Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Việt hóa từ chuyên ngành cũng là làm quốc văn hay đẹp hơn lên

Việt hóa từ chuyên ngành cũng
là làm quốc văn hay đẹp hơn lên…

Trước sự phát triển của các chuyên ngành khoa học kỹ thuật, vốn từ tiếng Việt trong lĩnh vực này cũng đang ngày càng được cập nhật.
Khi đánh chiếm Nam Kỳ, từ thời điểm nào người Pháp đã mở trường bá nghệ nhằm dạy nghề cho người bản xứ. “Ngày 11-4-1904, toàn quyền Đông Dương ra nghị định mở trường học nghề ở Sài Gòn. Trường gồm ba ngành: nguội, mộc, đúc loại nhỏ. Thời gian học: 3 năm.” (Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918 của Viện Sử học – NXB Giáo Dục, 1999, tr. 284)
Sau 100 năm, kể từ tập sách giáo khoa Thiệt hành điển học (1917), đến nay đã có hàng chục vạn từ nước ngoài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật được Việt hóa – Ảnh: L.M.Q. – Nhã Linh
Từ Danh từ khoa học…
Không rõ thuở ấy các học trò được học giáo trình nào do người Pháp biên soạn. Nhưng có một điều chắc chắn đã có không ít nhà giáo tâm huyết với chương trình học đã biên soạn sách giáo khoa nhằm phục vụ một môn học còn quá xa lạ, mới mẻ đối với người Việt nói chung.
Trong tài liệu sưu tập, người viết còn giữ được quyển sách giáo khoa Thiệt hành điển học do Alexis Lân, Ingénieur Électricien A. & M – I.E.G biên soạn, Imprimerie F.H Schneider xuất bản năm 1917 tại Sài Gòn:
“Sách dạy những điều cần kíp cho những thợ Annam làm các máy điển khí và những học trò các trường bá nghệ”.
Sách in hai thứ tiếng Pháp – Việt, dạy tương đối đầy đủ môn học về điện mà học trò cần phải biết.
Chẳng hạn, đây là bài toán số 8: “Hai cái đèn thắp bằng than sức nó là 10 ampères mà câu en série theo một mạch hơi là 120 volts. Mình biết cái différence de potentiel của mỗi cái đèn không có quá trên 45 volts phải độ một cái résistance mà câu en série với hai cái đèn đó đặng cầm bớt volts cho vừa theo sức nó”.
Qua ví dụ trên, ta có thể thấy được vốn từ của tiếng Việt bấy giờ vẫn còn hạn chế đối với một số từ khoa học kỹ thuật.
Mãi đến năm 1942, nhà bác học Hoàng Xuân Hãn mới soạn xong quyển Danh từ khoa học (toán, lý, hóa, cơ, thiên văn) nhằm Việt hóa các từ cần thiết để người đọc/học dễ dàng tiếp thu.
Ông tâm tình: “Tập Danh từ khoa học này mục đích là để người giảng với người nghe có một ngôn ngữ tương đồng khi bàn về khoa học”.
Có thể ghi nhận đây là một trong những đóng góp quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam và cả sự phát triển, bổ sung vốn từ cho tiếng Việt.
Nối tiếp vai trò tiên phong của Hoàng Xuân Hãn, đến nay đã có nhiều từ điển thuộc lĩnh vực khoa học, ngành nghề được thực hiện.
Vài thuật ngữ sáng tạo
– “Précipiter về hóa học là nói lúc ta rót một chất nước trong vào một chất nước trong khác, tự nhiên ta thấy một chất đặc hiện ra tua tủa và dần dần lắng xuống…
Tuy là một hiện tượng rất quen, ta không có danh từ để gọi. Tôi lấy 2 ý: kết thành và tủa ra mà gọi là “kết tủa” (Hoàng Xuân Hãn – Danh từ khoa học, NXB Trường Thi tái bản năm 1959, tr.XXXI).
– “Tunneling (Anh): Chui đường hầm – một thuật ngữ thường đi kèm với cổng dữ liệu VPN (tr.70).
Stellglied (Đức), Final control element (Anh): Cơ cấu tác chỉnh/ cơ cấu tác động (tr. 394)”.
(Khảo sát từ chuyên ngành cơ điện tử – NXB Trẻ, 2017).
… đến bộ sách chuyên ngành Nhất nghệ tinh
Mới đây nhất, trong chương trình hợp tác Việt – Đức Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, Nhà xuất bản hàng đầu của Đức Europa Lehrmittel đã cung cấp tài liệu về một số ngành nghề, theo đánh giá của TS Đặng Xuân Phúc – vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, nhằm “cung cấp kiến thức kỹ năng để có thể đạt đến tiêu chuẩn quốc tế”.
Một trong những rào cản khiến người dịch không thể trình bày đầy đủ, chuẩn xác các chi tiết đơn giản chỉ vì trong tiếng Việt chưa có từ tương đương.
Mỗi người chọn lấy từ theo cách nghĩ của riêng mình, thiếu nhất quán – nhất là sách dạy nghề.
Nhằm khắc phục điều này, từ tháng 2-2010, Quỹ Thời báo kinh tế Sài Gòn, Ủy ban tương trợ người Việt tại CHLB Đức và NXB Trẻ đã lập dự án sách dạy nghề Nhất nghệ tinh.
Họ đã “huy động” đội ngũ dịch giả gần 100 kỹ sư, trí thức gốc Việt ở Đức và một số nước khác. Ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc Nhà xuất bản Trẻ – cho biết một chi tiết thú vị:
“Làm sách khoa học thì tranh luận khoa học là chuyện xảy ra hằng ngày. Và để tăng thêm sự đồng thuận trong nhóm dịch, các anh chị dịch giả và một số nhà khoa học khác đã soạn ra trước mắt một từ điển trực tuyến Việt – Đức – Anh khoảng 20.000 từ và đang dần bổ sung”.
Như vậy, trong vòng bảy năm với 4 cuốn sách Cơ khí (2013), Điện – điện tử (2014), Ôtô và xe máy hiện đại (2016), Cơ điện tử (2017) được dịch, đã có ngần ấy vốn từ chuyên môn tiếng Anh, Đức được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Rồi sắp đến đây, với những bộ sách đang dịch như Cẩm nang hóa công nghiệp, Nhựa và sinh học thì cuốn từ điển trên càng đa dạng hơn nữa. Âu cũng là một tín hiệu, một đóng góp mới đáng mừng về sự phong phú của tiếng Việt.
Về phía người đọc, được hưởng các thành quả này, thật tâm đắc với lời dặn dò của một nhân vật trong truyện dài Một đứa con đã khôn ngoan của nhà văn Nguyễn Công Hoan:
“Mình không có tài làm cho quốc văn hay đẹp hơn lên, thì phải có chút khuyến khích những người có công quý hóa ấy vậy”. 
Tác động của văn hóa còn là sự quyết liệt góp phần thay đổi về một nhận thức: Lâu nay, ai cũng biết “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng tại sao giới trẻ hiện nay thờ ơ, không hăm hở học nghề?
Do nhiều lý do, trong đó không ngoại trừ vì họ phải tiếp cận giáo trình quá cũ kỹ, lạc hậu, không theo kịp sự phát triển khủng khiếp của các chuyên ngành khoa học kỹ thuật.
Chưa kể một khi tham khảo tài liệu nước ngoài, họ phải “đối đầu” với không ít thuật ngữ, vốn từ chưa được Việt hóa.
8/10/2017
Lê Minh Quốc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...