Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Trường Sơn nỗi nhớ

Trường Sơn nỗi nhớ

(Trích trường ca “Phía sau mặt trời”)
Nhà thơ, nhà báo – Đại tá Trần Thế Tuyển sinh năm 1951 tại tỉnh Nam Định, đã trưởng thành từ phong trào Đoàn Thanh niên tại trường cấp 3 miền quê Hải Hậu. Xếp bút nghiên theo tiếng gọi của tổ quốc, anh đã lên đường vào miền Nam chiến đấu từ 1971. Sau ngày non sông  thống nhất 30-4-1975, anh vẫn tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, nhưng không phải bằng nòng súng, mà bằng ngòi bút tại báo Quân khu 7. Năm 1989, anh về công tác tại báo Quân đội Nhân dân với nhiệm vụ Phó rồi Trưởng cơ quan đại diện báo Quân đội Nhân dân phía Nam. Năm 2003, anh làm Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa -Thông tin. Năm 2006 là Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ Văn hóa – Thông tin. Từ 2008 anh  làm Tổng Biên tập Báo SGGP. Ngoài làm báo, Trần Thế tuyển còn sáng tác thơ. Anh đã xuất bản gần chục tác phẩm thơ và nhận được nhiều giải thưởng trong nước. Vanchuongphuongnam.vn trân trọng giới thiệu trích đoạn trường ca “Phía sau mặt trời” của anh đến với bạn đọc.
Phùng Hiệu (chọn và giới thiệu)
I.
Đêm Làng Ho,
mùi thuốc rê khét lẹt
Đường trơn không giày dép
Khẩu súng dài hơn người
Tắt lịm nụ cười, chao nghiêng cánh võng.
Đường 20 chòng chành sóng
Bồng bềnh mây trắng trôi
Sóng từ khúc ru nôi
Cô gái thanh niên xung phong
Nụ cười giấu kín
Lăn lóc ổ gà, bàn tay chúm chím
Gặp em trong giấc mộng rừng
Đôi mắt rưng rưng
Nhớ mẹ.
Mẹ ơi, giờ này mẹ làm gì
Đêm đông, mái tranh gió vật
Cái chết là điều có thật
Bao nhiêu bạn con không trở về
Dẫu thế, nước nhà có giặc
Chúng con biền biệt xa quê.
Em ơi, giờ này em nghĩ gì
Heo may hun hút nhớ
Bờ sông bên bồi, bên lở
Bàn chân con gái non tơ
Làng ta bao cô gái mong chờ
Những chàng trai không trở về mái ấm
Chỉ còn lại tiếng súng, đêm đêm.
Một thời giặc giã
Khoảnh khắc bình yên
Thấp thoáng dáng ai như dáng mẹ
Nai con lạc rừng, đêm giá buốt
Những bước chân lên phía trước
Tình yêu gửi lại phía sau
Cơn sốt rét rừng từ đâu
Như quỷ dữ
Những tiếng rên hư hử
Những tiếng la chói rừng
Da xanh như tàu lá cuối cùng
Trước khi tàn úa…
Cái chết bước ra từ nhiều phía
Muỗi rừng hút máu người
Đánh cá bên bờ suối
Lựu đạn xé trời
Bàn chân mười tám tuổi
Bạn tôi đi nhặt củi
Cây đổ ngang lưng
Nhắm mắt rưng rưng
Môi đỏ như son, gọi mẹ.
Cái chết không miễn trừ già trẻ
Sức trai giấu ở nơi đâu
Sáng còn bắt tay nhau
Chiều ngã vào lòng đất.
Cái chết là điều có thật
Ai cũng ngỡ đang mơ
Ra chiến trường như đi làm thơ
Đón cái chết, điều không thể…
Ba tháng trời, lưng không biết chiếu
Treo người trên vòm cây
Tôn Ngộ Không đi gió về mây
Đôi khi háu ăn Trư Bát Giới…
Khát khao bầu trời
Khát khao ngụm nước vối
Khoai lang nướng ngậy vàng
Khát khao mỗi lần xuân sang
Bánh chưng thơm tràn ngõ
Khát khao nỗi nhớ.
Em câu cáy chiều nay
Cơn giông đến quắt quay
Sân thóc ai thu giúp mẹ…?
Thân ở chiến trường, hồn ở quê
Gửi lại cây bàng
Sân trường, chiều đông ngỡ ngàng ánh mắt
Áo Sỹ Lâm, em hát
Gót sen, guốc mộc, lấm bùn
Quê hương, luồng gió mát
Khói đồng, rơm mới, mẹ đun…
II.
