Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

Thế nào là một bài thơ hay

Thế nào là một bài thơ hay?

Xét trên bình diện thể loại, đặt trong thang bậc giá trị tượng trưng, thơ đứng ở chót đỉnh của giá trị tinh hoa nghệ thuật. Chúng ta đang nói đến thơ - thơ hay. Nhưng, thế nào là một bài thơ hay? Câu hỏi đó quen thuộc đến mức sáo rỗng nhưng lại chưa hề có một xác quyết rành rẽ. Bởi lẽ, ngay tự thân, thơ (cũng như những thể loại, loại hình khác) không bao giờ là những giá trị ổn định, bất biến cứng nhắc. Thơ, trong các trải nghiệm cá nhân, trong các cộng đồng, thời đại, quốc gia, dân tộc, thể chế, tôn giáo… khác nhau lại đem đến những giá trị và đòi hỏi khác nhau. Bởi thế, dường như, thơ hay là câu chuyện đầy sinh động của mỗi người, mỗi không gian mà nó hiện diện. Để hiểu hơn về những trải nghiệm đặc thù đó, phóng viên VNQĐ điện tử có dịp trao đổi với các nhà thơ Việt Nam đương đại với chủ đề: Thế nào là một bài thơ hay?
PV: Xin được bắt đầu với nhà thơ Mai Văn Phấn. Chúng ta đề cập ngay vào nội dung cuộc trao đổi này nhé. Theo anh, thế nào là một bài thơ hay?
Nhà thơ Mai Văn Phấn: Mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Mỗi người đọc tinh hoa là một con đường đến với thơ. Cá nhân tôi phân biệt khá rạch ròi giữa sự đọc và sự viết. Tôi quan niệm viết thơ là cuộc ra đi, không bao giờ quay lại con đường cũ, dĩ nhiên cả điểm xuất phát. Nhưng khi đọc của người khác, tôi luôn tìm cách lắng nghe để tìm lấy điểm dừng trong văn bản mà thơ đã ngưng đọng. Điểm dừng ấy có thể ở bất kì giai đoạn lịch sử nào, ở bất kì địa chính trị, địa văn hóa nào. Một bài thơ hay, theo tôi là một bài thơ có thần thái, có linh hồn, một sinh linh được hiện hữu trong thân xác ngôn ngữ.
PV: Vậy thần thái của bài thơ nằm ở đâu? Xin anh nói rõ hơn để độc giả hình dung được vấn đề này, thực sự nó rất trừu tượng.
Nhà thơ Mai Văn Phấn: Thần thái của bài thơ nằm trong cảm xúc, trong tư tưởng, trong hình ảnh, trong nhịp điệu, trong ngôn ngữ của nhà thơ chạm tới được trái tim bạn đọc. Thơ ca trước hết cũng là câu chuyện của trái tim, cần quyến rũ chứ không nên dạy dỗ, thống trị. Bài thơ hay luôn mang vẻ đẹp và quyền năng bí ẩn, đủ sức làm cho tình cảm si mê, làm cho những bức tường tư tưởng bị đào tận chân móng, làm lu mờ những đức tin đã ổn cố… Đi tìm một bài thơ hay toàn diện, hay trong mọi thời đại, hay với mọi người là chuyện mò kim đáy biển. “Mắt em là một dòng sông/ Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em” của Lưu Trọng Lư từng là những câu thơ hay nhưng đến hôm nay có lẽ hơi nhạt. Ngược lại, câu thơ của Thanh Tâm Tuyền “Tôi buồn khóc như buồn nôn/ ngoài phố/ nắng thủy tinh”, trong thời đại mới, vẫn bị xem là khó hiểu dù chỉ phơi bày một nhát cắt hiện thực dang dở và đang mở, vẫn tiếp tục chờ đón sự chắp nối của người đọc.
PV: Vâng, nếu hiểu như thế, thơ hay là một chỉnh thể nghệ thuật, tác động đến toàn bộ tâm - trí của người đọc thông qua mọi phương tiện và cách thức biểu hiện. Thần thái ấy có thể hiểu là khí chất, sức sống, biểu hiện thẩm mĩ của thơ. Mà, sức sống ấy có lẽ chính là nội lực mĩ cảm, suy tư ẩn giấu trong sinh thể nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có chia sẻ quan điểm này không ạ?
