Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Cái cối trầu bằng đồng

Cái cối trầu bằng đồng

Thế nên, ông vừa lên có nửa ngày, cái xóm nhỏ đã om sòm cả lên. Nhà kia chưa nghĩ ra cách gì cả, cứ ra vào trông chừng thái độ hàng xóm. Gian liền kề bên phải nhà kia là hai vợ chồng son vừa cưới nhưng chỗ này là nơi họ đã ở, đã sống thử với nhau cả bốn năm rồi. Dễ gì chuyển đi đâu. 
Nhà kia đón ông bố ở quê lên thành phố chơi. Đón lần lượt, năm ngoái bà, năm nay ông. Cũng bởi cái nhà đi thuê của họ quá nhỏ. Những kẻ nghèo túng thường vẫn tự an ủi mình rằng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “nhà chật nhưng lòng rộng” là được. Chứ cứ đợi lúc nhà cao cửa rộng đàng hoàng mới báo hiếu được thì lúc ấy không biết chừng các cụ xanh cỏ hết cả rồi.
Cả vợ lẫn chồng, nói chung là vui vẻ, vì mỗi năm, ông hoặc bà cũng chỉ lên chơi có một bận vào kì nghỉ hè của hai đứa cháu cháu thôi mà. Nhưng cứ mỗi lần nhà kia dáo qua “ông cụ sắp lên chơi” là hàng xóm lại xây xẩm mặt mày. Chả là ông cụ nhà có tật nghiện thuốc lào. Nhà chật, tơ mơ con gà chưa gáy ông đã vác điếu cày ra hè, làm một mạch mấy điếu như thể cả thế kỉ chưa được khói nào. Cho dù mới hai canh giờ trước, ông còn lẻn ra hè làm điếu cuối cùng mị giấc. Điếu cày của ông là cái loại đặc biệt. Nó kêu giòn giã, hống hách và vang xa khủng khiếp. Cứ mỗi lần ông rít lên, những hộ lân cận, già trẻ đồng loạt tỉnh giấc. Sau đó thì ông ho. Ho khoan ho khoái. Để cho cái cấn khói thuốc lào còn vương vấn đâu đó trong họng bật ra hết. Nếu chỉ riêng cái điếu cày thì đã chả nên chuyện. Ông còn có thêm cái tật nữa. Cái tật này xuất phát từ nết chăm chỉ. Ông hay quét. Chả ai mượn ông cũng quét. Cái chổi cọ ông mang từ đất cọ Cẩm Khê gì đó lên cứ xoèn xoẹt khua khoắng khắp ngõ ngách như kéo chà rong vào tai người ta từ lúc phố xá còn ngủ ngon. Vừa quét ông vừa cằn nhằn rằng thanh niên thời nay ăn ở luộm thuộm, lôi thôi, bẩn thỉu, rác ngập ngụa mà cứ sống được như thường. Nếu con cái không lôi ông về, cơ hồ ông quét ra tận đường phố lớn. Cái tật thứ ba là ngáy ngủ. Trời cao đất dày ôi. Cái tiếng ngáy ngủ của ông, đêm càng tĩnh càng vang vọng, rền rĩ. Âm thanh ấy không trộn lẫn, không dung hòa hay không thể bị khuất lấp bởi bất cứ âm thanh nào của phố phường cả. Nó cứ chói lọi, sừng sững mà ngự trị trong nỗi ấm ức đến khổ sở của những người bên cạnh. Lúc ông thức thì chổi và điếu cày hành hạ người ta. Khi ông ngủ thì là tiếng ngáy.
