Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Phải có hư danh để làm gì

Phải có hư danh để làm gì?

Nếu không chấn chỉnh, hư danh sẽ làm hại chính danh, cái điêu ngoa sẽ ngự trị và làm thui chột lương tri xã hội!
Câu chuyện ca sĩ Ngọc Sơn được nhận giấy khen của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam với tư cách “Giáo sư âm nhạc”, một lần nữa khiến dư luận bẽ bàng về các kiểu mua bán danh thời nay. 
Ngày xưa, tiền bối Nguyễn Công Trứ có phút giây “Đi thi tự vịnh” nhiều thao thức “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông” mà không thể nào ngờ thế hệ hậu sinh lại mưu cầu hư danh một cách lố bịch!
Danh dễ tìm thì dễ mất 
Sống ở trên đời, có được cái danh thì đáng quý lắm chứ! Kiếp người dằng dặc âu lo và thương khó, cái danh vừa giống như sự an ủi vừa giống như sự bù đắp. Thế nhưng, cái danh ấy có được theo phương pháp nào lại quyết định phẩm giá của người sở hữu. Cái danh nào dễ tìm thì cái danh ấy cũng dễ mất. Cái danh nào bất chấp thủ đoạn để đạt được thì cái danh ấy trở thành nỗi ô nhục mà kẻ ham hố phải gánh chịu trước miệng lưỡi dân gian. Đáng tiếc thay, lý lẽ đơn giản đó không phải ai cũng thấu hiểu và cũng đắn đo khi quá sốt ruột vì cái danh.
“Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”. Trong bối cảnh mùi nước hoa có xu hướng đại diện cho đẳng cấp con người thì cái danh càng đáng sợ hơn. Người ta chen lấn, giành giật và mặc cả với nhau để có cái danh. Thị trường bỗng dưng hình thành, người có nhu cầu cái danh gặp gỡ người có khả năng cung cấp cái danh. Các loại giải thưởng và các loại bằng khen nảy nở như nấm sau mưa. Từ cái danh “nhà khoa học thế giới” đến cái danh “nhà quản lý toàn cầu” đều được ban phát dễ dãi, bởi những kẻ không mấy tường tận về “khoa học” lẫn về “quản lý”. Kẻ nhận thì hả hê mãn nguyện, kẻ trao thì thong dong đếm tiền, chỉ có những người tha thiết với sự tiến bộ xã hội thì ê chề và xót xa.
Cầu danh và háo danh có phải một cái tội không? Chắc chắn không, nếu cái danh gắn với cái phận. Làm những nghề bình thường mà vô danh thì cũng tẻ nhạt, huống hồ làm những nghề liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo. Ca sĩ vô danh thì cay đắng gấp vạn lần kỹ sư vô danh. Vì vậy, cuộc chạy đua cái danh hào hứng nhất và khốc liệt nhất thường diễn ra ở giới nghệ sĩ. Để nổi tiếng thì có trăm ngàn cách, “người đẹp nhòm ngực” cũng là một cách mà “nữ hoàng nội y” cũng là một cách, thậm chí khỏa thân bảo vệ ngựa hoặc khỏa thân bảo vệ rừng cũng là một cách! Tuy nhiên, cách cầu danh kiểu showbiz, dù ngây ngô tốn bạc tỉ để rước cái hoa hậu ao làng thì cũng đáng tha thứ hơn cách háo danh của những người trong lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu!
Vẽ bùa tự đeo 
Chưa bao giờ làng văn nghệ nước nhà nhiều tên tuổi mà ít tác phẩm như bây giờ. Đó là hậu quả của cơn thèm khát cái danh.
Những người viết văn, làm thơ không quan tâm đến chất lượng bản thảo mà chỉ nhắm đến việc có cái thẻ nhà văn. Vì xem vấn đề được công nhận hội viên hội nhà văn cấp thành phố hoặc cấp trung ương như mục đích tối thượng, nên phong trào “đạp cửa liều chết xông vào hội” rất tưng bừng. Nhờ người sửa văn, nhờ người chỉnh thơ, nhờ người ca ngợi chỉ để được kết nạp vào hội nhà văn, sau đó không thấy viết gì nữa. Kết quả nhãn tiền, các cuốn sách được gọi là tập thơ, tập truyện ngắn hoặc tập tản văn được in tràn lan mà độc giả muốn kiếm một tác phẩm ra hồn ra vía thì cực kỳ khó khăn.
Háo danh ắt ưa chuộng hư danh. Có 1.001 dở hơi “vẽ bùa tự đeo”, mà khủng khiếp nhất là… kéo luôn thần thánh xuống hàng bạn bè ngang vai phải lứa. “Tiền nhân mượn bút” nghĩa là gì? Thơ của cõi trên đấy, phàm nhân không thể chia sẻ được đâu! Nắm được giờ giấc xuất hiện của “tiền nhân” mà để sẵn giấy mực cho “tiền nhân” làm thơ giùm thì siêu cấp nhất quả đất. Đã vậy còn vung tài chính tổ chức hội thảo hoành tráng mới kinh!
Đành rằng ngành giáo dục nước ta đang gặp nhiều thử thách nhưng cái danh trong môi trường này không thể vung vãi vô tội vạ. Ca sĩ Ngọc Sơn tự khai mình là “giáo sư âm nhạc” thì lập tức Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cấp giấy khen ghi nhận luôn. Còn bao nhiêu trường hợp giáo sư tự phong khác, vẫn không có bất cứ động thái nào của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tích cực giám sát hoặc truy vấn. Hội chứng “Tăng Sâm giết người” đang tung hoành ở các loại giáo sư tự phong, một điều không thật cứ nói hoài, nói mãi thì lâu ngày sẽ thành vết nhơ trên khuôn mặt cộng đồng. Nếu không chấn chỉnh, hư danh sẽ làm hại chính danh, cái điêu ngoa sẽ ngự trị và làm thui chột lương tri xã hội!
Sân chơi diêm dúa, chiêu trò rửng mỡ
Vàng thau lẫn lộn, khiến những tác giả đích thực ngại in sách. Bởi vì, chốn chữ nghĩa thanh cao gần như biến tướng thành sân chơi diêm dúa của những kẻ vàng kho bạc đống. Trên bước đường kiếm danh của những đại gia thật lắm chiêu trò rửng mỡ, họp báo ra mắt sách ở khách sạn 5 sao có múa hát chào mừng ầm ĩ, rồi họp báo ra mắt sách trên khinh khí cầu bay lượn như vĩ nhân nửa mùa. Trong những tiếng tung hô vang dậy được thuê mướn, độc giả chân chính không giấu được sự thất vọng não nề!. 
26/9/2017
Lê Thiếu Nhơn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...