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Theo tôi, một bài thơ hay là phải tạo nên một trường thẩm mĩ mới về mặt mĩ cảm với các vẻ đẹp mang chiều sâu của cảm xúc, ngôn ngữ, hình ảnh, ý tưởng, hình tượng… Về mặt thi cảm: Phải có những rung động tinh tế về mặt cảm xúc. Về mặt Thi ảnh: Phải khắc họa được ấn tượng về mặt hình ảnh. Về mặt thi ngôn: Phải có những sáng tạo bất ngờ về mặt ngôn ngữ. Về mặt Thi tứ: Phải có lập ngôn sâu sắc về mặt tư tưởng. Về mặt thi hình: Phải có những những phát hiện mới lạ về hình tượng thơ. Về mặt Thi điệu: Phải có khám phá về mặt âm nhạc, âm điệu và nhịp điệu thơ. Về mặt Thi ý: Phải có những phát hiện độc đáo về mặt ý tưởng thơ. Trong bảy tiêu chí trên, một bài thơ chỉ cần hoàn thành 3-4 tiêu chí (50%) là chắc chắn sẽ trở thành một bài thơ hay.
PV: Cảm ơn anh Nguyễn Việt Chiến đã mang đến những hình dung vừa bao quát nhưng cũng rất cụ thể về bảy phương diện của thơ. Quả thực, để đạt được 50% số tiêu chí đó cũng đã là khó rồi. Tuy nhiên, thơ vốn không rạch ròi (anh biết mà) và tôi cũng hiểu đây là sự phân chiết dựa trên một mối quan tâm trăn trở thực sự với câu chuyện sáng tạo nghệ thuật thơ ca của anh. Theo tôi, tiêu chí thi hình và thi ảnh có thể sáp nhập vào nhau cũng như thi ý và thi tứ vốn đã ở trong nhau từ khởi nguyên của hành vi sáng tạo. Mặc dù vậy, mọi sự phân tách đều không thể đi ra ngoài cấu trúc ngôn ngữ thơ được trình hiện. Nghĩa là chúng ta buộc phải nói đến một thứ trực quan từ thơ - chính là ngôn ngữ, các biểu hiện về mặt hình thức (vật chất) và hình thức nghệ thuật. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi nghĩ sao về vấn đề ngôn ngữ thơ ca trong những cảm nhận về một bài thơ hay? 
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Nhà thơ Mai Văn Phấn và Nguyễn Việt Chiến có những cảm nhận và phát biểu khá thấu đáo. Tôi cũng tán thành các quan điểm đó, nhưng nhấn mạnh hơn đến khía cạnh ngôn ngữ thơ ca. Nói đến thơ trước hết là nói đến nghệ thuật sử dụng chữ. Tác giả muốn tạo một hệ chữ riêng, nghĩa là phép lập hình vận nhịp của chữ trong kết cấu, trình bày thì cần rất nhiều khổ luyện, sáng tạo mới mong có được. Dĩ nhiên chữ không dời nghĩa. Chữ thơ là loài chữ có trọng lực, nội lực nhất. Chữ thơ khi giàu tính ý tưởng, biểu tượng, đa thanh là chữ có khí, đồng nghĩa chữ sống. Chữ thơ cũng như người thơ cần đắc khí mới tồn tại và lớn lên được. Dứt khí thì chết. Chữ thơ vô khí là vô lực, là trơ lì, bẹp dí. Chữ muốn thụ khí trước phải đạt tinh. Có tinh (tinh luyện/ tinh tế) thì đạt khí, và có được tinh rồi mới vọng tưởng tới bậc thần chữ được. Tinh - Khí - Thần chính là tam bảo, là chúa ba ngôi của cõi thiêng Thơ.
