Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Nhà thơ Xuân Trường - Mẫn cán và lãng tử

Nhà thơ Xuân Trường
Mẫn cán và lãng tử

(Đọc "Hai vệt nắng chiều", thơ Xuân Trường, NXB Hội Nhà Văn 2018)
Nhà thơ Xuân Trường sáng tác và có thơ đăng báo ở Sài Gòn từ trước năm 1975 trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh. Thơ anh theo trào lưu hiện thực pha chất bay bổng lãng mạn nên rất được các bạn trẻ ưa thích, dễ hòa nhập phong trào.
Nhà thơ Xuân Trường sáng tác và có thơ đăng báo ở Sài Gòn từ trước năm 1975 trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh. Thơ anh theo trào lưu hiện thực pha chất bay bổng lãng mạn nên rất được các bạn trẻ ưa thích, dễ hòa nhập phong trào. Nay thì anh đã nghỉ hưu, sự say đắm thơ ca vẫn vẹn nguyên như trước mà còn có phần sâu sắc, giàu trải nghiệm. Dải đất Miền Trung và Tây Nguyên nơi anh sinh trưởng và gắn bó có mặt trong tập thơ ở mật độ khá cao làm nên sắc thái đặc biệt của tập thơ. Xuân Trường từng làm cán bộ cơ sở:
Đã bao năm ở huyện
Nay gửi nhớ về làng
Gửi hồn vào rừng núi
Gửi đời vào gió hoang.
(Kongchoro)
Ba dòng trên thể hiện khá rõ tình cảm của anh cán bộ mẫn cán gắn bó với làng bản, núi rừng. Câu thứ tư bỗng khác hẳn, không có anh cán bộ nào lại “gửi đời vào gió hoang”! Rõ là một anh nhà thơ máu lãng tử hào hoa không lẫn vào đâu được. Mẫn cán thì dễ gặp nhưng lãng tử thì gần đây hơi bị hiếm. Xuân Trường là vậy, trách nhiệm công dân kèm theo trách nhiệm thẩm mỹ, hai điều này hài hòa trong một con người không phải dễ chút nào. Đã có không ít trường hợp, một là, thơ bị rơi vào cổ động tuyên truyền, sơ lược giản đơn; hai là, thơ được, nhưng công việc thì… dở.
Vậy xin bạn cùng tôi hồi hộp chút xem Xuân Trường xử lý mối quan hệ giữa mẫn cán và lãng tử này thế nào.
Những tên đất tên làng phố buôn rẫy được anh đưa vào thơ với tấm lòng tình cảm thương mến thiết tha.
Chợt con cá niên quẫy đuôi vào thơ
Hương vị đặc sản quê nhà
Cho ta lại thương về con cá bống Đại Lộc – Vu Gia.
(Mưa hạ Tam Kỳ)
Một cách tiếp cận hiện thực: “con cá niên quẫy đuôi vào thơ” khiến thơ xao động. “Cho ta lại thương về con cá bống Đại Lộc – Vu Gia”, từ hiện thực vào tác phẩm, từ tác phẩm tác động ra hiện thực một cách tự nhiên, con đường đi của nghệ thuật là vậy. Thời gian dài lăn lộn trong thực tiễn đời sống, gắn bó máu thịt với cuộc đời khiến Xuân Trường có được lợi thế. Có thể nói với người viết thì đây là vàng ròng quý báu.
Tôi muốn vẽ em trên phông chiều TNùng
Giữa đại ngàn cổ tích
Gùi cõng đầy nắng gió những ngàn năm.
