Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Bạn tôi - Truyện ngắn Phạm Văn Hoanh

Bạn tôi - Truyện ngắn
Phạm Văn Hoanh

Còn một tuần nữa tới Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thì tôi nhận được tin nhắn của người bạn học thời phổ thông hiện đang công tác tại huyện đảo Lý Sơn “Cậu chuẩn bị sắp xếp công việc, ngày kia mình dẫn cậu đi Lý Sơn dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhé!” Nhận được tin nhắn tôi rất háo hức, lo sắp xếp công việc để đi. Bởi từ nhỏ đến giờ tôi chỉ biết Lý Sơn qua phim ảnh, sách báo. Tôi ước ao được một lần đến với Lý Sơn, được nhìn thấy Lý Sơn hiện hữu trước mắt mình. Vậy là mơ ước ấy đã đến với tôi.
Đúng như lời hứa, bạn đến nhà tôi rất sớm, hối tôi đi cho kịp chuyến tàu.
Chúng tôi đến cảng Sa Kỳ lúc 7 giờ sáng. Mua vé tàu và nhận áo phao. Tôi cầm áo phao trên tay bước xuống tàu. Anh kiểm soát viên trên tàu cản lại: “Xin anh vui lòng mặc áo phao vào!” Tôi mặc áo phao bước xuống hàng ghế đã ghi trên vé, ngồi.
Con tàu cao tốc Quảng Ngãi – Lý Sơn nhổ neo kéo một hồi còi vang động báo hiệu giờ xuất bến, rồi từ từ lướt sóng ra khơi. Ban đầu tôi nghe tiếng nổ ầm ầm của động cơ tàu. Về sau chỉ nghe tiếng ù ù của gió và sóng biển xen lẫn tiếng nôn oẹ của hành khách. Tôi không nôn oẹ nhưng thấy người lâng lâng như say rượu. Cặp mắt cứ lim dim.
Thấy tôi mệt, bạn tôi lấy ra một ve dầu gió xoa vào hai bên thái dương tôi và hỏi:
– Cậu có mệt lắm không?
Tôi mở to mắt trả lời:
– Hơi chóng mặt thôi.
– Lần đầu tiên đi biển mà chỉ lâng lâng là giỏi rồi. Hồi mình mới ra biển say đừ không biết trời trăng mây gió gì hết. Đi vài lần tự nhiên hết mất. Cậu cứ nhìn thẳng về phía trước cho đỡ say. Chỉ còn hơn tiếng nữa là đến huyện đảo Lý Sơn.
– Nhanh vậy?
– Tàu cao tốc mà.
– Có phải dãy núi xanh xanh ở tít ngoài khơi kia là huyện đảo Lý Sơn không?
– Ừ, đúng rồi. Đảo Lý Sơn đang hiện dần ra đó. Cậu có biết đảo Lý Sơn được khai sáng vào thế kỷ nào không?
– Không biết.
– Để mình nói cho biết. Đảo Lý Sơn được khai sáng vào thế kỉ XVII có tên là Cù Lao Ré. Vì lúc đó ré ở đây mọc rất nhiều. Từ đảo này có thể đi đến tận đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều đảo khác nữa trên vùng biển của ta. Ở đây còn giữ nguyên tục lệ liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa ngày xưa. Sử cũ ghi rằng dưới thời chúa Nguyễn mở cõi về phía Nam, đến thời Tây Sơn, sau này là các vua triều Nguyễn nhà nước phong kiến Việt Nam đã thành lập Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thu lượm hải sản, đo đạc hải trình, dựng bia vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền tại hai quần đảo này. Hành trang mà những binh phu mang theo thời ấy, ngoài lương thảo, họ còn mang theo bảy sợi dây mây, bảy nẹp tre, một đôi chiếu và một tấm thẻ bài được khắc họ tên quê quán của người lính, để khi chẳng may người lính nào hy sinh trên biển họ sẽ được đồng đội bó xác lại và thả trôi trên biển với hy vọng khi dạt vào đất liền người dân sẽ biết được tung tích mà đưa về quê quán. Nhưng ít người tìm được quê quán nên người dân Lý Sơn mới lập các ngôi mộ chiêu hồn còn gọi là mộ gió để tưởng vọng họ. Và hàng năm vào tháng hai hoặc tháng ba âm lịch, các tộc họ ở Lý Sơn lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, dựng lại toàn bộ không khí trang nghiêm nhưng cũng rất đỗi bi hùng của một thời ra trận ấy…
Câu chuyện chưa dứt thì tàu đã cập bến. Hành khách bước lên cảng. Tôi đứng lặng hồi lâu để nén cơn xúc động đang trào dâng trong lòng. Khi hành khách đã lên gần hết, tôi mới từ từ hòa vào cuối dòng người bước đi. Các anh xe ôm chạy tới mời lên xe. Hai chúng tôi không đi. Chúng tôi nói với họ là chúng tôi thích đi bộ để ngắm cảnh.