Thế nên, ông vừa lên có nửa ngày, cái xóm nhỏ đã om sòm cả lên. Nhà kia chưa nghĩ ra cách gì cả, cứ ra vào trông chừng thái độ hàng xóm. Gian liền kề bên phải nhà kia là hai vợ chồng son vừa cưới nhưng chỗ này là nơi họ đã ở, đã sống thử với nhau cả bốn năm rồi. Dễ gì chuyển đi đâu. Mà thuê nhà giờ cũng rất khó. Nhà to, nhà mới cả căn thì còn dễ thuê, chứ phòng bình dân nho nhỏ độ hai chục mét vuông vừa cũ, vừa rẻ độ vài trăm nghìn một tháng thì khó thuê ra phết. Cô hàng xóm nhân lúc đi đổ rác, thấy ông cụ ôm khư khư điếu cày, rung đùi phả khói, bèn thẽ thọt, ngọt nhạt. “Bác vào trong nhà mà hút, ngoài này gió lắm ạ”. Ông cụ nhà quê cười tươi tắn rạng rỡ vì mấy ngày lên đây với con cái rồi, giờ mới có người bắt chuyện. Mà lại là chị chàng hàng xóm hay hón, mau miệng. Ông phấn khởi giãi bày. “Ối dào, gió càng mát. Cữ này, ở quê tôi đã cắt được cả gánh cỏ cá rồi ấy chứ. Ở trên này, chết thật, con với cả cái, chúng nó ngủ ươn hết cả người, mặt trời chói lọi ra rồi còn chưa dậy”. Cô kia thở hắt ra. “Nhưng mà bọn cháu làm ca đêm mệt lắm bác ạ”. Ông già gật gật, có vẻ hiểu vấn đề. Cô kia tranh thủ trình bày cái suy nghĩ đã ấp ủ từ lâu. “Từ giờ bác không phải quét cái ngõ này đâu ạ. Sáng ra, nhân viên môi trường đô thị họ khắc quét dọn sạch sẽ”. Ông già giẫy nảy. “Ấy chết, rác mình thải ra, lại bắt người ta dọn dẹp là thế nào? Không được đâu. Tôi là tôi phải quét, phải sạch sẽ. Ở nhà, sáng nào tôi cũng quét ra đến tận nhà văn hóa mới thôi”.
Cô ta tịt ngòi, te te chạy về mách chồng. Chẳng biết được chồng tư vấn thế nào mà cô ta cứ đứng ở hè buông những lời mát mẻ, bóng gió, xa xôi. Rằng, con cái, đã trót rước cái của nợ nhà quê lên thành phố, thì cũng phải biết đường mà góp ý, chỉ bảo bố mình chứ. Đằng này… Nhà kia, thấy thái độ hàng xóm đầy vẻ ấm ức, miệt thị, thì cũng bàn nhau lựa lời khuyên bố. Chồng đùn vợ, vợ đùn chồng. Kết cục là chị vợ phải đảm đương cái việc được cho là “mạo hiểm” này. Chết nỗi, chị kia là nhân viên của công ty quặng, quen chém to kho mặn đến cả lời nói, nên tuồn tuột phun ra một tràng. “Bố mà cứ như thế này thì hàng xóm chẳng ai nhìn mặt vợ chồng con nữa đâu. Không khéo ông chủ cũng tống cổ cả nhà ra đường, không cho thuê nữa. Năm ngoái bầm lên đây có hai tháng, chúng con đã khốn khổ vì bầm rồi. Giờ đến bố…”. Ông bố nghe con dâu nhắc đến từ “bầm” thì chạm nọc. Ông rướn cổ lên. “Bầm chúng mày làm sao hả? Chúng mày không điện đóm, lạy lục, dễ mà chúng tao vứt việc nhà quê một đống đấy để lên đây nghe chúng mày nha nhiếc, róc ráy à? Đã thế, mai tao về”. Anh con giai thấy bố làm già thì xuống nước. “Bố ơi, nhà con không có ý đó đâu. Chẳng qua là ở đây chín người mười làng, bố giữ gìn cho chúng con được bao nhiêu thì bọn con được nhờ bấy nhiêu thôi ạ. Với lại, con nghe nói, cô ta mới có bầu thì phải. Nên mới làm quan trọng thế. Chứ mấy năm trước, bố hút thoải mái, có ai ý kiến gì đâu?”. Ông có vẻ hạ nhiệt. Thằng út học hết lớp chín đi làm công nhân, xa nhà biền biệt, nhưng được cái biết thương xót bố bầm, thế là cũng có phúc rồi. Phải cái con vợ nó, ăn nói nhốn nháo, chướng tai. Nhưng mà chấp chúng nó, thì chấp cả đời. Ông cũng tính rồi, ở chơi độ vài hôm, đỡ nhớ con, nhớ cháu rồi ông lại về thôi. Vườn tược, ao bèo, mảnh sân, con ngõ và đàn vịt. Nghèo nhưng mà yên ả.
