Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Chuyện kể ở rừng Sác

Chuyện kể ở rừng Sác

Bất ngờ từ bên ngoài, một luồng gió lùa vào tận trong xe, quất mạnh vào mặt bác Nam, rát buốt. Bác Nam cảm nhận ra cái đau nhói, đau đến xé lòng khi nghĩ về người vợ thủy chung, khi nhớ đến cô con gái hay nũng nịu đòi cha kể chuyện thời chiến tranh.
1. Chiều Cần Giờ nắng nhạt, gió nhẹ. Bìa rừng, Hoài đứng tựa người vào thân cây đước. Trước mặt cô là những hàng cây đước thẳng tắp, chằn chịt rễ. Thấp thoáng trên con rạch, những chiếc xuồng con lặng lẽ trôi. Hoài có cảm nhận rừng Sác còn nguyên vẹn hình hài của chiến tranh. Hình ảnh người lính đặc công đã được tái hiện. Một vài túp lều nhỏ ẩn trong lùm cây đưng, cây ô rô và lau sậy. Những thân cây còn nguyên vẹn dấu tích dây dù mắc võng. Những chiếc ba lô quay đeo đã sờn dây. Những chiếc khăn rằn bạc màu vắt chéo qua dây phơi. Những bộ áo quần nhàu nhĩ, lem luốt do thời gian… Tất cả thuộc về chứng tích, nhưng nó vẫn còn in đậm, vẫn còn lưu giữ ở rừng Sác. Hoài đã biết điều đó trước khi đặt chân đến, nhưng cô vẫn ngỡ ngàng đến tê buốt lòng. Rừng Sác như một bản trường ca bất tử, một mảnh đất hoang vu làm lên huyền thoại. Dưới đáy sông Lòng Tàu, xác tàu chiến của giặc đã bị chôn vùi. Suốt mấy mươi năm trường kỳ, rừng Sác là nơi tung hoành dọc ngang của lính đặc công.
Là một nghiên cứu sinh về sử học, Hoài cùng với hai người bạn học khác đã chọn Cần Giờ làm những chuyến đi điền dã thú vị. “Lính đặc công rừng Sác” là đề tài mà Hoài làm luận án nghiên cứu sinh. Vì muốn có chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa, Hoài và những người bạn đã tá túc ở nhà dân. Nói là nhà dân, chứ thật ra đây là nhà bác Nam. Bác Nam từng là lính đặc công rừng Sác. Có lẽ vì vậy, bác Nam rất sành sỏi vùng đất này. Từ những câu chuyện ly kỳ, kiên trung, anh dũng về người lính đặc công, đến cây đước, cây đưng, cây bần, cây mắm, bụi ô rô, lùm dừa nước… Tất cả bác đã thuộc nằm lòng. Câu chuyện nào, bác Nam kể cũng hay, cũng hấp dẫn như một huyền thoại mà người kể đã từng sống trong những năm tháng chiến tranh.
Bác Nam bước đến cạnh Hoài, nét mặt bác ngỡ ngàng khi nhìn thấy Hoài đứng một mình giữa rừng đước đến mấy tiếng đồng hồ. Rồi bác Nam chợt nhớ đến thời trẻ của mình, bác cũng thích buông mình vào những buổi hoàng hôn như vậy. Đưa mắt nhìn Hoài chăm chăm, bác hỏi:
– Cháu đã biết được gì về rừng Sác rồi?
Hoài giật mình. Cô quay sang bác Nam, ríu rít:
– Cháu không ngờ vùng đất hoang dã một thời do chất độc hóa học chiến tranh tàn phá. Vậy mà ngày nay, nơi này đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nét mặt bác Nam rạng ngời:
– Các cháu về đây, bác vui lắm. Vì đám trẻ thời nay, ít đứa nào chịu ngồi nghe những câu chuyện già nua thuộc về tàn tích của chiến tranh, chỉ thích ôn chuyện cũ chuyện xưa như bác. Cháu đúng là một người đặc biệt.
Hoài mỉm cười, nũng nịu:
– Cháu chỉ thấy bác một người rất lạ, một người luôn đọc được tâm trạng của người khác. Làm sao bác có được điều đó?
Bác Nam xoa đầu Hoài:
– Tại bác ở lâu năm ngoài chiến trường, chịu ảnh hưởng của bom đạn đó cháu à.
Nét mặt Hoài sung sướng.
– Chiến tranh ở rừng Sác như thế nào hả bác?