Lần đầu tiên đứng trước biển tôi thấy mình nhỏ bé như hạt cát. Tôi nói với bạn:
– Biển mênh mông quá!
Bạn tôi đáp lại:
– Không những mênh mông mà còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn nữa. “Dữ dội và dịu êm. Ồn ào và lặng lẽ.”
Tôi nối tiếp:
– “Sóng không hiểu nỗi mình. Sóng tìm ra tận bể”.
– Coi bộ cậu còn nhớ thơ Xuân Quỳnh ghê.
– Ừ cũng còn nhớ chút ít thôi. Uả, tôi nhớ ngày xưa, hồi còn học phổ thông bạn thích bài thơ “Biển” của Xuân Diệu mà, sao hôm nay lại chuyển qua bài “Sóng” của Xuân Quỳnh?
– Trời ơi! Đó là chuyện ngày xưa “Nỗi khát vọng tình yêu. Bồi hồi trong ngực trẻ”. Nói vậy thôi chứ biển cũng như sóng. Có biển là có sóng. Tôi nói cho cậu biết nhé! Lính đảo mà không thuộc mấy bài thơ nổi tiếng viết về biển là một khiếm khuyết. Thôi, nãy giờ mình nói toàn là chuyện thơ văn, giờ phải kiếm chút gì lai rai đã!
– Ừ phải đấy! Đến đảo phải ăn món đặc sản của đảo.
– Thế thì cậu có thích ăn món tỏi không?
– Tỏi thì chỉ có làm gia vị chứ làm sao lai rai với bia rượu được cha nội.
– Vậy là cậu chưa biết món ăn đặc sản của Lý Sơn rồi. Ở đảo này nổi tiếng về nghề tỏi, đã từng được mệnh danh là vương quốc tỏi. Cậu nhìn xem chỗ nào cũng tỏi với hành.
– Thôi cha nội! Chẳng lẽ Sa Huỳnh nổi tiếng về nghề làm muối, đến Sa Huỳnh phải ăn muối hả?
– Sa Huỳnh khác. Lý Sơn khác. Ở Lý Sơn có món gỏi tỏi và món dưa hành ngon lắm. Món này lai rai với bia rượu thì hết ý.
Chúng tôi ghé vào một quán ăn núp dưới hàng dương có tên là Biển Nhớ, gọi một vài món ăn đặc sản của biển. Chị chủ quán đem thực đơn cho chúng tôi xem. Đọc qua một lượt tôi thấy món gỏi tỏi đứng vị trí đầu tiên, tiếp đến là tôm, cua, cá, mực… Bia thì đủ các loại: Dung Quất, Sài Gòn, Heineken… Tôi chọn ba món đầu tiên và một thùng Dung Quất. Chị chủ quán bưng thùng Dung Quất ra nói:
– Anh quả là người sành món ẩm thực. Đến Lý Sơn phải ăn món gỏi tỏi. Món này không những ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh nữa. Ăn món này một lần là anh nhớ suốt đời. À! Mà anh với anh Hùng bà con sao?
– Dạ! Tôi với anh Hùng là bạn học thời phổ thông. Hai đứa tôi thân thiết lắm, sống chết có nhau. Từ ngày ảnh đi Trường Sa đến giờ ít gặp. Chỉ có lễ tết mới gặp nhau vài lần.
– Bạn bè thân hữu lâu ngày mới gặp nhau say bữa chứ?
– Dạ!