Ông chui vào nhà, ôm cái điếu cày lên gác. Căn gác bé tí, lỉnh kỉnh quần áo mùa đông và chăn chiếu cũ. Nếu chỉ để ngủ thì cũng còn tạm được. Vì lúc con người ta nằm xuống, duỗi chân duỗi tay ra, là lúc chuyện rộng hẹp chẳng còn nghĩa lý gì. Nhưng mà, thêm cái điếu cày. Thêm cái xô nhựa để xỉ bã thuốc và hứng nước điếu cho khỏi tóe tung thì cũng là một vấn đề lớn. Ông loay hoay lục đục trên đó chừng hai chục phút thì cũng ổn cả. Tiếng điếu cày sôi lên, con bé lên mười ôm miệng ho sặc sụa. Thằng bé lên sáu thì reo lên. “Sương mù vào đầy nhà mình rồi mẹ ơi”. Chị kia nuốt cục ấm ức trong họng, quày quả đi ra sân, tiện tay, véo chồng một cái đau điếng. Anh chồng hiểu ý, dùng ánh mắt trấn an vợ, ý là mẹ mày phải cho ông cụ thời gian chứ. Rồi đâu sẽ vào đấy. Chị kia nín lặng. Chịu đựng mãi cũng thành quen. Cái thói nhà quê, ông nào chả thế, vừa tinh vi, vừa bướng bỉnh, rất khó lay chuyển. Rồi chị lỉnh đi đâu đó để hai bố con nói chuyện được tự nhiên.
Cái hộ liền kề bên trái nhà kia là hai mẹ con chị chàng có chồng bị tai nạn giao thông mất hồi năm ngoái. Mẹ lưng lửng bốn mươi, chưa già cũng chẳng trẻ. Con gái thì đã kập kê và loáng thoáng bóng bọn con giai đến câu kéo tán tỉnh rồi. Hình như mẹ con nhà ấy nghe được chuyện anh hàng xóm đang đàm phán với ông bố thì phải, nên lặng lẽ tắt cái nhạc chịch chịch chát chịch từ cái điện thoại Tàu đi, để nghe cho rõ. Chị này khôn, chả bao giờ ra mặt cho mất lòng mất bề cả. Hôm rồi, gặp cái cô mới cưới ở buổi chia tiền điện, tranh thủ lúc chị kia chưa có mặt thì nói ý tứ. “Dạo này chị mất ngủ quá. Cứ khoảng bốn giờ sáng là đột ngột thức giấc. Mà em bảo, ca kíp đến hai giờ mới về. Cứ thế này thì rối loạn tiền đình, rồi ra đường, ô tô đâm mất mạng”. Cô mới cưới lừ mắt. “Chị cứ để em”. Có thế chứ. Không phát tín hiệu thì biết bao giờ họ mới hiểu ra vấn đề? Đành rằng, nhà nào chả có cha già mẹ yếu, nhưng mà cứ thánh tướng hùng bá như thế, thiên hạ ai chịu được.