(Chiều TNùng)
Đoạn thơ trên như một trích đoạn của bức tranh hoành tráng về con người và phong cảnh Tây Nguyên, vừa hoang sơ cổ đại vừa trẻ trung mới mẻ. “Gùi cõng đầy nắng gió”, nắng gió đựng đầy một gùi có vẻ “nhẹ tênh”, nhưng chỉ nhẹ về trọng lực nhưng ý nghĩa khái quát thì lại quá nặng, một kết hợp thực – ảo và do đó rất thơ. Thật thà quá dễ rơi vào tự nhiên chủ nghĩa, Xuân Trường biết rõ điều này, anh hay có những kết hợp từ kiểu ấy khá thành công. Nhưng ba chữ “những ngàn năm” thì hơi bị đại ngôn và sáo cũ, tiếc thay.
Nhưng anh tránh được điểm yếu đó trong trường hợp sau đây :
Em nhìn trong rượu có anh
Ngập ngừng chưa uống sợ thành ngày mai.
(Sao em uống rượu một mình)
Dòng trên, thơ ở mức độ khá. Nửa dòng dưới “ngập ngừng chưa uống”, bình thường. Nhưng “sợ thành ngày mai” thì là một phát kiến… giật mình. Tợp một ly rượu mà khoảnh khắc hiện tại trở thành ngày mai ư? Vô lý. Nhưng rượu mà, nó sẽ dẫn ta đến đâu đố ai biết được. Viết ra cái điều khó nói này quả thật hiếm có. Thơ viết về rượu, cổ kim đông tây nhiều lắm, vậy mà Xuân Trường vẫn có được một tìm tòi độc đáo. Khá khen thay!
Bìa tập thơ “Hai vệt nắng chiều”
Đến câu thơ về em sau đây:
Em tơ lụa đến cả chiều cũng mỏng mảnh lưa thưa
Ai đã vàng thu sang kín đáo chỗ ta ngồi.
(Trở lại với mùa thu Phan Thiết)
“Em tơ lụa” là một kết hợp từ rất khá, và “đến cả chiều cũng mỏng mảnh lưa thưa” thì khéo và hay. Dòng thơ dưới “Ai đã vàng thu sang kín đáo chỗ ta ngồi”: tinh tế đến ảo diệu. Đọc câu này phải vỗ đùi đánh đét một cái mới đã! Thơ đạt đến độ này là rất khó, phải dày công tu luyện lắm mới thành chánh quả.
Trường hợp khác:
Em vẫn còn mãi trong tôi những gì dã mất
Tôi vẫn còn mãi trong em những cố ý vô tình.
(Thăm thẳm bờ xa)
Câu thơ vẻ như thiên về lý trí nhiều hơn tình cảm. Dòng trên là một nghịch lý: “những gì đã mất” mà sao lại “vẫn còn mãi”? Mới nghe thấy phi lý, nhưng suy ngẫm thì quả thật trong tình yêu có sự éo le, tưởng mất ở trong nhau rồi, hai người không đến được với nhau nữa (về hôn nhân) nhưng những kỷ niệm thì họ lưu giữ mãi trong lòng, sống để dạ, chết mang đi. Câu thơ thành chí lý và sâu sắc. Phi lý hình thức trong hợp lý nội dung. Nói thơ hay phải đạt tới sự phi lý là vậy. Thơ đương đại, hậu hiện đại thường vận dụng dạng thức này rất hiệu quả.
Tuổi ngoại lục tuần, Xuân Trường có những trăn trở:
Bình minh và hoàng hôn chất vấn nhau
Trong ta dữ dội
Thôi thì ta cứ chấp nhận niềm vui
Trời đất cho ta trong trận cuối.