Chị chủ quán nói tiếp:
– Anh, tôi mới tiếp xúc chưa biết tính tình như thế nào. Nhưng là bạn bè thân thiết với anh Hùng tôi tin chắc tính anh cũng giống tính anh Hùng. Anh Hùng tội lắm. Bà con ở đây ai cũng thương, cũng quý ảnh. Cơn bảo vừa rồi không có ảnh là nguy to. Bữa đó ảnh cứu không biết bao nhiêu ngư dân và tàu thuyền không những ở Lý Sơn mà còn ở các nơi khác nữa. Chồng em không có ảnh thì nay cũng xanh cỏ rồi. Thôi, mấy anh lai rai để em vào bếp hối mấy đứa làm nhanh nhanh!
Chúng tôi vừa uống vừa tâm sự. Tiếng là tâm sự nhưng thực ra chỉ có anh bạn tôi nói nhiều còn tôi lâu lâu mới xen vào một vài câu để đưa chuyện hoặc trả lời câu hỏi của anh. Anh hỏi nhiều câu bất ngờ. Chẳng hạn như:
– Này, cậu có biết bờ biển của mình dài bao nhiêu ki-lô-mét không? Và có bao nhiêu hòn đảo quần đảo không?
Câu hỏi của bạn làm tôi hơi lúng túng. Tôi cảm thấy xấu hổ khi mình là người Việt Nam mà không không biết đất nước mình có bao nhiêu ki-lô-mét bờ biển và có bao nhiêu hòn đảo, quần đảo. Tôi cố lục tìm trong bộ nhớ của mình nhưng chỉ tìm được số ki-lô-mét bờ biển còn bao nhiêu hòn đảo, quần đảo tìm mãi không ra.
Thấy tôi bóp trán, bạn tôi nói:
– Có gì mà phải bóp trán. Lãnh thổ Việt Nam lưng dựa vào khối lục địa Á – Âu vững chãi mà trực tiếp là dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra biển Đông lộng gió với 3260 ki-lô-mét bờ biển, trong đó bờ biển Quảng Ngãi dài 130 ki-lô-mét và hơn ba nghìn hòn đảo quần đảo…
Nói xong một hồi bạn tôi lại bảo:
– Dô!… Dô!… Dô nào!…
Chúng tôi cùng nâng li, uống một hơi.
Uống xong bạn tôi khà một cái, nói tiếp:
– Nãy giờ mải nói chuyện về biển mà quên hỏỉ thăm sức khoẻ của gia đình cậu. Độ này sức khoẻ của cậu ra sao? Mình thấy cậu hơi ốm. Vợ con có khoẻ không? Lương hướng thế nào? Có dạy thêm không?
– À, sức khỏe cũng bình thường. Vợ con cũng khỏe. Lương thì năm bảy triệu thôi. Còn dạy thêm thì tuyệt đối không.
– Không dạy. Uổng vậy. Mình thấy mấy thầy, mấy cô dạy ở nhà đông lắm, thu nhập gấp ba bốn lần lương chính thức. Con mình ở nhà bữa nào cũng đi học thêm kể cả trưa lẫn tối. Bảo nó ở nhà. Nó nói không học thêm đến lớp mấy thầy, mấy cô chiếu tướng. Nó đòi nằng nặc, má nó phải cho đi. Một môn nghe nói nộp mấy trăm nghìn lận. Mà biết bao nhiêu môn. Ớn mất.
– Không học thì thôi chứ thầy cô nào mà chiếu tướng. Trẻ con nó nói hơi nào mà nghe.
– Mình cũng nghĩ vậy. Mình nghĩ cậu nên dạy thêm, đồng lương không là không đủ đâu. Mình nghe học trò và phụ huynh ca ngợi cậu lắm. Nghe nói vừa rồi cậu đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và có nhiều học trò đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải cao. Mình mừng lắm. Thôi chúng ta cùng nâng ly chúc mừng cậu!
Chúng tôi cùng nâng ly hô:
– Một, hai, ba, dô!…
Để ly bia xuống bạn tôi lại hỏi:
– Cậu vẫn còn viết báo chứ?
– Viết báo là sở trường của mình mà.
– Lâu rồi mình có đọc mấy bài thơ, tản văn, truyện ngắn của cậu đăng trên các báo mình cảm động vô cùng. Mấy khi nay không thấy tưởng cậu nghỉ rồi.