Thế rồi, một buổi, gặp nhau ở hàng rau muống, chị góa ướm hỏi nhà kia. “Độ rày ông cụ đi đâu mà tôi thấy vắng tiếng điếu cày? Cũng nhơ nhớ”. Nhà kia thở dài. “Cụ vác điếu ra tận ngoài bờ sông hút rồi. Nói thật, tôi cũng ù cả tai, chứ có sướng gì? Thôi thì các bác thông cảm cho vậy. Chứ biết làm sao bây giờ”. Chị góa áy náy. “Thế còn cái chổi cọ? Tôi vẫn thấy ngõ sạch mà lại không thấy tiếng chổi quét của cụ là sao?”. Nhà kia buồn buồn. “Cụ nhặt rác bằng tay rồi cho vào thúng, mang ra xe của môi trường mà đổ chị ạ. Đúng giờ giấc lắm”. Chị góa hơi bần thần. “Hình như ông cụ đã chữa được cái chứng ngáy ngủ rồi thì phải. Ơn giời, tôi ngủ đẫy giấc, lại lên cân rồi, chứ độ trước, thiếu ngủ, gầy rộc đi”. Nhà kia cười nhạt, thì thào. “Là tôi bảo cụ khi ngủ thì đeo cái ba lô vào. Cụ có cái ba lô cũ từ hồi quân ngũ ấy. Đeo vào để không thể nằm ngửa ra. Nên cũng bớt ngáy”.
Tình hình đang trật tự, yên ổn, mọi việc đang thuận buồm xuôi gió như thế thì một hôm, cái cô mới cưới chồng ấy, bất chợt khiến cả xóm xôn xao cả lên chỉ vì cái tiếng nôn ọe. Cô ta ọe vào bất cứ lúc nào cô ta trở về xóm trọ. Cô ta ọe to đến nỗi, đang bữa ăn, nhiều người phải dừng và cơm, dừng nhai, dừng nuốt. Nhà kia, vợ liếc chồng. “Gớm, làm như mình nó mới chửa, mới nghén”. Thằng cu út nhà này nhìn ông và hỏi. “Ông ơi, con gì chui vào mồm cô ấy hả ông? Mà cô ấy ọe to thế?”.
Ông cụ bỏ bữa, đi sang nhà cô ta, thò đầu vào. “Này, bác hỏi khi không phải cháu đừng giận. Có phải cháu ghê cái mùi mắm tép bác chưng mỗi chiều không?”. Cô kia ôm ngực, thều thào sau một hồi nôn ra cả mật xanh, mật vàng. “Dạ, ọe, đúng rồi ọe…”.
Ông cụ lật đật trở về. “Thôi cứ bịt cái vại mắm vào chúng bay ạ. Chờ người ta qua kì khó ở rồi ăn. Càng chua càng ngon mờ”. Chị con dâu thở dài. Cái món mắm tép chưng là món khoái khẩu của chị. Chỉ cần một bát nhỏ chưng lên là chị vạng liền ba bát cơm mà chả cần đến canh rau gì. Giờ phải nhịn đi, làm sao ấy. Ngày xưa, chính món mắm tép này bỏ bùa chị, khiến chị muốn làm dâu nhà anh, để mãi mãi được ăn món mắm từ tay mẹ anh làm. Hồi chửa thằng cò, chị cũng ghê đủ thứ. Cà muối, rau dưa, đậu phụ, mì tôm, kem đánh răng, cái mũi bắt được mùi là cái miệng nôn ngay lập tức. Chị xanh rớt như đài rau héo vì ăn gì cũng nôn ra hết, bỗng mẹ chồng lên chơi, đem cho vại mắm tép. Như kẻ chết đuối vớ được cọc. Chị băm thịt, rang với mắm để ăn cơm, ăn no đến độ phải dội nước mới ngủ được. Thế quái nào mà con bé kia lại sợ mùi mắm chứ?