Hoài nhận ra bác Nam mắt đã long lanh. Bác nghèn nghẹn khi có ai đề cập đến những câu chuyện thuộc về đạn bom, thuộc về chứng tích do chiến tranh. Hoài cúi đầu, lặng im. Hình như Hoài cũng có nỗi buồn riêng. Nỗi đau trong ký ức ập đến, Hoài tưởng tượng, Hoài mơ hồ về những tháng ngày đau đớn mà người thân mình từng gánh chịu trong chiến tranh.
Bác Nam nhìn Hoài đau đáu, đôi mắt sòng sọc, đỏ ngầu. Hoài im lặng. Bỗng nhiên, ánh mắt ấy lắng dịu nhìn Hoài trìu mến. Hoài đón nhận ánh mắt ấy một sự cảm thông và đồng cảm. Hoài nghĩ, mọi trắc ẩn trong cuộc đời mỗi con người chính là khoảnh khắc thời gian chợt hiện về rồi bất chợt tan nhanh, Hoài ngập ngừng:
– Chiến tranh qua rồi. Bác đã lắng dần nỗi đau do mất mác đồng đội chứ?
Bác Nam lắc đầu:
– Không! Nỗi đau ấy giống như những viên đá thả xuống nước. Viên đá lớn. Viên đá nhỏ. Chúng chỉ lắng chứ làm sao tan được hả cháu?
Bác Nam lại nhìn Hoài. Với bác Nam, khi có một ai đó nói đến chiến tranh, dù là những lời bâng quơ hay một câu chuyện xưa cũ nhắc lại, bác vẫn ngậm ngùi, nước mắt ngấn tròng. Chuyện này, chuyện kia đều là những câu chuyện đau lòng. Người ta cố quên nhưng lại chính là nỗi đau không thể xóa trong lòng bác.
Bác Nam cúi mặt vì xúc động. Hoài thở dài, nghĩ ngợi. Nỗi đau ẩn náu trong lòng cô bấy lâu nay sống dậy. Hoài thấy lòng vò xé. Cô ngẩng mặt nhìn bác Nam khá lâu. Bác Nam trong bộ bà ba ngả màu trắng phếch, khoác trên thân hình gầy guộc. Cánh tay trái đã mất tất cả bàn tay năm ngón. Cái chân thật phải chống đỡ chiếc chân giả. Ngày đầu gặp bác Nam, thoáng nhìn, cô tưởng bác Nam là một người kiệt sức, nhưng suy nghĩ của Hoài đã trái ngược lại với sức khỏe của bác. Bởi vì, bác Nam rất nhanh nhẹn. Mỗi khi có đoàn du khách nào tìm đến chiến trường rừng Sác, bác Nam sẽ tích cực trong việc cung cấp tư liệu.
Hoài quay mặt sang nơi khác để giấu nước mắt. Bác Nam mỉm cười đặt tay lên vai Hoài:
– Cháu cứ khóc đi, vì bác đã đọc được tâm trạng của cháu.
Hoài ngập ngừng:
– Cháu cũng có tâm trạng như bác. Ba cháu đã mất hơn ba mươi năm rồi, mẹ cháu vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Nét mặt u buồn, Hoài nhìn bác Nam như tìm được sự đồng cảm. Bởi vì với gia đình Hoài, chiến tranh đi qua đã để lại cho cô một người mẹ chỉ biết sống trong sự đợi chờ, một người cha chết trận. Mẹ Hoài đã chờ cha Hoài bao năm tháng ở chiến trường. Suốt ba mươi mấy năm trời ròng rã, mẹ đã tìm kiếm nắm xương còn lại của cha Hoài khắp nơi. Với Hoài, dù cha mình đã không còn, cô vẫn muốn được nhìn thấy một chút gì còn lại của cha như một niềm tự hào.
Những tia nắng mặt trời cuối cùng trên cành cây trơ trụi ở bìa rừng, nó lướt qua khuôn mặt hom hem của bác Nam, phản chiếu một niềm tin sáng chói, Hoài chăm chú nhìn bác Nam. Cô thoáng thấy nét mặt bác Nam tái nhợt trước khi buông lời:
– Bác sẽ cố gắng giúp cháu tìm hài cốt của cha.