PV: Rõ ràng, càng ngày con người càng nhận ra rằng ngôn ngữ tạo ra thế giới (trong đó có con người). Thơ là ngôn ngữ lấy nó làm mục đích, nhưng lại là thứ ngôn ngữ cất cánh bay lên khỏi ngôn ngữ đời thường. Có lẽ, chính tam bảo kia đã nâng cánh cho thơ. Nhưng, thơ hay không nhiều, thi sĩ đích thực cũng không nhiều (mà lại nhiều người làm thơ). Dường như, tam bảo hay chúa ba ngôi kia cũng không phân phát một cách rộng khắp ân sủng của mình cho nhân gian. Muốn thụ hưởng ân lộc đó, thi sĩ phải là người thế nào chứ? Thưa nhà thơ Đỗ Trọng Khơi?
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Trong nghệ thuật thơ, đạt tinh đã khó, song sự thật khi mới có sự khổ công tinh luyện và viết được mấy cái tinh tế thì thứ thơ ấy cũng chưa vượt qua ngưỡng thợ thơ là bao. Khi cái tinh đã hoá khí, hóa sự sống rồi mới thực là lập chữ, là Thơ nghệ thuật. Còn khi chữ đạt tới bậc thần hiển nhiên ấy là thơ của bậc chân tài, đại tác gia. Kẻ làm thơ trong nghiệp thơ có được dăm ba câu chữ thần kể cũng lấy làm mãn nguyện. Khi có được câu thơ thần, nói như ông Kim ThánhThán “đủ bước một mình trong một thời, chiếm giữ lấy ngàn năm…”. Ông J.P.Satre trong cuốn Văn học là gì, viết: “nhà thơ là người chối bỏ ngôn ngữ ”. Ý này cũng tương hợp với câu trong Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị: “Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay”… Những dẫn dụ này đều rất xác đáng với thơ. Song cũng cần hiểu cho sáng tỏ, như vậy không có nghĩa nhà thơ đoạt tuyệt với ngôn ngữ. Nhà thơ mãi mãi cần phải mượn ngôn ngữ để kí thác và bày tỏ. Hướng tới sự “vô ngôn, lặng ngắt…”, là hướng tới cái khí sắc. Ví như mặt đất, mùa màng chỉ cần tới ánh chiếu, sức ấm lạnh của nhật - nguyệt mà không cần phải biết tới hình khối vật chất của đôi vầng ấy. Nhưng với bản thân đôi vầng nhật - nguyệt ấy để toả khí sắc được trước hết cần phải có hình khối vật chất. Con ngưòi mang bản thể vũ trụ, đời sống mà soi tìm lấy cái bản ngã, cái chân thân mình. Thơ để đạt được hồn chữ, sắc chữ trước hết nhà thơ phải luyện chữ sao cho chữ có vóc hình ngời toả lung linh. Phải đạt “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” trước đã thì mới mong đạt được cỡ “Kinh không chữ mới là chân kinh”.
PV: Nghe ý kiến các anh tôi thấy nghệ thuật thơ quả là một thứ nghệ thuật cao kì, linh diệu. Từ ý tứ đến hình ảnh, giọng điệu, nhạc tính, cấu trúc, ngôn ngữ… mọi thứ đều phải đạt đến mức “tinh” xem ra mới có một thi phẩm hay. Nhưng, tôi có cảm giác là cả nhà thơ Mai Văn Phấn, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Trọng Khơi đã hơi chú trọng đến vấn đề hình thức nghệ thuật cũng như cơ chế sáng tạo – tức là công việc của chủ thể sáng tạo (thi sĩ). Từ góc độ người tiếp nhận, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai có suy nghĩ như thế nào ạ?
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Một bài thơ hay, theo cá nhân tôi, là một bài thơ đem lại giá trị cho người đọc nó. Giá trị đó có thể về mặt tinh thần, nghệ thuật, hay thông tin. Một bài thơ hay có khả năng lay động những sợi dây vô hình trong trái tim người đọc để rồi họ thấy mình được an ủi, sẻ chia trong những phút giây buồn phiền, hân hoan hơn trong niềm hạnh phúc. Một bài thơ hay bắc nhịp cầu giao tiếp giữa người viết và người đọc, bởi người đọc cảm thấy người viết đang nói thay cho họ những điều họ muốn sẻ chia.