Mấy ngày cô chửa dừng nôn ọe, xóm ba nhà được nhờ, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc hẳn. Được vài hôm, cô ấy lại lên cơn nôn ọe. Lần này, những tưởng ruột gan, lòng mề cô cũng chui ra theo, chứ nói gì đến hài nhi bé bỏng trong bụng. Ông cụ lại lọ mọ đi sang, thò đầu vào cửa hỏi khẽ. “Này cháu, có nhẽ cái mùi tương kho cá không hợp với cháu phải không?”. Cô kia thều thào. “Vâng, bác làm ơn làm phúc đừng để cháu thấy mùi tương ạ. Cháu chết mất”…
Suốt cả tháng, nhà này kiêng mắm tép, kiêng tương, kiêng phi tỏi hành, kiêng măng chua, kiêng rang lạc… Vại mắm tép bị động đũa giờ có biểu hiện mốc, phải đổ đi. Xót hết cả ruột. Chai tương quê hôm nào đỏ chót, ngon thế, giờ quá tuổi chua loét… Suốt cả tháng đeo ba lô lúc ngủ và chỉ nằm nghiêng, người ông đau dừ, nhức nhối. Ông cụ gầy hẳn, vì những món đưa cơm của người nhà quê bị loại khỏi bữa ăn thường ngày. Ông nhếu nháo qua bữa với miếng đậu phụ trắng chấm muối. Ai đời, tường gỗ ván ép thì mỏng, lại dính liền vào nhau, bên này hắt hơi, bên kia còn nghe thấy. Biết phải làm sao. Rồi một ngày, ông cụ lăn ra ốm, nhà kia lo cuống cả vó. Từ quê, biết tin ông ốm, bà cụ khăn gói quả mướp tức tốc bắt xe ngược thành phố. Hai vợ chồng nhà kia run nhong nhóc, lấm lét nhìn nhau.
Không phải họ sợ những câu tra vấn của bà kiểu như: “Chúng bay chăm nom ông ấy thế nào để ông ấy ốm yếu và gày đi mấy cân thế này?”. Hay “Chúng mày lại nặng lời với bố chứ gì? Con ơi, nước mắt chảy xuôi, sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy, liệu đường mà ăn ở cho phải đạo”…Mà họ lo, một nỗi lo chẳng dễ gì nói ra.
Chị góa đứng cửa, chào rất lễ phép. Bà cụ xởi lởi đáp trả rồi hỏi con dâu. “Thế đã thuốc men gì cho bố mày chưa? Khổ quá, cứ rời cái tay tao ra là lại ốm o ngay thôi. Đã bảo rằng ở nhà, để người ta đi thay cho thì cứ tranh đi bằng được”. Tiếng ông cụ ho yếu ớt trên gác. Bà để đồ đạc, quà cáp nhà quê lỉnh kỉnh xuống nền nhà rồi thoăn thoắt leo lên căn gác nhỏ tối um rồi sờ đầu, sờ chân ông cụ như mẹ khám trẻ lên sởi. Lát sau bà tụt xuống, miệng lẩm rẩm. “Sốt rồi, bốn mươi độ là ít. Đi kiếm ngay cho bầm ít lá nhọ nồi”. Chị kia tất tả chạy ra bờ sông. Trong lúc chờ đợi, bà vừa vãn chuyện, động viên ông, vừa xổ ra lòng nhà chật hẹp vô khối là quà quê. Mấy quả bí ngô nho nhỏ giống mới, quả một bữa, thật vừa nồi. Hơn chục cái bát sen mới ngậm ngọt. Cân đỗ đen để nấu chè. Vài cân gạo nếp. Ba nải chuối chín, quả móp, quả gẫy thìa lìa. Chục bánh dợm. Chục na chín tới. Cả lọ mắm tép nữa. Bà nhìn nải chuối gẫy mà xuýt xoa tiếc rẻ. Chỉ tại cái thằng nhà xe thôi, đã dặn rồi mà nó không nhẹ tay cho. Còn tất cả thì đều mười phần vẹn mười.
Ông lẩy bẩy tụt xuống, nhìn đống quà quê mà mắt sáng lên. Chị góa đứng cửa nhìn vào, tấm tắc. “Chả có ai thương con, thương cháu như ông bà đây cả”. Bà mãn nguyện lắm. Chị kia chạy về, tay cầm một nắm cây nhọ nồi, cả lá cành gốc rễ. Bà đem ra hè, nơi quây miếng tôn làm bếp để rửa ráy và giã nhỏ ra. Nước thì hòa thêm chút đường cho ông uống, bã thì gói vào khăn bịt ngang trán ông. Tịnh không có một câu trách mắng nào cả. Anh con giai vừa đi làm về, thấy nhà cửa vui vẻ thì cũng yên lòng. Bà giục con dâu. “Rang mắm mới mà ăn con ạ, thơm ngon lắm”. Chị kia vâng vâng dạ dạ nhưng không dám vì sợ cái cô chửa lại nôn ọe ầm ĩ.
