Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Trần Anh Thái và Làng vài trăm nóc

Trần Anh Thái
và Làng vài trăm nóc

Tôi về làng, chưa kịp bước vào cửa nhà lão, đã nghe tiếng dao thớt rộ lên phía sau bếp. Giọng lão oang oang: “Về rồi đấy hả, rửa mặt đi rồi còn ngả bàn! Mày đỏ đấy, lợn này tao kiếm hôm qua, loại lợn cấn, nuôi bằng cám, thịt ngọt, thơm, chắc… Xẻ một nửa cho mụ nhà mang bán, mình làm tí tiết canh lòng sốt nhắm rượu…”. Nói rồi lão vừa cất giọng khàn khàn gọi thằng cháu nội vào góc nhà lấy chai rượu nút lá chuối, vừa khệ nệ bê hai bát tiết canh đỏ sẫm, đặc sánh như bánh đúc từ trong bếp chui ra. Thằng cháu mang chai rượu đặt giữa bàn, rồi nhanh nhảu quay vào bếp bê đĩa lòng to bự, đang nghi ngút khói. Giọng lão chậm lại: “Rót rượu đi mày, sáng ra cứ tí tiết canh lòng sốt, vài chén nút lá chuối là khỏe cả ngày. Ở Hà Nội chúng mày lấy đâu ra loại thứ thiệt thế này, toàn đồ mông má, lợn tăng trọng, ăn kinh bỏ mẹ…”
Lão là bạn học thời phổ thông với tôi, đi bộ đội vài năm rồi về quê lấy vợ đẻ sòn sòn vài năm bốn đứa con trai, đứa nào cũng đen như cột nhà cháy, béo ục ịch. Vợ hắn nhu mì, hiền như cục đất nhưng được cái chăm chỉ. Hắn tính tình hồn nhiên phóng khoáng, không giỏi tính toán làm ăn nhưng được cái sức vóc hơn người, chân tay liên miên từ sáng tinh mơ đến tối mịt. Ở làng, ai có công việc gì là lão có mặt. không nề hà việc to, việc nhỏ, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm, lo toan như người ruột thịt. Mấy năm trước nhà lão nuôi vài trăm con vịt, nghe nói thu nhập cũng khá, bán đàn vịt với hai con trâu xây được cái nhà hai tầng ở ngoài đê. Có lần tôi về, lão sai thằng cả bê rổ trứng vịt to tướng sang cho. Bảo, mang về Hà Nội luộc ăn dần. Sang nhà lão chơi, lão bảo: “Mày ở Hà Nội lên xe xuống ngựa, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, nhưng ăn ở trong cái khu tập thể bé tít hít như cái chuồng chim treo giữa trời, suốt ngày long đầu nhức óc, xe cộ ầm ầm, chỉ tổ hít xăng dầu, chắc gì đã sướng”. Lão với chiếc điếu cày rít một hơi thật đã, giọng kẻ cả: “Ở quê, mở mắt đã thấy mặt trời, không khí trong như gió thánh. Sáng ra đánh bát lùm cơm ăn với cá kho rồi xách giỏ ra đồng. Mở chuồng, trứng vịt trắng xóa sàn, làm vài quả luộc nhắm rượu. Còn lại bảo mẹ đĩ mang đi chợ, mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn. Hôm nào rỗi làm con vịt hãm tiết canh. Cơm rượu no say, quẹt chân lên gường ôm mẹ đĩ, vô lo. Đời người sống mấy nả mà bon chen, nhọc xác…”
Ngồi chuyện nhép với lão là phải uống rượu. Rượu vào lời ra, đông tây kim cổ lão vanh vách. Cái lí sống ở đời của lão là trời cho thế nào cứ thế mà hưởng. Hưởng quá sức của mình, láu cá như rận, hơn người dăm bữa rồi đâu lại vào đấy. Ví như cái thằng con nhà Khả giữa làng. Gia đình đang khấm khá, yên ấm vợ con, đùng một cái bán ti vi, xe máy, vay tiền chạy đi lao động tận bên Hàn Quốc. Nghe nói, khi về cũng tích cóp được số vốn kha khá. Với cữ tiền ấy nếu biết tiết kiệm, an phận làm ăn cũng sướng cả đời. Đằng này tiền kiếm về chưa kịp hưởng đã mất sạch.
