Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Việt Nga và Bến sông hoa gạo

Việt Nga và Bến sông hoa gạo

Làng tôi nằm ven một con sông lớn. Từ làng ra bãi sông không xa. Bãi sông là nguồn sống của cả làng. Ngô, khoai, rau, đậu, mía trồng bạt ngàn khiến bãi sông mang màu xanh bất tận cả bốn mùa. Lũ trẻ chúng tôi một buổi đi học trường làng, một buổi rong ruổi thả trâu khắp bãi. Những trò nghịch ngợm con trẻ hầu hết cũng được ra đời ở đây. Chúng tôi gắn bó với bãi sông còn hơn gắn bó với mái nhà yêu dấu của mình. Bởi vì hôm nào cũng thế, tối nhọ mặt người cả lũ mới thất thểu dong trâu về làng. Nhà chỉ về để ngủ. Hôm nào mưa to gió lớn phải bó chân ở nhà, không ra bãi sông được là thể nào cũng phát cuồng cả người. Nhớ ơi là nhớ!
Trên bến sông, nơi có những bậc lên xuống lát bằng ít gạch vỡ và những cối đá thủng, được neo chắc chắn bởi những cọc tre đực đóng sâu xuống, luôn có bóng dáng những người phụ nữ làng tôi. Nào giặt giũ, gánh nước, rửa tay chân sau buổi làm trên bãi hay chỉ đơn giản là tụ tập dưới bóng cây gạo cổ thụ để chuyện vãn buổi chiều. Những chiều hè bến sông náo động bởi lũ trẻ con thì thùm bơi lội, cười váng lên đến tận tối mịt tối mò.
Cây gạo cổ thụ trên bến sông có tự bao giờ chẳng biết. Khi tôi bé tí đã thấy nó lực lưỡng đứng đó rồi. Mùa nắng, tán xanh của nó tạo thành một quầng rợp mát. Mọi người đi làm ở bãi sông cứ giữa buổi lại nghỉ tay, tụ tập dưới gốc gạo chuyện trò. Bao nhiêu ấm tích nước vối, nước chè xanh được mang ra bãi sông đều tập trung cả ở gốc gạo. Cho nên, quanh gốc gạo lủng củng đến chục cái bát sành, của những ai chẳng biết. Uống nước xong, mọi người chỉ mang ấm tích về để hôm sau lại mang nước đi, còn bát sành để lại. Khi nào không có ai nghỉ ở gốc gạo, không có tích nước nào, bọn trẻ trâu chúng tôi lấy bát, xuống vục nước sông uống ngon lành. Tôi còn nhớ cái bát nào cũng bị sứt mẻ thật nhiều. Và cáu của nước vối, nước chè xanh bám đầy lòng bát, nên những cái bát mang màu nâu nâu cũ kỹ ám vào những vết rạn rất quen thuộc.
Ngày ấy, bố mẹ tôi đều đi làm xa. Thời bao cấp, mọi thứ đều phải theo tem phiếu, đều thiếu thốn. Bố mẹ để tôi ở nhà với ông bà nội và cô út. Là con thứ 9 trong gia đình, cô út tôi nhỏ hơn bố tôi 15 tuổi (bố tôi là lớn nhất) và hơn tôi vừa tròn mười tuổi. Hồi ấy, các anh chị đã lập gia đình hết, chỉ còn cô út sống với bố mẹ. Tôi ở với ông bà, được cô chăm sóc như chăm con đẻ của mình. Thuở đó, tuổi cô vừa độ trăng tròn. Ngày ngày cô ra bãi sông trồng trọt, thu hái, cứ tảo tần suốt cả bốn mùa như thế. Nếu tôi không ngày nào vắng mặt ở bãi sông thì cô cũng vậy. Vừa sáng sớm đã thấy cô nhấc quang gánh lên vai. Trong quang là liềm, là dao. Trên vai cô, bên cạnh đòn gánh còn thêm cái cuốc cán