Buổi tối, khi chị kia làm ca, ở nhà, mẹ con, bà cháu tâm sự thế nào mà bà nắm bắt hết cả tình hình thời sự của cả xóm. Trưa hôm sau, đợi lúc cô chửa con so đã ngủ dậy, nhóm bếp làm cơm ăn, chuẩn bị đi làm thì bà rón bước sang. Bà mang theo mấy cái bát sen, hai quả na và quả bi ngô, gọi là có tí quà quê. Họ trò chuyện vui vẻ lắm. Bà dặn cô ta kiêng thứ này, kị thứ kia, để mẹ khỏe, con khỏe. Đang vui vẻ thế, bất thình lình, cô chửa chạy vào trong nhà vệ sinh, nôn mửa. Bà cụ chột dạ lò dò đi về. Rõ ràng là nó chưa ăn na, cũng chưa đưa cái gì vào mồm trước mặt bà, tại sao lại nôn chứ?
Bà cụ ở chơi một tuần, cô chửa nôn một tuần, mặt mũi tái xanh tái tử. Lạ lùng đâu cái giống người có chửa lại ghê cả mùi hàng xóm. Chị con dâu lấy làm ái ngại, sang tận nơi dò la. Cô kia thừa nhận, không chỉ sợ mùi trầu thuốc mà còn sợ cả cái mồm nhai trầu đỏ ngoe ngoét của bà, sợ cả mùi người già. Chị con dâu tái mặt. Suốt mấy đêm rồi không ngủ được, mà cứ hễ chợp mắt là lại nhìn thấy cái miệng bỏm bẻm nhai trầu của mẹ chồng, thấy quyết trầu vương vãi khắp hè và đỏ lòm trong cái ống nhổ. Phải làm thế nào bây giờ? Trầu thuốc là món mẹ chồng chị nghiện đã mấy chục năm nay rồi, giờ bảo cụ bỏ vì một đứa hàng xóm thì nghe lọt tai sao được? Mà nói ra chuyện này, chắc gì bà thông cảm cho? Nghĩ nát nước rồi, chỉ còn có một cách, để hạn chế cái sự nhai, sự nhổ nước trầu thôi. Chị kia tóm lấy cái suy nghĩ ấy như bùa hộ mệnh và mới sáng sớm đã vọt ra khỏi nhà. Và chị đã mua được thứ mình cần. Chị hớn hở đặt vào tay mẹ chồng cái cối giã trầu bằng đồng mới toanh, khéo léo trình bày. “Bầm chịu khó giã trầu cho nhuyễn rồi hãy ăn bầm ạ. Đỡ hại răng. Mà bầm ít ra ngoài thôi, đừng sang phòng người ta nữa, cô ấy kiêng gió máy”. Bà cụ ngước nhìn con dâu, buông rơi miếng trầu trên tay xuống đất. Đến nước này thì bà cụ nổi cơn tam bành, nước mắt nước mũi giàn giụa. “Cối là để dùng cho người không có răng, tao đây, răng đầy mồm mà lại giã trầu để thiên hạ cười cho à? Mày vừa phải thôi. Năm ngoái thì mày bảo bầm thế này thế nọ, cứ kà kê chuyện nhà cửa, khoe con, khoe cháu, hứng tè việc hàng xóm như chạy củi, kéo quần áo, đun nước… Rồi thì chuyện nhặt rau già, ăn cá cả ruột, rán mỡ cháy khét cả nhà hàng xóm. Tao lên đây thăm con, thăm cháu và xem ông ấy đau ốm thế nào, chứ không phải lên đây để đi làm dâu cho hàng xóm nhà chúng mày. Chúng mày đừng có khinh, có thịa người nhà quê như thế chứ. Tao sẽ về, cho chúng mày trọn vẹn ý ăn ý ở với người ta”.