– Cũng có đăng lai rai ở một số báo. Ngày xưa còn học phổ thông mình thấy bạn cũng có thơ đăng báo “Học Trò”, sao từ ngày ra trường đến giờ không thấy?
– Công việc bận rộn quá nên hết thơ thẩn rồi.
– Nghe nói sướng như sĩ quan mà.
– Sướng gì mà sướng. Cực bắt chết. Mấy hôm nay trời yên biển lặng mình mới ngồi với cậu được, biển động là mình ở ngoài khơi, đâu có nhà. Vả lại cũng đang nghỉ phép về quê ăn đám cưới thằng cháu con ông anh ruột nên mới rảnh thế này.
– Trung tá hay đại tá rồi?
– Đại tá rồi.
– Giỏi! Bạn bè cùng lớp chỉ có bạn là ngon nhất.
– Cậu cũng ngon chứ bộ. Ngày xưa mình thích nghề giáo lắm. “Không có nghề nào cao quý bằng nghề giáo”. Nhưng cha mẹ mình bảo đi thi bên quân đội. Nghe lời ông bà mình nối gót luôn. Học xong trường giới thiệu về chỗ cha mẹ mình công tác cho gần. Cậu biết ổng nói sao không? Ổng nói ngắn gọn bằng mấy câu ca dao, tục ngữ “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”. “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với cha với mẹ biết ngày nào khôn”. Thế là mình đi Trường Sa. Ở Trường Sa gần hai mươi năm. Năm ngoái họ chuyển về thành phố. Nhưng mình xin đi Lý Sơn. Mình thích sống ở đảo hơn. Hồi còn học phổ thông mình đọc tiểu thuyết “Rô-bin-xơn Cru-xô” của nhà văn Đê-ni-ơn Đi-phô mình muốn trở thành một Rô-bin-xơn để khám phá, chinh phục sự bao la của đại dương. Hơn hai mươi năm rời làng quê thơ mộng đến với biển mình đã gắn bó với nó như gắn bó với bờ tre gốc rạ quê nhà. Chính nó đã cho mình những tháng ngày đẹp nhất. Những đêm trăng sáng ngồi ngắm những ánh đèn của những con tàu đang đánh cá ngoài khơi hay những bình minh ngồi ngắm mặt trời đang bồng bềnh nhô lên từ biển, mới thấy biển đẹp đến mê hồn, mới thấy được ý nghĩa của cuộc đời của sự bình yên nơi biển giã… Bốn mươi lăm tuổi, mình không còn nhớ đã bao lần mình khóc hay cười trước biển. Chỉ biết mỗi lần cứu được ngư dân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trở về bình yên là mỗi lần mình được tiếp thêm sức mạnh để tự mình vượt qua những khó khăn thách thức… Uả, uống đi! Sao để miết vậy? Mình cạn ly lâu rồi. Còn hút thuốc không? Mình bỏ thuốc nên quên mất. Cậu thông cảm! Chủ quán ơi! Cho gói ngựa trắng!
– Không! Mình cũng bỏ thuốc rồi.
– Được. Vậy là tốt. Hút thuốc bịnh lắm! Bỏ thuốc, đừng bỏ rượu bia nghen! Rượu bia mà bỏ là buồn lắm! “Nam vô tửu như kì vô phong” đấy.
– Rượu bia cũng sắp bỏ. Uống ít li thôi.
– Tốt. Ít li là y lít. Thôi dô nào!
– Một, hai, ba, dô!…
Bóng hàng dương liễu hai bên đường đã thu ngắn dần để lại trên sân quán một khoảng nắng màu hoa lí. Các công sở bắt đầu tan tầm. Chúng tôi đứng dậy tính tiền cho chủ quán rồi ra về.
Về đến cơ quan bạn, đồng hồ đã chỉ 12 giờ. Tôi đánh một giấc dài. Mở mắt ra tôi thấy người thật khoan khoái dễ chịu. Tôi đưa mắt nhìn ra biển Đông lấp lánh nắng chiều, thấy xa xa những hình dấu ớ đang chao liệng trên mặt sóng. Lâu lâu có một vài dấu lao xuống mặt sóng rồi bay vút lên mang theo một vật gì ngoằn ngoèo sáng trắng. Tôi hỏi bạn:
– Con gì ngoài biển mà to thế?
