Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Văn học trẻ ĐBSCL cần thêm những "Cú huých" để bứt phá

Văn học trẻ ĐBSCL cần thêm
những "Cú huých" để bứt phá

So với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Những tác giả có tác phẩm vượt qua khỏi ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, còn phần đông chưa có sự đột phá, chưa tạo được dấu ấn riêng.
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa tại hội thảo thơ và văn xuôi ĐBSCL
Có thể nói, văn học Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có một đội ngũ tác giả khá hùng hậu bởi sự nối tiếp của nhiều thế hệ với những gương mặt đầy tài năng và sung sức. Thế hệ những người trưởng thành trước năm 1975, có người nay đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn giữ được niềm đam mê với văn chương. Trong khi đó, các cây bút trưởng thành sau 1975 đang ngày càng chín về vốn sống và tài năng. Bên cạnh đó là đội ngũ những cây bút trẻ với nhiều sự tìm tòi, đổi mới đang hứa hẹn cho những sự cách tân trong văn chương thời gian tới đây. Sự xuất hiện nhiều hơn về số lượng tác giả và tác phẩm có chất lượng đã phần nào cho ta thấy rằng những tác giả trẻ đang dần tiến đến sự ổn định trong phong cách sáng tác, góp phần tạo nên diện mạo cho văn học ĐBSCL đương đại. Dòng chảy liên tục của văn học ĐBSCL hôm nay chính là sự tiếp nối của các thế hệ người cầm bút gắn bó với đất và người nơi đây.
Bám rễ trên vùng đất trẻ màu mỡ phù sa, văn học trẻ ĐBSCL đang cùng cả nước làm nên bức tranh văn chương đa sắc của những người trẻ bằng bản sắc độc đáo của vùng đất và con người Nam bộ. Văn học trẻ ĐBSCL đang bắt nhịp hơi thở của cuộc sống đương đại, đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau nhưng hầu hết tác phẩm của họ vẫn giữ được bản sắc vùng miền tạo nên nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, so với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Những tác giả có tác phẩm vượt qua khỏi ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, còn phần đông chưa có sự đột phá, chưa tạo được dấu ấn riêng. Những tác giả trẻ thế hệ 8X trở về sau này của ĐBSCL, về văn có thể kể đến Lê Minh Nhựt, Trương Chí Hùng, Hoàng Khánh Duy, Nghiêm Quốc Thanh, Trần Sang, Lê Quang Trạng, Trương Văn Tuấn, Huỳnh Trọng Khang, Phát Dương… Về thơ có Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Giang San, Huệ Thi, Nguyễn Đức Phú Thọ, Phan Duy, Vĩnh Thông, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Bàng… Lực lượng này chủ yếu tập trung ở những nơi có phong trào sáng tác trẻ phát triển mạnh, đặc biệt là An Giang với lực lượng rất đông đảo, nhiều cây bút đã tạo được “thương hiệu riêng” cho tác phẩm của mình.
Điều đáng nói là thế hệ vàng của văn học của ĐBSCL với tuổi tác đang ngày càng chồng chất, trong khi lực lượng trẻ kế thừa vẫn đang thiếu vắng. Nhiều nhà văn khi đi về cõi vĩnh hằng đã để lại một khoảng trống không gì có thể bù đắp cho văn học đồng bằng. Nhiều địa phương, dường như vắng bóng lực lượng viết trẻ cho nên Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra 5 năm một lần, nhiều nơi không sao tìm ra được dù chỉ một gương mặt tiêu biểu để giới thiệu tham dự. Những cuộc thi văn chương của khu vực đề ra mục đích tìm kiếm và phát hiện những cây bút mới nhưng đến lúc trao giải thì hầu như ít có những gương mặt thật sự mới. Các tác giả trẻ ĐBSCL có sách được in riêng đã hiếm, thì những tác phẩm tạo được dấu ấn, tạo được tiếng vang, được dư luận chú ý càng hiếm hoi hơn. Các cây bút sống ở 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL hầu như cũng ít có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong không khí dành cho văn chương thật sự khiến cho đời sống văn học trẻ đồng bằng không tránh khỏi sự buồn tẻ và đơn độc.