Bà nói dứt tràng thì ném ngay cái bộ cối giã trầu vàng chóe ra ngoài sân lăn lóc cóc. Anh con giai vứt cái búa bổ củi chạy vào, nghe rõ sự tình thì xót mẹ, giơ nắm đấm lên, nạt vợ. “Mẹ tôi chưa rụng hết răng đâu mà cô phải báo hiếu bà theo cách ấy. Đừng thấy nó thí cho cô vài cái quần áo mặc chật, lỗi mốt mà cô tưởng nó là chị em tốt mà khi dễ mẹ tôi. Đừng thấy nó nhường cho một chỗ đất để cái bếp than mà tưởng nó là thánh tướng ban phát. Mẹ tôi con đàn cháu đống, tóc bạc cả rồi, không cần cô phải dạy bà cái ý ăn ý ở. Nó nôn ọe thì mặc xác nó nôn ọe, ảnh hưởng gì đến ai? Hả? Đừng có hỗn”. Chị kia đứng đực mặt nhìn người chồng đầu gối tay ấp bỗng dưng như muốn ăn sống nuốt tươi mình chỉ vì dám khuyên mẹ chồng dùng cối giã trầu. Thế gian nói đâu có sai “khác máu tanh lòng”. Rõ ràng là việc bà ăn trầu làm cho người ta sợ, người ta ghét. Bà đã chẳng nhận ra để mà ý tứ hơn thì thôi, con dâu nói cho biết thì lu loa lên, giận dỗi. Ông cụ vừa hoàn hồn sau trận ốm, đứng trước tình huống này thì cũng chỉ biết can ngăn bà cụ. “Ấy, là nó cũng có ý tốt, bà bình tĩnh lại đã, mình có thiếu gì cách cư xử với nhau đâu. Tôi xin bà, dĩ hòa vi quý vẫn hơn”. Nhưng tính bà cụ thế. Bà không nói thêm nửa lời, chỉ mau mắn thu dọn đồ đạc. Ông can bà không được thì cũng thu dọn quần áo theo bà. Được cái, đường xá bây giờ tiện lợi, đi được ngay và về cũng được ngay. Làm phiền chúng nó bấy nhiêu là quá lắm rồi. Ở quê, thừa mứa ra là việc. Lên đây, ngày hai bữa cơm, đưa đón hai đứa từ nhà đến chỗ học thêm, từ chỗ học thêm về nhà và giặt mỗi chậu quần áo. Nhàn quá, chẳng hư cả người ấy à. Có cái điếu cày làm bạn thì phải đem ra tận bờ sông, để không ảnh hưởng đến ai, đi lại nhiều cũng ngại, thành ra nhạt mồm nhạt miệng. Có cái chổi cọ thì phải gác thật cao lên. Hoặc lựa lúc cả xóm đi làm hết mới được mang ra quét. Một người đã thấy nhàn, thêm bà ấy nữa, ngày qua ngày chia nhau mấy cái việc cỏn con, ngứa ngáy chân tay, người ngợm, rồi lại sinh ốm, mất tiền thuốc, thật chả ra làm sao. Muốn trò chuyện cho khuây khỏa, nhưng các cháu, mang tiếng là nghỉ hè mà vẫn bận học ngày học đêm. Bố mẹ chúng cũng tít mù ca kíp đêm ngày. Có lúc nào mà chuyện? Chuyện linh tinh với hàng xóm thì chúng nó không thích. Mà người ta cũng chả có thời gian mà tiếp chuyện mình. Đã thế, mẹ chúng nó, lại mắc cái tật cố chấp. Con dâu vừa nói thế mà đã khùng lên. Cái phận đi thuê nhà thuê cửa, chúng nó khổ thế đấy. Thật là lòng dạ đàn bà khó lường. Lúc thì bồ tát, khi lại lạt buộc. Còn thêm đứa con dâu, cứ gọi là vụng hết phần thiên hạ. Cũng không biết đường mà nói cho mẹ chồng nguôi giận rồi giữ bà ở chơi thêm vài bữa. Vừa lên mấy hôm, lại lộn về ngay, hàng xóm dưới quê họ đánh giá lắm. Chả lẽ, lớn tướng thế rồi, ông cũng phải sui bảo mới biết chắc? Giá nó mở lời nói vài câu, rồi ông cũng vun vào theo, kiểu gì bà chả nghe ra điều phải trái? Đằng này, thằng chồng quát con vợ lấy lệ có mỗi câu, rồi bảo nhau im như thóc. Hay là chúng nó cũng nhân cái sự này mà tống cổ cả ông lẫn bà về cho êm chuyện? Thế đấy, làm dâu con cháu mình thì đã mệt, lại còn làm dâu cả hàng xóm nữa thì cực cho mấy cái thân già này quá.