Việc cảm nhận một bài thơ thuộc về quyền của độc giả, vì thế tôi cho rằng không có định nghĩa tuyệt đối nào cho một bài thơ hay. Thơ hay hoặc không hay còn phụ thuộc vào quan điểm, sở thích, và hoàn cảnh của mỗi người đọc. Đối với tôi, một người đang sống xa Tổ quốc, bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ là một bài thơ hay, với những câu thơ cứa vào gan ruột:Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/ Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/ Ai ở phía bên kia cầm súng khác/ Cùng tôi trong tiếng Việt quay về. Thơ, nói cho cùng, là một công cụ để con người diễn đạt tâm tư, tình cảm. Thơ không phải tài sản của bất cứ nhóm người nào. Ai cũng có quyền yêu thơ và làm thơ. Vì thế tôi nghĩ chúng ta hãy để thơ tự do bay bổng, biến hóa trong sắc màu, thể loại, đừng nên gò ép thơ vào một định nghĩa nào đó.
PV: Những chia sẻ từ góc độ chủ thể tiếp nhận với cảm quan nhân hậu và bao dung. Cảm ơn chị Nguyễn Phan Quế Mai. Tôi cho rằng, trong thời hậu hiện đại, với sự lên ngôi của chủ thể tính, sự kiến tạo bất quy tắc của ngôn ngữ, thơ hay quả thực đã mang sẵn trong nó dự phóng vượt ra ngoài các khuôn khổ tiền định. Thơ hay là thơ của mỗi người, mỗi thời, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng, dẫu sao nó cũng phải có một đặc trưng nào đó để vẫn là thơ mà không phải là thể loại khác. Nhà thơ Trần Hùng, anh nghĩ sao về điều này?
Nhà thơ Trần Hùng: Thơ hay, mỗi người một quan niệm, và có thể bàn mãi từ đời này sang đời khác. Với tôi, thơ hay: Một - phải làm cho độc giả “động lòng” khi đọc. Hai - lối viết hiện đại nhưng câu từ giản dị và mới.
PV: Rất ngắn gọn và rõ ràng. Hai tiêu chí mà nhà thơ Trần Hùng đưa ra có thể quy về hai bình diện lớn của thơ mà các nhà nghiên cứu thường nói: Nội dung trữ tình và Phương thức biểu hiện. Ngay tại đây, chúng ta sẽ nhận ra và có thể phát biểu được ngay rằng, một bài thơ hay nghĩa là bài thơ đó có nội dung trữ tình sâu sắc và phương thức biểu hiện độc đáo, giàu thi tính. Nhưng, yếu tố chủ thể tính trong tiếp nhận, các hoàn cảnh khác nhau của đời sống thi phẩm lập tức chất vấn trở lại vẻ ung dung của hai bình diện này. Cái sâu sắc độc đáo của thời này, ở người này… không giống với thời khác, người khác. Ngay cả việc bài thơ này có thể gây động lòng với người khác nhưng với tôi lại hoàn toàn vô hiệu. Cũng như thế, có thể anh thấy bài thơ này có lối viết giản dị, mới, nhưng tôi lại thấy nó giản đơn và cũ kĩ… Nói như vậy, không phải để phản biện nhà thơ Trần Hùng, ý tôi là thơ hay cần có một giá trị cốt lõi nào đó, ổn định hơn, bền vững hơn, mặc những biến động về mặt chủ thể tính hay cấu trúc lịch sử xã hội? Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nghĩ sao về yếu tố mang tính hằng định của thơ?
