Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Thơ của những hóa thân hay của mùa tuyệt vọng

Thơ của những hóa thân
hay của mùa tuyệt vọng?

(Đọc Đã là một phiền toái của Ng. anhanh, Nxb. Đà Nẵng, 2019)
Đã là một phiền toái (Such a nuisance) đến vào những ngày nắng gắt. Bìa đỏ, hình xanh vung vãi mảnh. Bật lửa hay điện thoại, hay que kem? Chẳng biết. Tập thơ 24 bài đánh số, Việt ngữ và Anh ngữ song song. Nhà thơ ng. anhanh ra mắt tập thơ đầu tay với chân dung đẹp, hiện đại, cái nhìn rất thẳng. 
Bìa tập thơ Đã là một phiền toái
Chắc là những bài thơ này đã in trên facebook nên nhận được những comments của những nhà thơ tên tuổi, được in vào sách. Ý Nhi nói về sự phơi bày “không che chắn, không gìn giữ”, “cứa vào lòng những ai đọc cô”. Hoàng Hưng cho rằng đây là “thơ tự phân tâm”, Lý Đợi gọi là “thơ tự thú”. Tôi tự hỏi phải chăng tác giả có tuyên bố về điều ấy. Căn cứ nào để đồng nhất nhà thơ và nhân vật trữ tình của mình? Thần thái ng.anhanh tràn đầy sinh lực. Nét chữ toát ra sự bình an.
Vậy nên có thể nhìn thấy nơi đây những hóa thân chăng? Những hóa thân nào buộc Ng. anhanh cất lên tiếng kêu: Đã là một phiền toái. Một nhan đề mở làm bật ra câu hỏi: Cái gì đã là một phiền toái? Con người, cuộc sống này, thân xác này, hệ lụy này? Lời đề từ hé mở về một cảnh báo: “ngày mai tôi muốn thấy mình đổ quỵ”.
Là cái ngày mai đến từ hôm qua và hôm nay. Cái tôi ấy đã đón nhận những gì để chấp nhận bó tay, buông mình?
Khả năng tự biết của người đàn bà này không mờ nhạt. Chị nhận ra “những cái lồng”, nơi giam giữ chính ta, ta tồn tại bằng kẻ khác từ thân thể đến nội tâm, chỉ có nỗi cô đơn là có thật. Tiếng kêu vọng ra từ căn phòng tự nhốt, niềm cầu mong “ai đó gọi tên mình”, với “một chút an lành”, “một ít quan tâm”. Có vẻ như mọi tương giao đang đứt gãy, và người đàn bà luôn thấy mình ở vị thế nạn nhân (của đắng cay, dối trá, khốn cùng), rồi xem đó như là định mệnh: “Rồi cũng chấp nhận/ Tổn thương là sở hữu vô giá. Của số phận/ Tôi đánh đu với vực thẳm/ Bằng cuộc sống sợi dây mỏng manh”, từ định mệnh của một người, chị phóng chiếu lên thành định mệnh của giới: “Đàn bà tổn thương, đàn bà đắng cay, đàn bà hời hợt”.
Với tình yêu, dù họ đang là tình nhân hay vợ chồng, có mối quan hệ đầy xác quyết: “Bí mật của tôi là anh/ Tận cùng của tôi là anh/ Hoang tưởng của tôi là anh/ Đừng khóc trước mặt kẻ lạ/ Anh/ Nỗi cô độc của tôi/ Trần gian của tôi”; hạnh phúc trong người đàn bà này chỉ còn le lói chút hồi quang ký ức: “Em nhớ từng ngóc ngách của căn chung cư Duy Tân cũ nát/ Những buổi sớm mai bình yên hiếm hoi/ Nằm tận hưởng tiếng ve kêu/ Cửa khóa trái/ Nơi khơi nguồn đớn đau/ Nơi khởi nguồn hạnh phúc”. Một khủng hoảng của thời yêu, quấn quýt không còn, bên nhau rời rã, phải bật lên lời hỏi: “Chúng mình đã quá tuổi trao những ân cần chưa anh?”, người đối ngẫu đông cứng: “Anh/ Như một tử thi thầm lặng”; và cả hai cùng câm lặng mà “tan chảy”mà chẳng hiểu vì đâu. Lý do có mặt, niềm vui tồn tại trong nàng mờ đến chưa từng, nỗi hoài nghi bản thân lớn dần cho đến lúc lời tuyên bố rõ rành, nhan đề tập thơ được giải mã: “Sự có mặt trên đời này của tôi đã là một phiền toái” Phiền toái với ai? Với anh, với mọi người và với cả chính tôi. Nỗi tuyệt vọng từ đó đến, ý nghĩ tự hủy, được lìa bỏ, được ra đi trở nên mãnh liệt trong nàng: “Em uống lệ mình/ Tự sát”, “Một bước nữa thôi để chạm đến mái tôn sờn rách”, “Tôi muốn nằm bất động rất lâu/ Mãi mãi”.
Tôi và em, những xưng hô luân phiên cho thấy sự tỏ bày nằm trong độc thoại và đối thoại không ngừng. Dù hóa thân hay tự thú, nàng đang kỳ ốm yếu. Chúng ta có những kỳ ốm yếu không? Đời sống, tương giao, những va đập không ngừng, ôi những trái tim nhạy cảm! Cơn chao lắc cứ đến, và buồn, và hoài nghi, và thấy mọi cái đều vô nghĩa. Thơ là cái neo nàng lại với đời chăng? Có lúc nàng thấy thơ ca là “câu chữ viển vông chắp nối.
Nhưng hãy đừng quá lo âu. Người đàn này luôn tự vấn để mà không buông mình chìm vào bế tắc: “Thật ra tôi đang sở hữu đau khổ của chính mình/ Hay chỉ quằn quại trong cơ hoại tử của kẻ khác?”. Anh vẫn còn đó bên đời để làm “Trần gian của tôi”. Với những dòng thơ dữ dội này, hy vọng “trần gian” sẽ bừng thức, một ngày. Không chỉ trần gian của nàng mà cả những “trần gian” của ai đó, đang bị lạc nhịp trong đời sống lứa đôi, đang bị xiêu lệch vì những lo âu xã hội. Hãy nói với nhau, hãy cầm tay nhau, rồi mùa yêu lại trở về và nàng mạnh mẽ bước đi, hạnh phúc…
4/8/2019
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...