Nhà kia tiễn bố mẹ về xuôi mà lòng dạ rưng rưng, ngổn ngang. Cũng chẳng biết thanh minh thế nào cho vừa lòng bố mẹ cả. Đêm hôm trước, ông chủ nhà đã cảnh báo. “Có mấy nhà ở với nhau thôi, không bảo ban nhau được, tao đuổi ráo. Ngày nào chả có người hỏi thuê nhà?”. Hai bên hàng xóm khi thấy ông bà dắt tay nhau về và còn ghé chào hẳn hoi thì cũng có vẻ ái ngại. Bà cụ sau khi vuốt ve hai đứa cháu một lúc rồi không nói gì thêm. Ông cụ tranh thủ dặn dò vợ chồng nhà kia đủ việc, nào là cố gắng tết nay cho các con về thăm quê, không có họ hàng, làng xóm bàn tán nhiều quá rồi. Nào là không phải sắm sanh gì hết, tết quê bây giờ đủ bánh, đủ thịt, rau dưa đủ hết chứ không khổ như ngày xưa đâu… Xe sắp chạy, chị con dâu bất ngờ nhảy lên xe, dúi vào tay ông cụ một cái túi vải be bé, thì thầm. “Bố cầm lấy giúp con. Cái cối giã trầu thôi mà. Để sau này bầm dùng cũng được”. Ông cụ cầm cái túi vải bằng cả hai bàn tay đang run bắn lên. “Ừ thôi, bố bầm về. Nhớ lời bố dặn mọi việc nhá”.
Chả biết ai đưa chuyện cái cối trầu xuống tận công ty mà chị kia cứ đến chỗ nào, chỗ ấy cũng dậy lên lời ồn ĩ. “Trông cái mặt, cứ tưởng hiền lành, mà hóa ghê gớm. Mẹ chồng răng còn đầy mồm nó đã mua cối trầu cho giã. Ý nó là bà mà cứ sang hàng xóm kể xấu con dâu, có ngày nó vả cho rụng hết răng”. Hai vợ chồng lại làm cùng một chỗ, chỉ có khác ca thôi. Anh chồng cũng hứng đủ những lời chẳng hay ho ấy mà không biết thanh minh cho vợ thế nào. Mấy lần gọi điện thoại về quê, nói thế nào mẹ anh cũng không chịu nghe máy, nên bao nỗi bực tức, anh trút đủ lên vợ. Thế là họ lại cãi nhau. Không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt, căng thẳng, dù chẳng còn tiếng ngáy, tiếng chổi cọ hay tiếng điếu cày.
Một hôm, chị kia dọn lại căn gác để lấy tấm chăn dùng cho mùa đông, thấy bên trong cái vỏ gối có gì đó cồm cộm. Chị giật bắn mình. Trấn tĩnh lại, chị mở khóa, thò tay vào, lôi ra một cái cối giã trầu bằng đồng mới tinh, giống hệt cái chị đã mua cho mẹ chồng. Thế này là thế nào? Đúng lúc ấy thì thằng bé đi học về. Thấy mẹ đứng sững giữa nhà, tay cầm cái cối giã trầu thì sốt sắng. “Mẹ cất đi cho bà. Của bà nội đấy. Cái hôm bà đưa anh em con đi chợ ăn kem, con thấy bà mua mà. Mẹ không biết à?”. Chị kia lúng túng. “Ừ, mẹ không biết gì cả”.
9/3/2019
Tống Ngọc Hân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...