Hoài ngỡ ngàng nhìn bác Nam. Từ lâu, Hoài đã trông đợi ở đâu đó. Một người dành cho cô những lời lẽ này giống như bác Nam vậy. Cha Hoài là người như thế nào? Hoài không rõ. Cô chỉ nghe qua lời kể của mẹ: Cha mẹ cưới nhau, vài tháng, gia đình nhận tin ông nội hy sinh, cha vô cùng đau đớn nên tức tốc lên đường nhập ngũ. Mẹ ở lại quê nhà, bom dội đạn bắn suốt cả ngày, ngày này sang ngày khác. Bà nội chết trong trận bom càn giặc quét năm ấy. Mẹ vì quá đau lòng nên bỏ làng đi tìm cha khắp nơi để báo tin dữ. Vậy mà khi đến nơi, đơn vị của cha Hoài đã dời đi nơi khác. Mẹ Hoài lại tiếp tục đi tìm cha Hoài, tìm mãi không được. Những ngày tháng oanh liệt ấy, Hoài đã cất tiếng khóc chào đời. Cuộc sống cùng quẫn cứ ụp lên đầu người vợ trẻ đang bôn ba khắp chốn. Sống trong những tháng ngày bom đạn càn quét, mẹ Hoài gần như không còn nhớ xử sở của mình chốn nào khi khói đạn bom còn giăng mờ mịt. Cho đến ngày bầu trời rực lửa, tia sáng bình minh bừng chiếu khắp miền Nam, đất nước hòa bình độc lập, bà đã quay lại chốn nhà cũ. Dù căn nhà mới bị bom đạn thiêu rụi tàn từ lâu, người thân không còn một ai, mẹ Hoài vẫn cố bám để hy vọng. Bà vẫn trông ngóng tin cha Hoài khắp nơi, người ta nói với bà là ông đã hy sinh. Mẹ Hoài không tin, mẹ Hoài vẫn đi tìm và vẫn trông đợi. Chờ chồng trong tuyệt vọng, mẹ Hoài lại bồng bế con rời khỏi mảnh đất quê chồng, vì bà đã tin lời mọi người là ông đã hy sinh.
Mẹ Hoài đi tìm chồng đã hơn ba mươi năm dài đằng đẳng nhưng cha Hoài vẫn biệt tin, dù chỉ là nắm xương tàn. Vậy mà mẹ Hoài vẫn đi, vẫn cố tìm, bà đặt chân lên những dấu chân của chồng ở khắp các chiến trường xưa, những nơi mà đơn vị ông đi qua. Trên tay lại dắt theo đứa con còn khờ dại, gian nan trên đường đi tìm hài cốt của chồng, mẹ Hoài đã chọn thành phố làm điểm dừng chân. Để rồi giờ đây, đô thị lạ hoắc ngày nào, Hoài đã được nuôi lớn, được trưởng thành và trở thành người Sài Gòn. Nghĩ ngợi về gia đình, về người thân, thương mẹ, nhớ cha, Hoài gần như quên đi sự hiện diện của bác Nam. Để rồi, Hoài được đánh thức bởi câu nói của bác Nam:
– Cháu vào bếp lo buổi cơm chiều đi. Hôm khác, bác sẽ kể cho cháu nghe, một câu chuyện về đời bác, nó cũng na ná như câu chuyện của cháu vừa chia sẻ với bác.
2. Một tuần lễ sau, đêm cuối cùng Hoài ở nhà bác Nam. Ngồi trầm tư khá lâu, giọng bác Nam run run vì lưu luyến, vì xúc động. Hoài ngồi dỏng tai nghe, bất động. Bác Nam từ từ thổ lộ những điều thầm kín đời mình. Hoài chỉ lắng tai nghe mà cô không dám hỏi gì thêm. Thời trẻ, bác Nam cũng có hoàn cảnh giống như ba Hoài. Cưới vợ xong, bác theo cách mạng. Bác Nam cũng có nỗi đau về người cha vừa bị giặc giết chết thương tâm ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Chính gì vậy, bác Nam đã tức tốc lên đường bỏ lại trong căn nhà đang yên ấm một người mẹ già, một cô vợ trẻ. Trên chiến trường bao lần sinh tử, bác Bác quay lại thăm họ. Một cảnh tượng diễn ra không thể ngờ, căn nhà của bác đã bị thiêu rụi. Chòm xóm nói mẹ và vợ bác Nam đã chết trong trận cháy do giặc đốt lần đó. Người trong làng hốt hoảng kéo nhau đi nơi khác sinh sống. Nhìn cảnh đau đớn của làng mạc, bác Nam vật vã như muốn đầu hàng trước cảnh vật hoang tàn ấy. Thế nhưng, bác Nam phải cố đứng lên, bác cố nén nỗi đau đớn để trở về đơn vị.
– Trời ơi!