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Những ý tưởng đem lại nhiều xúc cảm. Tinh thần nhân văn, hướng thiện, nhen lên lòng dũng cảm và bao dung. Sự gợi mở trong nội dung để từ bài thơ ngẫm ngợi tiếp về đời sống, về bản thân người đọc. Sự độc đáo, mới lạ trong cách dùng từ, tạo chữ, sắp xếp kết cấu từ ngữ, câu thơ, đoạn thơ, giúp kích thích liên tưởng, tạo ra sự thú vị, sinh động, linh hoạt trong cách nói, hành văn…
Đương nhiên, không dễ để có được đầy đủ những phẩm chất đó. Cho nên, làm được một, một số hoặc những thành công như trên, tôi nghĩ bài thơ sẽ hay, sẽ cuốn hút, đáng đọc.
PV: Tôi hiểu ý anh Nguyễn Quang Hưng, rõ ràng, dù biến đổi, cách tân như thế nào, thơ phải giữ lấy giá trị nhân văn, giữ lấy đạo lý và cốt cách, nhân phẩm của con người. Mọi biểu hiện về mặt nội dung trữ tình hay hình thức nghệ thuật nếu rời xa những giá trị cốt lõi đó dễ biến thơ thành một thứ trá hình hay ngụy tạo. Tôi cảm nhận rằng, thơ hay là sự bày tỏ một cách đầy gợi cảm, trong một cấu trúc giàu nhạc điệu những suy tư sâu sắc và xúc cảm mãnh liệt của con người.
Nhà thơ miên di: Định nghĩa một bài thơ hay cũng khó như trả lời câu hỏi: Cái đẹp là… cái gì? Có hay không một cái đẹp phổ quát – cũng giống như có hay không một bài thơ hay phổ quát? Vì thế, miên di không trả lời nổi câu hỏi này. Mà chính mỗi bài thơ hay tự nó là câu trả lời cho câu hỏi muôn đời không đủ đáp án “Cái đẹp là gì?”, để rồi, tự tính của mỗi bài thơ hay mới có thể định nghĩa được thế nào là chính nó. Hoa đẹp vì nở hồn nhiên, một bài thơ hay cũng vậy, tự nó phát tiết ra vẻ đẹp một cách hồn nhiên - không bị trói buộc trong thời tiết chính trị, thổ nhưỡng văn hóa, hay biên giới quan niệm. Câu hỏi “Thế nào là một bài thơ hay?” chính là sự trói buộc, nó vĩnh viễn không chứa đựng nổi câu trả lời.
PV: Cảm ơn nhà thơ miên di đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn và cũng rất xác đáng. Việc tìm ra một quan niệm phổ quát là bất khả. Nhưng chúng ta không ngừng cố gắng để đến gần hơn với ngôi đền thiêng ấy. Có thể chẳng bao giờ chúng ta đặt chân được vào thánh đường hay chạm được vào thánh thể, nhưng tín niệm và lòng sùng kính trong khát vọng chiêm ngưỡng ngôi cao có lẽ sẽ giục giã những bước chân hành hương. Sự hoài nghi hay đòi hỏi chất vấn chính là cơ hội để chúng ta đến gần hơn với chân lý. Thơ hay như hoa nở, tự nhiên và hồn nhiên. Hãy trao cho thơ sự tự do, khi đó chúng ta mới có thêm hi vọng về những bài thơ hay. Phải thế không nhà thơ miên di? Ý kiến của anh làm tôi nhớ đến tập thơ “Tự do” của Hoàng Xuân Tuyền. Xin nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền bày tỏ một vài suy nghĩ của mình về vấn đề mà chúng ta đang trao đổi?
Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền: Là một người đọc thơ, tôi tự mình chia thơ nói chung (và bài thơ cũng vậy) thành ba loại: 1. Thơ - tất cả những gì được người đời viết ra và được chính tác giả gọi là thơ. 2. Thơ hay hay - chiếm khoảng 10% những gì tôi đọc được từ thơ nói chung, áp theo những tiêu chí chung, phổ quát (rất dài dòng và cũng mang tính tương đối). 3. Thơ hay - chiếm khoảng 1% thơ tôi đọc được. Thơ hay (bài thơ hay) với tôi (hiện nay) nói gọn là thế này: - Độc đáo về nội dung và nghệ thuật (không lặp lại, không na ná thơ khác, bài thơ khác của bất kỳ ai và của chính tác giả). - Đáp ứng nhu cầu trưởng thành của người Việt, có khả năng giúp khắc phục sự chủ quan, cảm tính (khá phổ biến và nặng nề) trong lối nghĩ và cách thức tổ chức đời sống và nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng. Tôi ưu tiên cho hai tiêu chí này. Đó là quan điểm của tôi, do tôi và vì tôi - một bạn đọc thơ.