– Đó là những con hải âu, loài chim báo bão. Cứ mỗi chuyến đi biển về người ta thường rải cá xuống biển cho chúng ăn. Chắc có lẽ hôm nay được cá cơm nên hải âu bám theo đoàn tàu. Tí nữa đoàn tàu vô mình mua ít ký cá cơm hấp cho cậu ăn một bữa cho ớn. Và mua ít chục ký muối mắm cậu đem về đất liền ăn.
– Đất liền cá cơm cũng đầy đất chật bãi.
– Nhưng làm sao tươi ngon bằng ở đây. Chuyện đó tí nữa hễ bàn. Giờ phải đi chùa Hang cho biết. Đến Lý Sơn thì phải đi chùa Hang. Chùa Hang đẹp lắm. Nó là hang động lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng, cao gần 20 mét. Ngay dưới chân tam cấp, sân chùa thoáng mát hiện ra một tượng Quan Âm được xây cao giữa hồ sen nhìn ra biển cả. Chung quanh là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm. Hang động thì có từ ngàn xưa nhưng chùa thì được thành lập dưới triều vua Lê Kính Tông, được thuỷ tổ Trần tiền hiền ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang mở đất lập làng Lý Hải, Lý Vĩnh. Chùa Hang còn có một tên gọi khác là Thiên Khổng Thạch Tự, nghĩa là Chùa Đá Trời Sinh.
Nghe bạn giới thiệu tôi thích lắm.
– Vậy thì đi cho biết! – Tôi nói.
Hai chúng tôi rảo bước dưới những hàng dương mát rượi. Nghe dưới chân mình sóng biển vỗ ào ào. Bóng hàng dương vừa đổ dài đến cửa hang thì hai chúng tôi cũng vừa đến chùa.
– Chao ôi! Chùa Hang đẹp quá! – Tôi reo lên.
Bạn tôi giới thiệu tiếp:
– Vào bên trong cậu mới thấy hết vẻ đẹp của nó.
Hai chúng tôi vào bên trong. Đúng là đẹp thật! Lòng hang sâu và rộng. Thấy chúng tôi vào thầy trụ trì ra đón tiếp niềm nở. Biết tôi ở đất liền ra thăm chùa nên thầy vừa dẫn chúng tôi đi vừa giới thiệu: “Hang này có chiều dài 24 mét, trần hang cao 3,2 mét, diện tích 480 mét vuông”. Thầy chỉ về phía bàn thờ phật nói: “Đây là bàn thờ phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc. Bên trái bàn này thờ sư tổ Đạt Ma, bên phải thờ mười hai Diêm Vương, ba vị Đức Thuỷ tổ kế tiếp phụng sự chùa là Trần Công Thành, Trần Công Tiền, Trần Công Quân và bảy vị tiền hiền làng Lý Hải…
Thầy trụ trì giới thiệu về chùa Hang với chúng tôi vừa xong thì có một đoàn khách tham quan đến. Chúng tôi phải nhường chỗ cho đoàn tham quan.
Chúng tôi cảm ơn thầy và xin phép thầy ra về.
Rời chùa Hang chúng tôi đi tiếp về hướng nam, vượt qua khỏi sườn núi đá dựng đứng như thành luỹ đến hang Câu, một hang động cuối cùng trong hệ thống hang động ở Lý Sơn. Tôi không tin vào mắt mình. Tôi cứ ngỡ như mình đang chiêm bao lạc vào một tháp cổ nào đó ở Ai Cập hay Ấn Độ mà tôi đã từng thấy trên ti vi… Ra về lòng tôi cứ thấy tiếc nuối. Muốn ở lại thật lâu để được chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp huyền bí của hang nhưng mặt trời đã xuống biển.
Trên đường về nhà đầu óc tôi cứ suy nghĩ về những thắng cảnh ở Lý Sơn. Tôi nói với bạn:
– Lý Sơn có hang động đẹp như thế này mà ngành du lịch tỉnh mình lại không đầu tư đổ một con đường nối từ đảo vào đất liền như ở Tuần Châu hay Bạch Long Vĩ là uổng.