Hoài kêu lên, mặt đỏ gay vì xúc động. Bác Nam vẫn ngồi bất động, khi nhớ về nỗi đau trong quá khứ đời mình. Bác chỉ kể cho Hoài nghe với giọng tiếng được tiếng mất, dù bác Nam vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện thương tâm về đời mình, do chiến tranh. Đêm hôm đó, địch lại tấn công đơn vị, đồng đội của bác, người hy sinh, kẻ bị thương. Căn cứ thì bốc cháy, bom đạn nổ vang rền… Rồi có một làn gió mạnh thổi qua, bác Nam bị tạt ngang một hướng. Đất phủ lên cả người, bác Nam nghe xung quanh vọng lên tiếng thở, tiếng nghiến răng vì đau đớn, vì tuyệt vọng.
Tỉnh lại, bác Nam thấy mình ở bệnh xá. Bác đau nhức ở cái chân phải và ê ẩm khắp người. Bác Nam hốt hoảng:
– Trời ơi! Sao tôi lại ở trong đây?
Bỗng dưng, bác Nam nghe bên tai mình giọng một phụ nữ thốt lên:
– Đồng chí đã may mắn đấy, chỉ có mất một chân…
Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, bác Nam nghe nói câu này như muốn chết đi. Nhưng bác đành nằm lặng thinh để chống lại vết thương, cơn đau. Nỗi đau lớn nhất của bác Nam lúc này không phải vết thương mà là sự mất mát. Mất mẹ, mất vợ, bác Nam thấy mình đã mất tất cả.
Bác Nam chỉ muốn trở lại đơn vị. Thế nhưng, bác không biết nói nguyện vọng này với ai.
Bỗng một cô cứu thương nói giọng Bắc đi ngang qua. Bác Nam lớ ngớ ngồi dậy:
– Cô Bắc ơi! Cô giúp tôi quay lại đơn vị để chiến đấu với…
Cô gái ấy đáp ngay lời bác Nam:
– Đơn vị đồng chí đã đi xa rồi. Bị thương chưa bình phục, đồng chí có thể giúp được gì cho đồng đội?
Bất thình lình, Hoài ngắt ngang lời bác Nam:
– Bác ơi! Có phải cô Bắc ấy là bác Bắc bây giờ không?
Bác Nam ngập ngừng:
– Đúng! Vì lúc đó nghe giọng Bắc của cô cứu thương khẳng khái quá nên bác cứ gọi là cô Bắc cho dễ dàng tiếp xúc. Và ngược lại, cô gái năm đó nghe giọng miền Nam của bác nên gọi là anh Nam mỗi khi giao tiếp.
Hoài lại cau mày, giọng căng thẳng:
– Trận càn đêm đó, đạn bom đã cướp mất của bác một bàn tay trái và một cái chân phải? Sao mà đau đớn như vậy hả bác?
Có lẽ vì câu hỏi bất ngờ của Hoài nên bác Nam lúng túng. Cúi mặt nhìn cánh tật nguyền của mình, bác Nam trầm ngâm khá lâu. Sau đó, bác Nam lại thủ thỉ kể cho Hoài nghe tiếp về câu chuyện đời mình.
– Cánh tay này mất là lúc bác trở thành lính đặc công, không phải do bom đạn mà do cá sấu gây ra đó cháu ạ!
Nét mặt tái nhợt, Hoài kêu lên vì sợ hãi:
– Khủng khiếp quá!
Bác Nam vẫn giọng đều đều:
– Cháu không biết đó thôi, 860 lính đặc công ở rừng Sác này, họ hy sinh hơn một nửa là do cá sấu.
Hoài ngồi chết lặng. Bác vẫn cứ cái giọng kể chuyện hàng ngày. Những câu chuyện mà bác đã kể đến hàng trăm lần, hàng nghìn lần về rừng Sác mỗi khi du khách lắng nghe.
– Những ai có mặt ở rừng Sác nơi đây trong thời kỳ chiến tranh là phải gan dạ lắm. Vì dưới sông, cá sấu đợi. Còn trên bờ, hùm beo lại rình rập.
Hoài như có dịp để đi sâu vào đề tài mà cô tâm huyết:
– Bác sợ không?
Bác Nam bật cười, một nụ cười hiếm hoi trong suốt quá trình kể chuyện.
– Tại sao lại không? Đêm tối nghe ông ba mươi gầm gừ đâu đó là tim gan bác và đồng đội run lên bần bật.
Bác Nam dứt lời, Hoài bật cười thích thú. Cô hào hứng định hỏi nhiều điều nữa thì bỗng dưng, con gà trống trong chuồng gỗ nhốt kín, nó vùng vẫy vỗ cánh, gân cổ gáy:
– Ò ó o…Ò o …!