Thời ấy, người làng rỉ tai nhau, ai có tiền cứ đầu tư nuôi vạng, nuôi ngao tha hồ hốt bạc. Ở làng cũng có dăm người đầu tư nuôi vạng. Người Tàu mê vạng Tiền Hải, cứ đến vụ là đánh tàu sang tận cửa Lân, cửa Lý thu mua. Cu cậu ham giàu, bao nhiêu vốn liếng dốc hết vào vạng. Được vài tháng, vạng chưa kịp thu đã gặp bão liên tiếp, tài sản mất toi gần nửa. Số còn lại cố vớt vát ít nhiều. Ai ngờ đến mùa bán ra tụt hơn chục giá. Hỏi ra mới biết mấy anh Tàu đột nhiên bỏ hẳn, tiệt không sang mua vạng như trước nữa. Vạng Tiền Hải nuôi cốt bán cho Tàu, bán ở làng ai mua? Giờ Tàu không mua nữa thì ế, bao nhiêu vốn liếng đi tong. Vợ chồng suốt ngày cãi nhau ầm cửa ầm nhà. Nghe nói, cô vợ tháng trước tức chồng bỏ ra Hải Phòng làm ô sin, không về làng nữa…
Thời buổi nhập nhèm, vô tội vạ, cứ có lợi, thấy mùi tiền là lao vào. Ngay cái nhà lão Chạch ở góc làng. Ngày trước nhà lão thuộc diện nghèo kiết xác, cả ngày không có nổi bữa cơm. Lão bị bệnh thần kinh, nửa người nửa ngợm, chân đi tập tễnh, mồm miệng suốt ngày rãi rớt ròng ròng. Trẻ con ở làng trông thấy sợ mất vía. Vậy mà mấy năm rồi lão trở nên nổi tiếng khắp vùng. Nhà xây hai tầng hoành tráng, bên trong nội thất cầu kì, toàn đồ sang. Vợ con đề huề ăn diện như người thành phố. Mấy lần về làng, nghe người làng kể tôi bán tín bán nghi. Hôm rồi về, lững thững ra đồng chơi, nhân tiện tạt qua nhà lão thấy người ra vào tấp nập, xe to, xe nhỏ xếp hàng nườm nượp. Hỏi ra mới biết lão làm nghề bói toán. Người làng đồn thổi, cách đây dăm năm, lão sang làng bên ăn giỗ, lúc về bị xe máy tông phải vào trạm xá xã cấp cứu. Sau hôm ở trạm xá về, lão thấy một luồng không khí nóng rạo rực khắp người. Đêm mơ có tiếng nói từ trên cao bảo lão là người có căn cốt độ thế! Từ đấy lão xây điện thờ… Câu chuyện đúng sai đến đâu không ai quả quyết, nhưng  nhà lão mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách tứ xứ về cúng bái, lễ tạ. Thường người ở làng ít qua lại nhà lão, nhưng cũng không ai xì xèo gì. Việc của lão lão làm, biết đâu đời ông cha lão ngày xưa thảm bại, bây giờ mới gặp cơ duyên , nói ra không khéo mạo phạm. Chỉ biết rằng nhà lão mỗi ngày giàu lên trông thấy. Âu cũng là số trời cho lão vậy…
Về chuyện buôn thánh bán thần, lão bạn tôi không tin. Lão bảo, toàn bọn bịp bợm lừa thiên hạ. Sống lương thiện làm ăn, giúp người người giúp. Kẻ lòng dạ tối om, làm điều thất đức thần thánh nào chịu được. Ngay cái nhà mụ Tẽo ở cuối làng ấy. Ngày xưa nhà mụ cơm không có ăn, người quắt queo như cây sậy héo, mắt mũi kèm nhèm, chữ nghĩa bẻ đôi không biết. Vậy mà bây giờ, không biết học lỏm ở đâu mấy bài bói toán nhì nhằng, dân tình cứ ùn ùn kéo đến xin thẻ, rút bài. Mà cái dân mình cũng lạ, cứ một đồn mười, mười đồn một trăm, bất kể thực hư cứ thế nghe theo. Ngôi nhà của mụ không hoành tráng như