dài. Ngần ấy dụng cụ đủ cho cô làm tất cả các công việc cấy trồng, thu hái của nhà nông nơi bãi sông. Cô miệt mài làm việc đến tận trưa tròn bóng mới về làng. Buổi chiều thì tận khi tối không nhìn thấy cây cỏ gì nữa cô mới nghỉ tay. Trước khi về, bao giờ cô cũng gọi tôi để về cùng. Tiếng gọi theo gió, mênh mang dọc bãi sông. Hai cô cháu còn dừng lại bến sông, tôi chờ cô xuống khỏa nước rửa chân tay rồi ríu rít kể đủ thứ chuyện trên đời thu lượm được trong ngày hôm ấy, từ chuyện ở lớp, ở trường cho đến chuyện nghịch ngợm của lũ trẻ chăn trâu nơi bãi sông. Hôm nào nghe chuyện xong, cô cũng dặn: mình là con gái, đừng có nghịch như lũ con trai đấy nhé. Cấm tiệt cái chuyện ngồi trâu cho nó lội sang bên kia sông. Bơi không giỏi thì chết đuối toi đấy! Cấm tiệt chuyện bẻ trộm ngô để nướng ở phía bãi Ba Ngòi. Nhà mình thiếu gì ngô mà phải đi bẻ trộm. Cấm tiệt chuyện theo bọn con trai chơi trò chọi trâu với đua trâu đấy nhé. Trâu nó lồng lên hất xuống đất có mà tan xương. Phải con trâu ác, nó húc cho lòi ruột ra thì chêt. Cô dặn về đến tận nhà vẫn chưa hết dặn. Tôi vâng liên khúc nhưng chỉ sáng sau lại quên hết lời cô dặn, lại háo hức theo lũ bạn tham gia vào tất cả các trò nghịch dại trên đời.
Cây gạo trên bến sông nhìn lạ lùng nhất vào mùa xuân. Bao nhiêu lá rụng trụi rồi, đột ngột một sớm xuân cả quầng hoa đỏ thắm, lộng lẫy nở bung. Bao nhiêu chim sáo, chim sâu và những loại chim gì chẳng biết, tụ hết nơi tán hoa rừng rực ấy, chí chóe suốt cả ngày. Đứng ở xa nhìn, cây gạo mùa xuân như một ngọn đuốc khổng lồ. Giữa màu xanh miên man của bãi sông, cây gạo như một nàng công chúa tươi tắn và kiều diễm nhưng cũng cô độc vô cùng.
Vào mùa hoa gạo nở, mỗi buổi chiều cô tôi dừng tay sớm hơn và rủ tôi ra gốc gạo ngồi. Thi thoảng có bông gạo lặng lẽ rụng xuống, tôi lại ra nhặt, gom lại, ngồi ngắm nghía. Con gái, đứa nào cũng thích hoa, dẫu chỉ là hoa dâm bụt ở hàng rào, hoa cải vàng cải trắng ở bến sông hay là hoa gạo rụng. Cũng giống cô, tôi yêu cái màu đỏ thắm thiết của hoa gạo. Hoa gạo rụng mà chưa tàn. Nó vẫn tươi rói, đỏ thắm thiết. Năm cánh hoa vẫn xòe tươi tắn và kiêu hãnh. Những tua nhụy giữa lòng hoa vẫn vươn thẳng như chưa từng có việc nó đã phải lìa cành. Cô cũng mê mải xoay những bông gạo rụng trong lòng tay rồi nhìn xa xăm ra mặt sông ngan ngát gió. Thi thoảng, một chiếc thuyền máy chở hàng chạy qua. Tiếng máy vang trên mặt nước, phá vỡ sự tĩnh lặng một lát. Hai cô cháu nhìn theo chiếc thuyền hút mắt về phía xa xa. Phía ấy, chẳng biết có những gì nhưng tôi cứ tưởng tượng ra những điều mới mẻ, hấp dẫn đang đợi những  người dám đi, dám đến những vùng xa xôi ấy. Đem điều này kể với cô, cô dịu dàng vuốt tóc tôi bà bảo: lớn nhanh lên mà đến những nơi đó cháu ạ!