Bên trong, bác Bắc trở mình. Tiếng động đậy, tiếng ho sùn sụt, tiếng thở dài, tiếng lầm bầm vọng ra:
– Khuya rồi! Ông cứ lảm nhảm làm chi ba cái chuyện cũ rích ấy. Chán chết…
3. Một hôm, khập khễnh trên đôi nạn gỗ ra khỏi cửa, bác Nam bất ngờ nhận được thư của Hoài. Bác mừng vui không thể tả. Bác Nam sung sướng bóc thư ra xem, bác muốn biết đời sống cô bé rất lạ này như thế nào? Sao mãi biệt tăm gần hai tháng trời mới gửi liên lạc với bác? Kéo thư ra khỏi phong bì, bác Nam ngạc nhiên, thảng thốt:
– Con bé này! Ở đâu nó có tấm ảnh thời trai trẻ của tôi vậy?
Phá phách gì đây?
Đọc lướt qua vài hàng đầu, bác Nam choáng váng:
“Bác Nam kính yêu của cháu!
Mẹ cháu rất vui mừng khi biết cháu gặp được bác, người đã hứa giúp cháu tìm hài cốt của cha mình. Bácchính là ân nhân của gia đình cháu. Thư này, ngoài thăm hỏi sức khỏe gia đình hai bác, cháu xin kèm theo lời nhắn gửi của mẹ: “Chồng tôi tên: Trần Quyết Thắng – sinh năm 1945 – đơn vị – đóng quân ở… – tử trận tại…”.
Bác Nam chưa tin mình đã đọc đúng dòng chữ trong thư. Tay run rẩy, mắt nhìn vào thư chăm chăm. Bác Nam cố nhẩm lại một lần nữa. Bác gào lên: “Trời ơi! Tại sao lại là tôi… Nắm xương tàn đang tìm kiếm chính là tôi…”. Lòng dạ đau buốt, bác Nam cố lê gót vào nhà. Miệng lầm bầm: “Vợ tôi còn sống. Hoài chính là con gái của tôi… Sao có thể như vậy chứ?”
Nhìn bác Nam, bác Bắc băn khoăn:
– Mọi ngày, ông có bao giờ như vậy đâu, lúc thì sầu muộn, lúc lại phấn khởi, tươi cười. Còn hôm nay thì lại lừng khừng như xác chết vậy?
Mặc cho bác Bắc nói gì, bác Nam vẫn ngồi bất động trên võng được mắc trên chạc cây đước bìa rừng, mắt hướng về một khoảng không vô định. Bác Bắc lại lo lắng. Bà đưa tay lay lay vai bác Nam:
– Ông làm sao vậy?
Bác Nam thở dài, mặt đờ đẫn.
– Tôi phải lên thành phố ngay bây giờ.
Bác Bắc cau mày, khó chịu.
– Đi thành phố làm gì? Sao hôm nay, ông điên điên dại dại vậy?
Lặng thinh một lúc, bác Nam nói dè dặt:
– Tôi không ngờ được chuyện của ngày hôm nay. Ba mươi mấy năm rồi, tôi còn chờ đợi gì nữa chứ? Tôi phải đến đó ngay khi tôi còn trên cõi đời này.
Bác Bắc bực bội bỏ vào nhà. Bà tin chồng mình sẽ bỏ ngay quyết định đi xa như vậy? Ông lên thành phố mua sắm gì chứ? Thế nhưng, hy vọng của bác Bắc đã tan vỡ. Bác Nam vẫn tất bật chuẩn bị hành lý cho chuyến đi của mình.
Mặt trời đã lên cao. Bác Nam ngần ngại với đôi chân khó nhọc khi bước lên xe buýt. Xe buýt chạy vùn vụt qua cánh rừng đước bạt ngàn. Những cánh đồng lúa xa xa, lúc hiện lúc ẩn. Bác Nam ngồi nét mặt lúc ưu tư, lúc rạng ngời hạnh phúc. Bác lấy thư ra xem địa chỉ của Hoài. Thỉnh thoảng, bác kề vai vào người hành khách ngồi bên cạnh để hỏi đường đi nước bước. Mỗi lúc xe đổ bên vệ đường đón khách là những lúc tâm trạng bác thay đổi qua nhiều cung bậc: nôn nao, hồi hộp, chờ đợi… cho cuộc hội ngộ sắp diễn ra.
Bất ngờ từ bên ngoài, một luồng gió lùa vào tận trong xe, quất mạnh vào mặt bác Nam, rát buốt. Bác Nam cảm nhận ra cái đau nhói, đau đến xé lòng khi nghĩ về người vợ thủy chung, khi nhớ đến cô con gái hay nũng nịu đòi cha kể chuyện thời chiến tranh.
14/3/2019
Huỳnh Mẫn Chi
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...