nhà lão Chạch, nhưng cũng không thua kém ai ở làng. Mụ là người kì quái. Từ bé đến lớn không giao du chơi bời, sống lủi thủi một mình. Đến tuổi dậy thì không biết ông hàng xóm chơi bời lêu lổng nào làm bụng mụ phễnh ra. Năm năm liền mụ cho ra đời ba đứa con, một trai, hai gái. Mụ sống khép kín, suốt ngày cửa đóng then cài nên hàng xóm không mấy ai để tâm đến. Nghe nói, hai đứa con gái của mụ bị lừa bán sang Trung Quốc, làm vợ cho mấy thằng chồng già nghiện hút, sống tận nơi rẻo cao rừng rú gì đấy, quên mất quê quán rồi. Thằng con trai thì đi làm thuê một thời gian rồi về phụ mẹ hầu đồng bắt bóng, cũng ăn chơi nghịch ngợm ra dáng con nhà ra phết…
Làng vài trăm nóc nhà mà đủ chuyện vui buồn. Mỗi người mỗi phận, không ai giống ai. Nhưng đáng thương nhất là ông Tý bộ đội về hưu. Ông Tý đi lính từ thời Pháp. Vào bộ đội học bổ túc văn hóa đến lớp ba. Gần bốn mươi năm nhì nhằng mãi trong quân ngũ mới lên được hàm trung úy. Về làng, ông mang theo bà vợ gàn gàn dở dở tận miền sơn cước và bốn đứa con hai trai, hai gái. Tiền bạc tích cóp bấy nhiêu năm ông bỏ ra mua khoảnh đất xây được căn nhà đổ mái bằng ba gian. Từ ngày về làng, ông suốt ngày đi làm thuê lấy tiền nuôi vợ con. Người làng ai có công việc gì là gọi đến ông; từ việc đào mả, nhào đất nung vôi, đóng gạch đến việc dọn phân chuồng, vét bùn, đào ao cuốc đất… Vợ ông không biết việc đồng áng, suốt ngày quẩn quanh góc bếp xó nhà. Nghe nói, mụ uống rượu như nước lã. Cuộc sống của vợ chồng ông cũng lạ. Cứ ông vắng nhà, mỗi người một nơi, thì không có chuyện gì. Nhưng khi ông về đến nhà là hai vợ chồng lại bỏ rượu ra uống. Uống vào là chửi nhau ầm ĩ. Có hôm nửa đêm vợ chồng còn hò hét, vác gậy đánh nhau chạy dọc khắp làng. Chuyện vợ chồng ông Tý dân làng không lạ gì. Lúc đầu còn có người đến can, sau không ai đến nữa. Người ta bảo, vợ chồng nhà ông ấy như phường chèo, cười đấy rồi khóc đấy. Nhà ông ấy một ngày không đánh nhau vài lần thì dứt khoát là có chuyện, không bình thường rồi…
Đúng như lời đồn. Ấy là vào một buổi chiều, ông Tý uống rượu rồi cao hứng trèo lên mái nhà hóng gió đông nam. Hôm ấy ông uống nhiều, tới tận gần mười giờ đêm, vừa uống vừa ngêu ngao đoạn chèo. Mụ vợ gọi mấy ông cũng mặc. Tức mình, mụ cầm một chai cổ ngỗng trèo lên nóc. Hai người vừa uống vừa hát, chán rồi vứt chai, đập cốc lao vào đánh nhau chí chết. Không biết do sơ ý hay do uống rượu mà ông đẩy mụ vợ rơi từ mái nhà xuống sân gạch, chỉ thấy một tiếng kêu “Ối!”, rồi im bặt. Sáng ra, người làng thấy nhà ông lặng ngắt. Nhiều người tò mò hỏi, mới biết mụ vợ đã ngoẻo củ tỏi từ đêm qua. Chuyện vợ ông Tý chết cũng không gây xúc động gì ghê gớm ở làng. Nghe nói, sau khi chôn cất vợ xong, ông bị công an bắt giam ba ngày rồi thả cho về. Người ta bảo ông gần tám mươi tuổi rồi, bắt giam ông cũng chỉ tốn cơm tù. Vợ ông chết là do cái số chứ ông có chủ ý giết vợ đâu! Từ ngày vợ ông Tý chết, làng xóm cũng bình yên hơn. Còn ông Tý người làng ít nhìn thấy mặt. Dân làng xì xào, từ ngày vợ mất, ông Tý tuyệt nhiên không uống rượu nữa. Thời gian sau thì lú lẫn, thần kinh, giờ suốt ngày ngồi lẩm bẩm với bốn bức tường, tuyệt không bước chân ra đầu ngõ…