(Trưa Đà Nẵng)
Ẩn dụ về cái mới và cái cũ: “bình minh và hoàng hôn”, luôn “chất vấn” nhau, thể hiện sự giằng xé trong tâm hồn. Trì trệ bảo thủ vốn là kẻ thù của lao động sáng tạo, ý thức được điều này không dễ, chiến thắng được bảo thủ trì trệ còn khó hơn và không ít người đã không thắng nổi. Khoảng cách của sự thành – bại chỉ bằng sợi tóc và nhận ra nó cũng không phải dễ, thường thì nó được che phủ bởi màn sương ảo tưởng. Mắc chứng bệnh này nhiều nhất có lẽ là những người làm thơ chăng? “Ra ngõ là gặp nhà thơ” vò đầu bứt tai nung nấu tác phẩm “để lại cho đời sau”! Nhiều lúc phải che miệng cười! Một điều nữa, khoảng cách giữa thơ và không thơ cũng chỉ bằng sợi tóc, rất nhiều trường hợp “giống như thơ” nhưng thực ra chỉ là văn vần. Phân biệt được sự khác nhau này cũng không phải dễ, căn bệnh ảo tưởng thường phát sinh từ đây. “Thôi thì ta cứ chấp nhận niềm vui/ Trời đất cho ta trong trận cuối” cũng là một cách tự răn mình để tránh rơi vào ảo tưởng. Nói vậy thôi, chứ khát vọng sáng tạo của thi nhân là không có điểm dừng. Đây là mâu thuẫn giữa cái hữu hạn (Trời cho) và vô hạn (lòng người) trong cõi nhân sinh mà văn nghệ sĩ nói chung (trong đó có nhà thơ) phải gánh chịu. Người nào nhận chân được điều này thì đỡ rơi vào hài kịch, bi kịch.
Đọc Xuân Trường thấy rõ điều này, ấy là anh luôn trăn trở giữa cái mới và cái cũ trong thơ. Những giá trị ổn định và sự chuyển động thường nảy sinh mâu thuẫn cũng là lẽ thường. Không chịu yên vị mà luôn khát khao làm mới thơ mình là một phẩm chất đẹp. Đây là thử thách lớn với tất cả các nhà thơ, vũ môn này lúc nào cũng dựng lên ở trước mặt, có người vượt được và không ít người bị rớt lại, bỏ cuộc.
Tôi ngạc nhiên và thích thú câu này:
Em làm mới tôi bằng những nụ cười quê.
(Chiều quê)
Đối tượng sáng tạo (em) làm mới chủ thể (tôi) là một phát kiến hay, cũng là một cách thể hiện quan điểm nghệ thuật. Điều này tưởng đơn giản nhưng không dễ chút nào, không phải ai cũng thấy được cái đẹp, cái mới của “nụ cười quê”. Để rồi tiếp nhận, hóa giải nó thành nghệ thuật và làm cho thơ mình khác hơn, mới hơn là cả một quá trình gian nan vất vả… Sự kết hợp giữa chủ thể sáng tạo và đối tượng sáng tạo trong một khát khao thẩm mỹ khiến câu thơ vừa nghệ thuật vừa phảng phất chút ít chính luận.
Em vội vàng gùi sương lên nương lên rẫy
Thương chân trần gian khó một vùng sâu…
Có tiêng cười cứ chạm vào nhau leo dốc
Và tôi thở mùa bằng đôi mắt em nâu.
(Nhớ Daktopang)
Hai dòng đầu: hiện thực chuyển động; dòng thứ ba: thực – ảo song hành; dòng thứ tư: hiện thực – siêu thực cùng hòa nhau trong một lung linh kỳ ảo.
“Em làm mới tôi bằng những nụ cười quê”.
“Và tôi thở mùa bằng đôi mắt em nâu”
Là hai câu thơ hay của nhà thơ Xuân Trường, tôi sẽ chọn vào tập “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” cùng với một số câu hay khác của anh.
Sự hồi hộp của bạn và tôi đến đây đã được giải tỏa: anh chàng cán bộ nhà thơ mẫn cán và lãng tử đã hạ cánh an toàn ở một tỉnh Tây Nguyên cách nay ít năm rồi hạ sơn xách khăn gói cùng bầu rượu túi thơ về thành phố.
Viết đến đây tôi nhận được tin Xuân Trường vừa nhận giải thưởng thơ của Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, anh khoe tấm bằng rất đẹp trên facebook. Chúc mừng và chờ khao!
15/3/2019
Nguyễn Vũ Tiềm
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...