PV: Thơ hay chỉ chiếm 1% thôi ư? Vậy là ít hay nhiều? Vì 1% của một trăm bài hẳn sẽ khác với hàng vạn bài. Trong bối cảnh thơ ca đang lạm phát như hiện nay, 1% xem ra cũng là con số không đến nỗi bi quan (cười). Tôi nhớ nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn từng nói, ở Việt Nam hơn 90% là thứ nộm thơ nhạt nhẽo. Như thế, nghĩa là chúng ta còn tới 10% thơ hay hoặc hay hay như cách diễn giải, phân loại của nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền. Con số ấy, dù sao cũng nói lên thực tế chúng ta vẫn có những bài thơ hay. Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã nghĩ sao về những con số này và quan điểm của anh về một bài thơ hay?
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã: Tôi nghĩ rằng con số này có lẽ chỉ mang tính ước lệ, ước lượng mà thôi. Nếu 10% kia mà thực sự xuất sắc thì chúng ta có cả một gia tài rồi. Tôi là người làm thơ, hiểu cái khó của công việc làm thơ. Bởi chưa ai trả lời trọn vẹn “Thế nào là thơ hay”? Vì thế, bạn hỏi “theo anh” kia mà! Vâng, theo tôi khi đọc một bài thơ, điều trước tiên là cảm xúc thơ phải LẠ! Vì sao vậy? Đó là độ xuất thần của thơ. Thơ lạ sẽ gây sự chú ý, cao hơn nữa là độ sửng sốt của câu từ. Thơ hay nó hư hư thực thực, có khi người đọc chưa hiểu hết mà vẫn thấy hay. Và từ xuất thần thì thơ ám ảnh, nghĩa là bạn không thể dứt ra được bởi cấu tứ, độ xuất thần của câu chữ. Lúc này chữ không còn là chữ, nó đã trở thành tín hiệu của tâm hồn qua cách thể hiện rất LẠ của tác giả. Và nó có thể làm thay đổi ý nghĩ, thậm chí thay đổi quan niệm của bạn thì đích thực đây là một bài thơ hay! Thường thì trước một bài thơ hay, tôi bất động, im bặt để thưởng ngoạn cái hay của thơ lan tỏa…
PV: Ồ, cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đã đề cập đến yếu tố LẠ trong thơ. Dĩ nhiên, tôi hiểu cái LẠ anh nói là cái LẠ mà HAY, không phải là cái LẠ đua đòi, bắt chước không có giá trị nghệ thuật. Như thế, LẠ gần với sự độc đáo mang tính thẩm mĩ cao mà các nhà thơ đã bàn luận ở trên.
PV: Thưa các nhà thơ, chúng ta đã trao đổi cùng nhau một cách cởi mở, thẳng thắn các quan điểm về một bài thơ hay. Cứ như hình dung từ những gì đã bàn luận, thơ hay là của mỗi người, nhưng cũng có những giá trị mang tính ổn định, bất biến. Về nội dung tư tưởng có lẽ là các giá trị nhân văn sâu sắc, chạm đến trái tim con người. Về phương thức – hình thức biểu đạt, thơ hay cần phải độc đáo, sáng tạo, gợi cảm, giàu nhạc tính, nhịp điệu. Vâng! Mỗi người, mỗi thời có cái chuẩn hay riêng, tuy nhiên, dù linh hoạt thế nào, thơ hay vẫn phải giữ được cốt cách thể loại của mình cũng như giá trị nhân bản mà nó hướng tới. Xin chân thành cảm ơn các nhà thơ đã tham gia cuộc trò chuyện thú vị này.
4/6/2019
Nguyễn Thanh Tâm
Nguồn: VNQĐ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...