– Cậu lo xa quá! Đầu mấy ổng cũng đầy sạn trỏng chứ bộ. Với trình độ khoa học kĩ thuật như hiện nay thì chuyện đào núi và lấp biển có khó khăn gì đâu. Nhưng khi đổ xong con đường thì có đem lại lợi nhuận kinh tế không mới là điều quan trọng.
– Mình nghĩ là có.
– Vậy thì cậu về viết một bài báo về Lý Sơn và đề nghị tỉnh đổ con đường từ đất liền ra đảo.
– Được. Ý đó hay. Mình sẽ viết. Mình nghĩ khi có con đường nối đảo với đất liền thì không những mình với bạn gặp nhau hoài, mà nhân dân ở đảo và đất liền có điều kiện đi thăm bà con, sui gia, bạn bè… Và nền kinh tế của tỉnh nhà cũng phát triển mạnh mẽ.
– Mình hy vọng ý nghĩ của cậu sẽ thành hiện thực.
Gần một tuần ở Lý Sơn, tôi được đi tham quan nhiều nơi trên đảo, được nghe kể nhiều câu chuyện về biển, được tận mắt chứng kiến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, được thưởng thức nhiều món đặc sản của biển, được đắm mình trong làn nước mênh mông màu ngọc bích, được những con sóng bạc đầu vuốt ve, được thả hồn vào những khúc hát của những hàng dương vào những chiều xuân lộng gió, được cùng bạn tung tăng trên bãi cát mềm như lụa và được cùng nhau đuổi bắt những chú dã tràng đang xe cát…
Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Cuộc hội ngộ nào cũng đến lúc chia tay. Hai chúng tôi cũng phải tạm chia tay. Hôm chia tay bạn tiễn tôi ra bến cảng, tranh thủ mua cho tôi một tấm vé tàu rồi lật đật trở về đơn vị.
Bạn nói:
– Cậu thông cảm! Hôm nay mình đi công tác không thể đợi cậu lên tàu được. Mình vừa nhận lệnh khẩn.
– Lệnh gì mà quan trọng vậy?
– Hành quân ra khơi. Hiện giờ có một số tàu lạ đang xâm phạm vùng biển của ta. Chúng ta phải ra khơi đuổi bắt họ.
– Sao lại gọi tàu lạ?
– Chưa biết tàu của nước nào thì gọi là tàu lạ. Chúng vào vùng biển của ta có khi để đánh cắp cá tôm, có khi để do thám, tung gián điệp, biệt kích…
– Có nguy hiểm không?
– Tất nhiên là có. Nhưng mình đã thề trước biển rồi, dù có hy sinh cả tính mạng đi nữa thì chúng ta cũng phải quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta không để bất cứ một nước nào xâm phạm. Mình nhắc lại để cậu nhớ, đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều đảo khác của ta có rất nhiều sản vật quí hiếm. Chính vì vậy mà bọn nước ngoài luôn luôn nhòm ngó. Mình không canh giữ là chúng lẻn vào đánh cắp hết. Cậu nhìn đằng kia, mười chiếc tàu nước ngoài đang neo sát cảng đã hoá trang tàu Việt Nam để đánh cắp cá tôm và khai thác hải sản quý đã bị bộ đội biên phòng phát hiện bắt về đấy. Bọn chúng tưởng mình không biết nên cứ ngang nhiên khai thác. Nói thiệt với cậu là nếu không có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng thì không bao giờ phát hiện được. Sáng nay mình ra bắt tiếp mấy chiếc nữa. Cậu ở đây về vui vẻ! Chúc cậu thượng lộ bình an!
– Cảm ơn bạn! Mình cũng chúc bạn bình yên trong chuyến ra khơi và bắt được tàu lạ đừng để chúng chạy thoát!
– Cảm ơn cậu! Mình đi.
Tôi đăm đăm nhìn theo dáng vẻ lật đật của bạn cho đến khi bóng bạn khuất khỏi hàng dương tôi mới bước xuống tàu. Ngồi trên tàu mà tôi cứ nghe văng vẳng bên tai câu nói “Dù có hy sinh cả tính mạng đi nữa thì chúng ta cũng phải quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta không để bất cứ một nước nào xâm phạm” và những câu thơ của Xuân Diệu viết về biển mà bạn đã ngâm trong buổi liên hoan:
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết
Để những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!.
19/4/2019
Phạm Văn Hoanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...