Ngày ấy, dù còn rất ngây thơ nhưng tôi đã biết rằng cô đẹp. Bọn bạn chăn trâu cũng bảo tôi: cô mày đẹp nhất làng. Điều ấy làm tôi sung sướng một cách rất trẻ con, y như khi mình có thứ đồ chơi đẹp mà bạn bè không có. Tôi kể với cô những lời khen ngợi, cô chỉ cười không nói. Có lần, chú Khang sứt răng cùng làng xui tôi: bảo cô mày có làm vợ chú không? Chú sẽ về bảo thầy u chú mang trầu cau đến hỏi. Cô nghe xong cau mặt mắng tôi: trẻ con đừng nghe xui dại linh tinh! Tôi cạch từ ngày đó. Hễ ai xui về nói gì với cô về chuyện cưới hỏi, yêu đương là tôi lảng mất. Tôi không muốn làm cô buồn hay cáu giận.
Học đến lớp bốn thì tôi không còn ở với ông bà. Bố mẹ sinh thêm em bé nên tôi phải lên ở cùng bố mẹ để bế em. Vả lại, theo lời mẹ thì tôi còn phải tập trung vào học hành. Học ở thị xã dù sao cũng tốt hơn học ở trường làng. Tôi bịn rịn chia tay lũ bạn chăn trâu  nhưng trong lòng háo hức vô cùng. Tôi nghĩ đến những chân trời mới, nghĩ đến những điều mới mẻ mà mình  từng mơ khi nhìn hút theo  những chiếc thuyền máy xa dần trên sông.
Từ đó, mỗi năm tôi chỉ về thăm ông bà vào hai dịp: nghỉ hè và nghỉ tết. Mỗi lần về cũng chỉ vẻn vẹn đôi ba ngày, có lần không kịp ra bãi sông lần nào, không kịp gặp lại đứa bạn chăn trâu nào. Cô út vẫn ở với ông bà dẫu tuổi thiếu nữ vơi dần theo từng mùa hoa gạo. Cô vẫn xinh đẹp, chăm chỉ và tháo vát nhưng không hiểu sao cô vẫn chẳng lấy chồng. Tôi đã nghe bố mẹ khuyên nhủ cô nhiều; đã nghe ông bà nhiều lần kêu ca, bực dọc. Đám nào trong làng đánh tiếng, cô cũng không ưng lòng. Ông bà đã cạn lời khuyên nhủ hay ép uổng, cô vẫn chẳng gật đầu. Khi tôi mười sáu tuổi, cái tuổi đã bắt đầu biết đến những rung động đầu đời, đã biết mơ đến một hoàng tử hào hoa, trong một lần cùng cô ra bến sông nhặt hoa gạo rụng, tôi đã hỏi cô tại sao mãi chẳng lấy chồng. Tuổi cô lúc ấy ở làng đã thành gái già ế ẩm. Bạn bè cùng trang lứa của cô ai cũng đã con cái đủ đầy. Người đánh tiếng muốn cưới cô lúc ấy không còn những trai trẻ mà là những ông trung niên đã qua một đời vợ, hoặc vợ bỏ, hoặc vợ chết, thậm chí có cả những người đang vợ con đề  huề mà muốn cưới thêm vợ nữa để đẻ con trai, vì vợ chỉ đẻ toàn con gái… Cô vẫn cười, nhưng là nụ cười ít nhiều héo hắt. Hỏi mãi rồi cô cũng nói. Cô bảo bây giờ cháu thích mai này lớn lên có người yêu, rồi đi lấy chồng, thì người yêu cháu, chồng cháu sẽ là người như thế nào? Tôi kể cho cô nghe về ước mơ một “bạch mã hoàng tử” sẽ xuất hiện nay mai với hoa hồng, với thơ và với nhạc… Cô dịu dàng vuốt tóc tôi và kín đáo thở dài. Mãi rồi cô bảo: thế khi mơ về hoàng tử, mà sự thực trước mắt cháu xuất hiện không phải là hoàng tử, mà là những người chăn ngỗng, những tiều phu đốn củi, những thợ đào than, những người đánh dậm, thậm chí cả những con yêu quái nữa… thì cháu có yêu không? Tôi lắc đầu quầy quậy, bảo không bao giờ. Cô lại thở dài lần nữa: hoàng tử có thể đến, có thể không. Nhưng