Chuyện của lão bạn tôi cả ngày không hết. Tính lão thế, có chén rượu là không dứt ra được. Lão bảo, mày là thằng chữ nghĩa, về làng sống vài năm rồi lên Hà Nội viết cả đời lấy tiền nuôi vợ con, dại gì… Thời buổi này ở làng sinh ra đủ thứ chuyện, nhưng mệt nhất là đám choai choai, học hành bê trễ, suốt ngay chui đầu vào mấy quán karaoke. Trai gái chưa sạch máu đầu ăn nằm với nhau,  trốn cha mẹ bỏ làng biệt xứ. Người lớn cũng chẳng ra làm sao, lo dạy dỗ con cháu học hành thành người tử tế thì ít mà chỉ lo xây từ đường, nhà thờ, lăng tẩm sao cho thật cao to hoành tráng. Dòng họ này thi với dòng họ kia, kém nhau một tí là không chịu, chỉ tổ con cháu còng lưng đóng góp. Ai đời có dòng họ một năm thu đến ba bốn lần tiền, hết sửa từ đường đến xây lăng tẩm rồi lễ lạt cúng giỗ. Có hộ gia đình cả năm nhận cấy dăm sào ruộng, thu được vài triệu bạc thì tiền đóng cho dòng họ mất quá nửa. Cái ăn không đủ xây lăng tẩm mà làm gì? Vậy mà người ta vẫn cứ xây, to vậy chứ to nữa, cái đống gạch ấy giúp gì cho con cháu mở mày mở mặt?… Mà dân làng nói vậy thôi, mấy năm trước kinh tế khấm khá đôi chút, nhưng giờ kém đi rồi. Ấy là chưa kể có vài sào ruộng, mỗi vụ kiếm vài tạ thóc vừa đóng góp cho dòng họ vừa nộp đủ các khoản thuế má, quỹ này quỹ nọ thì sống bằng gì? Thế nên dân bây giờ chán làm nông nghiệp, nhiều nhà bỏ ruộng. Vợ chồng con cái tứ xứ làm ăn. Làng bây giờ cũng vắng người, nhất là thanh niên, đi xa làm ăn hết rồi! Không đi làm ăn lấy tiền đâu mà sống. Thời buổi cái gì cũng tiền. Đủ cách xoay xở cuộc  sống cũng không khá lên là mấy. Người tử tế, khỏe mạnh, lao động bằng mồ hôi nước mắt chân chính thì không đủ ăn, đứa nhố nhăng lừa bịp như cái nhà lão Chạch với mụ Tẽo thì thiên hạ mang tiền đến cung phụng. Thật là thời buổi đảo điên, thật giả lộn tùng phèo. Chán thật!…
Chia tay ông bạn già, tôi lang thang ra cánh đồng làng. Trời nhá nhem tối mà dân đi làm đồng vẫn chưa về. Phía xa, ngoài rặng phi lao chắn sóng là biển. Tiếng sóng biển quê tôi như từ ngàn đời nay vẫn thế: U trầm, nặng nhọc trĩu xuống từng mái nhà đời này qua đời khác. Cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ in trên gương mặt mỗi con người, mỗi cuộc đời, mỗi số phận không ai giống ai. Nhưng với tôi, dù năm tháng trôi qua, dù có bao biến đổi lạ kì, những kí ức về làng vẫn đang còn đó, như một phần máu thịt rần rật chảy dọc đời người… 
7/8/2018
Trần Anh Thái
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...