Theo tôi, sở dĩ như thế là vì việc kiếm sống bằng văn chương ngày càng khó. Thử thách về “cơm áo gạo tiền” đã khiến không ít cây bút trẻ đã phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem văn chương như là cuộc dạo chơi ngắn ngủi. Trong khi đó, tình yêu và sự quan tâm dành cho văn chương của nhiều bạn trẻ dường như không còn như trước đây, “đất” dành cho văn chương ngày càng bị thu hẹp, độc giả “mê” văn chương cũng không nhiều. Và, một điều nữa là việc tìm kiếm, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ nhiều lúc, nhiều nơi dường như vẫn còn bị bỏ ngõ, được chăng hay chớ, phần lớn vẫn chờ đợi những tài năng văn chương tự tỏa sáng, tự phát lộ mà không có những “cú huých” cần thiết, không có sự quan tâm hỗ trợ cũng như động viên khích lệ dành cho lực lượng viết trẻ.
Sáng tác là công việc tự thân và tài năng của mỗi người chính là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của họ. Thế nhưng tôi nghĩ, cũng rất cần những “cú huých” từ nhẹ cho đến mạnh, từ ngắn hạn cho đến lâu dài… bằng sự quan tâm thật sự đối với lực lượng viết trẻ. Con đường của người viết văn, làm thơ dường như nhiều chông gai và phải lao tâm khổ trí, vất vả cực nhọc nhiều hơn những công việc khác nên rất cần có những sự quan tâm khích lệ và tạo động lực. Theo tôi, vườn ươm lực lượng viết trẻ vẫn chính là các CLB Văn học, các diễn đàn trên internet và các nhóm văn chương trên mạng xã hội nhưng chúng ta cần phải có sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía để nó có thể phát triển mạnh mẽ và đúng chất hơn. Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật địa phương cần tạo điều kiện về kinh phí hoạt động đồng thời phải thường xuyên theo dõi, uốn nắn và phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ có triển vọng làm hạt nhân cho phong trào. Và dĩ nhiên khi có phong trào sôi nổi thì chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra những hạt ngọc văn chương lấp lánh.
Có thể thấy, An Giang với sự ưu ái phong trào sáng tác trẻ hơn 10 năm qua đã góp cho văn chương đồng bằng rất nhiều “hạt ngọc” quý. Nhiều hoạt động sôi nổi của phong trào sáng tác trẻ như họp mặt, giao lưu, trao đổi sáng tác, đi thực tế sáng tác, tổ chức các trại viết, tổ chức giải thưởng cho các giả trẻ, đầu tư hỗ trợ tác giả xuất bản… là những “cú huých” mạnh mẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho phong trào sáng tác trẻ của tỉnh. Nhiều tác giả trẻ của An Giang hiện nay đã có vài đầu sách cầm tay và tên tuổi được giới văn chương cả nước biết đến. Nếu phong trào sáng tác trẻ ở các địa phương khác cũng có những hoạt động sôi nổi như ở An Giang, tôi tin rằng văn học trẻ đồng bằng sẽ có những chuyển động, nhiều bứt phá và sẽ không có những “khoảng trống thế hệ” như hiện nay.
Trong hoạt động liên kết về văn học nghệ thuật ở ĐBSCL được duy trì tốt hơn 30 năm qua, nên chăng cần có những cuộc thi dành riêng cho các cây bút trẻ. Như ở Tiền Giang, cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang dành cho các cây bút trẻ dưới 35 tuổi qua 3 lần tổ chức đều rất thành công, phát hiện ra được nhiều gương mặt thơ đầy triển vọng. Tôi nghĩ, nếu có được một “sân chơi” phù hợp, các cây bút trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ mình hơn. Các tạp chí văn nghệ địa phương cần “quy hoạch” đất dành đăng tải giới thiệu thường xuyên tác phẩm của những cây bút trẻ, để họ có nơi dụng võ. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật địa phương cần đặt mục tiêu việc phát hiện, đào tạo lực lượng sáng tác trẻ lên hàng đầu, có những “cú huých” cần thiết để tác động vào phong trào sáng tác trẻ, tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ trên con đường văn chương đầy chông gai và nhọc nhằn. Cũng giống như các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, những người viết trẻ cũng rất cần một “chốn đi về”, để họ không phải “hờn tủi” vì tình trạng thiếu vắng các “sân chơi” văn chương dành cho mình như trong suốt thời gian qua, để được sống trong không khí văn chương, để được thỏa mãn khát vọng sáng tạo, bứt phá và khẳng định bản thân mình.
26/8/2019
Trương Trọng Nghĩa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...