chắc chắn là phải có hoàng tử chứ? Tôi nhìn sang, thấy ánh mắt cô thật lạ. Ánh mắt thăm thẳm, mênh mang dõi ra phía dòng sông đang thao thiết chảy. Ánh mắt chứa đựng những đợi chờ, khắc khoải. Ánh mắt dồn nén biết bao khát vọng không thành, biết bao mơ ước đang lụi dần, biết bao mộng đẹp đang đổ vỡ. Tôi, con bé mười sáu tuổi, học chuyên văn, nhạy cảm và đa sầu đa cảm thấy thắt lòng trước ánh mắt của cô; thấy bông gạo thắm giữa hai lòng tay mình run lên trong nỗi xa xót âm thầm. Tôi lần đầu tiên biết nghĩ về những thất vọng, những mất mát, đổ vỡ của kiếp người ngắn ngủi, mong manh…
Năm tháng cứ thế trôi đi lặng lẽ. Tôi lớn lên, học hành bài vở nhiều hơn, đồng nghĩa với việc những chuyến về quê cũng ít hơn nhiều. Cô vẫn tảo tần bốn mùa trồng cấy và chăm sóc bố mẹ già. Một mình cô lo lắng cho ông bà, gánh vác hết phần nghĩa vụ làm con của tám anh chị đã có gia đình riêng yên ấm. Mọi người thôi không giục giã cô về chuyện chồng con nữa, coi như số phận đã an bài cho cô như vậy. Rồi cả ông, cả bà lần lượt khuất núi. Mình cô ở lại trong ngôi nhà âm thầm giữa vườn cây trái xum xuê, lặng lẽ lo hương khói. Tôi đi lấy chồng xa, thi thoảng lắm mới về thăm bố mẹ, còn quê thì mấy năm mới có dịp thu xếp được để về. Mỗi lần về lại thấy cô gầy hơn, tóc trắng hơn một ít. Sống một mình nên cô ít nói hơn nhiều.
Cô mất đột ngột vào mùa đông giá lạnh. Tôi đang công tác xa, nghe bố gọi điện chỉ biết khóc như mưa chứ không thể thu xếp về chịu tang cô được. Đêm ấy tôi thức trắng, nhớ về những kỷ niệm với cô nơi bến sông hoa gạo tuổi thơ. Đọng lại trong tôi là ánh mắt cô cứ dõi ra phía dòng sông thăm thẳm, là dáng cô ngồi chờ đợi dưới tán gạo đỏ hoa khắc khoải cả mùa xuân. Chờ đợi một điều gì đẹp lắm mà cho mãi tận bây giờ, tận khi cô không còn trên cõi đời này nữa, điều đẹp đẽ ấy vẫn chưa một lần xuất hiện. Giống như chàng hoàng tử trong mơ của tôi, chàng hoàng tử vĩnh viễn chỉ có trong những ước mơ.
Thanh minh, tôi về quê thắp hương cho cô ở nghĩa địa làng rồi thẩn thơ ra bến sông hoa gạo. Cứ tưởng được ngắm quầng hoa lửa lộng lẫy và kiêu hãnh giữa màu xanh ngô khoai bạt ngàn quen thuộc, ai ngờ trước mắt tôi là cây gạo cổ thụ chết khô. Không có bông hoa nào cả. Không có tiếng chim nào cả. Những cành khô trơ trụi và cô độc trên bến sông buồn bã. Gió vẫn thản nhiên thổi trên mặt sông lấp lánh và lũ trẻ chăn trâu vẫn nô đùa trên bãi. Hoa cải nở muộn vẫn nhuộm vàng từng vạt bãi sông. Nhưng ở gần gốc gạo chết khô ấy, chẳng biết ai đã trồng một cây gạo mới thế vào. Cây gạo còn non nớt, chưa đến thì trổ hoa.
Rồi sẽ lại có những mùa hoa gạo lộng lẫy trên bến sông…
Rồi sẽ lại có những bàn tay con gái nâng niu từng bông gạo thắm…
Rồi sẽ lại có những ánh mắt tha thiết dõi ra phía dòng sông thao thiết chảy…
Và những ước mơ đẹp đẽ sẽ không tắt bao giờ…
Cho dù, hoàng tử có đến hay không!.
9/3/2018
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...