Gần lắm ngày và đêm
Đường dây dài theo nỗi nhớ
Trường Sơn ngàn trùng cách trở
Thăm thẳm rừng đêm.
Đạn bom và dịu êm
Tiếng con gái thì thầm dưới suối
Mấy tháng trời như thiếu muối
Khát thèm từ đáy con tim
Rủ nhau chơi trò trốn tìm
Khám phá “vùng cấm địa…”
Khi đói kể về món ăn
Bát canh cua vàng ươm, thơm ngậy
Cả đêm rút rạ, xôi sắn cháy
Bánh đúc chợ Cầu nồng vôi.
Đêm đêm lạy trời
Ngày mai có khách
Được bữa cơm không độn khoai
Không mặc áo rách
Khi sốt rét
Nhớ tấm bánh chưng Bà Thìn (*)
Lá dong màu cánh đồng
Nếp hoa nồng nàn sữa mẹ
Đậu xanh một thời thơ trẻ
Thái bèo, giã gạo, nuôi heo…
Kỷ niệm thơ ấu mang theo
Sưởi trái tim bé bỏng
Những chàng trai Làng Gióng
Đêm đêm…
Khi bụng ngủ yên, kể về bạn gái
Các cậu biết không, nàng yêu tớ đấy
Ánh nhìn da diết làm sao
Mỗi sáng tới trường, dõi mắt tìm
nhau
Trái tim như thỏ chạy…
Tráng sỹ Trường Sơn thiên thần là vậy
Một chiều trời đất tối om
Lạ kỳ, không phải đạn bom
Tả tơi mái đầu khát vọng
Sốt rét rừng như sóng
Quật bến bờ, thiên địa ngả nghiêng
Người sôi lên, bong bóng
Linh hồn treo cõi thần tiên.
Môi mọng đỏ, mặt trời chợt loé
Màn đêm nặng trĩu ập về
Sốt rừng - thú hoang giằng xé
Xác hồn nghiêng ngả, man mê
Thoang thoảng mơ vòng tay mẹ
Sả thơm ngào ngạt chân trời
Cháo hoa, thơm hành, ngát hẹ
Ướt đầm, thắt ruột, mẹ ơi!
Bãi khách dấu chân tiếp nối
Mồ hôi dầu đọng vòm cây
Cơn sốt ập, màn đêm tăm tối
Tuổi thơ xưa, rừng thẳm, tuyết dày.
Mỗi ngày đi, núi đồi ngắn lại
Một đêm nằm sự sống dài ra
Nỗi khát khao tiếng cười con gái
Hương bưởi thơm quấn quýt hiên nhà.
Có những lúc như trong cổ tích
Thảo nguyên xanh tràn ngập cỏ hoa
Tung tăng chạy, mũi tên về đích
Nỗi khát khao bỗng chốc vỡ oà.
Tiếng suối reo, tiếng cười khúc khích
Thoảng qua, ngọn gió cuối mùa
Bên suối, mấy thằng biệt kích
Liên thanh, tắt ngấm rừng già.
Bạn nằm xuống như vừa chợp mắt
Áo Tô Châu nhuộm ánh trăng tà
Môi nhấp nháy như vừa hát
Anh nhớ em, dằng dặc nẻo xa.
Chôn cất bạn bên bờ suối vắng
Lời ru buồn, ngọn đèn đêm đông.
III.
Chúng mình đi trong bão giông
Với bao la ước với mênh mông chờ.
Bao giờ cho đến bao giờ
Chúng mình gặp lại bến bờ ngàn năm.
Dấn thân chẳng thở, chẳng than
Đường ra trận vẫn ngập tràn niềm vui.
Làm trai thời loạn, thế thôi
Nước non có giặc, đầy vơi nỗi lòng.
Ta đi theo ánh lửa hồng
Ta đi theo dấu cha ông khởi nguồn.
Bạn ơi nằm lại, đừng buồn
Đằng kia thác vẫn chảy tuôn tháng ngày.
Gió vẫn rì rào hàng cây
Ru hời tiếng mẹ, hao gầy trong tim.
Bạn ơi, gửi lại tiếng chim
“Bắt cô trói cột“ kiếm tìm nơi đâu.
Bạn ơi, ở lại rừng sâu
Trường Sơn ngàn dặm, biết đâu trốn tìm.
Đường vào Nam Bộ nổi chìm
Con đường nào rực trong tim mỗi người…?!
Chú thích:
(*): Đặc sản Hải Hậu.
22/3/2019
Trần Thế Tuyển
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...