếu nợ họ.”
Gì vậy? Tôi hình dung một màn kịch. Tôi làm sao tin được bọn trẻ này. Nhưng nếu như đó là sự thật, tôi cũng đâu giúp được gì. Tôi thở dài.
Lúc này, con Hận đã thôi khóc, nó vẫn không nhìn vào mắt tôi mà nhìn xuống hai bàn chân với những ngón sơn màu xanh rêu.
“Thằng Bích nó không làm gì cháu đâu. Bữa trước, chính cháu là người nhờ nó tới gặp chú. Cháu nghĩ chú là đại gia”, con Hận nói.
Tôi suýt bật cười.
“Đại gia thì sao?”
Giọng con Hận ráo hoảnh.
“Thì có nhiều tiền, ham gái trẻ đẹp. Thằng Bích nói nếu đại gia thích thì họ sẽ chi tiền bạo.”
Con Hận nói tới đó thì ngoài sân thằng Bích nổ máy rồ ga. Con Hận vội đứng lên, khẽ chào tôi.
“Tụi cháu sẽ tự lo việc này. Chú đừng nói cho thằng Gô biết, nó khờ lắm.” Một chút ngập ngừng, con Hận nói tiếp: “Nó không giống tụi cháu đâu. Tốt nhất, nó không nên gặp lại thằng Bích”.
Con Hận đi rồi, tôi vẫn ngồi yên đó. Tôi lờ mờ nhận ra có điều gì đó mà con Hận chưa nói hết. Giá như tôi là một đại gia thật.
Đêm đó, tôi có một giấc mơ tồi tệ. Tôi mơ thấy mái tóc của thằng con tôi trở nên trắng xóa. Những đứa trẻ mà tôi gặp trên phố, con trai và con gái, tóc cũng bạc phơ như vậy. Nhưng tóc của những người già thì đen nhánh, đen một cách kì quặc như được nhuộm hàng trăm lần.
Tôi thức giấc vào khoảng ba giờ sáng, rồi không thể nào ngủ lại được.
Tôi rời khỏi giường, vệ sinh cá nhân, xong nấu một ấm nước pha một li cà phê đen. Tôi thấy cơn thèm thuốc lá của mình vẫn còn, nó lẩn khuất như một bóng ma chứ chưa biến hẳn. Chắc là tôi sẽ rời khỏi nơi này, tôi sẽ viết email báo cho gã bạn biết chừng.
Chợt tôi thấy ngoài cổng có một chiếc taxi dừng lại, đèn xi nhan đá vào trong, kèm tiếng còi bim bim.
Tôi tròng cái áo gió, sẵn lận cây búa, rồi đi ra ngoài mở cổng.
Tôi thấy thằng Gô đứng bên cạnh chiếc taxi, người mặc quần áo của bệnh viện, đầu nó để trần, mái tóc undercut chải ngược đã dài ra mà không có gel vuốt nên đổ xô xuống một bên. Cái dáng mảnh khảnh của nó như thêm lênh khênh, miệng nó nở một nụ cười vừa héo hắt vừa tươi tắn.
Rồi chiếc taxi chạy đi êm như ru, để lộ ra một khoảng trống thênh thang của đường phố buổi sớm. Phía bên kia đường là đoạn bờ tường với rất nhiều tranh sơn graffiti như vừa cựa mình thức giấc. Bên trong bờ tường là hàng cây xuân muộn xao động đong đưa những chuỗi hoa mà trong ánh sáng lạnh mờ thấy những cái nhụy dài hất cong lên như những cái đuôi bò cạp.
Sài Gòn, 25/12/2017
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...